Những bài cùng tác giả
Hà Nội đang chuẩn bị văn hoá Tràng An, kỷ niệm Một Ngàn
Năm Chiếu Dời Đô 1010-2010. Nhân dịp hoa đào, hoa Tết ở Hà Nôi bị
bẻ vặt, câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch
cũng người Tràng An,” lại được xem xét có phải dành cho người Thăng
Long - Hà Nội không. Theo gợi ý của tác giả Hồng Thái (1), đây là
chống chế của người Tràng An- Hoa Lư khi bị người Đại La dị nghị
về sự kém thanh lịch.
Ngày xuân ôn sử
Theo wikipedia (2) tại đền Vua Đinh (tỉnh Ninh Bình) “trên
bức đại tự có ghi hàng chữ: "Chính thống thủy" với ý nghĩa ca ngợi
Đinh Bộ Lĩnh là người mở nền chính thống. Hai bên cột giữa có treo
câu đối: "Cồ Việt Quốc đương Tống khai bảo – Hoa Lư đô thị Hán Tràng
An" (Nghĩa là: Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu khai bảo đời
nhà Tống - Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán).
Theo bản tin của tỉnh Ninh Bình (3) “Đền tọa lạc ở làng
Trường Yên Thượng, xã Trường Yên - Hoa Lư. Khuôn viên đền rộng 5
ha. Đền được xây dựng dưới đời vua Lê Đại Hành, do lâu ngày đền
cũ đổ nát. Cuối đời Lê - Mạc, một vị tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê
đứng ra trùng tu, sửa chữa vào năm 1598. Kiến trúc đền hiện nay
chủ yếu là công trình tu tạo năm 1698”.
Từ Hoa Lư, hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành khai
mở bình minh cho nước Việt. Cũng từ Hoa Lư, Lý Công Uẩn dựng
nghiệp. Hoa Lư, nơi khởi nghiệp của những anh hùng, so hay không
với Tràng An thì cũng thế.
Văn hoá bẻ hoa?
Tháng tư, Mậu Tý, năm 2008, lễ hội hoa Anh Đào tổ chức lần đầu tiên
ở Hà Nội. Ba trăm nhánh hoa anh đào từ Nhật sang, trong chốc lát
tan tành dưới bàn tay “các bạn trẻ”. Người Nhật có ngày hội
hoa anh đào Hanami. Đến mùa, Kyoto đông nghẹt khách đổ về
khung trời ửng hồng, nhưng không một cánh hoa nào rơi rụng.
Nhiều xứ chọn hoa làm biểu tượng, Chăm có hoa Chămpaka, Lào có hoa
sứ, Pháp có hoa huệ, Ấn Độ có hoa sen, Iran có hoa tulip, Nam Hàn
có hoa dâm bụt…
Những người thưỏng hoa hôm ấy, phải chăng chưa từng có
thói quen yêu hoa, ngắm hoa, nên nỗi thèm khát biến thành bạo lực?
Mùa xuân, Tân Sửu, năm 2009, chợ hoa xuân đầu tiên Hà Nội,
cũng tiêu điều trong ngày đầu tiên. Theo tin trên dulich.tuoitre,
cỏ nhung bị xéo nát, cành lau bị nhổ mang đi hoặc bị vặt đứt, hoa
cúc Đà Lạt và các chậu hoa hải đường cũng chung số phận. Ngay đến
đôi rồng chầu tượng vua Lý Thái Tổ, vảy kết bằng hồng môn Đà Lạt
cũng bị vặt khá nhiều.
Giải thích từ trong nước, một trong các quan điểm phổ biến
cho đó là dân “nhập cư ngoại tỉnh,” người Hà Nội không như thế.
Cư dân Hà Nội thoát thai từ cư dân đồng bằng sông Hồng,
không tự nhiên trên trời rớt xuống. Trước khi khắt khe xem lại có
phải “lỗi của dân nhập cư không”, hãy rà lại đôi điều về đất và
người Hà Nội, thế nào là dân “nhập cư.”
Đất Hà Nội cổ
Lịch sử Hà Nội gắn bó với lịch sử đồng bằng sông Hồng.
Địa phận Hà Nội dời đổi, không phải chỉ trong vòng “Năm Cửa Ô”.
Ngay cả dưới thời vua Gia Long, Bắc Ninh là trấn Kinh Bắc, gồm cả
Bắc Giang, một phần các tỉnh
Hưng Yên,
Lạng Sơn và thành phố Hà Nội.
Thời An Dương Vương, Tây Vu chính là đất Hà Nội cổ, núi,
gò cao và nước nhiều hơn đất. Nước mặn ăn đến tận Đầm Dạ Trạch,
Hưng Yên.

“Người Hà Nội” đầu tiên
Cư dân ở vùng đất đó là ai? Khoa học đặt tên những sắc
dân này là Négrito, Mon-Khmer và Mélanesian. Cư trú khắp châu Á,
châu Úc, họ có thể là hậu duệ của những đợt di tản ra khỏi châu
Phi khoảng 30.000-60.000 ngàn năm trước. Chuyện kể lại trong gia
đình, năm 1950 ở Hoà Bình, nông nô của những gia đình Mường quí
tộc có da đen, tóc quăn, trán nhô, mũi rộng, người thấp, có thể
là người Mélanesian. Chính sử tả Mai Hắc Đế - ông vua họ Mai
người đen – da đen, tóc quăn, người huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
“Người Hà Nội” trước An
Dương Vương
An Dương Vưong- thay thế Hùng Vương năm 257 Trước Tây Lịch-
gom Mê Linh, Chu Diên, Tây Vu thành một nước với tên mới là Âu Lạc.
Tự tên Âu Lạc đã thấy hai thành phần: chi Âu và chi Lạc.
Cả hai thuộc chủng Bai Yue/BáchViệt -gọi là Việt-cổ để phân biệt
với Việt Nam bây giờ. Mỗi chi lại có hàng ngàn tiểu chi. Chi Lạc,
dân miền biển, vùng chạy dài từ đông bắc Hoàng Hà đến bờ biển đồng
bằng sông Hồng. Chi Âu, dân miền núi, vùng chạy dài từ miền Nam
sông Dương Tử đến đồng bằng sông Hồng. Âu-Lạc là một kết hợp ngoạn
mục của một số tiểu chi Bai Yue tại đồng bằng sông Hồng, mảnh đất
cực Nam của chủng Bách Việt.
Khi bên Tàu có loạn
Tạm dùng chữ Trung Hoa, thật sự lúc đó chưa có “nước” Trung
Hoa, hay nôm na, “nước” Tàu, chỉ có những triều đại.
Đại lục Trung Hoa mênh mông, sông Hoàng Hà là một đường
biên giới thiên nhiên. Chủng Hoa Hạ phía Bắc Hoàng Hà, chủng Bách
Việt ở phía Nam Hoàng Hà và ở ven biển Đông Bắc như đã nói ở trên.
