"Cổ phần hóa" đại học công - Nhà trường thành chiến trường

Vietsciences- Hồng Lê Thọ          20/05/2009

 

Những bài cùng tác giả

Một vấn đề khá nổi cộm không kém vấn đề khai thác bauxite ở Tây nguyên trong mấy tuần vừa qua là dự thảo của Bộ Tài chính về việc tổ chức thí điểm "cổ phần hóa đại học công" và đề án tăng học phí toàn diện của Bộ Giáo dục đào tạo để nâng cao tính chủ động về tài chính, tạo ra bước đột phá trong việc xã hội hóa giáo dục, trong đó đưa nền giáo dục đại học phát triển(1) mặc dù Chiến lược giáo dục từ năm 2009-2020 qua hơn 13 lần tu chỉnh vấn không thông qua được(2). Vấn đề giáo dục được xem là một loại dịch vụ công cần được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế tham gia qua hình thức "xã hội hóa" giảm gánh nặng cho ngân sách (trong khi đó chính phủ vẫn sẵn sàng trong một thời gian ngắn xuất ra hơn 8 tỷ đô la để kích cầu chống suy thoái kinh tế là một thí dụ cụ thể cho thấy ngân sách nhà nước chọn đâu là trọng điểm*) là một sáng kiến vĩ đại ở trên thế giới vì chưa có nước nào đem đại học công ra để cổ phần hóa, biến trường học thành một công ty cổ phần trên sàn giao dịch thương mại, một chiến trường mà hàng triệu sinh viên-học sinh ở các trường đại học-cao đẳng công lập trở thành con cờ tạo ra lợi nhuận siêu ngạch cho các nhà đầu tư .


"Cổ phần hóa" đại học công—một chủ trương "xã hội hóa" không mới

Cần nhắc lại rằng chính phủ Việt Nam thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã ban hành Nghị quyết 5/2005(3) với chủ trương phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập với hai loại hình kinh doanh: dân lập và tư nhân trong lĩnh vực nầy, cho phép tư nhân thành lập trường dân lập, đồng thời tiến hành "dân lập hóa" các trường bán công. Đẩy mạnh việc gia tăng tỷ lệ sinh viên, cao đẳng/số dân từ 120 lên dần mức 450 sinh viên/1000 dân trong năm 2020(4) bằng cách cấp phép thành lập đại học-cao đẳng khắp nơi. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dựa trên cơ sở nầy, hơn một lần, đã đồng ý việc lập phương án thí điểm "Cổ phần hóa" 15 đại học công lập vào tháng 12/ 2007*(xem chú thích 13). Do đó, việc tìm cách sản xuất ra 20,000 Tiến sĩ, cho lập trường đại học dân lập tràn lan-- không kiểm tra năng lực và điều kiện đào tạo chuẩn mực-- theo phương châm "xã hội hóa" vội vàng…là điều dễ hiểu và đã gặp không ít ý kiến phê phán, rằng đây là qui trình phát triển "ngược" chạy theo thành tích của nhà lãnh đạo giáo dục ở nước ta ? " Đại biểu Lê Văn Cuông -Thanh Hóa tại phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa 12 thẳng thắn phê phán "Bộ cho mở tràn lan các trường ĐH, CĐ nhưng chất lượng nhiều nơi thấp, nhất là đào tạo tại chức, từ xa. SV ra trường khó xin việc vì mất cân đối cung cầu. Mấy năm gần đây, Bộ lại có chủ trương đào tạo cấp tốc 20 ngàn tiến sĩ, gây xôn xao dư luận. Có phải Bộ đang làm quy trình ngược, lo cho phần ngọn mà không lo phần gốc?". Phải chăng vì quá bức xúc và hối hả theo trào lưu " kinh tế tri thức", biểu hiện của nó là những tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ được cấp tràn lan, không có chuẩn mực và nội dung nghiên cứu học thuật tương xứng (phản ánh qua số lượng bài báo học thuật cần thiết cho một luận văn học vị) vô hình trung đã làm hạ thấp(vốn đã thấp) hơn nữa giá trị bằng cấp của nền giáo dục đại học ở nước ta ngược lại với ước muốn(hay hoài bảo) khát khao nâng nền đại học lên tầm mức quốc tế trong khu vực vào 10 năm tới như BT Nguyễn Thiện Nhân thường nhấn mạnh. Nhìn vào thực trạng giáo dục ở các trường dân lập mới mở với thành phần giảng day chắp vá, thiếu hụt(5) hay một số trường dân lập chạy theo lợi nhuận, cố thu hút số người nhập học càng nhiều, vượt chỉ tiêu qui định của Bộ GDĐT trong năm học đầu tiên và dần dần bỏ rơi học sinh trong chương trình đào tạo chính qui, hay mở rộng diện cao đẳng dạy nghề vô tránh nhiệm, bày ra nhiều ngành học mà thực chất là kỹ năng đơn thuần, không còn là một đại học đúng nghĩa. Trong phỏng vấn vào tháng 3/2007, Giáo sư Phạm Phụ cho biết "Nước ta hiện có gần 12% số SV thuộc ĐH ngoài công lập và dự kiến sẽ tăng lên đến 40% vào năm 2010" (6). Điều nầy giải thích tại sao Bộ GDDT dễ dàng cho mở đại học đến nỗi trong phiên họp tại quốc hội vừa qua BT Nguyễn thiện Nhân phải kêu than và đổ lỗi ngược lại cho địa phương hay phụ huynh khi bị các đại biểu chất vấn(7). Tuy vậy theo GS Phạm Phụ thì "chính sách tài chính(cho đại học công) vẫn còn chưa rõ ràng" hiện nay có một số đề xuất đổi mới lại "thái quá" trong khi việc mở rộng nầy đã kích thích doanh nghiệp đổ hàng nghìn tỷ đồng vào thị trường giáo dục đại học. Ví dụ, chuyển một số ĐH công lập và ĐH mở, bán công sang tư thục. ĐH tư thục hiện nay theo Quy chế là dạng công ty cổ phần vì lợi nhuận. Vậy, thiết nghĩ, việc chuyển đổi này vừa là không phù hợp với tâm lý và truyền thống, vừa là không cần thiết"(GS Phạm Phụ). Sự phi lý của việc cổ phần hóa Đại học công ngay từ đầu đã gặp sự phản kháng khá quyết liệt từ khi tư tưởng nầy mới chớm trong nội bộ Bộ GDĐT(8). GS Bùi Trọng Liễu (Pháp) nhấn mạnh ĐH công lập là sở hữu Nhà nước, việc cổ phần hóa sẽ là con đường "mon men" tiến tới lấy tài sản công biến thành tài sản tư. "Và đã là công ty cổ phần là có chia chác lợi nhuận, việc lợi tức xuất phát từ tài sản chung chạy vào túi của một số tư nhân không phải là con đường đạo lý".(9) Liệu chúng ta có thể tán thành cách lý giải của TS Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách công (Bộ Tài chính), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu và hiện nay là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình rằng "cổ phần hóa làm thay đổi cơ chế tài chính chứ không phải thay đổi bản chất hoạt động của trường" và "chuyển sang công ty cổ phần, theo tôi sẽ gỡ rối cho một số trường tự chủ tài chính hiện nay" để cổ súy và bảo vệ chủ trương cổ phần hóa.(10).
 

Đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí không thể khoán cho nhà đầu tư kinh doanh.

Xu thế và kinh nghiệm chạy theo lợi nhuận của những trường dân lập chắc chắn sẽ lây lan sang các trường công lập được "cổ phần hóa" để truy cầu lợi nhuận đến mức tối đa cho người bỏ vốn là điều có thể hình dung khi con số sinh viên đang theo học lên tới hàng vạn thì quả là một thị trường béo bở "còn bỏ ngỏ" đối với các nhà đầu tư(11) . Phát xuất từ mối lo ngại nầy, nhiều ý kiến một lần nữa tỏ ra không đồng tình với dự thảo cổ phần hóa(12) mà bộ tài chính mới đưa ra. TS Nguyễn Quang A cho rằng "đây là chủ trương xấu cho tuyệt đại học sinh…là một chủ trương rất sai lầm. Nó chỉ tốt cho con nhà giàu và xấu cho tuyệt đại đa số học sinh, sinh viên. Doanh nghiệp là doanh nghiệp. Doanh nghiệp là phải gắn với lợi nhuận, nếu không sẽ bị phá sản, bị loại khỏi thương trường. Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận thì mục tiêu đào tạo con người sẽ không còn là mục tiêu hàng đầu. Lúc đó sẽ gây tình trạng bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng. Ai có tiền thì học, ai không có tiền thì ra ngoài.

