Đôi mắt thần

Vietsciences-Nguyễn Thị Chân Quỳnh   22/07/2007
 

Những bài cùng tác giả

Không rõ tôi bị cận thị từ bao giờ, chỉ nhớ hồi còn nhỏ chưa đầy mười tuổi tôi đã phải nằm đắp thuốc lên mắt. Khi đi học, ngồi cuối lớp không trông thấy chữ trên bảng, tôi rất sợ đi học. Đến lúc ở nhà khám phá ra, đưa tôi đi mua kính thì tôi đã đeo kính số -3,5. Đeo kính vào, nhìn xuống đất thấy ngay dưới chân mình có một cái hố sâu từ từ dốc ngược lên trước mặt. Biết là giữa nhà không làm gì có hố nhưng mắt thấy rành rành, tôi ngần ngừ rồi giơ chân lên bước xuống hố, dẫm đánh bạch một cái ! Phải mất một thời gian tôi mới hiểu tại chưa quen với kính.
Ở Việt-Nam tôi chỉ đeo kính mỗi khi nhìn bảng. Sang Pháp, quen lệ, đi đường cũng không đeo, xuống tầu hầm (métro) phải hỏi thăm đường, tôi cho là chuyện dĩ nhiên vì mình "lạ nước lạ cái". Cho đến hôm gp một người hỏi có biết đọc không, tôi nói "Có", ông hỏi :"Đã biết đọc sao không nhìn bảng chỉ đường ?". Từ đấy đôi kính không bao giờ rời tôi, thấm thoắt đã mấy chục năm. Cái kính đầu của tôi ở Pháp mang số -9, cái kính sau cùng, trước khi đi mổ mắt, là -16.
Có kính, tôi đi lại, đọc sách dễ dàng, chỉ khó khăn khi phải nhìn xa. Thời sinh viên, mỗi khi đi dạ hội, cô em vẫn phải nhắc :"Chị cười đi, người ta đang cười với chị". Tôi cười như một cái máy mà không biết mình cười với ai giữa cái biển đầu người nhấp nhô. Tôi hỏi :"Ai ?", "Ở chỗ nào ?" thì em tôi nói :"Thôi, người ta thấy chị không cười lại đã bỏ đi rồi".
Chuyện tôi đi ngoài đường gặp người lạ thì chào còn gặp người quen đi thẳng là thường. Tôi giải thích, có người thông cảm, nhưng số người giận tôi không phải là ít.
Khi sang Anh làm cho đài BBC, người bạn đi đón kể :"Mình thấy bà ấy từ xa, cười với bà ấy nhưng bà ấy cứ điềm nhiên. Mãi đến khi mình cười đã mỏi miệng, tắt cười rồi mới thấy bà ấy toe toét !".
Thấy người ta đi trượt tuyết, "thuyền đua thì lái cũng đua", tôi cũng ghi tên. Ai ngờ buộc giầy vào chân rồi là cái chân cứ chạy phăng phăng không thèm hỏi ý kiến mình mà đằng trước thì mịt mù (như tương lai của tôi) chẳng biết chỗ nào có hố mà tránh, tôi phải cố ý ngã lăn ra để dừng lại. Từ hôm ấy tôi nhận thấy mình khoái đi bộ ngắm cảnh hơn.
Đã hơn hai chục năm nay kính của tôi không thay đổi nên năm ngoái (1995), tôi có ý muốn mua một cặp thật tốt, thật đẹp, dùng mãn đời. Khi đeo kính mới, cô hàng kính hỏi có thấy rõ hơn không ? tôi ngạc nhiên thấy mờ hơn cũ. Tháo ra, lau, đeo lại, chưa đầy một phút kính lại mờ, hóa ra vì tôi quá mê có một cái kính thật tốt đã đặt họ tráng lên mặt kính đủ thứ thuốc, nào để đỡ lóa mắt, nào để nước mưa trôi đi không nhòa, nào để đỡ bị sây sát vv., vì thế kính trở nên khó tính, gặp nóng lạnh không vừa ý là làm mình làm mẩy, mờ đi, cả ngày tôi phải lau. Nhưng lau đi lau lại vẫn thấy mờ, bấy giờ mới biết bệnh đục nhân (cataracte) của tôi, chớm từ những năm tám mươi, đã trở nên trầm trọng. Tôi hỏi bác sĩ sao tôi chăm uống thuốc ngừa mà bệnh vẫn trở nặng thì ông cười :"Thuốc đã cầm bệnh cho chị hơn mười năm nay bây giờ mới trở bệnh, chị còn muốn gì nữa ?".
Tôi thù mấy cái bậc thềm đá của trường Viễn Đông Bác Cổ, trong con đường tối tăm, trước cái cửa kính dẫn lên phòng đọc sách. Thềm gì quái ác, bậc không viền mầu khác đến nỗi lần đầu đi xuống tôi suýt ngã bổ chửng vì tưởng chỉ là một phiến đá phẳng lì. Sau rút kinh nghiệm, trước khi bước xuống, tôi đưa một chân dò dẫm, nhưng nếu có người, dò dẫm hơi kỳ, tôi phải giả vờ đứng lại sửa áo, loay hoay tìm kiếm cái gì hay làm như mệt nhọc phải dừng chân để thở, đợi cho người ta đi chỗ khác. Dần dần tôi ít dám đi đâu.
Nhưng ngồi nhà nào có hơn ? Tôi đã từng rót nước ra bàn vì lẽ giản dị là cái cốc trong suốt nó nhìn thấy tôi nhưng tôi lại không thấy nó ! Đọc sách báo thấy chữ cứ mờ mờ nhạt nhạt, mấy lần tôi toan cầm bút yêu cầu tòa báo không nên hà tiện mực, giờ mổ mắt rồi bỗng thấy chữ đen nhánh, nét sắc sảo chói chang trên giấy trắng nhìn đến nhức mắt, mà cũng vẫn những tờ báo ấy ! Đánh máy thì trước kia phải cúi gầm đầu xuống, cổ mỏi ơi là mỏi, mà nào bài tôi viết có "tràng giang đại hải" gì cho cam ! Tóm lại, chuyện đi giải phẫu mắt đã trở nên khẩn thiết, dẫu sợ hãi cũng đã đến lúc không lùi được nữa.
Tôi đã từng đi mổ ung thư, từng đi nhổ răng, tuy không thích nhưng không lẩn trốn, riêng với đôi mắt thì tôi đặc biệt sợ hãi, chưa ai đụng đến tôi đã chớp, máy đo áp suất tiến đến đâu là tôi lùi đến đấy đến nỗi bác sĩ phải thò tay ra sau đầu tôi giữ lại và luôn miệng trấn an, mắt tôi vẫn chớp lia lịa. Lâu dần quen cũng đỡ sợ, nhưng tôi vẫn "khảng khái" từ chối không cho soi mắt, nó có nghĩa là đút vào mắt một loại kính để soi cái võng mạc (rétine) trong mắt có triệu chứng bị bong ra hay không ? Tôi kiếm đủ cớ để trốn tránh : nào là mới bị trọng bệnh trong người còn yếu, nào là vẫn còn trông rõ đường, nào là bận nhiều việc... Tôi đặc biệt chọn một bác sĩ người Việt để dễ "điều đình". Quả nhiên ông không ép, chỉ khuyên tôi nên nghĩ đến chuyện giải phẫu. Sau một thời gian trì hoãn, cuối cùng tôi thu hết can đảm đến cho ông soi mắt. May mắn mắt tôi chỉ bị cận thị nặng chứ không có tật khác.
Paris có hai bác sĩ nhãn khoa hàng giáo sư, nổi tiếng trong cộng đồng người Việt. Tôi chọn ông H.X.T. ở bệnh viện B. vì ông đã mổ cho khá nhiều người tôi quen biết, kể cả người trong gia đình, ai cũng khen. Vi quá sợ hãi, muốn "điều đình" nên tôi xin gặp riêng, và đã chuẩn bị tinh thần để ông đút kính soi mắt lần nữa. May sao ông chỉ dùng đèn soi từ bên ngoài, tôi nghĩ chắc nhà thương có máy tối tân.
