Đại học đẳng cấp quốc tế

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn         10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Gần đây, báo VietNamNet nêu câu hỏi “Đại học Việt Nam đẳng cấp quốc tế: Tại sao không?” và kêu gọi bạn đọc tham gia thảo luận.  Trong điều kiện hiện nay, có thể nói đây là một ý nghĩ táo bạo.  Nhưng tình trạng “chảy máu chất xám” hiện nay ở nước ta, sự có mặt tương đối đông đảo của người Việt trong thành phần khoa bảng thuộc các trường đại học nước ngoài, và tham vọng công nghiệp hóa đất nước, thiết tưởng ý nghĩ này không phải là quá xa vời.  Thực ra, chẳng riêng gì nước ta, hầu như nước nào cũng mong muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng ít ai bàn cụ thể một đại học như thế đòi hỏi những gì và phải vận hành ra sao.  Qua bài viết này tôi muốn đóng góp một vài ý kiến chung quanh chủ đề này.

 

Ý tưởng về một đại học đẳng cấp quốc tế được hình thành ở Đức từ thời cuối thế kỉ 19.  Theo đó, một đại học đẳng cấp quốc tế không chỉ đơn thuần là một trung tâm đào tạo xuất sắc theo các tiêu chuẩn quốc tế, mà chủ yếu là một trung tâm nghiên cứu khoa học kĩ thuật.  Nhưng câu hỏi đặt ra ai là người đề ra những tiêu chuẩn này?  Chưa ai trả lời được câu hỏi này, nhưng nói đến một đại học đẳng cấp quốc tế tức là nói đến một bối cảnh xuyên quốc gia.  Và, theo xu hướng quốc tế, các đại học danh tiếng ở Mĩ và Tây phương thường được xem là những mô hình “chuẩn” để tham khảo.  Theo sắp hạng của các tạp chí quốc tế, các đại học hàng đầu thế giới là Harvard, Yale, Stanford, MIT, California Institute of Technology, Cambridge, Oxford, Sorbonne, và Tokyo.  Nhìn qua những đại học này chúng ta thấy vài đặc điểm chung, và cũng có thể là những yêu cầu mà chúng ta phải xem xét đến:

 

Thứ nhất, một đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế.  Đó là những giáo sư, nhà nghiên cứu có uy tín cao trên trường quốc tế, những người “có tên tuổi” trong lĩnh vực chuyên môn của họ.  Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ thu hút giáo sư giỏi gốc Việt ở trong và ngoài nước, mà còn phải thu hút cả những nhà nghiên cứu tài danh quốc tịch nước ngoài.  Chẳng hạn như trong nỗ lực nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển, một số nước trong vùng Á châu như Đài Loan đã thu hút được Yang Chen Ning (giải Nobel vật lí) về làm việc, và Hàn Quốc đã thuyết phục Robert Laughlin từ Mĩ (giải Nobel vật lí, Đại học Stanford) về nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ.  Điều kiện để thu hút các giáo sư đẳng cấp quốc tế như thế là một môi trường làm việc tự do để họ có thể theo đuổi định hướng nghiên cứu của họ, tự do tuyển dụng chuyên gia nghiên cứu, tự do phát biểu ý kiến về những vấn đề khoa học mà không chịu sự ràng buộc hay chi phối từ các áp lực chính trị và quản lí hành chính. 

 

Thứ hai, một đại học đẳng cấp quốc tế phải là nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai.  Cơ chế tuyển dụng và nuôi dưỡng các nhà nghiên cứu trẻ có tiềm năng lớn cần phải được minh bạch và công bằng.  Những ai từng quen thuộc với cơ chế tuyển dụng của các trường đại học lớn ở Mĩ đều biết rằng các giáo sư và nhà nghiên cứu cấp thấp thường được nâng đỡ trong vòng 3 đến 5 năm để họ tự chứng minh khả năng của mình, sau đó họ phải trải qua một quá trình bình duyệt từ bên ngoài, và chỉ có những người xuất sắc với những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế mới được giữ lại làm việc.  Dù cơ chế này chưa thể áp dụng cho các trường đại học ở nước ta, nhưng một đại học đẳng cấp quốc tế phải xem xét đến cách thức nuôi dưỡng nhân tài như thế.