Nhà nước cần phải duy trì trường công. Trường công là nơi con nhà nghèo nhưng có học lực tốt vẫn có thể theo học. Nếu cổ phần hóa, thương mại hóa thì học phí chắc chắn sẽ đắt, con em nhà nghèo làm sao học được?"(13). Điều nầy thật chí lí khi học phí đại học ở các trường công lập còn ở mức thấp, phù hợp với thu nhập của người nghèo nhưng mỗi khi mặt bằng học phí được "điều chỉnh" như đề xuất của Bộ GDĐT hiện nay, tăng từ 180,000 đồng/tháng lên 500,000-800,000 đồng/tháng, tức gấp 400-600% tùy theo ngành nghề thì số người không đủ khả năng theo học sẽ tăng vượt trội mặc dù Bộ GDĐT nói rằng sẽ miễn giảm hay cho vay hoặc phụ cấp từng phần cho những đối tượng nầy để trấn an. Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù mà ở đó, phải đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận cho tất cả mọi người. Nhà nước phải trả tiền cho trường nào đào tạo công dân cho mình, bất kể công lập hay dân lập". Cựu thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Minh Hạc nêu rõ "Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khoá X đã đưa ra chủ trương thí điểm cổ phần hóa (CPH) trường Đại học (ĐH) công lập;Thủ tướng chính phủ đã từng giao Bộ GD&ĐT làm đề án này; theo dự kiến ban đầu đưa ra 15 trường vào cuối tháng 11/2006(14) nhưng đã bị Hội Cựu Giáo chức Việt nam phản đối quyết liệt(15); Đồng quan điểm với cựu BT Giáo Dục Phạm Minh Hạc, rằng cổ phần hóa đaị học công sẽ "phá nát"(16) nền giáo dục hiện hữu, hay nói khác đi, như TS Nguyễn Quang A "Cổ phần hóa các trường học sẽ làm méo mó trầm trọng hệ thống giáo dục đang rất cần phải cải cách. Nếu đây là một bước cải cách thì là một bước cải cách theo hướng sai lầm" vô cùng nghiêm trọng, tạo tiền đề cho những cuộc đua không vì chất lượng như quan niệm đơn giản của nhiều người mà là cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận và lối giáo dục thực dụng mang tính chất dạy nghề chắp vá để tìm việc làm chứ không còn là nơi nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí và là tạo ra những con người có đủ khả năng nghiên cứu và nắm bắt khoa học kỹ thuật của một nền giáo dục đại học đúng nghĩa . Điều có thể lý giải được những ý kiến trên qua hiện tượng ngành nghề dạy học tràn lan của nhiều đại học có khuynh hướng kinh doanh như đại học Hồng Bàng bất kể nội dung và chất lượng ra sao.
 

Đâu là trách nhiệm xã hội của nhà nước ?

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đặt vấn đề "khi đã CPH, các trường phải hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tức là họ nhằm đến lợi nhuận là chính. Vậy trách nhiệm xã hội ai sẽ gánh vác? Con em của người có thu nhập bình thường (chưa nói đến người nghèo) có vào nổi hay không?". Ông khẳng định "không thể lấy lý do CPH là san bớt gánh nặng ngân sách giáo dục được bởi theo tôi, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phúc lợi xã hội, Nhà nước phải gánh vác. Thu thuế và chi cho giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng là công việc cơ bản của Nhà nước, thể hiện trách nhiệm với công dân của mình. Dù là gánh nặng thì Nhà nước vẫn phải gánh"(17). Từ góc độ của một nhà kinh tế và là nhà giáo, TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét "Nếu các trường công lập được thực hiện cổ phần hóa theo chương trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, thì đó một mặt, đó là sự từ chối trách nhiệm của Nhà nước; mặt khác, sẽ biến trường ĐH thành một hội buôn, trong đó, hội đồng quản trị thay thế hội đồng trường, người có tiền chứ không phải người có tri thức sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của trường. Những lệch lạc về mô hình như thế này tất yếu sẽ dẫn đến các lệch lạc khác về giáo dục đào tạo. Và kết quả cuối cùng có thể sẽ là các trường cổ phần hóa do chạy theo lợi nhuận, theo số lượng sẽ bỏ quên những giá trị xã hội, kiến thức nền tảng và làm giảm chất lượng giáo dục(18). Nếu lấy lý do nhà trường công lập gặp khó khăn về tài chính để cổ phần hóa thì đây chỉ là một cái cớ vì trên thực tế, Giáo sư Hoàng Bảo Châu, HT trường ĐH ngoại thương cho biết "các trường công lập rất khó khăn về tài chính nhưng nhà nước cũng đã có cơ chế mở như việc giao cho các trường được đào tạo thêm. Ví dụ như Đại học Ngoại thương được dành một nửa chỉ tiêu cho đào tạo ngoài, nhà trường được tự quyết định học phí theo giá cả thị trường. Đó là phần xã hội hóa, phần tạo ra nguồn lực cho các trường"(19). Sự vận dụng nầy chắc chắn không dừng lại ở ĐH Ngoại Thương, trở thành một giải pháp phổ biến ở đại học công, với nhiều chương trình, khóa học ngắn ngày từng phần mang tính dạy nghề, ứng dụng đã được khai thác triệt để không thua kém các cơ sở dân lập. Xu thế "xã hội hóa" giáo dục, mà thực chất chỉ là việc bỏ dần các chuẩn mực đào tạo, mở rộng số lượng đầu vào để tăng lợi nhuận, đang là xu thế chủ đạo. Nó chi phối ngay cả những trường hàng đầu, mà yêu cầu rất cao về nỗ lực dạy và học là điều kiện tiên quyết để tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng. Hệ quả là, Đại học Việt nam có cơ bị đẩy lùi dần vào cái bẫy của chất lượng tồi.Việc Bộ giáo dục cho phép mở ra vô số các trường "Đại học", các chương trình liên thông, tại chức, bằng hai, mà không giám sát được chất lượng, thì vô hình chung, nó đã tiếp sức hơn nữa cho cuộc đua chạy theo lợi nhuận(20). "Nhà nước phải có vai trò chủ lực trong việc đầu tư cho giáo dục, nếu cổ phần hóa đại học công lập thì Nhà nước tự thoái thác trách nhiệm đối với một công việc vô cùng hệ trọng của quốc gia. Trường đại học thường là nơi đào tạo trí thức cho quốc gia nên nó đòi hỏi những người quản lý điều hành phải là những người trí thức, coi công việc giáo dục của mình là một sứ mệnh thiêng liêng đối với đất nước, với dân tộc hơn là một công việc kinh doanh mang lại lợi nhuận. Cho nên khi cổ phần hóa, các nhà đầu tư lấy "đồng tiền" làm mục tiêu thì rất có thể tôn chỉ về giáo dục sẽ bị sai lệch. Riêng về giáo dục, có thể dễ dàng nhận thấy, mục đích chất lượng cao khó có thể song hành cùng lợi nhuận. Cái khác của sản phẩm giáo dục với các loại hàng hóa khác chính là chỗ này. Hãy thử đặt vấn đề, vì mục đích lợi nhuận, các trường cổ phần hóa sẽ bị áp lực từ các cổ đông, sẽ bằng mọi cách thu nhiều lợi nhuận. Lúc đó ai có thể ngăn cản được họ thu nhận sinh viên và cấp bằng tràn lan, bất chấp các yêu cầu về chất lượng chuyên môn.(21)
 

