Ngộ độc

Vietsciences-Trần Công Nhung     31/03/2007
 

Những bài cùng tác giả

    Ngộ là gặp gỡ, “tha hương ngộ cố tri” (xa quê gặp bạn cũ), “ngộ cố hương”, (gặp lại quê nhà), “hữu duyên thiên lý ngộ…” (có duyên thì xa nghìn dặm cũng gặp nhau). Hội ngộ, tao ngộ, tái ngộ, kỳ ngộ, hạnh ngộ, đốn ngộ,,,đều là tiếng gợi cho ta những hình ảnh và tình cảm đáng quí. Một nghĩa khác của ngộ là nhầm: Ngộ nhận (nhận nhầm). Trong dân gian, “ngộ” còn có nghĩa đẹp, người Nam thường nói: “Cô gái này ngộ (đẹp) quá ta”. Miền Trung và Bắc không có tiếng ngộ này, có lẽ ngộ (đẹp) xuất xứ từ chữ Hán “dĩnh ngộ” (khôi ngô, đẹp) do người Hoa truyền bá thời Mạc Cửu ở miệt Hà Tiên (1). Như thế “ngộ” không có gì khiến chúng ta lo lắng. Nhưng, khi nghe “ngộ độc”, thì ai cũng phải giật mình sợ hãi.
Những ai thường theo dõi báo chí, đều biết, ở Việt Nam, ngộ độc xẩy ra hàng ngày. Học sinh ngộ độc, công nhân ngộ dộc, du khách ngộ độc, ngộ độc không phải một hai người mà hàng trăm. Tiệc cưới vừa xong, liên hoan vừa dứt, là kéo nhau vào bệnh viện giải độc. Phần đông người trong nước cho là chuyện bình thường, không có gì khiến họ ngại ngần trong việc ăn uống. Thịt cá rau cải bầy bán từ đường lộ vào trong ngõ ngách, thành phố càng lớn càng đông người, việc ăn uống càng phức tạp, ăn ngày ăn đêm, từ nhà hàng sang trọng đến quán hẻm lù mù, ăn bên rác rưởi cống rãnh, người ta ăn uống tưng bừng ầm ĩ như chơi bóng đá đánh bóng chuyền. Giả sử có ai ôm bụng lăn đùng ra đấy thì người khác vẫn thản nhiên ăn uống. Du khách hẳn là ngạc nhiên về nếp sống của người Việt. Cà phê, bia rượu suốt ngày thì làm việc vào giờ nào? Vậy mà nhà sang xe xịn, đúng là “đất nước anh hùng, nhà nhà anh hùng, người người anh hùng” như “loa đài” thường ca ngợi. Chỉ trừ thầy Đỗ Việt Khoa (Hà Tây) bảo: “Nhà nhà nói dối, người người nói dối”. (2)
Ngộ độc thức ăn trong thời gian gần đây ngày thêm trầm trọng nên để trấn an công chúng, người ta đẻ ra những từ mới: Rau sạch, rau an toàn… nước sạch, nước an toàn… Nghe buồn cười, hóa ra lâu nay ăn rau bẩn, uống nước dơ. Cái hay của đất nước ta là mỗi khi có sự kiện bất lợi cho tuyên truyền thì bộ phận “tu thư từ” nặn ra thứ tiếng mới để làm đẹp những việc bị dư luận chỉ trích chê bai (3).
