Kỉ niệm Má tôi

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn             15/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Má tôi, Nguyễn Thị Thinh, pháp danh Thanh Ngọc, đã qua đời vào lúc 6 giờ sáng ngày 17/7/2008, tức ngày Rằm tháng Sáu, thọ 81 tuổi.

Dù biết rằng với những lần tai biến và bệnh trạng nguy hiểm, sự ra đi của Má tôi đứng trên quan điểm y khoa không có gì quá ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn thấy sốc, vì mình biết rằng từ nay mình sẽ mồ côi, và mỗi lần về thăm nhà sẽ có một ý nghĩa khác. Trước đó khoảng 3 tuần, khi Má tôi nhập viện đã 3 tuần và ở trong tình trạng nguy kịch, tôi bay về Việt Nam thăm và tưởng rằng Má tôi sẽ không qua khỏi cơn bạo bệnh. Thế nhưng sau khi xuất viện về nhà 3 ngày sau thì sức khỏe tương đối bình phục, và tôi bay về Sydney. Thế rồi, đến 3 tuần sau, ngày thứ Năm 17/7/08 mấy đứa em gọi điện sang nói rằng Má tôi đã tắt thở ở nhà. Thế là sau 3 năm trời "đấu tranh" với các bệnh nan y và 3 lần tai biến, Má tôi đã rũ bỏ bụi trần và bệnh tật để đi thanh thản về cõi vĩnh hằng. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, Má tôi đã chuyển nghiệp.

Có quá nhiều chuyện về Má tôi mà tôi muốn kể nhưng có lẽ tôi chẳng bao giờ nhớ hết để viết ra đây. Cuộc sống hiện đại đầy bận bịu và với “bánh xe vội vã” làm cho tôi thỉnh thoảng mất đi những suy nghĩ nội tâm. Tôi còn nhớ khi lên TPHCM để làm hội nghị loãng xương, tôi phải bắt tay mọi người, phải chúc mừng, phải cười … mà cứ đêm về nằm vắt tay lên trán có khi tôi tự hỏi làm sao mình có thể tươi cười được khi Má mình mới qua đời mới vài ngày trước đây. Cuộc đời này làm cho chúng ta đóng kịch, những màn kịch có tính lố lăng và bất hiếu. Những lúc này, kí ức về Má tôi cứ dần dần hiện về và tôi phải viết đến đâu hay đến đó, chứ không thì mai mốt sẽ quên.

Ngày Má tôi mất là ngày rằm, và theo các thầy tụng kinh thì đó là “ngày tốt”. Cũng như Ba tôi, Má mất vào buổi sáng, và các thầy nói rằng vì muốn nhường bữa ăn cho các con. Không biết thực hư ra sao, nhưng tôi nghĩ trong suốt cuộc đời, Má tôi lúc nào cũng nhường bữa ăn cho con cháu.

Nguyên quán của Má tôi là ở Bình Định, vì ông ngoại tôi là người gốc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông đi kháng chiến chống Pháp, rồi chẳng biết tình thế thế nào mà ông xuôi Nam. Không ai biết ông giải ngũ lúc nào, nhưng chỉ biết rằng ông giải ngũ xong thì lập gia đình với bà ngoại tôi vào những năm đầu thế kỉ 20. Như có thể đoán được, ông ngoại tôi vào Nam chỉ với bàn tay trắng, nhưng gia đình bà ngoại tôi trong Nam rất lớn, thuộc vào hàng “vọng tộc”, “giàu có”, ruộng nhiều (nhưng không phải điền chủ). Cưới xong, hai ông bà ở lại lập nghiệp tại Kiên Giang.

