Nói tiếng Việt

Vietsciences-Võ Thị Diệu Hằng   03/10/2006
 
 

Tôi cảm động nhìn cử tọa, phần đông là người Pháp, tuổi khá cao lao xao sau một giờ rưỡi nghe GS Nguyễn Quang Riệu thuyết trình về "sự tìm kiếm các hành tinh ở bên ngoài hệ Mặt trời" tại trường ISEP (Trường Cao Đẳng Kỹ sư điện tử Paris). Đã phải đến sớm hơn giờ dự tính nửa tiếng  mà khi tới 28 Rue Notre Dame-des-Champs, cũng đã hết chỗ nên tôi phải đi kiếm ghế ở phòng bên cạnh và ngồi tận đằng sau. Thính giả phần đông có mái tóc mỏng bạc trắng và hói ở đỉnh đầu như đội những chiếc mũ nhỏ màu hồng  bằng da. Có một thanh niên mái tóc thật đen và dày, ngồi ngay bàn đầu.

- Đây là Nguyễn Quang Tuấn, anh Quỳnh giới thiệu.

- Em là nghiên cứu sinh bên Việt Nam qua đây học?

- Dạ không, cháu sinh ra ở bên này.

Tôi nhìn kỹ. À, đây chính là "mái tóc đen" duy nhất của phòng thảo luận đây mà! Sinh ở bên này? Vô lý! Giọng nói Hà Nội ngọt ngào, dẻo, nguyên chất như vậy thì không thể... Thấy tôi có vẻ nghi hoặc, anh Quỳnh tiếp lời:

- Tun là con của anh Riệu và chị Ngà.

Cặp mắt đen to và sáng ánh lên nụ cười hiền hòa sau khi tôi khen lấy khen để giọng Việt Nam nhuyễn, hoàn toàn không lai của Tuấn. Tôi có lý khi ngạc nhiên, bởi vì từ trước đến giờ chỉ nghe những giọng nói cứng , khô và xốp như cốm. Không biết bởi luật thiên nhiên nào mà ở Đức cũng như ở Pháp, mọi giọng nói đều lơ lớ như  nhau như được dạy bởi một người ngoại quốc. Tại sao học sinh ngữ chỉ có vài giờ một tuần mà phát âm đúng, còn tiếng  mẹ đẻ thì lơ là coi thường? Tôi đã ngừng liên lạc với một  người quen khi con của họ trả lời (dĩ nhiên bằng tiếng Pháp) rằng tiếng Việt chẳng dùng để làm gì  cả! Tôi phải giảng nghĩa cho chúng rằng những đứa học trò gốc Trung Hoa của tôi đều nói và viết rành rọt tiếng Tàu. Rằng chiều thứ bảy, hầu hết các học sinh gốc Trung Hoa từ lớp một đến  lớp 12 đều  tụ họp tại quận 13 để học tiếng mẹ đẻ.  Rằng người Việt phải hãnh diện có một nguồn gốc anh hùng không bị đồng hóa, có nền văn hóa và phong tục tốt đẹp, một nền văn minh lâu đời và có cả một kho tàng từ vựng phong phú. Tôi nhắc nhở những người quen nên cho con lấy sinh ngữ là tiếng Việt, trường trung học Louis Le Grand dạy môn này..  để rồi thật buồn khi thấy chính họ cũng nói với con bằng một thứ tiếng  Pháp đôi khi không chuẩn, vô nghĩa mất đầu mất đuôi lại vuốt ở mỗi chữ dấu sắc dấu huyền... Có một thanh niên ra đi lúc 18 tuổi, sau  5 năm ở Mỹ về chơi, than thở rằng đã quên gần hết tiếng Việt nên diễn tả quá khó khăn. Trong khi những người tôi quen, có người đã ở Pháp trên nửa thế kỷ, có người có vợ đầm, không những họ nói thuần tiếng Việt mà còn viết sách tiếng Việt.

- Cũng có những người không cho con nói tiếng Pháp ở nhà - thấy tôi đăm chiêu, em gái tôi an ủi - Nhưng em nghĩ rằng nếu có một đứa con duy nhất thì dễ khuyến khích nó nói tiếng  mình vì nó chỉ có tiếp xúc với mình. Nếu như chúng có anh chị em, khi không hiểu những gì mình nói, chúng sẽ bỏ đi chơi với nhau. Thường khi chúng bắt đầu vô Mẫu giáo, khi nghe mình nói tiếng Việt, là chúng lảng đi chỗ khác  hoặc trả lời bằng tiếng Pháp. Đến trường nghe và nói toàn tiếng  Pháp, về nhà cha mẹ bận rộn nấu nướng dọn dẹp, thảy cho con cái truyền hình. Ăn uống, rửa ráy xong là vô giường ngủ. Thì giờ đâu mà  tập cho chúng nói? Em không lo điều này vì chúng nó hiểu hết những gì mình nói. Sau này có dịp cho chúng về Việt Nam thì chúng  sẽ nói như sáo cho mà xem.

