Võ Hồng - Gặp Tự Lực Văn Đoàn

Vietsciences-Võ Hồng      Trích từ tạp chí VĂN, số đặc biệt tháng 4-1967  

 

Những bài cùng tác giả

Đầu tháng Chín năm 1940, trên chuyến tàu suốt ra Hà Nội, tôi ngồi bên cạnh va-li sách vở quần áo. Trí óc thật lo lắng không yên. Khi tàu đỗ xuống ga, tôi sẽ đến ở trọ nơi nào? Tôi không có gia đình quen ở Hà Nội. Những người thuộc lớp đàn anh ở cùng Tỉnh đã học ở Hà Nội như anh Trần Chánh Thành, Trần Ngũ Phương, Nguyễn Tích... thì đã lâu lắm tôi không liên lạc, không biết rõ họ ở địa chỉ nào. Những bạn cùng lứa thì chỉ lất vất ở Huế. Ngày đó, sự học không được phát triển như bây giờ. Trường Collège Qui Nhơn mỗi năm chỉ nhận vào 45 học sinh đệ nhất niên (tương đương với lớp đệ Thất bây giờ). Đó là trường Trung học công lập duy nhất thu nhận học sinh của hơn tám Tỉnh miền nam Trung phần, từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Cứ đổ đồng một lớp đệ Nhất niên như thế chỉ thu nhận của mỗi Tỉnh năm, sáu người học sinh xuất sắc hơn cả. Lên đến năm đệ Tứ, thì trong số 45 học sinh, chỉ còn lại chừng 30, 35 người là cùng. Sự tuyển chọn học sinh thật khó khăn, sự học bị hạn chế khiến cho số học sinh Trung học lúc đó còn ít thua số sinh viên Đại học ngày nay. Bởi lẽ ngày nay trung bình hàng năm mỗi Tỉnh có chừng 40, 50 học sinh vào học các lớp Dự bị Đại học.

Vậy đích thực là tôi không thể có một người bạn học đồng hành cùng tôi sẽ chung chia những ngày xa lạ ở thủ đô.

Sau mấy ngày suy nghĩ cân nhắc, tôi quyết định: Nếu không có dịp may gặp một người nào chỉ đường dẫn lối thì sẽ xuống ga Hà Nội rồi thuê xe chở đến tòa soạn báo Ngày Nay ở 80 đường Quan Thánh. Tôi sẽ gặp một vị nào đó trong Tự lực Văn đoàn, ông Khái Hưng hay Nhất Linh, hay Hoàng Đạo, Thế Lữ... tôi sẽ trình bày trường hợp của mình và nhờ giới thiệu cho một nhà trọ. Điều đó chắc không khó. Những căn gác, những nhà trọ chắc chắn là không hiếm. Tôi hi vọng là được giới thiệu đến một gác trọ nên thơ như gác trọ nơi nhân vật Dũng “rũ áo phong sương.” Tôi tin rằng những nhà văn lớn mà tôi hâm mộ đó sẽ ân cần hỏi han tôi, sẽ sung sướng nghe tôi nói lòng hâm mộ của tôi đối với họ, sẽ hết lòng chọn chỉ cho tôi một nhà trọ thật tử tế. Văn chương nghệ thuật, tôi nghĩ, là một niềm cảm thông lớn. Người ta có thể nhờ nó mà quen nhau, mà thân nhau mặc dù ở xa xôi chưa hề biết mặt nhau. Có chung một niềm say mê là người ta đã hiểu nhau, đã tin cậy nhau được rồi, không kể tuổi tác cách biệt.

Nhưng khi tàu dừng ở ga Thanh Hóa, tôi chợt gặp một người quen, anh Tùy, một huynh trưởng Hướng đạo. Anh cho biết là anh có công tác về Hà-nội và dĩ nhiên là với tinh thần Hướng đạo, anh tự nguyện sẽ lo tìm nhà trọ cho tôi.

Xuống ga Hà-nội, anh đưa tôi về nhà số 11 ngõ Tràng An ở gần chợ Hôm. Tôi sống ở đó với những bạn mới: anh Phạm Cương, anh Nguyễn Thái, anh Ngô Mạnh Duyên... Tuy vậy, vẫn đinh ninh là khi có dịp rảnh tôi sẽ đi thăm tòa soạn Ngày Nay liền, như lòng vẫn hằng mong ước.

