Những câu hỏi “chết người” dành cho Bộ LĐ-TB-XH

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng   10/03/2008

 

Những bài cùng tác giả

Lao động VN đang làm việc tại một xí nghiệp ở Malaysia

Vì sao người lao động VN ở nước ngoài lâm vào những hoàn cảnh bi đát như vậy và hàng loạt câu hỏi khác cần phải được chất vấn...

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư khóa VII, Đảng đã nhấn mạnh: Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc cao nhất là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta. Vậy mà tôi vô cùng ngạc nhiên nghe ông thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tuyên bố trước các nhà báo: “So với người đang lao động ở trong nước thiệt mạng giữa độ tuổi 25-30 thì tỉ lệ người lao động Việt Nam tử vong ở thị trường Malaysia thấp hơn 2-3 lần. Năm 2007 , kể cả bệnh tật lẫn tai nạn lao động, khoảng 107 lao động Việt Nam tại Malaysia bị thiệt mạng, tỉ lệ là 0,09%. Con số này đã giảm so với các năm trước”.

VÔ CẢM.- Sao lại có thể tuyên bố một cách vô cảm như vậy được? Sao lại “khoảng 107 người?”, tức là đến nay vẫn chưa biết chính thức là bao nhiêu người thiệt mạng ư? Sao lại “giảm so với các năm trước?”. Vậy thì xin thứ trưởng cho biết từng năm trước đây đã có bao nhiêu lao động Việt Nam thiệt mạng ở Malaysia và các thị trường lao động khác? Tại sao lại “so với người đang lao động trong nước?”. Người đi lao động nước ngoài được làm việc trong hoàn cảnh công nghệ cao hơn trong nước, với mức thu nhập cao hơn nhiều so với trong nước. Vậy tỉ lệ tử vong thấp hơn 2-3 lần là đã có đủ căn cứ điều tra khoa học hay không và có phải là chuyện đáng để xem như một sự thanh minh? Tôi nghĩ sự đổ tội cho việc “khám sức khỏe cho lao động Việt Nam đi Malaysia đơn giản quá” (!) là không thỏa đáng. Vậy ai chịu trách nhiệm công việc này? Tại sao cũng là đi xuất khẩu lao động nhưng đi Hàn Quốc lại “phải khám ba lần?”. Trách nhiệm của những người đứng đầu việc tổ chức xuất khẩu lao động ở đâu? Ai có quyền cho phép “để lọt cả những phần tử có nhân thân không tốt đi xuất khẩu lao động nên những đối tượng này đã tụ tập hình thành những băng cướp của, thậm chí giết người chính người Việt Nam”? Thế Bộ LĐ-TB-XH bây giờ mới biết chuyện này à? Và sẽ còn để tiếp tục lọt những phần tử như vậy nữa hay không?

Ông cục trưởng Cục Quản lý lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: “Hiện nay có gần 120.000 lao động đang làm việc tại Malaysia... Có thời điểm số lao động Việt Nam tử vong tại Malaysia lên đến 2% do các nguyên nhân chất lượng khám sức khỏe cho người lao động đi Malaysia chưa cao; cách sinh hoạt của người lao động không phù hợp; người lao động không quen với nếp sống đô thị hiện đại, tác phong làm việc công nghiệp nên thường xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông...”.

Hóa ra tới 2% (!) lao động Việt Nam có thời điểm tử vong toàn do những lý do của địa phương hay của bản thân người lao động (!?). Thế trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH ở đâu? Chả lẽ địa phương hay người lao động tự ý đi sang được tận Malaysia để tìm việc làm hay sao? Con số 2% (chứ không phải 0,09%) thật là khủng khiếp! Thông tin gần đây cho biết có tới 200 lao động Việt Nam đang làm việc tại Jordan đang lâm vào tình cảnh rất nguy kịch. Người đưa họ đến đây là Trung tâm Đào tạo & Xuất khẩu lao động thuộc Công ty cổ phần Da giày Việt Nam (!). Vậy trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH ở đâu đối với các trung tâm gọi là “đào tạo và xuất khẩu lao động” mọc lên khắp nơi như vậy?

Chẳng lẽ không phải Bộ lđ-tb-xh? Chúng ta đều biết rằng xuất khẩu lao động để cải thiện mức sống và nâng cao tay nghề là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Riêng năm 2005 số ngoại tệ do người lao động và chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đạt tới khoảng 1,7 tỉ USD. Nhưng những quyền lợi hợp pháp của họ, những chính sách dành cho họ, ai giám sát và bảo vệ?

VÀ NHỮNG KHUYẾN NGHỊ.- Theo thông tin trên mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (www.cpv.org.vn) dẫn từ báo cáo của một tổ chức quốc tế vừa công bố, có tới 57% lao động xuất khẩu của Việt Nam mắc nợ do phải lo nhiều chi phí để được ra nước ngoài làm việc.

Báo cáo “Các vấn đề chính sách pháp luật về lao động di cư: Hiện trạng và những tác động tới chiến lược giảm nghèo tại các nước phương Nam khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Action Aid International, một tổ chức quốc tế về chống đói nghèo hoạt động tại hơn 40 quốc gia, công bố tại hội thảo ở Hà Nội ngày 18-1, khảo sát tình trạng xuất khẩu và nhập khẩu lao động của Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách giảm nghèo và bảo vệ người lao động nhập cư. Báo cáo đánh giá cao thành tựu xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu cho đất nước từ chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam, được xây dựng theo hướng có lợi cho người nghèo, đặc biệt với sự ra đời Luật Về người lao động Việt Nam ở nước ngoài (2006). Báo cáo cũng cho rằng những quy định pháp luật này của Việt Nam không có giá trị pháp lý ở các nước nhập khẩu lao động. Theo báo cáo, hiện có 57% người lao động Việt Nam mắc nợ do phải chi trả chi phí tuyển dụng và xuất cảnh (trong khi đó Philippines: 73%, Indonesia: 35%). 88% lao động Việt Nam phải làm thêm ngoài giờ để trả nợ (Philippines: 82%, Thái Lan: 63%). Mức nợ trung bình của lao động nhập cư từ 376 USD -2.367 USD với lãi suất từ 0% - 60%, thời gian hoàn trả trung bình từ 10-36 tháng. Tỉ lệ nữ lao động xuất khẩu của Việt Nam là 45% (2006) có xu thế gia tăng và đó là đối tượng lao động phổ thông dễ bị phân biệt đối xử và lạm dụng. Báo cáo khuyến nghị sớm thành lập một tiểu ban của Quốc hội giám sát vấn đề lao động nhập cư và vận động các nước ASEAN xây dựng cơ chế thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền lao động nhập cư.

Rõ ràng những câu hỏi tôi nêu ra ở trên, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là những câu hỏi “chết người” dành cho Bộ LĐ-TB-XH. Cả những khuyến nghị nêu trên chẳng lẽ dành cho người lao động chứ không phải Bộ LĐ-TB-XH?

 

Đã đăng trên báo Người Lao Động

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng