Nhà giáo Đại học và những vấn đề liên quan

Vietsciences-Gs. Bùi Trọng Liễu       27/02/2005  

 

Nói « vấn đề con người là quan trọng », thì ai cũng nói ; nhưng hình như nói vậy thôi, chứ cũng không mấy ai chịu bỏ công giải thích cách phân tích của mình, hoặc kiên nhẫn một chút để lắng nghe người khác; đôi khi lại có ý cho là lời bàn phù phiếm. Vậy tôi lại cố, một lần nữa, nêu vấn đề đội ngũ nhà giáo đại học, khởi thủy của nhiều vấn đề của nền giáo dục nói chung, bởi vì có thầy giỏi thì mới có trò giỏi, có một nền đại học tốt, thì mới có nền trung học tốt và nền tiểu học tốt, và trong đời sống hàng ngày của một xã hội, trong mọi guồng máy của một nước, con người hay hay dở cũng ở nhà trường mà ra.

Lý luận dài dòng, không bằng nêu vài điểm cụ thể :

1.    Trước tiên là sự quan niệm « không đúng » về vai trò của giáo sư đại học. Đó là một chức vụ, gắn liền với một cơ sở đại học, gồm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu và điều hành các công việc khoa học liên quan đến chuyên môn của một ngành, một bộ môn. Trong một xã hội trên đà phát triển, nhu cầu cần giải đáp các vấn đề mới nảy sinh, buộc phải có việc nghiên cứu và « đào tạo qua nghiên cứu ». Cũng vì thế mà người giáo sư đại học phải đồng thời là nhà nghiên cứu. Chức vụ là như vậy, nó gắn với nhu cầu của xã hội. Cho nên quan niệm giáo sư đại học như là một « hàm » hay một « danh hiệu » cao quí mà Nhà nước phong thưởng cho nhng cá nhân xuất sắc vì những công trình cá nhân của họ, là một quan niệm không có cơ sở khoa học. Tôi đã phát biểu nhiều lần trong quá khứ mà không được chú ý. May mắn mới đây, ông Lê Văn Giạng, nguyên thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, có viết một bài báo, đăng trên báo Tiên Phong chủ nhật, số 48 ra ngày 28-11-2004, trong đó ông đã giải thích cặn kẽ sự khác biệt giữa « chức vụ » và « danh hiệu », lợi hại như thế nào, và cho phép tôi được dẫn toàn văn tài liệu này. Ông là người cũ của Bộ, quen với ngôn ngữ và phong tục tập quán, tôi nghĩ rằng ông giải thích đã quá rõ, vậy tôi xin không nói thêm về điểm này, mà xin mời độc giả xem tài liệu đó dưới đây.

2.    Câu hỏi: « Ở ta, có quá nhiều GS, PGS không ? », cần được xác định thì câu trả lời mới có thể đúng. Nếu giáo sư đại học là một « hàm » hay một « danh hiệu », thì ở ta quá nhiều GS (và PGS), và ở các nước khác không hề có. Nếu giáo sư đại học là một «chức vụ », thì ở ta quá ít. Nhắc lại một thí dụ so sánh : ở Pháp số giáo sư đại học (professeurs des universités) hiện nay là 19655, và số maîtres de conférences (một danh hiệu khó dịch ra tiếng Việt, vì bằng cấp tối thiểu là tiến sĩ và lý lịch khoa học tương đối cao) là 35301, tổng cộng là 54956 nhà giáo đại học cơ hữu, không kể các phụ giảng viên cơ hữu hay giảng viên theo hợp đồng có bằng tiến sĩ hay không, giáo viên thỉnh giảng, các nghiên cứu viên thấp hay cao như loại directeurs de recherche CNRS tham gia giảng dạy một số giờ, cũng không kể các nhà giáo của hệ tư lập.