Nhiều người Việt ở hải ngoại về thăm nhà, đóng theo từng thùng thực phẩm để đỡ phần nào ngộ độc trong ăn uống. Tôi nghĩ, thế cũng chỉ một hai bữa, đôi ba ngày, chứ đi lại nhiều nơi thì may rủi là chính. Kinh nghiệm bao nhiêu lần đi về, tôi hết sức cẩn thận, tránh hẳn ăn rau tươi, thứ gì cũng nấu thật chín, phở, bún, lẩu…xem ra an toàn, hoa quả chỉ ăn thứ nhà quê còi còi, những quả ổi to như quả bưởi miệt Long Khanh là không dám. Ngày nay ô nhiễm thấm sâu vào máu huyết, tim óc con người, ai cũng thấy quen thuộc với chất độc, quen thuộc với sai trái, không mấy ai nhắc đến lương tri, nói đến lương tâm. Luật pháp chỉ thấy trên khẩu hiệu, và chính người làm luật lại vi phạm luật trước hơn ai. Người “dân chay” phải tự lo các thứ. Nhưng trong một xã hội phát triển như ngày nay, làm sao mọi người không liên quan đến nhau. Và, lúc cần đến nhau mới biết thế nào là thực chất của tổ chức. Đã có người chua chát bảo: “Nhà thương là nhà tù, cấp cứu là cấp tử…”
 

Hôm gặp lại người bạn cũ ở Huế, tất nhiên vui mừng, vui mừng mà thiếu “liên hoan” thì chưa trọn nghĩa. Anh đưa tôi đến nhà hàng Quỳnh Hương bên bờ sông Hương cạnh cà phê Vỹ Dạ Xưa. Cảnh trí thơ mộng, bên kia là cồn Hến, đôi ba chiếc đò nép dưới bóng tre nhả khói lam chiều. Tôi đưa thực đơn cho anh bạn. Bò bắp chắm gừng, lẩu lươn ăn bún…nghe cũng hấp dẫn, cần nhất là “an toàn”. Dĩa bò bắp lên bàn, bia Huda rót ra ly, “nào mừng hội ngộ”.
Trời chiều dần ánh sáng gom lại một vệt dài từ trên cao xuống mặt sông, tôi lấy máy bấm mấy cái rồi tiếp tục “chén chú chen anh”. Chuyện vãn chưa vơi, nồi lẩu lên tiếp, ánh sáng ban ngày nhường chỗ cho ngọn đèn chiếu xuống bàn ăn hơi dư sáng, làm giảm đi vẻ êm đềm thơ mộng của dòng sông, cảnh không còn đẹp như lúc chiều. Không bị chói sáng chúng ta có thể thấy mờ mờ mấy con thuyền bên kia sông, lấp lánh ánh đèn…
Tôi sực nhớ điều gì đó, hỏi qua người bạn: “Hình như dạo này ở đâu cũng nói đến ngộ độc thực phẩm” – “Chừ ai cũng chạy theo đồng tiền, họ bán ẩu tả mới có lời, anh ăn bánh nậm coi chừng, họ không làm tôm mô nợ. Tôm là thịt băm nhuộm màu. Nhiều quán đi lấy lại, bán không hết để thiu, hể có khách là đem hấp nóng lên như bánh mới”. Thế thì cũng khó mà biết được mới cũ.
Lúc gần nửa nồi lẩu, tôi có cảm giác lươn không được tươi, thường lẩu lươn thịt mềm, ngọt và nguyên con hoặc chỉ một hai khúc, đây thịt cứng như lươn khô. Từ ý nghĩ đó tôi cảm thấy không yên tâm, bụng hơi cứng cứng. Tôi gọi bồi bàn thanh toán về ngay khách sạn.
Người bạn cùng phòng hỏi thăm chuyện gặp gỡ, tôi trả lời qua loa rồi đi nằm, vì thấy như có gì đó báo hiệu chuyện chẳng lành. Tôi chuyển bụng rồi đi ngoài, đi mấy lần liền trong vòng 2 tiếng đồng hô. Biết đã bị ngộ độc, tôi uống ngay 2 viên thuốc tiêu chảy cực mạnh, nhưng không ăn thua. Tôi thấm mệt, mồ hôi vã ra như tắm..người bạn lo lắng hỏi: “giờ làm thế nào” – “Em gọi taxi đưa anh đi cấp cứu”. – “Em thấy cấp cứu không ăn thua gì đâu, bố em đã cấp cứu, bác Khôi đã cấp cứu, hay nhờ khách sạn gọi bác sĩ”. Đã khuya, không bác sĩ nào nhận lời, đành đi nhà thương.
Xe đưa tôi vào phòng cấp cứu bệnh viện trung ương Huế. Ngay cửa vào, một bên văn phòng làm việc, một bên có mấy giường cho bệnh nhân. Người bạn đỡ tôi nằm lên giường rồi lo làm thủ tục. Chẳng ai hỏi tôi điều gì. Thủ tục tiền bạc xong, một y tá dẫn tôi vào bên trong, nơi đây có chừng 20 giường, một người băng bó đầy mình nằm bất động, một ông cụ rên hù hù, chẳng rõ bệnh gì. Thì ra giường ngoài làm thủ tục (nếu thủ tục không hoàn tất (thiếu tiền) thì ra về luôn), giường trong mới cấp cứu. Nhưng cấp cứu gì mà như phòng trại giam, ngoài hai dãy giường trống trơn, không có gì khác. Người y tá bảo: “Ra ngoài mua cho bác cái gối”, bạn tôi không trả lời, đêm hôm thế này gối chăn đâu, hay bệnh viện có tổ chức “khâu” này, giống như vào xem hầm tướng Giáp (Điện Biên Phủ) phải mua đèn pin.
