Khảo sát lễ Cầu mùa Azakoonh của người Tà Ôi huyện A Lưới

Vietsciences-Vĩnh Phúc     28/02/2008        

 

Những bài cùng tác giả

Trường Sơn là địa bàn cư trú lâu đời của cư dân bản địa nói ngôn ngữ Môn - Khmer, thuộc ngữ hệ Nam Á, trong đó có dân tộc Tà Ôi.

Người Tà Ôi có địa vực cư trú được phân bố liên tục từ Nam đường 9 huyện Hướng Hóa - Quảng Trị vào đến Thừa Thiên Huế, mà mật độ cao nhất tập trung ở huyện A Lưới. Là một huyện miền núi Thừa Thiên Huế, A Lưới là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc ít người như Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, mà ở đây, người Tà Ôi là cư dân chủ thể của huyện bởi chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số dân cư toàn huyện.

Tà Ôi là tên gọi được sử dụng chính thức trong danh mục các dân tộc Việt Nam; đã được Lê Quý Đôn nói đến nhiều lần trong “Phủ biên tạp lục”; Ngoài ra còn có tên gọi khác là Tàhôi, Tà uốt... và các nhóm địa phương là Pacoh, Pahy[1].Về nhóm Pahy, theo PTS Nguyễn Quốc Lộc, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau và cho rằng Pahy là nhóm địa phương của dân tộc Vân Kiều[2]. Còn nhóm Pacoh, cũng theo PTS Nguyễn Quốc Lộc, chỉ là tên “phiếm xưng” mới được sử dụng rộng rãi vào những năm 60, người Tà Ôi ở một số xã của huyện A Lưới ưa thích dùng tên gọi này. Tiếng dân tộc, Pa là về phía, còn Cô là núi cao. Người Tà Ôi gọi những người ở cao hơn mình là Pacoh, và cũng coi mình là Pacoh khi so với người ở thấp hơn, hay phân biệt với Vân Kiều[3].

Trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, người Tà Ôi quan niệm có một thế giới hư vô gồm thần linh và ma quỷ cũng tồn tại với thế giới thực tại, để che chở, mang điều tốt lành, hoặc sẽ trừng phạt, gieo mọi hiểm họa đến cho bản làng. Vì thế, việc sùng bái, cúng tế thờ phụng các thần linh trong thiên nhiên xung quanh họ là những lễ nghi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống của người Tà Ôi.

Có thể xuất phát từ ý niệm “vạn vật hữu linh” của cư dân Đông Nam Á, người Tà Ôi quan niệm mọi vật thể tồn tại, phát triển được nhờ có linh hồn, và số phận con người phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên, thế giới siêu linh. Những yếu tố vô hình thiêng liêng này quyết định cuộc sống trên trái đất, được người Tà Ôi gọi là Yang, và thiên nhiên quanh họ như Trời, Đất, Núi, Sông, Cây cối... đều có các Yang ngự trị (Yang Arơbang, Yang Kutẹc, Yang Koeoh, Yang Đak, Yang Tro...). Trên bàn thờ của các gia đình, các già làng có thờ một số vật dụng, có nơi là tấm Dèng (vải thổ cẩm), có nơi là cái cồng... nhưng chỉ với ý nghĩa là vật thiêng, chứ không thể hiện rõ nét yếu tố totémisme (Tô tem giáo), mà ở đây tín ngưỡng thờ thần linh (Yang), tập đoàn thần linh là phổ biến hơn cả. Và, mặc dù, các Yang là lực lượng siêu nhiên được họ sùng bái, cúng tế - là chỗ dựa tinh thần, để cầu xin, phò trợ cho những công việc vượt quá sức người, nhưng quan hệ lại rất bình đẳng, không cách biệt lớn với Thánh, thần như trong quan hệ tín ngưỡng của người kinh, mà sống chung, giao hòa... Tập thể Yang này sống cùng họ, sẵn sàng đến với họ để cùng giải quyết mọi khó khăn lớn, nhỏ trong cuộc sống. Tóm lại, mối quan hệ bình đẳng đó được thể hiện với những  giao ước đơn giản thường thấy trong các lời khấn: Nếu Yang đã hưởng những lễ vật do bản làng cúng, thì Yang phải có trách nhiệm đem đến cho bản làng mọi điều tốt lành, yên vui...