3.    Nếu may mắn mà chính quyền ta chấp nhận quan niệm giáo sư đại học như một «chức vụ », như thông lệ quốc tế, thì đội ngũ nhà giáo đại học nên như thế nào ? Tôi không có ý bênh vực cách làm hoàn toàn giống như ở Pháp hiện nay, mà nghĩ rằng nên chọn những cái hay của Pháp và những cái hay của Mỹ, để mà áp dụng cho ta. Nghĩa là :

a)  Trong hệ thống công lập cũng như tư lập, nên chỉ có một « đoàn » (corps) giáo sư đại học, với chức vụ định nghĩa ở điểm 1, làm nhà giáo cơ hữu của các trường đại học với nhiều bậc thang lương. Cùng bất đắc dĩ thì cũng chỉ nên chia làm hai hạng giáo sư đại học (cùng một nhiệm vụ, và quyền lực như nhau), chỉ khác nhau về « mới vào chức vụ giáo sư » hay « đã có kinh nghiệm dày dạn trong chức vụ giáo sư » (tuy lý do « non » hay « dày dạn » trong chức vụ này là lý do rất là khiên cưỡng, có chăng là lý do tài chính). Đó là cách làm kiểu Mỹ, tuy họ có 3 hạng giáo sư với nhiệm vụ như nhau (full professor, associate professor và assistant professor). Không nên theo kiểu Pháp hiện nay, với hai « đoàn » (corps) nhà giáo đại học, với nhiệm vụ khác nhau (professeurs des universités và maîtres de conférences, dựa trên 2 lý do: truyền thống tôn ti trật tự và tài chính, chứ không có lý do khoa học vững chắc). Đề nghị ở ta bỏ tên gọi « phó giáo sư » vì loại nhà giáo này không làm « phó » cho các giáo sư.

b)  Trong hệ thống đại học công lập, việc tuyển chọn giáo sư đại học nên tiến hành theo 2 « vòng » (giống như kiểu Pháp): « vòng 1» qua hội đồng khoa học toàn quốc khẳng định đủ trình độ làm ứng viên vào chức vụ giáo sư đại học; « vòng 2 » do hội đồng khoa học trường đại học bàu chọn. Lý do là vì khi đã được bàu chọn vào một chỗ làm-chức vụ giáo sư của một đại học công lập, đương sự vào biên chế, trở thành công chức của Nhà nước, do Nhà nước quản lý hoàn toàn, nên phải có sự đồng đều.

Trong hệ thống đại học tư lập, nên để các đại học tư lập tự tuyển chọn (giống kiểu Mỹ), kệ họ « giữ giá trị» của trường họ, để cạnh tranh tùy ý.

c)  Nên qui định bằng cấp tối thiểu để trở thành giáo sư đại học (công hay tư) phải là học vị tiến sĩ. Do đó, không còn lý do để tôn xưng giáo sĩ tiến sĩ,vv. nữa. Không nên đi theo « vết xe đổ » của quá khứ. Hồi 1975, khi kiến nghị lập lại chức vụ-danh hiệu giáo sư đại học, tôi đã thiết tha mong mỏi các vị xứng đáng được bổ nhiệm vào chức vụ này (vì công trình nghiên cứu và học lực) được tổ chức công nhận học vị tiến sĩ trước đã. (Thuở ấy, trong nước cũng có vài người có đủ học vị để lập nên ban giám khảo). Việc không tiến hành như vậy đã để lại những hậu quả, gây ra tình trạng bất ổn, nếu không nói là xung đột, giữa vài trường hợp có học vị nhưng không có thực lực, và những trường hợp có thực lực nhưng thiếu học vị. Riêng tôi ngày nay, khi phát biểu điều gì với trong nước, cảm thấy buộc phải ghi học vị, một sự bất đắc dĩ không lấy gì làm vui sướng cả

d)  Ngoài « đoàn giáo sư » làm nhà giáo cơ hữu cho đại học, chỉ nên có những giảng viên theo hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng, tham gia giảng dạy một số giờ. Lý do là vì những nhà giáo nào, sau một số năm làm việc, mà không phù hợp với chức năng ở đại học, thí dụ như không có công trình nghiên cứu, không hoàn thành được xong luận án tiến sĩ, thì nên được đổi công tác; chứ nếu đã vào biên chế rồi, thì không thể giải quyết được nữa. Đó là kinh nghiệm đã thấy ở Pháp với « đoàn phụ giảng viên (corps des assistants), trót trong biên chế », tuy đã thôi không tuyển từ hơn 20 năm, đến nay vẫn chưa chấm dứt tàn dư. Chất lượng giảng dạy đại học có những giá phải trả, là như thế.

