Tản mạn về Bạn và Cha mẹ

Vietsciences-Mathilde Tuyết Trần         30/07/2007
 

Những bài cùng tác giả

Tous les garçons et les filles bấm để xem video

Ngày xưa có điển tích "Bá Nha Tử Kỳ", khi đến ngày hẹn gặp lại nhau thì người bạn tri âm Tử Kỳ đã chết, Bá Nha đập vỡ cây đàn Dao cầm trước mộ của Tử Kỳ, vì không còn ai sẽ là người biết nghe tiếng đàn của ông nữa.

Ngày xưa, các nguyên tắc "quân, sư, phụ" hay "một giọt máu đào hơn ao nước lã", "chị ngã em nâng", "quyền huynh thế phụ", hay "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" ... của quan hệ gia đình theo tinh thần nho giáo còn chiếm giữ một giá trị quan trọng trong cách suy nghĩ và cư xử của con người Việt. Tuy rằng, cũng có câu như "bán anh em xa, mua láng giềng gần" làm loãng đi quan hệ gia đình đáng lẽ phải được gìn giữ chặt chẽ.

Ngày nay, bạn là ai, cha mẹ là ai ? Câu hỏi – không được nói ra đây - nhưng thực sự đang làm bận tâm cả hai thế hệ cha mẹ và con cái, nhất là trong khung cảnh Âu châu, nơi tôi đang viết những dòng này.

Đối với những người làm cha mẹ, những đứa con nhỏ rất dễ thương, mình có thể hy sinh cả sự sống của mình cho chúng, đừng nói chi đến những đêm thức trắng lo âu vì con đau con ốm, những ngày dài làm việc không mệt mỏi để kiếm ra đồng tiền nuôi chúng cho lớn, đem chúng đến trường học cho nên người, cho bằng người ta, dù vẫn biết rằng dòng nước bao giờ cũng chảy xuôi, cha mẹ nuôi mười con nhưng mười con không nuôi nổi cha mẹ.

Đứng về mặt giáo dục mà nói, trẻ nhỏ, chưa đến tuổi dậy thì, còn như cây non, dễ chăm sóc, uốn nắn.

Mới đây, trong một lớp mẫu giáo, tôi đến dậy các trẻ em về hội họa. Đề tài cho các trẻ em vẽ là cái cầu vồng, mà qua đó tôi nói sơ qua đến hiện tượng vật lý của mưa nắng, các mầu sắc chính của cầu vồng nhưng cũng khơi lên cái ý hướng tìm tòi phiêu lưu với mẫu chuyện dưới chân cầu vồng là kho tàng, hay ý hướng tạo tình cảm gia đình qua hình ảnh người thân đã qua đời đi trên cầu vồng để lên trời.

Các em nghe rất chăm chú, thích thú. Sau đó, các em vẽ rất hăng hái, rồi chen nhau đến khoe tôi tác phẩm, còn đang dở dang chưa xong. Bỗng nhiên, trong đám trẻ, có một em nói: "tôi vẽ hai tấm, một cái cho mẹ, một cái cho ba", rồi nhìn tôi với đôi mắt tròn như hai hòn bi: "họ đã xa nhau !". Các em khác lau nhau, đứa khoe vẽ cho mẹ, đứa khoe vẽ cho cha. Một chú bé trai nói khá to: " tôi vẽ cho mẹ tôi vì cha tôi ác lắm, đánh tôi mỗi ngày".

Các cô chú bé con sáu bẩy tuổi còn hồn nhiên và cái gì cũng kể, nhưng cô giáo cẩn thận cân nhắc hơn, nói rằng, trẻ con tuổi này hay nói quá đà, đánh nó một lần, nó bảo "mỗi ngày", hay kể những chuyện trong trí tưởng tượng mà coi là thật, qua ảnh hưởng của truyền hình và các trò chơi vidéo. Cha mẹ các em phải đi làm suốt ngày, các em ở trường từ bẩy rưỡi sáng cho đến sáu rưỡi chiều, gần mười hai tiếng đồng hồ.

