Bậc tiểu học hiện đại

Vietsciences- Hồ Ngọc Đại           12/12/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

I. Định hướng cho thiết kế

   1. Đặc trưng cơ bản nhất của bậc tiểu học là thực hiện được bước phát triển từ lứa tuổi 0-6 (ở nhà) sang lứa tuổi 6-12 (ở trường). Bước phát triển này đặc trưng bởi sự phát triển trí tuệ, nhận thức, tư duy. (Lĩnh vực này được nghiên cứu kỹ nhất, tập trung nhất trong triết học và tâm lý học lứa tuổi). Đặc trưng cơ bản của bước phát triển này là từ tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa, với khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa, có được bằng các thao tác tay chân chuyển sang tư duy khoa học với các khái niệm khoa học, hình thành bằng các thao tác trí óc. Do đó, vào lớp Một, học sinh thực hiện bước phát triển cơ bản, quan trọng bậc nhất của đời người hiện đại.

         Sự phát triển trí tuệ diễn ra trong lĩnh vực khoa học, bằng Hệ thống khái niệm khoa học, gọi là Môn học.

         Các Môn học khoa học làm nên cốt thép vững chắc của toà nhà trí tuệ hiện đại, là sức mạnh “vật chất” tạo ra sự phát triển của lứa tuổi và là nền tảng trí tuệ và tâm hồn của cả đời người. Vì vậy việc học ở lứa tuổi này đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển cá nhân.

   2. Nói rằng, ở lứa tuổi 6-12 tuổi, sự phát triển trí tuệ đóng vai trò chủ đạo, tự nó có nghĩa là có nhiều lĩnh vực tinh thần cùng làm nên Cuộc sống thực tự nhiên của em:

         Khoa học cho Trí tuệ.

         Nghệ thuật cho Tình cảm.

         Niềm tin cho Đạo đức.

         ý chí cho Lối sống.

         …………………..

         Tất cả đều có sẵn, hình thành một cách tự phát tự nhiên bằng kinh nghiệm trực tiếp, ngay trong cuộc sống hằng ngày, suốt cả lứa tuổi 0-6, nên những gì có sẵn một cách tự nhiên ấy như phù sa lắng đọng, ở tận đáy sâu tâm hồn bé, rất bền vững, nếu đã có là mãi mãi còn đó suốt đời.

         Trong các lĩnh vực Tình cảm, Đạo đức, Niềm tin, ý chí… giáo dục tiểu học vẫn cần đến khái niệm, nhưng chỉ để làm chỗ bấu víu, định hướng, làm chuẩn cho sự điều chỉnh (uốn nắn…). Với chức năng này, chỉ cần các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống lâu đời của dân tộc…

         Những gì đã có trong lĩnh vực trí tuệ làm nên (gọi ước lệ) cái tài, bên cạnh những gì còn lại trong tâm hồn làm nên cái tâm. Cái tâm đã có là có như thế, không phát triển. Cái tài thì có năng lực phát triển, ngày càng có nhiều hơn, với chất lượng cao hơn.

      3. Bậc tiểu học hiện đại dành cho lứa tuổi 6-12 có tầm quan trọng quyết định đối với phần đời còn lại.

         - Một cách tường minh, đóng vai trò chủ đạo là sự phát triển trí tuệ, cơ hội đầu tiên tiếp cận nền văn minh hiện đại, em có thêm những cái lần đầu tiên có. Một mình giáo dục nhà trường tự làm lấy việc này.

         - Một cách ẩn tàng, đóng vai trì nhân lõi, hình thành từ lúc lọt lòng, là cái tâm đã có (vì không thể tường minh, nên người đời nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính). Giáo dục nhà trường cùng với giáo dục gia đình cần củng cố, tận dụng, phát huy và điều chỉnh “cái tâm” đã có này, làm cho nó “sáng hơn”, “vững chãi” hơn…

         Từ sự phân tích trên, cần tổ chức lại giáo dục tiểu học theo hướng:

-       Buổi sáng dành cho các Môn học khoa học: Toán – Tiếng Việt – Văn.