4.    Quan niệm về giáo sư đại học, như đã nói trên (giảng dạy và nghiên cứu) gắn liền với cách tổ chức đại học. Việc tách rời các viện nghiên cứu cơ bản ra khỏi các đại học (theo kiểu Liên Xô cũ mà các nhược điểm đã được thấy rõ) là điều bất cập, tàn dư hiện còn tồn tại ở ta. Ngược lại, thí dụ của các đại học nghiêm chỉnh của Mỹ cho thấy rất rõ hiệu quả của họ như thế nào, không chỉ vì phương tiện, mà còn vì quan niệm của họ về cách tổ chức đại học và về vai trò giáo sư đại học. Sự tồn tại ở Pháp của một Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học (CNRS) - vì lý do lịch sử ở một giai đoạn, và mặc dù phần lớn các phòng nghiên cứu trực thuộc và nằm ngay trong các đại học - không phải là một gương đáng theo. Cũng đã có những tiếng nói yêu cầu giải thể. Nghe nói có dự án sắp tới sẽ dẹp khoảng 40% các phòng nghiên cứu của CNRS. Cũng đã có một vài biện pháp làm lệch chút đỉnh sự « tương đương » giữa các giáo sư đại học và các directeurs de recherche thuộc CNRS nói trên, thí dụ như theo qui chế hiện hành, tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi, nhưng có ngoại lệ cho các giáo sư đại học, nếu muốn, được quyền tiếp tục ở tại chức vụ cho đến 68 tuổi, (và nếu chưa hoàn toàn đúng 68 tuổi vào thời điểm khai trường, thì có thể tiếp tục cho đến hết niên học, tức là 69 tuổi), quyền mà các directeurs de recherche không được hưởng như trước kia nữa. Không kể đến việc bảo vệ luận án tiến sĩ, dù nghiên cứu sinh làm luận án dưới sự hướng dẫn của một directeur de recherche ở CNRS, cũng phải đưa bảo vệ ở một trường đại học. Ở đây, tôi không hề mảy may có ý phân bì cao thấp, tôi chỉ nêu thí dụ để thấy là ý định giải thể CNRS là có cơ sở thực, chứ không phải lời bàn vu vơ ; việc này chưa thực hiện là vì có những sự phản đổi rất kịch liệt, không phải thuần túy vì lý do khoa học. [Nhắc lại là trong tài liệu dẫn dưới đây, ông Lê Văn Giạng có nêu việc dịch tên gọi cấp bậc directeur de recherche này ra tiếng Việt: có người dịch là « giám đốc nghiên cứu » ; ông Lê Văn Giạng đặt câu hỏi dịch là « chủ nhiệm nghiên cứu », có lẽ đúng nghĩa hơn ? Kỳ thật ra, ở ta hiện nay trong nước hay một số đương sự, đều gọi hay tự gọi là « giáo sư, giáo sư tiến sĩ », kể cả người đã về hưu. Và đôi khi có người lại hiểu lầm cấp bậc này là giám đốc « của » CNRS. Cũng xin nói thêm là hình như tôi là trường hợp « hiếm », đã dùng chữ « nguyên [giáo sư đại học Paris] » khi cần chứng tỏ kinh nghiệm nghề nghiệp trong quá khứ - vì tôi đã về hưu từ hơn 1 năm nay và vì tôi coi giáo sư là một « chức vụ » ; ngoài ra có nhà báo tưởng rằng cần « chính xác hoá » bằng cách ghi thêm con số của đại học Paris trong trường hợp của tôi, cũng là thừa : tôi được bàu và bổ nhiệm giáo sư thời Đại học Paris (Université de Paris) còn là một khối; khoảng hai năm sau khi tôi nhậm chức mới chia ra làm 13 đại học đa khoa kết hợp (universités pluridisciplinaires).

