Ngày Xuân Êm Đềm

Vietsciences-Võ Hồng              24/01/2005  trong  Lá Vẫn Xanh

 

Chiều hôm ấy khi đi học về, An thấy trên ven mép sân vừa trồng một hàng cúc vạn thọ. Mừng quá, An không kịp bỏ mũ sách, nhảy tuốt ra nhà sau tìm chú Ba.

- Chú Ba ơi! Chú Ba! Chú trồng vạn thọ hả chú? Gần tới Tết rồi hả chú Ba?

Câu trả lời của chú, An đoán trước được nhưng An vẫn thích hỏi. Còn ai vào đây trồng hoa nữa? Ba, bốn năm nay từ khi An có trí khôn, An thấy cứ gần Tết là chú Ba đi xin cây vạn thọ hoặc ở chùa Châu Lâm hoặc ở vườn thằng Kiết về trồng một hàng quanh mép sân. An không biết xem lịch vì lịch in bằng chữ nho, cuốn lịch cha nó treo ở khung cửa sổ bên cạnh cái bàn toán. An cũng không lưu ý tìm xem tháng này là tháng mấy. Đối với tâm hồn ngây thơ của nó, cảnh và vật nói nhiều hơn tháng ngày. Nghe con tu hú kêu nó nghĩ đến những chùm trái vú dẻ chín vàng ngọt lịm và nó nghĩ: “Tháng Ba. Mùa gặt tới”. Nhìn bà hàng gánh đôi thúng xếp đầy những trái bắp nếp luộc hơi nóng lên nghi ngút, nó cảm nghe mùi ngọt thơm của hột bắp dẻo nghiền tan dưới răng và nó nói thầm: “Tháng Tám rồi. Sắp mưa lụt”. Còn ngày Tết thì luôn luôn được báo hiệu bằng dãy cúc vạn thọ.

An nhìn trìu mến dãy hoa vừa trồng. Mỗi cây đứng trong một cái lỗ khoét to bằng cái bát sứ. Cây cao hơn mặt đất không quá hai tấc và đứng gục đầu xuống, lá buông ủ rũ. An có cảm tưởng chúng nhớ đàn nhớ bầy, nhớ cái vạt đất nhỏ nơi đó người ta gieo chúng, nơi đó chúng lớn lên cạnh những anh em của chúng cùng một hoa mẹ sinh ra. Có đôi cây yếu quá tưởng như chúng không thể sống qua đêm nay. Sự lo lắng thương hại của An khiến nó thấy cái thái độ lầm lì lạnh nhạt của chú Ba là đáng ghét. Người lớn trông họ vô tâm đến tàn ác. Mấy cây hoa đau đớn ủ rũ thế kia mà họ vẫn có thể thản nhiên bỏ đứng bơ vơ một mình không săn sóc đến. Đêm đến, khi leo lên bộ ván gõ nằm ngủ, An cứ loay hoay nghĩ về mấy cây hoa đáng thương. Và mới sáng tinh sương khi bừng mắt dậy, nó đã nhảy vội ra sân thăm từng cây hoa. Mừng quá! Dù có cây thân còn cong lại chưa đứng thẳng nổi nhưng cây nào đọt cũng xanh tươi, chỉ những lá gần gốc là héo sẫm lại mà thôi. Dăm ngày sau, cây bén rễ và tới một độ nào đó An không nhớ nữa, những cây hoa lớn vụt thật mau, đâm chồi thật nhiều. Những khoảng cách giữa các cây hoa trước kia trống trải mênh mông, giờ đã bị che mất bởi tàng lá.

Cùng với sự phát triển của dãy cúc vạn thọ, cái Tết như cũng lớn dần. Manh nha từ đầu tháng Mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tàn ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà. Cái Tết lớn lần lên với những bụi hoa, vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum sê và bắt đầu ra nụ. Càng đi sâu vào ngày tháng, cái Tết càng hiện rõ thêm, in dấu vết trên mọi cảnh mọi vật và mọi hoạt động của con người. Chữ Tết được nhắc đi nhắc lại một cách thân mến êm đềm trong mọi trường hợp sinh hoạt ở gia đình. Cha nói: “Mấy dây dưa leo chắc ra trái không kịp Tết. Bậy quá. Bị mưa làm thúi giống gieo kỳ trước”. Mẹ nói: “Thằng Ba coi chừng mấy con gà thiến. Để qua nhà lão Dần chó cắn chết thì nghỉ ăn Tết đó nghe?” Ở lớp học bạn khoe với nhau: “Tết này tao được đi thăm cô tao ở Phước Lãnh… Bà ngoại vừa gởi cho mẹ tao một trái bí đao to để làm mứt Tết.” Ở ngoài đường, chữ Tết len lỏi trong những câu chuyện: “Chợ Tết mà ế quá, tháng Chạp thiếu, hăm Chín lấy làm Ba mươi, chạy Tết cũng mệt… Tết năm nay ở Phú Mỹ có bài chòi…”

Thôn Quảng Đức đa số làm nghề gốm và buôn vôi thế mà sự sinh hoạt cũng hối hả theo cái đà của ngày Tết cứ sừng sững đến gần. Đồ gốm sản xuất ra, chở đò dọc đem bán ở các chợ xa: chợ Đèo, chợ Đồng dài, chợ Gò chai, chợ Gành, chợ Thứ… tiếng ốc tù-và của chủ đò thúc khách quá giang chuyển hàng cho gấp xuống đò vang lên trong đêm khuya. Càng gần Tết sự mua bán càng hối hả rộn rịp nên chợ nào cũng vãn chậm. Đò xuôi chở khách về cũng mãi khuya mới tới bến. Bến đò thành ra ồn ào rộn rịp suốt đêm. Những cây đèn chai làm bằng một đoạn tre trong tẩm dầu, cháy rực sáng cả bực sông, in ngược bóng xuống nước rung rinh, lóe đỏ cả một vùng.

