Lao Động số 8 Ngày 10/01/2009 (LĐ) - Suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới tình trạng mất việc làm trên quy
mô lớn, trong đó có Hà Nội. Các doanh nghiệp tại 9 khu công nghiệp tập trung
của Hà Nội với 81.986 LĐ, chủ yếu sản xuất để xuất khẩu nên chịu ảnh hưởng
rất lớn từ cuộc khủng hoảng này.
Qua khảo sát của LĐLĐ TPHN, thu nhập của NLĐ hiện giảm sút từ 20-40%.
Nhiều DN sản xuất cầm chừng
Theo LĐLĐ TP.Hà Nội, những DN trên địa bàn thủ đô gặp nhiều khó khăn thuộc
ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thuỷ sản, sản xuất linh kiện
điện tử và du lịch. Các DN này phụ thuộc quá nhiều chi phí đầu vào nhập khẩu
và biến động của thị trường xuất khẩu, nên đã lâm vào tình trạng hết sức nan
giải, phải thu hẹp SX, cắt giảm đầu tư tuy lãi suất của các ngân hàng gần
đây đã giảm xuống.
Một số DN nhỏ và vừa khu vực ngoài nhà nước thu hút hơn 50% LĐ hiện cũng rất
khó khăn không chỉ do suy thoái của thị trường xuất khẩu, mà ngay cả nhu cầu
tiêu dùng của người dân trong nước cũng giảm mạnh.
Một số DN trong KCN Thăng Long đã và đang thực hiện cắt giảm LĐ như Cty
THNN Nissei Electronic HN cắt giảm 300 LĐ, Cty TNHH SC VN giảm 100 LĐ...
Riêng Cty THNN Canon VN phải giảm tới 1.200 LĐ. Báo cáo của BCHCĐ Cty cho
thấy: Canon là Cty 100% vốn nước ngoài sử dụng hơn 18.000 LĐ, sản phẩm chính
là SX máy in và xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Châu Âu...
Sự biến động của kinh tế thế giới khiến lượng đơn hàng của Canon giảm, dẫn
đến dôi dư nguồn nhân lực. Trước tình hình đó, lãnh đạo Cty đã thông báo và
trao đổi với BCHCĐ Cty để đưa ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn
chung cho NLĐ và Cty.
Theo đó, có 3 giải pháp khắc phục là: 1/ Cty quyết định cho NLĐ nghỉ từ ngày
27.12.2008 đến hết 1.1.2009 là ngày nghỉ của Cty và NLĐ vẫn được hưởng 100%
lương. 2/ Luân phiên dừng SX ở các bộ phận SX để tiến hành đào tạo cho NLĐ
(cũng được hưởng nguyên 100% lương). 3/ Thông tin cho NLĐ về tình trạng khó
khăn hiện tại để NLĐ sẽ tình nguyện xin nghỉ việc (dựa trên các điều kiện,
hoàn cảnh cá nhân, Cty không chủ trương kết thúc hợp đồng để giảm nhân lực
trong đợt này).
Kết quả, 1.178 LĐ xin nghỉ tình nguyện, đã được giải quyết cho nghỉ việc từ
3.12.2008 và được thanh toán đầy đủ các khoản tiền vào ngày 15.12.2008. Tại
KCN Nội Bài, một số DN cũng giảm từ 50-100 LĐ.
Ngoài việc cắt giảm LĐ, nhiều DN tại các KCN cho CN tạm ngừng việc hoặc nghỉ
việc hưởng 70% lương cơ bản. Do việc không có hoặc đơn hàng giảm sút, một số
DN phải SX cầm chừng, không thực hiện tăng ca bình thường dẫn đến thu nhập
của NLĐ giảm sút rất nhiều. Tại thời điểm này, thu nhập của NLĐ bị giảm
20-40% so với vài tháng trước đây và thấp hơn năm 2007.
NLĐ rất cần CĐ bảo vệ
Các DN hiện đang cố gắng chống chọi với khó khăn, nên còn dè dặt trong việc
công bố tiền thưởng Tết Kỷ Sửu. Nhưng có thể nói rằng, thưởng tết của NLĐ
năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn những năm trước khiến NLĐ lo lắng về việc
làm, lương-thưởng, đời sống của bản thân và gia đình khi Tết đang đến gần.
Giải pháp được các DN áp dụng nhiều là vận động NLĐ làm đơn xin nghỉ việc
với sự giám sát của tổ chức CĐ. Chẳng hạn ở Cty TNHH ToTo (100% vốn Nhật
Bản) - SX sứ vệ sinh cao cấp - một số dây chuyền cũng tạm dừng SX dẫn tới
hơn 100 LĐ dư thừa.
Theo Phó Chủ tịch CĐ Cty ToTo Nguyễn Huy Vinh: CĐ đã tham gia với lãnh đạo
Cty bố trí tạm thời cho số LĐ này sang làm việc khác như bảo dưỡng máy -
thiết bị, vệ sinh công nghiệp... để vẫn đảm bảo thu nhập 1,6-1,7 triệu
đồng/tháng/người. Dự kiến đến tháng 2.2009, các dây chuyền sẽ trở lại hoạt
động.
Không chỉ NLĐ trực tiếp bị mất việc, mà ngay cả "giới văn phòng" cũng bị ảnh
hưởng. Số lượng nhân viên văn phòng bị cắt giảm tương đối lớn, một số Cty đã
giảm ít nhất 20% nhân viên. Nhưng, sự vào cuộc kịp thời của các cấp CĐ đã
giúp NLĐ nghỉ việc được thanh toán đầy đủ các chế độ theo luật định.
Phó Chủ tịch LĐLĐ HN Đặng Minh Thuần cho hay: Trong thời gian trước mắt, đặc
biệt là Tết Nguyên đán, LĐLĐ đã thực hiện một số biện pháp: Đề nghị Thành
uỷ, HĐND TPHN có các biện pháp giải quyết khó khăn của các DN về SXKD, các
vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN,
đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và tạo việc làm cho NLĐ.
LĐLĐ chỉ đạo các CĐCS trực thuộc tích cực cùng người sử dụng LĐ đảm bảo việc
làm, thu nhập và đời sống NLĐ; đề xuất với chủ DN giúp đỡ LĐ gặp khó khăn và
chủ động tiến hành đàm phán, thương lượng với giới chủ về chế độ của NLĐ
trong dịp Tết này...
H.Thảo - M.Hạnh
http://www.laodong.com.vn/Home/Thu-nhap-cua-nguoi-lao-dong-dang-giam-sut/20091/122357.laodong
Nhiều lao động trước nguy cơ thất nghiệp
Thứ ba, 30/12/2008
Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL đang hoạt động dưới 30% công
suất, doanh nghiệp rất khó khăn. Hàng ngàn lao động đang đối diện nguy cơ
thất nghiệp.
Công nhân và nhà máy chờ…tôm
Chị Tô Thùy Trang, công nhân của Cty Chế biến Thủy sản Stapimex (Sóc Trăng)
ngán ngẩm: "Mấy năm trước, gần Tết, tệ lắm cũng được 1,1 triệu đồng/tháng,
còn tiền thưởng riêng. Mấy tháng nay chỉ có 314.000 đồng/tháng, đủ tiền cơm,
thiếu tiền nhà trọ".
Anh Ngô Văn Quyền và Hứa Hùng Cường, công nhân bốc xếp của Cty Minh Phú (Cà
Mau), mặt buồn rười rượi: "Lương tháng rồi, tụi em lãnh có 930.000 đồng".
Chị Nguyễn Thị Lài, công nhân của Cty Minh Phú (Cà Mau), than thở: "Tôm ít,
tụi em chờ dài cổ luôn. Vào ca, làm việc vài tiếng đồng hồ, hết tôm, lại ra
ngoài chờ".