5.    Vì xã hội ta có truyền thống quá trọng vọng danh hiệu, có một luồng dư luận cho rằng một phần đội ngũ quản lý giáo dục cũng do danh hiệu mà được trao trọng trách, chứ không phải vì có kinh nghiệm quản lý dày dặn và vì có tầm nhìn chiến lược. Phải chăng vì thế mà lý luận một thời bị tập trung vào cấp bậc, ngôi thứ cao thấp, mà bỏ quên những khía cạnh khác của vấn đề. Thí dụ như sự duy trì cách tổ chức hệ thống các trường đại học, phần lớn quan niệm như những trường dạy nghề cao cấp, tuyển sinh quá sớm (ở mức tú tài), học cơ bản chưa đủ đã chuyên vào học kỹ thuật nghề nghiệp, cho nên vào đời lao động khó cập nhật, khó đáp ứng được với nhu cầu của thị trường luôn luôn thay đổi trong một khung cảnh toàn cầu hóa, ảnh hưởng đến công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp … nói chung. Đặc biệt cũng có thể kể tới hệ thống đại học sư phạm tách rời thành một khối riêng biệt, chú trọng nhiều đến nhng phương pháp giảng dạy trong khi nội dung hiểu biết lại chưa tương xứng, ảnh hưởng rất nhiều đến nền giáo dục trung học, tiểu học. Đó là những điều bất cập, lẽ ra phải mau chóng có quyết định thay đổi, bởi vì từ lúc có quyết định đến khi thay đổi xong hoàn toàn, có khi cũng phải kéo dài mấy chục năm.

6.    Nhiều điều còn lại cũng phụ thuộc vào vấn đề nhà giáo, thí dụ như câu hỏi « GD có là hàng hóa không?» cho thấy rằng « cầu » thì có nhưng lấy đội ngũ nhà giáo đại học nào để « cung », để chất lượng vẫn được bảo đảm? Không lẽ một mặt thì muốn thỏa mãn đòi hỏi của một phần xã hội « muốn có bằng cấp », đồng thời mặt khác lại muốn thỏa mãn đòi hỏi của một phần khác của xã hội muốn « việc học hành phải có chất lượng », mà lại không thấy rằng « vấn đề đội ngũ nhà giáo » cần được cấp bách giải đáp ? Hô khẩu hiệu thì dễ, nhưng xác định từ ngữ sử dụng thì khó, bởi vì đằng sau từ ngữ là những khái niệm, khi đã sáng tỏ rồi liệu có đúng như mình « muốn » hô nữa không ? Thế nào là « xã hội hóa » giáo dục đào tạo ? Ở những nước khác, khi các thành phần của xã hội ngoài chính quyền (phụ huynh học sinh, giới doanh nghiệp, công đoàn,…) « tham gia » vào vấn đề giáo dục đào tạo, thì là để nói lên những yêu cầu làm lợi ích chung cho xã hội, chứ không phải là để chuyển gánh nặng tài chính mà Nhà nước « nhường » lên vai người công dân (phải trả học phí nặng, phải cung đốn đủ thứ nhu cầu, từ trường sở cho đến trang thiết bị, sách giáo khoa, vv.). Thiết tưởng Nhà nước xã hội chủ nghĩa ngày nay và Nhà nước quân chủ chuyên chế ngày xưa, khác nhau một phần cũng ở cái chuyện sưu thuế… Thế nào « quyền tự quản của đại học » ? Người thì nói là để tránh được những qui định quá chặt chẽ và đôi khi phi lý của Bộ GDĐT, người thì nói là để dễ có những phương tiện sinh hoạt mà lẽ ra Nhà nước (qua Bộ) cần cung cấp cho ; vậy là tự quản về chương trình, bằng cấp, hay tiền bạc, lương bổng nhà giáo ? Ở các nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, GDĐT thường được coi là những hoạt động vô vị lợi, nhưng ở các nước này, có những nhà hảo tâm (mécène) giàu có, trợ giúp tiền bạc không hoàn lại ; còn ở ta liệu có tư nhân nào đủ giàu và có ý muốn trợ giúp tiền không hoàn lại hay không ? Thế nào là « đổi mới tư duy » ? Thế là « đổi cách học, cách dạy » ? Người thì nói việc dạy quá tải, người thì chủ trương giáo sư đại học không lên lớp giảng bài ; nhưng vai trò người thày giỏi phải chăng là chắt lọc ra được những sự hiểu biết cần thiết và tinh túy đã tích lũy của thiên hạ để chuyển giao một cách gọn ghẽ cho sinh viên học sinh, tiết kiệm thời giờ để họ (sinh viên học sinh) có thì giờ nghiền ngẫm và tự tìm hiểu thêm ? Thế nào là « chất lượng của nhà giáo đại học » ? Hình như đâu đó có sự lẫn lộn giữa sự « nên » có và sự « phải » có. Thí dụ như tiếng Anh và s dụng máy vi tính là nhng phương tiện mà một nhà giáo « nên » có để hành nghề cho tốt, chúng không phải là điều kiện « phải » có, để đưa vào tiêu chuẩn của nhà giáo trong bất cứ ngành nào. Chẳng hạn với một nhà nghiên cứu về văn hóa cổ như văn hóa Chăm ở Việt Nam, công trình nghiên cứu nghiêm túc tại chỗ mới là đáng kể, nếu cần sử dụng máy vi tính thì cũng có thể sử dụng cộng tác viên, tiếng Anh dùng để giao thiệp cũng có thể dùng phiên dịch, đâu có phải là những tiêu chí tuyển bổ. Cho nên, hãy nên bắt đầu bằng nhìn lại vấn đề nhà giáo đại học, quan niệm chức vụ của họ là gì, trước khi bàn về vai vế cao thấp, đánh giá theo số lượng công trình theo kiểu này hay theo kiểu kia, vv. Rồi sau đó hãy bàn đến các vế khác trong việc cải cách.

