Đại học « đẳng cấp » hay tiêu chuẩn quốc tế ?

Vietsciences-Hà Dương Tường    08/04/2008

 

Những bài cùng tác giả


Lời nói đầu

Tháng 10.2005, tác giả gửi đăng trên báo Tiền Phong một bài viết (*) tham gia cuộc thảo luận chung quanh đề tài xây dựng « đại học đẳng cấp quốc tế » của Việt Nam. Do tính chất của một bài báo khoảng 1200 từ, một số ý đã không được triển khai. Bài viết này nói rõ hơn một số suy nghĩ của người viết.

1. Nếu hiểu “đại học đẳng cấp quốc tế” là một đại học sánh ngang hàng với Harvard, Oxford, Sorbonne v.v., thì theo thiển ý, đặt vấn đề xây dựng “đại học đẳng cấp quốc tế” hiện nay thực sự là một thách thức rất lớn. Nói thế không phải là kìm cương những mơ ước sớm có những Harvard, MIT, Oxford, Sorbonne v.v. của Việt Nam. Đó là những ước mơ chính đáng, song cũng không phải không hàm chứa nhiều mặc cảm khiến cho nhiều bài viết về ước mơ ấy nặng về cảm tính hơn là có được những phân tích khách quan về thực tại, từ đó đề ra được những bước khả thi và lộ trình để đưa nền đại học Việt Nam tiến lên.

Vì thế, nên chăng, trước hết hãy đặt vấn đề xây dựng một vài trường đại học đủ những tiêu chuẩn thông thường của đại học trong thế giới hiện nay (1), để định hướng cho toàn bộ nền giáo dục đại học của đất nước, và lâu dài hơn, làm nền cho những ước mơ cao xa ấy ?

Việc này cũng đòi hỏi nhiều công sức, thời gian (thực tế chắc sẽ không dưới 10 năm), và nhất là đòi hỏi một sự lột xác không dễ dàng về tư duy giáo dục.

Sau đó, với thời gian và song song với sự tiến bộ của nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao mà chính họ sẽ góp phần mang lại, những sinh viên, giáo sư (SV, GS) được rèn luyện trong các đại học đích thực đó sẽ nâng dần trình độ đại học của mình lên, và lúc đó đẳng cấp sẽ tự đến !

Bài viết nhỏ này xin nhắc lại vài tiêu chuẩn được coi là thông thường ấy, nhưng vẫn chưa được thừa nhận và áp dụng ở nước ta. Thực tế không/chưa thừa nhận những giá trị chung đó, ít ra là theo cảm nhận của người viết, là lý do chính yếu nhất của những yếu kém của đại học Việt Nam, dù rằng từ những người quản lý đến các nhà giáo, rất nhiều nỗ lực đã được đổ ra, tiền của chi phí vào đó cũng không hề nhỏ - so với khả năng của nền kinh tế.

2. Vậy, đâu là những tiêu chuẩn mà nhìn vào đó người ta có thể đặt (hay không đặt) niềm tin của mình vào sự phát triển lành mạnh của một đại học ?

   2.1/ Trước hết, cần nhấn mạnh một tiêu chuẩn mang tính hàn lâm : đại học, với tư cách là vườn ươm tri thức của nhân loại, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước trong các ngành khoa học (xã hội, nhân văn hay khoa học tự nhiên), dứt khoát phải là một không gian tự do cho mọi ý tưởng, mọi suy nghĩ được phát huy, được cọ xát với những ý tưởng khác mà không phải chịu những gò bó tư tưởng nào.

Nói không gian tự do về tư tưởng cũng là nói tới yêu cầu tạo cho SV thói quen độc lập suy nghĩ, có thể bình thường cật vấn, lật ngược lại những điều thầy giảng, nếu mình thấy điều được nghe giảng đó có gì không hoặc chưa ổn so với những chiêm nghiệm của mình từ cuộc sống hoặc từ các sách vở khác.

Yêu cầu này cần được thể hiện cả trong học tập và sinh hoạt. Cần xem lại việc “quản lý” sinh viên theo kiểu chính trị hóa học đường hiện nay, xem lại thói quen coi SV như những trẻ vị thành niên chứ không phải là những người đã bước chân (dù mới chỉ là những bước đầu) vào một cuộc sống tự lập, đã được coi là trưởng thành về mặt pháp lý. Trong môi trường đại học, hơn ở bất cứ nơi đâu, ý tưởng lỗi lạc của Immanuel Kant về khai sáng và sự thoát khỏi tình trạng vị thành niên (2) có một tầm quan trọng khó có thể đo lường hết. Một số khá lớn SV sẽ tiếp tục đeo đuổi một sự nghiệp « trồng người », một số khác sẽ có quyền tiến cử, lựa chọn nhân tài cho guồng máy quốc gia hoặc cho xã hội. Chắc chẳng ai muốn rằng những người thầy, những nhà quản lý tương lai ấy là những người không có tư duy riêng, chỉ biết lập lại như một cái máy những điều họ phải học thuộc lòng ở nhà trường hay được cấp trên chỉ bảo.

