Кiev xanh

Vietsciences-Văn Thị Hạnh    12/05/2008

 

Những bài cùng tác giả


Tôi đến Kiev vào mùa hè. Mùa hè xanh ngắt rừng cây và tràn đầy ánh nắng. Mọi người bảo nếu đến sớm hơn thì sẽ thấy mặt đất là những thảm hoa rực rỡ. Tôi cảm nhận được điều đó vì bây giờ vẫn còn đầy những đám hoa dại vàng nhỏ li ti xen giữa những cụm màu trắng, tím, hồng đung đưa trong gió. Không gian tràn ngập màu xanh. Rừng cây xanh, mặt đất xanh và bầu trời cũng ngắt xanh. Kiev êm đềm như chưa hề biết đến thảm họa Tchernobyl. Tôi sẽ làm việc ba tháng tại Trung tâm Công nghệ Sinh học thuộc Viện Di truyền và Sinh học Phân tử Kiev. Trước khi Liên Bang Xô Viết tan vỡ, đây là một Viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới, còn giờ đây, nó giống như một cô gái đã lỡ thời, cam phận và lặng lẽ. Mọi người bảo vì kinh phí cho nghiên cứu không có nên rất nhiều cơ sở của Viện đã phải cho thuê để làm kho chứa hàng hóa, máy móc hoặc bỏ không. Trung tâm Công nghệ Sinh học là đơn vị nổi bật nhất còn sống được trong bối cảnh khó khăn này nhờ có công nghệ sản xuất interferon α-2b đã được sản xuất phục vụ trong nước và đã được chuyển giao cho một số nước. Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận công nghệ này với hy vọng có thể sản xuất được chế phẩm interferon α-2b dùng để điều trị viêm gan siêu vi B. Tôi được giao nhiệm vụ sang học quy trình xác định hoạt tính kháng virus của chế phẩm này trong ba tháng. Vì tình hình Kiev lúc này không an ninh lắm nên mọi người tìm cho tôi nhà ở chung với một bà mẹ người Ukraina. Lần đầu tiên gặp mặt, tôi chào bà là “mẹ” bằng tiếng Nga làm bà rất vui. Bà bảo hãy gọi bà là “mẹ Linda”.

Mẹ Linda rất già, không thể đoán được mẹ bao nhiêu tuổi. Mẹ từng là y tá trong chiến tranh vệ quốc, là thương binh và có một người con trai đã 60 tuổi. Theo lời mẹ, người con trai này suốt mười mấy năm nay không hề ngó ngàng đến mẹ. Mẹ sống cô đơn trong căn hộ hai phòng ngủ và gần như cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì mẹ không thể đi ra ngoài với thân hình to lớn cùng với bệnh hen suyễn và tim nặng. Với tiêu chuẩn cựu chiến binh, mẹ được nhà nước tài trợ cả dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ đến khám bệnh định kỳ và phát thuốc cho mẹ một tháng một lần. Một tuần một lần có một người phục vụ đến dọn dẹp nhà cửa, mua thực phẩm, thuốc men và đọc báo cho bà nghe.
Tuy vậy căn hộ không có vẻ gì là cô đơn. Các phòng chất đầy đồ đạc và rất sạch sẽ. Những tấm thảm thời Sa Hoàng, bức ảnh đồng “Vũ nữ múa trong cung điện” được lau chùi bóng loáng. Trên tường các phòng treo nhiều tranh phong cảnh nhỏ của Levitan, chân dung nhà thơ Yesenin Sergey treo ngay phía trên chiếc đi văng cũ kỹ. Tôi nói tôi rất thích thơ của Yesenin làm bà rất ngạc nhiên và vui thích. Trong bếp có hai chiếc bàn là nặng như hai quả tạ, khi dùng được đốt nóng bằng gas. Tuổi thọ trung bình của xoong nồi trong bếp chắc chắn không dưới năm mươi năm, và có lẽ chúng sẽ trường tồn nếu như không bị hắt hủi. Phòng của mẹ Linda có rất nhiều cây xanh trồng trong chậu. Trong tủ kính có một bức ảnh gia đình đã phai màu. Trong ảnh có mẹ Linda, chồng và con trai mẹ khi mới được 6 sáu tuổi. Trông mẹ thon thả rất đẹp. Khi tôi cầm bức ảnh khen mẹ đẹp, mẹ nháy mắt với tôi và nói thêm rằng mẹ còn khiêu vũ rất cừ. Hồi ấy đàn ông ai cũng muốn khiêu vũ cùng mẹ. Rồi mẹ lắc lư một điệu nhẹ nhàng. Tấm thân đồ sộ của mẹ bỗng trở nên uyển chuyển và duyên dáng lạ thường. Tôi ôm lấy mẹ và cũng lắc lư. Trong vòng tay mẹ tôi như một con chuột nhắt, có lẽ vì thế mà mẹ âu yếm gọi tôi là “con gái ” (дочка).