Sau nhà trường, trở về khung cảnh gia đình, bữa cơm chiều thường diễn ra trước màn truyền hình, chúng nó dán mắt vào màn hình, há miệng như cá để nuốt thức ăn một cách dễ dàng nhanh chóng, không cần biết ăn gì, nhưng cứ ăn, vì thật sự chúng bị hoàn toàn lôi cuốn bởi hình ảnh và âm thanh. Nhiều bậc cha mẹ coi thường sức ảnh hưởng của truyền hình đối với trẻ em, và vô tình tiếp sức cho một thế lực tuyên truyền mạnh mẽ, đó là thế lực thông tin hiện đại.

Bước vào tuổi dậy thì, khi thân thể đã có những dấu hiệu thay đổi để trưởng thành, thì thanh thiếu niên, do cảm giác thôi thúc đang làm người lớn, không còn là con nít nữa, thường có khuynh hướng phải trở thành con người khác cha mẹ, hay làm một cái gì khác cha mẹ, hơn thế nữa, vượt hơn cha mẹ.

Đây là một tâm lý chính ra là tích cực, nếu không có thế, thì đã không có sự tiến triển của nhân loại qua các thế hệ, và tuổi thanh thiếu niên cần phải có những "biện pháp cụ thể" để cắt đứt "sợi giây rún" nối liền đứa con với cha mẹ. Câu nói "con vua thì lại làm vua, con chú xã chùa thì quét lá đa" đúng trong phạm vi lý luận về kế thừa và phân chia giai cấp xã hội, nhưng không đúng về trình độ phát triển cũng như quyết tâm của mỗi cá nhân: con hơn cha là nhà có phước.

Để có bước ngoặc phát triển, thanh thiếu niên cần có một sức lực mới, ngoài phạm vi gia đình, để tìm hỗ trợ, để bám víu vào, và để chống lại tính cách "độc tài" của gia đình theo kiểu " cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", đó là tình bạn.

Đó là tuổi mà cha mẹ nói gì cũng không hay, chỉ nghe theo bạn. Có thể cha mẹ khắc nghiệt vô lý, có thể cha mẹ khoan dung chỉ muốn giúp con nên người. Nhưng dù gì đi nữa, nhiều hoàn cảnh, nhiều quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở thành "nước đổ lá môn", thảm hơn nữa, những ý tốt của cha mẹ bị đảo ngược lại thành xấu.

Nhưng phải công bằng mà nói rằng, cũng có những trường hợp mà "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" hay là "cha nào con nấy".

Tôi có dịp nhận xét hai người thiếu niên cùng tuổi cùng lớp. Em A rất phục cha và hãnh diện về người cha của mình đang giữ một chức vụ to lớn trong xã hội, câu nói nào cũng bắt đầu bằng "Cha tôi..." . Em B không nói gì cả về cha của mình, mà hay nói về những việc em thích thực hiện. Một hôm, tôi nghe em B trách cha trong sân trường, sao không mặc "com lê" tử tế để đến đón B. Em không thấy vui khi được cha đón, mà lại thấy ngượng với bạn bè về trang phục xuề xòa của người cha, sợ mọi người biết là cha mình thất nghiệp.

Nếu mặc cảm về xuất thân nghèo hèn trở thành một động lực mạnh thúc đẩy sự cố gắng đi lên một cách ngay thẳng trong nấc thang xã hội thì không phải là một điều xấu. Nhưng những lý luận chống đối cha mẹ thông thường nhất là cho rằng cha mẹ giúp đỡ có điều kiện, làm áp lực, vấn đề xa cách giữa hai thế hệ già trẻ có nhiều quan niệm, mục đích khác biệt sâu xa, ước muốn hoàn toàn tự lập của giới trẻ, thoát vòng ảnh hưởng, chi phối và kiểm soát, kìm tỏa, uốn nắn... của những người trong gia đình.