Hệ luận trực tiếp của tiêu chuẩn này là cần tạo điều kiện để giáo sư và SV tiếp cận các nguồn tư tưởng khác nhau thậm chí đối chọi nhau trên thế giới, khuyến khích những tranh luận học thuật không có kết luận tiên quyết. Việc xây dựng một số tạp chí khoa học xã hội và nhân văn không đặt dưới sự « lãnh đạo » của bộ máy tuyên giáo là một yêu cầu cấp bách. Sự tồn tại của những tạp chí đó có thể được coi như một bằng chứng cụ thể về quyết tâm chính trị mở ra không gian tranh luận khoa học đó, và như một lời nhắn không cần hoa mỹ của cấp lãnh đạo cao nhất của nhà nước gửi tới giới trí thức, rằng trong lĩnh vực tư tưởng các vị không còn phải lo sợ những bóng ma của một thời đã qua, và hãy phát huy hết khả năng của mình để thảo luận về những vấn đề thực của đất nước hiện nay, đề ra những ý tưởng để giải quyết chúng, kể cả khi ý tưởng đó đi ngược những tín điều, những nghị quyết, hay những phát biểu của một quan chức cao cấp nào.
 

    2.2/ Tiêu chuẩn về tự do và độc lập suy nghĩ này gắn chặt với một tiêu chuẩn khác của một đại học đích thực : những nhà giáo đồng thời là nhà nghiên cứu, hoặc ít nhất đã trải qua một quá trình được đào tạo trong nghiên cứu khoa học (một đoạn sau của bài viết sẽ đề cập tới sự khác biệt của một « đại học nghiên cứu » và một « đại học nghề ») và phải là những cán bộ toàn phần của đại học - tất nhiên, trừ những giáo sư thỉnh giảng -, có lương đủ để không phải lo kiếm sống thêm, để có thể tập trung công sức của mình trong trách nhiệm được giao phó (3), và có điều kiện để tiếp xúc với các đồng nghiệp trên thế giới, tiếp cận những vấn đề, phương pháp đang được họ triển khai, những kết quả đang được chú ý, vì tiềm năng của chúng về lý thuyết hay về ứng dụng trong công nghệ. Cụ thể là các trường, các phòng thí nghiệm có đủ khả năng tài chính để thường xuyên mời một số giáo sư, nhà nghiên cứu nước ngoài tới thỉnh giảng hoặc tham gia xê-mi-na của trường mình, và các giáo sư, giảng viên của mình có công trình nghiên cứu được công bố theo các chuẩn mực quốc tế phải được cấp đủ chi phí để tham dự ít nhất mỗi năm một hội nghị quốc tế để quảng bá công trình của mình và quan trọng hơn, để giao tiếp với các đồng nghiệp đến từ những chân trời khác.

Tỉ lệ SV/GS phải ở dưới một giới hạn vừa phải - tỉ lệ này không vượt qua con số 20-25 ở những nước tiên tiến.
Hoạt động của các viện, phòng nghiên cứu trong khuôn viên một đại học, ngoài các chức năng của bản thân nó (tìm tòi, khám phá những bí ẩn của thiên nhiên hay con người, làm giàu kho tri thức của nhân loại, kích thích và đáp ứng những đòi hỏi tiến bộ của nền kinh tế…), còn tạo ra một hấp dẫn mạnh đối với những SV ưu tú, nâng cao trình độ SV muốn vào đại học đó.
 