-       Buổi chiều dành cho các Hoạt động, Ngoại ngữ, Đất nước học (bao gồm Sử - Địa – Môi trường…).

 

* Sẽ tốt hơn nữa, nếu tổ chức nhiều Hoạt động tự nguyện, với nhiều loại hình, với các tầm cỡ, với tính đa dạng về nội dung, địa điểm, thời gian: ngày nghỉ, ngày hè, ngày lễ… cốt tạo ra sự gặp gỡ và hoạt động chung (giao lưu) giữa nhiều người.

* Các Môn học hiện đại tạo ra sự phát triển trí tuệ bằng sức mạnh (năng lượng) của khái niệm khoa học hiện đại.

* Các Hoạt động (thường là ở ngoài 4 bức tường lớp học) tạo ra sự hài hoà, tự nhiên bình thường của Cuộc sống thực hiện đại.

* Cả hai cùng nhau tạo ra sự phát triển tự nhiên của từng cá nhân học sinh, dù ở trường hay ở nhà, dù cùng hoạt động chung với Thầy hay với bạn…

 

III. Xử lý thực tiễn

A. Những chỉ dẫn chung

         Xây dựng nền giáo dục hiện đại của thế kỷ XXI cũng như xây dựng một công trình hiện đại: Dựa vào Định hướng lý thuyết (một hình thức “ra đầu bài”) mà xử lý thực tiễn. Trong nền văn minh hiện đại, xử lý thực tiễn trước hết bằng Bản thiết kế, trông cậy vào Năng lực thiết kế của những cá nhân cụ thể.

         Năng lực thiết kế kết tinh lại ở sản phẩm, với một giới hạn “công suất thiết kế”, có thể cân đo đong đếm.

         Thiết kế Bậc tiểu học hiện đại, trên thực tế, là xử lý các mối quan hệ trong từng cặp phạm trù (khái niệm cơ bản), ví dụ:

-       Nhiệm vụ xã hội – chính trị / Nghiệp vụ sư phạm

-       Trưởng thành / Phát triển

-       Giáo dục / Tự giáo dục

-       Gia đình / Nhà trường

Mỗi thành phần, ví dụ, giáo dục nhà trường, đến lượt nó, cũng có những cặp khái niệm của mình:

-       Đồng loạt / Cá thể

-       Mục đích / Phương tiện

-       Cái / Cách

-       Thầy / Trò

 

Tất cả những gì đã nêu trên (tất nhiên, còn có những vấn đề khác nữa) đều liên hệ hữu cơ với nhau trong toàn cục, còn xử lý thực tiễn như thế nào thì phải trông cậy vào Nghiệp vụ sư phạm.

Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải xử lý theo các quan hệ giữa các cặp phạm trù cơ bản nhất.

   1. Quan hệ Trưởng thành / Phát triển

Trẻ em sinh ra có đến 99,9% số gen giống nhau, nhưng lớn lên không ai giống ai, mỗi cá nhân là duy nhất, có một không hai trên thế giới.

Quá trình “lớn lên” này có hai dòng đặc trưng cơ bản nhất của Trẻ em.

Lớn lên về thể chất gọi là Trưởng thành.

“Lớn lên” về tinh thần gọi là Phát triển.

Trưởng thành là một quá trình thụ động có bản tính tự nhiên thiên nhiên, theo một lộ trình (chương trình) vạch sẵn từ trong bụng mẹ.

Phát triển là một quá trình nhân tạo, tự tạo, chỉ có thể có được, nếu Trẻ em sống trong xã hội loài người và sống chung với người lớn. (Các bé chó sói đưa về nuôi có trưởng thành, nhưng không phát triển theo kiểu người). Nói cách khác, Giáo dục / Tự giáo dục quyết định sự phát triển của Trẻ em.

   2. Quan hệ giáo dục / Tự giáo dục

Giáo dục không có mục đích tự thân.