Mỗi khi bên Tàu có loạn, dân chạy tan tác. Trong vòng gần
1000 năm, kể từ thời Xuân Thu (722 TCN), Chiến Quốc, Tần Thuỷ Hoàng
cho đến thời Đông Hán rồi Tam quốc, Trung Hoa là một vùng nát bét.
Các “nước” lớn uýnh nhau túi bụi xưng vương xưng đế chiếm đất hoặc
tranh giành người đẹp.
Hai ví dụ sau cho thấy, mạng dân còn thua con kiến. Kiểm
kê dân số sau thời Vương Mãng (8-23 STL)- triều đại kéo dài 17 năm
chen giữa hai nhà Tây Hán và Đông Hán- xáo trộn kinh hoàng
tới nỗi dân Hoa Bắc giảm 50%. Họ chạy xuống Trung Nguyên (giữa
Hoàng Hà và Dương Tử) khiến dân nơi đây tăng
102% (4). Năm
756, quân An Lộc Sơn tiến về kinh đô
Trường An, giết tới 36 triệu người chỉ vì
nàng Dương Quí Phi.
Những đợt di tản từ vùng này qua vùng khác
bằng đường bộ và đường thuỷ, cách nhau cả trăm năm. Hình ảnh nên
thơ vùng Lĩnh Nam, quảng cáo du lịch Trung Quốc ngày nay - một cái
bè kết bằng vài cây nứa lớn lênh đênh trên sông nước - có thể phản
ảnh phương tiện hàng ngàn năm trước. Một bộ phận dân cư người
Hoa vùng Lĩnh Nam còn ghi nhớ phố Châu Cơ Hương, phía bắc thành
phố Nam Hùng, trên con đường huyết mạch từ Giang Tây vào Quảng Đông
(qua ải Mai Quan trên dãy Đại Dữu). Tuy chỉ dài 1500 mét, rộng khoảng
4 mét, con đừơng này là nơi đám tản cư sử dụng suốt từ đời Tần,
Hán đến đời Tống, đời Minh. Từ đó, huyết thống và ngôn ngữ của người
Hoa (Hoa Bắc + Hoa Nam) len lỏi theo hệ thống sông Bắc Giang xuống
Châu Giang và Tây Giang, toả ra khắp vùng Quảng Đông, Quảng Tây
(5).
Các vùng mé biển Trung Hoa như Ngô - U
Việt - Mân Việt (Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến) dân 100% thuộc
chủng Lạc, luôn hứng những khối di dân rất lớn. Đến khi chính những
nước này lại bị lôi vào vòng chinh chiến, quí tộc và gia đình, cũng
như dân chúng lại tìm đường mà tẩu, theo đường bộ hay đường biển
xuống Giao Chỉ, hẻo lánh và xa vòng chém giết.
Ai đồng hoá ai ?
Một vài văn/thi/nhạc sĩ thường hay khóc lóc kêu ầm làng
nước, hết thở than “Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu”, “da vàng mũi tẹt,
thân phận nhược tiểu”, lại khóc mếu bị Hán hoá, bị lai Tầu, mà không
tính tới việc nguồn gốc của bất cứ dân tộc nào cũng bắt đầu từ nhiều
sắc tộc, sinh tụ tại một điểm và từ đó nảy sinh ra một dân tộc mới.
Từ Do Thái là một dân tộc cổ đến Hoa Kỳ là một dân tộc non trẻ,
đều là những pha trộn hết sức phức tạp.
Có lẽ đã đến lúc nín khóc, bình tĩnh nhìn lại quá khứ:
- thứ nhất, 2000 năm trước chưa có biên giới, chưa có
các “nước”, không sổ thông hành, không chiếu khán, chỉ có vùng
đất và cư dân sống trên mảnh đất đó.
- thứ hai, từ thời Xuân Thu “bên Tàu" cho đến thời Lý
Công Uẩn Đại Việt, trong gần hai nghìn năm, các tiểu chi Âu
Lạc tản cư nhiều đợt vào đồng bằng sông Hồng, “mỗi khi pên Tàu
có loạn”.
- thứ ba, chỉ đám quan lại Trung Hoa mới áp đặt chính
trị, quân sự và tổ chức hành chánh của phương Bắc lên cư dân
sông Hồng, kỳ dư cũng chỉ là dân chạy loạn, mà đa số là dân
chủng Bai Yue/Việt cổ.
- thứ tư, không tài liệu nào cho biết bao nhiêu người
Hoa Bắc, bao nhiêu ngừơi Hoa Nam. Có điều chắc chắn có rất ít
người Hán Hoa Bắc sang Giao Chỉ ở lâu dài nổi, vì không chịu
nổi khí hậu. Nếu gốc gác họ ở miệt Hoa Nam, thì 100% họ là Yue/Việt
cổ
- thứ năm, Hoa Bắc hay Hoa Nam, cũng chỉ vài đời
là tan biến vào cư dân sông Hồng và cùng chịu chung một định
mệnh trên vùng đất mới.
- thứ sáu, chính sự truởng thành trong học tập và chiến
đấu gian khổ đã tạo nên nòi giống Việt. Hậu duệ của giòng nhập
cư từ phương Bắc biến bức tranh di tản thành một kịch bản hết
sức oái oăm cho “thiên triều” : Lý Bí và Lý Công Uẩn xưng
vương, mở đầu một trang sử độc lập cho dân Âu Lạc. Năm 1075,
Lý Thường Kiệt mang 100.000 binh sang đánh quân Tống ở Ung Châu
(Nam Ninh bây giờ), trong khi dân số Đại Việt chỉ 2.200.000
người, đủ hiểu triều Lý rất tự tin về gốc gác thần dân trong
nước, không ngại đám dân dù có gốc từ phương Bắc, vì biết họ
đồng chủng Việt.
- thứ bảy, những Mai, Đinh, Lí, Lý, Lê… trong
Mai Hắc Đế, Đinh Bộ Lĩnh, Lí Bí, Lý Công Uẩn, Lê Lợi… không
chắc có phảỉ là “họ” không, hay chỉ là tên của bộ tộc nhỏ? Nếu
điểm này được sử gia giải thích, có thể mang lại khám phá bất
ngờ về thành phần những bộ tộc nào đã làm nên dân tộc Việt,
hơn là diễn tả dân Việt gọn gàng là “dân ta”, không rõ “ta”
là ai.
Vạn Xuân : Mong ước “Giang san
còn hoài đến hàng vạn mùa xuân”
Một trong những hậu duệ ngoạn mục của người nhập cư từ
“bên Tàu” là Lý Bí (hay Lí Bí?). Theo Sử,
Lý Bí (503-548) là người
Thái Bình, phủ Long Hưng (Sơn Tây). Tổ tiên Lý Bí là người Trung
Quốc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất
phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam ”. Chính sử
Trung Hoa coi Lý Bí là “Giao Châu thổ nhân". Còn sử Việt Nam, kể
cả các sử gia tân thời và sử gia tài tử, hễ cứ ai ở “bên Tàu” là
coi như người Trung Quốc hết mà không bao giờ soi sáng lại nguồn
gốc. Tổ tiên của Lý Bí tản cư sang Giao Chỉ trước thời Hai Bà. Có
sách nói 500 năm, có sách nói 11 đời. Con số 500 năm đúng hơn.
