Cũng còn nói về Gà |
Vietsciences-Cyclamen Trần 28/01/2005 |
Năm nay Ất Dậu, năm Tây lịch là 2005. Ðể ý thấy các
năm Âm lịch có can là chữ Ất
luôn luôn rơi và năm Tây lịch có số cuối là
5. Thật vậy, 1945 là Ất Dậu, cách đây
60 năm, 1955 là
Ất Mùi, 1965
là Ất Tỵ, 1975
là Ất Mão ....
Năm có can Bính thì số
cuối của năm theo Tây lịch là 6.
Như Bính Tuất là
năm 1946, Bính Thân là 1956,
còn 1966 là
Bính Ngọ. Và cứ xem lại lịch sẽ
thấy các năm có can Canh, thì số
cuối năm tương ứng bên Tây lich là số
0, can Tân
ứng với số 1,
Nhâm ứng với số 2,
Quý ứng với số
3, và lần đến can
Kỷ ứng với 9,
như 1949 là Kỷ
Sửu, còn Kỷ Hợi
là 1959.
Giải theo toán học:
Vì tên năm theo Âm lịch luôn luôn có 10 can, và số thập phân cũng có 10 số, từ 0 đến 9, nên giữa các Can và các số có sự tương ứng một giống một, không sai chạy vào đâu được. Vậy năm có Can là Ất luôn luôn có 5 là số cuối của năm Tây lịch tương ứng.
Năm con gà thật lắm chuyện. Ðâu đâu cũng thấy
nói về gà, Chẳng là gà hay bươi, bươi mãi làm sao
không nhiều chuyện được? Nhưng xem qua, đọ lại, thấy còn cái chưa
ai nói, thành ra mạn phép gà, vọc chạn cơm
nguội vậy.
Thầy Ba làm thuốc Nam, có tiếng là mát tay, chữa bịnh, bốc thuốc đâu trúng đó. Tuy vẫn có người nói "phước chủ, may thầy" nhưng ông cứ điềm nhiên, bắt mạch, hốt thuốc và căn đi dặn lại các món ăn nên tránh, hay không nên ăn nhiều. Hôm đến nhà ông Bá xem bịnh, ông dắt theo chú Năm, đệ tử có hạng của ông. Chú Năm cẩn thận, theo thầy rèn tập rất công phu, nên cũng gần được thầy cho ra riêng, mở tiệm làm thuốc, và thăm viếng một số thân chủ cũ của thầy. Thầy Ba vào thăm bịnh, ông nằm trên bộ ván gõ, đầu kê trên chiếc gối sành mua từ bên Tàu. Ông đưa cánh tay gầy guộc cho thầy Ba bắt mạch rồi thiểu não nói: "Sao hôm nay tôi hơi mệt!" Thầy Ba chăm chú nhìn mấy ngón tay đang chẩn kinh mạch ở cườm tay ông Bá. Hồi lâu, thầy để cánh tay ông Bá xuống bộ ván, đẩy nhè nhẹ cho tay vào sát chiếc mền đang nằm vắt qua nửa thân dưới. Thầy lập nghiệm rồi nhẹ nhàng sửa giọng: "Kinh mạch hơi loạn. Tại ông Bá không nghe lời tôi dặn, ông đã ăn quít, mà bịnh của ông thì kỵ thứ này!". Bà Bá vội chống chế: "Đâu có thầy. Ông nhà tôi kiêng khem kỹ lắm mà!". Nhưng thầy Ba lắc đầu: "Mạch chạy như vầy, thế nào cũng ăn hơn nửa trái quít Tàu. Tui coi không có sai đâu. Nếu chối, chắc tôi phải rút lui, không dám chữa nữa!" Ông Bá ngó bà Bá. Bà mếu máo: "Thầy làm ơn cứu giùm ổng. Thiệt tình hồi tối qua ổng có thèm quá, nên sẵn có quít Tàu đầu mùa, tôi cho ổng ăn mấy múi. Ðâu có dè là làm ổng bịnh thêm!". Thầy Ba chắt lưỡi, rồi kê toa, căn dặn mua thuốc về sắc trong nồi đất, còn chừng ba phân cho ông Bá uống. Chú Năm thấy toa thuốc toàn là các vị mắc tiền, nhưng thầy Ba bắt mạch đoán trúng y chang, thân chủ làm sao mà không tin, không phục được.