Nói tóm tắt như vậy, nhưng tôi đã trình bày nhng lý luận chi tiết liên tục từ nhiều năm nay - kể cả giải pháp cụ thể qua việc thành lập một vài "đại học hoa tiêu", để tránh sự xáo trộn - qua các thư kiến nghị, các bài báo và cuốn sách « Chung quanh việc Học », nxb Thanh Niên 2004. Tôi không có ý chê bai. Nếu có ai đang mãn nguyện với những thành tựu của nền GDĐT của nước nhà hiện nay, thì tôi chỉ xin nói thêm : nếu sửa được những điều bất cập nói trên thì nền GDĐT của nước nhà lại càng tốt đẹp hơn nữa, có gì đáng ngần ngại đâu.

 

 

Tài liệu dẫn:

Bài đăng trên báo Tiên Phong chủ nhật, số 48 ra ngày 28-11-2004

Tác giả là ông Lê Văn Giạng, nguyên thứ trưởng Bộ Đại học và
Trung học chuyên nghiệp.

 

 Giáo sư và Phó giáo sư là một « chức vụ »,
không phải là một danh hiệu.

Phải chăng chúng ta đã hiểu không đúng về
danh hiệu GS và PGS ?

Lê Văn Giạng

Mươi năm gần đây, trên báo chí thường có ý kiến lo lắng, bức xúc về thực chất của một tỷ lệ đáng kể (có người cho là trên 30%) trong đội ngũ GS và PGS nước ta. Nhưng nên sửa đổi cách bầu cử, lựa chọn các chức danh đó như thế nào thì chỉ mới có vài nhà khoa học đề xuất, trong đó có một nhà toán học Việt kiều, giáo sư tại Đại học Paris, ông Bùi Trọng Liễu có những kiến nghị rõ ràng và cụ thể nhất [i]. Tôi có tìm hiểu thêm một số tài liệu nước ngoài về vấn đề nói trên và thấy có những ý kiến của GS Bùi Trọng Liễu là rất xác đáng, cần được tiếp thu. Nhưng hình như dư luận ở nước ta, nhất là trong các cơ quan có trách nhiệm, chưa chú ý đúng mức đến thực chất các ý kiến đó nên tôi xin nhắc lại dưới đây vắn tắt nội dung chính các kiến nghị của GS Bùi Trọng Liễu (theo tôi hiểu được) và nhấn mạnh vài điểm để mong các kiến nghị của GS Bùi Trọng Liễu được tham khảo đầy đủ trong việc cải cách cần thiết về bầu cử các chức danh GS và PGS, coi đó như là một trong các biện pháp lớn để nâng cao chất lượng đại học của chúng ta.

1.    Trước hết và cơ bản nhất, cần quan niệm rõ ràng các chức danh GS và PGS là một chức vụ giảng dạy ở đại học chứ không phải là một danh hiệu để tôn vinh, công nhận trình độ và thành tích của nhà khoa học nói chung hay nhà giáo ở đại học nói riêng.

a)  Vậy chức vụ khác danh hiệu ra sao ?

