Chủ nhân vụ "bằng cấp dỏm": "Tôi không may!"

Vietsciences-Kim Dung  - VietnamNet            29/06/2010

 

Những bài cùng đề tài

Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi.

Sau khi Tuần Việt Nam đăng một loạt các bài viết xung quanh vụ "Làm tiến sĩ ở Mỹ không cần biết tiếng Anh", sáng qua, 24-6, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở  Văn hóa - Thông tin - Du lịch Phú Thọ, nhân vật chính của vụ việc này tìm đến Tuần Việt Nam chúng tôi.

Trong câu chuyện trình bày, ông cho biết một vài nét về nhân thân. Sinh năm 1958, đã đi bộ đội 8 năm, học Trung cấp Thương mại, rồi làm việc tại Công ty Du lịch Phú Thọ. Tiếp đó, ông học lớp ĐH tại chức Kinh tế quốc dân (đặt tại địa phương). Năm 2002, ông làm Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu, lên Phó GĐ Công ty, rồi GĐ Sở Thương mại Du lịch Phú Thọ. Năm 2008, trở thành GĐ Sở VH - TT - DL đến hôm nay.

Ông Ân cho biết, bản thân ông đã học và bảo vệ luận án Thạc sĩ quản trị kinh doanh về du lịch tại ĐHQGHN (Khoa Quản trị kinh doanh, năm 2007)

Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt  Nam có cuộc trao đổi với ông Ân xung quanh vụ việc bằng TS của ông, do Trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ) cấp.

- Trước tiên, xin được hỏi, mục đích của ông tìm đến VietNamNet là gì?

- Vì VietNamNet là một tờ báo điện tử có uy tín, nên tôi muốn được trao đổi thêm thông tin cho dư luận hiểu rõ hơn về cá nhân tôi!

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở  Văn hóa - Thông tin - Du lịch Phú Thọ

- Những bài viết của VietNamNet xung quanh vụ việc của ông có gì sai trái không, thưa ông?

-Tôi không có ý kiến gì về những bài báo của VietNamNet. Các bài báo không nói quá. Chỉ có hai điểm báo chí nói không đúng: Tôi đã có bằng Thạc sĩ, chứ không phải không có. Và số tiền 17.000 USD là tiền riêng tôi bỏ ra!

- Tuy nhiên, nếu so với quy chế Bộ GD và ĐT ông vẫn vi phạm, vì quy định của Bộ là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế và chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài luận án?

- Về quy chế, nói thật là sau khi được cấp bằng Thạc sĩ ở ĐHQGHN, tôi cũng có nhu cầu học tiếp lên. Thấy anh em bạn bè nói về trường ĐH này, (ĐH Nam Thái Bình Dương) không cần có ngoại ngữ, mà ngoại ngữ mình thì kém. Thế là học tiếp. Hình thức học là đào tạo từ xa. Vì không cần tiếng Anh nên mình mới đăng ký. Nếu không thì làm sao tôi đủ điều kiện?

- Ông hay ai là người tìm ra trường ĐH này?

- Trên mạng có cả. Bạn bè nói và họ cũng tìm giúp.

- Nhưng bây giờ, thông tin về trường ĐH "dỏm" cũng rất nhiều. Ở  tuổi ông đã là tuổi khá trải nghiệm. Yêu cầu của Bộ GD và ĐT là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, trong khi đó, một trường ĐH tận bên Mỹ thông báo không cần biết tiếng Anh cũng có thể làm TS được. Ông không có linh cảm gì về điều này. Và ông vẫn tin tưởng?

- Tôi vẫn tin chứ. Vì tôi có thông tin của trường này, tôi tin tư cách pháp nhân của nó là có. Vì bản thân họ (Trường ĐH Nam Thái Bình Dương) gửi thư cho tôi (!). Và cũng có một số anh đã học theo kiểu này rồi!