Chừng sau đó một tháng, nhân ngày Chủ Nhật, tôi ghé lại 80 đường Quan Thánh. Đó là một buổi sáng đầu mùa Thu. Ông Khái Hưng ra tiếp tôi ở tận cổng. Ông mời tôi lên lầu, vào phòng làm việc của ông. Ông mặc sơ mi ngắn bằng chỉ đan. Người ông nhỏ nhắn, gầy. Cái áo đan bó sát người càng làm cho ông gầy thêm. Mặt ông không đẹp như tôi vẫn hằng tưởng tượng qua các tác phẩm của ông. Tôi tự giới thiệu là một học sinh ở từ Miền Nam xa xôi, đã đọc ông và sung sướng nay được gặp mặt. Ông bắt tôi tả rõ miền quê của tôi, cảm nghĩ của bạn trẻ chúng tôi khi đọc văn ông. Chốc chốc giữa những câu nói, mắt tôi chăm chú nhìn vào cái sọ người ông đặt trên đầu bàn viết. Tôi sợ sự đến thăm của tôi làm mất thì giờ ông nên cứ chuẩn bị đứng dậy cáo từ mấy lần. Ông giữ tôi lại vừa nói: - Xin cứ ngồi nói chuyện chơi tự nhiên. Tôi độ rày chả bận gì hết. Tờ Ngày Nay đã bị Chính phủ bắt đình bản rồi, còn báo đâu nữa mà lo bài? Có tờ tuần báo Chủ Nhật đang xin giấy phép.

- Ông có tin rằng sẽ được giấy phép?

- Chắc sẽ được.

Nói chuyện với một nhà văn thật là khó. Tôi cứ nghĩ rằng những điều mình nói, họ đều đã biết hết rồi, những lý luận mình đưa ra họ cũng đã đoán được hết. Vả lại, biết chuyện gì mà nói? Nói lời ái mộ họ thì mình đã nói trong ba phút đầu tiên gặp gỡ. Phê bình tác phẩm của họ thì mình không có đủ sự vô lễ để làm. Nhắc đến những cuộc bút chiến thì vô lễ chẳng kém bởi mình sẽ đưa ra những lý lẽ của đối phương họ. Ông Khái Hưng lúc bấy giờ vừa bị ông Từ Ngọc cho là đã ăn cắp cốt truyện dự thi của ông để viết truyện dài Thoát Ly. Ông Nhất Linh thì bị nhóm Tân Dân phê bình nặng nề ở quyển Đoạn Tuyệt. Cô Loan bị chê là gái mới hỗn láo với đối với mẹ chồng. Con dao rọc sách vô tình giết anh Thân, giải phóng được cho cô Loan nhưng không giải phóng được cho những cô gái mới đồng cảnh ngộ với cô. Bởi vì muốn đoạn tuyệt với chế độ gia đình cũ, chẳng lẽ cô gái nào cũng phải hi vọng vẩn vơ ở một trường hợp ngẫu nhiên như trường hợp con dao rọc sách. Người ta cho nhóm Tự lực Văn đoàn chỉ ưa đả phá mà không có một đề án xây dựng cho hợp lý. Ông Nguyễn Công Hoan bên nhóm Tân Dân (mà Ngày Nay gọi là “Động Tân Dân” bởi vì nơi này chuyên môn sản xuất các truyện kiếm hiệp kiếm tiên, quái khách hiệp khách) viết cuốn Cô giáo Minh, đưa ra một nhân vật cũng mới như cô Loan nhưng khéo dung hòa mới cũ mà gia đình êm đẹp, lấy đạo đức cảm hóa được cả một bà mẹ chồng cổ hủ và đanh ác. Đối đầu quyết liệt với Tự lực Văn đoàn là nhóm Tân Dân. Họ có cơ quan ngôn luận là tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn. Tôi nói: - Dạo này các báo đang hô hào cải cách lối viết chữ Quốc ngữ, ông có đọc?

- Có.

- Ý ông nghĩ sao?