Trước khi gp, tôi dò hỏi và suy nghĩ về vấn đề chữa cả cận thị lẫn đục nhân cùng một lúc. Có người, đáng tin cậy, khuyên tôi đừng, hay ít nhất cũng chữa đục nhân trước, sửa cận thị sau, song cũng có người đã mổ và sửa cả cận thị cùng một lúc nói ngược lại là "rất nên". Tôi phân vân, lưỡng lự, chưa kịp đặt vấn đề với ông T. thì chính ông gợi ra, cho biết gặp những trường hợp cận thị nặng như tôi ông thường khuyên nên chữa cả hai một lúc, cam đoan không có vấn đề gì cả. Tôi gặng :"Mỗi mắt mổ hai lần hay một lần ?". Ông nói mỗi mắt chỉ mổ một lần nhưng hai mắt phải mổ chỉ cách nhau khoảng mười ngày vì tôi cận thị nặng, mổ một bên khiến nhãn lực hai mắt chênh lệch nhiều quá không tốt. Tới mục "điều đình", tôi xin ông đánh thuốc mê cả người cho đỡ sợ, ông lắc đầu nói ông mổ xoành xoạch quanh năm nhưng cả đời ông chỉ đánh thuốc mê có mỗi một người mắc chứng si ngốc (mongolisme), ông nghĩ tôi không mắc chứng ấy nên ông sẽ không đánh thuốc mê mà chỉ đánh thuốc tê thôi, y như những con bệnh khác. Tôi cãi là tôi không giống người khác ở chỗ tôi sợ, ông bảo ai cũng sợ, tôi nói tôi sợ hơn mọi người, ông vẫn khăng không chuyển, nói nhỡ đánh thuốc mê đang mổ tôi giẫy thì sao ? Rút cục, tôi chịu thua. Sang tới mục "Phải ở nhà thương mấy ngày ?" ông nói mổ xong giữ lại một đêm, sáng hôm sau khám rồi cho về. Tôi xin ở lại vài ngày, ông trợn mắt (ấy là tôi đoán thế chứ trong phòng tối lù mù tôi có trông thấy gì đâu ?) hỏi ở lại làm gì ? Tôi bảo tôi thay băng một mình sợ không nổi, ông nói không có băng phải thay. Đến lượt tôi trợn mắt (lần này có thật) hỏi lại :"Không phải thay băng ?". Ông có vẻ thú vị : "Hăng vứt hết đi rồi, còn gì để thay ?". Điều đình thất bại, nhưng thấy ông cầm máy ghi âm đọc cho thư ký là sẽ hạ kính cận của tôi từ -16 xuống -4, tôi mừng quá quên hết mọi chuyện. Ví thử ông chỉ hạ bớt cho tôi chừng hai độ tôi cũng vui rồi, hạ tám, chín độ, tôi không mong ước gì hơn, nhưng hạ tới trên mười độ quả là ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thấy tôi tần ngần, ông cười :"Súc sắc đã gieo rồi, không lùi được nữa". Ông cho biết thời khắc biểu của ông kín mít, chỉ có thể mổ tôi ba tháng sau. Tôi còn mừng vì có thì giờ chuẩn bị tinh thần. Lúc ấy tôi chưa biết mình sắp bước chân vào một cuộc "phiêu lưu" ly kỳ, hồi hộp cho đến phút cuối, không kém gì truyện trinh thám của Agatha Christie !

 

Chị em tiền kiếp


Trước khi mổ, tôi phải trải qua một loạt khám xét, một phần để chuẩn bị mổ mắt, một phần vì trùng vào cuộc kiểm tra sức khỏe thường niên : chụp phổi, thử máu vv. Từ khi mổ ung thư, không ai dám chọc mũi kim tiêm vào cánh tay phải của tôi, mà than ôi, mạch máu ở cánh tay trái lại chìm, muốn lấy máu, trừ những tay thành thạo, còn gặp "tay mơ" họ sẽ chọc lên chọc xuống, ngoáy đi ngoáy lại, rút ra chọc vào để tìm mạch máu. Nghĩ đến cảnh lấy máu, tôi tính nên "khôn vặt" đem kết quả thử máu thường niên đến nhà thương chữa mắt, quả nhiên bác sĩ nói sẽ không bắt tôi lấy máu nữa. Thế là thoát một cửa ải !
Mục đo mắt (échobiométrie) đáng sợ hơn nhiều vì bác sĩ cầm cái gì trông như quản bút, dí sát tận mắt để đo, tuy không đau nhưng hết hồn, tôi chớp lia lịa. Sau bác sĩ phải dùng mẹo, cầm tay tôi đưa lên cao bảo nhìn vào tay, quả thật tôi bớt chớp. Nhưng đo đi đo lại cả nửa giờ, bà thở dài nói :"Một vùng hỗn độn như thế này bảo tôi đo sao được ? Mắt bà đã cận thị nặng, đục nhân lại dầy, bà phải đến bệnh viện L. tôi có dụng cụ khác đo cho bà chính xác hơn. Con mắt là trọng, không thể đo ẩu được". Dù rất ngại, tôi cũng đồng ý ngay. Ở bệnh viện L. tôi vẫn chớp mắt liên hồi khiến bà nóng nẩy, cuối cùng rồi cũng xong. Mượn cớ xin lỗi đã chớp mắt, tôi nhắc khéo bà là tôi sắp đi mổ mắt để bà nhớ chuyển kết quả đến bệnh viện B. cho kịp thời. Rồi mới yên bụng ra về.
Trước khi mổ, thấy tôi sợ, ai cũng dỗ :"Không đau đâu, nhanh lắm, chỉ mười lăm phút là xong. Bây giờ khoa học tiến bộ, người ta mổ như đi chợ, việc gì mà sợ ?". Tuy những người này có lòng tốt nhưng họ không hiểu tâm lý, tôi sợ nhưng không phải là sợ đau (đã đánh thuốc tê thì còn đau gì nữa ?), tôi sợ là sợ nhìn thấy dụng cụ, dao kéo lù lù đưa đến tận mắt... Chỉ có người bạn đã "từng trải" cho biết là lên bàn mổ người ta bịt mặt không nhìn thấy gì nữa.
Hôm nhập viện, tôi đã chuẩn bị tinh thần nên khá bình tĩnh. Vừa bước chân vào phòng, cô y tá đã bén gót đòi lấy máu, lại còn điểm mặt :"Tại sao bà không y hẹn đến gặp bác sĩ lo chuyện tiêm thuốc tê ?". Tôi cãi có đi, cô không tin vặn hỏi cặn kẽ đi ngày nào, thấy tôi nói rành mạch đã mang theo kết quả thử máu thường niên nên bác sĩ cho miễn lấy máu kỳ này cô mới nhìn lại hồ sơ, hóa ra cô lẫn tôi với một bà họ Nguyễn khác.
Đến chiều, một y tá vào hỏi :"Ở đây ai biết tiếng Pháp ?". Tôi ứng tiếng, cô dẫn tôi đến một phòng, nói với một bà người Á đông đang ngồi cạnh cửa sổ. Thấy bà không trả lời, tôi hiểu vai trò cô dành cho tôi, hỏi bà có biết tiếng Việt không thì bà tỏ vẻ mừng rỡ. Cô y tá liền trao cho tôi tấm phiếu mầu xanh trên đề tên Ngô Nguyệt, nhờ tôi giúp bà khai hộ thủ tục nhập viện. Khai xong, tôi dẫn bà về phòng giới thiệu với bà chia phòng với tôi cũng họ Ngô.
Chập tối, y tá đến lẳng lặng vén tay áo tôi đòi lấy máu. Tôi rụt tay lại cãi bác sĩ bảo không cần, cho miễn, cô cười :"Những kết quả bà mang đến còn thiếu một môn nên vẫn phải lấy máu". Môn ấy mọi năm tôi vẫn làm nhưng năm nay chính phủ Pháp bắt tiết kiệm nên bác sĩ của tôi tự ý bỏ đi mới thành ra thiếu. Tôi đành nhăn mặt, chìa cánh tay trái ra.
Đêm ấy tôi không ngủ được, không phải vì hãi sợ mà là vì bà bạn chung phòng ngáy dữ quá. Thoạt đầu còn tỉ tê nho nhỏ, nhưng lâu lâu lại đột nhiên ầm ầm như sấm động. Tôi nằm nhớ đến chuyện tiếu lâm kể một người đi nghe hòa nhạc thấy có lúc các nhạc công hình như ngủ gật, chỉ còn một người tỉnh cò cưa kéo đàn, rồi bỗng nhiên cả bọn giật mình thức dậy đua nhau kẻ vỗ trống, người đập đàn ầm ầm...