Lý Bí đã từng làm quan cho
nhà Lương ở Giao Chỉ, nhưng ông bỏ về. Năm
544, tháng giêng, ông tự xưng là Nam Việt
Đế - hoàng đế phương Nam - đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước
là Vạn Xuân. Nếu nhớ ơn Hai Bà là bậc nữ anh hùng đầu tiên trong
lịch sử, cũng phải nhớ ơn Lý Nam Đế là người mang nước Việt ra khỏi
hình thức bộ lạc. Thông suốt chính trị Bắc triều, Vua tự tin dựng
điện Vạn Thọ, (Hà Nội), dựng chùa Khai Quốc,
cho đúc tiền đồng. Từng ấy việc trong thời gian ngắn 4 năm, Lý Bí
không ngờ ông đã đặt tiền đề: từ đây nước Việt thoát khỏi
thời kỳ u tối 1000 năm Bắc thuộc.
Lần đầu tiên sau thất bại của An Dương Vương, một “nước”
được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, gồm hợp chủng Negrito + Mon-Khmer
+ Mélanesian + Âu-Lạc trước An Dương Vương + Âu-Lạc nhập cư
từ “bên Tàu”. Đó cũng chính là cư dân của Hà Nội thuở bình minh.
người Việt hiện giờ là hậu duệ của từng ấy sắc tộc.
Khách nhập cư Hà Nội ngàn năm trước:
vua Lý Thái Tổ
ĐVSKTT, kỷ nhà Lý, chép “Mùa thu, tháng 7, vua rời Kinh
đô từ Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh Phủ. Thuyền tạm
đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế gọi là
thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành
Hoa Lư làm phủ Trường Yên, sông Bắc Giang làm sông Thiên Đức.
Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan thuê thợ làm chùa
ở phủ Thiên Đức 8 sở, đề dựng bia ghi công”. Nhà vua cho xây
dựng ở Thăng Long chùa Một Cột, cầu Đồng, cầu Dền, như đã có ở Hoa
Lư. Triều Lý hướng tới tương lai, nhưng không quên quá khứ ngàn
năm trước: ĐVSKTT ghi, Kỷ Lý Anh Tôn, “Canh Thìn, năm thứ
21 (1160) Tống Thiệu Hưng năm thứ 30). Mùa xuân, tháng giêng, làm
đền Hai Bà và đền Xuy Vưu ở phường Bố Cái”.

Tượng tạc một vị vua triều Lý
nguồn: Southeast Asia: A Concise History,
NXB Thames and Hudson,
London, 2000
http://www.gio-o.com/NgoBacKWTaylorSuKyToanThu.htm
Thời đó, vùng Hà Nội vẫn lõng bõng nước. Sứ giả nhà Tống
là Tống Cảo viếng Hoa Lư, Lê Hoàn (941
- 1005) thết tiệc một con trăn dài “vài mươi
người khiêng mới xuể”, sứ giả khiếp vía không dám xơi. Rồng vàng
có thể là cá sấu hay trăn nước, tô vẽ cho thêm phần “phụng mệnh
trời”. Trên một số đồ gốm hoặc trống đồng Đông Sơn, hoa văn là loài
bò sát . Sông Thiên Đức, là sông Đuống. Dưới thời Đinh Tiên
Hoàng, Hoa Lư chỉ được ví như kinh đô Tràng An. Nhưng Lý Thái Tổ
đã chính thức đổi tên Hoa Lư thành Tràng Yên, như lòng nhớ ơn nơi
dựng lên nghiệp lớn. “Yên” hay “an” cũng là một. Một số phương ngữ
của người Hẹ (Hakka) phát âm “yên” là “an”. Yên = âm trại = An
(bình an - bình yên, an ổn - yên ổn).
Người Hakka đọc âm "an" (âm Hán Việt) là "on"
(giống như "on" trong tiếng Anh). Âm tiếng Phổ Thông (Mandarin)
mới là "an" (như âm Hán Việt)

Rồng trong Đĩa gốm men Lam thế kỷ 15
Khách nhập cư “Người Miền Dưới”
Khách nhập cư huy hoàng khác từ phương Bắc là triều đại
nhà Trần. Nhà Trần, tự nhận “nhà ta, người miền dưới”, tức là dân
đánh cá miệt biển. Khoảng năm 1110, tổ tiên nhà Trần di cư
từ đất Mân Việt, thuộc Phúc Kiến bây giờ, ban đầu đến tỉnh Quảng
Ninh, trú tại xã An Sinh, huyện
Đông Triều. Chỉ trong một thế kỷ, họ Trần
trở thành giàu có ở huyện
Hưng Hà, tỉnh
Thái Bình, đến nỗi Thái Tử Sảm cuả
nhà Lý phải chạy tới náu thân. Kết quả, năm 1226, nhà Trần thay
thế nhà Lý, bằng hôn nhân ép buộc giữa công chúa Lý Chiêu Hoàng
8 tuổi với Trần Cảnh 7 tuổi. Cũng chỉ trong vòng hơn 100 năm, người
nhập cư phương Bắc đã tan biến vào giòng Việt. Triều Trần là triều
chống cự “thiên triều” dữ dội nhất. Năm 1257, vua Trần Thái Tông
đích thân ra trận đánh nhau với quân Mông Cổ. Năm 1285, quân Trần
đại thắng quân Nguyên ở trận Hàm Tử. Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương
chiến thắng trận Bạch Đằng.
Từ núi rừng Thanh hoá
Nhà Minh quyết tâm xóa bỏ nền
văn minh Đại Việt bằng đủ cách: san phẳng
đình chùa miếu mạo ở Thăng Long, chở về
Yên Kinh tất cả các loại sách, văn bia của
người Việt đến một chữ cũng không cho lọt, thiến hoạn đàn ông, hãm
hiếp đàn bà, cắt tai xỏ thành xâu. Sau 10 năm kháng chiến gian khổ
đánh bại quân Minh, Lê Lợi từ núi rừng Thanh Hoá rời về Thăng
Long và đổi tên Đông Kinh, tuy vẫn xây dựng cung điện tại Lam Kinh
(Thanh Hóa). Từ Đông Kinh, triều đại Lê đã tiếp nối tinh thần
Đại Việt trong 360 năm, mà bề dài của triều đại khiến triều
đình Bắc phương biết miền đất Đại Việt ấy đã vĩnh viễn ra khỏi tầm
thôn tính.