Ông ngoại tôi có 4 người con: Má tôi là con gái lớn, kế đến là cậu Tư (tên là Trà, sau này đổi sang Đề), dì năm (Biên), và sau cùng là dì Út (Sổ). Ngoài ra, ông ngoại tôi còn có một người con trai thứ hai tên là Hạng. Thật ra, cậu Hai Hạng không phải là con ruột, mà là con của anh ruột ông ngoại tôi (tức là cháu gọi ông ngoại tôi bằng Chú). Cậu Hai Hạng theo ông ngoại tôi đi kháng chiến vào Nam, và trong hoàn cảnh xa nhà, ông ngoại tôi nhận cậu làm con. Chúng tôi xem cậu như cậu ruột vậy. Sau này cậu Hai Hạng hi sinh trong thời kháng chiến chống Pháp. Cậu Tư tôi qua đời trong một tai nạn xe gắn máy vào năm 1968. Nay thì Má tôi qua đời, và gia đình bên ngoại chỉ còn 2 dì tôi.

Một thời gian dài, sau khi ông ngoại tôi qua đời, chẳng ai tìm hiểu để biết nguyên quán chính xác của ngoại là ở đâu. Má tôi, cậu Tư và các dì chỉ về Bình Định một lần duy nhất, nhưng chẳng ai nhớ năm đó là năm nào. Má tôi kể lại rằng lúc đó vì còn nhỏ quá, nên chẳng ai nhớ đường đi ra sao, chỉ nhớ rằng cả gia đình đi xe ngựa vào làng. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi, những đứa cháu bây giờ đã trưởng thành và muốn tìm lại bà con bên ngoại, chẳng ai biết ở đâu, chẳng ai biết đường đâu mà mò! Câu chuyện tưởng như là xong, mất quê luôn rồi, nhưng một ngày “lịch sử” vào năm 2006 đã xảy ra, và qua đó chúng tôi đã nối kết lại với một phần ruột thịt ngoài Bình Định.

Hóa ra, tôi còn có hai cậu (là em của cậu Hai Hạng) vẫn sống ở Phù Mỹ, Bình Định. Các cậu tôi là sĩ quan trong quân đội, từng tập kết ra Bắc, nhưng đã về hưu khoảng 20 năm qua và sống ở Phù Mỹ. Nghe nói có một ông lên xuống chức thiếu tá hay đại úy cả 3 lần vì tính nóng như Trương Phi với lính! Như vậy, gia đình bên ngoại tôi hình như làm quan võ nhiều hơn là quan văn! Sau sự kiện nhìn bà con, các dì tôi và mấy đứa em họ tôi có dịp về thăm các cậu ngoài Bình Định, còn Má tôi thì do sức khỏe kém nên chưa đặt chân về quê cha một lần thứ hai. Tôi cũng chưa về thăm quê ngoại lần nào. Có lẽ cuối năm nay tôi sẽ ra Bình Định thăm bà con bên ngoại. Tôi chờ ngày đó lắm …

Có thể nói rằng Má tôi là một bà mẹ Việt Nam tiêu biểu. Suốt đời chỉ làm nội trợ, lo cho chồng con, chứ chẳng biết lo cho mình. Tôi chưa bao giờ thấy Má tôi mặc một cái áo nào có màu tươi tắn một chút. Tất cả những quần áo Má tôi mặc, kể là áo dài, toàn là những màu nâu, màu đen, hay màu tôi tối. Ngay cả cái áo bà ba màu trắng, nhưng nhìn kĩ thì là màu trắng hột gà. Có lần một đứa cháu ngoại dành tiền lương đầu đời của nó mua tặng cho Má một cái áo màu xanh da trời, nhưng Má tôi chỉ để dành đó mà “khoe” cùng bà con hàng xóm, chứ chưa bao giờ mặc. Cũng chưa bao giờ thấy Má tôi trang điểm phấn son, cho dù là ngày cưới hỏi của mấy đứa em gái.