Hội chế biến thủy sản Cà Mau (Casep) vừa nhóm họp tìm giải pháp tháo gỡ khó
khăn. Ông Lê Văn Quang, TGĐ Minh Phú, Chủ tịch Casep nhận định: "Gíá tôm
nguyên liệu giảm, giá sản phẩm thủy sản xuất khẩu đều giảm. Khó khăn chồng
chất từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sâu hơn, kéo dài, chí ít là năm
2009".
Tại thời điểm này, giá tôm sú loại 20 con/kg chỉ còn 123.000 đ/kg (giảm
32.000đ/kg so với hồi giữa năm), loại 30 con/kg còn 75.000 đ/kg, loại 40
con/kg còn 63.000 đ/kg.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, TGĐ Camimex (Cà Mau) cho biết: "Giá tôm giảm, đa phần
người nuôi tôm bị lỗ và không dám nuôi tiếp. Mùa vụ tiếp theo, các xí nghiệp
chế biến thủy sản có thể còn thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng hơn".
Hiện nay, diện tích nuôi tôm ĐBSCL khoảng 538.000 ha. Trong đó, lớn nhất là
Cà Mau với 257.000ha, kế đến là Bạc Liêu với 121. 800 ha. Diện tích tăng
nhanh từ năm 2000 nhưng sản lượng tôm tăng rất chậm.
Kích cầu người nuôi tôm
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau đang tìm cách giảm
lao động để giảm chi phí. Hiện nay, một số xí nghiệp chế biến thủy sản xuất
khẩu đã cho công nhân nghỉ luân phiên, sắp tới sẽ cho nghỉ dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Camimex (Cà Mau) nói: "Chúng tôi đang đề
nghị Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn giải quyết chế độ trong trường hợp nghỉ dài hạn.
Khi nào xí nghiệp có đủ tôm nguyên liệu, sản xuất ổn định sẽ mời gọi chị em
trở lại".
Chị Lê Kiều Trang, quê ở Đầm Dơi (Cà Mau) là công nhân Cty Phú Cường (Cà
Mau) phân vân: "Nghe nói cho nghỉ việc dài hạn, em chưa biết làm sao. Mấy
hôm rồi, em quơ quáo may quần áo để phụ thêm tiền cho con đi học. Nếu cho
nghỉ dài hạn, mẹ con em phải xin ở lại, để cháu tiếp tục học".
Hy vọng thoát ra khó khăn, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vùng
ĐBSCL đang kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, doanh
nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nằm trong gói 1 tỷ USD.
Ông Lê Văn Quang nói: "Người nuôi tôm đang vướng nợ, phần lớn hết vốn, không
khả năng tái đầu tư nuôi tôm. Có thể hỗ trợ cho người nuôi tôm tiếp tục vay
vốn với lãi suất bằng 0%. Đồng thời, cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với
lãi suất rất thấp, trong vòng 6 tháng, kể từ năm 2009".
Theo Tiền Phong
http://tintuc.timnhanh.com/xa_hoi/lao_dong/20081230/35A8CDAD/
Công nhân về Tết sớm
Thứ hai, 29/12/2008
“Những ngày này năm trước, tụi em tăng ca đến ngất xỉu. Còn nay chỉ làm cầm
chừng 3-4 ngày/tuần, lương không đủ trả tiền trọ, sinh hoạt... nên em phải
xin công ty cho về quê nghỉ Tết sớm” - một công nhân may làm trong KCN VSIP
II (H.Bến Cát, Bình Dương) cho biết trong lúc đợi xe về quê chiều 24.12.
Ngồi buồn bã trên chiếc ghế đá của Bến xe Bình Dương đợi chuyến xe buýt xuôi
về TP.HCM, Trần Thu Hiền (quê Khánh Hòa) cho biết, cô vào Công ty may Việt
Long (KCN Việt Hương II, H.Bến Cát) từ tháng 6.2008. Những tháng đầu, công
việc rất ổn định, lương vẫn lãnh đều đặn, nhưng bắt đầu từ tháng 11 hàng ít
dần, mỗi ngày chỉ làm vài tiếng đồng hồ. “Đến kỳ lương tháng 11 (phát vào
ngày 13.12 - PV) nhiều công nhân đã phát khóc khi tiền lãnh ra chẳng được
bao nhiêu. Nhiều người trừ xong tiền tạm ứng tháng trước, vẫn còn thiếu lại
của công ty. Lãnh đạo công ty bảo, do không có hàng để làm nên ai muốn nghỉ
việc thì cứ làm đơn sẽ được giải quyết. Thấy ở lại cũng không có việc làm
nên bọn em làm đơn xin nghỉ về quê ăn tết. Sang năm tính tiếp” - Hiền nói
gần như khóc.
Trong nhóm của Hiền, có Đàm Thị Sáu quê ở tận Tuyên Quang lãnh được 600.000
đồng cho 12 ngày công trong tháng (cùng với tiền phép năm) không đủ trang
trải về quê, phải đến TP.HCM mượn thêm tiền của người quen. Nguyễn Hằng Ny
(quê Cà Mau) cho biết thêm: “Sau khi nghe bà chủ nói không có hàng để làm, ở
lại cũng thất nghiệp nên thà về quê phụ giúp gia đình còn hơn vật vã ở đây
để chờ việc”.
Tại Bến xe Bình Dương chúng tôi gặp hàng chục công nhân làm trong KCN VSIP
II đang lỉnh kỉnh xách va li đợi xe về Cà Mau nghỉ Tết dương lịch từ 10 ngày
đến nửa tháng. “Công ty không có việc làm nên cho công nhân nghỉ dài ngày
như vậy để đỡ phải thanh toán tiền lương. Em nghĩ kỹ rồi, cứ về quê chơi,
hết “phép” gọi điện có việc thì lên, không ở lại ăn tết luôn” - một công
nhân nói.
Dọc theo tuyến đường ĐT 743 từ thị xã Thủ Dầu Một đến H.Dĩ An chiều ngày
23.12, chúng tôi bắt gặp từng tốp người lỉnh kỉnh đồ đạc đóng thùng, giỏ
xách, va li... ngồi chờ những chuyến xe ra Bắc. Ông Hồ Thanh Hùng, chủ xe
khách chạy tuyến Bình Dương - Thanh Hóa, cho biết: “Mọi năm, phải bắt đầu từ
ngày 20.12 âm lịch, nhà xe chúng tôi mới nhộn nhịp đưa công nhân về quê ăn
tết. Vậy mà không hiểu sao, khoảng một tháng nay đã thấy công nhân về tương
đối nhiều”.
Đến Bình Dương trùng với dịp Công đoàn các KCN đang tổ chức tổng kết hội
nghị năm 2008, chúng tôi gặp ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Công đoàn các KCN
Bình Dương. Ông Nhân xác nhận: Hiện nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng giảm
lao động hoặc cho công nhân nghỉ chờ việc; còn người lao động chờ việc thì
nản chí đã bỏ về quê sớm hoặc cứ nhận tiền về quê ăn tết đã rồi sang năm
tính tiếp. “Chúng tôi đang đề nghị các doanh nghiệp đóng trên các KCN báo
cáo tình trạng cho công nhân nghỉ chờ việc. Với trách nhiệm của Công đoàn,
chúng tôi cũng chỉ biết vận động doanh nghiệp phải thực hiện đúng Luật Lao
động”, ông Nhân nói.
Theo báo cáo ngày 25.12 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình
Dương, tính đến nay có 2 doanh nghiệp Hàn Quốc (Công ty JS Vina và Jungdawa)
“mất tích” để lại khoảng 900 công nhân không có việc làm; 2.582 công nhân
của 24 công ty bị cắt giảm thời gian làm việc (từ 2 giờ đến 2 ngày/tuần).
