Giáo dục Đại học:

Câu hỏi về việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài

Vietsciences - Bùi Trọng Liễu          04/02/2009

 

Những bài cùng tác giả


Một vấn đề thời sự làm tôi băn khoăn là vấn đề dùng hoàn toàn tiếng nước ngoài làm chuyển ngữ trong Giáo dục đại học. Hiện nay có một khuynh hướng muốn sinh viên đại học, ở một số trường, học trực tiếp bằng tiếng nước ngoài để dễ dàng trong việc giao tế, kiếm việc làm trong thời kinh tế toàn cầu hóa. Tôi e rằng những quan chức có trọng trách trong việc lấy quyết định, chưa cân nhắc hết mọi khía cạnh của vấn đề. Nó không đơn giản như vậy.

1/ Ở đây, tôi xin được dùng kèm vài từ tiếng Pháp vì tiếng Việt – cũng những ngôn ngữ khác – có những từ được sử dụng với nhiều nghĩa, tôi sợ gây hiểu lầm. Tuy tôi không phải là chuyên gia, nhưng tôi nghe nói là về chính trị học, xã hội học, dân tộc học gì gì đó, người ta phân biệt các khái niệm Nước/ Nhà nước (Etat) và Dân tộc (Nation). Đó là những khái niệm phức tạp khi diễn tả, nhưng tóm tắt có thể hiểu rằng khái niệm Dân tộc bao gồm một tập thể người có chung một ngôn ngữ, một lịch sử, một nền văn hóa, vv. , còn khái niệm Nước được hiểu theo nghĩa một lãnh thổ, có biên thùy bao bọc, với dân cư, với một thể chế chính trị, vv. Một thí dụ thường thấy được nêu ra để phân biệt, là trường hợp của Bỉ : một Nuớc với hai Dân tộc – một Etat, hai Nations : Wallon (nói tiếng Pháp) và Flamand (nói tiếng Flamand gần với tiếng Hà Lan). Trong trường hợp nước Việt Nam ta, tuy có hơn 50 « dân tộc » (Ethnies), nhưng dân tộc Kinh là đông trội hơn hết, và theo tôi hiểu thì tới nay, có một sự đồng thuận về một chính quyền tập trung (không phải là một nước liên bang), một ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt, và tự coi mình là một Etat-Nation. Không phải như Ấn Độ, một nước « ghép mảnh » (mosaïque), dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ. Do đó, tiếng Việt phát triển, là một chất keo gắn liền các công dân trên toàn lãnh thổ lại với nhau, góp phần cho sự thống nhất và cho nền độc lập tự chủ. Điều này nói lên tại sao năm 1945, có một sự hồ hởi phấn chấn, khi tiếng Việt được sử dụng làm chuyển ngữ trong Giáo dục, từ tiểu học, trung học cho đến đại học.

Thuở đó, hầu như đa số nghĩ rằng trong thời kỳ Pháp thuộc, tiếng Pháp được dùng làm chuyển ngữ trong các cấp học tương đối cao cấp, là vì chính quyền thuộc địa Pháp muốn đào tạo ra những loại người mà họ sử dụng được trong guồng máy hành chính, kinh tế, kỹ nghệ, nông nghiệp, vv. phục vụ họ, và do đó phần nào giáo dục của Pháp trên đất Việt Nam bị coi như một thứ giáo dục đào tạo nô bộc. Vậy thì ngày nay, nước nhà độc lập, tự mình bỏ tiền ra đào tạo một loại người học đại học bằng một thứ chuyển ngữ hoàn toàn ngoại quốc, có phải là tự mình bày ra một thứ giáo dục đào tạo để làm nô bộc không ? Mà loại người được đào tạo kiểu đó liệu có được người nước ngoài kén sử dụng hay không ?

Ở đây, không chỉ có niềm tự hào dân tộc. Còn có những lý lẽ khác đáng được để ý.

2/ Tôi nghe đâu đó, có thuyết cho rằng ngôn ngữ không chỉ dùng để trao đổi, mà còn là một công cụ để chuyển tải tư tưởng nữa. Tôi xin kể một câu chuyện kỷ niệm nhỏ để minh họa ý :

Cách đây đã lâu, thời còn chiến tranh chống Mỹ, tôi thường xuyên gặp nhà toán học G., giải Fields ; ông G. được nhiều đồng nghiệp coi là một trong những nhà toán học bậc nhất của thế kỉ 20. Thuở ấy, ông G. có « dưới trướng » của ông một nhà toán học, anh S., cũng có tên tuổi. Anh này có mẹ là người Mông Cổ, bố là người Hán, nhà giáo ở Thượng Hải. Anh S. học chút đỉnh ở Trung quốc rồi lén xuất ngoại, sang Pháp, có lúc bị bệnh lao, cũng ở dưỡng đường cùng thời với tôi, nên tôi biết. Anh ta không thông thạo được một thứ tiếng nào cả, tiếng Mông Cổ, chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh đều ú ớ. Ông G. bảo tôi : anh ta có một số kết quả toán học mỹ mãn, nhưng lý luận của anh ta thì rất khó hiểu vì lang thang quanh co, không mạch lạc ; ông G. cho rằng ngôn ngữ là dụng cụ cần thiết cho tư tưởng, không có được một ngôn ngữ hoàn chỉnh thì không thể có tư tưởng hoàn chỉnh ; và tiếc rằng giá như S. biết thành thạo được một ngôn ngữ thì … Sau khi anh S. bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước, không một trường đại học nào dám tuyển anh ta, vì không ai hiểu anh ta nói gì khi anh ta phát biểu. Sau, họ để anh ta làm Directeur de Recherche ở Trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS. (Tất nhiên ở đây, tôi chỉ nói ý kiến của ông G. về ngôn ngữ, chứ tôi không hề mảy may có ý so sánh anh S. và tôi, vì tôi không là cái thá gì cả).