Như đa số các đân tộc ít người sinh sống ở Trường Sơn, người Tà Ôi là cư dân làm nông nghiệp rẫy nương ở trình độ thấp, được hay mất mùa thường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, vì vậy họ phải dựa vào Thần linh: Trời Đất Sông Nước qua các nghi thức cúng tế để cầu mong cho bản thân đất đai và mùa màng tươi tốt (cho nên các lễ thức tín ngưỡng của hầu hết các dân tộc ít người đều hàm chứa ý nghĩa phồn thực). Cũng như vai trò của cây lúa, các lễ thức nông nghiệp được người Tà Ôi coi trọng hàng đầu, từ các nước như xin đất, gieo một khoảnh lúa tượng trưng để báo cáo với Yang Tro, đến lúc lúa chín, trước khi tốt lúa, thu hoạch.v.v... đều được tổ chức cúng Yang một cách thận trọng, thành kính, với đầy đủ nghi thức thủ tục.

Trong những lễ thức nông nghiệp thì lễ hội AzaKoonh là lễ hội lớn nhất được tổ chức với quy mô toàn làng (Vel) và thường phải gắn liền với tục đâm trâu, được gọi là lễ Cầu mùa lớn. Lễ hội AzaKoonh không hẳn chỉ là lễ cầu mong được mùa mà còn chứa đựng nhiều nội dung khác như cầu xin thần linh cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, dịch bệnh; hoặc cũng để giải tỏa những bất hòa giữa 2 làng, hai họ tộc với nhau... nói chung, như một lễ cầu an. Do đó, trong lễ không chỉ để cúng Thần nông nghiệp mà bao gồm cả một tập đoàn Yang: Yang núi rừng, sông suối, Yang Trời Đất... Vì tính chất là một lễ hội nên lễ AzaKoonh là nơi tập trung khá đầy đủ các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa, hội họa... với đặc tính nguyên hợp của chúng, nên, cũng là nơi bộc lộ tương đối đậm đặc truyền thống, bản sắc của tộc người.

Lễ hội cầu mùa lớn không định kỳ, 3 -5 năm mới tổ chức một lần, và thường nhân có những sự kiện quan trọng như đã nêu ở trước. Tuy vậy, hàng năm, tùy theo điều kiện, từng gia đình có thể tự tổ chức lễ cúng nhỏ (không gọi là AzaKoonh) để cầu cho “đung” mình vụ mùa tới bội thu hoặc tạ ơn, cầu an... Còn khi có ý định làm lễ AzaKoonh, phải có cuộc họp của các già làng và làm lễ xin thần linh từ 6 tháng trước, đồng thời phải phân công cắt đặt cho các thành viên trong làng bản săn bắt tìm kiếm, dự trữ lương thực, thực phẩm và các công việc cần thiết khác cho lễ hội.

Lễ hội AzaKoonh tại làng Tà Roi, A Ngo huyện A Lưới được diễn ra trong 2 ngày (23 và 24 tháng 2 năm 1999) với đầy đủ quy trình, thủ tục cổ truyền giờ các già làng phục hồi lại bằng trí nhớ và trực tiếp điều hành tế lễ sau hơn 20 năm vì những điều kiện khách quan không tổ chức được trọn vẹn.

Lễ hội diễn ra tại sân chung của ngôi “Nhà làng”. Trên sân được trồng trước 2 cây nêu bằng tre mang hình bông lúa cách điệu - biểu tượng gắn với nông nghiệp. Ở vị trí trung tâm là cây nêu chính cao khoảng 7 - 8m, gần rìa sân là cây nêu phụ cao khoảng 5 - 6m. Ngọn các cây nêu rủ cong xuống tượng trưng cho bông lúa, lá làm bằng cây hóp (họ tre, trúc) tước thành sợi nhỏ, hạt lúa là các ống hóp ngắn cắm vào thân nêu từ thân đến đầu như bộ xương cá. Ngọn của cây nêu phân thành 2 nhánh, có buộc 2 giỏ bằng tre để đựng bát nhựa cây (Người Tà Ôi không dùng hương trong cúng tế mà dùng nhựa cây để đốt). Ngoài ra còn một cụm nêu thấp khoảng 1m để thịt cúng bên khô bên nước gọi là Trâr Roong, nêu này dùng để buộc lợn.