- Tôi thấy có nhiều đề nghị không được hợp lý. Chẳng hạn lấy chữ F thay chữ PH. Đành rằng thay PH bằng F thì ta sẽ viết mau hơn, tiết kiệm được một ít thì giờ và một ít mực, nhưng cho chính xác mà nói thì cách đọc chữ F và chữ PH có khác nhau. Chữ F hơi gió phát âm mạnh hơn...

Ông phì hơi thật mạnh để đọc chữ filou, famille, enfant.

- ... Còn chữ PH thì hơi gió nhẹ lắm. Như đọc chữ philosophie. Tiếng Việt Nam không phát âm mạnh, tương đương như chữ F.

Giọng nói của ông dịu dàng. Lời nhận định hay phê bình cũng đều khiêm tốn. Tôi nghĩ rằng ông có thể lớn tiếng mạt sát vài người kiến thức hẹp hòi mà thích đưa những nhận xét cao quá tầm của họ.

Trong khi ông mời nước, tôi lưu ý nhìn một cậu bé chừng bảy, tám tuổi da mặt trắng và đôi mắt rất sáng lại đứng tựa vào đùi ông. Ông đưa tay vuốt đầu cậu bé và giới thiệu với tôi: - Đây là con của anh Nhất Linh. Anh Nhất Linh cho tôi làm con nuôi.

Sau này, bà Dương Đình Tây bạn thân của bà Khái Hưng thường kể chuyện cho tôi nghe về trường hợp hiếm muộn của bà Khái Hưng.

Qua khung cửa sổ, tôi nhìn những cây bàng, những cây sấu mọc hai bên đường, vươn cành chi chít đan dày trên tầng cao. Lòng tôi rung động êm đềm khi nghĩ rằng chính những cây bàng này đã gây xúc cảm cho ông Nhất Linh và đã được ông đem vào “lời nói đầu” của cuốn Đôi bạn.

Một lần sau đến thăm ông Khái Hưng --tôi nhớ rằng sau khi tuần báo Chủ Nhật phát hành,-- tôi được gặp cả ông Nhất Linh. Trời hơi lạnh, nên ông Nhất Linh thắt ca-vát. Vầng trán cao, đôi mắt sáng. Nét đẹp quắc thước.

Ông hỏi tôi về miền tôi ở và nói rằng ông đã có dịp đi ô-tô qua một lần. Trí nhớ của ông tốt, ông nhắc lại những cái tên: Đèo Cả... Tuy Hòa... Sông Cầu... Đèo Cù Mông... và tôi giúp ông nhớ rõ hơn vị trí của những địa danh đó. Ông khen phong cảnh nơi miền tôi đẹp. Tôi không biết ông có nói xã giao không hay là ông chịu ảnh hưởng của các tác giả người Pháp. Hầu hết các tác giả người Pháp nào đã đi trên đường thiên lý cũng đều khen cảnh trí thiên nhiên của tỉnh Phú Yên là đẹp. Tôi nhớ một tác giả đã viết cảm tưởng khi đứng trên đầu núi nhìn xuống thành phố Sông Cầu: “... từ cảnh trí núi non Auvergne, người ta rơi xuống cảnh trí quần đảo Nam Thái Bình Dương” (d’Auvergne, on tombe en Polynésie).

Sau đó, ông Nhất Linh thổi hắc tiêu cho chúng tôi nghe.

Vừa lúc ấy, có tiếng xe đậu ở trước cổng. Tiếng chân người đi lên thang lầu. Ông Nhất Linh giới thiệu: - Ông Hoàng Đạo.

Ông Hoàng Đạo mặc sơ mi ngắn và quần tây. Dáng khỏe mạnh, chững chạc. Khuôn mặt vuông. Ông ít nói chuyện nhất trong ba người. Dường như chỉ là những lời trao đổi ngắn ngủi về tình hình báo mới ra, về sự giao thiệp giữa phái bộ Nhật và Toàn quyền Decoux. Lời nói của ông thận trọng. Trong khi ông Nhất Linh thổi hắc tiêu tiếp thì ông lại đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài trời.