Ngoài ra, Ban quản lý các KCN Bình Dương còn thống kê được 12 công ty cho
công nhân nghỉ việc do không có đơn hàng, thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, theo
ghi nhận của chúng tôi, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Người nghỉ về quê sớm thiệt thòi đã một lẽ, những người bị cắt giảm lao động
ở lại cũng gặp nhiều khó khăn. Họ đang cố tìm kiếm những công việc vặt vãnh
để kiếm thêm thu nhập, lo cho cái Tết sắp tới. Như anh N.V.T (quê Thanh Hóa,
công nhân Công ty cổ phần Dân Sinh) phải ở lại để chờ công ty trả nợ lương 4
tháng (từ tháng 8 đến tháng 12), đã mang đơn xin việc đến nhiều nơi nhưng
đều được hẹn qua Tết...
Sớm có phương án trợ giúp mất việc
Sau hai ngày làm việc 27 và 28.12, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2009 của
ngành lao động - thương binh và xã hội diễn ra tại TP.HCM đã kết thúc. Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Tại hội nghị, Vụ Lao động - Tiền lương cho biết: “Theo báo cáo nhanh của 14
địa phương, số lao động bị mất việc làm trong thời gian gần đây lên đến 30
ngàn người và có thể tiếp tục tăng vào năm 2009”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có phương án trợ giúp mất
việc cho người lao động một cách thiết thực trong lúc chờ đợi chính sách về
bảo hiểm thất nghiệp triển khai năm 2009 và sẽ thực hiện chi trả vào năm
2010. Ngoài ra, Thủ tướng còn băn khoăn về vấn đề đình công đang ngày càng
tăng, với năm 2008 là 712 vụ. Thủ tướng yêu cầu cơ quan thanh tra lao động
phải vào cuộc thường xuyên hơn, nếu thấy doanh nghiệp nào không chấp hành
luật lao động thì xử phạt ngay, tránh để tình trạng chủ bỏ trốn, khiến công
nhân phải bơ vơ vì mất việc làm.
Theo Thanh Niên Online
http://tintuc.timnhanh.com/xa_hoi/lao_dong/20081229/35A8CCD7/
Có khả năng sẽ có cả triệu người thất nghiệp
(TBKTSG) - Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, danh sách các
doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngưng sản xuất trong năm 2008 gồm 31 doanh
nghiệp. Trong số đó, hai ngành dệt may và da giày chiếm tỷ lệ 87% mà nhiều
nhất là may mặc, chiếm 65%.
Trước mắt là chia sẻ khó khăn
Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, phần lớn trong số doanh nghiệp
này có từ 200-400 công nhân, một số có quy mô 500-600, và chỉ có một doanh
nghiệp có trên 1.000 lao động.
Ông Cận cho biết trong tổng số hơn 8.300 lao động ở TPHCM bị mất việc từ 31
doanh nghiệp này có 65% hiện đã tìm được việc làm ở những doanh nghiệp khác
cùng ngành đang thiếu lao động, 17% về quê làm ăn, trong đó có một số làm
việc cho các cơ sở chi nhánh của công ty họ tại tỉnh nhà, 4% còn lại thuộc
các trường hợp ốm đau, thai sản và chưa có việc.
Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp này phải đóng cửa là do tình hình
đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt từ những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu
Âu. Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác cho toàn ngành dệt may nhưng
nhiều doanh nghiệp trong tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết lượng
đơn hàng xuất khẩu đã giảm 15-20% trong những tháng cuối năm 2008, trong khi
doanh số xuất khẩu thường chiếm đến hai phần ba tổng doanh số của các doanh
nghiệp này.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết sản xuất sụt giảm nghiêm
trọng ở hai khu vực doanh nghiệp: (1) doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm
sản xuất hàng cho công ty mẹ và xuất khẩu 100%, (2) các doanh nghiệp nhỏ
chưa xác lập được mối quan hệ trực tiếp với những khách hàng lớn ở nước
ngoài, chỉ chuyên gia công lại các đơn hàng xuất khẩu và phụ thuộc hoàn toàn
vào nguồn đặt hàng này.
“Nếu chiếu theo tình hình sụt giảm hàng xuất khẩu như hiện nay, lẽ ra con số
lao động nghỉ việc riêng trong ngành may mặc của cả nước ít nhất cũng phải
trên 100.000 người. Nhưng trong thực tế, số lao động mất việc trong năm 2008
được ước tính chỉ vào khoảng 10.000 người”.
Theo ông Ân, tình hình hiện nay chưa đến mức nghiêm trọng vì vẫn còn nhiều
doanh nghiệp đang thiếu lao động cần tuyển dụng thêm. Nhờ vậy, số lao động
dôi dư do sản xuất bị co hẹp đã nhanh chóng được các doanh nghiệp có nhu cầu
tiếp nhận, nhất là đối với lao động lành nghề.
Số tiếp tục bị thất nghiệp hầu hết thuộc vào loại tay nghề kém. Bên cạnh đó,
rất nhiều doanh nghiệp tuy đã giảm sản lượng nhưng chưa sa thải lao động còn
vì cái nghĩa cái tình. Bằng nhiều cách thức, họ đang cùng nhau chia sẻ khó
khăn. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện giãn ca - giảm thu nhập, giảm từ ba
ca xuống còn hai ca một ngày, ít hơn thì giảm khoảng 10-25% giờ làm việc.
Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp chấp nhận tung hết quỹ tài chính dự phòng
để cầm cự thêm một thời gian nữa trước khi quyết định sa thải công nhân.
Nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng!
Các đơn hàng xuất khẩu đã và đang giảm thêm khiến các doanh nghiệp, dù đã có
uy tín và thị trường ổn định lâu năm, cũng phải lo lắng cho năm 2009.
Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết
mặc dù một số khách hàng của công ty vẫn hứa hẹn những đơn hàng trong quí 1
nhưng bên cạnh đó cũng đã có một số khách hàng thông báo nhiều khả năng sẽ
giảm 20-30% số lượng hàng đặt.
Theo ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, tỷ lệ này ở
nhiều doanh nghiệp lên đến 50%! Ông Hoan cho biết vào giờ này những năm
trước, các doanh nghiệp đã có thể yên tâm với những đơn hàng cho quí 1, thậm
chí đến cả quí 3. Còn hiện nay, chưa ai dám xác nhận sẽ có đủ hàng làm trong
quí 1.
Trả lời TBKTSG về việc doanh nghiệp tính toán thế nào cho năm tới, chủ tịch
một công ty may tên tuổi ở TPHCM đã nói: “Chỉ còn biết đi chùa cầu khẩn!”.
Tại cuộc họp của Hội Dệt may Thêu đan TPHCM hồi tuần trước, nhiều doanh
nghiệp đã thống nhất phương án tiếp tục thu hẹp sản xuất, cần thiết thì cắt
giảm lao động từ từ để giữ doanh nghiệp tồn tại và hầu hết đều không đặt chỉ
tiêu về lợi nhuận!
Ông Hoan nói rằng, nếu sức cầu trên thế giới tiếp tục suy giảm, thì tình
hình sẽ rất xấu vào quí 2-2009 khi mà doanh nghiệp không còn cầm cự nổi,
phải cắt giảm hàng loạt lao động. “Lợi nhuận ngành may chỉ có thể giữ khối
lượng lớn công nhân tính trên đơn vị ngày, chứ không phải tháng. Và khi quỹ
dự phòng đã hết, chỉ cần số lượng đơn hàng giảm 20% thôi, ngành may cả nước
sẽ lập tức có khoảng 400.000 lao động thất nghiệp”, ông Hoan tính toán.
Và không chỉ riêng với ngành may, tình hình khó khăn đang diễn ra tương tự ở
ngành da giày và chế biến gỗ. Thiết nghĩ rất cần phải lường trước khả năng
số lao động thất nghiệp có thể lên đến cả triệu người trong năm tới!