Khách nhập cư phương Tây : “Con của
Phật, đừng lo”
Thời Sĩ Nhiếp (137-226), Phật giáo Ấn độ đã đến đất Âu
Lạc. Phật hoá thân thành thiền sư Khâu Đà La bước qua mình Man
nương đang ngủ say khiến cô “cảm động” thụ thai. Ngòi bút vắn tắt
Nho gia chỉ ban một câu ngắn gọn, khiến học trò đời sau nát óc!
Câu chuyện có tính ẩn dụ cao độ: Phật giáo uyển chuyển đến
với nhân gian bằng cách nhập vào chính dòng văn hoá ấy, không truyền
giáo bằng cách giả ngây núp sau súng đạn. Vào miền đất mới, Phật
giáo tạm quên mười ngàn pho kinh cao ngất, mà chấp nhận nền văn
hóa bản địa: thân phận cao trọng cuả ngừơi nữ. Man Nương chỉ có
nghĩa “cô gái đất Man”, đại diện cho nền văn hoá phồn thực Đông
Nam Á: con gái 12 tuổi nhắm mắt cũng biết việc sinh tồn.
Đạo Phật nâng con người lên, cho nhân vật nữ sắm vai mẹ
của con Phật. Ngòi bút Nho gia ghi khi bố mẹ Man Nương bối rối vì
việc thai nghén của cô con gái 12 tuổi, thiền sư Khâu Đà La dung
dị vỗ về “con của Phật, đừng lo”. Phật lại truyền cho hai mẹ con
cây gậy thần, múa đến đâu nước lai láng đến đấy cứu ruộng đồng khô
cháy. Hòn đá cầu mưa, tạc theo hình bộ phận sinh dục nam, nữ trang
quí giá nhất của đàn bà con gái, bảo vật trấn áp quỉ thần, có mỹ
danh Đức Thạch Quang được thờ ở chùa Dâu. Không khí ly kỳ, Bụt tính
đan lẫn dâm tính đã là một huyền bí của miền tiền Thăng Long.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu. Chùa Dâu dựng năm 226 ở Bắc Ninh. Chùa được xây dựng lại năm
1313 và trùng tu nhiều lần. Đời Trần, quan
trạng
Mạc Đĩnh Chi vâng mệnh vua
Trần Anh Tông dựng chùa Dâu thành chùa trăm
gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp.
Khách nhập cư phương Nam : Chămpa
quyến rũ
Một trong những điểm cách tân của nhà Lý khiến Đại Việt
trở thành “vùng bản lề” của hai nền văn minh lớn của nhân loại:
văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa, là chấp nhận huyết thống và
văn minh Chămpa. Khi Việt bị Bắc thuộc, Chàm đã là một nước độc
lập có văn minh mà di sản còn để lại đến giờ. Trong khi Nho giáo
ảnh hưởng trên toàn bộ giới bút nghiên Đại Việt thì kiến trúc, âm
nhạc, thần thánh, ngôn ngữ văn hoá Chăm nẩy nở dễ dàng nơi người
bình dân, vì căn bản cả hai đều thuộc văn minh Đông Nam Á.
Nếu Chămpa là đường cong pho tượng thiếu nữ, vú đầy lưng nhỏ mông
tròn, chân tay lẳn phô bày nét quyến rũ, nụ cười hơi mỉm hứa hẹn
biết bao điều thần bí, thì Nho giáo sắc như nét bút lông, thầy đồ
Nho muốn mọi việc đều hoàn hảo nên mặt mũi lúc nào cũng đớn đau
“lo trước cái lo của thiên hạ”. Càng về cuối thời Hậu Lê,
vua quan càng khép lại nền văn minh tươi cười ấy, chấp nhận hoàn
toàn văn minh Trung Hoa khắc khổ.
Màu sắc lễ tết dân gian: có cần giữ
gìn phẩm hạnh?
Nhất là từ nhà Nguyễn Gia Long 1802, văn hoá Nho giáo tràn
ngập cung đình. Đình chùa toàn long-ly-qui-phượng, chưa ai khắt
khe xem lại có phải là hoa văn thuần Việt hay không. Màu sắc, kiến
trúc đời Nguyễn, không khác gì một Trung Hoa thu nhỏ. Hiện nay,
màu đỏ màu vàng sặc sỡ nhức nhối trong những ngày “lễ tết cổ truyền”
cả trong nước lẫn ngoài nước, trông gần với sân khấu bát nháo hơn
với lịch sử. Cũng chưa chắc màu sắc của triều đình, đừng nói đến
màu của dân gian.
Dễ tính lắm, cũng khó thể cho là “đậm đà bản sắc dân tộc”
theo khẩu hiệu trong nước
hoặc “phát huy truyền thống văn hoá dân tộc” theo khẩu hiệu ngoài
nước nghe hoài phát ớn. Mầu sắc thiếu thuần nhã làm đứt đoạn với
quá khứ chân phương, đó là chưa kể lẫn lộn triều đại này vào triều
đại nọ. Mũ mão, màu sắc, cờ quạt, chiêng trống, võng lọng… giống
nhau, giống cả nét lúc diêm dúa quá, lúc nhếch nhác quá. Tốn
kém rất vĩ đại, rỗng tuếch cũng vĩ đại không kém. Hình như không
còn ai nghĩ tớí một trong nét thanh lịch của người Hà Nội, là dùng
màu sắc để tỏ ý chí, mà cái được đề cao nhất nơi người Hà Nội xưa,
theo tác gỉa Hoàng Đạo Thuý, là giữ gìn phẩm hạnh (6).
Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh (7)“Phẩm
phục đời Lý, Trần, Lê, phần nhiều theo nhà Tống, mầu tía quý nhất
(cho các quan)… Từ Lý Cao Tổ trở đi mới cấm dân không được mặc sắc
vàng là mầu dành riêng cho thiên tử dùng. Ðời Thái Tông, cung nữ
dệt được gấm vóc, bèn đem hết gấm của nhà Tống trong Nội phủ bán
cho quần thần may áo, quan từ ngũ phẩm trở lên được mặc áo gấm,
từ cửu phẩm trở lên được mặc áo vóc, để tỏ vua không dùng riêng.”
Cấm dân mặc màu vàng, vậy mầu của dân gian là mầu gì? Ra
ngoài đường màu thường thấy là màu trắng, màu đen, màu cánh kiến,
màu tiết dê, màu tam giang. Màu đỏ chỉ các quan to may áo vóc hay
gấm, gọi là áo đại hồng. Yếm, các cô mặc màu thiên thanh,
màu hồ thuỷ, bà lão mặc màu hoa hiên, nửa đỏ nửa cam. Màu hoa đào
là mầu lẳng lơ, chỉ đám con hát mặc (6).
“Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng
Kinh”
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Nếu không thanh lịch cũng
người Tràng An” nếu được viết đúng vào năm dời đô 1010 có thể là
một đầu mối nghiên cứu dân tộc học: 1000 năm trước, tiếng Việt bình
dân đầy chất thơ, ít từ “Hán Việt”, diễn tả sắc sảo, chống chế một
cách nhẹ nhàng, kiêu hãnh một cách thơ mộng, ứng xử nhún nhường
nhưng không tự hạ. Chỉ 14 chữ trong hai câu sáu/tám đã khiến
“đối phưong’, người Thăng Long, không những quên bắt bẻ, lại còn
vơ vào nhận của mình.
Tuy nhiên, còn có một câu tương tự “Chẳng thơm cũng thể
hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh”. Thượng Kinh
ám chỉ Tràng An hay Hoa Lư? Học trò lượm lặt xin ghi chép
luôn cho đủ, những mong “giải oan” cho người Hà Nội, nếu có làm
điều gì kém thanh lịch. “Giải oan” luôn cho người Hoa Lư, sá gì
hai chữ thanh lịch khi được làm thần dân của một vì vua độc lập.
Chiếu Dời Đô, đức Thái Tổ tự tay ghi rõ “Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực
là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh
sư mãi muôn đời”. Ngài dự liệu cho cả bốn phương trời mười phương
bụt, không hề ngăn cấm ai. Tranh cãi ai thanh lịch hơn ai, chỉ làm
đức Lý Thái Tổ đau buồn, vì ngài thuộc về cả hai. Vấn đề là làm thế
nào để cùng nhau thanh lịch.
Sự “thanh lịch” của Thăng Long, do hàng ngàn năm đãi lọc.
Nơi đây nhiều sắc tộc cộng cư, cũng là thị tứ buôn bán, quan văn/quân
lính, thư sinh/du đãng, thưong buôn/nông dân. Người Thăng Long luôn
luôn đối diện với những điều bất ngờ nên quen với phế/lập, trung
thành/phản trắc, kênh kiệu/khiêm nhường, chân thành/khách sáo, quí
phái/bình dân, dịu dàng/thô lỗ, phù thịnh/phù suy, nhân hậu/tai
ngược… Từng đó vai, vai nào cũng rành, thành thói quen “liệu lời
mà nói” lúc chua lúc ngọt, rất đúng với câu ca dao Hà Nội “Chẳng
chua cũng thể là chanh/Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây”.
Khuê các Hà Nội chửi chua chửi ngọt hay hơn đám “ngoại
nhập”. Một đoạn ngắn chửi mất gà, cho thấy người ngoại nhập còn
lâu lắm mới đạt được cái trơn tru và óc tưởng tượng của người Hà
Nội “Cha con mẹ đẻ đứa mớm cơm mớm cháo mặc áo sỏ tay cho chúng
mày không biết dạy chúng mày để chúng mày ăn con gà của bà cha con
đẻ mẹ đứa họ sống họ chết họ hết họ còn dương gian âm phủ họ năm
tháng ba ngày họ một tháng hai mươi ngày của chúng mày bà sẽ giồng
cây chuối ngược rủa cho chúng mày chết lúc chết láy chết không còn
tử còn tôn còn con còn cháu lục sáu tam ba bà chửi cho mà nát gia
nhà quốc nước …” Không cách nào bỏ dấu chấm dấu phẩy, vì khuê các
chua ngọt một hơi không nghỉ.
Thành Thăng Long từ Lý
Vua Lý Thái Tổ đặt tên cung điện đặt theo ảnh hưởng
Trung Hoa - điện Càn Nguyên, Cấm Thành, cung Nghinh Xuân,
cửa Đan Phượng. Năm 1029 loạn Tam Vưong tàn phà Long Phượng
thành. Nhà Trần lên, phá bỏ một số đền đài cung điện nhà Lý.
Khi giặc Minh sang, tất cả san bằng. Năm 1430, Vua Lê Lợi
xây dựng lại hoàng thành mới. Năm 1512, vua Lê Tương Dực cho dựng
hơn 100 nóc cung điện nguy nga. Năm 1514, mở rộng Hoàng Thành
thêm mấy nghìn trượng (một trượng bằng 3m60).
Từ 1516 đến 1527, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Thăng Long
lại quay cuồng trong khói lửa. Cung điện kho tàng đền chùa cũng
như phố phường bị thiêu đốt tàn phá nhiều lần. Năm 1585
Mạc Mậu Hợp xây dựng lại Thăng Long. Đó cũng
là lần cuối cùng, Thăng Long được tái xây dựng.
Năm 1599 nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng. Hoàng thành
Thăng Long phía Đông và phía Nam hồ Gươm đựoc tu sửa để đón vua
Lê trở lại. Khi chúa Trịnh tiếm quyền, Hoàng thành điêu tàn
dần. Riêng Phủ Chúa xây cung điện lâu đài ở phía Tây hồ Gươm nguy
nga gấp bội cung vua, lại còn cấm dân lai vãng.
Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống chạy sang cầu viện
nhà Thanh,
Tôn Sĩ Nghị được thế mang 29 vạn
người sang chiếm Thăng Long. Phe phù Lê được dip trả thù, tất cả
lâu đài đình tạ của chúa Trịnh bị tàn phá suốt tận nền, cháy một
tuần mới hết. Dân chúng quanh thành bấy lâu bị chúa Trịnh ngăn cấm,
cũng uất ức tràn vào san phẳng hết. Năm 1789, khi Nguyễn Huệ ra
Bắc đánh tan quân Thanh ở 12 gò Đống Đa, kinh thành lại thêm một
phen tan nát. Tiếng than dài “Lối xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài”của
bà Huyện Thanh Quan, chính là thương tiếc cho Thăng Long vào thời
điểm hưng phế này.
Vua Minh Mạng đổi tên hoàng thành Thăng Long là tỉnh Hà
Nội - có nghĩa thành ở trong sông - và nhường cho Pháp. Gạch ngói
của Thăng Long bị rỡ mang về xây kinh đô Huế. Người Pháp đổi
Hà Nội ra thành phố, dùng thành Hà Nội làm …trại lính.
Suốt những trang sử mờ mịt khói và đầm đìa máu ấy, nhô
lên những bóng nâu quờ quạng co quắp, tay không nhẫn nại bới Thăng
Long từ đống tro tàn. Vì vậy, đừng lạ, khi văn chương, ký ức và
cả tâm lý, tiếng nói và thể chất của người Hà Nội khác với miền
khác. Khác, không có nghĩa là hay hơn, dở hơn, hay sang trọng hơn
như một đống ông nghè một bè tiến sĩ một bị cử nhân một thuyền bảng
nhãn một nạm thám hoa một toa MC-văn-thi-nhạc sĩ thường khuếch đại
tô màu, tạo nên một dư luận khá nhơ nhuốc, là coi việc tâng bốc
người Hà Nội và rẻ rúng người “nhà quê” hay người miền khác là chuyện…bình
thường. Không nghĩ, chính những “miền khác” ấy đã sản sinh ra những
vị anh hùng nhưng phải ra Thăng Long mới làm nên nghiệp lớn.
