Mùa Tết

Vietsciences-Bích Xuân        10/02/2008 

 

Những bài cùng tác giả

 

Thêm một cái Tết lại đến người Việt lưu vong tại quê người bâng khuâng bên những nhành hoa Mai, hoa Đào muôn hồng ngàn tía chen nhau khoe sắc, trong một góc chợ tại các siêu thị Á Châu. Thiên hạ nườm nượp tới gian hàng « Hoa Tết » để chọn một cành Mai vàng năm nhánh về chưng trong nhà cho có không khí Tết (một loại hoa vàng có quanh năm suốt tháng ở Pháp giống Mai thật) . Mai vàng quanh năm cheo leo trên núi cao nào chẳng ai biết, chỉ thấy hoa mai xuất hiện trong những ngày sắp Tết để vui xuân với mọi nhà ( hoa mai chịu đựng được giá băng mùa đông, thân cây trơ trọi, rụng hết lá, đến những ngày sắp Tết bỗng dưng thân cây đầy lá xanh và búp nở, nên được xếp đầu trong các loài hoa nở rộ trong những ngày đầu xuân. Mai vàng được mọc nhiều nhất ở hai tỉnh : Quảng Nam và Bình Thuận VN )  Ở Pháp thì làm gì có hoa Mai thật !
Nói đến Tết là thấy hình ảnh hoa Mai, hoa Đào, chùa chiền, lư hương, bánh tét, bánh chưng, bánh dày, dưa hành củ kiệu…Riêng về các món bánh có tiệm bày bán quanh năm suốt tháng, thế mà đến ngày cuối năm, bà con đi chợ chen nhau mua lấy mua để cho bằng được mới thôi…làm như không có những món này là trong nhà không có Tết vậy ! Ở ngoại quốc mà nói chen lấn trong chợ là điều khó tin, nhưng thật đấy, bạn đến Paris 13 vào dịp Tết sẽ thấy hình ảnh này ngay trước mắt.
 Trời lành lạnh lại có những cơn mưa đầu xuân làm người viết bỗng nhớ những ngày Tết thơ ấu, nhớ làng xưa, lối cũ, nhớ cành Mai…Thôi thì đem nhành Mai bằng nhựa duyên dáng mỏng manh, không bao giờ thay đổi màu sắc tươi thắm, cắm vào bình trên bàn, rồi ngắm tới ngắm lui để chào đón chúa xuân và cùng vui Tết với thiên hạ.
Hoa Mai,  hoa Đào  là đề tài muôn thủa làm mê đắm tân hồn các văn nhân bao đời nay. Trong mùa Tết chúng ta không thể không nhớ tới Vũ Đình Liên với thi phẩm Ông Đồ Già :
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa...
 

 

 

Bên phố đông người qua trước cửa siêu thị Paris Store, Tết năm nay không có ông đồ già mà là… cô. Cô đồ trẻ này ngồi vẽ chữ với những màu sắc sặc sỡ. Khách Việt, khách tây hiếu kỳ đứng chung quanh xem cô vẽ chữ, và chờ tới phiên để vẽ liễng cho mình. Một hình ảnh Tết nơi đây như đọng lại trong tâm khảm người tha phương những giây phút xao xuyến lòng…
Tại khu phố của người Á châu, bà con tưng bừng đón Tết, khách hàng tấp nập trong những ngày cuối năm trên những con 
huyết mạch đông người qua lại, tuy thời tiết  có gió nhiều và lạnh. Các siêu thị, nhà hàng tàu treo lồng đèn, liễng hoa đỏ với những hàng chữ vàng chói như mọi năm để đón mừng năm mới. Người viết ra phố nhìn người qua lại, thấy ai cũng rộn rã để đón mừng năm mới, lòng mình cũng thấy vui như  Tết…

Những ngày lễ là những ngày các tiệm bán buôn đắt hàng, nhận tiền của khách không kịp. Người ngồi « két » ở trong tiệm Á châu, khi thối tiền lại cho khách thường hay bị nhầm. Khách kiên nhẫn và (đừng mắc cỡ), đứng tại chỗ kiểm sóat thế nào cũng bị thiếu từ 2 đến 5 euro…Khách hỏi thì họ xin lỗi là xong. Cái nhầm của họ luôn luôn bị thiệt về phía người mua, chẳng bao giờ bị thiệt bên người bán, nhất là mấy ông bị « khèo » nhẹ túi tiền kiểu này dài dài...trừ khi trả bằng thẻ tín dụng, ngay như nhà hàng ăn cũng vậy, có món không kêu mà thấy có tính tiền, thật là…vui. Vui là chưa có ai là « nạn nhân » nhưng biết đâu có bạn đã từng bị « chém » rồi mà không hay đó thôi !