Cần những giải pháp linh hoạt
Nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng có một số cách có thể làm giãn lộ trình cắt
giảm lao động nếu như doanh nghiệp được chia sẻ những gánh nặng về trách
nhiệm đối với người lao động.
Giám đốc một công ty may nói: “Trong lúc này, Nhà nước có thể linh hoạt thay
đổi một số quy định cũ, chẳng hạn như giảm lệ phí công đoàn, hỗ trợ doanh
nghiệp một phần trách nhiệm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao
động, miễn giảm thuế gia công lại đối với các doanh nghiệp gia công lại...”.
Một ví dụ khác được ông nêu ra như để nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi
những quy định không còn phù hợp với thực tế. Ông cho biết tình hình tài
chính khó khăn khiến hầu hết khách hàng đều thanh toán chậm, do vậy, khối
lượng hàng chậm xuất của doanh nghiệp gần đây thường chiếm tỷ lệ khá cao,
40-50%. “Thiết nghĩ Nhà nước có thể tạm nâng thời hạn chịu thuế hải quan về
tạm nhập - tái xuất nguyên vật liệu lên 365 ngày (chẳng hạn) thay vì 275
ngày (theo quy định)”, ông nói.
Trong khi đó, cả ông Hoan và ông Hồng đều cho rằng lẽ ra, Chính phủ nên giãn
lộ trình tăng lương cơ bản cũng như thời điểm áp dụng luật thuế thu nhập cá
nhân mới. Theo các ông, những việc như tăng cường thu thuế và tăng bảo hiểm
xã hội trên lương cơ bản trong lúc này có vẻ như không hợp với tình hình
thực tế “dầu sôi lửa bỏng”, cũng không đồng bộ với gói kích cầu 6 tỉ đô la
Mỹ mà mọi người đang bàn luận là nên giải ngân vào đâu. Có vẻ như cả nền
kinh tế đang nhìn vào gói kích cầu này và những doanh nghiệp sản xuất, gia
công cũng không ngoại lệ.
Cả Ban thường vụ Hội Dệt may Thêu đan TPHCM lẫn lãnh đạo Vinatex đều cho
rằng những doanh nghiệp ngành may mặc đông lao động, đang có đơn hàng sản
xuất là đối tượng xứng đáng được “dòm ngó” đến, và một phần của gói kích cầu
này nên hướng thẳng đến những người lao động thu nhập thấp hoặc bị mất việc
đang không có tiền chi tiêu trong mùa Tết Kỷ Sửu này.
Theo ông Lê Quốc Ân, việc trợ cấp thất nghiệp hay tặng tiền trực tiếp cho
người lao động là việc làm thiết thực trong lúc này, vừa ổn định dân sinh,
vừa kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp cho biết họ cũng cần
được hỗ trợ gián tiếp dưới các hình thức như giảm thuế, hỗ trợ lãi vay ngân
hàng... giúp họ tồn tại, duy trì sản xuất và giữ lại công nhân.
Lấy kinh nghiệm của năm 2008, ông Nguyễn Huy Cận cho rằng việc dự báo trước
khả năng đóng cửa của doanh nghiệp và số lao động dôi dư từ đó là hết sức
cần thiết để có kế hoạch điều chuyển lao động. Theo ông Cận, càng chủ động
chuẩn bị thì tính ổn định xã hội sẽ càng cao một khi nạn thất nghiệp diễn
ra.
Hiện tại, theo ông Lê Quốc Ân, các doanh nghiệp trong tập đoàn Dệt may đang
chia sẻ việc làm với nhau bằng cách thực hiện những chuỗi liên kết sản xuất
và điều chuyển lực lượng nhân công đáp ứng cho nhu cầu này. Chuỗi liên kết
được hình thành giữa các doanh nghiệp lớn có nhiều đơn hàng với doanh nghiệp
nhỏ và vừa có ít hoặc không có đơn hàng; giữa các doanh nghiệp có những dịch
vụ bổ trợ cho nhau.
Ông Ân cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ nếu muốn tồn tại phải tích cực
tìm kiếm và chủ động gia nhập vào một chuỗi liên kết.Đứng ở góc độ của các
cấp quản lý nhà nước, có ý kiến cho rằng giải pháp ngắn hạn có thể là việc
khôi phục và phát triển lại các làng nghề truyền thống ở các địa phương nhằm
thu hút ngược lại số lao động di dân lên thành thị quay về sống và làm việc
tại quê nhà. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các chương trình đào tạo
nguồn nhân lực ngắn hạn cho xuất khẩu lao động và khuyến khích xuất khẩu lao
động giản đơn.
THANH PHƯƠNG
Công nhân KCX-KCN tiếp tục mất việc
Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) vừa cho biết
hơn một tháng qua, có khoảng 20 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế
xuất, khu công nghiệp của thành phố đã cho 2.420 công nhân nghỉ việc.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý lao động của Hepza, cho biết các
doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc rơi vào các ngành sản xuất thiết bị
điện từ, chế biến gỗ, dệt may...
Theo Hepza, hiện có khoảng 940 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế
xuất, khu công nghiệp thành phố, thu hút khoảng 245.000 công nhân, trong đó
70% công nhân đến từ các địa phương khác.
Trong ảnh: anh Trần Bảo Trực, công nhân Công ty CXTech, doanh nghiệp sản
xuất linh kiện, phụ tùng xe hơi tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM,
đang sắp xếp hành lý để quay về Đồng Nai. Anh Trực cho biết đã làm việc tại
công ty này gần một năm, do thu hẹp sản xuất nên công ty đã cho hơn 100 công
nhân nghỉ việc vào sáng 29-12, trong đó có anh.
Văn Nam
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/13838/
Ngày 26.12.2008 Giờ 14:16
Công nhân thất nghiệp
Dịch vụ buồn
Số lượng công nhân mất việc lên đường về quê ngày càng nhiều khiến cho chủ
các cơ sở dịch vụ phục vụ công nhân như nhà trọ, chợ, quán ăn cũng đứng
trước nguy cơ thất nghiệp
Ám ảnh thất nghiệp
Chị Trần Thị Xuân quê ở Thanh Hoá, làm công nhân cho công ty Sangtain khu
công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, được ba năm kể: “Hơn tháng nay công ty
của chị không có đơn hàng. Tuần trước công ty đưa giấy xuống thông báo tuần
làm, tuần nghỉ. Tuần nào làm thì hưởng lương hết, còn tuần nghỉ thì hưởng
50% lương, ai đồng ý thì ký vào làm tiếp còn không đồng ý thì nghỉ hẳn”.
Lương căn bản của chị Xuân chỉ có 1,1 triệu đồng một tháng, không đủ sống
khi giá cả leo thang hồi giữa năm, nay cũng không dư được mấy khiến chị càng
lo hơn. Khoảng năm tháng nữa, chị Xuân phải nghỉ làm để sinh em bé. Tất cả
khoản chi trong thời gian tới trông cậy vào lương của chồng cũng làm công
nhân cho một công ty gỗ của Đài Loan. Thế nhưng, mấy ngày trước chồng chị
chẳng may vi phạm một lỗi nhỏ liền bị công ty cho thôi việc. Chị nói: “Năm
nay việc ít người nhiều, không khéo là công ty sa thải mình luôn”. Khi hỏi
về những dự định sắp tới, chị Xuân chỉ biết trông chờ vào vận may cho người
chồng kiếm được chỗ làm mới. Nếu không, theo chị, hai vợ chồng đành phải dắt
díu về quê, sống tạm theo kiểu “có gì ăn nấy”.
Anh Lê Văn Thống, công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần được gần hai năm,
cho biết, đa số các công ty đều muốn giảm biên chế. Vài tháng nay, cảnh đưa
bạn về quê là chuyện thường xảy ra với anh. May mắn hơn mấy người bạn vì vẫn
còn việc làm, nhưng theo anh, cũng không biết chắc có tránh được cảnh thất
nghiệp hay không.