Tiến trình lễ hội diễn ra thứ tự như sau:

1. Đầu tiên là lễ xin đất chôn nọc trâu. Trên sân Nam, Nữ quây thành vòng tròn quanh cây nêu chính. Nam tay cầm kiếm, khiên hoặc gậy có treo các chùm quả khô có hạt cứng. Nữ cầm quạt, ống tre vát (dùng để uống rượu Đoác). Chủ lễ (Tasa Vel) và phụ lễ (A RưlVel) tay cầm kiếm và khiên đứng giữa vòng tròn, khấn và chém vào khoảng không trước mặt 4 cái rồi cùng tất cả hô hú. Làm như thể đủ bốn phương trời đất. Tiếp đó, chủ lễ và phụ lễ lần lượt úp khiên xuống chỗ đất xin chôn nọc buộc trâu ở ngay vị trí cây nêu chính. Tất cả lại hô hú và thanh niên khiêng nọc đến chôn. Nọc buộc trâu cao khỏang 2m, được làm bằng cây bông gòn và trang trí hoa văn, trên cùng khắc hình ảnh cách điệu của con Diều đang đậu. Nọc buộc trâu có ý nghĩa là một “vật thiêng” dẫn truyền sinh dục khí. Đến cây nêu phụ, cũng làm như thế để chôn nọ buộc dê.

2. Giai đoạn kế tiếp là Khấn cầu mùa (Tà nêm AzaKoonh). Sau khi chôn nọc và buộc Trâu, Dê, Lợn vào nọc là lễ thức khấn cầu mùa tại nhà công cộng (Nhà làng). Lễ vật gồm vật dụng hằng ngày và lương thực, thực phẩm: các loại gùi lớn nhỏ (A chói, A té) kiếm, khiên, cồng chiên, ché, nắm gạo đựng trong nia, bánh nếp lá bóc vỏ (A quạt)[4], cá nướng ống tre (A siêu âng co)[5], chuột nướng ống tre (Âng co a mot)[6], cơm... Chủ lễ cầm ống tre ngắn đựng trấu và nước, dùng nột chùm sợi hóp tước nhỏ nhúng nước vẩy vẩy và khấn cầu mùa.

“Thần núi rừng, sông suối, thần lúa gạo hãy về cùng bản làng uống rượu, ăn cơm vui chơi và đem đến mọi tốt lành cho thôn bản chúng tôi”...A

Sau lễ ở nhà sàn, chủ lễ bước xuống sân vừa khấn vừa đổ ống trấu xuống đất quanh nọc trâu và nêu trong tiếng hô hú của vòng người quanh sân và tiếng trống, cồng, tù và.

- Một nghi thức tiếp theo là lễ Rước Yang do 2 nhóm đi về 2 phía: một đi về suối, một đi về núi, vừa đi vừa khấn và vung vãi gạo trên đường (có cả nhạc cụ đi theo) để tạ ơn và mời các Thần linh về chứng kiến, chung vui với bản làng.

- Trở lại sân, cả đoàn nhảy múa và di chuyển 3 vòng, ngược chiều kim đồng hồ quanh sân trong tiếng nhạc và tiếng hô hú. Múa xong, tất cả cùng kéo lên nhà sàn đã bày sẵn lễ vật để chuẩn bị một nghi thức khác. Đặc biệt có một nia cơm trộn với các thứ lá băm nhỏ. Các nhà làng ngồi giữa sàn phân công nhau trong các nghi lễ tiếp theo, thanh niên đứng xung quanh. Có sự tranh cải căng thẳng, nhưng sau khi thống nhất ý kiến thì tất cả cùng đứng dậy hô hú, chiêng trống nổi lên, các già làng vốc cơm trộn lá cây ném vung vãi ra cửa chính và sàn nhà, như sự cầu mong cho lúa ngô đầy nhà... Tiếp theo là thủ tục Ném A xom. Axom là những cành hóp được tước rất nhỏ sợi loăn xoăn được nhúng vào nước và rượu rồi ném lên sàn nhà. Nếu A xom dính vào xà là lời cầu xin được linh ứng. Vì vậy mỗi lần có Axom dính vào xà là mỗi lần hú hét trong tiếng cồng chiêng, trống, tù và rất sôi động, vui vẻ.