Người tôi càng lúc càng mệt và khó thở, bụng cứ cứng lên, tôi mong bác sĩ đến khám để giúp tôi “giải độc”. Một toán chừng 5 người, ai nấy mặc áo blouse trắng, tôi mừng, đông người thế chắc họ sẽ khám kỹ. Họ đẩy đến một chiếc bàn nhỏ trên có chiếc máy với nhiều giây điện đỏ vàng. Họ bảo tôi cởi áo banh ngực ra, họ kéo hai ống quần lên rồi dính các đầu giây vào khắp người. Họ cãi nhau về hai màu giây, vàng trên ngực, đỏ dưới chân, giây nào bên phải giây nào bên trái, không ai biết, họ giựt ra gắn vào nhiều lần. Có người càu nhàu: “Răng không có bản chỉ dẫn hè”. Người đã đuối, tôi càng lo cho “tình huống” oái oăm, tự nhiên mình thành ra những con chuột, con thỏ trong phòng thí nghiệm. Tôi mong cho các “bác sĩ” suông sẻ mọi việc. Chỉ là máy EKG (Elctronic cardiology), để làm tâm động đồ, thỉnh thoảng các cô Hương, Cúc ở phòng bác sĩ của tôi vẫn làm, nhanh chóng dễ dàng chứ có khó khăn rắc rối gì, hay cái máy của Việt Nam thuộc loại ưu việt chăng.
Sau khi gắn hết các đầu giây, họ hỏi nhau bật nút nào. Một người nói to: “xí tét” (start), một người bảo: “cờ lia” (clear), người khác: “cờ lia xì tét”. Tôi thật sự ngao ngán, nghiệp chướng gì mà tôi lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười như vầy. Tôi cố cắn răng chờ đợi trong chán nản và lo sợ. Tôi liếc qua thấy một người sờ vào nút power, tôi hãi quá, chẳng may nút bật, điện 220 volt chạy vào thì chỉ trong nháy mắt, tôi sẽ là một sinh vật cống hiến cho thí nghiệm y khoa. Tử tội lên ghế điện để đền tội, người bệnh lên giường điện để trả tiền, không thể hiểu!
Sau mấy phút họ kéo ra một mảnh giấy dài, mọi người reo lên: “Cái máy rõ đẹp ghê hè”. Có lẽ chiếc máy mới về, lần đầu các “bác sĩ” đem ra thử. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa qua một tai nạn. Họ kéo nhau đi, cười nói vui vẻ, không một lời dặn dò (bệnh nhân), không một lời cảm ơn (con vật thí nghiệm), tôi nằm trơ trọi một mình chừng hơn nửa tiếng, sốt ruột quá, tôi dùng phôn tay gọi cho người bạn: “Em nói giùm bác sĩ xem thế nào chứ người mệt lắm, hay em xin chuyền nước biển (serum). Người bạn làm thủ tục mua serum và nửa giờ sau có hai y tá đến. Họ lụi kim vào khuỷu tay tôi mấy lần mới tìm được mạch. Rồi họ bỏ đi. Tôi tiếp tục trong tình trạng đơn độc lo âu khắc khoải.
Tôi đã 2 lần vào cấp cứu. Năm 1968, trên đường đến một trường trung học ở cây Dầu Đôi (Nha Trang), bị tai nạn ngã xe, học sinh đưa tôi về bệnh viện toàn khoa Nha Trang, tôi được băng bó cho nằm viện ngay mà không cần phải thủ tục đầu tiên như bây giờ. Năm 1998, tôi lại một lần nữa đi cấp cứu, lần này không do tai nạn mà bổng dưng ngộp thở, tôi bấm 3 con số 911 (4) và chỉ mấy phút có xe xấp cứu hụ còi chạy đến. Tôi được cấp cứu (cứu ngay) thật sự, nhờ vậy mới có ngày hôm nay để vào cấp cứu ở quê nhà.