 

Thứ ba, một đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có (hay tạo ra) một môi trường nghiên cứu với những cơ sở vật chất nghiên cứu đầy đủ.  Những công trình nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo nhất phụ thuộc một phần lớn vào những thông tin mới nhất và cơ sở thí nghiệm thích hợp.  Một đại học ngày nay, cho dù là đại học không phải đẳng cấp quốc tế, khó mà vận hành một cách hữu hiệu nếu không có một hệ thống thư viện và internet hoàn chỉnh.  Do đó, nhu cầu cho một thư viện đẳng cấp quốc tế với hàng triệu sách tham khảo và tạp chí khoa học là một điều kiện hàng đầu.

 

Thứ tư, để tận dụng năng lực của các giáo sư đẳng cấp quốc tế cần phải có ngân sách nghiên cứu dồi dào.  Và nghiên cứu phải là những nghiên cứu cơ bản, bởi vì phần lớn những tiến bộ khoa học gần đây đều xuất phát từ những công trình nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là công nghệ sinh học.  Một công trình nghiên cứu khoa học cơ bản trung bình có thể tốn đến một triệu USD trong một năm.  Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy ngân sách dành cho nghiên cứu tại các trường đại học lớn của Mĩ có khi lên đến con số một tỉ USD.  Tại nhiều trường đại học Tây phương ngày nay, trường đại học chỉ cung ứng cho nghiên cứu và trả lương giáo sư trong vòng 3 hay 5 năm, sau thời gian này giáo sư phải tự tìm lấy nguồn tài trợ cho nghiên cứu. Thành ra, dù rằng một phần ngân sách nghiên cứu (có thể là 60%) do nhà nghiên cứu tìm được từ nước ngoài, nhưng trường đại học vẫn phải sẵn sàng cung ứng khi nguồn tài trợ từ nước ngoài gặp khó khăn.   

 

Thứ năm, dù đối với các giáo sư hay nhà nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, lương bổng có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu, nhưng phần lớn họ đều mong muốn được hưởng lương bổng theo giá thị trường quốc tế.  Không thể kì vọng một giáo sư với hàng trăm ngàn USD lương bổng lại chịu làm việc tại một đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam với số lương 50 ngàn USD.  Còn nhớ khi Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc, rất nhiều giáo sư ngoại quốc rời bỏ các đại học Hồng Kông vì họ không thể sống với lương bổng mới và cách quản lí mới.  Phải cần đến 5 năm các đại học Hồng Kông mới mời các giáo sư này quay lại làm việc.

 

          Một đại học đẳng cấp quốc tế như các điều kiện trên sẽ xây dựng dựa vào các đại học đang tồn tại hay một đại học hoàn toàn mới?  Kinh nghiệm trong thời gian qua về sự hình thành của Đại học quốc gia cho thấy việc chuyển các trường đại học hiện có thành một đại học cực kì khó khăn và đòi hỏi nhiều tiền bạc cũng như thời gian.  Do đó, tôi đề nghị Nhà nước cần phải mạnh dạn xây dựng một đại học mới và độc lập, với những tiêu chuẩn quốc tế.  Một trường đại học đẳng cấp quốc tế có giá trị hơn nhiều đại học trung bình, vì nó sẽ phục vụ như là một đầu tàu cống hiến vào nỗ lực phát triển khoa học và công nghệ để góp phần đưa nước ta vào hạng các nước đã phát triển.  Kinh nghiệm ở Mĩ cho thấy phần lớn khám phá khoa học quan trọng đều xuất phát từ các đại học danh tiếng, và qua đó các đại học này góp phần giữ vị thế lãnh đạo của Mĩ trong khoa học và công nghệ.

 

          Nhưng cũng nên cân nhắc trước những hệ quả của việc xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế ở nước ta.  Thứ nhất, cần phải nhận thức rằng một đại học đẳng cấp quốc tế không phải ưu tú trong tất cả mọi bộ môn khoa học.  Chẳng hạn như Đại học Harvard chưa bao giờ đứng đầu trong các ngành kĩ thuật.  Do đó một số đại học trên thế giới tập trung vào việc xây dựng các phân khoa “mạnh” để trở thành những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, như Mã Lai tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ cao su nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương.  Ở Việt Nam ta cũng có thể tập trung vào công nghệ thông tin và nghiên cứu nông nghiệp.