Người được bổ nhiệm vào một chức vụ thì bao giờ cũng làm một công việc mới mà trước khi được bổ nhiệm họ chưa làm (trừ khi được tái bổ nhiệm), thí dụ bổ nhiệm làm bộ trưởng, làm vụ trưởng, làm chủ tịch vv.

Người được công nhận một danh hiệu để tôn vinh thì không nhất thiết sẽ thay đổi công việc đang làm : thí dụ danh hiệu tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, anh hùng lao động, vv.

Vì thế, chức vụ bao giờ cũng gắn với một tổ chức, một nhiệm sở xác định như Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay Bộ Thủy sản vv…, Chủ tịch thì là Chủ tịch tỉnh X hay quận Y vv…không có chức vụ bộ trưởng hay chủ tịch chung chung. Cũng vì thế, ở mỗi chức vụ cụ thể, chỉ có thể bổ nhiệm một người, khi vì lý do nào đó phải thay thì mới bổ nhiệm người khác (không kể chức vụ phó). Một danh hiệu thì có thể phong, tặng, công nhận cho nhiều người có đủ tiêu chuẩn như tiến sĩ, nhà giáo nhân dân vv…

Cũng vì vậy, chức vụ không phải là suốt đời, người nào khi nào làm chức vụ bộ trưởng thì mới gọi là bộ trưởng, thôi không làm nữa thì thôi không gọi như vậy (trừ khi còn thì gọi là nguyên bộ trưởng nếu còn sống, cố bộ trưởng nếu đã chết). Trái lại danh hiệu khi được phong, được công nhận thì là suốt đời, trừ những trường hợp quá đáng mới bị tước bỏ (các danh hiệu còn có thể được truy tặng cho những người đã chết, không có chuyện truy tặng chức vụ).

b)  Căn cứ vào những khác nhau đó, rõ ràng là lâu nay ta luôn luôn coi GS và PGS là các danh hiệu danh dự chứ không phải là một chức vụ (dù ta gọi đó là phong hàm hay là công nhận chức danh, thực chất vẫn là danh hiệu danh dự). Như vậy ta đã hoàn toàn làm khác tập quán các trường đại học trên thế giới, vì ta đã hiểu sai và làm sai, chứ không phải đó là một sáng kiến độc đáo của Việt Nam ta.

c)  Vậy nội dung các chức vụ GS và PGS là gì ?

Mỗi trường đại học có một số ngành học. Sinh viên mỗi ngành phải học một số môn học (khoảng một chục môn). Trong các môn đó, có các môn chủ đạo và các môn phụ trợ, môn chủ đạo của ngành này lại có thể là môn phụ trợ ở ngành khác ; thí dụ môn thực vật học là một môn chủ đạo ở ngành trồng trọt nhưng lại là môn phụ trợ ở ngành chăn nuôi, vv…

Ở các trường đại học, các môn chủ đạo – để có chất lượng giảng dạy cao – đòi hỏi phải kết hợp với nghiên cứu khoa học và thường là có tổ chức bậc nghiên cứu sinh. Vì thế mỗi môn chủ đạo phải có một người đủ trình độ đảm đương chức vụ giảng dạy (kết hợp việc nghiên cứu) : đó chính là chức vụ GS và PGS (coi như 2 bậc về trình độ trong một chức vụ, chứ không phải PGS là làm phó cho GS).

d)  Ở bài viết này, để khỏi quá dài, tôi không nói về lý do tại sao chúng ta đã hiểu sai, làm sai về chức vụ GS và PGS. Tôi chỉ muốn nói về 2 cái hại lớn của việc hiểu sai và làm sai đó.

Một là : cách bầu cử và công nhận GS và PGS như lâu nay ta vẫn làm là không có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, vì người được phong, được công nhận các danh hiệu GS hay PGS trước đó làm gì và làm như thế nào, thì sau vẫn tiếp tục làm các công việc đó như cũ (có khi còn thôi không làm gì nữa liên quan đến giảng dạy đại học) do việc bầu cử không đặt ra cho họ một nhiệm vụ gì mới nào đối với giảng dạy ở đại học.