Bây giờ nhìn lại tôi thấy Má tôi có một cuộc đời cơ cực quá. Những năm trong thời Ngô Đình Diệm, Ba tôi bị bắt vì chính quyền tình nghi là do Việt Minh cài lại. Trong những ngày Ba tôi bị bắt nằm tù và bị tra tấn nhiều, Má tôi cực khổ lắm. Lúc đó tôi còn nhỏ nên không biết gì, mà chỉ nghe bác Ba Tể kể lại. Bác Ba kể rằng Má tôi phải nuôi 3 anh em trai tôi (lúc đó mấy đứa em gái chưa ra đời) mà còn phải đi thăm Ba trong tù. Ngoài bà con ra, làng xóm không ai dám đến giao du ban ngày. Viết đến đây tôi nhớ đến bác ba Tể, vì bác là người từng giúp gia đình tôi trong lúc cơ cực đó. Bác Ba Tể kể rằng thấy trong nhà thiếu gạo ăn, bác bèn chèo xuồng từ Kinh 7 xuống và quăng bao gạo trên sân nhà trong đêm tối để không ai chú ý và tránh liên lụy. Không nhớ Ba tôi nằm tù bao nhiêu tháng, nhưng hình như không đến 1 năm thì được thả ra. Trong thời gian đó, Má tôi làm đủ thứ việc đồng áng, nội trợ, buôn bán, v.v… Nghe nói có thời Má tôi bán xôi ở chợ. Nhưng khi sau này tôi hỏi thì Má không trả lời hay bình luận gì. Cần nói thêm rằng bác Ba Tể là anh kết nghĩa của Ba tôi vì hai người cùng đơn vị kháng chiến ngày xưa và cũng từ “miền ngoài” vào Nam. Bác Ba Tể tôi có ý chí sắt đá về cách mạng khi ông đặt tên con là: Quyết (gái), Chiến (trai), Sinh (trai), Bình (gái), Tồn (trai), Tiến (trai). Mấy năm sau bác lại sinh thêm 2 đứa con, và bác có vẻ “bí” tên, nên đặt thêm là: anh Yên, chị Lành. Nhắc đến Bác Ba Tể là tôi nhớ đến câu Quyết Chiến Sinh Bình Tồn Tiến Yên Lành. Bây giờ thì cả hai Bác Ba Tể đều đã qua đời khá lâu, và mấy anh chị đều lạc bốn phương tứ hướng …

Cuộc sống của Má tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, đi chùa gần nhà, hay đi chợ làng, chứ chưa một lần đi xa. Nếu có đi xa như lên Sài Gòn thì lại là đi … chữa bệnh và nằm bệnh viện. Vì quanh quẩn như thế, Má tôi chưa bao giờ có dịp ăn một bữa ăn ngon cùng con cháu. Trong những năm tôi về thăm nhà, lần nào cũng định dẫn Má đi ăn nhà hàng “cho biết với người ta”, nhưng mỗi lần bày tỏ ý định là mỗi lần Má tôi bác bỏ lập tức. Lí do? Đủ thứ lí do. Lí do đưa ra đầu tiên lúc nào cũng là “Tốn tiền quá”. Khi lí do đó không ổn thì lí do “Ở nhà nấu ngon hơn” được đưa ra. Thành ra, cho đến khi qua đời, Má tôi chưa bao giờ hưởng được một bữa ăn sang trọng, cho dù là “sang trọng” theo tiêu chuẩn thị xã!

Cũng như nhiều bà mẹ trong quê, trình độ học vấn của Má tôi chỉ đến lớp 4, biết đọc và biết viết. Nhưng trong đời, Má tôi chèo xuồng và nấu ăn nhiều hơn là cầm cây viết. Thật vậy, Má tôi chưa bao giờ viết một lá thư cho con cái ngoài này, và cũng chưa bao giờ cầm đến cái điện thoại. Tuy nhiên, Má tôi rất tự hào về sự thành đạt của con cháu. Những năm tôi còn học tiểu học, cứ lần nào tôi có bằng khen (thời đó còn gọi là “bằng tưởng thưởng”) thì tôi được theo Má xuống chợ và được cho ăn bánh tằm bì, ngon ơi là ngon! Cứ mỗi lần đi chợ quê và có khi không “may mắn” gặp phải thầy Phát (thầy là hiệu trưởng trường tiểu học xã, rất uy nghi) thì tôi tìm cách trốn phía sau Má, vì sợ gặp Thầy là thế nào cũng bị “hỏi thăm”. Mỗi khi thấy Má tôi nói chuyện gì với Thầy Phát là tôi tìm cách … đi ra xa, nhưng cũng không trốn khỏi Thầy. Thật ra thì Thầy chẳng có gì khó khăn, tất cả chỉ vì tôi sợ Thầy quá mà thôi.