Buồn theo công nhân
Hai tháng nay, khu nhà trọ nơi anh Thông ở ngày càng vắng dần. Quãng đường
chạy dọc khu dân cư tổ 16, ấp Đồng An, xã Bình Hoà huyện Thuận An, Bình
Dương chỉ độ chừng hai cây số nhưng có đến cả trăm cái biển đề có phòng trọ
cho thuê. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, công nhân ở trọ khu này cho biết: “Ngày
trước muốn tìm một phòng trọ mờ cả mắt cũng không ra, người mới phải ở ghép
với người cũ. Giờ chỗ nào cũng có ba, bốn phòng để không. Phòng nào cũ quá
chẳng ai thèm ngó ngàng tới”. Vắng khách, các quy định nghiêm ngặt như chỉ
cho nữ thuê hay giới hạn giờ đóng cửa cũng phải nới lỏng dần. “Giờ nhiều chủ
nhà trọ còn hạ giá để kéo người đến thuê”, chị Huyền nói.
Phòng trọ trống, chợ búa cũng chẳng hơn gì. Chợ 50, phục vụ chủ yếu cho công
nhân, buổi chiều tan ca không khí vắng lặng không còn tiếng cười nói, tiếng
í ới trả giá. Thỉnh thoảng vài tốp công nhân nữ ghé lại ở hàng rau, hàng
trứng. Một bà bán thịt heo ngao ngán: “Qua tháng chắc còn ế hơn”. Buôn bán ế
khiến cho tiền lãi hàng tháng phải trả của bà như to hẳn ra. Theo bà, hoàn
cảnh của bà cũng chả khác gì công nhân ở đây. “Ai mong tết chứ tôi chả mong
tí nào”, bà nói.
Không khá gì hơn hàng thịt, chị Phan Thị Hiến, mở quán giải khát được ba
năm, cho biết, năm nay buôn bán ế ấm. Chị nói: “Tiền thuê mặt bằng cộng với
tiền điện nước mỗi tháng ba triệu đồng, nhưng tháng rồi lỗ vì tiền mặt
bằng”. Lỗ nhưng chị Hiến vẫn tiếp tục bán do hợp đồng thuê mặt bằng qua năm
mới kết thúc. Chỉ tay vào mấy người khách đang uống nước trong quán, chị
nói: “Cũng toàn công nhân chờ việc cả. Sáng giờ chỉ kêu mấy ly nước mía, rồi
ngồi suốt buổi xem phim. Sang năm, cứ như vậy, thì tôi nghỉ bán về nhà lo
cơm nước cho chồng con”.
Thu Hằng
http://www.sgtt.com.vn/detail83.aspx?newsid=45310&fld=HTMG/2008/1225/45310
Thuế chống phá giá giày mũ da của EC
Ảnh hưởng 1 triệu công nhân Việt Nam
SGGP:: Cập nhật ngày 03/06/2006 lúc 07:15'(GMT+7)
Tổ chức phi chính phủ vì người lao động nghèo quốc tế (Action Aid
International - AAI) ngày 2-6 đã phát thông cáo báo chí cho rằng gần 1 triệu
công nhân Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định áp thuế chống
phá giá giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam của Ủy ban châu Âu (EC).
Nghiên cứu này do Văn phòng đại diện của AAI ở Việt Nam (Action Aid Việt Nam
- AAV) phối hợp với Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) tổ chức, nhận định:
“Nạn nhân chính của vụ kiện chống phá giá là những lao động nữ làm việc
trong ngành da giày vì ngành này thu hút trên 80% lao động nữ, chủ yếu là
lao động nghèo, họ có thể sẽ bị thất nghiệp”.
Thu nhập của người lao động trong ngành sản xuất giày da giảm rõ rệt, từ mức
trung bình 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng nay chỉ còn 1 triệu đồng/tháng. Riêng
mức thu nhập phổ biến của công nhân tại các công ty phía Bắc dao động trong
khoảng 600.000-800.000 đồng/tháng. Khoảng 500.000 công nhân sản xuất trực
tiếp đối diện với nguy cơ thất nghiệp rất cao, một lượng lớn lao động khác
trong các ngành phụ trợ và các ngành liên quan cũng bị liên đới ảnh hưởng.
Báo cáo kết quả nghiên cứu còn cho rằng đa số doanh nghiệp da giày Việt Nam
sản xuất gia công cho nước ngoài, không tham gia quá trình thương mại, tiêu
thụ sản phẩm, không quyết định giá thành và giá bán sản phẩm xuất khẩu nên
không thể là đối tượng tạo ra việc bán phá giá giày mà chỉ vô tình bị rơi
vào tình trạng phá giá.
Cùng ngày, kết quả nghiên cứu cùng với một lá thư tập hợp hơn 2.000 chữ ký
của các công nhân giày da đã được đưa ra trong phiên điều trần về vụ kiện
của EC tại Brussels (Bỉ). AAI kiến nghị EC nên xem xét lại việc áp thuế
chống phá giá giày mũ da Việt Nam và bảo đảm rằng những công nhân sản xuất
giày da Việt Nam không phải là đối tượng chính chịu hậu quả trực tiếp từ
quyết định này.
V.A - Q.P
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2006/6/49942/
“Kích cầu” và bài toán chống thất nghiệp
MINH ĐỨC
24/12/2008 18:56 (GMT+7)
Mới đây, một số tổ chức trong và ngoài nước đã bắt tay vào thực hiện một dự
án có tên “Máy xén chính sách”.
Nội dung của dự án là khảo sát và đề xuất những khả năng “xén” đi những thủ
tục rườm rà, những gì không cần thiết gây phiền hà và làm tăng chi phí của
doanh nghiệp.
Dự án nói trên ước tính, nếu “xén” được những điều đó, các doanh nghiệp sẽ
có khoảng 12.000 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD) để thúc đẩy sản xuất kinh
doanh…
Nói về chi tiết đó, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu
Chương trình Giảng dạy Fulbright, bình luận rằng: “Việc cải cách hành chính
như dự án đó đề cập cũng có tác động tương tự, thậm chí còn trực tiếp hơn so
với gói giải pháp kích cầu hiện nay, bởi vì đó là tiền thật, tiền của doanh
nghiệp làm ra được để họ dùng vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh”.
Cũng trong câu chuyện về kích cầu, một chi tiết trong gói giải pháp vĩ mô
của Chính phủ trong hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng lần này, được TS. Tự
Anh cũng như TS. Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
cho rằng cần đặt lên ưu tiên hàng đầu, đó là tạo công ăn việc làm mới và
chống thất nghiệp.
“Tôi đồng ý với quan điểm tạo ra công ăn việc làm cho 1,7 triệu lao động mới
mỗi năm là ưu tiên số 1 hiện nay. Ưu tiên này một công đôi việc, một phần nó
kích cầu. Một người có thu nhập và thu nhập ổn định thì họ sẽ tiêu dùng. Khi
có công ăn việc làm thì sẽ tạo được niềm tin của người tiêu dùng, tạo được
sự ổn định trong xã hội, đặc biệt là về mặt dư luận, tránh được những rủi ro
và rạn nứt về mặt xã hội”, TS. Tự Anh phân tích.
Hiện Chính phủ chưa công bố cụ thể các dự án và phân bổ vốn trong kế hoạch
kích cầu sắp tới, nhưng theo khuyến nghị của ông Tự Anh, trước mắt nếu sử
dụng gói kích cầu đó vào những hạng mục đầu tư thâm dụng lao động thì sẽ tạo
được nhiều giá trị tốt, kích thích cho nền kinh tế.
Ngược lại, nếu sử dụng cho những hạng mục đầu tư thâm dụng vốn thì đó là có
thể là một sai lầm.