Trên con đường đi xuyên qua xóm, những dáng người gánh gồng vội vã đi chập choạng theo ngọn đèn chai cầm lắc lư dưới tay. Đèn chai ở đây là một cái đèn dầu nhỏ được một nửa cái chai ụp lên để chắn gió. Tiếng chuyện trò lanh lảnh vang trong đêm, hối hả theo bước chân chuyển từ đầu xóm sang cuối xóm. Trong đêm tối mà mọi vật như xóa nhòa hết cả hình nét để tan vào bóng đen, mà mọi sinh vật đều như mỏi mệt, tiếng nói chuyện tỉnh táo rõ ràng dường giữ đủ cả sắc cạnh. Ở dưới bước chân, bóng người in đen được phóng đại ra, nằm trải xuống mặt đường, nằm vắt qua bờ rào, chập chờn di chuyển theo bước đi.

Một bữa An thấy chú Ba hí hoáy nắn một vật gì trông tựa cái lưỡi cày mà bằng đất sét. Chú lấy mũi dao liếc thật nhẵn mặt. Chỗ tay cầm cũng được gọt thật đều. An hỏi:

- Chú làm cái gì vậy?

- Tao làm cái bàn ủi.

- Làm bàn ủi để chi vậy chú?

- Để ủi quần áo chớ chi.

Giọng nói của chú lơ đãng. Trong giọng ấy còn có vẻ tự phụ vì chú nheo mắt ngắm nghía ra dáng bằng lòng lắm. Rồi chú nói chậm rãi tiếp theo, như nói với cái bàn ủi chứ không phải nói với An:

- Mốt tới phiên lò ông Hương Lạc đem gởi nung. Chín rồi lấy ra đem ngâm nước. Thế là giặt quần áo để sẵn đó. Đem đặt bàn ủi lên lò than nóng rồi cứ vậy mà ủi lên mặt quần áo. Quần áo dầu cũ mà trông như mới.

Cũ mà trông như mới! Thật là kỳ diệu, An nghĩ. Nó nhìn xuống cái áo cũ nó đang mặc, tưởng tượng rằng cái áo ấy sẽ mới và nó ngó sang cái bàn ủi một cách khâm phục. Cái bàn ủi ấy được mang đi nung, điều ấy quả có thật. Chính mắt An nhìn nó chuyển từ màu xám của đất phơ sang màu hồng nhạt của đất nung. Cũng lại chính tai An lắng nghe tiếng “boong boong” khi cầm nó lên để gần tai, cung ngón tay gõ nghe thử. Nhưng chắc chắn là An chưa hề thấy chú Ba dùng nó để ủi cái áo của chú cho từ cũ hóa “như mới”. Có lẽ chú đã lén thí nghiệm nhưng bị thất bại nên sau đó chú không tuyên bố gì ráo.

Ngày hăm sáu tháng chạp phiên chợ Hôm, mẹ nói:

- Hôm nay An có đi chợ Tết không con?

An vội vàng như sợ ai kịp phản đối.

- Dạ có. Lát nữa thằng Tòng lại rủ con đi.

Tòng là bạn học lớp Tư của An. Vì sao mà quen thân nhau, An cũng không nhớ rõ vì nhà Tòng ở mãi tận Hội Tín đi học khác đường mà tính tình thì hai đứa không giống nhau. Cha Tòng làm thầy phù thủy. Có lần nó rủ An đến nhà chơi thấy gian nhà giữa đầy những tượng, những hình ông thần, ông tướng, những cờ những đèn, trống chiêng, thanh la, não bạt khiến An sợ khép nép không dám vào. Cha Tòng có một cái trán quá cao. Nhìn gần thấy chân tóc mọc nên An biết trán cao là vì tóc bị cạo. Sau này lớn lên được biết nhà Tòng vừa làm phù thủy vừa hát bội, - hai nghề này có họ hàng với nhau vì hò hét điều động âm binh cũng là một cách hát bội, - nên cha Tòng phải để trán cao mà đội cái mão. Lúc Tòng lớn, Tòng nghỉ học sớm và kế nghiệp cha. Cái trán của Tòng cũng được cạo lên thật cao và chân đi chữ bát. Lúc nói chuyện là hai tay vung vẩy như múa. Đó là kết quả của nghệ thuật tiêm nhiễm vào cuộc đời.

An thay quần áo xong thì Tòng đến. Tòng mặc quần trắng và áo cụt lụa màu hồ thủy. Những nếp gấp làm hai ống quần lép lại và gãy ra làm ba. Tòng đội một cái khăn lông màu vàng nghệ có chạy sọc xanh đỏ. Úp lên trên khăn lông là cái mũ kaki. Trông Tòng nửa giống như một chú nhỏ ở trong tranh vẽ, nửa giống như một tên lính Tàu thời cổ. Chắc Tòng chịu ảnh hưởng của những tấm tranh màu treo la liệt trên tường nhà nó.