   2.3/ Tiêu chuẩn thứ ba, về quản lý, cũng thống nhất với hai tiêu chuẩn trên: đại học phải có quyền tự chủ tối đa về việc tuyển, bổ giáo chức - và trong chừng mực nhất định, về tuyển chọn SV - cũng như về sử dụng ngân sách cho những dự án nghiên cứu và giảng dạy của mình (dĩ nhiên trong khuôn khổ luật pháp).
Việc mời các giáo sư thỉnh giảng từ nước ngoài chẳng hạn, hay việc gửi giáo sư, SV đi dự một hội nghị khoa học quốc tế, không cần phải có sự thông qua của một cấp nào khác ngoài đại học. Và trong khuôn khổ của ngân sách có được - ở mức như đã nói trên-, quyết định đó phải dựa trên những chỉ tiêu khoa học, những suy tính về hướng nghiên cứu mà trường muốn mở ra hay muốn khuyến khích tăng cường. Việc lập ra một hay nhiều hội đồng khoa học (tuỳ tầm vóc của trường) có tiếng nói độc lập với nhà quản lý, để xem xét các dự án nghiên cứu, xem xét hồ sơ tuyển chọn, theo dõi hoạt động khoa học của giáo chức v.v. là một hệ luận của tính tự chủ về quản lý này. Điều này không ngăn cản có những quy định cho phép hiệu trưởng và hội đồng quản trị trường (trong đó có đại diện của giáo chức cũng như của những người được coi là có thẩm quyền trong các hoạt động kinh tế, văn hoá của xã hội), sau khi cân nhắc ý kiến của hội đồng khoa học, có thể lấy những quyết định không phù hợp với ý kiến đó (nhưng phải là những quyết định được kèm theo lập luận rõ ràng, minh bạch).
Đại học cũng tự chủ về chương trình và tổ chức giảng dạy, không thể bị ép phải dạy theo những “chương trình khung” cứng nhắc như ở trung học. Việc thay thế những lớp chính trị bắt buộc bằng các lớp giảng về văn hoá, triết học cần được đặt ra một cách tích cực, trong tinh thần của tiêu chuẩn về tư duy nói trên. Cũng không có việc «nhập» các «chương trình tiên tiến» ở các đại học nổi tiếng, vì một lẽ rất giản đơn là chương trình của họ được thiết kế theo những định hướng đào tạo phù hợp với yêu cầu nhân lực và mặt bằng trí tuệ (trình độ khoa học) của xã hội nước họ, chứ không phải của nước ta. Thay vào đó, các nhà giáo dĩ nhiên cần tham khảo các chương trình và phương thức giảng dạy đó (4), rồi định kỳ (ở cấp cử nhân, có thể giữ mức tương đối ổn định, vài ba năm mới thay đổi một lần, còn ở cấp cao học có thể thay đổi mau hơn) đề nghị chương trình mình sẽ giảng dạy, phù hợp với định hướng chung về đào tạo và nghiên cứu của trường. Và hội đồng khoa học (chứ không phải là những nhà quản lý) có nhiệm vụ thông qua hoặc đề nghị thay đổi chương trình đó. Ở những nước có bằng cấp quốc gia, bộ GD giữ quyền xem xét, thông qua các chương trình ấy để công nhận (hay không công nhận) bằng cấp do đại học cấp là bằng cấp quốc gia. Nhưng, nói chung, các công việc giám sát của bộ là « hậu kiểm », định kỳ vài năm một lần chứ bộ không thể thường xuyên can thiệp vào việc điều hành đại học của ban giám đốc.
 

   2.4/ Xin nói thêm vài câu về sự phân biệt đang là khuynh hướng ở nhiều nước giữa các « đại học nghiên cứu » và « đại học cộng đồng » (theo cách gọi của Mỹ), hay đại học ngắn hạn, nặng hơn về đào tạo chuyên viên kỹ thuật phục vụ yêu cầu kinh tế của một vùng, tạm gọi là các trường « cao đẳng » hay « đại học nghề ». Hẳn rằng người ta có thể thay đổi phần nào cái tiêu chuẩn nói trên đối với chức danh giáo sư : bên cạnh nhưng giáo sư đã trải qua quá trình nghiên cứu (chẳng hạn, ở những khoa công nghệ cao như tin học, sinh học v.v.) cũng cần có những kỹ sư và doanh nhân có kinh nghiệm dày dặn ở các xí nghiệp. Đội ngũ này, tuỳ trường hợp, cũng có thể là đông đảo hơn, giữ vai trò quan trọng hơn các giáo sư « hàn lâm ». Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về không gian tư duy tự do và về tính tự chủ trong quản lý cũng không thể khác. Học nghề cũng cần những thái độ chủ động và độc lập ! Nhất là, khi yêu cầu « liên thông » càng ngày càng sẽ được đặt ra mạnh mẽ, để đáp ứng nhu cầu muốn đi xa hơn của một bộ phận sinh viên các trường cao đẳng, và quan trọng hơn để mở cửa cho yêu cầu « đào tạo thường xuyên » của xã hội, khi những chuyên viên kỹ thuật, sau một vài năm làm việc ở các xí nghiệp, cảm thấy cần nâng cao những kiến thức cơ bản của mình trước những tiến bộ của khoa học, công nghệ.
 

3. Những tiêu chuẩn trên đây cho phép phân biệt đại học với một trường “trung học cấp 4”. Còn lại là những tiêu chuẩn tạm gọi là “kỹ thuật”, như sự phong phú của thư viện ; số và chất lượng các phòng nghiên cứu ; số máy tính và sự kết nối nhanh, rộng vào mạng Internet ; phương tiện nghe – nhìn để học ngoại ngữ v.v., tất cả đều rất quan trọng song không thể đặt trên những chuẩn mực cơ bản nói trên.