Ví dụ mà chuyên gia này đưa ra là với khoản đầu tư 1 tỷ USD đẩy vào 1 cảng
biển, 1 sân bay, 1 con đường lớn, tất nhiên sẽ tạo ra nhu cầu, tạo ra việc
làm, nhưng số tiền đó sẽ làm được bao nhiêu dự án?
Chẳng hạn như triển khai dự án 1 sân bay mất khoảng 500 triệu USD, 1 tỷ USD
Chính phủ trích ra làm được 2 cái và chỉ có ích cho một khu vực nhỏ, lĩnh
vực và phạm vi nhỏ; trong khi nhiều dự án cần vốn ít hơn, tạo được nhiều lao
động hơn.
Cũng theo quan điểm của hai chuyên gia nói trên, trong bối cảnh kinh tế suy
giảm, thất nghiệp là một vấn đề của kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy về xã
hội. Đây là một trọng tâm cần ổn định để có những chính sách kịp thời, góp
phần tạo hiệu quả khi triển khai những chính sách kích cầu vĩ mô khác.
Thế nhưng, đến thời điểm này, những đánh giá cụ thể, số liệu cụ thể và những
dự báo chuyên ngành về thất nghiệp và yêu cầu tạo việc làm mới vẫn còn hạn
chế, nhất là trước xu hướng thất nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng.
“Rất tiếc là Tổng cục Thống kê có số liệu nhưng tôi tin là không hoàn toàn
chính xác về tình trạng thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay, như thế thì rất
khó cho các nhà hoạch định chính sách”, TS. Tự Anh nói.
Tại một cuộc họp báo đầu tuần này, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc
làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cũng cho biết hiện “các địa
phương cũng chưa trực tiếp báo số người thất nghiệp cụ thể trong cả nước là
bao nhiêu”.
Còn theo một tính toán mang tính kỹ thuật và tương đối mà ông Đồng đưa ra,
cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cứ GDP tăng 1% thì sẽ có 0,33
- 0,34% lao động có việc làm. Với Việt Nam, GDP giảm khoảng 2% trong năm
2008 đồng nghĩa với khoảng 0,65% việc làm bị mất, khoảng 300 nghìn người.
Với tính toán và giả thiết đó, cộng thêm xu hướng thất nghiệp trong năm
2009, mục tiêu tạo 1,7 việc làm mới mà các chuyên gia kỳ vọng càng trở nên
khó khăn.
Song, ở một phân tích khác, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ
Thương mại, mục tiêu tạo công ăn việc làm mới cũng đã được ngầm định trong
các định hướng kích cầu của Chính phủ. Trong các dự án, ngoài phục vụ trực
tiếp cho dự án đó còn gián tiếp thúc đẩy cho các ngành hàng, dịch vụ liên
quan, qua đó sẽ duy trì lao động, tạo được công ăn việc làm mới…
Tuy nhiên, ông Tuyển đồng ý rằng trong gói giải pháp và định hướng kích cầu,
mục tiêu tạo việc làm mới cần được đưa lên ưu tiên hàng đầu để xác định các
chính sách xứng đáng.
“Hiện nay, mọi người đang tập trung nói về tăng trưởng GDP. Rõ ràng, trong
suy thoái, giữ được tốc độ tăng trưởng GDP cao là tốt. Nhưng chỉ tăng trưởng
sản lượng không thôi thì chưa đủ, nhất là khi tăng trưởng của ta chủ yếu gắn
với tăng vốn đầu tư và dựa vào khai thác tài nguyên, ít gắn với tạo việc
làm.
Trong thời buổi này, ta cần duy trì tăng trưởng, nhưng việc làm, thu nhập
của nhóm người nghèo, lòng tin và sự ổn định xã hội còn quan trọng hơn và
khó đạt được hơn”, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
http://vneconomy.vn/20081223114810644P0C11/kich-cau-va-bai-toan-chong-that-nghiep.htm
Giải quyết việc làm và độ tin cậy của những con số
Minh Thúy
Thứ năm, 8/1/2009, 12:12 (GMT+7)
Chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,7 triệu người lao động trong năm 2009 không có
cơ sở cả về lí thuyết và thực tiễn?...Nhiều lao động đã và đang mất việc
trong một thời gian ngắn. Chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 1,7 triệu lao động
năm 2008 không thể hoàn thành. Nhiều dự báo tình hình kinh tế năm 2009 sẽ
tiếp tục khó khăn.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi về tính khả thi của con số 1,7 triệu lao động
được giải quyết việc làm năm 2009 đã được VnEconomy đặt ra với đại biểu Quốc
hội Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Và, câu trả lời của ông thật bất ngờ...
Chỉ tiêu chỉ có tính chất định hướng
Thưa ông, con số lao động mất việc đang tăng lên từng ngày ảnh hưởng như thế
nào đến việc thực hiện một trong số các chỉ tiêu quan trọng của năm 2009 đã
được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư: tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu
lao động?
Trước kỳ họp thứ tư của Quốc hội, khi Chính phủ báo cáo vấn đề này với cơ
quan thẩm tra của Quốc hội đã có một số ý kiến đề nghị làm rõ các điều kiện
và giải pháp để có thể đạt được chỉ tiêu giải quyết việc làm.
Năm 2007, khi tăng trưởng kinh tế ở mức 8,48% chỉ tạo được 1,68 triệu việc
làm. Năm 2008, báo cáo của Chính phủ tại kì họp thứ tư, Quốc hội khóa XII
(tháng 10/2008), dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt từ 6,5-7% và tạo được 1,615
triệu việc làm. Hiện nay theo con số chính thức thì GDP năm 2008 chỉ tăng
6,23%.
Từ tháng 10/2008 đến nay, do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng
hóa tồn đọng, chậm lưu chuyển, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh
doanh phải cho lao động nghỉ hoặc thôi việc, số doanh nghiệp tuyển mới không
nhiều thì con số 1,615 triệu lao động được giải quyết việc làm năm 2008 có
lẽ không chính xác.
Năm 2009, dự báo nền kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế
và tài chính quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trong nước và
doanh nghiệp ở các nước có tiếp nhận lao động xuất khẩu của Việt Nam không
những không tuyển thêm lao động mà có khi còn cho nghỉ việc, thôi việc.
Vậy thì chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,7 triệu người lao động, theo tôi, là
không có cơ sở cả về lí thuyết và thực tiễn.
Theo báo cáo tổng kết của ngành lao động - thương binh và xã hội thì năm
2008 chỉ có 1,535 triệu người được giải quyết việc làm...?
Con số đó so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội và chỉ tiêu đặt ra thì mức độ
đạt được rất thấp nhưng lại sát với thực tế hơn, tuy có ảnh hưởng về mặt
thành tích của ngành.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào tăng vốn đầu
tư phát triển và lao động, chứ chưa phải từ tăng chất lượng, năng suất lao
động và hàm lượng trí tuệ trong hoạt động kinh tế.
Giải quyết việc làm hằng năm phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng kinh
tế, vốn cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, đặc biệt là tốc
độ tăng trưởng kinh tế.
Năm 2008, cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng chỉ tạo
được khoảng 450 ngàn chỗ làm việc mới cho người lao động, còn khoảng 3/4
tổng số lao động tự tìm việc làm thông qua vốn đầu tư phát triển và tốc độ
tăng trưởng kinh tế của Nhà nước.
Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, có nghĩa sản xuất, kinh doanh không có
hiệu quả thì doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh cũng không thể tuyển thêm
lao động như ta mong muốn.
Như vậy, số liệu lao động được giải quyết việc làm năm 2008 và 2009 khó có
thể đạt được kế hoạch đề ra và số liệu báo cáo cũng chỉ là số liệu tính toán
suy luận, sơ bộ, chưa có hệ thống thống kê đủ điều kiện để khẳng định độ tin
cậy của chỉ tiêu giải quyết việc làm hằng năm.