Linh hồn chống đối của nhóm Phong Hóa – Ngày Nay đó. Tư thái của ông phù hợp với cốt cách của những bài ông viết nhằm đả kích Chính phủ Bảo hộ. Ngòi bút của ông không chừa một nhà cầm quyền nào: Toàn quyền Brévié, Thống sứ Châtel, Khâm sứ Graffemil, Đốc lý Virgitti, vua Bảo Đại, Thượng thư Phạm Quỳnh, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu... Ông đánh thẳng, lời chỉ trích chân xác. Có chế diễu nhưng không hỗn xược. Dưới thời thực dân phong kiến, quyền chính trị nằm trong tay kẻ cầm quyền mà công nhiên chê bai chính quyền --hầu như trong số báo nào cũng có,-- thì tôi tưởng dưới thời Cộng hòa dân chủ ta ngày nay không có mấy nhà văn nhà báo sánh kịp. Không cần nói xa nói gần, không cần úp mở, không cần mượn giọng ỡm ờ nửa bỡn nửa thiệt. Ngòi bút Hoàng Đạo là ngòi bút có trách nhiệm, là ngòi bút vô úy. Ông đứng đó, trầm ngâm nhìn ra ngoài trời. Tôi nhớ mãi cái dáng điệu đặc biệt đó.

Sau này vì bận học hành tôi ít có thì giờ để tới thăm các ông. Tuy nhiên mỗi lần đáp tàu điện đi Bưởi, khi con tàu chạy qua chợ Đồng Xuân, chạy theo đường Quan Thánh là tâm hồn tôi thấy mát mẻ êm đềm. Tôi nhìn trụ cổng, nhìn lên dãy cửa sổ đang mở và nghĩ rằng nơi đó những khối óc đang suy nghĩ, đang sáng tạo, đang tỏa ra hào quang... nhưng phải đợi một tuần sau, một tháng sau, nhờ máy in chạy rầm rầm, nhờ hỏa xa và đường ô-tô Bưu chính, những tư tưởng đó mới tới tay người đọc, ở Bắc và ở Nam, ở đô thị đông đảo xa hoa và ở miền thôn quê “bùn lầy nước đọng.”

Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ những ngày đó. Tôi không gặp lại một ai trong ba người, kể cả ông Nhất Linh đã di cư vào Nam, đã làm báo viết văn trở lại và đã phải chọn một cái Chết. Cả ba người đều đã chết, 58 tuổi, 51 tuổi, 41 tuổi. Người Việt Nam không có phương tiện để chết già. Chết vì ăn uống thiếu thốn, vì thuốc men thiếu thốn, vì những tranh chấp liên miên.

Một người bạn tôi có ông anh làm bác sĩ bị bệnh niếu độc không chữa được. - Chỉ còn đợi ngày chết, -bạn tôi nói

- Anh ấy năm nay được mấy mươi?

- Năm mươi bảy.

Tôi tự bảo: Thôi, thế cũng được. Xung quanh chúng ta nhiều người ao ước một cái chết ngang tuổi đó. Giọng bạn tôi bùi ngùi: - Hôm tôi vào Sài Gòn ghé lại Grall thăm anh thì nhằm lúc anh đã liệt lắm. Một bà Xơ người Pháp già hơn tám mươi tuổi nhưng còn khỏe mạnh, trước là bà giáo dạy anh ở những lớp Tiểu học và thương anh như con, cũng ghé lại thăm. Khi tôi đưa tiễn bà ra hành lang bệnh viện, bà chép miệng:

- Pauvre docteur-enfant! (tạm dịch: Tội nghiệp! Thằng bác sĩ trẻ con!)

Tôi bàng hoàng bởi lời thương xót. Năm mươi bảy tuổi chỉ mới là trẻ con, để mà chết. Nghĩ đến ba kiện tướng của Tự lực Văn đoàn, tôi thấy lời xót thương kia càng dư sức bén nhọn của sự thật tàn nhẫn. Riêng đối với tôi, hình ảnh của ba ông để lại nơi tôi luôn luôn là những hình ảnh mà tôi đã giữ lại từ những ngày xa xôi đó, một ông Khái Hưng dịu dàng, một ông Nhất Linh nghệ sĩ thổi hắc tiêu và một ông Hoàng Đạo trầm ngâm đứng nhìn ra khung cửa.

VÕ HỒNG (tháng IV-1967)

 

 
 

© http://vietsciences.free.frhttp://vietsciences.org   Võ Hồng