 

          Tập trung tài lực vào thiết lập một đại học đẳng cấp quốc tế có thể gây ảnh hưởng không tốt đến các đại học khác và hệ thống khoa bảng.  Bởi vì dồn tài chính và nhân lực vào việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu cấp cao sẽ ảnh hưởng đến ngân sách cho nhu cầu giảng dạy của các trường khác.  Một đại học đẳng cấp quốc tế đặt kì vọng rất cao vào các giáo sư và nhà nghiên cứu, và nếu những kì vọng này không đạt được nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của giáo sư và sinh viên nói chung. 

 

Trước những yêu cầu này có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hỏi trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay liệu bao giờ chúng ta mới có một đại học đẳng cấp quốc tế.  Vào cuối thế kỉ 19 ở Mĩ, cũng có người đặt câu hỏi đó.  John D. Rockefeller từng hỏi Charles W. Eliot (lúc đó là hiệu trưởng Đại học Harvard suốt 40 năm liền) nếu muốn thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế cần những điều kiện gì.  Eliot trả lời rằng cần 50 triệu USD và 200 năm!  Nhưng Eliot đã sai lầm to.  Trường Đại học Chicago được thành lập vào đầu thế kỉ 20, với trên 50 USD (do chính Rockefeller trao tặng) nhưng chỉ sau 20 năm hoạt động, đã trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế.  

 

Tất nhiên, đó là câu chuyện thời xưa, thời mà trường đại học còn rất hiếm và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học chưa xảy ra, nhưng câu chuyện cho chúng ta một bài học: muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, điều kiện tiên quyết là tài chính và thời gian.  Kinh nghiệm của các trường như MIT và Stanford ở Mĩ cho thấy trong thời gian đầu Nhà nước phải tài trợ cho các trường này, và sau một thời gian hoạt động, nhất là kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong công nghiệp, họ có khả năng tự tìm nguồn tài trợ từ tư nhân hay từ các học sinh cũ. 

 

Ở nước ta, năm 2020 thường được đề cập đến như một cái mốc thời điểm để hoàn thành công cuộc kĩ nghệ hóa và hiện đại hóa đất nước.  Thời gian 20 năm không phải là dài, nếu không muốn nói là quá ngắn, cho một mục tiêu xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế đầy thử thách và tham vọng này.  Tuy nhiên, nếu lịch sử là một bài học quí thì kinh nghiệm từ các đại học trên cũng cho chúng ta lí do và động cơ để phấn đấu.

 

Đôi điều bàn thêm về đại đọc đẳng cấp quốc tế

Từ chuyến viếng thăm Mĩ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào cuối tháng Sáu vừa qua, ý tưởng thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế (1) cho Việt Nam đang được nhiều người thảo luận (2-4).  Phần lớn những ý kiến xoay quanh vấn đề nhân sự: muốn có một trường đại học đẳng cấp quốc tế, cần phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế.  Điều này hoàn toàn đúng, nhưng tất nhiên là chưa đủ, bởi vì có giáo sư tài giỏi mà không có phương tiện nghiên cứu hiện đại hay không có sinh viên giỏi hay không có ngân sách dồi dào, thì trường đại học chỉ tồn tại như bao nhiêu trường đại học khác.  Ở đây, tôi muốn bàn thêm những vấn đề xoay quanh các tiêu chuẩn mà tôi đã nêu ra trước đây (5). 

 

Thứ nhất là chất lượng giáo dục.  “Thành phẩm” của đại học là sinh viên tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học.  Do đó, nói đến chất lượng giáo dục là nói đến chất lượng của sinh viên tốt nghiệp.  Chất lượng ở đây phải hiểu theo nghĩa thông thường là đào tạo nhân tài, những người có khả năng lãnh đạo và cống hiến cho sự phát triển kinh tế và khoa học.  Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, đơn thuần đào tạo ra những chuyên gia chưa đủ, mà phải đào tạo những chuyên gia tầm cỡ quốc tế, tức là có khả năng thích ứng và theo đuổi sự nghiệp trong bất cứ quốc gia nào trên thế giới. 