Bạn, vì thế, chiếm lĩnh một địa vị quan trọng trong tuổi dậy thì của trai như gái. Qua bạn, nhất qua sự so sánh mình với những người cùng trang lứa, người trẻ tìm ra cái "tôi" của mình, thấy ưu điểm và nhược điểm của mình, dù không nói ra, lần mò xác định hướng phát triển cho bản thân trong mọi lãnh vực cũng như về chuyên môn nghề nghiệp.

Theo chương trình giáo dục hiện nay tại Pháp, thế hệ trẻ được hướng dẫn chia ngành chuyên môn theo khả năng học vấn từ sau bậc trung học đệ nhất cấp (hết lớp 3, tại Pháp). Thành phần học khá được chấp nhận học tiếp tục trung học đệ nhị cấp, một số vào thẳng các trường học nghề, như thế với số tuổi 14 thành phần này bước vào cuộc đời nghề nghiệp sớm nhất.

Sự chia ngành này kéo theo một thay đổi tình cảm lớn cho giới trẻ, nhiều bè bạn lâu năm bỗng dưng xa nhau sau ngày cuối cùng của niên học, vì niên học sau sẽ đổi trường đi một nơi khác.

Ở cùng chung một thành phố lớn thì còn dễ gặp lại nhau, nhưng đối với học trò từ các vùng thôn quê hay tỉnh lẻ thì đây là một giai đoạn thay đổi môi trường quan trọng. Mỗi sự thay đổi, thí dụ như phải thay đổi cách ăn mặc trong các trường đệ nhị cấp, có trường đòi học sinh phải mặc đồng phục, có trường đòi học sinh phải ăn mặc theo kiểu trưởng giả: com-lê, sơ mi (con trai), váy và sơ mi (con gái), có trường thì học sinh đua đòi ăn diện theo nhãn hiệu, đều đem đến cho mỗi người một ấn tượng mới, một ý thức rõ nét hơn, về cái xuất thân gia đình và chỗ đứng của chính mình trong xã hội. Một học sinh kể cho tôi nghe lời bình phẩm về cách ăn mặc của em của một nữ giáo sư: "tôi không thích trẻ con nhà quê !", vì em này không ăn mặc theo cách con nhà trưởng giả của thành phố.

Đổi trường tức là đổi bạn. Trong ba năm cuối cùng của bậc trung học đệ nhị cấp (seconde, première, terminal), học sinh ở trong lứa tuổi từ 15 đến 18 tuổi, có nhiều so sánh hơn, cọ xát với nhau hơn là trong thời đệ nhất cấp.

Họ tụ tập thành nhóm trong trường, trong những nhóm bạn riêng rẽ, vì có chung một lý do cơ bản nào đó, ngay cả vì khuynh hướng chính trị, phe tả tránh phe hữu và ngược lại. Thêm vào đó, nếu tin theo thống kê của Pháp, thì giới trẻ bắt đầu có quan hệ sinh lý trung bình vào khoảng 17 tuổi rưỡi (!), tức là khi đang còn học trung học. Thực tế là trong sân trường và ngoài cổng trường, nhiều cặp trai gái đã quấn quít bên nhau, ôm ấp, hôn hít tự do. Hai bản nhạc xuất hiện cùng năm 1962, "Tous les garçons et les filles" của ca sĩ Françoise Hardy, cũng như bài "Tous mes copains" do Sylvie Vartan hát, là hai bài hát tiêu biểu cho giai đoạn say đắm mới này của tuổi trẻ. Tình yêu trai gái mới lớn làm thay đổi rất nhiều con người trẻ. Họ tự hào đã trở thành người lớn.

Sự cọ xát trong trao đổi bạn bè có thể làm cho những nét cá nhân được ổn định thêm hay thay đổi hẳn theo một chiều hướng nào đó. Người trẻ có cá tính mạnh làm đầu tầu, kéo theo đuôi những bạn khác "yếu" hơn.

Nếu gặp bạn tốt, mở ra một hướng đi tích cực cho tương lai, thì thật là một điều may mắn. Nếu gặp bạn xấu, lôi kéo vào một con đường xấu với mục đích xấu, thì cha mẹ có khóc lóc than van quỳ lạy con mình cũng vô ích.