6 giờ sáng, tôi nhỏm dậy vào rửa mặt cho tỉnh táo, nhưng đang rửa bị y tá gõ cửa điệu ra, bắt nhường chỗ cho bà họ Ngô vì bà mổ lúc 10 giờ, tôi mãi 11 giờ mới mổ, phải để bà chuẩn bị trước. Cô ta đưa áo mổ rộng thùng thình cho bà thay, dặn trút bỏ hết quần áo lót, răng giả, nữ trang, kính vv. rồi giỏ thuốc vào mắt cho con ngươi nở to ra. Một lúc sau trở lại, giỏ thêm lần nữa rồi cho uống thuốc an thần. Đến giờ, họ bắt đầu đẩy giường đi thì y tá chợt thấy chân bà sơn móng đỏ chót, giẫy nẩy, bắt lau sạch mới cho đi.
Đến phiên tôi cũng thế. Y tá vào giỏ mắt cười cười :"Mắt phải", tôi cãi :"Mắt trái", cô lại nói :"Mắt phải", thấy tôi vẫn cãi, cô nhìn lại hồ sơ rồi cười :"Đúng, nhưng mắt trái của bà đối với tôi thành mắt phải vì tôi đứng đối diện". Và thêm :"Người Việt các bà làm chúng tôi điên đầu ! Cùng một ngày hôm nay có đến hai bà họ Nguyễn, hai bà họ Ngô. Mỗi lần làm gì chúng tôi phải kiểm đi kiểm lại thật kỹ. Bà có biết là ngay số giường của bà cũng bị ghi nhầm là của bà Ngô không ? Nhưng tôi biết nên đã sửa lại rồi, cứ yên tâm".
Tôi dậy trước bà Ngô mà lại mổ sau, thời gian ngồi đợi dài dằng dặc. Trời nóng nực, tôi cứ xoay đi xoay lại trên giường, đổi chỗ cho mát. Kính đã cất đi, không nhìn thấy gì, chẳng dám phiêu lưu rời khỏi cái giường để đi "tham quan".
Rồi cũng đến lúc người ta đẩy tôi ra thang máy. Trời nóng nhưng chăn len vẫn phải đắp vì xuống phòng mổ có gió lạnh, ông đẩy xe bảo thế. Ra đến thang, bất ngờ ông trao đổi vài câu khẽ với một đồng nghiệp rồi lẳng lặng đổi hướng, đẩy giường tôi đi xa thang máy, không biết đi đâu, hỏi thì nói hãy chờ một chút, rồi bỏ đi. Tôi kiên nhẫn nằm đợi, sau nóng quá, nhỏm dậy tốc chăn mới hay họ lại đẩy mình về phòng từ bao giờ ! Ngồi đợi một lúc thấy họ đẩy bà Ngô lên, y tá gọi thì bà ú ớ không trả lời thành câu, y tá nói chắc còn mê. Tại sao bà lại mê nếu chỉ đánh thuốc tê ? Lúc sau, bà nhỏm dậy rót nước. Tôi nghĩ bụng bà khát thì chắc mình mổ xong cũng khát. Mình không trông tỏ bằng bà, khôn hồn thì rót sẵn cốc nước để đấy, mang cả chai nước để một bên, dọn bàn thật gọn để thò tay ra là có nước ngay không sợ lẫn với thứ khác.
Y tá lại vào khám xem con ngươi còn nở rộng hay không vì phải đợi lâu quá sợ thuốc nhạt. 12 giờ họ mới đẩy tôi xuống phòng mổ, chậm đúng một tiếng. Cả đêm mất ngủ, sáng dậy không được uống cà-phê, lại bị thuốc an thần ngấm kỹ, xuống tới nơi tôi mở mắt không ra, hỏi tôi ngủ có được không ? Miệng họ trấn an :"Cứ ngủ đi, không sao" nhưng tay họ đặt ngay cái quạt gió (dưỡng khí ?) vào mũi, đồng thời truyền "sérum" (huyết thanh ?) vào mạch máu tay trái, tôi bỗng tỉnh táo. Ông T. đến cho biết ông thay áo xong sẽ vào mổ cho tôi.
Đúng như lời người bạn nói, họ chụp một miếng vải che kín mặt chỉ hở một lỗ, chỗ con mắt phải mổ. Mắt mổ lại bị chiếu đèn sáng chói không trông thấy gì cả. Ông T. nói :"Trước khi mổ, tôi nói rõ cho bà biết tôi sẽ làm những gì để bà đỡ sợ, không có lại như người đẻ không biết nó chui ra đằng dưới hay đằng trên". Chắc ông muốn pha trò cho tôi quên sợ, ông đã tung bóng thì tôi bắt, cười hỏi :"Thế chui ra đằng trên cũng được à ?". Không thấy ông trả lời, không biết vì mải chăm chú hay vì "bí" không trả lời được, chỉ thấy cô phụ tá của ông cười :"Bà đừng để ý làm gì. Họ là đàn ông có biết đẻ là cái quái gì đâu ?". Ông T. lại lên tiếng :"Bây giờ tôi tiêm cho bà một mũi ở đây (ở má, phía đuôi con mắt) rồi một mũi ở chỗ này (trên mi mắt, gần sống mũi). Chỉ trong giây lát bà sẽ cảm thấy tê cứng, tôi mổ bà không thấy đau nữa". Khi tiêm có nhói đau nhưng người bạn đã cho biết trước. Ông T. tiếp tục hỏi chuyện, tôi thuận miệng trả lời, rồi bỗng thấy miệng tê dại, nói khó khăn. Ông T. bắt tôi nhắc lại một câu mà tôi tin chắc ông đã nghe rõ. Tôi nghĩ bụng, tay này chơi khó mình, biết mình nói khó khăn mà còn bắt nhắc lại. Tôi thong thả nói từng tiếng một cho thật rành rọt, rồi chợt hiểu ông chỉ muốn đo lường mức thuốc tê ngấm tới đâu. Đột nhiên, tôi rụng rời nghe ông nói bên tai :"Làm đi, đến số 7 thì ngừng lại. Thế, được rồi". Có lẽ ông không mổ tôi mà lại giao cho học trò mổ ? Tôi biết ông cần phải huấn luyện học trò, đào tạo thế hệ mai sau, nhưng thực tập vào cái đám đông vô danh tôi không quen biết là một chuyện, thực tập vào chính đôi mắt quý báu của tôi lại là chuyện khác, rõ ràng có điều không ổn, sao ông không nhìn ra nhỉ ? Bây giờ có phản đối cũng vô ích, tôi nằm yên, có hơi hậm hực. Chờ đợi ba tháng để được chính tay ông mổ thế mà ông lại lỗi hẹn... Nhưng một lúc sau tôi thấy rõ ràng chính ông đang mổ, tôi đã đoán nhầm hay đến chỗ nào khó thì ông tự tay làm ? Rồi có tiếng ông báo trước sẽ cho máy chạy, ông không giảng nhưng tôi đoán (lại đoán !) chắc máy chạy để hút hết các chất dơ bẩn trong mắt trước khi ông đặt "mắt mới" (cristallin) vào cho tôi. Lúc ông mổ phía trên tôi không cảm thấy gì cả, y như ông chưa động vào mắt, nhưng lúc mổ phía dưới tôi cảm thấy rõ con dao (?) mổ chạy đi chạy lại, không đau lắm trừ phút cuối đau nhói tôi bật kêu thì ông vội nói :"Xong rồi !". Gỡ vải che mặt ra, đặt băng vào, đậy nắp "plastique" lên dán lại. Ông vỗ vai :"Chiều tôi sẽ lên thăm bà". Tôi cảm ơn, xe đẩy đi. Thế là xong. Quả không đáng sợ lắm như tôi tưởng.
Quá mệt vì cả đêm mất ngủ, lại bồn chồn vì phải chờ đợi lâu, bị hoãn lại thêm cả tiếng đồng hồ mới mổ, não cân căng thẳng, lên đến phòng tôi rũ ra. Giờ ăn trưa đã qua, họ quên, tôi cũng không đòi. Vừa lơ mơ chợp mắt, một người bạn đến thăm đánh thức hỏi chuyện, tôi nói qua loa rồi xin lỗi không tiếp được. Tay trái vẫn lòng thòng đính với ống dẫn "sérum". Khoảng 5 giờ chiều, y tá vào đo áp suất, tôi hỏi tại sao tôi vẫn phải đeo giây còn bà Ngô thì không, cô cười :"Tại bà khác người ta. Chưa có ai mới uống có ngần ấy thuốc an thần mà xuống phòng mổ lại đòi đi ngủ như bà". Tôi hiểu ra, giải thích tại tôi mất ngủ trắng đêm, lại thêm thuốc an thần ngấm kỹ, cô nghe xong liền "giải phóng" tay tôi.
Hơi khát, tôi thò tay tìm cốc nước. Than ôi, cái bàn tôi dọn gọn ghẽ giờ đây la liệt "chướng ngại vật", còn cốc nước không biết nằm phương nào ? Đành ngồi dậy sờ soạng. "Chướng ngại vật" thứ nhất mà tôi yên trí đựng bình "sérum" do y tá để hóa ra là một gói quà người bạn mang đến. "Chướng ngại vật" thứ nhì nằm chỗ chai nước, cũng lại là một gói quà của người khác. Duy có cốc nước thì không biết ai đã cất biến đi đâu ! Thò chân xuống tìm dép để đi kiếm nước thì dép cũng bị dẹp đi đằng nào ! Tìm được dép mới phát giác lối đi đầy "chông gai", trước hết là cái giá treo bình "sérum", rồi đến cái ghế chẳng biết ai oái oăm đem ra bầy ở đây ? Tôi càu nhàu, rồi chợt nghĩ đến hai câu :
 

Vẻ chi ăn uống sự thường,
Cũng còn tiền định...


mà bật cười. Cái số nó thế ! Mình đã tưởng khôn ngoan sắp xếp trước là yên trí, nào ai đọc đến chữ "ngờ" !
Người Pháp tự xưng là con cháu Descartes, sao họ làm ăn ấm ớ thế này ? Mổ mắt xong, không được phép cúi mặt xuống thì họ cho ăn cánh gà với dao cùn, tráng miệng là một quả táo tròn đẹp đáo để nhưng dao cùn khó gọt, trong khi hôm qua thì họ cho ăn toàn thứ thịt không xương, và tráng miệng là táo xay nhuyễn, lấy thìa múc ! Tuy bỏ dở một nửa nhưng ăn xong tôi cũng thấy tỉnh táo, hóa ra đói mà không biết.
Lại thêm một đêm mất ngủ nhưng cái đáng lo sợ đã qua, tôi bớt khắc khoải. 7 giờ sáng vừa xuống giường, chưa kịp rửa mặt, y tá vào thấy tôi dậy trước tiên, bắt đi ngay ra phòng khám mắt. Cũng hơi run, không biết kết quả ra sao ? Bác sĩ người Pháp đón hỏi :"Đêm qua bà ngon giấc chứ ?" không ngờ gặp câu trả lời rất thành thật :"Tôi bị mất ngủ đã hai đêm rồi !". Ông hơi xịu mặt, hỏi thêm :"Chắc hết đau rồi phải không ?". Lại thành thật nữa :"Cũng còn đau nhưng tôi nghĩ sau khi mổ, đau là chuyện dĩ nhiên". Ông im lặng, bỏ nắp, tháo băng, giỏ thuốc vào mắt rồi bảo tôi đặt cầm lên máy soi, mở to mắt. Tôi thấy một con đường thẳng tắp trước mặt, cuối đường có cái gì như ngọn lửa đỏ, có lúc lại như thấy mấy ngón tay ông. Xem xét một hồi thật kỹ, ông tuyên bố gọn :"Tốt !". Tôi mừng quá nhắc lại cho chắc :"Tốt lắm phải không ?". Ông gật :"Tôi sẽ cho giấy để bà xuất viện hôm nay". Tôi sướng quá quay lưng đi một mạch, quên cả chào. Đi còn chập choạng, mắt nhìn chưa rõ lắm, nhưng mỗi lúc một rõ thêm, đến lúc ăn sáng tôi đã nhìn thấy cả con mắt bà Ngô ngồi đối diện mà không cần đeo kính. Đang ăn ông T. đến nhắc lại tôi được xuất viện và năm hôm nữa tôi phải quay lại để ông kiểm soát, rồi ông vội vã đi, nhanh như gió. Tôi chỉ kịp cản lại yêu cầu ông thu xếp cho một phòng riêng lần sau, sợ ở chung rồi lại mất ngủ như lần này. Ông lắc đầu nói không có phòng riêng, và thêm :"Dù sao cũng chỉ mất ngủ có hai đêm, không việc gì cả". Chắc ông chưa bao giờ nếm mùi mất ngủ. Thấy tôi im lặng, ông đề nghị hay là tôi về nhà, dậy sớm hôm mổ, đừng ăn uống gì cả, đến đây mổ xong chỉ phải ở lại có một đêm. Vẫn mất ngủ một đêm mà lại lỉnh kỉnh bắt người khác dậy sớm đưa mình đi cũng không hơn gì, tôi đành chấp nhận ở phòng chung vậy. Ra cửa, ông quay lại :"Tôi sẽ cố thu xếp cho bà nếu có phòng riêng, nhưng không bảo đảm".
Sau bữa ăn trưa mới có người nhà tới đón về, ở lại bệnh viện cả buổi sáng tôi tha hồ ba hoa. Ông Quản lý sự vụ ghé thăm, tôi còn cho biết mười hôm nữa tôi sẽ quay lại "quấy nhiễu" và tôi sẽ nhắc để khỏi có chuyện lẫn hồ sơ như lần này. Ông cười :"Bà cứ yên tâm, chương trình đã làm xong, mười hôm nữa chỉ có mỗi một bà họ Nguyễn, không thể lẫn với ai được". Ông hứa sẽ cố thu xếp phòng riêng cho tôi, nếu có. Tôi cao hứng kể đến chuyện trước khi mổ tôi hãi sợ ra sao, ông cho biết còn có người sợ hãi hơn cả tôi, đã xuống đến bàn mổ còn giẫy nẩy không chịu. Cho chờ thêm một tiếng để nghĩ lại, vẫn nhất mực xin về. Mà toàn là các ông cả. Mới biết phụ nữ can đảm thật !

Ra về, tôi vẫn còn loạng choạng. Mắt mổ rồi, kính cũ không hợp nữa, mắt chưa mổ có kính nhưng vẫn mờ. Tuy vậy tôi vẫn đeo để che cho mắt, tránh bụi bậm. Tới nhà, bỏ kính nhìn ra bao lan thấy cái chậu hoa xưa kia tôi nghĩ là mầu trắng ngả vàng vì "mầu thời gian" thì nay thấy nó trắng tinh, trắng bóc ; mấy bông hoa tôi vẫn biết mầu hồng, mầu tía tươi đẹp nhưng không ngờ nó có thể tươi thắm, rực rỡ tới bậc ấy ! Tôi ngẩn ngơ nhìn không chán mắt, đẹp lạ đẹp lùng ! Nhìn một lúc tôi đâm nghi ngờ tự hỏi có thật mầu hoa tươi thắm như thế hay vì mắt tôi là "mắt giả" ? Năm nay lạnh, hoa "muguets" cuối tháng năm còn nở. Trước khi đi tôi chỉ thấy hoa lốm đốm trắng giữa đám lá xanh, giờ nhìn thấy rõ từng chùm hoa xinh xinh như những cái móng tay, hình quả chuông, đẹp vô cùng.
Như một đứa trẻ có đồ chơi mới, cái thú của tôi là nằm nhìn trần nhà. Chỉ có mỗi một cái chao đèn bằng giấy đã cũ vàng treo giữa nhà. Tôi nhắm mắt cũ, nhìn bằng mắt mới thấy rõ từng chi tiết, xong lại nhắm mắt mới nhìn bằng mắt cũ, đến cả cái lỗ hổng để đưa bóng đèn vào cũng biến mất ! Rồi tôi nhìn đến cái tủ và không tin ở mắt mình, các đường dọc đều hơi cong, có lúc đường dọc thẳng thì đường ngang lại trũng xuống. Thử đi thử lại mấy lần, tôi thở dài nghĩ là mắt tuy sáng nhưng vẫn còn bị loạn thị (astigmatisme), may mà có kính chữa.
Đến giờ giỏ thuốc, tôi cầm lọ thuốc thấy cái vòi chỗ thuốc chẩy xuống hơi cong. Tôi nghĩ thời buổi văn minh cũng có khác, đến cái vòi giỏ thuốc mà cũng cầu kỳ làm cong để giỏ cho dễ. Hai hôm sau tôi mới khám phá ra cái vòi vẫn thẳng !
Tôi có thói quen làm gì cũng co tay đưa lên gần mắt, hễ không nhìn rõ thì đưa lại gần hơn, hoặc lấy tay đẩy kính ở sống mũi đến sát mắt. Bây giờ càng đưa tay lại gần càng thấy nhoà, tôi sực tỉnh, thử đưa ra xa, thấy rõ, tôi duỗi thẳng cánh tay, lại càng rõ nữa. Tôi thích thú ngắm bàn tay, ngón tay, móng tay "tưởng quen mà lạ..." và phát hiện ra rằng bây giờ nhìn phong cảnh thì đẹp hơn nhưng nhìn người thì, eo ơi...
