Những mảng êm hồi tưởng

Vietsciences- Võ Thị Diệu Hằng     19/01/2008    SGGP Online

 
 
Thứ bảy, 19/01/2008, 21:46 (GMT+7)

 

Ngân ơi, nhớ mua bánh chưng về cúng tết. Năm nay qua nhà mới, mình phải ra mắt ông bà.

Con gái tôi dạy khôn:

- Từ từ mẹ à, hôm nay mới ngày 10 tháng 2, đợi mấy ngày chót hãy mua. Vừa tươi vừa rẻ. Mua bây giờ để lâu sẽ hư.

 

 

 

 

Hoa xuyên tuyết(Perce neige)

Hư thì chắc không đến nỗi nào, vì tủ đá còn một ngăn trống, vả lại tháng hai là đợt lạnh cuối cùng, nhiệt độ có khi xuống dưới không độ, có thể để thức ăn ra ngoài sân. Nhưng tôi bằng lòng ngay. Không gì khỏe cho bằng làm biếng.

Sau khi đứng, ngồi và suy nghĩ liên tục từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, mọi người đều rã rời, chỉ muốn mau về nhà, qua loa cơm tối rồi đi nghỉ. Nhiều tháng không thấy mặt trời vì không dễ có việc làm gần nhà.

Thấy thương cho người ở xứ lạnh, mùa xuân mà cây cối đen đủi trơ cành. Chỉ có hoa anh thảo cao không quá 2 tấc, rộng bằng bàn tay là có thể chịu qua mùa đông hay tình cờ thấy nụ hoa xuyên tuyết, nhỏ như hoa tóc tiên vững chãi vạch tuyết chui lên tự lúc nào. Không một tiếng chim. Không một tiếng côn trùng.

Làm sao náo nức đi chơi “tết” được khi thấy hơi thở mình bốc khói, đầu trùm mũ len kín cổ kín miệng, chỉ chừa hai mắt, cứng ngắc trong áo lạnh dày? Xuân mà gió lạnh cưa xương, bầu trời nức nở, cây cối xác xơ...?

Thoáng đó đã tới chiều 28 Tết. Năm nay lại không có ngày 30. Tôi giục Ngân đi chợ Lognes vì những ngày này khu chợ Tàu ở quận 13 khó kiếm chỗ đậu xe, phải chạy loanh quanh hàng nửa giờ, thấy ai mở cửa xe bước vô là mừng rỡ chớp đèn đứng chờ giành chỗ.

Mười lăm phút sau Ngân gọi về báo tin bánh chưng đã hết mọi nơi từ hai ngày trước! Cúng tết mà không có bánh chưng bánh tét là không giống tết. Vững như một định đề. Như bò nhúng giấm phải có mắm nêm trộn thơm, ăn gỏi phải có bánh phồng tôm hay bánh tráng, chè trôi nước phải có gừng và mè rang...

Hay là mình tự nấu lấy? Mới nghĩ tới đã sợ! Nào phải ngâm nếp, chưng đậu xanh, ướp thịt heo, mua lá chuối... Đang nằm trên giường loay hoay suy tính thì chị Vũ điện thoại báo tin ngày mai về Việt Nam. Về Việt Nam! Tiếng Việt thâm thúy làm sao! Không hẹn nhau, không học nhau, mà ai cũng đều dùng chữ về, cho dù chỉ ghé tạt vài ngày.

Về Việt Nam! Không nơi nào dễ thương bằng nước mình, không ngôn ngữ nào xúc động bằng tiếng nói trầm bổng của dân mình. Đi xa mấy, lâu mấy rồi cũng thấy muốn trở về nơi mình sinh ra để được nói và nghe tiếng mẹ đẻ. Chị Vũ tiếp tục reo vui kể hàng loạt chuyện. Óc tôi đặc sệt nhớ nhung, không hiểu chị vừa kể những gì.

Bỗng dưng nghe chị lớn giọng: “Năm nay em có nhớ chuẩn bị Tết chưa?”, tôi mới giật mình, lắc đầu, làm như thể chị đang đứng trước mặt. Tôi đang được xích vào quá khứ, đang rưng rưng cầm bàn tay mềm mại của ký ức, nên chỉ chúc chị một cách phản xạ: “Chị đi đường bình an, về nước vui và ăn bánh chưng thiệt nhiều”. Chị cười to: “Cần gì phải về Việt Nam mới ăn bánh chưng? Chị đặt người ta nấu hai chục cái, còn chất đầy tủ đá, em có cần thì tới nhà chị lấy”.

Chị ở Troyes, cách Paris 170km. Phải nuốt 340km đầy nguy hiểm rình rập để có được cặp bánh chưng! Nghe tiếng thở dài của tôi, chị đưa ra ngay giải pháp khác: “Ngày mai đúng 9 giờ, tới phi trường Charles de Gaulle. Chị xếp hàng ở Terminal 2D”.

Tiếng “dạ” nhẹ như hơi thở, vừa tuột ra khỏi miệng, tôi đã muốn nuốt nó vô lại. Phải đi bộ ra ga tốn 25 phút, đón xe lửa đi Chatelet les Halles hết 20 phút rồi mới lên chuyến RER B chạy thẳng ra phi trường, trạm cuối dính liền với Terminal 2D... Trễ lắm cũng phải ra khỏi nhà lúc 6 giờ rưỡi sáng. Mùa đông đêm rất dài. Lỡ trật một chuyến xe, sẽ liên tục trễ mọi chuyến khác, như phản ứng dây chuyền trong lò nguyên tử. Hiểu ý sự im lặng khá dài của tôi, chị cười: “Chị cứ đem theo cặp bánh chưng, nếu em đến kịp thì tốt, còn không thì con chị sẽ mang về”.

