Giáo dục đại học: nhắc lại một kiến nghị

Vietsciences-Gs. Bùi Trọng Liễu       27/02/2005  

 

Trong tình hình hiện tại rất phức tạp, không đồng đều và đôi khi tự phát của giáo dục đại học của nước ta, một cuộc chấn hưng “toàn bộ” có lẽ khó thực hiện được. Do đó, một trong những kiến nghị của tôi trong thời gian qua là lập ra một vài cơ sở công lập hoàn toàn “mới”, cỡ nhỏ để có sức quản lý cho tốt để làm gương. Đồng thời cứ để cho các đại học khác tiếp tục tồn tại, dù là công lập, dân lập hay tư lập, kệ họ phát triển tốt, hoặc lay lắt, hoặc biến đi, miễn là đừng đi lệch hướng. Rồi dần dần sẽ tính sau. Việc lập ra những cơ sở mới bên cạnh những cơ sở cũ (đang tồn tại nhưng không đáp ứng được hết những yêu cầu của thời đại) cũng là chuyện đã xảy ra từ thuở xưa ở nước khác. Thí dụ như ở Pháp, năm 1530, vua François I cho thành lập Collège royal (ngày nay gọi là Collège de France, một cơ sở đào tạo nghiên cứu bậc nhất của nước Pháp) bởi vì nhà vua có những lý do để không hài lòng về đại học Sorbonne thuở ấy. Rồi đến năm 1867 dưới triều hoàng đế Napoléon III, bộ trưởng Victor Duruy thành lập Ecole Pratique de Hautes Etudes cũng trở thành một cơ sở đào tạo nghiên cứu nổi danh ngày nay. Còn nước ta trong quá khứ, đã có lúc chính các vua chúa cầm quyền cũng biết là việc học nước ta không được “ổn”, nhưng có lẽ “hãi” một sự cải cách cho là quá lớn, nên đâm ra rụt rè không dám thực hiện. Thí dụ như thế kỉ 19, vua Gia Long tiếp xúc với phương Tây, có lẽ đã biết rõ tình thế việc học nước ta thuở đó ; rồi tới vua Minh Mạng, đã có lời nói với triều thần: “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. […]. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được. […]” (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim). Huống chi vua Tự Đức! Do đó, tôi nghĩ rằng không nên tiến hành cải cách bằng việc đổ ồ ạt những phương tiện vào những cơ sở cũ, (dù cho có cài một vài tính cách “cho là mới” vào đó), vì như vậy là vừa tốn kém vừa ít hiệu quả. Việc lập ra một cơ sở nhỏ, nhưng hoàn toàn “mới”, mang tính cách “hoa tiêu”, chính là cách tiến hành cuộc chấn hưng có hiệu quả, mà không làm cho các thành phần liên quan bị “hãi”. Bây giờ tôi xin nói, theo ý tôi, thế nào là một cơ sở “mới”:

1/ Đó là một đại học (công lập)  “mới”  không có qui mô lớn (có thể lúc đầu chỉ vài trăm sinh viên), nhưng chất lượng phải tương xứng, nghĩa là phải được cung cấp những phương tiện mọi mặt, (kể cả việc sinh viên được miễn học phí, có học bổng, được có chỗ ăn ở đàng hoàng), vv... “Mới”  không có nghĩa là phải xây trưòng sở mới, phương tiện sang trọng, vv., mà có nghĩa là: tuyển lại thày “mới” (theo nghĩa rộng: chuyển từ nơi khác sang hay tuyển người mới vào nghề), tuyển trò“mới”, theo một mô hình “mới”.

2/ Mô hình đại học “mới” đó, nên là  3+2+3, nghĩa là gồm 3 cấp (tương ứng với 3 “đầu ra”, cần phù hợp với thị trường lao động):

- Cao đẳng - cử nhân : đầu ra là tú tài +3 (hay +4 nếu phải “bổ túc” sinh viên vì trình độ học ở trung học yếu).

- Thạc sỹ - kỹ sư: đầu ra là tú tài +5.

- Tiến sỹ : đầu ra là tú tài +8.

Tôi ở xa nên không rõ thc tế trong nước về các trường Cao đẳng. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ thất sách, nếu như qui định ngay từ đầu rằng có một hệ cho sinh viên « kém » (học ngắn) và một hệ cho sinh viên « giỏi » (học dài), bởi vì như vậy thì các trường cao đẳng có thể bị « rỗng », nước nhà sẽ tiếp tục thiếu « kỹ thuật viên » trung gian giữa công nhân và kỹ sư, cũng như tiếp tục thiếu những chuyên viên hạng trung gian trong các ngành khác, vv. Sự lựa chọn cho học tiếp lên cao hay không, chỉ nên thực hiện khi đã học hết cấp. (C nhân giỏi, có khả năng học tiếp, thì mới cho ghi tên học Thạc sỹ , vv.). Theo nghĩa đại học mới” này, cao đẳng là chặng đầu cho bất cứ sinh viên nào, bất cứ ngành nào. (Về Y, Dược, Nha thì tùy tình hình mà châm chước).

3/ Trong mô hình đại học mới” đó, 

Cấp Cao đẳng  : 2 năm đầu cấp dành cho học « cơ bản » chung theo một số ngành, năm thứ ba thì tách (tỏa ra) học chuyên môn nghề.

Cấp Thạc sỹ : năm đầu học cơ bản cấp cao, năm thứ nhì làm « đề án chuyên nghiệp », (không nên lẫn với  nghiên cứu và phát minh ra cái mới).

Cấp Tiến sỹ :  chủ yếu là nghiên cứu cái mới, song song với việc bổ túc hiểu biết qua các xê-mi-na (không còn việc học thi, trả bài nữa). Cấp này bao gồm đào tạo và nghiên cứu gắn liền với nhau, chính là cái cấp « đào tạo qua nghiên cứu ».

Quan trọng không phải ở số năm học (cho nên không nhất thiết phải hoàn toàn đúng số năm nhưnói trên), mà là ở hướng tổ chức và tinh thần học tập. Mô hình 3+2+3 hiện đang đưa vào áp dụng ở Tây Âu, mang tính liên thông trong cộng đồng này, đồng thời tương ứng với cách tổ chức đại học kiểu Mỹ.

4/ Đại học “mới” này, nên là đại học đa khoa. (Tôi không dám dùng chữ “đại học tổng hợp”, vì quá khứ, tên dùng này trót bị hiểu theo một nghĩa « không đẹp », có thể do bị hiểu lầm : cho cảm tưởng là tuy nhiều khoa nhưng “song song” chứ không “kết hợp”, dù cho là khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội, nhân văn vv. Đa khoa đây nên hiểu theo nghĩa rộng (đại học “bách khoa » có thể hiểu là đa khoa theo nghĩa này; trái lại “sư phạm”, hoặc “ngoại ngữ” vv.  không phải là đa khoa theo nghĩa này, vv.).

Đã là một kiến nghị, tất nhiên có thể gặp sự đồng ý, cũng như có thể gặp sự phản bác (tôi vui lòng chấp nhận việc này nếu như có giải pháp tốt hơn được nêu ra). Điều đáng lo ngại nhất là sự không có giải pháp thay đổi, trong khi tình hình giáo dục đại học nói chung đang không sáng sủa.

 

http://www.ncst.ac.vn/HVGD/

© http://vietsciences.free.fr Bùi Trọng Liễu