Mười hôm sau tôi trở lại nhà thương, trong lòng rất bình tĩnh, thư thái. Tôi đã biết hết còn sợ gì ? Những chuyện đáng ngại như chọc tay lấy máu, đo mắt thì họ vừa làm mới cách đây mươi hôm chẳng lẽ họ lại lôi tôi ra làm lại ? gặp ông Quản lý, tôi cười đùa. Ông hỏi có muốn trở lại phòng cũ lấy khước không vì lần mổ trước kết quả tốt đẹp, nhưng trong phòng lại đang có người nằm từ một tuần nay, còn ở phòng mới thì may ra đêm đầu không có ai, tôi vội xin vào phòng mới. Thoát được đêm đầu trước khi mổ đỡ mệt là nhất. Mổ xong có mất ngủ, mệt cũng không sao.
Dọn vào phòng mới liền phải làm thủ tục nhập viện, họ lại đưa cho tôi hồ sơ của một bà họ Nguyễn khác. Tôi cười trao trả rồi ngồi đợi họ mang hồ sơ của tôi đến. Đợi mãi sốt ruột, tôi giở báo ra đọc. Đang đọc thì ông Quản lý đến, ngại ngùng bảo :"Có vấn đề", tôi cười :"Tôi biết rồi, lại nhầm hồ sơ phải không ?". Ông bảo không phải chỉ có thế, bà họ Nguyễn kia bây giờ cũng tới trình diện rồi. Tôi ngạc nhiên :"Sao lần trước ông bảo hôm nay chỉ có mỗi một bà họ Nguyễn thôi ?". Ông gật :"Đúng là chỉ có tên một bà họ Nguyễn trên chương trình, nhưng là tên bà kia chứ không phải tên bà. Bà có chắc là bà không nhầm ngày không ?" Tôi cả quyết không nhầm, giấy tờ gửi cho tôi từ ba tháng trước hẹn ngày rõ ràng, huống chi hôm nào tôi cũng tâm niệm để tự trấn an, đếm từng ngày, nhầm thế nào được ? Ông nói :"Thế thì có lẽ bà kia lầm vì lần trước bà ta cũng đã lầm ngày rồi phải về, bà ta có vẻ ẩu lắm". Đang nói thì bà Nguyễn kia bước vào, tưởng ai hóa ra là người tôi đã làm đơn hộ kỳ trước mà tôi thấy tên khai là Ngô Nguyệt (có lẽ họ cũng lại lầm hồ sơ ?). Bà cho biết đáng lẽ con mắt thứ hai của bà đến tháng tám mới mổ nhưng tuần trước đi khám mắt về thì ông T. gọi điện thoại lại nhà bảo tháng tám ông đi nghỉ hè, phải đến mổ trước và hẹn bà ngày hôm nay. Ông gọi thì bà phải đi chứ thật sự bà không muốn mổ bây giờ. Tôi vui mừng quay ra dịch cho ông Quản lý hiểu vì sao cả hai chúng tôi cùng trình diện hôm nay, không có ai lầm cả. Tưởng thế là giải quyết xong, không ngờ ông vẫn không vui, nói :"Chúng tôi chỉ chuẩn bị có một cái giường cho một bà họ Nguyễn, hai bà cùng đến tôi không biết để giường cho ai ?". Tôi nói dĩ nhiên là giường dành cho tôi vì mười ngày trước tôi đã bảo ông tôi quay lại hôm nay, còn bà kia thì chỉ cách đây năm ngày mới biết mình phải mổ hôm nay. Chính bà không muốn mổ, bà chưa sẵn sàng, còn tôi đã chuẩn bị từ ba tháng nay, chương trình làm việc sau khi mổ đã hoạch định, bắt tôi về không là làm nhỡ hết công việc của tôi. Ông nói phải đợi xem ông T. xử trí ra sao. Bà Nguyễn kia muốn chuồn cứ tíu tít giục hỏi ai ở ai đi ? Sao bảo hỏi ý ông T. mà không hỏi ? Hỏi rồi thì ông T. trả lời ra sao ? Tại sao ông không trả lời ? Không trả lời thì phải giục... Tóm lại, bà chỉ muốn về. Tôi bảo ông Quản lý bà ta sẵn lòng nhường chỗ cho tôi thì còn đắn đo gì nữa ? Ông T. mổ tôi hay mổ bà kia có khác gì nhau ? Ông ngần ngừ rồi cho biết thêm là hồ sơ của tôi bị thất lạc, tìm từ sáng chưa ra. Tôi hết cười, không tin lại có sự trớ trêu như thế. Ông vẫn hồ nghi là tôi nhầm ngày nên đòi xem giấy ông T. triệu tôi đến. Giấy tôi đã trao cho cô thư ký làm thủ tục ở từng dưới, ông bắt phải xuống lấy lên và chỉ định cho một sinh viên thực tập dẫn tôi xuống, nếu quả tôi không nhầm thì lập tức dẫn tôi đi đo mắt. Dĩ nhiên là tôi không nhầm nên họ lôi tuột tôi đến cái phòng khủng khiếp, vẫn cái "quản bút" dí sát vào tận mắt nhưng bà bác sĩ này làm việc nhanh hơn, nội trong khoảng 5,10 phút bà đã đo xong cả hai mắt . "Để so sánh" bà nói. Trong khi đo, có mấy người đến mở cửa hỏi chuyện, lúc đầu bà còn rút "quản bút" ra để quay lại trả lời, sau mấy lần bà bực mình để nguyên "quản bút" dí sát mắt tôi rồi quay đầu nói chuyện làm tôi bở vía. Sau đó, bà hỏi tôi đeo kính số mấy ? ông T. định hạ xuống số mấy ? rồi loay hoay làm tính, chỉ một loáng đã xong. Bà cho biết tại số tôi không may nên hôm tôi tới đo mắt lần trước bà phải đi họp, bà kia đo xong lẽ ra phải ghi kết quả vào một quyển sổ. Khi thấy hồ sơ của tôi bị thất lạc, họ giở sổ ra thì chỗ đề tên tôi chỉ thấy một trang giấy trắng tinh !
Đo mắt xong, lên phòng, tới giờ ăn trưa. Bà Nguyễn kia chưa chịu ăn, đợi kết quả xem có được về hay không. Phần tôi lo chuyện mất hồ sơ cũng nuốt không trôi.
Ông Quản lý quay lại bảo ông T. quyết định giữ và mổ cả hai. Ông chuẩn bị đưa bà Nguyễn kia sang phòng khác. Thấy bà mừng rỡ khi gặp lại tôi nên tôi xin cho bà ở lại, đằng nào chắc cũng mất ngủ vì chuyện cái hồ sơ thất lạc.
Y tá vào cho biết vẫn chưa tìm thấy nó. Đã quen làm việc ở những chỗ có nhiều hồ sơ, tôi biết dù cẩn thận đến mấy cũng không tránh được chuyện thất lạc, nên tôi thông cảm không trách họ, chỉ giận cái số mình đen đủi ; và nhắc họ, theo kinh nghiệm riêng tôi thì nên tìm hồ sơ của tôi ở trong lòng hồ sơ của bà kia, có khi sơ ý xếp nhầm. Họ nói họ đã tìm khắp nơi, xuống cả kho lưu trữ hồ sơ cũng không thấy. Tôi hỏi tại sao tuần trước tôi đến khám mắt, ông T. còn xem hồ sơ tôi mà chỉ chưa đầy một tuần hồ sơ đã biến ? Họ nói không biết. Tôi bảo không chừng nó còn nằm trên bàn làm việc của ông T., họ nói ông không bao giờ giữ hồ sơ. Tôi khuyên họ tìm hồ sơ người Việt đừng bao giờ nhìn vào cái "họ", thứ nhất họ Nguyễn vì đến 50% người Việt là họ Nguyễn, phải nhìn tên riêng của chúng tôi. Ông Quản lý nói :"Thì chúng tôi nhìn tên riêng chứ sao ? Khốn nhưng tên của hai bà từa tựa như nhau, một bà là Nguyễn thị Chân, một bà là Nguyễn thị Ngân". -"Thế thì nhìn năm sinh của chúng tôi". Ông lắc đầu :"Bà tưởng chúng tôi không nghĩ đến hay sao ? Khổ một nỗi hai bà cùng sinh một năm chỉ khác ngày tháng thôi". Ra thế, chẳng trách được. Sao ở đời lại có sự trùng hợp tấu xảo kỳ lạ đến thế ?