Nằm nhìn từng giọt nước biển rơi xuống ống chuyền, tôi lại nghĩ quẩn, không biết nước gì trong chai, mọi thứ ở Việt Nam tuy có nhãn hiệu, dấu kiểm nhận nhưng hằng ngày tin báo đưa ra vô số đồ giả, bằng cấp, thực phẩm, thuốc men…và ngay cả con người. Có người giả Trung Tá, giả doanh gia mà qua mặt được cả văn phòng Bộ Trưởng, Thủ Tướng. Chẳng may mình lãnh phải thuốc giả có mệnh hệ nào thì cũng huề.
Tôi thấy người lạnh muốn run, cổ hơi nóng, nhìn quanh không có ai để hỏi han nhờ vã. Tôi cần một cái chăn. Gối còn tự mua thì chăn làm gì có. Bao nhiêu giường trong phòng chỉ được trải tấm ra cũ mèm, loại giường sắt trong nhà tù Toul Sleng (5) của Pol Pot ở Pnompen. Giường bệnh nhân thường có chuông bấm ở đầu nằm, mỗi khi cần việc gì có thể gọi y tá đến giúp. Đã 45 phút trôi qua, người càng khó chịu, tôi chỉ còn liên lạc với thế giới bên ngoài qua phôn tay (handphone), nhưng người bạn đã cáu lên: “Nói hoài người ta đã đuổi ra sân rồi”. Tôi thở dài nhẫn nhục.
Lại một ông áo trắng đẩy chiếc bàn con với máy EKG đến. Tôi bị ngộ độc sao họ cứ đo đạc tim phổi làm gì. Ông này không một lời lúc đến như lúc đi. Ông tỏ vẻ thành thạo hơn mấy người “xì tét cờ lia”. Trong lúc tôi sắp bấn loạn lên thì có tiếng loa vang bên ngoài: “Mời người nhà của Trần Công Nhung”. Tôi mừng thầm, chắc là sắp được cấp cứu. Tuy có trễ vần hơn không. Tôi chờ mãi không thấy gì, lại phôn, người bạn cho hay: “Họ bảo đóng 500 nghìn nhập viện, vào khoa lây có đóng tiền không”. Tôi la lên: “Không, vào khoa lây để mang bệnh à, thôi em nói họ ngưng chuyền dịch và về ngay thôi”. Suốt mấy tiếng đồng hồ cấp cứu chỉ làm thủ tục tiền bạc để vào khoa lây. Khoa lây là nơi tập trung những người có bệnh truyền nhiễm. Tôi tự trách mình thiếu bình tĩnh để lâm vào tình trạng chết người.
Cuối cùng, một người y tá tới tháo chai nước ra, tôi đến văn phòng nói với người bác sĩ trực:
- Tôi không ngờ các ông cấp cứu tôi như thế. Tôi đã bảo tôi bị ngộ độc thức ăn, ói mửa. Các ông bắt tôi nằm suốt mấy tiếng đồng hồ để lo giấy tờ đóng tiền (6) nhập viện. Lại nhập vào khoa lây. Tôi không sao hiểu nổi.
Bao nhiêu người ngạc nhiên về thái độ của tôi. Người áo trắng lớn tuổi nhỏ nhẹ:
- Ở đây chúng tôi làm việc theo chỉ thị của Bộ Y Tế.
Tôi cảm ơn và về lại khách sạn, đã quá nửa đêm. Người tôi quặn lại từng cơn như có gì sôi sục trong bụng, cổ nóng, mắt hoa, tôi đuối sức không còn chịu đựng nổi. Đúng lúc tưởng bị cơn đau quật xuống đất thì tôi ù chạy vào restroom. Chỉ kịp ngồi xuống bàn cầu, bao nhiêu nước, trên dưới, trong người tôi tuôn ra xối xả. Tôi gục đầu xuống thành bồn tắm, tôi lả người hứng chịu trận cuồng phong trong người. “Cơn bão” đi qua, người tôi như tắm, tôi hồi tỉnh và có cảm giác như đã được “cấp cứu” xong. Người bạn hỏi: “Đỡ chưa”. Tôi thấy nhẹ trong người. Nhờ bạn dọn dẹp vệ sinh, tôi đi nằm. Nhưng chỉ 20 phút sau, tôi lại ù chạy, cơn “bão số 2” kéo đến. Mọi việc diễn ra như lần trước. Tôi không nghĩ mình sống những giây phút khốn khổ như vầy. Rồi cứ nửa giờ một “cơn bão” ập đến, cho đến lúc “cơn bão số 5” qua đi thì tôi thẫt sự không còn gì trong người nữa. Người tôi xẹp lép và bèo nhèo như một chiếc bong bóng không hơi. Tội nghiệp cho người bạn, chỉ vì “muốn theo cho biết” mà vất vả cực nhọc suốt đêm. Được cái bạn không hề tỏ ra khó chịu hay than phiền gì. Có khi tôi tự lo chưyện vệ sinh thì bị rầy: “Để đấy em dọn, anh đi nằm cho khỏe”.