Tôi biết có người tóc bỗng dưng bạc trắng khi biết con mình đã đi vào đường xì ke ma túy, tự trách móc, tự ân hận, tự dày vò, tự nhận tất cả lỗi lầm về mình. Tiếng nói của người gọi là "bạn" mạnh hơn là những lời khuyên răn, van xin của cha mẹ và mớm cho đứa con những luận điệu tự binh vực: Con nghiện xì ke ma túy thì cũng như cha mẹ hút thuốc, uống rượu, uống bia, đều là đồ nghiện cả ! Đây chỉ là một thí dụ.

Nhưng không một người làm cha hay làm mẹ nào có thể dửng dưng nhìn đứa con tự hủy hoại thân xác của mình để chết dần chết mòn, nói theo Đức " Selbstmord auf Raten". Sự tự hủy hoại thân xác và sức khỏe của mình, đi ngược lại bản năng sinh tồn của con người, che dấu một vấn đề nội dung cơ bản khác: đó là cảm giác cô đơn.

Có gia đình, có người thân vây quanh, cũng cô đơn. Có bạn bè thật sự vui vẻ trao đổi cũng cô đơn. Ngồi một mình, đi ra đi vào một mình, lại càng cô đơn. Cô đơn vì thiếu người yêu mình và người mình yêu, thiếu người hiểu mình và người mình hiểu, như Bá Nha không có Tử kỳ. Cô đơn sẽ đưa đến tuyệt vọng và tình trạng khủng hoảng tinh thần nặng nề (depression).

"Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con...", một quy luật tuần hoàn thiên nhiên cần phải được thực hiện trong đời người.

Một quan hệ tình cảm mới, một khung cảnh mới, có khi là một phương thuốc mầu nhiệm, sẽ giúp con người cô đơn thoát ra khỏi cái hố sâu thẳm của mình.

Nếu giải quyết theo cách đặt cái cầy trước con trâu hay chỉ giải quyết hiện tượng mà không giải quyết trọng tâm của vấn đề thì không giải quyết được gì cả. Và nếu xã hội không triệt được các đường dây buôn bán xì ke ma túy, "Bạn" lại tiếp sức bơm thêm xì ke ma túy, thì gia đình phải lãnh trọng trách bảo vệ con em của mình.

Nói thì dễ mà làm thì bao giờ cũng khó. Vì cũng như trong những trường hợp bệnh nan y khác, người bị bệnh – dù là không muốn hay không ý thức – gây ra nhiều hoàn cảnh khó xử, và nhiều người thân - thiếu kiên nhẫn và thông cảm - sẽ khó chịu đựng nổi áp lực tinh thần của những căn bệnh trầm trọng này.

Còn nói về việc học hành cho con cái, nhiều bậc cha mẹ thở phào nhẹ nhõm khi đã trần ai khổ ải đưa con cái mình qua khỏi cổng trường trung học, cái bằng Tú Tài mới tinh cầm trong tay, tưởng đã làm xong bổn phận cha mẹ.

Nhưng "trồng cây mười năm, trồng người trăm năm", các cô cậu Tú mới, mơ mộng còn nhiều, lại làm cho cha mẹ lo lắng thêm.

Cùng với chính sách nâng cao mức dân trí, trình độ Tú tài được hạ xuống, trong niên học 2005 có 633.884 học sinh đậu Tú Tài, tức là tỷ lệ 81,9%, năm 2006 cũng đạt tỷ lệ 81,9%, trong khi niên khóa 1995, mười năm trước, chỉ có 75,1% đoạt mảnh bằng Tú Tài Pháp. Vì thế, muốn trở thành sinh viên của các trường cấp bực đại học ưu tú, các cô cậu Tú mới, phải thử lửa một lần nữa qua những kỳ thi tuyển nhập học.