Tôi bắt ngay "con sáo" mười chín tuổi của em tôi ra tra:

- Chỉ có một mình mẹ nói với con bằng tiếng Việt. Mẹ chỉ nói những từ ngữ căn bản trong đời sống hằng ngày, giới hạn trong bữa ăn tối và ngày cuối tuần. Có thể con không nói thạo tiếng Việt vì mẹ không bắt buộc.  Khi con thấy phải tìm kiếm, lục lọi một cách khó khăn những từ ngữ sẵn có trong vốn liếng nghèo nàn của con, con nản. Con cũng chẳng  có một khái niệm gì về văn phạm, nên sợ nói sai. Còn khi phát âm, con nghe thấy tiếng của chính con, con cảm thấy xa lạ kỳ cục, điều này làm con khó chịu. Nhiều khi những chữ hiện ra  trong đầu không thích hợp để diễn tả đúng  tư tưởng con muốn truyền đạt, nên con nói đại tiếng Pháp vì dễ hơn, đúng ý hơn. Nhưng kỳ hè vừa rồi về Việt Nam, tất cả đều đảo lộn. Tự nhiên con thấy muốn học tiếng mẹ đẻ bởi vì Nha Trang và bà con của mẹ con đã  làm cho con nhớ nhung lạ thường. Suốt một tuần lễ qua lại bên này,  con vẫn còn mênh mang tơ tưởng, tưởng như bãi biển Nha Trang đang bao quanh con. Lần này con có ý định theo học tiếng Việt thực sự, học văn phạm để nói sao cho đúng, để tìm hiểu văn chương và văn hóa nước mình. Con muốn đọc sách của ông ngoại. Có lẽ vì con đã lớn nên ham thích hơn chăng? Cái làm con bực, là chỉ hiểu giọng nói nào giống giọng của mẹ con, như giọng của dì chẳng hạn. Những người nói có giọng khác thì con không hiểu, thí dụ tiếng  Bắc, tiếng Huế. Xem truyền hình,  con tưởng như nghe tiếng ngoại quốc. Thật đáng tiếc khi muốn nói để giải thích những suy nghĩ, những tranh luận văn vẻ hơn mà cứ như người ngọng.

Có một lần bất chợt nghe một bé gái thỏ thẻ với cha ngồi hàng ghế sau, tôi không thể không quay lại mỉm cười với người đàn ông đó một cách biết ơn. Đứa bé rực rỡ như một cánh hoa súng trắng vươn thẳng, tỏa sáng một vùng. Cách đây không lâu, một người bạn gởi cho tôi bài phỏng vấn ca sĩ Lily Doiron. Lily là người Canada, nhờ chồng dạy tiếng Việt mà nói tiếng miền Nam mềm mại, không ấp úng. Không những Lily ca giọng  Nam mà còn hò được  cả giọng Huế, ca vọng cổ, biết nấu bún riêu, phở và thích mắm nêm, sấu riêng...

 Một cảm giác chua xót lan rộng ra và len vào những nếp gấp của tâm hồn tôi. Nếu không tạo điều kiện cho con học tiếng  mẹ đẻ thì mọi người sẽ mất đi cái bản sắc văn hóa của mình. Chỉ cần hai mươi năm nữa  tiếng Việt sẽ chỉ còn là một kỷ niệm đối với một số Việt kiều. Ngôn ngữ là một cánh cửa rộng trang trọng để bước vào một thế giới đầy màu sắc. Tại sao lại niêm phong cái lịch sử vô cùng rực rỡ mà chính tổ tiên ta đã đi chân đất, ăn cơm vắt, để lại nhà những hòn vọng phu, xông pha quên mình để giữ gìn từng mảnh đất? Tại sao ta chối bỏ nền văn hóa lâu đời mà đáng  lẽ ta phải hãnh diện? Tâm hồn tôi bỗng tối xám lại, rồi chùng xuống nặng nề như đám mây sũng nước. Hình ảnh bỗng mờ nhoè, lấp lánh và tưởng chừng đâu đó đang vang lên nhè nhẹ câu trả lời của một nhà thiên văn trong  một bài phỏng vấn: "Công trình lớn nhất của tôi là đã dạy cho con tôi nói được tiếng Việt".

 

Đã đăng trong  báo Nhịp Cầu số 30/03

 

© http://vietsciences.free.fr  , http://vietsciences.org  và http://vietsciences2.free.fr  Võ Thị Diệu Hằng