Đường xuống chợ có nhiều chỗ lõm thấp xuống, đó là khi con đường đi sát cạnh những cái bàu nước. Mỗi bàu nước mang một tên bí mật: bàu ông Chì, bàu ông Lôi. Mỗi lần đi qua một cái bàu, An khép nép đi sát vào Tòng vừa liếc mắt xuống mặt nước đầy rong, ấu xanh um. Những gốc tre già xám đen, những thân cây sung cong vẹo in bóng xuống mặt nước làm cho các tên ông Chì, ông Lôi được trùm trong một không khí rùng rợn. Người đi và người về tránh nhau trên con đường hẹp. Lũ trẻ con đi chợ về trên tay thế nào cũng có những món đồ chơi, hoặc con gà cồ bằng đất, khi thổi ở lỗ khoét ngang hông thì cất tiếng gáy “côô…côô” hoặc con “chút chít” khi kéo ra đẩy vào thì phát ra tiếng kêu chút chít. Nhiều đứa hãnh diện cầm những ghim pháo tre, những bó pháo thăng thiên đi cạnh mẹ.

Đến gần chợ thì nghe tiếng mua bán xì xào vang lên. Thỉnh thoảng có tiếng pháo tre nổ “đùng” khiến trái tim của hai đứa như nhảy cởn lên. Không ai bảo ai mà cả hai đều rảo bước.

Đến đây rồi, chợ Hôm! Những dãy lều mái bằng tranh rạ cột tre yếu ớt sắp chạy từng dãy. Có nhiều hàng bày bán ở giữa trời, như hàng trái cây, cá mắm. Hai cây đa to tỏa bóng mát cả một khu chợ. Lá đa dày san sát ở trên từng cao làm thành một vòm xanh lao xao cử động. Tiếng rì rào vừa phát tự dưới đất nơi người ta buôn bán trao đổi vừa phát tự trên cao do gió lay cành lá. An gặp chị Thắm bày bán đồ gốm ở gần gốc đa. Chị Thắm ở cạnh nhà An, hàng ngày vẫn sang giếng nhà An xách nước nhưng sao hôm nay trông chị lạ hẳn đi. Có lẽ vì chị mặc áo dài và đi guốc chăng? Hay vì đặt chị giữa cái khung cảnh lạ mà người chị trông cũng lạ đi. Những đồ gốm: ấm, chậu, hỏa lò, lon, vò, cây đèn, v.v… hàng ngày vì quá quen mắt An coi như không có giá trị gì nữa, coi như những đồ chơi vô nghĩa, thế mà người đến xem xét trả giá tấp nập. Chị Thắm đóng vai trò một cách rất nghiêm trang, từ chối rất quyết liệt, thách giá rất chắc chắn. Cái ấm cái chậu bỏ lăn lóc ở xung quanh hè nhà chị Thắm, thỉnh thoàng An lỡ đi vô ý đá phải ngã lăn, nay thấy người mua mặc cả giá từng đồng, móc túi đếm từng tờ bạc để trả và cuối cùng nâng niu xếp lên rổ bưng đi. Tòng nói:

- Tụi mình ra hàng pháo coi.

Hai đứa cầm tay nhau đi. Hàng pháo ồn ào nhất nên không mất công tìm. Nó ở cách biệt ra một góc chợ xa những hàng khác vì tiếng nổ không ai ưa, nhất là những người đi chợ hầu hết là đàn bà. Bác bán pháo là một người đàn ông vạm vỡ. Chỉ bán có pháo tre và pháo thăng thiên, bác đựng trong một cặp bồ lớn. Một số pháo bày làm mẫu được dàn trên một chiếc chiếu nhỏ. Người mua pháo bắt đốt thử. Bác tháo ở gắp tre lấy một chiếc pháo, bóc giấy (miếng giấy xanh đỏ dán đè lên ngòi) rồi đặt lên một tấm gạch cách xa bác một sải tay. Bác cầm cây hương cháy châm lên ngòi. Ngòi pháo xì khói, bác quay mặt sang một bên và một tiếng nổ “đùng” rền lên, chát tai. Xác pháo là một vòng nan tre bị cháy xém bay tung lên cao rồi rớt xuống.

Hàng hoa quả không hấp dẫn bằng ngày thường vì không có những miếng mít múi vàng óng ả, những trái mãng cầu nứt gai chảy mật, những quả ổi thơm, những trái xay, trái sim, trái đát. Hôm nay người ta chỉ bày bán những nải chuối xanh mà chuối xanh thì trẻ con không thích vì không ăn ngay được. Trẻ con không có tính kiên nhẫn đợi chờ. Ngày thường mẹ đi chợ về An lật rổ ra coi mà thấy bí thấy rau thấy cá là An ghét lắm. Kẹo, mít, bánh rán… mới là những món An hoan nghênh. An và Tòng đưa nhau sang hàng thịt cá. Thật đáng thương hại cho những bà hàng này quanh năm phải bán y một món không thay đổi. Áo quần thì đen đủi, món hàng thì tanh tưởi, thật không có một vẻ Tết vẻ xuân nào cả. Chẳng bù với hàng bánh mứt họ bày bán trong những cái quả sơn quang dầu đỏ thắm trông vui như những đám cưới. Các cô bán mứt đều xinh, tóc vấn trần chải dầu dừa láng mượt, áo dài vải trang đầm bó sát người.