Giáo dục chạy theo thành tích thì kinh doanh chạy theo lợi nhuận là đương nhiên

Như đã đề cập, thử hỏi đại học Hồng Bàng nổi tiếng(22) với 60 ngành học, số lượng sinh viên lên hàng chục ngàn, học phí cao gấp 4-8 lần trường công(23) đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học được công bố, tỷ lệ học sinh ra trường tìm được việc làm phù hợp với nội dung đã được "đào tạo" có đạt trên 10% là câu hỏi cần phải đặt ra cho những nhà giáo dục ở Đại Học Hồng Bàng nói riêng cũng như những nhà kinh doanh đại học ở nước ta nói chung. Khi một trường đã bỏ đòi hỏi về chuẩn mực chất lượng để tăng số lượng đào tạo vì lợi nhuận cao 25-30%/năm(24), thì các tổ chức khác khó lòng mà ngồi yên. Logic ở đây là, nếu không tăng khóa học, tăng số lượng đào tạo, thì nguồn đầu vào sẽ bị trường khác hút mất. Và hiện tượng quá tải, dẫn đến phải giảm đòi hỏi về chất lượng, trá hình hay công khai, cứ vậy mà mặc sức lan truyền(25).


Một cơ sở của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng nằm trong Công ty cổ phần Bao bì dược trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM nhìn từ bên ngoài... -Ảnh: ANH KHÔI(Tuổi Trẻ)

...và phòng học bên trong - Ảnh: ANH KHÔI

Xin đừng biến trường học thành "chợ trời" buôn chữ nghĩa và bằng cấp mà hàng giả và hàng dỏm đầy dẫy. Một điểm cần lưu ý là trên 1,5 triệu sinh viên-đại học và cao đng có 40%(năm 2010) là sinh viên trường dân lập sẽ rơi vào tình trạng đem con bỏ chợ sau khi "lỡ" đóng học phí năm đầu tiên với những lời chiêu dụ ngọt ngào. Vậy thì đại học công khi cổ phần hóa đảm bảo không xảy ra hiện tượng tương tự một cách sâu rộng và phổ biến hơn được phép đặt ra học phí cao ngất ngưỡng để "tự cân đối chi thu" mà thôi ? (26) Điều nầy giải thích tại sao hiện nay nước ta có hơn 60,000 sinh viên thuộc con nhà khá giả đi ra nước ngoài học tập trong đó hơn 70% lại là những học sinh đi học trường đại học cộng đồng hay đào tạo ngắn hạn tương tự như học nghề, (hay du học từ năm lên lớp 10) với một chi phí không nhỏ 20,000-30,000 đô la/năm ở các nước trong đó Hoa Kỳ là nước có nhiều sinh viên VN nhất(27). Số đông thuộc tầng lớp nghèo còn lại học trong nước với một nền giáo dục đại học sáng tối bất minh, ngày càng bát nháo theo kiểu "mì ăn liền"(28) thì tiền đồ của dân tộc sẽ ra sao khi phải dựa vào tầng lớp trí thức đào tạo kiểu "hổ lốn" như vậy? Sự tệ hại của giáo dục hiện nay là tiền đề của những vấn nạn với nhiều hệ lụy nguy hại lâu dài cho xã hội không ai chịu trách nhiệm.