Hai là : Coi GS và PGS là các danh hiệu danh dự làm tăng lên không cần thiết các danh hiệu danh dự đã có. Không có nước nào trên thế giới đã lạm phát danh hiệu GS và PGS coi như một danh hiệu danh dự như ở ta, tạo ra một sự chen đua tìm kiếm các danh hiệu ấy [ii], trong khi các chức vụ GS và PGS đúng với nghĩa đó lại rất thiếu.

2.    Từ việc quan niệm khác nhau về cơ bản giữa chức danh GS và PGS là chức vụ giảng dạy ở đại học (đây là quan niệm đúng) với coi cái chức danh đó là danh hiệu danh dự (đang là quan niệm sai mà ta đã và đang thực hiện) sẽ kéo theo một sự thay đổi lớn trong cách bầu cử và công nhận GS và PGS.

a)  Đã là chức vụ phải gắn với một nhiệm sở xác định, cho nên không thể có GS, PGS chung chung mà phải là GS, PGS về một bộ môn khoa học chủ đạo ở một trường đại học cụ thể, xác định (về các viện nghiên cứu, tôi sẽ nói ở dưới). Và theo tập quán quốc tế, các chức vụ giảng dạy đại học (cũng như học vị) khoa học cao đều phải do một tập thể các nhà khoa học có trình độ tương đương hay cao hơn làm việc ở bộ môn đó tại trường đại học đó bầu ra (nếu bộ môn đó tại trường đó không có đủ người có trình độ cần thiết thì sẽ mời thêm các người có trình độ như vậy ở ngoài trường tham gia vào hội đồng bầu chọn). Như vậy, không có GS và PGS mà lại không do một trường đại học nào đó bầu ra. Đây là khâu không thể thiếu trong việc bầu cử GS và PGS.

b)  Còn có các khâu khác nữa không ?

Ở Hoa Kỳ, nơi mà Nhà nước tham gia rất ít vào việc quản lý các trường đại học, hầu như mọi việc trong trường đều do trường đó tự giải quyết (vì vậy các trường đại học ở Hoa Kỳ rất khác nhau về trình độ, không thành một hệ thống có những quy chế giống nhau), khâu bầu cử GS và PGS là khâu duy nhất trong việc bổ nhiệm các chức vụ tại trường đó. Còn ở hầu hết các nước khác trên thế giới, nhà nước đều có trách nhiệm quản lý các trường đại học, với một sự phân cấp nào đó cho các trường, phân cấp khác nhau tùy từng nước, nhưng vẫn dưới sự quản lý của nhà nước. Như ở Pháp, Nhà nước hiện nay giữ thêm 3 khâu dưới đây trong việc bầu cử và bổ nhiệm GS và PGS [iii]:

-   Nhà nước (thông qua Bộ Giáo dục có các hội đồng khoa học làm tư vấn) xác định mỗi năm, trường đại học nào được bầu GS và PGS về những môn nào.

-   Nhà nước (cũng thông qua Bộ Giáo dục) căn cứ vào đơn xin ứng cử, mỗi năm xác định danh sách những người đủ tiêu chuẩn được ứng cử vào chức vụ GS, PGS về những môn nhất định. Những người này sẽ có quyền được ứng cử vào bất cứ trường đại học nào có yêu cầu chọn GS hay PGS về những môn đó (nếu được bầu ở nhiều trường, người đó phải chọn nhận chức vụ chỉ ở một trường).

-   Kết quả bầu cử của các trường đại học phải được Nhà nước (thông qua Bộ Giáo dục) chấp nhận và do Nhà nước ra văn bản chính thức bổ nhiệm (ở Pháp là do Tổng thống bổ nhiệm).

Cách làm như trên của Pháp vừa bảo đảm quyền của các trường đại học được bầu ra GS và PGS của trường mình, vừa bảo đảm chất lượng và trình độ tương đương của các chức vụ đó giữa các trường đại học trong cả nước. 

Về tiêu chuẩn ng cử và lựa chọn, nên chú ý là không đặt vấn đề phải thâm niên giảng dạy ở đại học, cũng như không đòi hỏi phải là người thuộc biên chế các trường đại học (nhưng nếu được bầu thì sẽ thuộc biên chế của trường).