Cũng vì thế, phát sinh ra một nhu cầu mới, mang tên lớp dự bị Đại Học kéo dài hai năm sau bằng Tú tài. Các lớp dự bị này, tùy theo tăm tiếng của trường, tùy theo địa thế, mà gây ra tốn kém khác nhau, thí dụ ở thành phố nhỏ: tiền đóng học phí 1.500 euros/năm, mua sắm sách vở dụng cụ 300 euros/năm, chi phí di chuyển 50 euros/tháng, chi phí nhà trọ hay nội trú 160 euros/tháng, chi phí ăn uống áo quần và linh tinh... khoảng tròn trèm 5.000 euros/năm.

Trong dự án ngân sách quốc gia nước Pháp năm 2007, thì ngân sách cho Giáo Dục và Nghiên Cứu đứng hàng đầu với 80,30 tỷ euros, chiếm 24% của tổng số ngân sách quốc gia cần thiết là 334,70 tỷ euros.

Điều này làm cho tôi rất ngạc nhiên, vì tình trạng thiếu giáo sư là phổ biến, nhất là ở các tỉnh nhỏ, vùng thôn quê, và cha mẹ học sinh phải cáng đáng nhiều chi phí cho việc học hành của con cái, thêm nữa, mức lương trả cho các giáo sư dậy các ngành phụ rất thấp.

Thí dụ như trường hợp giáo sư dậy sinh ngữ, tiếng Anh hay tiếng Đức, Tây Ban Nha...vân vân trong các trường tiểu học, không được nhận làm việc theo quy chế chính quy, mà ăn lương theo giờ dậy học, bộ Giáo dục trả khoảng 15,50 euros cho một giờ học 45 phút. Với số lương 15 euros nhà giáo phải đi từ làng này qua làng kia, cách nhau khoảng 20 phút xe hơi, tính luôn cả thì giờ soạn bài, thì giờ giảng bài, thì giờ chấm bài/sửa bài cho học sinh, 30 em trong một lớp, nếu được dậy chín trường, tức là chín lần 45 phút trong tuần, mỗi tuần được 139,5 euros, một tháng được 558,00 euros, thì lương nhà giáo còn quá xa mức nhà nghèo! (theo định nghĩa của thống kê năm 2004 những ai có thu nhập dưới 788 euros một tháng là nhà nghèo tại Pháp).

Giai đoạn này, giữa cha mẹ và con cái có thêm căng thẳng mới, vì cha mẹ phải tiếp tục nuôi các cô cậu ấm ăn học, cho tới hết năm 26 tuổi theo luật định, nhưng ngược lại vì con cái đã qua tuổi trưởng thành từ năm 18 tuổi, hoàn toàn độc lập theo pháp lý, cha mẹ chỉ có nghĩa vụ bắt buộc phải chi tiền mà trên thực tế không có một ảnh hưởng pháp lý nào cả đối với những quyết định của con cái, thí dụ như học ngành gì, học ở đâu, học trình bao lâu, học có kết quả hay lông bông nửa chừng rồi bỏ dở. Những trường hợp mà con cái lôi cha mẹ ra trước Tòa Án để kiện tiền ăn học sau khi đã trưởng thành không còn làm cho ai ngạc nhiên.

Cái mâu thuẫn của tuổi trẻ, một mặt muốn hoàn toàn tự do độc lập, một mặt còn phụ thuộc tài chánh vào gia đình, đưa đến một số mặc cảm tâm lý đối với cha mẹ, nhất là khi các dự tính tương lai không trôi chẩy như mơ ước, mất phương hướng, đổi ngành học, hay có khó khăn tình cảm riêng. Các cô cậu giận hờn, trách móc cha mẹ tìm mọi cách để kiểm soát, chi phối, như thể họ còn con nít. Cha mẹ thì buồn rầu thất vọng vì con cái không hiểu mình, muốn giúp chứ không muốn phá, đành phải lặng thinh, vì hễ nói ra lời nào thì bị đảo ngược lại lời đó. Biết con lầm đường, muốn cản con đi lầm đường, muốn đề phòng cho con khỏi đi lầm đường, nhưng làm sao nói cho chúng hiểu.