Những ngày cuối năm ở chợ đã đông người mà ở chùa lại đông hơn, các bác, các anh, các chị kéo nhau đến làm bánh Tết cho chùa thật là đông. Mấy anh thì nhồi bột, mấy chị thì rán bánh…các phóng viên đài truyền hình Pháp đến quay phim làm phóng sự Tết, thấy máy quay phim cứ hướng về phía mấy anh chị làm bếp, anh chị khoái quá, tay vừa làm và cùng nhau hát bài Ly Rượu Mừng vang dội cả một góc chùa, vui ơi là vui. Đâu đâu cũng thấy tưng 
bừng không khí Tết.

 

 

 

 


Đêm giao thừa, người Việt ở vùng lân cận Paris thường kéo nhau đến chùa để lễ Phật, xin xăm, được lộc đầu năm với bao lì xì đỏ. Ai quen chùa nào thì đi lễ chùa đó, nên chùa nào cũng đông người. Đến chùa mới thấy hình ảnh không khí Tết. Người Pháp cũng biết tục lệ này nên họ cũng theo vợ (hoặc chồng) đến chùa làm lễ. Ở Pháp có tất cả 30 ngôi chùa, 6 chùa ở vùng ngoại ô gần Paris là chùa : Khánh Anh, Quan Âm, Linh Sơn, Hoa Nghiêm, Tịnh Tâm, Xá Ngọc Điểm… Cũng trong đêm giao thừa các nhà hàng lớn của Á châu không còn chỗ trống, đa số là khách Tây đến dự vì có múa lân. Các tiệm đều có lân đến viếng từng tiệm, có tiệm treo bao lì xì ở tận trên cao mà thoạt nhìn người ta không nghĩ là lân sẽ lấy được, nhưng cao cách mấy lân   cũng lấy được bao lì xì, mục này là hấp hẫn nhất.

( Đêm giao thừa được Thầy lì xì )   

Người viết đi lễ trong đêm giao thừa (chùa Khánh Anh cũ) vừa bước vào bên trong chánh điện, đã thấy ngay Đức Phật ngồi trên tòa sen, trong lòng muốn làm bài thơ, làm được câu đầu, câu kế tiếp… tịt ngòi, nên mượn vội những câu thơ của thi sĩ Đan Hà hiện đang cư ngụ tại Đức quốc.
Lên chùa thấy Phật mỉm cười
Thấy hồn tôi nở rất tươi đóa hồng
Ngoài sân nắng trải mênh mông
Gió đưa mở cánh sen vàng thước tha
Thấy em đứng chắp tay hoa
Áo mây lam sắc bay qua trên ngàn…
Những câu thơ thật nhẹ nhàng, đọc lên vừa có cảnh, có nhạc, có đạo, và bâng khuâng rung động chút tình trong cơn gió thoảng…

Lúc vào chánh điện, tôi gặp Sư Tổ trụ trì chùa Khánh Anh là Thượng tọa Thích Minh Tâm chuẩn bị làm lễ. Thầy bao giờ cũng ân cần và gần gũi như một vị cha già nhiều tình cảm. Quả tim thầy đã mở rộng hơn 30 năm trong ngôi chùa nhỏ tại Pháp, từ một căn appartement bị đuổi tới đuổi lui cuối cùng để biến thành ngôi chùa làm mái ấm, để MaiChua012.jpgnhững người Việt xa quê hương tụ về. Ngôi chùa này bây giờ quá nhỏ thấy so với số lượng người đến nên thầy cất thêm ngôi chùa mới ở vùng Evry từ năm 1995 đến nay mà vẫn chưa xong, vì còn tùy theo sự đóng góp của phật tử. Ngôi chùa khá lớn nên chùa phải vay mượn tiền của các đạo hữu, các hội thiện khắp nơi để hộ trì chùa Khánh Anh. Ngôi chùa này mà xây cất ở Mỹ chắc chắn đã xong từ khuya rồi.
(Chùa Khánh Anh tại Evry).
Gặp thầy ngay trong đêm giao thừa, thay vì chắp tay xá, tôi lại đưa hai tay đỡ lấy bàn tay thầy, và chúc sức khỏe thầy được bình an. Thầy nói : « Lâu quá, không thấy con đến chùa. A, thầy có đọc những bài phóng sự của con…» tôi mừng thầm trong bụng, thưa: « Dạ, con cảm ơn thầy… ». Thầy đi, một chị phật tử bên cạnh tôi tên là Hoa, Lá gì đó, nhìn mặt chị có vẻ hốt hoảng, chị vội đánh vào tay tôi: « Nè, Trời ơi ! đàn bà không được cầm DSC_3428.jpgtay thầy như dzậy nghe chưa, người ta nhìn… ». Nghe chị nói tôi hoảng hồn, mặt cứ ngớ ra như vừa bị phạm tội…Nếu biết, ai mà dám đụng vào tay thầy ! Thỉnh thoảng người viết đến chùa để nhìn nụ cười từ bi của Phật cho hồn bớt sân, si, đôi chút, chứ có tu đâu mà biết những qui luật này ! Nhưng nhờ cái không biết ấy mà đầu năm mình được hên, không tu mà có cơ duyên đụng vào bàn tay người tu hành mình cũng hưởng chút ít phước lộc ở nơi thẩy.