Nên tham khảo kinh nghiệm của Pháp vì rất phù hợp với thc tế của ta. Pháp đã ban hành rất đầy đủ các văn bản nhà nước về vấn đề này, đó đều là những tài liệu công khai nên ta có thể dễ dàng tìm hiểu (qua sứ quán Pháp ở Hà Nội, hoặc sứ quán Việt Nam ở Paris, có thể cả trên Internet, không cần phải cử đoàn sang Pháp khảo sát).

3.    Cuối cùng có một thực tế của ta cần làm rõ :

           Lâu nay ta vẫn phong chức danh GS, PGS cho những nhà khoa học công tác trong các viện nghiên cứu. Nếu viện đó đồng thời là một cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh thì ở cơ sở đó cũng đặt ra chức vụ GS và PGS và việc ng cử, bầu cử cũng theo quy chế chung với các trường đại học. Nếu viện đó không có đào tạo nghiên cứu sinh thì không thuộc diện được bầu cử chức vụ GS, PGS : trường hợp này cũng giống như trường hợp các cơ quan và tổ chức có nhiều tính chất khoa học như Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học, Tổng Công ty Điện lc, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông, vv… Không nên tiếp tục « phong học hàm » hay « công nhận chức danh » GS và PGS cho nhng nhà khoa học ở nơi đó, dù đó là những nhà khoa học rất giỏi, rất uy tín (trừ khi các nhà khoa học đó muốn đổi công tác để ng cử vào chức vụ GS, PGS ở một trường đại học nào đó). Lý do đơn giản là, như ở điểm 1 và 2 đã nói, GS và PGS là những chức vụ giảng dạy ở đại học ch không phải là những danh hiệu danh dự về khoa học. Nếu ở các nơi đó có những chức vụ khoa học mà các chức vụ hiện có chưa đủ để xác định thì nên đề nghị đặt thêm các chức vụ tổng công trình sư, kỹ sư trưởng vv… Ở Pháp, tại các viện nghiên cứu lớn, tầm cỡ quốc gia, có đặt chức « directeur de recherche » [iv] về vị trí tương đương với chức vụ GS trong ngạch lương.

            Chú ý là chế độ chức vụ GS, PGS như đã nói trên không ảnh hưởng gì đến chế độ giảng viên thỉnh giảng ở các trường đại học, vì giảng viên được mời để giảng dạy một số giờ nào đó trong thời gian nào đó thôi.

4.    Vì chúng ta đang có hàng ngàn người có học hàm (tc là học vị danh dự) GS và PGS lâu nay không được hiểu theo nghĩa nói ở trên, nên để tránh việc xáo trộn không cần thiết, đề nghị :

-   Những người đã có học hàm giáo sư, phó giáo sư vẫn giữ nguyên các học hàm đó như cũ.

-   Từ nay trở đi thôi không phong thêm GS và PGS theo kiểu cũ nữa.


 

[i]  GS Bùi Trọng Liễu đã phát biểu nhiều lần và từ lâu về vấn đề này. Mới đây, NXB Thanh Niên, Hà Nội đã tập hợp và xuất bản các bài báo tâm huyết của ông về giáo dục đại học dưới nhan đề « Chung quanh việc học » (2004).

[ii]  Chúng ta thường nghe và thấy có nhà khoa học hạng xoàng cố gắng « xin » một trường đại học nào đó một số giờ dạy để có đủ tiêu chuẩn xin phong GS, PGS.

[iii] Ở Pháp, từ lâu cho đến hiện nay, vẫn có tập quán dùng thuật ngữ giáo sư (professeur) theo nghĩa rộng, bao gồm cả giáo sư trung học, nhưng không có sự hiểu lầm, vì bao giờ cũng đi kèm với trường (trừ trong giao tiếp, người ta vẫn nói vắn tắt : « Thưa giáo sư » để xưng hô với các giáo sư đại học).

[iv]  Ở ta, thấy có người dịch là « giám đốc nghiên cứu ». Có người dịch là « chủ nhiệm nghiên cứu », có lẽ đúng nghĩa hơn ?

 

 

© http://vietsciences.free.fr Bùi Trọng Liễu