Một hôm, tôi thấy một bà hàng xóm, già, tóc bạc, dắt con chó nhỏ đi trên con đường làng, vừa đi vừa mếu máo. Tôi hỏi tại sao, thì bà tuôn ra một hơi. Con trai bà, đậu xe trong góc một cánh ruộng, tìm cách tự tử bằng khói xe. May mà có một ông nông dân đang làm việc trên đồng, chú ý đến một chiếc xe đậu lâu một chỗ, ông ta tò mò đến gần để xem, thấy người há miệng bất tỉnh bên trong và ngửi mùi khói xe của máy đang nổ, ông ta kịp thời kêu xe cứu thương chở vào nhà thương. Bà rất khổ tâm, than thở hoài, không biết tại sao, và làm gì để giúp con mình.

Không có gì khổ tâm bằng cảnh tre già khóc măng non, vì các bậc cha mẹ thường có khuynh hướng nhận mọi lỗi lầm về phía mình.

Đối với các thiếu nữ, các phương pháp tránh thai và sự việc phá thai không còn là tội hình bị phạt tù như trong những năm 70, đã làm nhẹ bớt các quyết định tình cảm, không còn bị hoàn cảnh ép buộc phải lập gia đình sớm, có con sớm, nhưng một khi đã qua cầu thì có mấy ai quên được những đoạn cầu khổ ải đã qua.

Cũng trong những năm 70, tại Đức có phong trào "dân chủ hóa" quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Theo phong cách cổ điển thì con gọi cha là "Vater", gọi mẹ là "Mutter" , bình dân và thân mật hơn thì con cái gọi cha mẹ là "Papa" và "Mama". Còn theo trường phái mới thì con cái "thưa thốt" với cha mẹ như sau:

 

- Du, Dieter, ich will....

Hay là:

- Helga ! komm her...

 

Xã hội tiêu thụ lại không ngừng đưa ra trước mắt con người những nhu cầu vật chất cao cấp và những thời điểm mốc: nhà, xe hơi, trang trí nội thất, quần áo sang trọng lịch sự, nữ trang, du lịch, các nhu cầu giải trí tiêu khiển văn hóa, tụ họp bạn bè, đám cưới, sinh nhật, ngày lễ mẹ, ngày lễ cha, Giáng Sinh, Giao Thừa, Tết Tây, nghỉ hè đi chơi.... Khắp mọi nơi, từ các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí, quảng cáo, dịch vụ ...con người bị hối thúc đi mua, mua thêm, mua nhanh, mua mau lên khẻo hết.

Cái áp lực vừa vô hình vừa hữu hình của xã hội tiêu thụ làm cho con người, nhất là thành phần trẻ mới vào đời bị choáng ngợp: làm gì để kiếm sống, để có tiền tiêu thụ theo sở thích ? tại sao bạn có, mình không có ? tại sao lại không có hơn ?

Bạn bè tiếp tục là những nhân vật quan trọng số một trong thời tuổi trẻ và gây nhiều ảnh hưởng lên lẫn nhau. Ảnh hưởng của xã hội cũng thấm qua ảnh hưởng của bạn bè để chi phối, lung lạc từng người. Nếu ai cũng biết chọn bạn mà chơi thì không còn vấn đề gì để viết.