Về nhà, chú Năm rụt rè hỏi:
"Thưa Thầy, mạch chạy làm sao
mà thầy biết là ông Bá ăn quít, mà lại quít Tàu nữa?".
Thầy Ba ngó chú Năm: "Thiệt
chỗ thầy trò, với chỗ chú sắp ra nghề, thầy nói thiệt
cho biết. Dưới bộ ván có mấy cái hột quít, và
xê bên trong một chút, còn mấy
miếng vỏ quít còn tươi, chớ có gì đâu mà không biết!"
Ít lâu sau chú Năm ra nghề. Nhờ đâu không rõ mà thầy Năm, giờ đã bỏ được chữ chú để lên thầy rồi, cũng được tiếng là mát tay lắm, không thua thầy Ba bao nhiêu. Cho đến một ngày thầy Năm đến xem mạch hốt thuốc cho Quản Hai, ông này trước đi lính lên đến chức quản. Thầy và người bịnh cãi vã sao không biết, mà ông Quản đã theo tánh võ biền cũ, tay thoi, chân đá, làm người ta phải võng thầy Năm về cho thầy Ba nắn xương, bóp thuốc. - Khổ quá! Làm sao mà ra nông nỗi này? - Dạ tại tui dặn ổng kiêng không được ăn thịt gà, mà ổng không nghe, cứ ăn thịt gà. Tôi coi mạch bắt nọn, ổng chối ba, bốn lần, sau lại nổi xung đánh tui ! Bịnh gì mà dữ quá vậy? - Sao ông biết là ông ta ăn thịt gà ? - Thì ở bên cạnh cái đi-văng có cây chổi lông gà còn mới tinh! Không hiểu sao ở Việt Nam, mấy người mua ve chai, kiếng bể, lâu lâu cũng rao mua lông vịt mà không thấy ai mua lông gà nhưng ngoài chợ, mấy sạp bán xà bông, chổi bông lau, đều có chưng bán chổi lông gà đủ cỡ và kiểu lông màu sặc sỡ. Loại chổi lông gà này thường có hai cỡ. Một có tay cầm ngắn bằng mây, không quá nửa thước, để quét bàn ghế và các bộ ván ngựa hay đi-văng. Một có cán dài hơn hai thước, bằng trúc, thường được dùng để quét váng nhện trên trần, hay các vòm cửa sổ, cửa buồng, và cửa cái. Lông gà mái thường thuần một màu, lông gà trống thì hoa hoè hơn. Loại chổi lông gà cán ngắn còn được sử dụng làm roi để trị con nít. Quất đau lắm, trúng là lằn ngang, lằn dọc, đỏ hằn, hai ba ngày mới lặn. Ba đến năm roi là quá đủ, dẹp yên thói phá phách hay lì lợm của mấy chú nhỏ trong ba bốn ngày. Nhưng giờ nghĩ cũng tội cho con nít. Bắt ra nằm sấp trên ván, nhịp roi khe khẽ cũng đủ làm cho mấy đứa nhỏ yếu bóng vía rụng rời. Nghĩ mà thương. Qua Bắc Mỹ, loại chổi lông gà được thay bằng chổi sợi ny lông nhân tạo, cũng đủ màu sắc. Cán là nhánh trúc được quấn dây nhựa. Hay cái là chỉ dùng để quét bụi, không có ai dùng làm roi để dạy đám con nít. Cũng may. © http://vietsciences.free.fr Cyclamen Trần |
|