- Nhưng chắc ông đọc báo cũng biết, GS Nguyễn Văn Tuấn(Úc) đã tìm kiếm thông tin về trường ĐH đó, và cho hay, trường đó có cơ sở tại Malaysia, và đã bị giải thể từ năm... 2003? Còn GS Trần Hữu Dũng (Mỹ) trong bài trả lời phỏng vấn cũng cho biết, ở Mỹ, không bao giờ có trường thuộc nhóm đã được kiểm định giáo dục mà tiếp nhận những sinh viên nước ngoài, rồi trao học vị TS cho họ mà người học không có kỹ năng nghe- nói - đọc- viết tiếng Anh... Người ta phân biệt rất rõ hai loại trường. Loại trường đã bị gọi là "dỏm", thì nếu chìa bằng cấp đó ra sẽ bị không công nhận, và người ta cũng rất coi thường.

- Vừa rồi, tôi có hỏi một số anh em bạn bè, họ giải thích, ở bên đó, trường ĐH nào, nếu không nộp thuế, thì bị đóng cửa, còn nếu nộp thuế xong thì lại được mở cửa. GS Nguyễn Văn Tuấn nói trường bị giải thể từ năm 2003, bản thân tôi cũng rất suy nghĩ. Dư luận nào đúng hay sai, tôi không dám khẳng định. Vì năm 2008, thư của trường ĐH này, họ viết gửi cho tôi, vẫn khẳng định trường là cơ sở đào tạo rất có uy tín (!)

- Thế nhưng nếu bây giờ, trước thông tin từ các GS có tên tuổi ở nước ngoài họ cung cấp và nếu trong thực tế, đó là trường ĐH "dỏm" thì ông có suy nghĩ gì không?

- Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi!

- Khi có thông tin trên báo chí về vụ việc của ông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ có kết luận gì không?

- Họ chưa có kết luận gì. Vì đây thực tế chỉ là nhu cầu học để nâng cao kiến thức của cá nhân mình thôi. Cái quan trọng là mình học được cái gì, áp dụng được gì cho công việc. Tôi học để cho tôi. Còn bằng cấp đó có được công nhận ở VN hay không lại là chuyện khác.

- Xin được hỏi thật ông, chắc ông cũng là một trong những người thuộc nguồn quy hoạch cán bộ cốt cán của tỉnh? (Ông Ân gật đầu, và nói thêm):

- Cũng có mấy trường hợp nữa, nhưng mà là bên doanh nghiệp. Vì đa số là cán bộ quản trị kinh doanh!

- Đến giờ, tỉnh Phú Thọ đã có hỗ trợ gì về kinh phí cho ông chưa?

- Chưa, chưa có hỗ trợ gì!

- Xin lỗi ông, tôi thấy trong thực tế, cơ chế quản lý của chúng ta còn có nhiều điều phải bàn. Như việc định ra tiêu chuẩn cán bộ. Về hình thức, có vẻ đúng. Nhưng quy định đó, nếu khi tuyển chọn, hoặc sử dụng cán bộ, chỉ căn cứ vào cái bằng cũng làm khổ không ít người.

- Đúng vậy. Tôi thấy quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc, chứ cái gì cũng bằng cấp giơ ra thì... Ở ngay cơ quan tôi, có anh TS hẳn hoi, làm việc chuyên môn rất tốt. Nhưng nếu làm quản lý lại không ổn.

- Nếu nói vậy, việc gì ông phải đi học tiếp?

- Nhưng nó vẫn ảnh hưởng chứ. Nên vẫn phải đi học. Việc báo chí thông tin như vừa qua, rất bất lợi cho tôi, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng tỉnh nay mai sẽ diễn ra. Nhưng tôi vẫn tin ở đề tài (chuyên môn) tôi đang triển khai thực hiện

- Ông tự nhận xét gì về mình, với vụ việc vừa qua?

- Tôi thấy mình không may thôi!