Kề ngang hông chợ là dãy phố Hoa kiều. Đó là tiệm chú Năm Heo và tiệm ông Ngâu. Khách vào ra đa số là đàn ông đi mua rượu, tranh sơn thủy, chén bát, nho táo. Tiệm chú Năm Heo bán thuốc bắc. Những người đến cân thuốc xách đu đưa những gói thuốc bước ra khỏi tiệm, mặt trông buồn giữa cái khung cảnh nhộn nhịp của ngày xuân vui. Chọn ngày Tết để đau bệnh thật là không phải lúc.

Đi loanh quanh một lát hai đứa đã bắt đầu chán. Chợ ngày Tết khi chưa tới xem thì thấy háo hức là thế nhưng đi lại đôi vòng chúng đã khám phá hết mọi bí mật. Sự thỏa mãn có pha một ít chán chường như khi đọc một cuốn truyện cổ tích được người ta quảng cáo là hấp dẫn nhưng đọc xong một lượt thấy không còn thèm thuồng nữa. An nhìn trở lại khung cảnh chợ. Những dáng người đi lại chen lấn, cúi xuống lựa chọn mặc cả, những tiếng xì xào, ngay cả đến bóng rợp của cây đa cao An đều thấy quen thuộc hết.

Ngày hăm bảy tháng Chạp chú Ba đi hái lá me và trái me về giã nhỏ ngâm nước chùi đồng. Công việc thật nặng nhọc vì những bộ lư đèn ở ba bàn thờ tổ đều to lớn bề bộn. An cũng xen vào công việc cho vui nhưng chỉ chùi được những cái hộp thau mặt nhẵn. Nắp lư hương có hình con lân con phụng bị chú Ba hắt hủi nhất vì những kẹt khó chùi. Người đầy tớ phải lau dọn săn sóc thật khó có thể đồng quan điểm với người thợ đúc khéo tay và người chủ nhà yêu mỹ thuật. Việc quét nhà cuối năm cũng không kém nặng nhọc. Chú Ba bắc thang leo lên rầm cao, cầm cái chổi có cán dài để quét bụi và mạng nhện ở mái nhà. Chú bịt đầu bằng một cái áo đen cũ. Lúc bước xuống thang, mặt chú mốc thếch vì bụi trông lạ hẳn và như già đi.

Mẹ lo rim mứt. Hết chảo này đến chảo khác, mẹ ngồi trở mứt, mứt bí, mứt gừng, mứt chanh, mứt dừa… mà không hề la mỏi. Có đêm An mơ màng ngủ mà hễ chợt dậy là vẫn thấy mẹ ngồi cạnh chảo mứt cầm đũa đảo qua đảo lại. Tiếng nước đường sóng sánh. Hình như cả đêm mẹ không ngủ. An nghĩ: chỉ có mình là sung sướng nhất, chẳng phải làm gì hết. Thế mà lại được ăn nhiều nhất. Những miếng mứt vụn An ăn từ hồi còn dẻo. Khi mứt khô vớt ra nia phơi thì An vét chảo ăn đường. Chỗ nào có An là có cặp tay phá khuấy và cái miệng ăn không ngớt.

Ngày hăm chín gói bánh tét. Lại cũng chỉ mẹ và chú Ba là bận rộn. Những đòn bánh to bằng bắp vế thế mà cũng do mẹ thoăn thoắt sắp lá, đong nếp, đổ đậu xếp nhân thịt, gói, buộc lạt. Chú Ba ngồi cạnh phụ tay. Cha trông vậy mà cũng dở. Cứ đi lên đi xuống ngó chừng và nói vô ích làm mẹ mất công trả lời. Chẳng hạn:

- Đừng buộc chặt tay quá kẻo bánh không chín đều. Hôm đám giỗ ông nội bánh bị sống …

Cha bỏ lửng câu thì mẹ nói:

- Nhớ rồi.

Chẳng hạn:

- Còn dư nếp đủ gói một đòn nữa. Thế là một, hai, ba, bốn… đúng mười hai đòn cả thảy.

Mẹ nghe cha nói, miệng vừa cắn một đầu sợi lạt một tay cầm đầu kia xiết cho chặt vừa đưa mắt nhìn xuống số đòn bánh tét mà cha vừa đếm. Quả cha đếm không sai, nhưng số bánh không nhờ cha đếm mà tăng thêm. Cha chỉ làm được một việc mà An thích: đó là chôn một cột trụ giữa sân để chong cây đèn gương. Có lẽ cha cũng sẽ sai chú Ba đào lỗ chôn nếu chú Ba không bận tay. Cái đèn hình lục lăng, tối thắp lên sáng cả sân, đứng làm bạn với An khi nó phải trèo lên nằm ngủ trên chiếc ván gõ rộng ở nhà trên.

Những ngày mùa đông, gió mưa lạnh trời tối đen như mực mà một mình nằm ở nhà trên rộng mênh mông thật là cô đơn. Lắm lúc An có cảm giác rờn rợn rằng thân mình đã tan ra để lẫn mất vào bóng đêm. Khổ nhất cho An là khuya chợt thức buồn đi tiểu mà lò mò mãi trong bóng tối không biết cửa ở về phía nào để mở. Trẻ nhỏ nằm ngủ trên bộ ván rộng thì tha hồ mà quay. Đến chừng tỉnh giấc nhắm chừng mò ra cửa nhưng lại cứ đi xông ngược vào bàn thờ. Rờ chỗ nào cũng thấy những bàn những ghế. Sao mà lắm bàn lắm ghế vậy? Đêm nay nằm nhìn ra cửa sổ thấy ánh đèn sáng. An vui quá không muốn ngủ nữa. Ở dưới nhà ngang còn nghe tiếng lục cục của mẹ làm việc. Hồi chiều chú Ba làm thịt một lần hai con gà cồ thiến và ba con vịt. An lẽo đẽo theo đứng một bên để nhìn, An hỏi:

- Sao giết gà vịt một lần nhiều vậy chú?