Đã có vị ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói là không thể có chuyện tăng
trưởng kinh tế giảm, xuất khẩu giảm mà việc làm lại tăng, đó là nghịch lý?
Đúng thế.
Nhưng hiện nay vẫn tồn tại “cái lý” GDP giảm nhưng tổng quỹ đầu tư cho phát
triển vẫn là 40% GDP thì giải quyết việc làm vẫn cứ tăng lên. Hiểu như thế
là không đúng vì cần phải xem cơ cấu đầu tư ra sao.
Nếu đầu tư tập trung cho cơ sở hạ tầng và xây dựng lại thì chỗ làm việc mới
tạo ra không nhiều. Còn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh mà kinh tế đang suy
thoái thì doanh nghiệp cũng không thể tuyển thêm lao động. Trong trường hợp
này thì làm sao có thể tăng thêm chỉ tiêu giải quyết việc làm.
Ủy ban về các vấn đề xã hội có ý kiến ra sao về chỉ tiêu giải quyết việc làm
chưa có cơ sở vững chắc này, thưa Phó chủ nhiệm?
Khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ,
chúng tôi đã có ý kiến phân tích không thể có con số 1,7 triệu lao động có
việc làm trong năm 2009.
Ý kiến này nêu ra không chỉ một lần và trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban
Kinh tế trình ra Quốc hội cũng đặt ra nhưng việc tiếp thu của Chính phủ lại
là vấn đề khác. Chúng tôi đã thực hiện đúng luật, làm đúng chức năng của
mình.
Theo tôi, vấn đề là ở chỗ, chỉ tiêu giải quyết việc làm cũng như nhiều chỉ
tiêu kinh tế - xã hội khác khi được Quốc hội thông qua, ghi vào nghị quyết
có phải là chỉ tiêu bắt buộc phải thực hiện hay là chỉ là các chỉ tiêu mang
tính chất định hướng.
Theo pháp luật quy định hiện hành thì Nghị quyết của Quốc hội là một văn bản
quy phạm pháp luật, có giá trị thực hiện như một luật và nhiều nghị quyết
của Quốc hội ban hành đã được thực hiện như vậy. Nhưng đến các chỉ tiêu phát
triển kinh tế - xã hội hằng năm thì việc thực hiện lại không được coi là quy
định của pháp luật. Quốc hội nên xem xét vấn đề này để việc thảo luận và
thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm được đầy đủ và sâu sắc hơn.
Ý kiến không được tiếp nhận nhưng có thể thể hiện chính kiến của mình qua lá
phiếu khi biểu quyết về các chỉ tiêu hằng năm, phải không ạ?
Tôi nghĩ có nhiều đại biểu nhận thấy một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra
chưa thật hợp lí nhưng Quốc hội không biểu quyết từng chỉ tiêu mà biểu quyết
theo khoản hoặc điều, nên các chỉ tiêu gộp chung trong điều, khoản thường
được thông qua.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vấn đề chính là các chỉ tiêu được thông
qua chưa phải là quy định nghiêm ngặt của pháp luật, kết quả thực hiện chưa
gắn với xử lí cơ quan chức năng có trách nhiệm.
Không muốn thất nghiệp thì... về nông thôn
Có chuyên gia kinh tế đã dự báo sẽ có hơn 1,1 triệu lao động sẽ thất nghiệp
trong năm 2009, thay vì chỉ dừng ở 300 ngàn như con số ước tính ban đầu của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội? Độ tin cậy của những con số này đến
đâu, theo Phó chủ nhiệm?
So với con số lao động được giải quyết việc làm thì số lao động thất nghiệp
có thể có độ tin cậy cao hơn vì thất nghiệp chỉ xảy ra ở khu vực thành thị,
nơi dễ và có điều kiện quản lí hơn, không xảy ra ở vùng nông thôn rộng lớn.
Vì ở nông thôn người ta lấy chỉ tiêu sử dụng thời gian lao động làm thước
đo, do đó không có lao động thất nghiệp. Vì vậy, ai không muốn thất nghiệp
thì về sống ở nông thôn.
Còn về các con số dự báo 300 ngàn hoặc 1,1 triệu hoặc có nơi còn đưa ra sẽ
có thêm 3 triệu lao động thất nghiệp trong năm 2009, đều chẳng dám nói rõ
ràng, cơ sở dự báo từ đâu và dự báo nhằm mục đích gì, trách nhiệm dự báo đến
đâu, nên có lẽ cũng chẳng cần bình luận độ tin cậy con số của họ đưa ra làm
gì.
Vấn đề chắc chắn là suy thoái kinh tế, sản xuất đình đốn, mọi ngành, nghề
đều bị ảnh hưởng lớn, nhỏ, lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng lên là lẽ
đương nhiên. Còn số đó bằng bao nhiêu, cơ quan chức năng của Chính phủ cần
thống kê minh bạch, rõ ràng, đề xuất giải pháp để ổn định thu nhập, đời sống
cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Theo ông thì nên lo cho họ thế nào ạ?
Cái lo này phải nằm trong chính sách, biện pháp chung chống lạm phát, chống
suy thoái của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội chứ không thể lo riêng cho
mấy trăm ngàn người mới thất nghiệp.
Quan trọng nhất vẫn là tìm cách hỗ trợ sản xuất kinh doanh trở lại ổn định,
bình thường, tìm thế mạnh của mình để phát huy.
Chẳng hạn tập trung vào thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp,
tránh thất thoát, lãng phí; khai thác, chế biến dầu thô để thay thế nguyên,
nhiên vật liệu nhập khẩu; tập trung đầu tư, đẩy nhanh các công trình kinh tế
trọng điểm tạo tiền đề cho ngành, nghề khác phát triển....
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp liệu có làm cho người mất việc sớm quay lại
thị trường lao động không, thưa ông?
Bảo hiểm thất nghiệp là cách làm của nhiều nước trên thế giới theo cơ chế
thị trường. Nhiều nước người ta làm hàng trăm năm nay rồi, rất ổn định và
rất tốt cho đảm bảo an sinh xã hội.
Với Việt Nam, chính sách này cũng rất cần thiết. Nếu cứ để doanh nghiệp khi
sản xuất đã thu hẹp mà còn phải gánh cả trợ cấp mất việc thì làm sao mà
phục hồi được sản xuất.
Nhưng điều đáng nói hiện nay là việc phân công, triển khai thực hiện chưa ổn
lắm, nặng về tính toán tiết kiệm tổ chức, biên chế, nặng về thu và chi trả
trợ cấp chứ chưa coi trọng chuyện giúp người lao động trở lại làm việc mới -
là nhiệm vụ chính. Trợ cấp chỉ là tạm thời, cái chính là bồi dưỡng tay nghề
hoặc thậm chí đào tạo lại nghề, tìm và giới thiệu cho họ có việc làm mới là
mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp.
Phân công cơ quan bảo hiểm xã hội làm thì chỉ được một vế phụ, còn vế chính
dù có quy định và hô hào thế nào để cơ quan khác phải tham gia vào cũng vẫn
không có hiệu quả. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho ta bài học để
lựa chọn cách làm phù hợp, tốt hơn.
Phải chăng đầu tư cho ngành lao động cũng là cách làm để tạo sự tin cậy cho
những con số liên quan đến giải quyết việc làm?
Quản lí được lao động, phân công, sử dụng hợp lí, có chính sách phân phối
thu nhập khoa học, phù hợp đối với lao động là nhiệm vụ quan trọng quyết
định tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Nhưng nhiều năm nay khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, chúng ta
đã xem nhẹ công tác lao động, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế bị thu hẹp, công
việc tập trung chủ yếu cho chính sách an sinh xã hội sử dụng ngân sách Nhà
nước.
