Trần Cao Vân

Khoảng năm 1916, bấy giờ Trần Cao Vân mới ở Côn đảo về được vài năm, nghe tiếng Vua Duy Tân tuy nhỏ tuổi nhưng thông minh và có khí tiết, ông liền tìm cách liên lạc để tuyên truyền, lôi kéo.

     Lúc đầu, Trần Cao Vân liên lạc với một viên đội thị vệ là Nguyễn Quang Siêu, nhờ đó mà ông biết được Vua Duy Tân thường ra chơi hồ Tĩnh Tâm. Trần Cao Vân bèn giả dạng một người câu ếch, lân la đến gần, và đọc những vần thơ cảm khái, lâm ly để khích động lòng yêu nước của Nhà Vua. Rồi cứ thế, cuộc gặp gỡ và giao thiệp bí mật giữa hai bên càng ngày càng khăng khít mãi.

     Ban đầu, Vua tôi đàm luận với nhau về thơ văn, rồi dần dần bàn đến thời thế, đến khả năng một cuộc khởi nghĩa chống Pháp cứu nước. Trần Cao Vân muốn nhờ Vua dò xem ý tứ của Nguyễn Hữu Bài là tên quan thượng thư có thế lực lúc bấy giờ. Muốn công việc khỏi bị bại lộ, Trần Cao Vân đọc cho Vua một vế đối thác lời Vua để thử Bài. Vế đối rằng:

Ngồi trên nước khôn toan việc nước,
trót buông câu sở dĩ phải lần.

     Vua y lời, mời Nguyễn Hữu Bài vào cung thăm hỏi, cuối cùng Vua đọc vế đối mà Vua nói là chưa nghĩ ra được vế thứ hai và đề nghị Bài nghĩ giúp. Bài là một tên Việt gian khét tiếng gian ác, có bao giờ nghĩ đến việc thương nước, thương dân?. Nhưng thấy Vua có giọng cảm khái như vậy, chẳng lẽ lại trâng tráo tự vạch rõ tim đen của mình, hắn cũng giả vờ thở than chán nản rồi đối lại rằng:

Ngẫm sự đời mà ngán cho đời
liều nhắm mắt tới đâu hay đó.

     Trần Cao Vân nghe Vua truyền lại vế đối của Bài, biết là không thể trông mong gì về phía đó nữa.