- Chớ mày muốn để sáng mồng Một sát sinh hả? Làm thịt bữa nay để cúng hai bữa.

An nhìn dòng máu đỏ chảy từ cái vết cắt ở cổ chảy ròng ròng xuống cái bát, nhìn những cặp mắt mở to rồi mờ dần yếu dần cho tới lúc nhắm hẳn. Cái chết đến im lặng, nhẹ nhàng như một trò chơi dễ. An thấy thương hại cho con gà cồ oai vệ, cho con vịt hiền lành. An chép miệng:

- Tội nghiệp mấy con gà, con vịt hở chú? Chú giết nó không sợ nó báo oán sao?

Chú Ba quay phắt lại liền:

- Thằng này dóc tổ. Tao thấy xào nướng bưng lên là mày gắp liền tay. Mày ăn thì nó báo oán mày chớ mắc gì đến tao?

An thấy chú Ba nói cũng có lý nên định bụng thôi lần này không ăn thịt gà thịt vịt nữa. Nhưng ý định đó An quên ngay khi chú Ba rửa ráy xong bưng rổ gà vịt đi mất và nó thẩn thơ đi tìm xem chuyện khác.

Sáng mồng Một tiếng pháo nổ rầm rầm làm An choàng tỉnh dậy. Hỏi chú Ba thì là pháo ở tiệm khách Tụn. Nhìn vào bàn thờ thấy đèn sáp thắp sáng trưng và cha đã khoác áo chỉnh tề đứng khấn rì rầm. Trông cha uy nghiêm thật phù hợp với cái không khí nghiêm trang nơi đây. Để tăng thêm vẻ đường bệ, mọi cử chỉ của cha đều chậm chạp: rót rượu, châm nước, đốt hương, sửa nến. Cha đọc từng hàng chữ nho: “Đại Nam quốc, Phú Yên tỉnh, Tuy An phủ, An Sơn tổng…” chú Ba đem pháo tre ra đốt. Chú thích pháo nhưng nhát không dám cầm cây hương đốt mà phải cầm một thanh củi dài có đầu lửa đỏ. Mười tiếng nổ đùng liên tiếp, tiếng nào tiếng nấy bưng tai. Mẹ nói:

- Pháo năm nay hay.

An ngạc nhiên. Trông bộ mẹ lục đục suốt ngày như chỉ biết chú ý đến công việc làm thế mà không ngờ mẹ cũng lưu ý đến tiếng pháo vui chơi. Cha tươi cười vì câu nói của mẹ ngầm ý bảo: năm nay làm ăn có hy vọng khá vì pháo nổ chắc tiếng. Cả thôn Quảng Đức chỉ có chú khách Tụn đốt pháo dây còn thì các nhà khác chỉ đốt pháo tre, có nhà mươi tiếng, có nhà ba tiếng, năm tiếng.

Vừa bảnh mắt đã có mấy tay cầm cái xóc dĩa chia nhau từng chặng trải chiếu trên con đường xóm. Lũ trẻ con bâu quanh liền. Chú Ba bôn chôn ra mặt khi nghe tiếng bốn đồng tiền rủng rẻng của hàng xóc dĩa tổ chức ngay ở góc rào nhà. Chú ham đánh xóc dĩa và ích-xì hơn ăn mứt ăn bánh. Chú cứ đi ra đi vô như người mất hồn. Khổ cho chú hơn nữa là ở ngoài góc rào tiếng lũ nhỏ cứ reo lên :

- Bán chẵn này.

- Lạy trời ra cái lẻ nữa đi.

- Đặt bên chẵn một tiền rưỡi.

- Lẻ! Lẻ! Coi chừng nhà cái chạy làng.

Đường cái vang lên tiếng guốc. Nghe tiếng guốc có thể đoán biết được người mang. Tiếng guốc lỏng cỏng gõ vội vàng là tiếng chân của một đứa bé mới tập đi guốc lần đầu. Tiếng guốc chậm chạp thỉnh thỏang dừng lại là tiếng guốc của người mẹ, người chị đi kèm lũ trẻ. Tiếng gõ chắc chắn nện mạnh trên nền sỏi là tiếng guốc của người đàn ông. Con đường sỏi đá gập gềnh làm nhiều đứa nhỏ đi trượt guốc cứ phải tụt lại đằng sau đứng sửa. Lắm đứa đã chán với cái trò chơi đi guốc rồi nên cặp guốc lại cầm ở tay và đi chân đất như thường ngày. Lối đi này thoải mái dễ chịu hơn cả.

Đường cái rộn rịp nhưng nhà cửa thì vắng vì cửa ngõ cửa ra vào nhà ai cũng đóng im ỉm hoặc mở he hé. Xóm làng thành ra mang một vẻ uể oải giả dối. Vì ở đằng sau cánh cửa đóng là cả một sự hoạt động rộn rịp.