Xế trưa, hồ sơ vẫn chưa tìm ra, ông T. lên xin lỗi và nói sẽ cho lập hồ sơ mới. Tôi băn khoăn hỏi :"Bà bác sĩ trước bắt tôi phải đến bệnh viện L. để đo mắt vì dụng cụ ở đây đo không chính xác, bây giờ lại đo ở đây thì làm sao ? Ông bảo :"Nói thật cho bà biết, mắt bà cận thị nặng quá, dù có xê xích một tị cũng không việc gì". Ông cười nói tiếp bằng tiếng Anh :"No problem !" (không có vấn đề gì cả). Tôi im lặng nhưng thực sự không yên tâm. Bà Ngân an ủi :"Chị đừng lo, rồi đâu cũng vào đấy" và bắt sang nói huyên thiên đủ thứ chuyện, có lẽ để tôi quên. Tôi còn lòng dạ nào nghe nên chỉ ậm ừ.
Sau nạn đo mắt, dĩ nhiên đến nạn lấy máu. Lần này phải lấy nhiều máu chứ không phải chỉ một ống như lần trước. Ngẫm lại cái số mình đen thật, người ta lấy máu chỉ một lần, mình được "chiếu cố" tới ba lần ! Người ta đo mắt cũng chỉ một lần, mình lại hân hạnh được đo tới ba lần, mà còn rắc rối phải đến tận bệnh viện L., rút cục có dùng đến nó đâu ? Bà Ngân thấy người ta đến lấy máu tôi tưởng mình cũng bị lấy máu, sợ, kêu bai bải. Tôi cười hỏi :"Sao trước chị bảo tôi làm lại hồ sơ chẳng có gì đáng sợ, giờ chỉ mới tưởng phải lấy máu chị đã kêu ầm lên ?".
Thỉnh thoảng y tá vào nhìn tôi lắc đầu, hồ sơ vẫn chưa tìm thấy.
Khi xin cho bà Ngân ở cùng phòng tôi chỉ nghĩ là bà thích ở với người đồng hương để trò chuyện và yên tâm hơn, không ngờ cũng là cái may cho tôi : bà ngủ không ngáy một tiếng nào nên mặc dầu khắc khoải chuyện hồ sơ, tương đối tôi vẫn yên giấc, sáng dậy không ngất ngư như lần trước. Ông T. đến thăm cho biết, để tránh chuyện nhầm lẫn, ông sẽ mổ bà Ngân lúc 11 giờ, mổ tôi lúc 12 giờ (lại mất một bữa ăn trưa nữa !). Tôi như chim đã bị tên, y tá làm gì tôi cũng kiểm soát, họ buộc tên tôi vào chân giường tôi cũng leo xuống xem lại.
Mọi sự tuần tự tiến hành : thay áo, trút bỏ nữ trang, kính vv. giỏ mắt, uống thuốc an thần rồi người ta đẩy giường bà Ngân đi. Lần này bà mổ mắt trái, tôi mổ mắt phải. Ngồi lại một mình, tôi bần thần nghĩ ngợi. Sao mình làm gì cũng cố hết sức để mong kết quả vẹn toàn mà cứ vô phúc chuốc lấy những chuyện trắc trở dập dồn ? Lần trước bà Ngô mổ có vấn đề gì đâu ? Lần này bà Ngân tuy phải đổi ngày mổ sớm hơn nhưng mọi sự vẫn xuôi. Còn mình, khi xuất viện đã cố ý không nghe thư ký xui khôn làm ngay thủ tục nhập viện lần thứ hai trước khi về, cốt tránh rắc rối mà sao rắc rối vẫn trút xuống đầu mình cả lần trước lẫn lần này ?
Khoảng 11g 45, sau khi giỏ mắt hai lần, uống thuốc an thần, tôi đã xuôi tay phó mặc cho số mệnh, thì bà y tá bước vào cười tươi như hoa nở :"Xin báo tin mừng để bà biết, hồ sơ của bà tìm thấy rồi !". Tôi mừng quá cảm ơn rối rít. Bà cười :"Tôi đi một vòng, quay về thấy có cái hồ sơ trên bàn, tên Nguyễn thị, tôi càu nhàu :"Lại thêm một bà Nguyễn nữa !". Bạn tôi bảo không chừng nó là cái hồ sơ thất lạc, tôi giở ra xem quả thật của bà. Tôi vội tới báo tin cho bà mừng". Mừng thật, quá sức mừng ! Giờ tôi mới yên tâm đi mổ.
Xuống phòng mổ không thấy ông T. đâu, chung quanh toàn người Pháp lăng xăng kẻ buộc tóc cho tôi, người buộc tay tiếp "sérum", nhưng lần này không cần "quạt gió" vào mũi. Một người lăm le cầm kim tiêm định chọc xuống. Bây giờ tôi không nín lặng nữa, cái gì hơi khác lạ là tôi hỏi ngay :"Thế giáo sư T. không mổ cho tôi à ?". Họ trấn an :"Ông đang mổ ở phòng bên cạnh, mổ xong sẽ sang mổ cho bà. Chúng tôi chỉ chuẩn bị sẵn sàng để ông mổ thôi". Tôi hỏi người cầm kim tiêm :"Ông không bịt mặt tôi lại như kỳ trước hay sao ?". Ông trả lời :"Không, tôi không bịt". Tôi toan đòi, rồi chột dạ, nghĩ chắc tay này còn non nên phải để rõ mặt hắn mới biết đường mà chọc kim xuống cho đúng chỗ, bắt bịt kín, hắn không biết đằng nào mà lần, nhỡ chọc mù mắt mình thì hỏng. Thế là tôi nằm im thin thít, không phản đối nữa, đành run mà trông mũi kim trước mắt lăm le đâm xuống. Ông bác sĩ trẻ đắn đo mãi vẫn không dám chọc, tôi tự hỏi trong hai chúng tôi ai sợ hơn ai ? Cuối cùng ông cũng đâm xuống, không đau lắm, nhưng khi bơm thuốc, ông luống cuống để một phần thuốc chẩy ra má. Phát thứ nhì ông mới lấy lại bình tĩnh. Xong, ông bắt tôi nhìn lên nhìn xuống, sang phải sang trái rồi mới yên dạ. Ra người ta không muốn đánh thuốc mê là để mình "hợp tác" như thế này đây.
Một lúc sau ông T. đến, nói từ đỉnh đầu :"Tôi đây. Tôi sẽ mổ cho bà". Họ lại bịt mặt tôi như lần trước, nhưng lần này đèn không chói sáng, tôi mờ mờ thấy bóng dụng cụ của ông đi qua đi lại trước mắt, có khi dường như thấy cả ngón tay hồng hồng. Ông chăm chú mổ, không gợi chuyện như lần trước, chỉ thỉnh thoảng hỏi có đau không ? Đến gần cuối mới nghe người phụ tá nói xin để cho ông ta làm tiếp. Chắc vì thuốc tê trôi đi mất một phần khiến tôi nói năng linh hoạt, miệng không bị tê cứng, nên lần này ông T. nhẹ tay hơn, không đau lắm. Tuy vậy, có lúc ông ấn cả bàn tay đè lên con mắt vừa mổ kỳ trước làm tôi hoảng hồn, nhưng nghĩ lại chắc ông biết ông làm gì nên tôi không nói. Mấy lần tôi bắt gặp mình ưỡn cong người lên như cao thủ võ lâm biểu diễn môn "thiết bản kiều", hai tay như vận công, ngón tay cong lại cứng đơ, tiếc là không có cái gì để nắm chặt. Lần nào tôi cũng tự bảo phải thư giãn, từ từ thả lỏng bắp thịt, nằm xuống thoải mái. Tôi nhớ có lần nghe trong băng thu thanh thầy Nhất Hạnh kể chuyện đi chữa răng, vì không chịu được thuốc tê nên đã thay bằng cách tập trung tư tưởng vào ngón tay, đau thì vẫn đau nhưng chịu được. Tôi lại nhớ đến chuyện Quan Công uống rượu đưa cánh tay cho Hoa Đà tha hồ khoét thịt, cạo xương sồn sột mà vẫn cười nói như không. Biết mình không phải Quan Công, cũng không phải Nhất Hạnh, nhưng cũng muốn thử tập trung tư tưởng vào tay xem sao. Đang ngon trớn thì ông T. chạm hơi mạnh, tư tưởng của tôi vọt từ ngón tay chạy tọt về mắt, nhanh không tưởng, nắm giữ không kịp ! Và tôi lại thấy mình đang thi triển công phu "thiết bản kiều", mấy ngón tay lại cong cong cứng đơ... Cuối cùng mọi sự cũng chu. Ông T. nói :"Chiều nay tôi sẽ lên thăm bà" nhưng chỉ mấy phút sau người ta đang đẩy tôi trên hành lang về phòng đã thấy tiếng ông ngay bên cạnh :"A, bà đã lên đây rồi à ? Mai tôi sẽ gặp bà". Ông lại biến nhanh như một luồng gió.
