Chất cấm trong chăn nuôi

Vietsciences- Phạm Văn Thủ       VNExpress               29/09/2015

 

Những bài cùng đề tài

 

 
Làm trong ngành nông nghiệp với thời gian khá dài, tôi từng tiến thoái lưỡng nan trước yêu cầu của không ít người chăn nuôi. Bên cạnh tham vấn về kỹ thuật, cách phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, có một câu mà người chăn nuôi thường hỏi tôi: “Làm thế nào để heo, gà nhanh lớn, giảm tiêu tốn thức ăn".

Thậm chí, tại một buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo do tôi phụ trách, có người chia sẻ “bí quyết”: Dùng chất tạo nạc để giúp heo tăng trọng nhanh, bán được giá.

Tìm hiểu, tôi biết được, chất mà một số người chăn nuôi đang dùng để “thúc” heo tăng trọng nhanh, nhiều nạc là clenbuterol. Chất này sẽ tồn lưu trong thịt, gây nhiều nguy hại cho sức khỏe người dùng. Thời điểm ấy, cách nay gần 15 năm, nhiều thương lái mua heo thịt và cũng là “nhà cung cấp” clenbuterol. Cũng có không ít nông dân lén lút mua chất cấm này theo “kênh” cửa hàng thuốc thú y.

Tôi từng phản ánh nhiều lần chuyện nông dân, chủ trang trại chăn nuôi heo dùng chất độc hại này lên cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương, nơi tôi công tác. Nhưng khi ấy, dường như người ta chẳng mấy chú ý. Sau này, trong những lần “trà dư tửu hậu” với nông dân, họ thú thiệt với tôi rằng, ngày trước tôi cung cấp nhiều thông tin kỹ thuật mới, áp dụng hiệu quả, nhưng tôi không giúp được họ “mẹo hay”. Tôi thua kém xa các thương lái nhanh nhạy, cũng như những người bán thuốc thú y trong việc giúp nông dân nuôi heo mau lớn, bán được giá.

Qua thông tin báo chí gần đây, tôi hết sức ngỡ ngàng khi biết “mua chất tạo nạc dễ như mua rau”, đặc biệt là tại “đại bản doanh” chăn nuôi heo Đồng Nai. Tại nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều trang trại, hộ chăn nuôi dùng chất cấm.

Chỉ trong vòng hai tháng, tỷ lệ mẫu heo tồn dư chất tạo nạc (salbutamol, clenbuterol) tăng từ 14% (kết quả kiểm tra tháng 6 vừa qua) lên 22% (tháng 8). Thông tin này từ Chi cục Thú y TP HCM khiến tôi không khỏi rùng mình. Trong khi đó, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương này thời gian gần đây diễn ra rất phức tạp. Cụ thể, trong năm 2014, qua kiểm tra, ngành chức năng tỉnh này đã phát hiện 12/156 mẫu dương tính với chất salbutamol (khoảng 7%). Và, trong sáu tháng đầu năm nay, họ đã phát hiện 17/84 mẫu dương tính, tỷ lệ trên 20%.

Dù bị cấm từ 2002, thông tin về chất tạo nạc được người chăn nuôi lén lút sử dụng để trộn vào thức ăn gia súc nhằm kích thích tăng trưởng, giảm chi phí thức ăn, tăng tỷ lệ nạc tái diễn nhiều năm và ngày càng mạnh. Tôi nhớ cách đây 8 năm, lần đầu tiên Chi cục Thú y TP HCM công bố một báo cáo, nghiên cứu trên 334 mẫu thịt gia súc, gia cầm cho thấy, 15,57% số mẫu dương tính với clenbuterol. Vào thời điểm này, một số công ty sản xuất thức ăn gia súc bị nghi có dùng chất cấm trộn vào, nhưng cuối cùng thì không có công ty nào bị xử lý vì năng lực xét nghiệm của cơ quan chức năng đối với chất này còn hạn chế. Cũng trong năm đó, tại hội thảo “Thịt lợn sử dụng chất tăng trọng và những nguy cơ” tổ chức tại Hà Nội, đại diện Cục Thú y đã đề xuất, phải giao cho một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm cụ thể, ví dụ như Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) ngăn chặn hóa chất tạo nạc từ đầu nguồn. Với sự phối hợp của các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường, chính quyền địa phương cần phải phạt thật nặng những người kinh doanh vi phạm.

Salbutamol và clenbuterol là những chất độc hại đã bị Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi từ lâu. Các nhà khoa học cảnh báo, lượng chất này tồn đọng trong thịt gia súc sẽ gây những nguy hại khôn lường cho người sử dụng. Ngoài ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ làm rối loạn chức năng tim và phổi, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phù nề, liệt cơ, run cơ, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và thậm chí có thể tử vong.

Năm 2012, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã gọi hành động sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để kiếm lợi cho mình, nhưng làm hại đến sức khỏe của rất nhiều người khác là tội ác. Và mỗi khi phát hiện dùng chất cấm tràn lan, ông lại chỉ đạo tăng cường kiểm tra. Hôm 7/9 vừa qua, Bộ trưởng tiếp tục ký công văn về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi.

Trung Quốc từng xử tử kẻ chủ mưu sản xuất, kinh doanh clenbuterol và phạt nặng những người liên quan. Thái Lan phạt tù 1-3 năm nếu dùng chất beta-agonist (clenbuterol, salbutamol) trong chăn nuôi.

Có lẽ các cơ quan chức năng Việt Nam cũng cần có một giải pháp mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề. Tội ác này cần phải được trừng trị thích đáng.

Phạm Văn Thủ

 

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr    Hồng Lê Thọ