Nhiều nhà cách mạng lão thành, chư vị thức giả, nhà giáo tâm huyết… trong xã hội đã nhiều lần lên tiếng, đề xuất hàng loạt ý kiến và đề án liên quan đến giáo dục đại học(29) kể cả việc kêu gọi thành lập "Ủy ban Cải cách Giáo dục"(30) cấp nhà nước(đã bị Thủ tướng chính phủ từ chối) nhưng tiếc thay tất cả nằm ngoài tai của những người lãnh đạo hôm nay, vì nếu "tiếp thu" nghiêm túc những đóng góp trí tuệ nầy thì "Chiến lược giáo dục" không phải vất vả soạn đi soạn lại hay dự thảo "cổ phần hóa" đã không xuất hiện gây xôn xao lo lắng cho các bậc phụ huynh nếu không nói là ngành giáo dục ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, sâu sắc.



Hồng Lê Thọ

5/2009



(*)Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã công bố chính thức kế hoạch kích cầu trị giá 8 tỷ đôla. Trong gói kích cầu này: 5,2 tỷ đôla sẽ được sử dụng cho các dự án phát triển và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ; 1,6 tỷ nhằm thực hiện chính sách giảm thuế và 400 triệu đôla cho các chương trình an sinh xã hội(ngày 14/5/2009)

 

Chú thích :

(1)Theo bản dự thảo, việc chuyển đổi này sẽ giúp các đơn vị tự chủ về tài chính, phát huy được vai trò của doanh nghiệp, công khai, minh bạch hạch toán theo nguyên tắc thị trường, phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc cung ứng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong lĩnh vực đào tạo, việc chuyển đổi này cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho các trường triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, phát huy có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu. Sau khi trở thành doanh nghiệp, các trường sẽ thực hiện cơ chế quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của luật thuế đối với doanh nghiệp; được tự quyết định mức thu, chi phí dịch vụ để bảo đảm kinh phí hoạt động.(báo Người lạo động 11/5/2009)

http://www.nld.com.vn/20090510100238291P0C1017/noi-lo-thuong-mai-hoa-giao-duc.htm  

(2)Công bố dự thảo chiến lược giáo dục 2009 – 2020

http://203.162.168.143/giaoduc/2008/12/819333/  

(3) http://cchc.dongnai.gov.vn/vanban-nhanuoc/mldocument.2007-10-27.6840466885/view  

(4)- Năm 2020, cả nước có khoảng 8,5-9 triệu thanh niên trong độ tuổi học đại học.

- Năm 2010 cần có 386 trường (171 ĐH, 215 CĐ), năm 2015 có 410 trường (195 ĐH, 285 CĐ), và năm 2020 có 600 trường (225 ĐH, 375 CĐ).

- Năm 2010, quy mô đào tạo ĐH, CĐ cần đạt 1,8 triệu sinh viên, năm 2015 là 3 triệu sinh viên và năm 2020 là 4,5 triệu sinh viên.

- Năm 2010 cần phấn đấu đạt 200 sinh viên trên một vạn dân và con số này lần lượt tăng lên 300 sinh viên (2015) và 450 sinh viên (2020).

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2008/08/3BA06097/  

(5)"Hàng loạt gian lận tại các đại học, cao đẳng mới mở"

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2008/08/3BA06097/



"Chất lượng các trường đại học mới: S.O.S!"

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=97594&ChannelID=71  

(6)Báo Thanh niên: 22/03/2007

http://www.c_dai_hoc_va_co_che_thi_truong/hungta.com/Desktop.aspx/GiaoDuc/Thuc-Trang-GD-Dai-Hoc/Giao_duc

(7) Hồng Lê Thọ"Nền giáo dục Việt Nam nên củng cố từ đâu , giáo dục Mầm non hay đào tạo Tiến sĩ ?"

http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/nengdvnnencungco.htm    

(8)như (7) tldd

(9)Bùi trọng Liễu "CỔ PHẦN HÓA TRƯỜNG HỌC "

Nỗi lo thương mại hóa giáo dục

www.nld.com.vn/20090510100238291P0C1017/noi-lo-thuong-mai-hoa-giao-duc.htm    

(10) http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/846148/  

(11) theoTS Vũ quang Việt số sinh viên trong các ĐH VN: ĐH Quốc gia TPHCM 81 ngàn, ĐH Đà Nẵng 52 ngàn, ĐH Mở HN 46 ngàn... Đây là những ĐH vào hàng khổng lồ nhất thế giới. Ơ Mỹ, ĐH lớn nhất là Arizona State cũng chỉ có khoảng 52 ngàn sinh viên. Các ĐH hàng đầu của Mỹ chỉ khoảng 15 ngàn

http://www.laodong.com.vn/Home/Su-can-thiet-cua-hoc-phi-dai-hoc/20079/56068.laodong  