Đến đây tôi nhớ lại phong trào Mai68 ( tháng năm 68) tại Pháp, khởi đầu với sự phản đối của giới trẻ chống lại sự trói buộc của một nền đạo đức cổ điển từ "mùa thu đỏ 1965" ở Antony, một vùng ngoại ô của Paris, kéo dài qua suốt năm 1967, rồi trở thành việc xâm nhập cư xá nữ sinh viên tại Nanterre của các nam sinh viên nổi loạn trong mùa lễ Phục Sinh năm ấy, họ công khai làm tình với nhau ngay trong các hành lang của cư xá. Các bậc cha mẹ và xã hội Pháp trợn mắt kinh khiếp trước sự phản kháng mới mẻ này. Đến đầu xuân 1968 thì phong trào đòi tự trị đại học, thay đổi hệ thống giáo dục, tự do quan hệ nam nữ trong các cư xá sinh viên lan rộng đến trung tâm Paris. Với nhiều hành động bạo lực, sinh viên nổi loạn, được sự hỗ trợ của các công đoàn cánh tả, biểu tình, đốt xe, lập rào cản, ném đá, đánh nhau với cảnh sát. Tổng thống de Gaulle phải lên tiếng trên đài truyền hình ngày 29.05.1968, thay đổi thành phần chính phủ, giải tán Quốc Hội, tổ chức bầu cử Quốc Hội mới và kêu gọi nhân dân Pháp bảo vệ chính thể Cộng Hòa. Hơn một triệu người tràn ra đường phố Paris để ủng hộ de Gaulle. Phong trào Mai68 bị dập tắt. Đây là tôi nhắc ngắn lại chuyện cũ. Nhưng nhiều chính khách, xuất thân từ phong trào Mai68 vẫn đang hoạt động trên chính trường, tức là phong trào Mai68 vẫn chưa hẳn lùi quên vào dĩ vãng.

Cuối cùng, khi quan hệ trực tiếp giữa tuổi già (cha mẹ) và tuổi trẻ (con cái) gặp khó khăn thì đáng lẽ ra xã hội phải có bổn phận tạo một môi trường tin cẩn, làm nhịp cầu nối lại sợi dây tình cảm, để cho hai thế hệ có thể hiểu nhau, thông cảm nhau và thương nhau, giải quyết các khó khăn một cách yên thấm hòa giải, vì giữ được nền tảng gia đình, cũng là giữ được nền tảng và sức đoàn kết của xã hội. (Chiến thuật cổ điển "chia để trị", ai cũng biết).

Nhưng các gia đình người Việt sinh sống tại hải ngoại còn có thêm khó khăn trong vấn đề làm sao truyền đạt lại cho con cháu mình ngôn ngữ, văn hóa, tập tục truyền thống Việt Nam. Các cơ sở xã hội được xây dựng theo nhu cầu của xã hội Pháp, cho nên không hiểu được và không yểm trợ chính xác các khó khăn của người Việt Nam. Cũng như trường hợp của bài viết này, bằng tiếng Việt, ít người đọc, tất bị hạn chế, vì thành phần tuổi trẻ của chúng ta tại Pháp, không viết và đọc được tiếng Việt thì...lắc đầu, nhún vai... như Tây thôi.

 

Tous Les Garçons Et Les Filles Lyrics


Tous les garçons et les filles de mon âge
se promènent dans la rue deux par deux
Tous les garçons et les filles de mon âge
savent bien ce que c'est d'être heureux

Et les yeux dans les yeux et la main dans la main
Ils s'en vont amoureux sans peur du lendemain
Oui mais moi, je vais seule par les rues, l'âme en peine

Oui mais moi, je vais seule, car personne ne m'aime

Mes jours comme mes nuits
Sont en tous point pareils
Sans joie et plein d'ennui
Personne ne murmure "je t'aime" à mon oreille

Tous les garçons et les filles de mon âge
Font ensemble des projets d'avenir
Tous les garçons et les filles de mon âge
Savent très bien ce qu'aimer veut dire

Et les yeux dans les yeux et la main dans la main
Ils s'en vont amoureux sans peur du lendemain
Oui mais moi, je vais seule par les rues, l'âme en peine
Oui mais moi, je vais seule, car personne ne m'aime

Mes jours comme mes nuits
sont en tous points pareils
Sans joie et plein d'ennui
Oh! quand donc pour moi brillera le soleil?

Comme les garçons et les filles de mon âge
Connaîtrais-je bientôt ce qu'est l'amour?
Comme les garçons et les filles de mon âge
Je me demande quand viendra le jour

Où les yeux dans ses yeux et la main dans sa main
J'aurai le coeur heureux sans peur du lendemain
Le jour où je n'aurai plus du tout l'âme en peine
Le jour où moi aussi j'aurai quelqu'un qui m'aime

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Mathilde Tuyết Trần