Câu chuyện xây cầu với thép bị mỏi

Vietsciences- Nguyễn Thanh Lâm          21/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

Trên nền đất yếu, thật không dễ dàng xây những cây cầu, dù là cầu Bailey. Tấm lòng của những chuyên gia trung hậu, ở một đất nước còn ngổn ngang hy vọng và thất vọng, đã buộc tôi ghi lại câu chuyện này, như một nhịp cầu từ trái tim đến trái tim, dù thép bị mỏi !

Trên đường từ Hà Tiên qua Long Xuyên, xe cộ bỗng từ từ giảm tốc độ rồi chậm rãi bò qua một cây cầu đang được tu sửa. Thoáng nhìn thấy một anh chàng ăn mặc rất bình dân đang ngồi trên ghế đẩu hút thuốc, mắt chăm chăm nhìn cây cầu với dáng vẻ nghĩ ngợi, ông bạn nối khố của tôi là giáo sư Nguyễn Thành Nhân (hiện giảng dạy tại Bochum/CHLB Đức) đã dừng xe tắp vào lề trống và lội bộ trở ngược lại, làm quen và trò chuyện.

Anh Nhân hỏi: Đây là một cây cầu Bailey theo kiểu Mỹ phải không ? (ghi chú: Quân đội Mỹ trong thế chiến thứ II xây loại cây cầu Bailey dã chiến với những chi tiết lắp ráp và tháo gỡ nhanh, vận chuyển dễ dàng qua địa điểm khác)

- Tôi biết, nhưng đây là một cây cầu do người Việt Nam xây sau này.

- Ai xây ?

- Tôi. Không chỉ cây cầu này mà còn nhiều cây cầu khác nữa.

- !!! ??? với loại thép gì ?

- Thép của Nga, sức tải chỉ 2700 kp/cm2, không như nguyên bản của loại cầu này.

Vị giáo sư việt kiều biết là mình đang nói chuyện với một đồng nghiệp kỹ sư và hỏi tiếp:

- Thế có vấn đề gì không ?

- Thép bị mỏi ( anh ta không nói thép cũ hay già, mà dùng một thuật ngữ chuyên môn là thép mỏi vì bị xì-trét năng động liên tục) và cây cầu lại quá lớn.

- Thế sao anh không làm những trụ cầu với đường kính 1m ?

- Cả nước Việt Nam không có thiết bị cho trụ cầu lớn, chỉ tối đa cho trụ cầu với đường kính 60 cm.

- Với cọc dài cho vùng này, anh sẽ gặp vấn đề liên quan đến tính vững chắc của nó, với nguy cơ bị gãy cọc.

- Đúng vậy, tôi biết, vì Lambda lớn quá.

Vị giáo sư giật mình như tay chạm phải điện nhẹ. Con chữ Lambda trong tiếng Hy lạp được sử dụng trong ngành xây dựng để chỉ độ gãy của trụ chịu lực, nghĩa là xu hướng gãy khi quá tải.

{Xin mở ngoặc ở đây: cọc khoan (khác với cọc đóng), được máy khoan hình ống đi sâu vào lòng đất, đặt cốt thép vào và đổ bê tông thành cọc.

Trụ cầu là phần trên mặt đất. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, tất cả trụ cầu lớn đều xây trên cọc vì đất ở đây toàn là phù sa, cọc phải đóng hoặc khoan cho đến khi đụng đến lớp đất (hay đá) có sức chịu đựng trọng tải của cầu. Ở Sài gòn có những cọc trụ cầu dài đến 125 mét.}

Thật bất ngờ khi gặp được một chuyên gia mộc mạc giữa một vùng sâu, vùng xa quê mùa, mà lại có những kiến thức căn cơ như thế.

Như Bá Nha gặp Tử Kỳ, hai người nói chuyện với nhau rất lâu. Sau 20 phút, anh Nhân biết rằng anh Đức tốt nghiệp Bách Khoa Sài gòn vào năm 1983 là một kỹ sư tuyệt vời, có cả những hiểu biết về đường thủy, vì đang làm việc cho một Khu quản lý thủy bộ . Sau 40 phút, anh Nhân giáo sư việt kiều biết rằng mình không cần phải kể hay nói gì thêm về công nghệ xây cầu hiện đại vì anh Đức đã biết rất rõ những thông tin chuyên ngành mới nhất.

Chia tay vì phải đi tiếp, giáo sư Nhân bắt tay thật chặt và nói thật lòng không chút khách sáo ngoại giao” thật là hân hạnh cho tôi khi được gặp anh Đức ở đây!” Anh Nhân nói với bạn bè mình: “ bao lâu còn có những người như anh kỹ sư tài giỏi này thì đất nước không thể lụn bại được ”.

Rất tiếc là tôi vẫn cứ lo lo và không thấm được cái tinh thần lạc quan vẫn biết là rất cần từ anh Nhân. Có lẽ vì tôi nghĩ đến cách làm việc đã dẫn đến sập cầu Cần Thơ và nghĩ đến nỗi buồn có thể gọi là Sầu Chung.

Tuy vậy, từ nay, tôi đã biết nhìn những chiếc cầu bằng trái tim.

Cầu Cần Thơ bị sập - Ảnh của Vietnamnet

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Thanh Lâm