Tết năm nay tại Paris, cộng đồng người Việt có nơi tổ chức mừng xuân con Chuột trước Tết một tuần, không như những năm về trước tổ chức mừng xuân sau Tết hai, ba tuần lễ. Chắc là ngại tổ chức sau Tết sẽ đụng các hội khác. Không chỉ riêng người Á Châu đón Tết, mà ngay cả dân Pháp cũng rộn rã mừng Tết ta, vì có những nơi tổ chứcTết rất linh đình nhộn nhịp, được mời ăn uống free mấy năm liền tù ti, ví dụ như 
hội Hướng Đạo chẳng hạn.

IMG_8772-copie-1.JPGHội lớn tổ chức theo lớn, nhỏ thì họp nhóm nhỏ,  tổ chức văn nghệ mừng xuân, đồng hương đến chật cả hậu trường (200 người). Dễ thương nhất là các em nhỏ áo dài màu xanh, màu hồng lên chúc Tết các bác, các chú với những câu tiếng Việt rành mạch, làm cho khán giả ngồi dưới  sân khấu  trầm trồ khen con ai mà dễ thương, trong lòng các bác, các chú chộn rộn ; nôn nao, trên tay lăm le bao thơ đỏ, chuẩn bị « chạy » lên sân khấu để lì xì cho các em…

Đang viết bài Tết thì điện thoại reng, bên kia đầu dây là chị Bích ở vùng Evry mời đi dự văn nghệ Tết của hội Hướng Đạo. Chị Bích dặn dò phải đến đúng giờ. Năm nào Hướng Đạo cũng bắt đầu chương trình đúng giờ, đi trễ là hụt coi các tiết mục đốt pháo, múa lân… Ít thấy có hội đoàn nào ở Paris mà chương trình đúng giờ như đã ghi trong thiệp mời, nếu đúng như lời chị Bích nói thì hội Hướng Đạo rất có qui tắc và nghiêm chỉnh trong việc tổ chức.
IMG_9042.JPGDưới giải mây hồng nhạt, con đường ẩm ướt mưa xuân vào buổi sáng làm lòng người tràn ngập một cảm giác êm đềm trong những ngày đầu xuân. Sau một màn lái xe quanh co, lạc trước, lạc sau người viết mới đến được nơi Hướng Đạo tổ chức. Phòng đẹp, sân khấu khang trang, có dàn âm thanh và một hệ thống đèn màu thật là tuyệt. Hỏi tại sao Hướng Đạo không tổ chức tại Paris mà lại tổ chức ở đây, thì được biết : ông Thị trưởng ở đây có cảm tình với người Việt nên cho mượn phòng free để tổ chức, nên Hội Hướng Đạo mỗi năm đều tổ chức Tết tại đây để đồng hương thưởng thức văn nghệ và hội chợ xuân từ trưa cho đến chiều, buổi tối có khiêu vũ đến 4 giờ sáng mới chấm dứt.

 


(Ông Bà Thị trưởng cùng hát bài  nhạc xuân)
Rồi tiếp đến là hội chợ và văn nghệ Tết năm thứ 43 của Tổng Hội Sinh Viên Paris, tại nhà hát Opéra de Massy. Tết Tổng Hội Sinh Viên Paris đã có truyền thống từ lâu nay nên Tết năm nào cũng chật ních người.
 Năm nay, Tổng hội « di tảng » Hội chợ Tết ra tận Massy vùng ngoại ô Paris. xuân về dù cho xa Paris đồng hương cũng vẫn tìm đến  xem hội chợ và văn nghệ mừng xuân với chủ đề Kho Tàng Nước Việt. Những con chim  rời tổ bay bỗng khắp mọi nơi, mùa Tết những tổ bay bỗng khắp mọi 
nơi. Mùa Tết những nơi lễ hội là dịp đồng hương tìm đến với nhau để lại những hương vị quê xưa.