 

Điều này dẫn đến một tiêu chuẩn đo lường chất lượng giáo dục là con số sinh viên tốt nghiệp đạt được những thành tích cao trong hoạt động kinh tế và nghiên cứu khoa học kĩ thuật.  Một số cơ quan chuyên thẩm định chất lượng giáo dục đặt ra cái chuẩn khá cao như tính số cựu sinh viên được bổ nhiệm khách quan vào các chức vụ cao cấp trong guồng máy kinh tế, hay số cựu sinh viên chiếm giải Nobel hay huân chương Fields (trong toán học) hay các giải thưởng tương tự.  Sở dĩ các đại học như Harvard, Yale, Stanford, Cambridge, Oxford, Tokyo, v.v… có tiếng là “world class university” (đại học đẳng cấp quốc tế) là vì sinh viên tốt nghiệp từ các trường này thường đóng vai trò “đầu tàu” (lãnh đạo chính trị, khoa học, kinh tế) của nước họ và trên thế giới.

 

Đại học không chỉ đơn thuần là một cơ sở chuyển giao tri thức giữa thầy và trò, mà còn là sáng tạo tri thức mới.  Sáng tạo không chỉ xuất phát từ thầy, mà còn phải từ trò.  Do đó, một trường đại học đẳng cấp quốc tế phải có cách dạy và học mới nhấn mạnh đến việc phát triển tiềm năng của sinh viên sao cho họ có thể phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề  một cách độc lập.  Sinh viên phải được khuyến khích có đầu óc tìm tòi, học hỏi, tự tin và sáng tạo, không máy móc đi theo những lối suy nghĩ cũ, tôn trọng sự thật, và nhất là hợp tác làm việc với những người không cùng chuyên môn.

 

Thứ hai là chất lượng giáo sư.  Đã có nhiều người nói đến nhu cầu tuyển dụng những giáo sư giỏi cho trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng chưa có ai cụ thể đề cập đến thế nào là giáo sư giỏi, hay giáo sư đẳng cấp quốc tế.  Theo tôi, một giáo sư giỏi là một nhà khoa học có uy tín cao và trong lĩnh vực chuyên môn được công nhận trên trường quốc tế.  Uy tín ở đây thường được đo lường bằng những công trình nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chuyên môn. 

 

Ảnh hưởng được đánh giá bằng số lần trích dẫn bởi các nhà khoa học khác, hay bằng hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san mà nhà khoa học công bố.  Một giáo sư đẳng cấp quốc tế phải có ít nhất là 100 bài báo khoa học, và 20% trong số này được trích dẫn hơn 50 lần, hay 50% số này được công bố trên các tập san với hệ số ảnh hưởng cao hơn 5. 

 

Ngoài ra, khi nói đến “được công nhận trên trường quốc tế” có nghĩa là vị giáo sư đó được mời giảng dạy tại các trường đại học khác, được mời làm chủ tọa (chair) các hội nghị chuyên môn hay được mời làm phát biểu viên chính (keynote speaker) trong các hội nghị chuyên ngành, được bổ nhiệm vào ban biên tập của các tập san khoa học quốc tế, được mời bình duyệt các dự án nghiên cứu khoa học, v.v…

 

          Nhìn qua các tiêu chuẩn chung cho một giáo sư đẳng cấp quốc tế như tôi vừa đề cập đến trên đây, có thể nói con số giáo sư cỡ đẳng cấp quốc tế ở nước ta không nhiều.  Ngay cả trong giới khoa bảng Việt kiều, con số cũng chẳng là bao (dù nhiều người cứ tưởng mình là giáo sư đại học Mĩ là “đẳng cấp quốc tế”!).  Do đó, một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam cần phải tuyển dụng giáo sư từ nước ngoài (tất nhiên kể cả tận dụng từ nguồn Việt kiều).  Điều này dẫn đến vấn đề lương bổng.  Hiện nay, lương bổng của một giáo sư ở Mĩ hay Úc thường khoảng 100.000 đô-la trở lên, một phó giáo sư khoảng 80.000 đến 110.000 đô-la, và giảng sư cũng khoảng 65.000 đến 85.000 đô-la.  Đó là mức lương khá cao đối với một nước còn đang phát triển kinh tế như ở nước ta.  Do đó, ngân sách của một đại học đẳng cấp quốc tế phải dồi dào, và phải có sự tham gia đóng góp tích cực của doanh nghiệp tư nhân. 