Gần trưa, cha An tiếp những ông khách lễ mễ trịnh trọng trong những cái áo dài đen và cái quần trắng. Những ông nhà nông mà thường ngày mặt mày không lúc nào khỏi đầy bụi bặm, râu ria tua tủa, áo vải to dày cộm thấm đầy mồ hôi, hôm nay mặc áo quần mới trông trẻ và đẹp ra. Nhưng An không thích nghe tiếng chân ghế kéo chạm vào mặt đất khi khách sắp ngồi và khi khách đứng dậy sửa soạn ra về. Những câu chuyện trao đổi giữa cha mẹ và các người khách cũng vậy. Toàn nói những thứ gì An không hiểu, thế mà họ cũng cười với nhau một cách thích thú thành thật. Những lúc này An tỉ tê theo gợi chuyện với chú Ba. Những điều An hỏi, chú Ba đều trả lời được hết:

- Sao đánh xóc dĩa, chị Lượm đặt tiền lại quay thành một vòng ở dưới chiếu hở chú? Sao không đặt một ụ như người ta?

- Hễ nó ngồi bên phía chiếu lẻ mà nó muốn đặt chẵn thì nó đặt tiền quay thành một vòng. Nếu nó để thành ụ, thành đống thì tức là nó đánh lẻ.

- Sao chị ấy không đặt sang bên chiếu chẵn cho nó tiện?

- Tại ngồi xa nó với tay không tới.

- Họ chúc Tết “bách niên dai lão” là sao hở chú?

Chú Ba vừa nhai miếng cốm vừa nói:

- “Dai” lão là sống dai.

An hết thắc mắc, vói tay vào dĩa lấy một miếng cốm ăn theo chú. Đây là phần bánh mứt mẹ sớt vào một dĩa lớn dành cho chú. Trong số những vò, hũ, chum… bỏ trống ở nhà bếp, chú chọn một cái vò để cất dĩa bánh mứt vào đó. Khi đi chơi về, hoặc vào trưa, hoặc lúc khuya, chú mở vò bưng dĩa ra lấy ăn. An chia phần với chú và ăn thấy ngon hơn là khi ăn chung với cha mẹ.

Ngày mồng Hai cha nói:

- An có muốn theo cha xuống núi Một thăm ông Cửu Nghiệp không?

An mừng quýnh trả lời vội vàng:

- Có.

Ông Cửu Nghiệp giàu nhất vùng và nhà ông xây hai từng. Suốt một phủ Tuy An chỉ có bà Cửu Phần và ông Cửu Nghiệp là ở nhà lầu mà thôi. Ông là chỗ bạn thân của cha nên mỗi khi đi ra tỉnh tiện đường ông đều ghé nhà. Cha tiếp ở nhà trên, ngay gian giữa. Hôm nay theo cha, An mặc áo dài đen cẩm nhung. Sự trịnh trọng này do một ngẫu nhiên may mắn mà có được. Số là xấp hàng cẩm nhung cha đưa may cắt thế nào mà rốt cuộc còn dư lỡ cỡ một đoạn. Tính toán đủ lối vẫn không có cách nào dùng được cả nên cuối cùng mẹ đề nghị: để may cho thằng An cái áo dài. Đó là cái áo dài đầu tiên của nó. Bước ra đường, An được lũ trẻ trầm trồ nhìn. Hơi ngượng một chút nhưng mà thầm thích thú. Con đường hôm nay không chỉ có những người đi rong chơi mà còn có nhiều người đi làm ruộng. Người ta đã cởi bỏ bộ quần áo mới như còn nuối tiếc nên vẫn cố giữ hoặc một cái quần hoặc một cái áo vải mới. Thân người nửa mới nửa cũ hóa ra màu cũ trông tàn tạ thêm. Cày cuốc ngự trên vai.

Đi qua khỏi xóm thì tới cánh đồng Hòa Mai. Ruộng đang mùa cày bừa trông thấp hẳn xuống. Vài đám mới cấy, bụi lúa cắm như chân hương vàng vọt. An thường quen mắt với đồng lúa mướt màu xanh, lá lúa gợn sóng hoặc cánh đồng lúa chín vàng hạt lúa nặng làm gục đầu thân lúa nên trông cánh đồng hôm nay có vẻ trần truồng. Con đường ruộng, từng chặng, nhầy nhụa những khối bùn do các cô thợ cấy ném lên khiến An phải đi rón rén cẩn thận. Đưa mắt nhìn quanh sang các xóm làng bao quanh cánh đồng, An thấy chỗ này chỗ kia có từng đoàn người đi, màu áo đen trên điểm nón trắng. Thỉnh thoảng nhô lên cái ô đen. Nó lẩm nhẩm lẫn lộn không biết đó là Hòa Tú hay Hòa Chiểu, phía kia là Hà Yến hay Trường Xuân. Cha chỉ một xóm trước mặt, nói:

- Núi Một kìa.

Đó là ngọn núi thấp nằm dài, mình mang đầy cây cối xanh um. Dưới chân núi các nông trại chia nằm rải rác từng nhóm. Theo tay cha chỉ, An chú ý nhìn vào khu vườn nhà ông Cửu Nghiệp xanh um màu tàu chuối tàu cau. Thân cau trắng mốc đứng vươn lên thành hàng song song. Nỗi vui được thấy cảnh lạ làm An quên nghĩ đến con đường còn lại phải đi. Thoáng mới đó mà đã giã từ con đường ruộng để bước lên con đường đá đánh vòng đai núi Một. Những bụi gai thấp, những chùm táo nhơn thưa, những thân chuối rậm rạp xanh mướt trông quen thuộc.