Sau Tết Việt là đến Tết Miên, Lào vào đầu tháng tư, được tổ chức  ở trong khu rừng Vincennes gần Paris. Tại đây có ngôi chùa của người Lào, Miên cũng là trung tâm tụ họp trong những ngày lễ hội. Đàn ông, đàn bà từ già cho đến trẻ, đều thích múa tay với vũ điệu cổ truyền, sau đó là chơi bầu, cua, cá, cọp, họ đặt tiền 100 euro là thường. Cộng đồng người Á châu lưu vong tại Pháp đều ăn Tết. Mỗi dân tộc ăn Tết đều biểu hiệu nét đặc trưng văn hoá riêng của dân tộc mình.
 

Buổi đầu xuân, người viết cùng hai chị Ngọc Lan và Thy Như đi đến nhà thương ở quận 13 Paris để thăm các người bệnh VN. Trước khi đến, chúng tôi phải chọn quà cho mấy cụ là các loại bánh, bánh nào mà khỏi cần phải nhai, ví dụ như bánh đâu xanh, vì có cụ đã rụng hết răng. Chúng tôi đến nơi thì biết một số bệnh nhân người Việt dời đến một nhà thương khác, vì không biết tên tuổi các bệnh nhân nên chúng tôi phải chờ khoảng 3 giờ chiều mới gặp được các bệnh nhân ở ngoài phòng khách (mỗi ngày hai tiếng) để các cụ trò chuyện và có buổi ăn nhẹ tại đây.
Trong phòng khách, chỉ có một người đàn ông Việt là cụ Thái Văn Kiểm, ngoài ra là mấy bà đầm già. Lâu lắm rồi tôi không gặp cụ Kiểm, từ khi cụ bị bệnh, nên vừa trông thấy cụ tôi rất vui mừng và xúc động. Cụ Kiểm đang ngồi cùng với mấy bà đầm tỉnh tỉnh, điên điên, có bà nói chuyện một mình mà không biết mình đang nói gì. Nhìn các cụ như những đứa bé lên 3 vì ăn phẳi có người đưa thức ăn nước uống vào tận miệng. Tôi đến bên cạnh cụ Kiểm hỏi chuyện, cụ trả lời gọn hơ, rồi cười lên khanh khách.
- Bác ơi ! bác còn nhớ cháu không ?
- Nhớ chớ ! Người đẹp ai mà quên…
- Trời ! Vậy người không đẹp, không nhớ !
- Nhớ chớ, nhưng người nào đẹp thì nhớ lâu hơn…
Nhưng, hỏi thì cụ trả lời, không hỏi thì cụ ngồi yên, hỏi thêm vài câu nữa thì cụ bắt đầu nhớ nhớ, quên quên…(Thái Văn Kiểm là một trong những hội viên của Hàn Lâm Viện Pháp quốc, có những bài khảo cứu rất  có giá trị ). 
 

cụ Thái Văn Kiểm, và Bích Xuân.
Ra về, từ nhà thương chúng tôi  đến thẳng nhà hai bà cụ ở quận 20, một cụ tuổi 84 và cụ 87, không chồng, không con thấy thương hết sức. Thỉnh chúng tôi đến thăm và mua vài thứ cần thiết cho hai cụ. Tuổi già không chồng con bên cạnh thật là cô đơn trong những ngày Tết. Mỗi lần đến thăm hai cụ đến 12 giờ khuya tôi mới ra về.
 
Mùa Tết, người viết bài này đã nếm đầy đủ « chất lượng » từ chất nóng của ly trà, đến chất lạnh của khí trời, cùng chút tình thương chia sẻ, rồi đến chất đặc các bánh: bánh tổ, bánh chưng, bánh tét… Nếm đủ củ kiệu, dưa hành, thịt heo, bánh, mức…Rồi đi lung tung từ buổi trưa chưa tới, buổi sáng đã ra khỏi nhà. Hết nơi này đến chỗ kia. Cả ngày vui xuân, ngày mai tiếp tục, ngày mốt vui tiếp. Nhưng đâu đã xong đâu, chưa hết tháng giêng : « Tháng giêng là tháng ăn chơi mà…. »  người viết sẽ còn đi nữa. Không biết Tết này năng lực mình giảm hay tăng ! Chắc là giảm, mặc dầu ăn uống thả dàn cánh nhạn, nhưng ăn là để thưởng thức, đâu phải ăn lấy ăn để đâu mà sợ thân thể tăng cường thêm chất lượng…Hơn nữa, đi tới, đi lui như chim bay để hít thở không khí trời. Đi là một cách để tập thể dục, và uống nước nhiều thì thế nào vòng số hai cũng nhỏ lại mà…

Năm mới chúc qúi độc giả hưởng mùa xuân bình an hạnh phúc và mọi sự đều tốt đẹp như ý.


 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bích Xuân