Đến chiều y tá vào thăm, tủm tỉm :"Bây giờ mọi sự xong xuôi, tôi mới dám cho bà hay chứ sáng nay chúng tôi hết hồn, cả đến cái hồ sơ thứ nhì của bà cũng mất tăm ! Tìm mãi, sau mới thấy nó nằm trong hồ sơ của bà Nguyễn kia.
7 giờ sáng hôm sau, trước khi mở băng, ông bác sĩ trẻ mỉm cười hỏi :"Có sợ không ?". Tôi thản nhiên :"Không !". Ông giật mình nhưng không nói gì, lẳng lặng gỡ nắp, tháo băng, giỏ thuốc vào mắt rồi soi kỹ. Ông lại buông gọn như kỳ trước :"Tốt !". Lần này tôi nhớ đứng lại cám ơn, bắt tay cẩn thận rồi mới quay lưng đi về phòng. Việt-Nam có tới bốn nghìn năm văn hiến kia mà !
Đang ăn sáng ông T. đến, thấy tôi đeo kính cũ, nói :"Bỏ đi, bây giờ bà không cần đến nó nữa". Tôi bảo tôi biết không cần vì bây giờ đeo kính nhìn không rõ bằng không đeo. Ông hỏi đã biết thế sao còn đeo ? Tôi trả lời là lúc ăn sợ sữa bắn vào mắt nên đeo kính để che. Ông nói cứ việc bỏ ra không sao đâu. Tôi ngoan ngoãn bỏ kính ra, nhưng ông vửa quay lưng đi, tôi ngần ngừ rồi lại đeo kính lên. "Cẩn tắc vô ưu" là hơn, nhỡ có chuyện gì biết ông ở đâu mà tìm ? Tìm được ông còn khướt ! Lúc nào ông cũng tất tả, đi lại vùn vụt. Xuân Diệu xưa nói "muốn buộc gió lại" nhưng nào có chỉ dẫn cách thức buộc ra sao !
Ngồi chờ người tới đón về, bà Ngân và tôi lại nhắc lại câu chuyện ngẫu nhiên trùng hợp kỳ lạ giữa hai chúng tôi mà từ hôm nhập viện chúng tôi đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần : Tại sao cả hai lại cùng mổ mắt một ngày, ở cùng một nhà thương, cùng một bác sĩ ? Họ của chúng tôi đã giống nhau, tên cũng từa tựa, lại sinh cùng một năm đã là một chuyện lạ, đến mổ con mắt thứ nhì lại cũng cùng một ngày, một nơi, một bác sĩ ! Rõ ràng đáng lẽ bà Ngân mổ tháng tám, sao đến phút cuối ông T. lại đổi ý mà chọn mổ cho bà đúng vào ngày mổ cho tôi chứ không trùng với ai khác hay vào tuần khác ? Người Pháp có câu :"Sự thật vượt xa hư cấu" là thế này đây. Bà Ngân kết luận rất Việt-Nam :"Chắc hai đứa mình kiếp trước là chị em nên kiếp này lại tìm nhau".
Sáu hôm sau trở lại khám mắt, ông T. xem xong từ từ nói :"Trong những trường hợp kết quả tốt đẹp như thế này tôi thường chỉ định cho một bác sĩ khác thay tôi theo dõi. Tôi sẽ chuyển bà cho một bác sĩ khác. Cứ yên tâm, bà này tiếp khách cùng một ngày với tôi, có gì đã có tôi. Với lại bà ta thử kính còn thành thạo hơn tôi nữa". Tôi hơi thất vọng nhưng cũng hiểu ông không thể một mình làm hết mọi việc, ông còn nhiều bệnh nhân khác. Trước khi chia tay, ông hỏi :"Hài lòng chử ?". Tôi cười :"Còn hơn thế nữa. "Hài lòng" chưa đủ, phải nói là tôi rất sung sướng. Đây là một món quà quý báu nhất đời tôi, tôi chưa bao giờ dám mơ tưởng tới nó". Ông cười. Ông có một cuộc đời thật đẹp. Ông cho tôi đeo kính tạm, số -3,5, tôi mừng quá cám ơn rồi quay đi quên cả lấy đơn !
Cái số nó vẫn trêu ngươi, đi xin hẹn gặp bà bác sĩ do ông chỉ định mới hay bà đang nghỉ hè. Không suy nghĩ, tôi nói để tôi đợi thêm hai tuần chờ bà, nhưng cô thư ký không nghe, tìm gặp ông T. xin chỉ thị và quay về bảo tôi phải giữ đúng ngày khám xét, nhưng đổi bác sĩ khác. Dĩ nhiên không thể biết bà này thử kính có thành thạo hơn ông hay không !
 

Một cuộc đời mới

Sau khi mổ mắt thứ nhì, tôi ra về với một tâm trạng vui mừng, hớn hở hơn cả "Xuân đi học...". Chưa quen với mắt mới, đi đứng vẫn chuếnh choáng như say. "Say" với cả hai nghĩa đen và bóng. Trên đường về, ngồi trong xe ngước mắt nhìn lên, trông rõ từng chiếc lá cây tít trên ngọn, nắng chiếu xuống lá xanh trong. Trời ơi, đẹp quá. Gió phất nhẹ, lá quay quay, lao xao, lật đi lật lại, mặt nào cũng đẹp kinh hồn, đẹp ơi là đẹp, nhìn mãi không biết chán, rõ mồn một y như bầy ngay trước mắt.
Tôi nhớ lần đi trượt tuyết, có người chỉ cho tôi dẫy núi xa xa, chập chùng, mờ mờ trong sương khói, hỏi :"Đẹp không ?". Tôi nhìn kỹ một tí rồi buột miệng :"Đẹp nhưng giá đừng có sương mù, trông rõ còn đẹp hơn". Ông nhìn tôi, thương hại con bé không có khiếu thẩm mỹ và giảng :"Nó đẹp chính là nhờ lớp sương mù khiến phong cảnh như ẩn như hiện, nếu trông rõ thì còn gì là thơ mộng nữa ?". Tôi cứng họng, thấy mình "quê một cục" nhưng trong thâm tâm vẫn ấm ức ! "Mờ mờ ẩn hiện" thì lúc nào tôi chả thấy ? Không phân biệt rõ chi tiết thì lá cây nào lại chẳng xanh, đẹp ở cái khổ nào ? Không trông rõ mặt thì triệu triệu con người ai chẳng hai mắt một mũi, hai tai một đầu ? Có trông rõ chi tiết mới biết chẳng ai giống ai, chẳng cái lá nào giống cái lá nào. Lá cây có cái tròn tròn, có cái dài dài, cái có khía, cái có răng cưa, cái to, cái nhỏ lăn tăn... Người, trước kia đối với tôi chỉ có loại cao hay thấp, gầy hay béo, tóc đen hay vàng, có đeo kính hay không vv. Trong một đám đông người lạ, muốn "nhận diện" nhanh chóng người trao đổi vài câu với mình mà không cần nhìn trừng trừng vào mặt người ta, tôi ghi nhớ mầu áo. Lần sau gặp lại tôi tỉnh bơ bởi họ đã thay áo khác !
Một cuộc đời mới bắt đầu. Ngồi trong nhà nhìn ra trước mặt, cái dẫy nhà nằm chênh chếch mé trái không phải song hàng với mặt tiền nhà tôi như tôi vẫn yên trí. Ở đây trên hai mươi năm, giờ tôi mới rõ cái mà tôi vẫn nghĩ là một bức tường thẳng băng hóa ra nó do hai bức tường gặp nhau hình thước thợ, góc vuông vắn, chính cái góc vuông ấy nhòm sang nhà tôi. Tường bên trái không có cửa sổ, tường bên phải dài hơn, ngăn ra từng căn hộ, có bao lan, tôi thấy rõ cả cây cảnh, mái nhà ngói đỏ, ống khói, dây "ăng-ten", y như phong cảnh trên một tấm bưu thiếp.
Gió nhè nhẹ, lá cây lấp lánh dưới ánh nắng, chòm cây phất phơ, ngọn cây nghiêng nghiêng, la đà... Gió ào ào, cành rướn lên thật cao rồi cúi rạp xuống thật sâu, cành này lên cành kia xuống, lên xuống tới tấp, nghiêng ngả, rập rình, lá cây phấp phới, tíu tít, rối rít, quay cuồng, loạn xạ... không bút nào tả nổi cái sinh động của cành lá tưng bừng đón gió !