Tại sao tôi kể chuyện Thầy Phát ở đây? Tại vì thời đó, tôi được học môn học “Công dân giáo dục” do Thầy dạy. Cứ mỗi lần vào lớp học, câu đầu tiên Thầy hỏi: bữa nay có đứa nào vô lễ với ba má không? Tất nhiên, đâu có đứa nào dám tự nhận là vô lễ, nhưng câu nói như là tụng kinh đó nhắc nhở tụi tôi phải biết kính yêu ba má, không được vô lễ với người lớn. Tôi nhớ năm đi thi đệ thất (tức là lớp 6 bây giờ, hồi đó phải thi từ lớp nhất -- tức lớp 5 bây giờ -- lên đệ thất), Thầy tôi nói như đinh đóng cột và pha chút đe dọa: đứa nào thi rớt thì đừng có nhìn mặt thầy!

Thời đó học trò quê như tôi phải lều chỏng để ra thị xã Rạch Giá để thi. Sáng sớm hôm đó, Má tôi thức sớm nấu xôi, cho xôi vào vỏ chuối kèm theo đậu phọng và muối (món này là món tôi thích) rồi nhét vào cặp vở. Bước lên cái xe đò cọc cạch, ghế ngồi bằng gỗ, Má tôi còn chạy theo xe nhét cho tôi vài đồng xu để uống nước đá xi-rô! Chiều về, Má đã ngồi bên sông chờ tôi tự bao giờ, và hỏi liên miên thi cử ra sao. Tôi còn nhớ nói với Má là trong đề thi có bài toán hai vòi nước chảy với hai tốc độ khác nhau, phải tính thời gian để bồn nước đầy. Bây giờ nghĩ lại cái đề thi đó thật là khó động trời đối với học sinh lớp 5! Ấy vậy mà tôi cũng đứng hạng hai trong bảng xếp hạng toàn tỉnh đỗ vào … lớp 6, tức đệ thất thời đó. Thời đó, anh hai tôi chỉ đỗ tú tài I (tức lớp 11) và đứa em họ đỗ tú tài II (lớp 12) bây giờ thì cả làng đều biết tiếng. Ngày xưa, học trò làng đỗ như thế hiếm lắm (vì phần lớn đều học đến biết đọc biết viết là đi làm ruộng), chứ chẳng phải mình hay ho gì.

Thời trung học, vì dưới quê không có trường, nên tôi phải khăn gói lên thị xã học cùng với 2 người anh em họ, và ở trọ nhà của người bà con bên ngoại. Mỗi khi nghe tôi “có điểm”, Má tôi đi đò sớm ra thị xã, và lúc nào cũng kèm theo đủ thứ thức ăn, nào là xôi, trái cây, thậm chí có khi có gà vịt nữa. Những lúc như thế, hai mẹ con chỉ ở có vài giờ, mà tôi cũng chẳng biết nói gì, rồi Má tôi phải đón chuyến đò xế chiều để về nhà cho kịp tối. Thời đó, đi đò từ xã ra thị xã tốn đến 4 giờ đồng hồ (chứ không phải chỉ 25 phút bằng xe Honda như bây giờ), và phải thức dậy sớm để đón đò. Tôi biết Má tôi đã vất vả như thế nào trong những chuyến đi như thế.

Hết con rồi đến cháu. Sau này, mỗi khi hay tin đứa cháu ngoại hay cháu nội nào đỗ đạt thì Má tôi mừng lắm. Mấy năm trước, có đứa cháu ngoại vào đại học, Má tôi mừng như mở hội, khoe cùng hàng xóm: con bé Thuận nó vô đại học rồi! Có lần trong một chuyến về quê, vào một buổi trưa hè nóng bức, tôi để ý thấy Má ngồi trên bàn sofa lẩm bẩm đếm xem trong đám cháu của mình có bao nhiêu đứa vào đại học. Đếm xong rồi, Má cười một mình và nói như độc thoại rằng “Mấy đứa nó coi vậy mà cũng không tệ”.