Vài nét về người Hà Nội trước 1954
Khác với Thăng Long thời cổ rộng lớn, Hà Nội trước 1954
chỉ thu hẹp có 152 km² với 53.000 cư dân ở nội thành, tức là kẻ Chợ.
Ngoài thành là kẻ Mơ, kẻ Lủ, kẻ Mọc, kẻ Noi. Văn thơ yêu “Hà
Nội Ba Mươi Sáu phố phường/Lòng chàng có để lại muôn phương”,
mường tượng Hà Nội êm như nhung, bóng như ngọc.
Vậy mà không phảỉ vậy. Tôi đã hỏi khoảng năm mươi người
Hà Nội "gia đình danh giá/giàu có như thế, vậy đồ cổ ngoạn của Việt
trưng bày trong nhà là gì?" Qua câu trả lời của một đại tiểu thư
rời Hà Nội năm 16 tuổi, mới hay không phải Hà Nội toàn khuê các:
"Trong nhà, có hơn 15 người làm. Gọi một tiếng, “dạ” ầm ĩ cả lên.
Nào là chị vú, con sen, thằng ở, u già, anh xe, chú tài, ông
bõ, chú làm vườn, anh bồi, chị bếp, chị may, chị đan...Mỗi cô tiểu
thư có một chị vú, một con sen riêng. Nhưng toàn là người
nhà ở quê xin ra Hà Nội giúp việc nhà. Họ chỉ cần ăn, không xin
lương. Đồ cổ ngoạn “truyền thống” Việt Nam? Có gì đâu. Nhớ
mãi, chỉ có mỗi ống điếu hút thuốc phiện bịt bạc của ông nội thôi."
Cư dân nội thành ở một số phố khang trang, gồm công chức,
các thầy thông, thầy ký, giáo chức, thương buôn, đào kép, khu người
Tây, khu người Tàu.. Xa xa chút nữa là đám thợ, thợ may, thợ cạo,
thợ mộc, thợ chạm…. Đông đảo nhất là đám hàng rong, cháo, kẹo mạch
nha, kẹo kéo, kẹo vừng, bành dầy bánh giò, bánh đúc, nước chè, ...
người Hoa buôn bán sầm uất ở phố Phúc Kiến, hàng Buồm, hàng Ngang,
nhưng cũng có những người Hoa cơ cực làm công cho các hiệu lớn,
làm phu khuân vác ở bến tầu và bán hàng rong. Hai món quà Hà Nội,
“hàn sôi phá xa” và phở là của người Hoa. Hàn sôi phá xa, đã đi
vào bài hát “Ôi lạc rang, mới ra thơm dòn, lạc của tôi rất thơm
và ngon vì có húng lìu”. Món phở, tức “ngưu nhục phấn”, Tản Đà,
Tô Hoài đều nhắc đến. Nguyễn Dư viết một bài về xuất xứ phở, bản
vẽ ghi chú rõ ràng một gánh phở rong của người Hoa (8) không phải từ món pot-au-feu cuả anh bếp Tây.

Người Hà Nội ở… California
Người ra Hà Nội làm việc là người tứ xứ. Dù làm quan, đi
học, buôn bán, đi lính, cả chục đời vẫn là “Hoa chanh nở ở vườn
chanh/Thầy u mình vói chúng mình chân quê”. Quê muôn đời là
làng, là đình, là ruộng lúa, là giếng nước, là nương dâu. Cho nên,
dù có sinh đẻ ở Hà Nội, dường như không ai nhận có “quê ở Hà Nội”.
Quê nội, quê ngoại, tận Phủ Lý, sông Cầu, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng
Sơn... Bằng cớ, ở quận Cam, California, các hội đoàn, hội
ái hữu, các trường trung học, đại học mỗi năm đều tổ chức tất niên/tân
niên gặp gỡ, hội Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bình Định,
Ninh Thuận, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Xóm Mới Gò Vấp bé tẹo
cũng có ngày Tết hội ngộ. Tuyệt không có “Hội Hà Nội”. Chỉ có mỗi
một “Ngày Hà Nội’ đơn sơ ở Mile Square Park cách đây chừng 15 năm,
và một buổi “Họp mặt Hà Nội” cách đây khoảng 5 năm do sự cố gắng
của cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
Từ xa, người ta vẫn đắm đuối yêu Hà Nội. Yêu những con
đường yêu đi - “Hà Nội, chao ơi Hà Nội, những con đường
đọng tím, những con đường câm nín, những con đường chết lịm ở trong
tôi…” - yêu những cánh hoa yêu lại “Từng cánh hoa đời khép
lại/Thương về năm cửa Ô xưa!”. Thi sĩ Tạ Tỵ yêu một Hà Nội hấp
hối, mong manh như thể chạm mạnh vào thì vỡ cả mảnh linh hồn. Người
Hà Nội chúng tôi cũng cứ thế mà tin mà yêu một Hà Nội, “Dáng
huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê biết đâu ngày ấy em
về”, tựa một cô gái liêu trai xanh xao gầy guộc tóc dài thắt
cổ lè luỡi hớp hồn mấy anh thư sinh chết nhát, mà quên mất cái uy
dõng của tổ tiên thuở dời đô.
Các “bạn trẻ” Hà Nội
Trách tuổi trẻ Hà Nội không có văn hoá ngắm hoa, là oan
lắm. Làm sao bắt họ có một điều mà họ chưa từng nắm trong tay! Đời
nhà Lý thanh bình, có người yêu hoa mới sinh ra làng Nghi Tàm ở
bắc Hồ Tây và làng Võng Thị ở nam Hồ Tây quanh năm trồng hoa
cung cấp cho nội thành. Thú chơi hoa lan, hoa thuỷ tiên, hoa
trà… chỉ riêng người phong lưu. Tết nhất mới cố sắm cành đào, chậu
quất. Trong gia đình còn nhắc, người Hà Nội trước 1954 không
có lệ cắm hoa. Mỗi sáng, cô hàng hoa lướt qua để lại một chùm hoa
ngâu hoa phượng hoa ngọc lan lên cái đĩa sành con trên bàn thờ ngoài
sân. Có khi dăm ngày cô mới ghé lại lấy tiền, bước chân qua nguỡng
cửa rón rén, thưa gửi nhẹ nhàng, “Bà ơi, con ghé ăn mày lộc bà đây,
cả thẩy 6 xu rưõi bà ạ. Con còn ba chùm kim liên mấy lại hai bó
bạch sen, bà đi đền Mẫu, bà tạ gíúp cho con với”. Lúc đó làng Bát
Tràng làm nhiều ông bình vôi, không làm bình cắm hoa cho nội thành
Hà Nội. Không có ngoại thành, người Hà Nội không có cả… cháo mà
ăn sáng. Vào trong Nam, người Hà Nội cũng chỉ ngày Tết mới cắm hoa
glaïeul, hoa huệ, bắt chước …Tây.