- Sau nghi thức, thủ tục trên là một lễ khác gồm 2 mâm cúng đặt ở trước mặt con trâu - lễ vật gồm gà, xôi, cơm và cá nướng que. Trong khi chủ và phụ lễ khấn, tốp múa, nhạc nhảy vòng quanh và hô hú. Cơm được vung vãi vào đầu con trâu như sự trả ơn bày tỏ tình cảm đối với con trâu đã thay con người, đem máu mình hiến tế cho Trời Đất, nối Trời Đất với bản làng.

- Hai mâm cúng được đưa lên nhà sàn để làm lễ Bahs, là lễ mời các Yang vui sum họp - Hai mâm cúng này chỉ có chủ, phụ lễ và các già làng mới được ăn uống, mới được dự với các Yang.

Dưới sân, lợn được chọc tiết tại chỗ để chuẩn bị lễ cúng xin phép và báo tin được đâm trâu, dê trong ngày hôm sau:

- Lễ cúng gồm 3 mâm, có thêm thủ lợn và đuôi lợn, lạp (như tiết canh của người kinh) và xâu gan lợn. Giữa sân được trồng thêm một cây chuối có buồng quả, và một cây mía nguyên cả lá. Cạnh cây chuối là một vò rượu cần, trên vò rượu đặt tấm bánh A dử[7] (bánh nếp giả) và trên đó là bát nhựa cây đang cháy. Tốp múa vòng quanh sân theo nhịp trống chiêng và hô hú sau những lần chủ lễ vãi cơm vào cây chuối, mía và sau những lần “xin keo” được chấp thuận. Chủ lễ làm thủ tục “xin keo” bằng A siêu, là một khúc gỗ tròn cở bằng cẳng chân người lớn, dài khoảng 15cm được bổ đôi làm 2 mảnh. Mặt phẳng của A siêu trang trí hoa văn. Lúc xin, áp 2 mặt lại với nhau, khấn và buông rơi xuống đất, nếu 2 thanh ngữa cả là thuận ý thần linh. Sau mỗi lần được “ứng” là chủ lễ và tất cả đồng thanh hú hét bày tỏ sự vui mừng.

- Thủ tục cuối cùng trong ngày thứ nhất là “xua điều dữ, đón điều lành”: Một già làng cầm 2 ống tre có mắt kín ở hai đầu, đã được nướng qua trên lửa để tạo hơi nén. Lúc làm lễ, đập mạnh vào cột nhà bên trái, tạo nên tiếng nổ như pháo, để xua điều dữ, và một ống được đập vào cột nhà bên phải để đón điều lành.

- Sau một ngày tiến hành các nghi thức tế lễ, đêm, lửa được đốt lên cho mọi người nhảy múa, vui chơi uống rượu cần, rượu đoác[8]. Tục xưa, các già làng hát “Ca lơi”, kể cho con cháu nghe sự tích tổ tiên, sông núi... còn thanh niên múa hát “Cha chấp”, tìm hiểu nhau.

3- Sáng ngày thứ 2 bắt đầu bằng thủ tục Adừt (múa tập thể đón khách). Khách là đoàn của làng bạn, được mời đến cùng tham gia tế lễ và đâm trâu (nếu có hiềm khích thì để giải hòa, nếu không thì cũng là dịp để vun bồi tình đoàn kết trong cộng đồng).