Cần nhấn mạnh, những trường đại học dù là “trung bình” của những nước tiên tiến trên thế giới vẫn có đủ các chuẩn mực này. Chính vì thế, các trường đại học của các nước này mới đảm đương được nhiệm vụ đào tạo ra đa số những trí thức trình độ cao của đất nước họ, những kỹ sư, bác sĩ, luật gia, nhà giáo, chính khách hay doanh nhân… hoàn toàn tương xứng với một xã hội có nền tri thức, văn hóa và kinh tế cao. Bên cạnh đó, những ví dụ không thiếu cho thấy nhiều người trong số cựu sinh viên của những trường này cũng đã trở thành những nhà khoa học đầu đàn của thế giới. Quá trình được đào tạo « bài bản » (hay « đúng chuẩn », theo một cách nói khác), dù không phải ở một trường « đẳng cấp », « top 100 hay 200 » của một bảng xếp hạng nào đó, vẫn hoàn toàn cho phép sinh viên ở một trường có đủ các chuẩn mực nói trên khi ra trường đáp ứng được yêu cầu nhân lực của xã hội và, nếu họ muốn, đủ trình độ ban đầu để đeo đuổi một sự nghiệp học thuật dài hơi hơn.
Mặt khác, những người tốt nghiệp Harvard hay MIT, Oxford hay Cambridge, Ecole Normale Supérieure hay Polytechnique v.v., nếu không được sự hỗ trợ - trong phòng thí nghiệm hay trong xí nghiệp - của đông đảo những nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên xuất thân từ các trường “trung bình nhưng vẫn đủ chuẩn mực” kia, e rằng sẽ chỉ như những con én lẻ loi vụt bay qua mà mùa xuân không hề tới.
Với những lý do nói trên, thiết nghĩ, mục tiêu thiết thực trước mắt cũng như trong trung hạn của công cuộc cải tổ giáo dục đại học Việt Nam không phải là có được những « đại học đẳng cấp quốc tế » mà nên/cần là việc thừa nhận những chuẩn mực phổ biến của nền đại học quốc tế, xây dựng ngay một số trường đáp ứng đầy đủ những chuẩn đó (ít ra một trường ở mỗi miền bắc, trung, nam), rồi nhân dần mô hình đó lên toàn quốc...

Hà Dương Tường
(Nguyên Giáo sư Toán, Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp)


Chú thích :
 

Bài đăng trong sách « Những vấn đề giáo dục hiện nay – Quan điểm & Giải pháp », NXB Tri Thức, Hà Nội tháng 11.2007, tr. 385-392
(*) Tiền Phong 19.10.2005.

(1) Với cụm từ « tiêu chuẩn thông thường » này, người viết muốn nói tới những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi ở các đại học Âu, Mỹ, có khi được viết thành văn bản pháp lý (như ở Pháp – người đọc không khó kiếm trên Internet những văn bản này). Vì tính chất phổ biến của chúng, hiển nhiên người viết không thể nhận mình là « tác giả » của chúng, kể cả việc nhắc lại chúng trong khuôn khổ một bài suy nghĩ về giáo dục đại học Việt Nam. Có chăng, chỉ là việc chọn lựa và sắp xếp chúng, khi viết bài này, để nhấn mạnh thêm vài điều, theo cách nói của mình. Còn việc truy tìm nguồn gốc, sự biến thiên qua lịch sử của từng loại tiêu chuẩn cho tới khi nó được thừa nhận ở mỗi quốc gia, lại là một chuyện khác !

(2) Xem www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1198&rb=0301 (bản dịch bài Khai sáng là gì ?của Thái Kim Lan).
(3) Về lương, giáo sư Hoàng Tuỵ và nhiều người khác đã có những bài viết rất thuyết phục. Chỉ xin nói hêm một ví dụ : ở một nước khá vướng víu về nhiều quy định hành chính như Pháp, lương giáo sư đại học ở khoảng 10 năm đầu trong nghề (sau khi trình luận án tiến sĩ và được tuyển) là trong số 10 % trên cùng của thang lương của toàn xã hội (cuối đời, họ ở trong số 5%), bảo đảm một đời sống không giàu có nhưng đủ « phong lưu » (với nhiều nhu cầu văn hoá tốn kém mà người có thu nhập trung bình của xã hội phải chật vật mới hưởng được ở một mức thấp hơn). Mà lương giáo sư đại học Pháp là khá thấp so với các đồng nghiệp Mỹ, Đức v.v.

(4) Trong vấn đề phương thức giảng dạy, dĩ nhiên phải tiến tới việc rút gọn số giờ lên lớp, thiết lập thói quen tự học của sinh viên, như ở các đại học bình thường trên thế giới.

 

             http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  © Nhà xuất bản Trí Thức