Trong phòng tôi ở có một chú gấu màu nâu tên là Misa. Lần đầu tiên bước vào phòng tôi buột miệng nói: “chào Misa” làm mẹ ngạc nhiên hỏi sao tôi biết nó tên là Misa, tôi cười nói vì trong chuyện cổ tích tất mọi chú gấu đều có tên là Misa làm mẹ lại ngạc nhiên nữa - mẹ cứ nghĩ là tôi nói thật.
Misa mặc bộ len màu đỏ, ngồi trên ghế ngay dưới chân giường ngủ của tôi. Đối diện với chú, trên đivăng là lãnh địa của cô cáo tên là Lucia. Lucia có bộ lông vàng rực rỡ và đôi mắt màu hồng ngọc lấp lánh. Túm lông trán dài rủ xuống một bên mắt làm thoạt tiên tôi cứ ngỡ cô nàng chỉ có một mắt. Trông cô láu lỉnh, tự tin, khác hẳn với chú gấu chân thành ngô nghê bên cạnh. Theo năm tháng chúng cũng già đi, có lẽ do bộ quần áo cũ kỹ và cũng có lẽ do sống cô đơn làm người ta rất mau già. Mẹ Linda đặt tên cho tôi là Anhia và hỏi tôi có đồng ý với tên đó không. Tất nhiên là tôi đồng ý vì nó nghe có vẻ dịu dàng.

Tiếng Nga của tôi bây giờ rất dở. Sau bao nhiêu năm không sử dụng, nhất là sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, tiếng Nga càng ít được sử dụng và đã trở thành kỷ niệm thời thanh niên sôi nổi của nhiều người Việt Nam đã từng sống ở nước Nga. Tôi lại chỉ là dân nói tiếng Nga nghiệp dư dù rằng thời sinh viên tôi đã có thể đọc với đầy cảm xúc chuyện ngắn của Tourgueniev bằng tiếng Nga. Tôi rất say mê nhà văn này. Những câu chuyên ông viết giản dị như một lời tâm tình, nó làm cho cuộc sống trở nên huyền diệu hơn, ngay cả nỗi buồn cũng trong vắt và bí ẩn như mùa thu nước Nga vậy. Mọi người sợ rằng với vốn tiếng Nga như thế tôi sẽ khó khăn khi sống cùng mẹ Linda vì người già, đặc biệt là người già cô đơn thường hay nói, và người Nga lại nói rất nhanh. Vậy mà không ngờ mọi chuyện lại thật là suông sẻ. Chúng tôi hiểu nhau rất nhanh. Bà dạy tôi nhiều từ mới đời thường khác với những ngữ nghĩa chỉn chu mà tôi thường được học trong sách vở từ trước. Tuy thế, thứ ngôn ngữ chính thống cũng mang lại niềm tự hào cho tôi một cách bất ngờ. Đó là có một lần bạn của mẹ Linda đến chơi khi tôi đang ở nhà. Mẹ Linda hào hứng giới thiệu tôi với khách. Tôi cố gắng nói chuyện với bà theo đúng “văn phạm”. Khi về bà đã nói với mẹ Linda: “Một người phụ nữ có văn hóa làm sao!” (Какая куљтурная җенцина!) làm mẹ cười hả hê mãi, còn tôi thì phổng mũi đến mấy hôm liền.