Sau 1975, có thời tôi không có việc làm, và về quê sống. Những buổi trưa hè, thấy tôi ngồi trước hành lang nhà buồn bã, Má tôi lúc nào cũng ở bên cạnh động viên. Có lần Má tôi nói: “Thôi, con à, đừng dính dáng đến mấy ông Nhà nước nữa, để mai mốt Má đi tìm con dâu”. Lúc đó, tôi đoán Má tôi đã nghĩ đến những cô bạn học cũ của tôi thời tiểu học là “ứng viên” dâu tương lai, nhưng tôi thì đầu óc, tâm trí đang nghĩ chuyện rời Việt Nam. Má tôi chưa kịp tìm con dâu thì tôi đã rời Việt Nam.

Tôi rời Việt Nam trong thời bao cấp, thời mà cuộc sống cực kì khó khăn. Nhà tôi mất rất nhiều đất ruộng dưới danh nghĩa hợp tác xã, Ba tôi chán nản, còn Má thì cứ than vắn thở dài. Mãi đến sau này đất ruộng vẫn không được trao trả lại cho gia đình tôi, còn những người được Nhà nước lấy đất nhà tôi giao cho họ thì họ bán lại cho Ba Má tôi! Những năm này, chúng tôi ở ngoài phải “chi viện” thường xuyên cho nhà. Từ những thước vải, những lọ thuốc, những bánh kẹo, v.v… đều được đóng thùng gửi về thường xuyên. Tôi chẳng biết Má tôi có thưởng thức mấy thứ này không, nhưng mỗi lần đóng thùng như thế là tôi nghĩ đến Má. Bây giờ ngồi nghĩ lại, trong suốt mấy chục năm xa quê, ngay cả những lúc khó khăn nhất như thế, Ba Má tôi chưa bao giờ viết bất cứ một lá thư hay đánh điện tín nào hỏi xin cái gì, chưa bao giờ gọi điện thoại mong muốn món gì.

Trong những năm đầu sau khi tôi đi, công an xã cứ liên tục làm khó làm dễ gia đình. Má tôi kể lại rằng hồi đó cứ mỗi thư tôi gửi về nhà, Ba Má tôi đều phải lên ủy ban xã đọc cho họ nghe. Được vài lần, Ba tôi nổi máu nhà binh nóng tính, không chịu đi đâu hết và cũng không đọc cho ai nghe, và thế là không còn cái cảnh đọa đày đó nữa. Trong giai đoạn khó khăn đó thì có người bạn cũ của Ba tôi giúp đỡ. Năm 1991 hay 1992 (?), có một ông nguyên là đồng đội của Ba tôi thời trước nay là trung tướng tư lệnh quân khu 9 hay gì đó đến xã tìm Ba tôi. Sau mấy mươi năm xa cách, hai người gặp lại trong nước mắt vui mừng. Chính ông tướng này đã làm thủ tục để Ba tôi hưởng lương thương binh, nên từ đó gia đình không bị làm khó nữa.

Mãi đến 15 năm sau tôi về quê thăm nhà lần đầu. Năm đó là 1997, nước ta đã “mở cửa” và qua 10 năm Đổi mới nên cuộc sống dễ thở hơn. Tôi nhớ hoài trên đường đi xe từ Phi trường Tân Sơn Nhất về nhà mà lòng cứ hồi hộp, không biết ở nhà bây giờ ra sao. Khi về đến nhà, mới bước hành lang đã thấy Má tôi lau nước mắt, tôi chỉ muốn khóc nhưng chẳng hiểu sao lại dằn nén được. Có lẽ cuộc sống cơ cực cùng những nhớ thương con cái ở xa đã làm cho Má tôi già đi nhiều và ốm hơn trước nhiều. Lần đó, Ba tôi quyết định làm tiệc lớn thiết đãi bà con hàng xóm, và tôi đã có một ngày thật vui. Nhưng tôi để ý chẳng thấy Má tôi ngồi vào bàn tiệc gì cả, mà chỉ đi đi lại lại như bận lắm. Ngay cả những lúc đáng lẽ phải nghỉ ngơi và vui như thế, mà Má tôi cũng chẳng ăn được một miếng ngon.