Cuối cùng tôi chọn giải pháp tự nấu lấy bánh chưng. Siêu thị Tang Frères ở Lognes nhỏ hơn nơi quận 13. Hàng trái cây có nhiều khoảng trống. Chỉ còn ba trái dưa hấu. Càng dễ lựa. Vài xấp lá chuối mà lớp lá ngoài cùng đã đổi màu xám nằm trơ trọi. Hai gói lá dong vàng nơi cuống và mép lá lạc lõng trong quầy rau thơm rơi vãi. Bảng giá vẫn 6,5 euro một ký. Không có bà bán hàng ngồi đó để mình chê héo mong được bớt, chỉ còn một cô thu ngân tay bấm máy lia lịa, mặt căng thẳng trong khi những cô khác đếm tiền chuẩn bị ra về. Không còn lấy một chậu bông! Tính toán khôn khéo quá đôi khi lại dở.

 

Hoa forsythia, “hoa mai Paris” của người Việt hải ngoại, gợi nhớ hoa mai quê hương.

Lá chuối rách và khô, xoay kiểu nào nếp cũng lọt ra ngoài. Ngân chọc tôi: “Bánh của mẹ ngó bất mãn quá, cạnh dài cạnh ngắn, bên dày bên mỏng, chắp vá một cách thảm não”. Tôi tiếc mớ lá vụn, gói thêm hai cái bánh ú. Nếp và đậu còn dư để nấu xôi và chè. Khi dọn lên bàn thì mới hay là quên mua nhang! Chín giờ tối! Sắp giao thừa!

- Để con hỏi chị Thi. Chị thích cúng Phật lắm. Chị có áo tràng, có mõ, có chuông và có bàn thờ ông Địa.

Nửa giờ sau, Ngân rạng rỡ khoe một cái bánh chưng, nửa bó nhang, một hộp mứt, ba nhánh liên kiều đầy hoa.
- Hôm nay mới ngày 16 tháng 2 mà forsythia đã nở hoa rồi à? - Tôi bóp nhẹ từng cánh vàng mỏng, mềm và mát. Ngạc nhiên. Có người lấy hoa vải cắm vô thân forsythia. Hoa vàng thì giả làm cây mai, hoa hồng thì giả làm anh đào Đà Lạt.

- Chị Thi bẻ ngoài hàng rào rồi đem cắm trong nhà từ tuần trước. Chị nói hoa này tên là “hoa mai Paris”.

Bên này không ai kêu nó bằng cái tên “liên kiều”, nhất là tôi. Chắc mấy ông du học nhớ người yêu bên nhà nên lấy tên nàng ra đặt cho hoa, vì hoa forsythia không có vẻ gì giống hoa sen cả. Nghe đỏm dáng, lả lơi làm tôi ghét lây hoa. Bốn đài hoa màu vàng hẹp và dài. Hơi giống hoa mai. Bắt đầu nở vào đầu tháng 3, sau hoa thủy tiên, đến đầu tháng 4 là rụng hết, nhường chỗ cho những cây ăn trái. Nhụy không thơm ngọt mùi trà và hoa không có nhiều cánh mượt mà, tròn trĩnh xếp khít nhau như hoa mai. Lá màu xanh sậm, dễ rách, không láng bóng và dai bằng mai.

Tôi có thiên vị không, nhưng quả tình món gì của Việt Nam tôi cũng thấy ngon hơn, thơm hơn, ngọt hơn, quý hơn. Bánh xèo ngon hơn bánh crêpe, bún bò ngon hơn spaghetti, gà tây không thể nào bằng gà ta. Như cái nhìn của người con đối với cha mẹ, đứa cháu với ông bà. Da ông bà dù có nhăn nheo, miệng có móm, nhưng không gì có thể so sánh được.

Mỗi lần có dịp đi siêu thị, tôi thường tới quầy rau trái miền nhiệt đới ngắm một hồi, tưởng tượng mình đang ở trên bãi biển Nha Trang, nhìn ra khơi xanh biếc, tiếng sóng rào rào, lá dừa xào xạc, nước mơn man bàn chân lún trên cát mịn.

- Con đã cắm hoa vô lọ rồi. Kệ nó, mình lấy mấy cái đèn sáp sinh nhật thắp đỡ. Mẹ tới cúng đi, con lên phòng lấy máy quay phim... Chén gạo để cắm nhang con quên ở cạnh bếp ga. Trà đã pha sẵn, mẹ chỉ cần chế ra tách... Mẹ ơi! Mai này người ta múa lân ở trước mairie* de Noisy-le-Grand, gần sát nhà mình. Mình đi coi nhen mẹ!

Tôi thẫn thờ “ờ”. Tưởng bày ra cúng để ôn lại cho con nhớ đến tổ tiên, không ngờ nó rành hơn tôi.

* Tòa thị chính. 

VÕ THỊ DIỆU HẰNG
(Paris, Pháp)

 

 

           © http://vietsciences.free.fr    Võ Thị Diệu Hằng