Rồi tôi có thể ba hoa với bà về mọi chuyện. Tôi nhớ lại rất nhiều từ làm mẹ rất ngạc nhiên khi tôi nói về Pushkin, Yesenin, Levitan và cả Alla Pugachova và Gorbachev nữa. Ở đây tôi mới biết rằng người Ukraina đau lòng lắm lắm khi Liên Bang Xô Viết tan vỡ. Một đất nước vĩ đại bỗng dưng trở nên đáng thương và hoang mang vì sự đổ vỡ niềm tin và chân lý. Khi tôi kể cho bà nghe rằng khi nghe tin liên bang Xô Viết tan rã, rất nhiều người Việt Nam đã khóc tức tưởi như thế nào, bà đã ôm tôi vào lòng rất chặt.
Tôi thực sự thoải mái khi sống với mẹ Linda. Mẹ ngày càng chăm chút cho tôi hơn. Bà sửa ngay ngắn trang phục cho tôi trước khi rời khỏi nhà, chuẩn bị bữa trưa cho tôi mang đến Viện. Có lần tôi phải ra sân bay tiễn một người bạn nên về muộn, bà đã ngồi ngay cửa chờ tôi về. Bà bảo bà đã lo đến nghẹn thở khi nghĩ đến những điều không hay có thể xảy ra với tôi. Con gái tôi đã 17 tuổi. Vậy mà bỗng dưng tôi lại được trở lại thành một cô con gái. Bỗng dưng tôi được quyền nhõng nhẽo khi ở bên bà – không ăn cái này, không mặc cái kia, mãi không chịu uống thuốc mặc cho bà năn nỉ… Tôi đã làm sống dậy hạnh phúc làm mẹ của bà, làm bà trẻ lại, làm bà phải âu lo, chờ đợi. Bà bảo cứ gần đến giờ tôi đi làm về là bà ngồi dậy chờ tiếng chuông tôi kêu cửa. Khi thấy tôi về vui tươi là bà yên lòng lắm.

Bà làm tôi nhớ mẹ tôi đến nao lòng! Con gái nhỏ của tôi đã 12 tuổi. Ngần ấy năm trời mẹ tôi đã xa thật xa. Vậy mà tôi vẫn không tin vào sự thật ấy. Tôi vẫn nghĩ rằng mẹ tôi luôn ở đâu đó bên tôi. Lúc tôi hạnh phúc tôi thấy mẹ rạng rỡ cười. Lúc lộn xộn linh tinh tôi cầu cứu mẹ. Cứ mãi như thế, tôi biết mẹ không bao giờ bỏ tôi.

Một chiều ngồi ở ban công cùng mẹ Linda, khi kể về mẹ tôi đã khóc nức nở như chưa tùng được khóc bao giờ. Mẹ Linda ôm chặt lấy tôi vỗ về: “Thôi đi! thôi đi! con gái nhỏ của mẹ!” (спокойной! Спокойной! Моя доченка) làm tôi càng khóc to hơn.

Kiev giờ đã vào thu. Hàng cây già ven đường đã trải lớp thảm vàng đầu tiên xuống mặt đất. Rừng cây đã thay bộ áp lốm đốm vàng.

Công việc ở phòng thí nghiệm cuốn hút tôi vì tôi đã bắt đầu tiến hành thí nghiệm dưới sự hướng dẫn ban đầu của tiến sĩ Ludmila Petrovna. Các kỹ thuật tế bào không xa lạ với tôi nên mọi việc tiến triển rất nhanh chóng khi áp dụng vào việc xác định hoạt tính kháng virus của chế phẩm sinh học Interferon-alpha 2b. Đây là một protein tái tổ hợp được sử dụng rất hiệu quả trong điều trị bệnh viêm gan siêu vi B. Viện Di truyền và Sinh học Phân tử Kiev đã hoàn thiện công nghệ sản xuất chất này với hiệu suất rất cao.