Nỏ thần giả và bằng Tiến sĩ dỏm

Chuyện bằng cấp dỏm thời nay có khác chi lẫy nỏ giả của Triệu Đà cách đây mấy ngàn năm. Sự dối trá đã len lỏi vào xã hội, vào giáo dục, vào y đức, vào quan trí, dân trí và được một số người chấp nhận như một việc bình thường...

Bằng dỏm ở trường giả mang danh quốc tế

Hơn 20 năm trước, tôi có người đồng nghiệp được mời sang giảng dạy bên AIT (Thái Lan) nhưng tiếng Anh hơi yếu. Khi hỏi, với ngoại ngữ yếu thì có mệt không, anh thản nhiên đùa "Chỉ có sinh viên nghe giảng mới mệt. Còn mình chả thấy vấn đề gì".

Mấy anh lái xe cho văn phòng nước ngoài, vốn tập tọe tiếng Anh, kể vui rằng "Cha nội Chris Shaw gốc UK chính hiệu mà tiếng Anh rất...yếu. Lão ấy chả hiểu bọn em nói gì".

Trong bối cảnh hội nhập, một lái xe và một giáo sư "tự tin"như thế là đáng khâm phục. Ít ra còn biết chút ngoại ngữ để mang chuông đi đánh nước người.

Tuy nhiên, chuyện một vị cán bộ của ta sang Mỹ bảo vệ Tiến sỹ bằng tiếng Việt, rồi trong lúc làm luận án bên đó mà không cần biết tiếng Anh mới đáng khâm phục hơn cả, đáng ghi vào kỷ lục thế giới.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin, dân chúng tỉnh Phú Thọ đang bàn về chuyện ông Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh, có học vị tiến sĩ với đề tài "Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ".

Khi được hỏi, ông nói có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt. Khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho từ đầu đến cuối. Đại loại vị "tiến sĩ" này thuộc dạng một từ tiếng Anh bẻ đôi không biết.

Ảnh chụp website của cái gọi là Trường ĐH Nam Thái Bình Dương.

Đương nhiên còn nhiều chi tiết khá thú vị không tiện bàn ở đây như, vị tiến sỹ này tự học, đọc tài liệu của trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học này cũng không yêu cầu nghiên cứu sinh phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ...chỉnh sửa là được.

Một giáo sư có uy tín với nhiều năm công tác ở nước ngoài, đã tìm hiểu kỹ về trường ĐH Nam Thái Bình Dương và đi đến kết luận, bằng "tiến sỹ dỏm này được lấy từ trường giả".

Trong bối cảnh ở nước ta bằng giả nhiều như đất thì chuyện trên của vị "tiến sỹ" nọ không có gì lạ. Lấy bằng dỏm ở trường giả mang danh Quốc tế cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Thật lòng, chuyện ấy ở quốc gia nào cũng có.

Chỉ có điều vị "tiến sỹ" nọ có thể giải thích với dư luận một cách đàng hoàng mới là chuyện lạ. Vị cán bộ này làm tới chức Giám đốc sở Văn hóa của tỉnh. Bỗng tôi ước, giá như ông có được sự "tự tin" về ngoại ngữ của vị giáo sư hay mấy bạn lái xe yếu tiếng Anh kể trên. Một chút thế thôi cũng là mừng lắm.

Bằng dỏm hay nỏ thần giả

Phú Thọ là vùng đất tổ cội nguồn, nơi đây các vua Hùng đã dựng nước. Miền đất này vốn giàu có về lịch sử, truyền thống và di sản văn hóa.

Trường Đại học Nam Thái Bình Dương" không phải là một đại học, mà chỉ là một cơ sở thương mại, buôn bán bằng cấp cho những ai có nhu cầu. Trường này có tên là Southern Pacific University (tên pháp lí là Southern Pacific University, Inc, a Hawaii corporation), thậm chí có hẳn một website hoành tráng nữa.  "Trường" này tuy nói là đặt ở Hawaii, nhưng gốc gác ở ... Malaysia.

Theo tài liệu của Bộ Thương mại và Tiêu thụ vụ (Department of Commerce and Consumer Affairs) thì "trường" đã bị giải thể từ ngày 28/10/2003.

Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được Mĩ công nhận.

Trường này thậm chí còn được liệt kê vào danh sách scam, tức là những nơi chuyên lừa gạt người nhẹ dạ để lấy tiền bằng cách bán bằng cấp dỏm. - Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Garvan, Australia.

Cách đây gần 6 thập kỷ, cụ Hồ về thăm Đền Hùng, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, từng căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Giữ nước có nhiều cách. Xây dựng quốc gia hùng cường, mạnh về kinh tế và quân sự, dân trí và quan trí cao, gồm cả sức mạnh cứng và mềm, trong đó lấy văn hóa làm gốc cho phát triển. Gìn giữ, kế thừa và phát triển văn hóa là chìa khóa cho tương lai của một đất nước.

Vì thế, quản lý văn hóa tại một nơi gọi là cái nôi sinh ra dân tộc Việt, cần một người đủ tâm, đủ tầm, đủ lượng tri thức cần thiết, nhưng không nhất thiết phải là... tiến sỹ.

Thủa trước, người ta thường bàn tới những vị quan "nhân-nghĩa-lễ-trí-tín". Có trí mà không có tín cũng hỏng. Làm quan mà không có trí, không có tín lại càng hỏng.

Dưới danh tiến sỹ dỏm của một trường giả để làm quan thì hỏi rằng ai có thể tin thành Cổ Loa được bảo vệ bởi một bàn tay tin cậy?

Những lễ hội gần đây đã chứng minh rằng, chuyện bằng rởm đã được tái hiện lại trong những lễ hội được gọi là văn hóa, truyền thống hay lịch sử. Bánh chưng dâng vua bằng nệm mút. Cướp hoa trong lễ hội hoa. Rồi lễ hội xin ấn, chai rượu to, mâm cao, cỗ đầy chẳng phải để nhớ người xưa mà chỉ mong được làm quan. Lễ hội rất lớn nhưng chứa đựng toàn những điều không thật, phản ánh thực trạng quan trí nước nhà.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy. An Dương Vương có chiếc nỏ thần mà bảo vệ được thành Cổ Loa trước giặc Triệu Đà vì thần Kim Qui cho chiếc lẫy nỏ là móng của mình. Nỏ này bắn một phát diệt hàng vạn tên địch. Địch không thể chiếm được thành.

Trọng Thủy là con Triệu Đà sang nước Nam tìm cách yêu Mỵ Châu và đổi được chiếc lẫy nỏ thật bằng một chiếc dỏm. An Dương Vương đã mất thành, mất nước. Ngày nay vẫn còn giếng Mỵ Châu - Trọng Thủy để người đời sau nhớ về bài học nỏ thần đắt giá.

Chuyện bằng cấp dỏm thời nay có khác chi lẫy nỏ giả của Triệu Đà cách đây mấy ngàn năm. Sự dối trá đã len lỏi vào xã hội, vào giáo dục, vào y đức, vào quan trí, dân trí và được mọi người chấp nhận như một việc bình thường. Niềm tin đôi khi lại được đặt vào sự giả dối.

Một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra, di sản văn hóa được xây nên bởi những lâu đài tri thức không có thật mà sự bắt đầu chính là những tấm bằng tiến sỹ giả giúp cho đường quan lộ hanh thông. Sự suy vong của một quốc gia đôi khi cũng từ những lẫy nỏ "tiến sỹ dỏm" đó.

Lời cụ Hồ năm xưa dặn ai còn nhớ. Nếu quên lời cố nhân và không nhớ bài học lẫy nỏ bị làm rởm từ mấy nghìn năm trước, rất có thể, một ngày nào đó không còn cả cái giếng Mỵ Châu rửa ngọc trai làm bài học cho đời sau.

 

 

           http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org