Nhưng các “bạn trẻ” dầy đạp lên hoa hay phũ phàng bẻ ngắt,
có bị mắng, thì không oan tí tẹo nào, dù rằng nguồn cơn không từ
họ.
Thanh niên Hà Nội sinh sau 1975, không còn phải chạy trốn
bom đạn. Nhưng thế hệ này vẫn đối diện với một cuôc chiến mới hừng
hực lưả. Tuổi thơ nhìn bố mẹ quăn queo, luồn lọt chạy vạy mới có
miếng ăn, nên đoản văn đầy tình quê hương làng mạc của Thanh Tịnh có thể là một xa xỉ phẩm “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương
thu và gíó lạnh, mẹ tôi âu yếm dẫn tôi đi trên con đường làng dài
và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này bỗng
dưng tôi thấy lạ: hôm nay tôi đi học….” Đám trẻ tiểu học, không
có những trang cổ tích ông Đồ Bể, lương thiện đến quỉ thần phải
kinh sợ.
Thanh thiếu niên lớn lên, thiếu không gian văn học.
Không chắc có đọc Gánh
Hàng Hoa của Nhất Linh-Khái Hưng để yêu mối tình thơm như hoa. Giờ
này không còn ai hứa hẹn “Sông Thương nước chảy đôi ba dòng/Anh về Hà Nội một lòng thương em”. Ngâm ư ử ca dao Hà Nội “Hỡi
người xách nước tưới hoa/Có cho anh được vào ra chốn này”,
nghe ra hơi hâm hấp. Rón rén nhìn cô hàng xóm qua dậu mồng tơi có
khi bị cô quát “soi cái gì”, chạy không kịp.
Nhà cửa rác rưởi lấp cả cửa động trúc đào loang loáng vàng
rơi ánh nguyệt trong Bích Câu Kỳ Ngộ. Tuổi thanh niên ấy, chắc cũng
không nấp vội trong cánh cửa thuộc thơ Hoàng Cầm viết trong khói
lửa vẫn đẫm mùi hy vọng
Trở lại chợ hoa
Ở Saigon trước 1975, chợ nào cũng có bán hoa ngày Tết.
Sau 75, các thành phố như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt,
Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, nơi nào cũng có chợ hoa. Ban
tổ chức soạn sẵn chỗ cho khách thuởng hoa chụp hình, nên không bao
giờ xẩy ra việc dày xéo lên hoa. Ngay cả ở Hải Phòng năm nay,
hai mươi cây đào do Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt và Hội
đồng tỉnh Kagawa (Nhật Bản) trao tặng, hoa xinh vẫn ửng hồng trên
cây.
Hái lộc đầu xuân là một nét văn hoá đẹp từ xưa. Nhưng khi
người đông hơn hoa, lộc trong thiên nhiên không đủ, khiến người
ta thản nhiên bẻ hoa đang trưng bày, thì nét đẹp không còn.
Nói đi phải nói lại, vô tư bẻ hoa của người khác, không
phải độc quyền của bạn trẻ Hà Nội. Đó là “Việt tính”, duy mức độ
khác nhau.
Tết Đinh Hợi 2007, ở Saigon có vụ cướp heo đất, hay “vô
tư” bẻ hoa tặng nhau -báo chí trong nước cho đó chỉ vài cô em “nũng
nịu” với bạn trai.
Ở California, quận Cam, nơi các nhà bình luận tự xưng là
“thủ đô văn hoá của người Việt tỵ nạn”, không có xuân thì nũng nịu
đòi bạn hái hoa, nhưng cũng có “văn hoá bẻ hoa”. Mấy năm trước,
tờ báo Người Việt hớn hở khoe năm nay cành đào trước cửa không bị
chặt trụi như năm trước. Bài báo cũng lo lắng cho những cây đào
của thành phố Westminster mới trồng dọc đường Bolsa, nếu bị chặt,
sẽ rất xấu hổ với người Mỹ. Trong Tết, đài phát thanh VNCR
năn nỉ xin bà con đừng chặt mấy cành đào trồng trước cửa, đài lo
đến nỗi để camera canh chừng. Năm nào các chùa cũng ra thông báo
mời đồng hương và Phật tử đi chùa cúng giao thừa. Các thầy cũng
năn nỉ đừng vặt tơi tả cây cỏ của nhà chùa như mấy năm trước, các
thầy đã cẩn thận gói sẵn lộc đầu năm. Không biết các chùa nơi khác
có gặp cảnh tương tự?
Có thật người Việt Nam tàn phế cả tâm
linh?
Không! Chỉ mới trước 1954, ở miền Bắc tiêu thổ kháng chiến,
nhà nhà đục tường thông suốt nhau, chớ hề mất mát vật gì. Người
thành phố chạy tản cư, đi đến đâu, cũng được “dân quê” đón vào nhà,
chắt bót cưu mang mấy tháng trời cho đến khi người thành trở lại
“vùng tề”. Sau 1975, nhà nước “phát động” vụ đi tù cải tạo,
dọc đường xe lửa xuyên Việt chở “lính ngụy” từ Nam ra Bắc, không
thiếu những gói cơm, gói quà, đàn bà con trẻ cố ném theo.
Vẫn có bà mẹ từ Saigon ra thăm Hà Nội, kín đáo trả tiền vé cho anh
bộ đội nhớ mẹ đánh liều chuồn lên xe lửa.
Trong phim Mùa Len Trâu, bà mẹ miền Nam lấy cối xay gạo
duy nhất để tống táng một người chết không quen biết. Miền quê Cửu
Long, có nơi các ngoại vẫn theo tục xưa, để một lu nước với cái
gáo dừa “đặng ông đi qua bà đi lợi lỡ độ đường hổng chết khát”.
Báo chí trong nước, hễ đăng lên một chuyện thương tâm, lập tức trong
nước ngoài nước gửi tiền nhờ nhà báo chuyển. Có những người nghiến
răng “không cho một cắc”, vẫn có những người dành dụm tiền đào giếng
cho làng Tây Nguyên tuốt trong xa.
Riêng Hà Nội, người ta yêu hay ghét Hà Nội qua nhiều lăng
kính. Người xa Hà Nội năm 1954, cố hình dung một Hà Nội tiểu thư
thẫn thờ bên hồ “khăn san lả lơi trên vai ai”, ngập ngừng
“nàng đi gót hài xanh”. Người ở lại Hà Nội sau 1954, lột sạch sành
sanh khăn san trên vai và hài xanh dưới gót, trao cho cô tiểu thư
Hà Nội một mớ khẩu hiệu bừng khí thế đấu tranh.