Tiến sĩ Ludmila đã có tuổi. Hiện bà sống một mình vì chồng bà đã chết và không có con. Mới đầu tôi hơi ngạc nhiên khi nói một số chuyện ở nhà, bà hay dùng từ “chúng tôi”, sau mới biết bà sống với một tiểu thư mèo và có vẻ rất “nể sợ” nàng này. Bà thường kể cho tôi nghe mọi chuyện về lady này. Nào là nàng đẹp làm sao, duyên dáng cỡ nào, đỏng đảnh ra sao, kiêu ngạo và ghen tuông dữ dội thế nào. Khi bà cười, khóe miệng và ánh mắt bà thật trẻ trung. Chúng tôi thường cười vang trong phòng thí nghiệm, làm có lần giáo sư phụ trách phải ngó đầu vào xem “có tiệc tùng gì”.
Lúc đầu chúng tôi dùng tiếng Anh, sau tôi tranh thủ nói tiếng Nga với bà tất cả những gì có thể nói. Với mọi người bà là phiên dịch cho tôi, nhưng sau tôi cố gắng “tự chiến đấu” để có thể giao tiếp với mọi người. Tôi rất “thỏa mãn” khi thỉnh thoảng có người hỏi tôi đã học trường nào ở Nga trước đây. Tôi thật sự rất thích tiếng Nga. Âm điệu của nó du dương, còn hồn của nó thì bay bổng và tinh khiết như mùa thu Nga vậy.