(12)Cổ phần hóa giáo dục, học sinh được lợi gì? http://tuyengiao.vn/Home/diendan/2009/5/8742.aspx  

(13)GS.TS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương: Con nhà nghèo sẽ phải nghỉ học

http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/www.ktdt.com.vn/Co-phan-hoa-giao-duc-hoc-sinh-se-duoc-loi-gi/2707416.epi  

(14) Thí điểm cổ phần hóa 15-20 trường ĐH,CĐ

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2006/12/641785/  

Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã giao Bộ trưởng GD-ĐT lựa chọn các trường ĐH, CĐ cụ thể trong số 311 trường ĐH, CĐ hiện nay để tiến hành cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa trường ĐH, CĐ nhằm mục tiêu mở rộng xã hội hóa trong lĩnh vực này; tăng quyền tự chủ cho các trường và tăng thu hút vốn đầu tư xã hội để đầu tư cơ sở, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo…

ngày 15/12/2006 bên lề Diễn đàn Quốc tế "Gia nhập WTO và đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam "

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, Chính phủ đang giao cho Bộ GD&ĐT lựa chọn các trường ĐH, CĐ cụ thể trong số 311 trường ĐH, CĐ hiện nay để tiến hành cổ phần hoá trong 5 năm tới.

http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=75296&Catid=71  

(15)Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã giao Bộ trưởng GD-ĐT lựa chọn các trường ĐH, CĐ cụ thể trong số 311 trường ĐH, CĐ hiện nay để tiến hành cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa trường ĐH, CĐ nhằm mục tiêu mở rộng xã hội hóa trong lĩnh vực này; tăng quyền tự chủ cho các trường và tăng thu hút vốn đầu tư xã hội để đầu tư cơ sở, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

(16)GS-VS Phạm Minh Hạc: Cổ phần hóa là phá nát hệ thống giáo dục

"trường không phải chợ, giáo dục không phải là hàng hóa". Tất cả người làm giáo dục xưa nay trên khắp thế giới này không bao giờ nói rằng nghề dạy học là nghề bán hàng. Cổ phần hóa là bán, mua, tức là thương mại hóa rồi.

Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII của Đảng ta cũng ghi rõ là phải chống thương mại hóa giáo dục. Kết luận của Bộ Chính trị kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết này, ban hành ngày 15-4 mới đây một lần nữa khẳng định lại quan điểm đó. Hiểu xã hội hóa là cổ phần hóa thì hoàn toàn trái với tư tưởng trong các nghị quyết của Đảng và chính sách nhà nước ta đã ban hành. Xã hội hóa là vận động tất cả lực lượng xã hội tham gia vào giáo dục. Trên thế giới, người ta nói rằng làm sao để mọi người làm giáo dục và mọi người được giáo dục. Đấy mới là tư tưởng xã hội hóa. Hơn nữa, nếu thu hút vốn đầu tư thì tư nhân cứ đầu tư vào trường tư thục, luật pháp đã cho phép rồi. Tại sao lại phải cổ phần hóa trường công? Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII của Đảng ta cũng ghi rõ là phải chống thương mại hóa giáo dục. Kết luận của Bộ Chính trị kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết này, ban hành ngày 15-4 mới đây một lần nữa khẳng định lại quan điểm đó. Hiểu xã hội hóa là cổ phần hóa thì hoàn toàn trái với tư tưởng trong các nghị quyết của Đảng và chính sách nhà nước ta đã ban hành.

  http://www.phapluattp.vn/news/giao-duc/view.aspx?news_id=253035         

(17) http://www.nld.com.vn/20090512014444897P0C1017/sao-lai-phai-co-phan-hoa-truong-cong-htm   

(18) http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/845683/     

(19)nt

(20) "Cuộc đua số lượng: Sự bất ổn trong giáo dục Đại học Việt Nam " Lê Hồng Nhật

(21) Lê Chân Nhân

http://dantri.com.vn/c202/s202-323797/than-trong.htm  

(22) Liên tục trong năm, sáu năm, gần như năm nào trường cũng tăng học phí. Chẳng hạn năm 2005, sinh viên ngành điện - điện tử đóng học phí 2.980.000 đồng/năm thì đến năm học 2006-2007 đã tăng lên 4.480.000 đồng/năm, bước sang năm học 2008-2009 học phí lên thành 5.880.000 đồng/năm. Vừa bước sang học kỳ II năm học này, trường đột ngột tăng học phí lên 3.490.000 đồng/học kỳ. Trong khi đó các ngành còn lại của trường học phí năm học 2008-2009 so với 2007-2008 đều tăng thêm từ 1-1,5 triệu đồng.

Trong công bố mới nhất, học phí ngành thấp nhất của trường đã lên đến 6.980.000 đồng/năm và ngành cao nhất đạt mức gần 14.000.000 đồng/năm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường từ khi mới thành lập đến nay, lý giải: "Trường tăng học phí để tăng tiền lương cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và làm các công trình phúc lợi xã hội".

