Cần một sự an tâm cho các nhà giáo

Vietsciences- Bùi Trọng Liễu          14/12/2008

 

Những bài cùng tác giả

Ngày 20/11 vừa qua là « ngày nhà giáo» – một truyền thống ít thấy riêng lẻ ở nước khác– cũng là một đặc điểm của Việt Nam. Tôi chỉ biết là từ năm 1993, UNESCO chọn ngày 5/10 mỗi năm làm « ngày Quốc tế các nhà giáo ». Mục đích của họ, không phải là dùng một ngày để khen thưởng, vinh danh, tặng danh hiệu, vv. để vuốt ve, hô khẩu hiệu, thay cho sự cần thiết cố gắng liên tục cả năm. Mục đích của họ là để quảng bá vai trò quan trọng của nhà giáo trong mọi xã hội, để nói đến sự cần thiết có các nhà giáo có trình độ nghiêm túc, có đạo đức nghề nghiệp, có phương tiện để hành nghề, cũng như để nhấn mạnh đến quyền (bình đẳng) được học hỏi của mỗi người.

Trong theo bài báo gần đây, http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/813261/, một đại biểu Quốc hội « trăn trở trước thực trạng giáo dục bậc mầm non chưa được Bộ quan tâm, trong khi lại dành quá nhiều sự quan tâm đối với các hệ giáo dục khác, mở tràn lan các trường ĐH, CĐ, nhất là đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, từ đó, sinh viên ra trường khó xin việc do mất cân đối cung cầu », và đặt câu hỏi rằng « như vậy có phải là lo phần ngọn mà quên phần gốc, lo đào tạo tiến sỹ mà quên mất khu vực giáo dục hình thành nên nhân cách của học sinh? ». Sự trăn trở của ông đại biểu Quốc hội hẳn cũng là sự trăn trở của đông người, mà câu trả lời của Bộ xem ra chưa được coi là thỏa đáng. Riêng tôi thì nghĩ rằng « ngọn và gốc » đây, cũng như « con gà và quả trứng », khó tách rời. Có gà thì mới đẻ được ra trứng, có trứng thì mới nở được ra gà. Tha hồ luận tối ngày sáng đêm. Nhưng vấn đề là đừng để « toi gà, thối trứng », một nguy cơ đang xảy ra khi giải quyết kiểu đại trà ồ ạt, trong khi phương tiện nhân sự chưa cho phép. Mà lòng người không yên, thì giải pháp hành chính nào đi nữa cũng khó mang lại kết quả mong muốn.

Vì thế nên tôi nghĩ rằng cần một sự an tâm cho nhà giáo. Trước hết, là vấn đề bảo đảm sao cho nhà giáo đủ sống, tránh cho họ sự « túng làm liều », nhất là khi một khuynh hướng đang mạnh thế ở trong nước cho rằng trong thời kỳ kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, có thể thương mại hóa giáo dục, vv. Điều này phần nào cắt nghĩa tại sao một số nhà giáo ngỡ mình là doanh nhân (điều mà tôi không thấy ở nước khác), trong khi một số khác chọn nghề nhà giáo vì yêu nghề mà lại không được một sự bảo đảm an ninh tối thiểu.

Vì thế cho nên trách nhiệm của người cầm trịch rất là quan trọng. Qui định bất nhất ; trách nhiệm không rõ rệt (đâu là trách nhiệm của Bộ, đâu là trách nhiệm của địa phương, chính quyền tập trung hay 64 tỉnh thành là lục thập tứ sứ quân, vv.) ; tư hóa quá nhiều trường ; mang quan niệm thu bù chi vào các trường công dưới mỹ từ xã hội hóa ; quá tin vào « thần dược » của vài ông « lang » nước ngoài với những trường quốc tế Việt-X, Việt-Y, vv, bằng tiền của mình để hy vọng chấn hưng nhanh chóng như kiểu mua mì ăn liền ; mơ tưởng tới năm này năm nọ có bao nhiêu trường lọt vào top 200, thậm chí còn hy vọng cộng tác với người nước ngoài để tới năm này năm nọ sẽ có được giải Nobel khoa học – (nếu họ có phép nhiệm màu, sao họ không áp dụng cho chính nước họ?) – lẫn ganh đua với thi đua; dùng giải pháp « gây sức ép » tưởng rằng để có hiệu quả, (như tôi có viết một phần trong bài báo http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/11/815621/ ), e rằng chỉ gây thêm hỗn loạn. Khi lòng người không yên, thì họ tự lo cho họ bằng cách vơ vét tích lũy, cho họ rồi cho con cho cháu họ, làm sao mà chấn hưng có hiệu quả ! Năng nổ tham quan, thanh tra nơi này, úy lạo nơi nọ, hô hào nói không với tiêu cực này kia, có thể là cần thiết ; nhưng đó không phải tự nó là một chiến lược.

Giáo dục Đào tạo đang cần một chiến lược phù hợp mang lại sự an tâm cho xã hội, và cho các nhà giáo.

 

Đã đăng trên VietnamNet

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Bùi Trọng Liễu