 

Thứ ba là năng suất và chất lượng  nghiên cứu khoa học.  Đại học, như nói trên, không chỉ là một cơ sở chuyển giao tri thức cho sinh viên, mà quan trọng hơn còn là một “nhà máy” sản xuất ra tri thức mới qua nghiên cứu khoa học.  Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bằng sáng chế (patents) các bài báo khoa học (scientific papers) đóng một vai trò rất quan trọng.  Bằng sáng chế sẽ được bàn trong một bài sau, ở đây tôi chỉ nói đến bài báo khoa học.  Bài báo khoa học không chỉ là một bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới.  Khoa học tiến bộ cũng nhờ một phần lớn vào thông tin từ những bài báo khoa học, bởi vì qua chúng mà các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.  Chính vì thế mà các cơ quan thẩm định và phân cấp đại học trên thế giới thường dựa vào con số bài báo khoa học để đánh giá chất lượng của một trường đại học. 

 

Trên thế giới ngày nay, có khoảng 100,900 tập san khoa học, và con số vẫn tăng mỗi năm.  Nhưng chỉ 50% trong số này được công nhận và đưa vào danh bạ tập san khoa học (indexed journals).  Chất lượng của các tập san này cũng không tương đồng nhau.  Một số tập san như Science, Nature, Cell, hay Physical Reviews chỉ công bố những bài báo khoa học mà ban biên tập cho rằng thể hiện những cống hiến cơ bản, những phát hiện quan trọng, hay những phương pháp mới có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng khoa học.  Các tập san này chỉ công bố khoảng 1% những bài báo họ nhận được hàng năm.  Trong y học, các tập san hàng đầu như New England Journal of Medicine, Lancet, và JAMA từ chối khoảng 95% các bài báo gửi đến, và chỉ công bố những bài báo quan trọng trong y khoa. 

 

Do đó, chất lượng nghiên cứu khoa học thường được đo lường bằng số công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san hàng đầu trên.  Thật vậy, các cơ quan thẩm định chất lượng giáo dục đại học thường dựa vào con số bài báo khoa học trên các tập san danh tiếng như Science, Nature, Cell, PNAS, Lancet, New England Journal of Medicine, v.v…, hay các tập san số 1 trong chuyên ngành, hay các tập san có hệ số ảnh hưởng cao hơn 5, để xếp hạng nghiên cứu khoa học của trường, bởi vì có bài báo đăng trên các tập san này phải là những công trình nghiên cứu chất lượng cao.  Ở Thái Lan có trường đại học Mahidol được xem là đại học hàng đầu trong nước vì gần 70% các bài báo y khoa và khoa học của Thái Lan xuất phát từ đó, nhưng chưa có một bài báo y học nào được đăng trên các tập san khoa học với hệ số ảnh hưởng cao hơn 10!

 

Thư tư và vấn đề thời gian và trọng điểm.  Cần phải nhận thức rằng không phải một sớm một chiều chúng ta sẽ xây dựng được một đại học đẳng cấp quốc tế, một đại học mà nói đến tên, người ta có thể đánh giá ngang cỡ với các đại học danh tiếng khác ở Tây phương.  Các đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford, Oxford, Cambridge, v.v… phải trải qua hàng trăm năm để đạt được vị thế như ngày nay.  Ngay cả các đại học mới và danh tiếng “khiêm tốn” hơn như University of Tokyo, Australian National University, National Singapore University, v.v… cũng phải phấn đấu qua nhiều thập niên để được xếp hạng trong danh sách các đại học đẳng cấp quốc tế. 

 

Vì thế, có thể nói một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở nước ta vẫn cần phải có ít nhất là 20 năm để có thể sánh vai với các trường danh tiếng trên thế giới.  Vấn đề đặt ra là chúng ta nên mô phỏng theo mô hình của các trường đại học danh tiếng trên thế giới, hay là chúng ta tìm ra một hướng đi riêng?  Nếu bắt chước thì cuối cùng một đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam cũng chỉ là đại học “hạng hai”, mãi mãi đuổi theo các trường khác. 