Nếu như năm 2001 tài sản của trường chỉ 13,5 tỉ đồng, đến năm 2005 tài sản của trường đã tăng gấp ba lần, lên hơn 41,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau khi cân đối thu chi của trường trong năm 2002 hơn 9 tỉ đồng. Trong tổng số tài sản này, nguồn thu từ học phí chiếm gần như tuyệt đối.

Cũng cần nói thêm trong hàng trăm trường ĐH, CĐ hiện nay, chưa có trường ĐH nào bị quá nhiều lời ta thán của sinh viên như Trường ĐHDL Hồng Bàng. Thế nhưng không thể hiểu vì sao mọi việc sau khi được đề cập đều bị rơi vào khoảng không. Và rồi Trường ĐHDL Hồng Bàng năm sau được tuyển sinh nhiều hơn, mở nhiều ngành đặc thù hơn năm trước và tạo ra nhiều việc đi ngược với quyền lợi của người học hơn.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=309176&ChannelID=13  
http://edu.net.vn/forums/t/42813.aspx (Trường ĐẠI HỌC HỒNG BÀNG VỚI TÍNH THƯƠNG MẠI HÓA TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC)

(23) Bạch Ngọc Dư"Giáo dục đại học: Học phí chi phối chất lượng đào tạo"

Quy định đào tạo hiện nay cho một sinh viên bậc đại học là 8,1 triệu đồng, cao đẳng là 6,8 triệu đồng, trong khi ngân sách nhà nước cấp cho các trường công lập rất hạn hẹp (năm 2008 ước tính ngân sách chi cho giáo dục đại học là 9.559 tỷ đồng, nhưng trong số tiền đó thì có tới 50-60% dành cho chi phí thường xuyên của các trường). Với mức ngân sách như vậy cộng thêm 1,8 triệu đồng thu mỗi năm cho mỗi sinh viên thì số tiền trên cũng chỉ đủ cho việc trả lương giảng viên, nhân viên không thể nói gì tới đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho đào tạo.

Theo tính toán của nhiều nhà trường, hiện nay tính bình quân mức chi cho mỗi sinh viên công lập một năm quá lắm cũng chỉ còn 6,7 triệu đồng. Kinh phí được cấp eo hẹp, với khoản thu học phí được quy định từ năm 1998 đến nay chưa thay đổi đã khiến các trường đang lâm vào cảnh thiếu nguồn kinh phí cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu - điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

http://72.14.235.132/search?q=cache:kVMuIlUVGmQJ:www.gdtd.com.vn/gdtdroot/2009-018/bai03.htm+ch%C3%AD+ph%C3%AD+cho+gi%C3%A1o+d%E1%BB%A5c+%C4%91%E1%BA%A1i+h%E1%BB%8Dc&cd=8&hl=en&ct=clnk  

Tuy nhiên có cách nhìn khác khá độc đáo lạc quan:

"Học phí của trường Dân lập cao nếu bạn so sánh với các trường công lập. Trong khi các trường công lập được nhà nước đài thọ kinh phí đào tạo, trung bình kinh phí chi cho 1 SV 1 năm cấp từ ngân sách là >2.600.000đ, mà thực tế số tiền này là tiền đóng thuế của nhân dân. Ngoài số tiền nhà nước cấp ra, 1 SV học tại các trường công lập phải nộp thêm học phí 1 năm trung bình là 1.500.000đ. Như vậy, tổng số kinh phí chi cho đào tạo 1 SV 1 năm tại các trường công lập là >4.000.000đ. Kinh phí này tương đương học phí mà các trường dân lập thu của SV. Bên cạnh đó, cần so sánh thêm, trong lúc các trường công lập được nhà nước cấp đất, cấp tiền ngân sách để xây trường, được ưu đãi nhận tài trợ từ các nguồn ODA (mà thực chất sau này toàn dân Việt nam sẽ è cổ ra trả, chứ không phân biệt gì với những ai học công lập ra thì phải trả, còn ai học dân lập thì không). Nếu cộng tất cả các khoản này, có thể thấy 1 SV công lập 1 năm có tổng kinh phí chi cho học tập lớn hơn nhiều 1 SV dân lập. Trong lúc này, các trường dân lập không hề nhận được tài trợ của nhà nước, mọi chi tiêu đều phải trông chờ vào học phí của SV. Trong bối cảnh học phí hầu hết các trường thu của SV <4.000.000đ thì chỉ đủ để trang trải cho công tác đào tạo. Trường dân lập nào quản lý tốt, có thể tích luỹ được 1 số nhỏ để tái đầu tư vào nâng cao cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Bên cạnh nguồn này, các trường dân lập còn phải huy động vốn từ nhiều nguồn, từ đóng góp của HĐQT, từ các cá nhân và tổ chức có mong muốn đóng góp cho việc phát triển giáo dục đại học... Trong bối cảnh như vậy, một số trường dân lập đã phát triển được, nâng dần chất lượng, xây dựng cơ sở vật chất không thua kém các trường công lập, xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý - mà theo tôi chất lượng và kinh nghiệm hơn hẳn các trường đại học, học viện công lập mới được "tân trang", "lên đời" từ các trường Cao đẳng trong 1 vài năm gần đây. So rộng ra quốc tế, học phí 4.000.000đ = 250 USD là mức học phí có thể gọi là "rẻ mạt". Người nước ngoài không thể hiểu nổi tại sao học ĐH ở VN với mức học phí 250USD, với mức đó họ không thể phân tích được tại sao có thể tổ chức đào tạo được. Người ta có câu : Học ĐH ở VN học phí rẻ như cho! Chính vì vậy, mà vài trăm trường ĐH ở VN, có trường nào đạt trình độ quốc tế? có trường nào có uy tín khu vực?

