Giáo dục Đại học: Thích ứng với tình hình hiện tại

Vietsciences-Gs. Bùi Trọng Liễu       27/02/2005  

 

Đã mười sáu năm qua, kể từ ngày đaị học “dân lập” đầu tiên xuất hiện trên nước ta. Kể từ ngày ấy - khi gợi ý thành lập “dân lập” này năm 1988 cùng với năm anh chị khỏi xướng trong nước và được chính quyền cho phép -  cho đến nay, tôi ước mong thấy nước nhà có một nền giáo dục đại học công lập phát triển đại trà, song song với một hệ thống giáo dục dân lập tư lập đóng vai trò bổ sung. Nhưng tình hình đã không diễn biến như tôi hằng mong muốn. Tất cả những lý do mà tôi đã phát biểu qua các thư điều trần, qua các bài báo mang tính cách kiến nghị (*) vẫn còn đó. Nhưng thực tế cho thấy tình hình hiên tại khó có khả năng đảo lộn, hoặc nếu có chiều hướng thay đổi, thì thời gian cũng sẽ rất dài, dài lắm, để thực hiện. Mỗi bài toán, thường đều có thể có nhiều lời giải, có khác nhau chăng là lời giải tốt hay xấu, tốt lắm hay tốt vừa, xấu vừa hay xấu lắm. Cho nên, với sự tồn tại hiện nay của khoảng 20 trường đại học dân lập hay bán công, với sự tồn tại của một hệ thống đại học và cao đẳng công lập phức tạp và được quản lý không nhất quán, với sự “tư hóa” ở hầu hết mọi lĩnh vực, tôi không dám nói tới lời giải tối ưu, mà chỉ muốn đặt vấn đề làm sao thích ứng với tình hình hiện tại để có một giải pháp “tạm chấp nhận được”, để từ đó có thể dần tiến lên theo một con đường khác nào đó.

Tôi không nêu lại ở đây những vấn đề hình thức tổ chức, những quan niệm về vai trò nhà nước mà tôi đã nêu trong mấy bài báo trước đây (*), vv. Mà chỉ xin nêu một vấn đề làm thí dụ minh họa cho lời phát biểu trên : vấn đề nhà giáo đại học. Theo tôi đó là vấn đề cấp bách nhất: có thày giỏi thì mới có trò giỏi, có thày có trình độ hiểu biết thì mới có trò có trình độ hiểu biết, có thày dạy đúng thì mới trò hiểu đúng, có nhà giáo đại học giỏi thì mới có nhà giáo trung học tiểu học giỏi. Do đó, vấn đề nhà giáo đại học cần được giải quyết cho thỏa đáng. Trong nhiều năm, tôi đã đề nghị một hình thức tuyển nhà giáo đại học sao cho phù hợp nhất và công bằng nhất cho nền giáo dục đại học nước ta. Nhưng rồi từ hình thức “phong hàm” chuyển sang hình thức công nhận “chức danh” cũng chẳng khác nhau mấy tí về nội dung và về cách tiến hành. Thêm vào đó, là vấn đề nhà giáo cho các trường đại học dân lập hiện nay hoàn toàn chưa vào nề nếp. Trên thực tế nhà nước đã cho các đại học dân lập mở ra như hiện nay, chi bằng cho phép mỗi cơ sở dân lập đó tự tuyển và trao danh hiệu giáo sư theo cấp bậc của chính họ qui định, như các truờng đại học Mỹ và Canađa, vv. Như vậy còn hợp lý hơn là tình trạng đầu Ngô mình Sở hiện nay, với những chức danh giáo sư do nhà nước phong, mà các đại học dân lập vay mượn dùng ké, qua những cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm công và tư. Để cho đại học dân lập tự tuyển và trao danh hiệu giáo sư theo cấp bậc của chính họ qui định là cách thích ứng với tình hình hiện tại đã trót như vậy. Còn nhà nước muốn bảo tồn việc phong hàm danh hiệu giáo sư của mình để thưởng công, thì cứ tiếp tục; nhưng ít nhất giải quyết thích đáng vấn đề nhà giáo đại học dân lập như tôi vừa đề nghị thì cũng đã giải được một phần vấn đề nhà giáo đại học nói chung.

_____________

(*) Dưới đây là danh sách một số bài báo, (có bài đăng đã từ nhiều năm nay), trong đó tôi đã phát biểu về các chi tiết về việc học nói chung và về giáo dục đại học nói riêng :

  • Vài điểm về tổ chức giáo dục đại học, nhìn từ ngoài, Tia Sáng tháng 9/1999, Nhân Dân 1/12/1999.

  • Đại học sư phạm, một vấn đề khó bàn, Tia Sáng tháng 10/2002.

  • Vài câu hỏi về chức danh giáo sư đại học, Tia Sáng tháng 2/1999.

  • « Sau đại học », một cụm từ khó hiểu, Tia Sáng tháng 6/2002.

  • Về vai trò của Nhà nước trong giáo dục đại học, Tia Sáng tháng 12/1998.

  • Vài suy nghĩ chung quanh vấn đề « đào tạo qua nghiên cứu », Tia Sáng tháng 11/1998, Thời Đại số 3/1999.

  • Trình tự đảo lộn, Tia Sáng tháng 7/2002.

  • Một viện Hàn lâm khoa học lúc này ở Việt Nam ? Nông Nghiệp Việt Nam (mục Nhịp cầu), 29/11/2001.

  • Bán Hàm, Nông Nghiệp Việt Nam (mục Nhịp cầu), 15/4/2002.

  • Vài phô trương không cần thiết, Nông Nghiệp Việt Nam (mục Nhịp cầu), 16/5/2002.

  • Thoáng nghĩ về chữ Nho, Tia Sáng, số Xuân, tháng 2/2002.

  • Kỹ thuật giết rồng, Tia Sáng tháng 2/2003.

  • Nhân đọc 2 lời bình về việc học của người xưa, Thời Đại số 4 (1999).

  • Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học, Nhân Dân Chủ nhật 24/10/1993, Tuổi trẻ chủ nhật tháng 11/1993.

  • Vài ý kiến về đại học, Quê Hương số Xuân 1994.

  • Vài suy nghĩ về « công học » và « tư học », Quê Hương tháng 7/1993, Tuần tin tức 10/4/1993.

  • Góp ý về việc học, (viết chung với Phan Đình Diệu), Nhân Dân 27/12/1987, Tổ quốc tháng 11/1987, Tuổi trẻ 29/12/1987.

  • Vài điểm trong tổ chức giáo dục đại học, Hội thảo khoa học « Giáo dục Việt Nam, hiện trạng, thách thức và giải pháp », Hà Nội 23/9/1999.

 

 http://www.ncst.ac.vn/HVGD/ThamLuan/gducdhoc_btlieu.htm

© http://vietsciences.free.fr Bùi Trọng Liễu