Cái gì như con ruồi bay vụt qua trước mắt ? Ruồi tây lờ đờ quyết không bay nhanh được như thế. Ra đấy là một con chim sẻ truyền cành ở mãi tận bên kia đường. Mắt tôi mà nhìn xa đến thế kia à ?
Một lần ra đóng cửa sổ, tôi đứng mê mẩn ngắm con chim bồ câu (chắc thế vì tôi chỉ biết chim là một loài xoè cánh bay, con nhỏ là chim sẻ, con to là bồ câu !) đậu trên nóc nhà hàng xóm. Chim mầu xám nhưng cổ lại có một vòng lông trắng. Chim gật gù mổ rồi đột nhiên dang cánh bay lên, tôi ngạc nhiên thấy cả cái đuôi chim cũng xoè ra.
Có hôm ngồi tít trong nhà nhìn qua cả cái chiều sâu của phòng khách chợt thấy thấp thoáng mấy giọt mưa. Tôi không tin ở mắt mình, chạy ra cửa sổ nhìn, quả trời đang mưa ! Mọi khi muốn biết có mưa hay không tôi phải nhìn người qua đường xem có cầm ô không, nếu không có ai thì nhìn vũng nước xem có bong bóng không, hoặc lắng nghe tiếng mưa rơi...
Từ hôm mổ mắt, ra đường tôi thích nhìn tận mặt những "ông đi qua, bà đi lại", thấy họ không chỉ cao hay thấp, béo hay gầy, tóc vàng hay tóc đen nữa, mỗi người đều có nét mặt khác nhau, không phải ai cũng đẹp, nhưng ai cũng có một cái gì là lạ, "bắt mắt".
Ngồi đợi xe buýt, để khỏi sốt ruột, mọi khi tôi tập thở. Giờ tôi ngắm cảnh. Tít tắp đằng xa có trạm xe buýt ngày trước đi làm tôi vẫn đến đấy đợi và lúc ấy thấy sao nó xa thế, đi mãi không đến nơi. Giờ thấy nó "gần trong gang tấc", không những tôi trông rõ nó mà còn thấy rõ cả con đường cách xa nó hàng mấy chục thước nằm vắt ngang phía sau, xe chạy vùn vụt qua, cái trắng, cái mầu, cái to cái nhỏ, cái chạy thẳng, cái rẽ, tôi đều thấy. Con đường tráng nhựa mầu xám phẳng phiu, hơi cong (thật sự cong chứ không phải tại tôi loạn thị, vì khi nhìn bằng cả hai mắt thì mắt lành tự chữa cho mắt có tật, tôi nhìn được như người thường) có lằn sơn trắng ở giữa ngăn đôi hai dòng xe xuôi ngược, hàng dậu xanh cắt xén gọn ghẽ, ngay ngắn. "Tưởng gần mà xa...". Tôi mê mải ngắm, chợt ông già ngồi cạnh bắt chuyện, phàn nàn :"Có thể tưởng tượng được không, tôi chờ cả 15 phút rồi mà không thấy bóng dáng một cái buýt nào cả ! May mà tôi không hẹn ai. Không thể trông cậy ở xe buýt được !". Tôi ậm ừ cho qua, không muốn làm mất lòng ông, nhưng nghĩ bụng :"Chậm 15, 20 phút có là bao. Đời tươi đẹp như thế này, sao ông không nhìn lá cây lao xao, lấp lánh ánh nắng lại đi hậm hực làm gì ?".
Trước kia, thấy mắt mình ngày một kém, tôi hoảng sợ nghĩ đến tương lai phải ngồi một xó không đi lại, không đọc sách được... Tôi xoay ra học đàn, không cần đến mắt cũng gẩy được. Nhưng tôi chọn lầm đàn tranh có tới 16 dây, mỗi khi trời nhá nhem, dây rủ nhau "đi chơi bụi rậm" biến sạch, trước khi tôi thành tài để có thể đàn không cần nhìn dây. Giờ, dây không còn chơi khăm tôi như khi chưa mổ được nữa !
Tôi có thói quen hễ nhỏm dậy buổi sáng là thò tay tìm kính. Giờ cầm kính thấy nhẹ bỗng mới nhớ ra là bây giờ ở nhà tôi không cần kính, không đeo thì mắt nhìn rõ, trong suốt, đeo vào nhìn gần lại thấy nhoè nhoẹt. Nhưng không đeo kính, tôi cứ có cảm giác thiếu cái gì, cả ngày muốn chạy đi tìm kính. Vào phòng tắm, không suy nghĩ, tôi thò tay gỡ kính ra để rửa mặt, không thấy mới sực nhớ giờ đây tôi chỉ đeo kính mỗi khi ra đường. Có kính đi đường nhìn xa rất tỏ nhưng nhìn ngay dưới chân mình lại không rõ bậc thềm, có khi nhìn một cái xe hóa hai, tại óc chưa quen, hai cái hình chưa chập làm một. Đúng là một cuộc đời mới, cái gì cũng phải học, nhưng sung sướng mà học !
Để đổi lấy cặp mắt mới này, nói thật, nếu ông T. bắt tôi thức trắng 7 đêm liền chắc tôi cũng ký cả hai tay, hai chân (thêm một Chân Q. nữa là năm !). Người ta có thể nói mắt tôi là "mắt giả", có thể chê tôi nhìn vẫn chưa bằng người khác, tôi không cần. Tôi rất quý đôi mắt này, không những vì tôi phải vượt qua bao nhiêu sợ hãi, khó khăn mới được nó mà còn vì từ nay nhờ có nó tôi không lo một ngày kia phải ngồi một xó, tôi lại tha hồ nằm nghiêng đọc sách vì không đeo kính, không sợ kính xô lệch hại mắt, ra đường tôi được ngửng mặt nhìn mọi người, không phải cúi xuống nhìn đường để tránh nạn gặp người quen mà không chào... Mắt đã "cải tử hoàn sinh" tôi. Đối với tôi nó không là "mắt giả", nó là đôi "mắt thần" !

Sau khi mổ ung thư, tôi nhìn đời khác trước. Trước, tôi cố tròn phận sự, cắm đầu làm việc, suốt ngày bận rộn, sắp xếp sao cho mọi sự trôi chẩy, không vấp váp. Nhưng hễ cứ vừa thanh toán xong một việc là lập tức có việc khác thế chân ngay, lại loay hoay xếp đặt... Mệt và muốn ngừng nghỉ nhưng đã bước chân vào guồng máy là phải quay theo, khó rút chân ra. Đùng một cái bị bạo bệnh, mọi việc phải đình lại, dù muốn dù không. Rút cục mọi sự cũng xuôi. Mới nhận thấy cả cuộc đời mình lẩn quẩn lo toan hão những chuyện mà có lẽ đến một nửa không cần mình. Các cụ xưa dậy phải "hoà hoãn", tôi chỉ để ý đến chữ "hoà", giờ mới học thêm được chữ "hoãn", bởi những khi mệt quá tôi đâm ỳ ra, rồi mọi sự cũng vẫn đâu vào đấy. Nhưng sức khỏe dần dần phục hồi, và tôi lại dần dần "nhập cuộc", tuy cũng có những lúc "sực tỉnh" dừng tay...
Giờ đây, sau khi mổ mắt, tôi cũng nhìn đời khác trước, nhưng "khác" một cách khác. Trước, sau khi "kề cận tử thần", tôi bớt bận tâm đến những lo toan thường nhật, tôi như đứng xa ra để nhìn đời một cách bao quát, toàn diện hơn, và tập sống thoải mái, an nhiên hơn. Giờ, ngược lại, từ chỗ nhìn đời một cách khái quát, tôi bàng hoàng ngắm từng chi tiết tinh vi, kỳ thú của mỗi chiếc lá, mỗi viên sỏi... Tôi như cúi mình nhìn xuống gần đời hơn, để quan tâm tới những cái nhỏ nhặt, tầm thường của cuộc sống ngay trong tầm với của mình, và thấy lòng phơi phới. Tôi yên tâm "nhập cuộc".
Hai cách nhìn đời này có mâu thuẫn nhau chăng ? Tôi không biết, tôi không thấy thế.


Châtenay-Malabry, tháng 8, 1996
Thế kỷ 21, tháng 10, 1996.
Sửa chữa tháng 8, 2003

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Thị Chân Quỳnh