Ở Việt Nam, hình như người con út -- dù trai hay gái -- thường được ba mẹ “cưng” hơn những người con khác. Nhưng trong gia đình tôi, có thể nói rằng Má tôi thì không có cái tâm lí này; đứa nào Má cũng thương như nhau. Má tôi chưa bao giờ trừng phạt tôi một lần nào. Không phải vì tôi là con trai út trong nhà mà không bị đòn đâu, nhưng tính tình Má tôi là thế: không bao giờ đụng đến cây roi. Có lần tôi làm gì đó động trời lắm, nên bị Ba tôi trừng phạt, và hình phạt là không cho về nhà trong 1 ngày. Tôi (lúc đó chắc chỉ 11 tuổi gì đó) lang thang qua nhà các dì tôi, rồi có lẽ vì nhớ nhà quá nên chờ đến tối mới mò về bên nhà Củ Hương (người hàng xóm Khmer rất thương tôi). Má tôi biết chuyện nên sang nhà Củ Hương đem tôi về ngủ. Đêm đó tôi ngủ với Má mà lòng hồi hộp không tưởng được.

Mấy năm sau này, khi có dịp về quê, lúc nào tôi cũng về nhà thăm Má. Tất nhiên, con trai lớn rồi, đâu có ngủ chung với Má nữa, ấy thế mà một đêm khoảng 1 năm trước đây (lúc đó Má tôi bị tai biến nên đi lại rất khó khăn) tôi ngủ chung với Má. Má tôi thủ thỉ hỏi rằng nghe người ta nói tôi về Việt Nam giảng dạy, viết sách gì đó, vậy hư thực ra sao. Má tôi còn dặn là đừng có làm gì “đình đám” quá mà người ta để ý có khi khó khăn về sau. Má tôi chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách của tôi (và chắc cũng chẳng quan tâm). Má tôi không bao giờ hỏi tôi học gì, hay chức vụ của tôi ở ngoài này là gì, mà chỉ quan tâm đến … 2 đứa cháu nội. Đêm đó là đêm sau cùng mà hai mẹ con ngủ chung, vì sau này tôi chẳng bao giờ có dịp đó nữa.

Thật ra, Má tôi có xu hướng thương mấy người anh hơn, vì người anh thứ hai không may mất tích trên đường đi vượt biên, còn người thứ ba thì Má tôi thường than là “nó làm cực quá”. Má tôi cũng dành tình thương cho cháu nội và ngoại như nhau. Không có phân biệt gì cả. Thật ra, mấy đứa cháu ngoại có phần ưu ái hơn vì sống gần ngoại, còn mấy đứa cháu nội thì ở ngoài nên không có cơ hội sống gần Má tôi.

Má tôi cũng rất thương mấy đứa em họ, nhất là mấy đứa con của Cậu Tư. Có lẽ vì mấy đứa này là cháu nội của ông ngoại tôi, mà ông ngoại thì chỉ có một đứa con trai duy nhất chăng. Bất cứ ai nói gì về mấy đứa này một cách tiêu cực là Má tôi phản đối hay “điều chỉnh” ngay. Ngay cả những ngày tháng cuối đời, khi không còn nói được, Má tôi vẫn biểu lộ tình cảm đặc biệt cho mấy đứa con của Cậu Tư tôi. Cứ mỗi lần thằng Cao, con Đẹp, Hân, Huyền mà qua thăm là Má tôi đưa mắt nhìn rất lâu và lưu luyến. Mợ Tư tôi, tức là em dâu của Má, cũng là người Má tôi thương mến. Sau khi Cậu Tư tôi mất, dù có nhiều người “đánh tiếng” nhưng Mợ ở vậy nuôi con cho đến ngày nay. Mợ Tư nói rằng ngày xưa khi về làm dâu cho ông bà ngoại, Mợ rất ngại mấy bà chị em chồng, nhưng Mợ nói khi đã về nhà chống rồi thì chẳng có gì phải lo. Mợ kể rằng trong suốt thời gian làm dâu cho đến bây giờ, chưa bao giờ Má tôi nói gì lớn tiếng với đứa em dâu, chưa bao giờ Má tôi có bất cứ một thái độ “chị chồng em dâu” nào để Mợ phải buồn lòng.