 

Theo tôi chúng ta nên chọn cho mình một hướng đi riêng.  Kinh nghiệm phát triển của các trường đại học danh tiếng trên thế giới là họ thường tập trung vào một lĩnh vực nghiên cứu mới, một lĩnh vực mới mà các trường khác chưa quan tâm.  Thật vậy, một đại học đẳng cấp quốc tế không phải ưu tú trong tất cả mọi bộ môn khoa học.  Đại học Harvard chưa bao giờ đứng đầu trong các ngành kĩ thuật.  Do đó một số đại học trên thế giới tập trung vào việc xây dựng các phân khoa “mạnh” để trở thành những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, như Mã Lai tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ cao su nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương.  Do đó, tôi nghĩ một đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam phải chọn cho mình mộ trung điểm để tập trung phát triển.  Có thể trọng điểm đó là nghiên cứu sinh học phân tử trong nông nghiệp, hay công nghệ sinh học, hay công nghệ thông tin.  Chúng ta cần nhiều thảo luận về trọng điểm để rút ngắn thời gian cho đại học Việt Nam sánh vai cùng thế giới.

 

          Đại học được ra đời với sứ mệnh phục vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu tri thức của công chúng.  Tri thức là một tài sản chung của con người mang tính phi biên giới.  Thành ra, trách nhiệm của một đại học đẳng cấp quốc tế, dù cho ở Việt Nam hay ở một nơi nào khác trên thế giới, không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề địa phương, mà phải nhắm vào việc phụng sự những vấn đề đa chiều hơn, rộng lớn hơn, và qua đó để góp phần đưa giáo dục đại học thế giới lên một chiều cao mới.

 

 

Ghi thêm:

 

(1) Một số người không thích cách gọi “đại học đẳng cấp quốc tế” và đề nghị cách gọi khác như “đại học chất lượng cao” hay “đại học hàng đầu”.  Trong giáo dục đại học, không ai dùng từ đại học chất lượng cao (high-quality university) hay đại học hàng đầu (premier university) cả, mà người ta nói đến đại học đẳng cấp quốc tế (world class university). 

 

Song, tôi cho rằng tranh luận về cách gọi là không cần thiết và có thể làm lạc hướng trọng tâm thảo luận.  “Đẳng cấp quốc tế” chỉ là một cách gọi chung chung, hàm ý đề cập đến chất lượng đào tạo cao, hay theo tiêu chuẩn mà quốc tế công nhận.  “Đẳng cấp quốc tế” là sản phẩm của giới truyền thông.  Thật vậy, trên thế giới không có một trường đại học nào gắn liền với những danh từ như “đẳng cấp quốc tế”, “chất lượng cao” hay “hàng đầu” cả, mà chỉ với cái tên.  Và qua tên trường, công chúng có thể biết đại học đó thuộc hàng đẳng cấp quốc tế hay địa phương.  Chẳng hạn như khi nói đến tên các đại học như Harvard, Stanford, Yale, Berkeley, Oxford, Cambridge, v.v… người ta đều hiểu đây là những đại học đẳng cấp quốc tế, với chất lượng đào tạo cao hơn các “đại học địa phương” như California State University, Kent State University, University of Canterbury, v.v…

 

(2)  Xem bài viết “Muốn trường tốt phải có thầy hay” trên Tiền Phong Online: http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=26216&ChannelID=71.

 

(3)  Xem bài viết “Tuyển chọn giáo sư cho một đại học chất lượng cao” trên Tuổi Trẻ Online: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=106806&ChannelID=13

 

(4) Xem trang web chuyên bàn về đề tài đại học đẳng cấp quốc tế tại http://vietnamnet.vn/dhqt/.

 

(5)  Xem ý kiến của tôi về đại học đẳng cấp quốc tế trên VietNamNet tại địa chỉ: http://www.vnn.vn/60nam/2005/08/483729/

 

 

 

Xin mời đọc Trang Nguyễn Văn Tuấn

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Văn Tuấn