Tự giáo dục có mục đích tự thân, nhưng phải ở trong lòng Giáo dục của người lớn, giống như thai nhi lớn lên trong lòng mẹ. Nói cách khác, giáo dục hiện đại là “môi trường”, “điều kiện”, “phương tiện”, “cuống nhau” nuôi Tự giáo dục, vì Tự giáo dục.

Mối quan hệ Giáo dục / Tự giáo dục là mối quan hệ có tính quyết định đối với đời sống cá nhân. Mối quan hệ này luôn luôn biến động và tuỳ thuộc vào lứa tuổi, vào thời đại… Trong mọi trường hợp, vấn đề cốt tử của giáo dục nói chung là: Tất cả vì Tự giáo dục. (Giáo dục không có mục đích tự thân).

Trẻ em hiện đại phát triển qua từng lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi có mục đích tự nhân (đóng vai trò chủ đạo), sau đó tự biến thành cơ sở, điều kiện, phương tiện… cho bước phát triển của lứa tuổi tiếp theo, ví dụ:

-       Từ 0 đến 6 tuổi, Trẻ em tự hình thành những gì có tính sống còn, kết thành tảng liền vững chắc, ở tận nơi sâu nhất, kiên cố nhất của tâm hồn và đi theo em suốt đời.

-       Từ 6 tuổi trở đi, Trẻ em hiện đại, tất cả 100% phải đến trường, mang theo số vốn có sẵn từ nhà, em sẽ học để có thêm những gì chưa hề có, nhưng đã có trong nền văn minh đương thời và đã trở thành “nhân tố tự nhiên” của Cuộc sống thực.

   3. Quan hệ giáo dục gia đình / Giáo dục nhà trường

Giáo dục gia đình / Giáo dục nhà trường, cả hai đều không có mục đích tự thân, cả hai đều vì lợi ích cơ bản nhất của Trẻ em là trưởng thành bình thường và phát triển tự nhiên.

Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải căn cứ vào Trẻ em, xuất phát từ Trẻ em, vì lợi ích cơ bản nhất của từng em cụ thể (không so sánh với em khác) mà tổ chức quá trình tự giáo dục sao cho thật tự nhiên, bình thường, không đòi hỏi phải cố gắng.

Xin lưu ý rằng, Tự giáo dục – việc này bé đã làm từ lúc lọt lòng, ví dụ, tự bú… Rồi bé tự học các thao tác tay chân, học nói… tất cả đều diễn ra tự nhiên, ngay trong cuộc sống thường ngày, Việc học càng tự nhiên bao nhiêu thì càng vững chắc, càng đáng tin cậy bấy nhiêu.

Xin có một lời khuyên này:

Đừng cưỡng bức bé, mà có khi phải ²chịu thua² bé, chịu nghe theo bé, thì rồi mới mong sẽ đạt hiệu quả giáo dục tốt.

ở trường, tự giáo dục vẫn tuân theo nguyên lý cơ bản là em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, nhưng ở trường, quá trình này được Thầy giáo tổ chức và kiểm soát sao cho sản phẩm là tất yếu, nghĩa là em học gì được nấy, học đâu được đấy.

Mối quan hệ Gia đình / Nhà trường có bản chất là quan hệ Giáo dục gia đình / Giáo dục nhà trường, cả hai đều có tính nhân tạo và tuỳ thuộc vào truyền thống và nền văn minh đương thời.

Nền văn minh thế kỷ XXI rồi sẽ có nền giáo dục của riêng nó, dù là giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường, nhưng về cơ bản, giáo dục gia đình vẫn cứ tự nhiên, cuộc sống thực mách bảo gì nghe nấy. Còn giáo dục nhà trường thế kỷ XXI thì ở trình độ tự giác cao hơn, Thầy giáo hiện đại có thể tổ chức và kiểm soát quá trình giáo dục, dưới hình thức Công nghệ học cho các Môn học hay Công nghệ giáo dục cho các Hoạt động, để có được những sản phẩm đúng hay sản phẩm gần đúng.

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồ Ngọc Đại