Người ta trách người Hà Nội làm mất thanh mất lịch, hay
văng đủ thứ trong người. Nhưng quên vẫn có Hà Nội dịu dàng “Rước
bác vào chơi”, “Cháu mời cô xơi cơm ạ”. Than Hà Nội lọc lừa, vì
không biết chuyện chú tài xế taxi tìm khách trả lại túi xách bỏ
quên, trong có máy quay phim và mấy ngàn đô la. Vẫn có đám cựu bộ
đội lam lũ, đêm xuân thết lữ khách Saigon bữa tiệc lề đường tuý
luý, để trả món nợ canh cánh với một người Saigon không quen
biết, đã chở anh ta đi tìm thân nhân hồi anh vào “tiếp thu Saigon”
sau 1975. Hà Nội, đêm thâu tràn trề rượu quí; nhưng đâu đó Hà Nội
đêm tối nhọc nhằn, việc làm không ai biết đến. Hà Nội ồn ào với
những con số doanh nghiệp ngộp thở, nhưng Hà Nội cũng âm thầm từng
bước cho đất nước tiến gập ghềnh. Hà Nội, xe Lamborghini vờn quanh
đường phố mấp mô, nơi bố gầy guộc vấp ngã, mẹ cong lưng che mưa
cho gánh hàng rong. Hà Nội, chục cô em ăn mặc bạt mạng, nhưng trăm
cô em chắp tay tưởng niệm trận Đống Đa.
Ngay cả sau vụ hội hoa anh đào, báo chí cho hay “nhiều
bạn trẻ đã tỏ thái độ phản đối và bất bình với những kẻ cố tình
xâm hại hoa cây cảnh, nhờ vậy đêm mồng một và ngày mồng hai 1/2009
tình hình đã đỡ lộn xộn hơn”.
“Năm trăm anh đốt cho nàng.
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề”
Bẻ hoa, hay hay dở? Bài học nào cũng thiêng liêng. Là dịp
cho chính người Hà Nội xét lại hướng tư duy, để sửa soạn cho một
thử thách mà chính người Hà Nội chọn lựa: năm 2010 “kỷ niệm 1000
năm Chiếu Dời Đô”. Từ đây cho đến hôm ấy, thái độ của người Hà Nội
-“trái tim của cả nước”- sẽ định hình cho cả một thế hệ;
chịu trách nhiệm với tổ tiên; và cả với thế hệ tương lai.
Vấn đề e rằng không phải chối phăng phăng, đổ lỗi hay trách
mắng các “bạn trẻ”. Chi bằng tìm đúng những người bạn trẻ ấy, giao
cho họ trách nhiệm lo về hoa lá ngày hội 2010. Chỉ riêng khoản hoa
lá, không thiếu gì việc. Đặt mua hoa, tỉa hoa, vẽ kiểu, trộn màu,
tưới tắm, tạo không gian chụp ảnh như các thành phố “đàn em”. Giao
cho các bạn trẻ một công việc lịch sử, còn hơn hồi hộp không biết
lễ mừng Một Ngàn Năm Thăng Long, rồng hoa có bị vặt trụi cả râu
lẫn vảy.
Làm sao hương hoa còn mãi?
Không phải chụp vài cái ảnh bên hoa là giữ mãi được mùi
hương. Các bạn Hà Nội trẻ may mắn được tiếp cận địa bàn, ngàn năm
mới có một lần này, đừng ngại ngược dòng lịch sử làm chuyện chắp
vá: vịn vào những chi tiết nhỏ lượm lặt trong dân gian, tựa vào
hàng ngàn trang sử thi sử ký, kèm theo điền dã thực tế, vẽ lại triều
Đinh triều Lý ngàn năm trước, trước khi thời gian đổ ập thêm lớp
bụi dầy. Học trò yêu sử ở xa như tôi thiết tha muốn biết
- Tổ tiên trực tiếp của hai vì vua Lí Bí-Lý Công Uẩn là ai?
- Có bao nhiêu đền chùa đình tạ đời Lý, bao nhiêu chùa Việt,
bao nhiêu chùa gốc Chàm? Di tích còn không?
- Có phải trong mỗi chùa Phật, đều có một bàn thờ Mẫu?
- Tại sao năm 1160, vua Lý Anh Tôn làm đền thờ Xuy Vưu một
lượt với đền thờ Hai Bà như ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư?
- Bà Chúa Kho là ai?
- Văn hoá phồn thực trước và sau đời Lý?
- “Ðời Thái Tông, cung nữ dệt được gấm vóc”, có phải
do công của Bà Chúa Dệt Lĩnh, bà là ai?
- Gấm nhà Tống màu gì? Vóc là gì, sản phẩm của Tống hay của
Việt? Nên chọn màu gì cho ngày kỷ niệm Dời Đô?
- Tộc nào thuộc chi Âu, tộc nào thuộc chi Lạc? Thế nào
là văn hoá bản địa, làm sao gìn giữ được nét văn hoá nơi dân
tộc ấy?
Hai đường rầy song song: Tìm về bản
sắc và hội nhập toàn cầu
Giấc mơ thế kỷ 21 không khác lắm với giấc mơ Lý Bí - Lý
Công Uẩn ngàn năm trước: tự tin giữ lại văn hoá Đông Nam Á và đứng
vững bên bờ Thái Bình Dương, vùng đất giao thoa của hai nền văn
minh rực rỡ Trung Hoa và Ấn Độ.
Tin mồng bốn Tết, mừng cho cả trong lẫn ngoài nước:
Chợ hoa tuần rồi ở trong nước, các bông hoa vẫn bình yên. Hai cây
đào ở trước đài phát thanh VNCR ở Califorrnia cũng bình yên.
Chuẩn bị cho năm 2010, kỷ niệm một ngàn năm Chiếu
Dời Đô, ngàn cây xanh đang được trồng trên đường Lê Văn Lương,
đang đặt tên mới cho những con đường. Có con đường nào tên “đường
Giải Oan”, như đã có Chùa Giải Oan, Suối Giải Oan, Giếng Giải Oan?
Cuộc chíến anh em Nam/Bắc hơn nửa thế kỷ qua, là điều oan uổng lớn
nhất. Cuộc chiến đã oan, sản phẩm của cuộc chiến ấy, làm sao không
oan cho được!
“Giải oan lời thề”, và quên đi vài bông hoa cướp vội!
Năm mới tháng Giêng mồng bốn Tết, Xuân Kỷ Sửu 2009
California
Trần Thị Vĩnh Tường
Ghi chú:
(1)
Hồng
Thái - Thêm một cách hiểu hai câu ca dao về Hà Nội
(2)
Hoa Lư
(3)
Đền vua Đinh - Tỉnh Ninh Bình
(4) Keith Taylor – The Birth of Vietnam – University of California
Press – 1983
(5) Văn hoá Bách Việt vùng Lĩnh Nam - Tư liệu Nguyễn Ngọc Thơ/Trường Đại Học Nhân Văn TP HCM
(6) Phố phường Hà Nội xưa – Hoàng Đạo Thuý, Sở VHTT Hà Nội 1974
(7)
Đại Lược Về Quan Chế / Phẩm Phục - Nghi Vệ , Nguyễn Thị Chân Quỳnh
(8)
Phở, phởn,
phịa ..., Nguyễn Dư
© http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Trần Thị Vĩnh Tường
|
|