Cho đến nay, một ngành với nhiệm vụ phải lo gần như từ đầu đến cuối cho mọi
người dân thì tổ chức, biên chế cũng chẳng hơn gì các ngành quản lí ngành,
lĩnh vực khác là bao nhiêu.
Vì vậy, đầu tư cho lao động và quản lí lao động chắc chắn sẽ có hiệu quả,
không chỉ đối với giải quyết việc làm mà cho cả nền kinh tế - xã hội trong
phát triển bền vững.
http://vneconomy.vn/PrintPreview.aspx?NewsID=20090107064732911
Ba kịch bản cho lao động thất nghiệp
DŨNG HIẾU
07/01/2009 09:45 (GMT+7)
Hết năm 2008, cả nước có gần 30.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp
bị mất việc làm do suy giảm kinh tế.
Dự báo, năm 2009, khoảng 150.000 lao động thất nghiệp, cộng thêm với 30.000
người mất việc năm cũ là 180.000 người. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội lên “kịch bản” để ứng phó với tình hình lao động mất
việc.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận,
suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không
nhận được đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng một số tỉnh phía Nam, phía Bắc - nơi
tập trung nhiều khu công nghiệp, mấy tháng nay đã cho 22.000 lao động nghỉ
việc.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động bị mất việc làm dưới 3
hình thức: chủ sử dụng bỏ trốn; doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp thu hẹp
sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân công.
Thất nghiệp vì kinh tế suy thoái
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng vừa báo cáo Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội về tình hình doanh nghiệp thu hẹp, ngừng sản xuất dẫn đến số
người lao động mất việc làm, phải nghỉ việc.
Theo đó, đến thời điểm này có 3 doanh nghiệp (đều thuộc khu vực FDI) có báo
cáo về tình hình lao động mất việc vào cuối năm 2008 với tổng số 899 người.
Trong đó, Công ty TNHH Kim Quốc Bảo có 750 lao động mất việc làm. Công ty
Wei Xern Sin Đà Nẵng có 106 lao động nhưng hiện chỉ còn 5 người được giữ lại
để giải quyết một số vấn đề tồn đọng của đơn vị. Đặc biệt, Công ty Khoáng
sản Transcend Việt Nam có 48 lao động thì cả 48 người đều... mất việc làm!
Thống kê của Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố Hà Nội
cho thấy, 3-4 tháng gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo cắt giảm
lao động do sản xuất kinh doanh gặp khó, như Công ty Canon (khu công nghiệp
Thăng Long và Quế Võ), với khoảng hơn 2.000 lao động, Công ty Nissei
Electric khoảng 300 lao động... hoặc tạm ngưng việc, hoặc nghỉ việc ăn lương
từ 50-70%.
Công ty Cổ phần Sữa Hanoimilk cũng vừa cho nghỉ việc gần 250 lao động, trong
đó phần lớn là người của địa phương mà doanh nghiệp đã nhận vào theo cam kết
khi đền bù, giải phóng mặt bằng.
Công ty Đèn hình Orion - Hanel ở khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên) vừa
phá sản khiến hàng nghìn lao động thất nghiệp. Công ty Cơ khí chính xác số 1
và Công ty Cơ khí Cổ Loa (Hà Nội) thuộc Tổng công ty Máy Động lực và Máy
Nông nghiệp Việt Nam đã phải cho khoảng 150 công nhân nghỉ 2-3 ngày trong
tuần suốt từ tháng 10/2008 đến nay.
Công ty Cổ phần Gang thép Vạn Lợi (Hải Phòng) cũng đang cho hơn 1.000 công
nhân nghỉ việc từ nhiều tháng nay và sẽ còn kéo dài qua Tết do phôi thép
không bán được, không cạnh tranh nổi phôi thép nhập khẩu. Hiện số lao động
này nghỉ chỉ được hưởng 50% lương, doanh nghiệp nợ 50%.
Còn tại Tp.HCM, thống kê chưa đầy đủ thì toàn thành phố có khoảng trên 7.000
lao động tại các doanh nghiệp và 3.798 lao động trong các khu chế xuất - khu
công nghiệp bị mất việc.
Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM, lao động chủ
yếu là gia công các mặt hàng xuất khẩu, do đó năm 2009 chắc chắn sẽ có hàng
loạt công nhân bị cắt giảm.
Ba kịch bản ứng phó
Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động - tiền lương (Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội), sẽ phải có kịch bản cho từng trường hợp.
Tại kịch bản 1, người lao động bị mất việc do chủ sử dụng lao động bỏ trốn
(chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Trước khi trốn, ông chủ đã tẩu tán hết tài sản khiến lao động vừa bị mất
việc, vừa bị nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội dự kiến đề nghị UBND tỉnh phải có trách nhiệm chỉ đạo
các cơ quan chức năng tiếp nhận và chỉ đạo đội ngũ quản lý còn lại của doanh
nghiệp đứng ra giải quyết các thủ tục cần thiết cho người lao động.
Đồng thời phải lập phương án về xử lý lao động theo hướng giới thiệu lao
động cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu.
Còn với số lao động không sắp xếp được việc làm thì phân loại để xử lý theo
hướng số lao động đã đủ điều kiện nghỉ hưu thì cho nghỉ hưu, nếu chưa đủ
điều kiện nghỉ hưu thì giải quyết chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ cho người lao
động.
Tại kịch bản 2, đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, sẽ thực hiện theo
quy định của pháp luật.
Người lao động trong trường hợp này được doanh nghiệp thanh toán các khoản
nợ lương, phụ cấp, trợ cấp thất nghiệp, chi phí y tế đối với người lao động
bị tai nạn lao động, tiền trợ cấp thất nghiệp... đồng thời được giải quyết
chế độ trợ cấp thôi việc.
Nguồn chi trả sẽ lấy từ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, nếu không
đủ được thanh toán theo tỷ lệ nợ tương ứng.
Ông Huân cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép sau khi giải quyết theo
chế độ phá sản, giải thể, vẫn còn trường hợp phải trả nợ lương, phụ cấp và
trợ cấp thôi việc cho người lao động thì tài sản còn lại của doanh nghiệp,
nếu thiếu sẽ được Nhà nước hỗ trợ.
Tại kịch bản 3, đối với doanh nghiệp cắt giảm lao động.
Theo ông Huân, đây là trường hợp khó nhất, do doanh nghiệp vẫn hoạt động
nhưng khó khăn nên phải cắt giảm lao động.
Việc cắt giảm dựa vào các hình thức: hai bên thỏa thuận tạm ngừng thực hiện
hoạt động trong một thời gian nhất định, trong thời gian này quyền lợi của
người lao động được thực hiện theo thỏa thuận.
Hoặc có thể doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (thỏa
thuận chấm dứt, hết hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng...), thì
trong trường hợp này, người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc (mỗi năm
1/2 tháng lương).
Doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm đối với
người lao động bị cắt giảm theo quy định của pháp luật, nguồn kinh phí lấy
từ chi phí và quỹ trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có từ 200 đến 500 lao động phải cắt giảm trên 10% và
doanh nghiệp trên 500 lao động phải cắt giảm ít nhất 5%, nếu doanh nghiệp
thực sự khó khăn, không đủ kinh phí để trả trợ cấp thôi việc, mất việc thì
được Nhà nước hỗ trợ, nhưng tối đa bình quân mỗi người không quá 3 tháng
lương.
Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước mắt thực hiện
phương án này trong năm 2009, sau đó tùy tình hình sẽ tính tiếp sau năm
2009.
Với dự kiến có khoảng 150.000 người bị mất việc trong 2009 và với mức hỗ trợ
dự kiến tối đa là 3 tháng lương như trên thì ngân sách Nhà nước (cả trung
ương và địa phương) sẽ phải chi khoảng 900 tỷ đồng.
http://vneconomy.vn/PrintPreview.aspx?NewsID=20090107064732911