Dần dần tôi lấy lại sức, người không còn cảm giác khó chịu như đầu hôm, chỉ mêt tí thôi. Sáng hôm sau tôi gọi phôn cho anh bạn có Trung Tâm luyện thi đại học để nhờ đưa đi bác sĩ. Anh đưa tôi đến bác sĩ Hoàng Trọng Tấn (Đinh Tiên Hoàng trong thành nội) . Bác sĩ cho tôi 3 thứ thuốc uống hai ngày. Thuốc từ tay bác sĩ thì không thể thuốc giả, tôi yên tâm. Anh bạn lại chạy lên cầu Bến Ngự mua cho bát cháo gạo lứt đỏ, tôi ăn biết ngon, suốt ngày bụng êm. buổi chiều đã ăn được phở. Nhưng, trải qua một đêm kinh hoàng, người sút hẳn. Lần đầu trong đời, tôi biết thế nào là ngộ độc.
“Không nơi nào đẹp bằng quê hương cả”, cổ nhân nói không sai. Nhưng, đôi lúc quê hương cũng đáng sợï, đáng buồn, đáng xót xa (7). Dẫu gì, thì làm người ai cũng phải có quê hương. Phải có một nơi chốn để đi về. Cuộc sống vốn phong phú, bao la, rực rỡ. Quê hương đã có những trang sử oai hùng, những tác phẩm bất hủ, những ca khúc vượt thời gian, làm sao không nhớ không thương.
“ Dù thời gian có là một thóang đam mê,
phố phường vạn ánh sao đêm,
nhưng tôi vẫn không bao giờ quên”.
(Sài Gòn vĩnh biệt nhạc sĩ Nam Lộc)

Oct. 2006

(1) Đền thờ họ Mạc QHQOK 6
(2) Trả lời phỏng vấn sau vụ thầy Đỗ Việt Khoa (Hà Tây) tố cáo “tiêu cực” trong ngành giáo dục.
(3) Công nhân hốt rác (công nhân môi trường), làm thuê nước ngoài (xuất khẩu lao động). Hôm vào khách san Hương Lam ở Đà Nẵng, tôi than phiền mùi thuốc lá, chị bồi phòng trả lời cách tự nhiên: “Khách mới trả phòng cháu chưa kịp xử lí”. Tôi nghe mà giật mình. Nhà trường dạy cho chị nói thế để có “văn hóa” hơn là dùng chữ “dọn dẹp”.
(4) Đọc Bồ Tát trong địa ngục (Thăng Trầm của tác giả)
(5) Tôi đã vào xem nhà tù Toul Sleng, giường sắt ở đây cũng tương tự như giường sắt bênh viện Huế nhưng thấp ngang đầu gối..
(6) Hồi đầu năm (06) ông bạn nhà báo Trịnh Đình Khôi đột ngột bất tỉnh, đưa vào cấp cứu, người con gái phải khai báo thu nhập tháng 5 triệu bố mới được cho thở Oxy. Ngày hôm sau đưa bố về tẩn liệm và phải trả chi phí cấp cứu 5 triệu đồng.
Cạnh nhà tôi, có đôi vợ chồng trẻ (Giàu và Dung) về thăm quê. được mấy bữa chị vợ thấy khó chịu trong người, đi siêu âm (Bệnh Viện Đại học Y dược tp HCM), bác sĩ cho biết “Thai kém phát triẻn”, chuyển qua khoa phụ sản (Hoàng Văn Thụ Q. Tân Bình) bác sĩ khám bảo “Thai yếu lấy ra, về suy nghĩ tuần sau trở lại”. May mắn có người chỉ cho ông thầy thuốc Bắc, ông thầy bắt mạch, cho thuốc uống và bảo đảm thai con trai không việc gì. Khi về lại Cali, siêu âm đúng như vậy, nay thai đã 6 tháng trong tình trạng tốt. May chứ không thì mất một mạng người.

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trần Công Nhung