Như vậy học phí của các trường dân lập là cao hay thấp, thì ai là người hiểu biết đều có thể nhận thấy!"
http://www.vatgia.com/hoidap/4808/17659/hoi-ve-hoc-phi-cua-cac-truong-dan-lap.html

(24) Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi? - Bài 2: "Gà đẻ trứng vàng"

25 Tháng tư 2009

Một giáo sư có tiếng trong làng giáo dục Việt Nam ví von: Nhìn lại trong khoảng mươi năm qua, lĩnh vực đầu tư không lớn nhưng mang lại siêu lợi nhuận, đó là đầu tư cho… giáo dục. Tất nhiên, ý của vị giáo sư này muốn nói đến việc mở trường dân lập. Ông minh chứng, một công ty kinh doanh thu lợi khoảng 15%/năm là đã thành công lớn, trong khi có trường chia cổ tức hàng năm từ 25% đến 30%!

LINH AN – THANH HÙNG (Theo SGGP)

http://www.giaoduc.edu.vn/news/dien-dan-657/Dai-hoc-ngoai-cong-lap-Dang-bi-tha-noi-Bai-2-%E2%80%9CGa-de-trung-vang%E2%80%9D-120396.aspx

(25)tldd như (19)

(26) Năm học 2008, mức thu học phí của một số trường ngoài công lập đều tăng nhanh. Nếu năm 2007, Đại học tư thục Thăng Long (Hà Nội) thu học phí từ 5 triệu đồng thì năm 2008 đã lên tới 10 triệu đồng mỗi sinh viên. Ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, học phí năm 2008 vào khoảng 6 triệu đồng một năm. Còn ở Dân lập Hồng Bàng mức học phí ở 2 ngành điều dưỡng và ngành kỹ thuật yhọc, lần lượt là 11,98 triệu đồng và 13,98 triệu đồng/năm. Học phíkhoá mới cao hơn khoá cũ hơn 1 triệu đồng: các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Sinh họcmôi trường: 6,98 triệu đồng/năm, ngành Truyền thông quốc tế đa phương tiện: 8,98 triệu đồng/năm, ngành Y sinhhọc, Thể dụcthể thao, Công nghệ SPA: 9,98 triệu đồng/năm. (Bạch Ngọc Dư,tldd, chú thích 21)

(27)Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài. Ngày càng có nhiều người nộp đơn xin theo học tại các trường ĐH ở Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Singapore, Trung Quốc... Nhiều sinh viên cho biết họ muốn có được bằng cấp của nước ngoài để giành ưu thế khi tìm kiếm công việc ở Việt Nam cũng như tìm cơ hội ở nước ngoài.Trong số 60.000 du học sinh Việt Nam hiện nay, ngoại trừ khoảng hơn 4.000 người học bằng ngân sách Nhà nước theo đề án 322, vài ngàn người theo học bằng các học bổng Chính phủ, theo Hiệp định xử lý nợ với CHLB Nga, học bổng của các tổ chức phi chính phủ, các trường ĐH, số còn lại đi học bằng con đường tự túc.(60.000 du học sinh: Nguồn nhân lực tương lai)

www.baomoi.com/Info/60000-du-hoc-sinh--nguon-nhan-luc-t ..(26/10/2008)

(28) Quan niệm kiểu "mỳ ăn liền": Đó là quan niệm mà chúng ta chỉ đào tạo ra những người để làm việc được trước mắt. Và như thế, thì cuối cùng nền GD của chúng ta đào tạo ra những người chuyên làm thuê.

GS Hoàng Tụy

http://www.svvn.vn/vn/news/giaoduc/681.svvn  

(29) "Những vấn đề giáo dục hiện nay—Quan điểm & Giải Pháp" nhiều tác giả

NXB Tri Thức 11/2007

(30) http://www2.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/12/821231/

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