Nghi thức tiếp đón khá long trọng. Đoàn chủ làng vừa đi vừa múa đến đầu ngõ đón khách, sau đó 2 đoàn nhập làm một cùng nhảy múa từ ngõ vào và múa 3 vòng ngược chiều quanh nọc buộc trâu, vừa múa vừa mời nhau ăn uống. Nhà làng của 2 đoàn lên nhà rông làm thủ tục gọi là “Đấu lý”: tranh cải, giải bày và chọn người đâm trâu. Khi 2 bên đã nhất trí, thường thì chủ nhường cho khách đâm trâu, tất cả đứng dậy hú hét 2 lần. Một lễ cúng ngắn các già làng vung gạo, hành sống, nước lã vung vãi vào con trâu, là thủ tục được tiến hành trước lúc đâm trâu.

Đây là giai đoạn sinh động, nhôn nhịp hưng phấn và thiêng liêng nhất của lễ hội AzaKoonh. Lúc này nhạc, múa dồn dập hơn và được tách thành 2 vòng di chuyển ngược chiều với nhau, xung quyanh cọc trâu. Một cô gái bưng tấm Dèng dâng lên chủ lễ. Tấm Dèng được phủ nhẹ lên đầu con trâu rồi bỏ lại vào gùi. Dèng là trang phục tự dệt của phụ nữ Tà Ôi, lại được xuất hiện trong giờ phút thiêng liêng, trọng đại này, phải chăng là yếu tố rơi rớt, tàn dư của chế độ Mẫu hệ?.

- Các già làng tiếp tục vung nước và rượu vào trâu, và ném Axom vào cây nêu để xin ý kiến của Yang. Một cô gái trang trọng đem 2 cây lao (Kos) giao cho 2 già làng khách và chủ. Phút đâm trâu bắt đầu, 2 già làng vờn quanh trâu lựa thế trong tiếng cồng chiêng và hú hét rộn ràng của tốp người múa vòng quanh. Rất nhanh và gọn, một mũi giao của già làng phong trúng ngực phải (dưới nách phải chân trước). Con trâu lồng lên. Đoàn múa, nhạc hú hét quay vòng trong tiết điệu nhanh hơn, dồn dập, khẩn trương hơn. Dòng máu đỏ và giây phút chuyển từ từ sự sống (tồn tại) sang cái chết (hủy diệt) của vật hiến sinh là giây phút chuyển tải những khác vọng của bản làng đến với “cha trời, mẹ đất” về sự sinh sôi nảy nở, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp hỏa canh[9].

Mũi lao thứ 3 của già làng chủ kết thúc sự sống của con vật hiện sinh, tất cả đều nhảy múa, hú hét náo nhiệt quanh con trâu, biểu lộ niềm vui sướng hân hoan, chứng kiến cảnh con trâu khụy xuống và đổ vật ra. Dòng máu đỏ chan hòa trên khoảnh đất đã được rãi trấu và cám gạo, các già làng lại quệt máu vào nọc trâu và cây nêu...

                   Đâm trâu tại A Ngo, A Lưới năm 1999

Tục hiến sinh này, thực chất là hiến máu, kể cả máu người như tục “săn máu”, “săn đầu lâu” của người Càtu còn tồn tại trước 1945. Quan niệm của cư dân trồng lúa, máu là sự chuyển tiếp của Âm - Dương, nối kết giữa Trời và Đất qua trung gian các “vật thiêng” như nọc buộc trâu, cây nêu[10]... Đó phải chăng là ý niệm “lưỡng phân và lưỡng hợp” tồn tại trong tư duy người Việt cổ mà Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng đề cập[11], thì đây là một nghi lễ nông nghiệp, một lễ thức phồn thực, cầu mong đất đai có thêm sinh lực để sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi.