Đề cập đến vấn đề này, tôi muốn nói rằng lý do « để dễ giao tiếp, trao đổi và đón nhận thông tin trực tiếp » nêu ra để chủ trương nên học thẳng tiếng nước ngoài, thì tự nó không đủ sức thuyết  phục.

3/ Sẽ có người hỏi vặn, vậy thì Việt kiều ở nước định cư, và du học sinh, du nghiên cứu sinh, ra nước ngoài học tập thì sao ? Tôi nghĩ, nên phân biệt hai trường hợp. Trong trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài từ nhỏ, được học tập và đào tạo ở nước định cư thì cũng như người sở tại. Họ sẽ được sử dụng, với sự thành công hay thất bại, như những mắt xích trong một dây chuyền của bộ máy của nước sở tại. Phải có một sự cố gắng cá nhân đặc biệt họ mới có thể có những đóng góp với nước gốc của mình ; huyết thống không đủ làm cho họ khác với những người ngoại quốc thực sự, trừ sự « gắn bó » về mặt tình cảm nào đó. Trong trường hợp du học sinh, du nghiên cứu sinh, cũng nên phân biệt làm hai. Du học sinh ở tuổi còn nhỏ, thì cũng không khác gì trường hợp nói trên ; có chăng là sự khó khăn bị nhân đôi (khó khăn khi phải phù hợp hóa được với văn hóa nước du học, và khó khăn khi phải phù hợp hóa được khi trở về quê nhà – tất nhiên ở đây tôi không nói đến việc hiện nay một số gia đình gửi con đi học sớm nước ngoài vì cho rằng giáo dục trong nước quá lộn xộn ; đây là một cách « chạy loạn », nó không phải là một vế của chiến lược giáo dục đào tạo). Còn du nghiên cứu sinh xuất ngoại ở một tuổi nào đó, đã có sẵn một vốn văn hóa nước nhà, thì tuy có khó khăn lúc đầu phải phù hợp hóa nơi học tập, nhưng khi trở về quê hương thì hòa nhập tương đối dễ dàng hơn. Đấy là nói về việc học tập, giáo dục đào tạo trong khung cảnh để xây dựng quê hương đất nước – (tuy cũng cho bản thân cá nhân có được con đường lập nghiệp).

4/ Thuở tôi còn tại chức, do công việc ở trường, tôi cũng có nhiệm vụ tham gia vào việc liên hệ với những doanh nhân để tìm chỗ thực tập trong doanh nghiệp cho sinh viên. Ngoài những tiêu chuẩn về khả năng khoa học và kỹ thuật mà doanh nghiệp đòi hỏi, các sinh viên còn phải viết tay một lá thư bày tỏ lý do của mình (lettre de motivation), đó là « bước đầu » họ bị/được đánh giá về trình độ văn hóa của mình. Tôi cũng nghe nói là một số doanh nghiệp, khi mở chi nhánh ở nước ngoài, thường muốn kén những cán bộ trung cao có một sự hiểu biết, không những về ngôn ngữ của nước đó, mà còn có sự hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của nước đó nữa.

Tăng cường việc học tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Mỹ, vì đó là một sinh ngữ thông dụng trên thế giới hiện nay, thì chắc ai ai cũng đồng ý. Trong quá trình học tập, có những tiết học chuyên môn bằng tiếng nước ngoài, chắc đông người cũng đồng ý. Nhưng nay tại nước nhà, đào tạo chính người nước mình, để phát  triển đất nước mình, mà lại hoàn toàn dùng tiếng nước ngoài, có lợi mặt nào nhưng cũng có hại mặt nào hay không ?

Tóm lại, vì những lý do nêu trên, trong lòng tôi nặng trĩu mối băn khoăn. Trong bài này, tôi nêu câu hỏi nhiều hơn là mang lại những lời khẳng định. Tất nhiên, tôi không chia sẻ lời bực dọc của một vài người quá khích (bất mãn về việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam này) : mấy người quá khích đó bảo rằng, nếu độc lập tự chủ không còn là mối quan tâm chính nữa, thì sao không xin nhập quách làm một bang của Mỹ, hay một tỉnh của Trung quốc, vụt một bước trở thành thành phần của một cường quốc hoành tráng, có vũ khí hạt nhân, có tàu vũ trụ, có giải thưởng Nobel, có những đại học top 1, top 10, có xe hơi xịn, có máy bay cá nhân, có thể thành tỉ phú hàng đầu thế giới, vv., khỏi phải lo bàn cãi chiến lược này chiến lược nọ cho giáo dục đào tạo, khỏi lo đến năm này năm nọ sẽ thành Rồng, thành Cọp. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó. « Nam quốc sơn hà… » ?

Tôi không mong gì hơn là được các cao thủ trong lĩnh vực lý luận, giải tỏa cho mối băn khoăn của tôi. Tôi trân trọng cảm ơn. 
 

Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)


Đã đăng trên Diễn Đàn Forum (Zidol)

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Bùi Trọng Liễu