Bước vào vườn chuối, An thấy êm mát vì ánh sáng lọc qua lá chuối non đổ xuống xanh xanh. Thân chuối bụ bẫm đứng cao vút như muốn vượt theo thân cau. Ở vườn nhà, chuối thấp hơn và thân cau cũng gầy hơn. An nghĩ thầm: “Cái gì của ông Cửu Nghiệp cũng oai”. Những cây mít mang trên mình đầy trái. Trái lớn quây quần dưới gốc còn rải rác trên thân cây là những trái hạng vừa nằm thưỡn dài trông như những cái vú chảy. Bưởi cam cũng không thiếu. An thèm thuồng cái địa vị của người con ông Cửu Nghiệp được sống giữa những món ăn ngon này. Sao ở nhà nó lại chỉ có toàn những lúa và nếp thế? Có lần nó thỏ thẻ so bì với mẹ:

- Nhà con Bông làm kẹo nên nó sướng hơn con. Kẹo bể là nó ăn. Véo chỗ kẹo dẻo nào cũng bỏ vào miệng được. Nhà mình thì chỉ toàn lúa nếp. Lúa ăn không ngon. Sao mẹ không làm nghề kẹo có sướng hơn không.

Mẹ cười mà không trả lời.

Tiếng chó sủa ồ ồ làm An giật mình. Tiếp theo, tiếng sang sảng vang trong nhà:

- Có đứa nào ra coi chó, bay.

Đúng là tiếng của ông Cửu Nghiệp, giọng chậm rải của người giàu không cần vội vàng. Người ở là một anh lực điền ra mở cổng. Ba con chó cao to như ba con bê nhảy xồ ra khiến An bấu vào áo cha. Cha vẫn đứng yên nhìn vào anh lực điền đang lấy tay gãi sau ót lí nhí thưa:

- Dạ thưa thầy xuống dưới này.

- Ờ! Có ông Cửu ở nhà không?

- Dạ có.

Cha ung dung bước vào khiến ba con chó đứng dạt ra. An bước theo, lây cái can đảm của cha. Ông Cửu Nghiệp ra đứng trước hiên vái chào. Ông đội khăn nhiễu đen, mặc áo xa-tanh màu lam dệt bông to, chân đi giày Gia Định. Cha cúi xuống chắp tay vái trả lại. Ông Cửu quay lại xoa đầu An và nói:

- Con đi xa có mỏi chân không? Để bác mừng tuổi cho con.

Ông móc túi lấy một cắc bạc trắng tinh đặt vào lòng bàn tay An. An lúng túng không biết nên làm sao. Chợt nhớ tới cha và ông Cửu chào nhau lúc nãy, nó chắp tay cúi xuống vái. Lát sau khi đã bình tĩnh lại nó thấy ngượng vì cái vái vô duyên. Đáng lẽ phải nói “Con cám ơn bác”.

Cha và ông Cửu ngồi ở một cái bàn tròn trên xếp đầy những đồ dùng mà thoáng nhìn An đoán là rất quí, rất đắt tiền. Bộ bình trà có chạm rồng nổi mạ vàng. Ve rượu bằng thủy tinh trong suốt có một cái bầu rất thon và cái vòi nhỏ uốn cong dịu dàng. Ly rượu toàn viền vàng. Cái điếu thuốc lào khảm xà cừ với cần trúc uốn dài cong vút. Hộp trầu, khay kỷ, dĩa bánh mứt, tất cả đều choáng lộn hoặc màu xanh đỏ óng ánh xà cừ hoặc màu vàng quí phái hoặc màu trắng muốt nõn nà. An ngồi ở cái trường kỷ tay mân mê những chỗ chạm trổ hình rồng hình phụng. Quả hồng tàu ông Cửu cho, nó nắm mà không ăn. Nó cứ đưa mắt nhìn cái nhà rộng thênh thang với cái trần cao trong bày biện toàn những đôn, lọ, sạp, ghế. Nó nhìn lại ông Cửu thấy ông bé quá so với cái nhà. Để che nắng che mưa chắc chắn ông Cửu không cần một cái nhà to như vậy. Nó chợt thấy khâm phục con người nhỏ nhắn mà có thể tạo tác ra một công trình to lớn dường ấy. Ở đằng bàn tròn, ông Cửu và cha chuyện trò tương đắc. Khói thuốc tỏa ra bao vây chỗ hai người khiến trông họ như ngồi sau đám sương mờ mờ đục.

Khi cha đứng dậy cáo từ, ông Cửu nài ở lại nhưng cha lấy cớ ngày Tết có khách đợi ở nhà nên không chịu. An lãnh thêm hai trái cam ông Cửu cho, cúi đầu chào và theo bén gót cha. Ông Cửu đi tiễn đến mãi đầu đường mới trở lại. Khi còn lại hai cha con, An nói:

- Cha hẹn cho con coi lầu ông Cửu Nghiệp mà con không thấy lầu đâu cả.

- Thì nhà lầu đó.

- Nhà lầu gì vậy? Phải leo lên trên lầu mới gọi là lầu.

- À quên! Tao tưởng mày biết rồi. Nhưng mà… cũng vậy đó thôi, cũng như hai cái nhà chồng lên nhau.