Ở Tây phương người ta có câu nói đại khái rằng (tôi chỉ nhớ ý) thế giới này có rất nhiều kì quan, nhưng kì quan tuyệt vời nhất và vĩ đại nhất vẫn là người mẹ. Thành ra, mất mẹ là mất cái kì quan vĩ đại đó. Trịnh Công Sơn có lần viết rằng “Mất mẹ là mất một phần lớn của cuộc vui muốn được đền đáp, chia sẻ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người.” Đúng như thế. Dù cho tôi có làm chức vụ gì hay đóng vai trò gì trong cái xã hội này, kể từ nay tôi nay trở thành nghèo hơn vì đã mất Má.

Sau khi Ba tôi qua đời vào năm 2004 thì sức khỏe Má tôi suy giảm rõ rệt. Bây giờ nhìn lại những bức hình tôi chụp suốt mấy năm qua mới thấy thần sắc Má tôi biến đổi một cách nhanh chóng và đáng ngại, như là một quá trình lão hóa và một sự ra đi về cõi vĩnh hằng đã được báo trước. Dù biết rằng sinh lão bệnh tử là quá trình tất yếu không ai có thể tránh khỏi, nhưng với Má mình thì sự ra đi vẫn làm mình buồn và tiếc. Đôi khi cuộc sống với những bận bịu của nó làm cho tôi quên rằng mình mất Má, nhưng đêm đêm về nằm suy nghĩ thì thấy đang và sẽ mồ côi trong suốt quãng đời còn lại. Từ nay, khi về quê tôi nhận thức rằng mình đã mất đi một điểm tựa, một người mà đạo đức đã là tiêu chuẩn cho hành động của mình trong suốt thời gian qua.

Nhạc sĩ Y Vân có ca khúc bất hủ Lòng mẹ mà trong đó có câu Lòng mẹ bao la như biển Thái bình. Với ai thì tôi không biết, nhưng với Má tôi thì câu hát này đúng 100%. Thật ra, chưa chắc so sánh này đầy đủ, bởi vì tấm lòng Má tôi dành cho mấy đứa con và cho tôi thì không có gì đo được. Không có gì đo được. Ấy thế mà chưa một lần tôi nhìn thẳng vào mắt Má để bày tỏ lòng cám ơn và ngưỡng mộ của mình. Và, có lẽ vì còn cái cá tính phương Đông trong người, nên tôi chưa bao giờ bày tỏ một cử chỉ gì đế cho Má tôi biết rằng tôi thương Má. Hôm nay, mượn trang blog này để nói câu đó: “con thương Má”.

Nguyễn Văn Tuấn

TB. Nhân dịp này, xin thành thật cám ơn các bạn và đồng nghiệp đã gửi thư đến chia buồn, vòng hoa phúng điếu. Tôi cũng chân thành cám ơn các báo Người lao động, Kinh tế Sài Gòn, Tia Sáng, và Diễn Đàn (Paris) đã có lời phân ưu trên báo. Thật là một vinh hạnh cho tôi và gia đình khi có được những người bạn xa gần khắp thế giới quan tâm, mà tôi không thể kể hết ra đây. Trong thời gian ở Việt Nam, đáng lẽ tôi gửi thư cám ơn các bạn, nhưng vì quá bận với việc tang lễ và ngay sau đó thì phải lên TPHCM để lo chuyện Hội nghị quốc tế về loãng xương nên không làm được chuyện cảm ơn đó. Nay xin mượn trang blog này để một lần nữa cám ơn các bạn.

Đăng lần đầu 14/8/2008

Cập nhật : 15/08/2008

http://tuanvannguyen.blogspot.com/

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Văn Tuấn