Sáng nay Liuda (tên ngắn thân mật để gọi Ludmila)  kéo tôi vào phòng thay đồ. Bà hớn hở khoe rằng hôm qua bà mới mua được một bộ đầm tại cửa hàng của Đức với giá giảm 50%. Nhìn dáng vẻ “chiến thắng” của bà với nụ cười rạng rỡ và hai tay vung vẩy tôi bỗng tò mò đòi xem ngay để biết vì sao mà chỉ một bộ đồ mới cũng có thể làm người ta hạnh phúc đến vậy. Bà lại nháy mắt, lắc đầu, uyển chuyển bước ra ngoài, rồi lại ngó đầu vào lại nói rằng “hãy đợi đến mai” theo kiểu sói nói với mèo trong phim hoạt hình “hãy đợi đấy” (Ңу, похади!). Tôi kêu lên với giọng thất vọng nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui khi thấy niềm vui tỏa sáng nơi Ludmila. Thật ra cuộc đời cho ta nhiều hạnh phúc hơn ta vẫn tưởng. Như trong mơ gặp được người yêu dấu, như một chiếc lá vàng đầu thu bỗng rơi vào túi áo ta, như một nụ hôn con trẻ chân thành và ấm áp…, tất cả chẳng phải là hạnh phúc đó sao?
Tôi nhớ lần đầu một mình đi đến Viện. Từ xa bỗng thấy một con chó mẹ rất to, theo sau là ba đứa con cũng hộ pháp như thế tiến về phía mình làm tôi hoảng sợ. Tôi định lén rẽ sang lối khác, nhưng thấy chúng đến gần không có vẻ gì là ác ý mà lại tỏ ra muốn làm quen nên lại thôi. Sau thấy mọi người thường mang thức ăn đến cho chúng thì tôi mới hiểu. Tôi cũng mang thức ăn cho chúng. Giờ gia đình ấy cũng rất thân thiện với tôi.
Chiều qua lúc về thấy chó mẹ chạy một mình. Lúc sau xuất hiện một chàng lang thang khổng lồ dáng điệu rất lãng tử chạy theo. Tim tôi thắt lại khi nghĩ đến hậu quả của sự kiện này. Lại một đàn con nheo nhóc sẽ ra đời, mà mùa đông khắc nghiệt sắp đến, chúng sẽ ở đâu? Tôi đâm ra thù ghét “thằng cha kia”. Nhưng con chó cái thì không thế. Mắt nó sáng lên dịu dàng, nó đong đưa và yểu điệu quá đỗi bên “chàng” làm tôi bật cười. Tôi đành phải chấp nhận một sự thỏa hiệp đơn phương. Biết đâu nỗi đau sinh nở cũng là một hạnh phúc. Biết đâu một tình yêu dù là thoáng qua cũng để lại trong đời một hạnh phúc thật bền lâu. Tôi đâm mắc cỡ. Sự so đo tính toán của con người thật là nhỏ nhoi trong cái thế giới hồn nhiên trong sáng của loài vật cỏ cây này.
Có hôm Liuda đến phòng thí nghiệm với cả hai cánh tay bị cào xước. Tôi hốt hoảng hỏi chuyện gì đã xảy ra với bà, bà nói lady mèo đã giận dữ trừng phạt bà khi bà đóng cửa không cho nàng ra ngoài “theo tiếng gọi của tình yêu”. Ôi trời, vậy mà bao lâu nay ta cứ ngỡ tình yêu là độc quyền của loài người chứ.
Mọi thí nghiệm đều tiến triển rất tốt đẹp. Lần đầu tiên dọc kết quả tôi đã làm Liuda ngạc nhiên vì số liệu tôi đưa ra chính xác hơn của bà. Bà giơ cả hai tay lên trời kêu lên “cừ lắm!" (моладец). Có lẽ bà nghĩ trình độ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn quá thô sơ nên mới ngạc nhiên đến vậy. Tôi phải giải thích rằng công việc thực ra không xa lạ với tôi vì ở trong nước tôi đã mày mò chuyện này rất nhiều. Sự tò mò, tính hiếu thắng muốn biết đến tận ngọn nguồn trong khoa học sẽ mang lại cho ta nhiều bất ngờ thú vị. Khác với trong đời, đôi khi biết đến ngọn nguồn lại làm ta đau đớn và thất vọng ê chề.
Mấy hôm nay thời tiết thật là dễ chịu. Cửa sổ phòng thí nghiệm của chúng tôi nhìn xuống một vườn táo mênh mông. Những quả táo đỏ tươi lấp ló trong tàn lá. Liuda bảo mọi người trong viện sẽ thu hoạch táo vào tháng tới. Táo sẽ được chất đầy tủ lạnh cho mùa đông.
Hôm nay Liuda đưa tôi đến một bảo tàng gần Viện. Đây là một khu làng cổ còn giữ lại được gần như nguyên vẹn hình ảnh nguyên sơ của đời sống nông thôn Nga cổ. Những căn nhà nhỏ xíu làm bằng đất sét. Trong nhà không hề có mặt vật dụng nào của thế giới văn minh hiện nay. Chỗ ngủ là một phòng nhỏ chất đầy rơm khô và cỏ thơm làm tôi muốn nhảy vào đó làm một giấc quá. Liuda thấy tôi cứ đắm đuối vào cái “giường địa đàng” ấy thì mỉm cười “rất thông cảm”. Chúng tôi lại rúc rích cười.
Những chiếc cối xay gió cũ kỹ bên đường, những cô gái “đặc Nga” đang kéo nước từ giếng lên, con chim đậu rỉa lông trên tháp chuông nhọn của nhà thờ nhỏ trong làng làm tôi nhớ đến những câu chyện của Alphonse Daudet  về cuộc sống êm ả miền quê nước Pháp. Tôi nói với Liuda rằng tôi đang nghĩ tôi đi bên bà giống như Sancho đi chiến đấu cùng Don Quichotte vậy làm bà cười mãi không thôi. Liuda bảo rằng bà thích tôi lắm. Giá như tôi làm việc cùng bà mãi thì thật là tuyệt bởi tôi cũng giống bà, mỗi khi có ý tưởng gì là lao vào làm ngay bất kể ngày đêm. Tôi lại nghĩ đến mẹ Linda. mấy hôm nay bà buồn rầu lắm vì biết tôi sắp xa bà mãi. Tôi nhõng nhẽo chọc cười bà làm bà vừa cười vừa ứa nước mắt. Tôi ôm ấp an ủi bà và bỗng thấy cuộc sống thật là tuyệt diệu. Chẳng phải là tuyệt diệu sao khi ta đang sống ở nước ngoài mà vẫn có cảm giác như đang được sống ở nhà của mình- có bạn bè thân thiết và có mẹ. Và điều tuyệt diệu hơn nữa là tôi sắp được trở về, sống trong nhà của mình, cùng với anh và các con.
 

Kiev, 7/ 1998

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Văn Thị Hạnh