Về đến nhà đôi chân An mỏi nhừ. Tuy vậy nằm nghỉ một lát rồi An lại nhập bọn với lũ trẻ và như thế là ngày mồng Hai nhẹ nhàng trôi qua. Mồng Ba cũng vậy. Ngày mồng Bốn cúng tiễn ông bà. Giấy tiền, giấy vàng bạc chất đầy nia to, chú Ba vừa đốt vừa nheo mắt tránh khói khiến cái miệng méo xệch. Chú lấy một xấp giấy vàng bạc phết hồ lên lưng từng tờ đem dán vào cái cối xay, cái cối giã, mấy cái chày, cái thúng, cái giếng, cái ngõ, cây mít… không biết có qui chế nào ghi rõ món nào phải dán không nhưng cứ xem vẻ mặt của chú khi cầm tờ giấy vàng bạc dính đầy hồ đứng lưỡng lự trước chuồng heo và cây ổi là An đâm nghi. Hình như chú phải kiếm cho ra món để dán kỳ hết xấp giấy vàng bạc. Được tờ giấy vàng bạc dán lên mình, mấy đồ vật tầm thường như có thêm linh hồn và đang dự vào một cuộc sống huyền bí. Trong lễ cúng tiễn, bao nhiêu pháo còn lại đều đốt hết. Bảy, tám đòn bánh tét cũng đem chất đầy ghế. An nhìn ánh lửa thiêu vàng mà bùi ngùi. Phải một năm sau mới gặp trở lại, một năm trọn vẹn vì cuộc hành trình mới vừa khởi đầu. An thấy buồn chán nản.

Tuy vậy, tháng ngày cứ nhẫn nại và lặng lẽ đi qua, như một lũ nhỏ cầm tay nhau đi vòng, đi mãi rồi thế nào cũng gặp lại chỗ cũ. An lớn lên dần và cái thôn Quảng Đức cũng già nua dần đi. Những ngày Tết nối tiếp nhau theo cái tốc độ chậm chạp của nó nhưng khi ngoái nhìn trở lại trong dĩ vãng, tính nhẩm số tuổi thì An lại thấy chúng đi mau. Mỗi lần Tết đến hoa cúc vạn thọ lại nở trước sân nhà, tiếng đồng tiền xóc dĩa lại rủng rẻng khắp ngõ xóm. Ngồi lần lại ký ức, An thấy yêu mến hết sức cái Tết năm đó An theo cha xuống thăm nhà ông Cửu Nghiệp. Ông Cửu Nghiệp là hình ảnh của sự sung túc, của cuộc đời an nhàn lý tưởng trong những ngày bé thơ của An. Sau đó chừng mười năm khi An lớn lên và phải đi học xa. An sống xa dần cái khung cảnh êm đềm ngày xưa và những người quen thuộc cũ. Một lần đột nhiên hỏi về ông Cửu Nghiệp, An nghe cha nói một cách bùi ngùi:

- Ông Cửu về ở trên Đồng Tranh từ năm kia. Nghe nói bây giờ túng lắm. Bà Cửu phải làm hàng xáo.

An tự xét:

- Ông Cửu giàu như vậy mà sao lại nghèo mau vậy?

- Vì mấy vụ kiện vẩn vơ, chuyện tranh giành ruộng hương hỏa tuyệt tự đáng lẽ có thể thu xếp ổn thỏa nhưng vì tức khí lại bị hương lý và lũ nha lại xui nguyên giục bị nên cứ theo kiện mà sạt nghiệp.

- Còn cái nhà lầu?

- Sở vườn đem thục để chạy kiện rồi đoạn mãi luôn. Cái nhà lầu bán cho chú khách Lê ở Hàng Dao. Ông Cửu phải về ở trên Đồng Tranh là quê của bà Cửu.

An buồn như nghe tin chẳng lành xảy đến cho người thân thích của mình.

Ngày chiến tranh bùng nổ, cái nhà lầu của ông Cửu Nghiệp bị phá hoại. Vôi gạch đổ xuống từng đống. Nền xi măng chú khách Lê cho người ta gặt nhờ để đạp lúa. Mỗi ngày gặt, được một giạ lúa cho thuê sân. An ngậm ngùi nhìn cái di tích của thời ấu thơ êm đềm nay không còn nữa, có còn chăng cũng chỉ ở trong cái ký ức bề bộn của chàng thôi. Lâu lâu khi có dịp, An ra đầu xóm đứng nhìn về chân núi Một. Chòm lá chuối lá cau xanh ngắt của vườn ông Cửu Nghiệp còn đó. Những thân cau vẫn một màu trắng mốc đứng vươn lên từng hàng song song. An tưởng tượng thấy ở nơi cái vườn sum sê hoa lá ấy những con chim sẻ vẫn say mê mổ thóc rụng, những con chích chòe vẫn nhí nhảnh chuyền trên cành lá lục lọi tìm sâu, những con chiền chiện vẫn mải miết tước lá cau lấy sợi về làm tổ. Ở dưới các con mương nhỏ mọc đầy khoai môn khoai sáp, lũ cá sặt cá rô vẫn tinh nghịch đớp mồi và lũ châu chấu cào cào vẫn xòe cánh mỏng màu lúa non mà bay sè sè trong nắng. Sự sinh hoạt của cảnh vật vẫn bình thản êm đềm, nhưng còn đâu nữa ông Cửu hào hoa và ngôi nhà lộng lẫy?

 

 

© http://vietsciences.free.fr Võ Hồng