Ðào Duy Từ

 

Ðào Duy Từ, người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, này là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, sinh năm 1572, mất năm 1634. Bố ông là nghệ nhân hát chèo. Ông rất thông minh, học giỏi, lại có tài thao lược, nhưng khi nạp đơn đi thi với nhà Lê, bị phát giác là con nhà hát xướng đành phải đuổi về. Ông bực chí, bỏ nhà Lê theo Nguyễn. Ông là người đã cho đắp luỹ Trấn Ninh, luỹ Trường Dục và đánh bại quân Trịnh nhiều phen.

     Năm Kỷ Tỵ (1629), sau khi đuổi được nhà Mạc, Trịnh Tráng được Vua Lê phong làm sư phụ Thanh vương. Nhân đó, Trịnh Tráng muốn lấy danh nghĩa nhà Lê bắt chúa Nguyễn phải hàng phục. Chúa Trịnh sai sứ mang sắc vua Lê vào phong cho Chúa Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái phó quốc công, dụ chúa Nguyễn cho con ra chầu và nộp ba chục thớt voi và ba chục chiến thuyền.

     Chúa Nguyễn tiếp sứ, nhưng ý không muốn thụ phong mà cũng không muốn tuân theo yêu sách của chúa Trịnh. Ông bèn hỏi Ðào Duy Từ cách đối phó
Từ khuyên chúa Nguyễn hãy cứ nhận sắc rồi sẽ có cách. Ông sai làm một cái mâm hai đáy bỏ tờ sắc phong của chúa Trịnh vào giữa hai đáy, kèm theo một mảnh giấy viết bốn câu thơ. Chúa Nguyễn sai để lễ vật vào chiếc mâm đó và sai sứ là Văn Khuông mang ra Thăng Long tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.

     Chúa Trịnh thấy có lễ vật mà không có biểu tạ về việc được vinh phong, lấy làm nghi lắm. Sau, có người thấy cái mâm dày mà nặng, mới khám phá ra là mâm hai đáy. Chúa Trịnh thấy có 4 câu thơ chép ở mảnh giấy như sau:

Mâu nhi vô dịch,
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.

     Cả triều đình không ai hiểu nghĩa ra làm sao cả. Sau phải mời Trạng Bùng (tức Phùng Khắc Khoan) đến để hỏi. Trạng Bùng liếc mắt xem qua và giải ngay rằng: Mâu nhi vô dịch nghĩa là chữ "mâu" mà không có dấu phết thế tức là chữ "dư"; Mịch phi kiến tích nghĩa là chữ "mịch" mà bỏ chữ "kiến" là  chữ "bất" . Ái lạc tâm trường : chữ "ái' bỏ chữ "tâm" nghĩa là chữ  "thụ"; Lực lai tương địch nghĩa là chữ "lực" đối địch với chữ "lai", hai chữ để cạnh nhau, thế là chữ "sắc".

     Vậy cả bốn câu thơ là bốn chữ: Dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc phong). Họ Nguyễn không chịu thần phục triều đình cho nên làm ra bốn câu thơ đó. Chúa Trịnh tức lắm, sai đuổi theo bắt sứ giả lại, nhưng sứ giả đã bỏ đi xa rồi.