- Trong khi mổ trâu, dê là lúc mọi người phân tán về các địa điểm quy định để ăn uống, vui chơi ca hát và chuẩn bị cho một cuộc lễ tại cây nêu chính. Cuộc lễ này bao gồm 9 già làng cùng tham gia tế lễ tập thể. Lễ vật gồm 7 mâm, có thêm đầu trâu sống nguyên sừng, chân trâu sống, đầu dê sống và các món ăn cổ truyền được đồng bào ưa thích như: lòng trâu, lợn, lạp[12], chuột nướng ống, cá nướng ống, cà lèng[13]... Một cây nêu nhỏ, ngọn chia 3 nhánh ở giữa tạo thành hạt lúa cách điệu, bên trong đựng một ít lễ vật” bát xôi, 3 con cá nướng... được cắm thêm bên cây nêu chính. Đội múa, nhạc tiếp tục múa vòng quanh sân. 9 già làng cùng khấn tập thể, dùng Axom vẫy nước, rượu vào cây nêu, nọc trâu và ném Axom mắc lên cây nêu chính, gieo Asiêu để xin keo... và cùng tất cả hô hú. Khi hô thì ngước mặt lên (Trời), hú thì cúi mặt xuống (Đất) như biểu lộ sự biết ơn Trời - Đất. Sau khi ném hết Axom, 9 già làng tách thành 2 nhóm, một đi về phía sông suối, một đi về hướng núi rừng (đại diện hướng của Yang Đak, Yang Koeoh) có tốp nhạc đi theo phụ họa và hô hú để thực hiện nghi thức tiễn các Thần về nơi ngự trị của mình. Cúng xong ăn uống tại chỗ mới trở lại sân chung.

4. Giai đoạn cuối cùng, tất cả lên nhà chung bàn bạc làm thủ tục giao kết giữa 2 làng, trao Dèng và phân chia thực phẩm cho khách. Già làng 2 bên hát “Ca lơi”:

“Anh cao tuổi, anh thấp tuổi, có anh nhỏ hơn. Chúng ta như người trong một nhà. Bản làng ta giàu có, cùng vui nhiều hơn.Ăn mừng gạo thơm cơm mới, ăn mừng tình anh em ta”...

Khách và chủ chia tay, trong niềm hân hoan trọn vẹn, trong tiếng tù và sừng trâu rúc lên từng hồi bồng bềnh trong sương chiều giữa núi đồi A Lưới.

 

[1] Theo “50 năm các dân tộc thiểu số Việt Nam (1945 - 1995) Nxb KHXH, 1995 Dẫn lại trong “Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam”do Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu biên soạn, Nxb Giáo Dục, 1997, trang 30.

[2] Nguyễn Quốc Lộc. Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên. Nxb Thuận Hóa, 1984 - Phần: “Tộc danh và địa vực cư trú”: Trang40

[3] Nguyễn Quốc Lộc. Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên. Nxb Thuận Hóa, 1984 - Phần: “Tộc danh và địa vực cư trú”: Trang 42.

[4] A Quạt: Như gánh chưng của người Kinh nhưng gói bằng lá đoác. Bánh nhỏ và dài chỉ độ 10cm, hai đầu nhọn, giữa phình ra một góc như hình tam giác tù, không nhân, đồ chính như đồ xôi.

[5] A siêu âng co: Cá suối cho vào ống tre, nút lại bằng lá cây, đem hong lửa, hơi nước trong ống nứa tươi làm cá chín mà không bị cháy. Có thể bảo quản bằng cách gác lên giàn bếp, 4 -5 tháng vẫn còn tươi ngon, khi ăn bổ đôi ống ra.

[6] Ăng co a mót: Chuột đồng làm ruột thui lông - cách làm như cá nướng ống.

[7] A dừ: đồ xôi xong bỏ vào cối giã, trộn vừng, cán thành bánh tròn, phơi khô

[8] Rượu đoác (Tuvác): là thức uống lên men dễ làm dễ kiếm. Lấy nước trong cây đoác, hoặc giã đột cây đoác vắt lấy nước, cho võ cây chuồn vào để gây men, vừa để uống khỏi đau bụng. Có thể lấy nước trong cây dừa, như cách lấy nước cây thốt nốt ở Campuchia.

[9] Theo Huỳnh Đình Kết trong “Tổng quan đời sống văn hóa tộc người Taôih”

[10] Theo Nguyến Hữu Thông, nhà nghiên cứu Văn hóa Huế.

[11] Trần Quốc Vượng - Theo dòng lịch sử - Nxb Văn hóa Thông tin 1996, bài “Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng”.

[12] Thịt hoặc lòng cắt miếng nhỏ, trộn với huyết đông của lợn hoặc trâu, dê... gần giống tiết canh của người Kinh.

[13] Cà lèng: Ruột non của dê, lợn, bò, để nguyên phân non, xắt nhỏ, nấu chín, có vị đắng.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Vĩnh Phúc