Đánh thức tâm huyết nghiên cứu khoa học của Việt nam

Vietsciences- Minh Châu               09/06/2009

 

Những bài cùng tác giả

Khi bàn về chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trong khu vực, có người cho rằng các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ vì lý do tiền lương thấp, vì không có kinh phí cho nghiên cứu….họ còn mải mê kiếm việc làm thêm nên không dành tâm huyết cho nghiên cứu khoa học. Điều đó cũng đúng một phần, vì cuộc sống không ai nói đùa được với cơm áo gạo tiền. Nhưng yếu tố cốt lõi của vấn đề chính là cơ chế, môi trường làm việc, cơ hội cho nghiên cứu đã tiêu diệt hết sạch tâm huyết nghiên cứu của những nhà khoa học trẻ này. Sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ra nước ngoài cũng không kém cỏi gì, khi về nước cũng đầy lòng nhiệt huyết, ham thích nghiên cứu khoa học, nhưng chỉ vài ba năm lăn lộn với “cơ chế” của nhà nước là họ tàn luị ngay. Vậy những yếu tố gì đã tiêu diệt hết lòng nhiệt huyết của những nghiên cứu viên trẻ tuổi này? Trong bài này chúng tôi xin nêu vài yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến sản lượng và tâm huyết nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Như nhiều nhà khoa học đã đề cập, sản lượng của nghiên cứu khoa học là công bố quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng tiêu chuẩn này để đánh giá kết quả của nghiên cứu khoa học. Như vậy, ở Việt Nam khi công bố quốc tế chưa được đưa ra như là một chỉ tiêu khách quan để đánh giá kết quả của từng đề tài, từng dự án thì đây chính là lý do chính làm cho tổng sản lượng chung của khoa học nước nhà kém. Khi không có chỉ tiêu khách quan để đánh giá chất lượng nghiên cứu, chất lượng tiến sỹ, giáo sư thì chúng ta sẽ còn có nhiều đề tài nghiên cứu lãng phí, không đạt kết quả tốt, còn nhiều tiến sỹ, giáo sư kém chất lượng như nhiều bài báo đã đề cập.

Có nhiều nghiên cứu sinh giỏi, sau khi tốt nghiệp họ được mời lại làm việc ở nước ngoài với mức lương ưu đãi, với vị trí phó giáo sư…và họ được cung cấp đầy đủ phương tiện để phát triển tài tăng của họ. Cũng những người như vậy nhưng khi trở về nước, nếu họ làm việc trong những khoa, bộ môn mà người trưởng khoa không quan tâm đến công bố quốc tế, coi công bố quốc tế là một tiêu chí không phù hợp với “thực tiễn” của Việt Nam thì họ chỉ có cách ngồi chơi xơi nước, mặc dù ở nhiều trung tâm, phòng thí nghiệm được trang bị nhiều máy móc hiện đại đắt tiền, nhưng các máy móc này thì đắp chiếu, cán bộ khoa học thì ngồi chơi hay phải ra ngoài làm, lãng phí cả nguồn nhân lực và phương tiện. Mặc dù theo báo cáo hàng năm thì quĩ nghiên cứu khoa học vẫn thừa tiền. Có một nghịch lý là chúng ta thừa nhân lực, thừa quĩ, thừa máy móc mà chất lượng nghiên cứu thì kém… Như vậy muốn đánh thức tâm huyết nghiên cứu khoa học hay thúc đẩy hiệu quả của nghiên cứu khoa học trước hết hãy sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo từ nước ngoài về, tận dụng các máy móc được đầu tư hàng tỷ đồng đang nằm đắp chiếu. Nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã có chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài để phát huy các nguồn nhân lực được đã đào tạo ở nước ngoài đã về nước, hoặc còn đang làm việc ở nước ngoài, hoặc trí thức kiều bào. Chỉ cần một cơ chế cởi mở hơn, thông thoáng hơn, chắc chắn sẽ có rất nhiều tiến sỹ, giáo sư đang làm việc ở nước ngoài muốn về Việt Nam làm việc, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Cơ chế hành chính cũng ảnh hưởng không ít tới tâm huyết nghiên cứu của các nhà khoa học. Một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trung bình khoảng 50 triệu, nhưng nhà khoa học bị “hành” đủ khâu: Thông qua hội đồng, rồi dự trù, thanh toán, cứ mỗi lần đến phòng kế toán là toát mồ hồi hột, bị hạnh họe đủ đường, vì nhân viên kế toán có quyền ban phát, gây khó dễ. Chỉ biết rằng cơ chế đẻ ra những thủ tục rắc rối, tốn một đống lương cho những người ngồi để xét duyệt, giải quyết những sự vụ “hành là chính” này, cản trở sự tiến triển của công việc. Cứ như ở trường, viện thì phòng kế toán, kế hoạch mới là phòng chính, còn những phòng ban chuyên môn là những đơn vị đi xin xỏ. Thử hỏi tâm huyết đâu còn nữa?

Người ta hay bàn nhiều đến chất lượng tiến sỹ trong nước và cảm thấy khó khăn trong việc nâng cao trình độ tiến sỹ trong nước, bất lực trước tình trạng mua bằng, mua điểm. Tuy nhiên nếu tiêu chuẩn bài báo quốc tế chưa được đưa ra như là một trong những yêu cầu cơ bản của đào tạo tiến sỹ thì tình hình cũng chưa cải thiện được. Vì dù có phản biện kín, hay mở thì cũng vẫn có cơ chế để chạy chọt, để người ta “thông cảm” cho nhau. Vì vậy, chỉ khi nào công bố quốc tế được đưa vào tiêu chuẩn đào tạo tiến sỹ trong nước thì tình hình mới khả quan được, mới loại bỏ một cách tự nhiên những tiến sỹ dởm, mà những tiến sỹ dởm này thì lại chạy chọt tốt, có ô dù to, nên nhiều khi họ là xếp của tiến sỹ thật, cản trở sự phát triển của tiến sỹ thật. Gs. Chu Hảo đã nhận xét về tình trạng luận án tiến sỹ trong nước “Bạn thử đi tìm mấy cuốn luận án tiến sĩ, rồi đối sánh chúng với nhau, sẽ thấy không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều công trình giống nhau giống như cừu Doly được nhân bản, hoặc nhiều công trình chất lượng kém đến mức không thể chấp nhận được. Nhìn vào đó thì mới biết thực trạng chất lượng của các công trình nghiên cứu của ta hiện nay ra sao. Nghĩ đến chuyện phải có 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm nữa thì quả là vấn đề nan giải.” (1)

Thiếu tiêu chuẩn khách quan để đánh giá chất lượng của từng nghiên cứu, trình độ của từng nghiên cứu viên làm tăng thói đố kỵ, ghen ghét trong công sở. Chưa bao giờ mà môi trưởng công sở lại ngột ngạt như hiện nay, nhiều thói đố kị như hiện nay. Khi sự bầu bán từ vị trí từ phó, trưởng khoa được xét duyệt bởi dư luận và tiêu chuẩn đảng viên thì những dư luận quan trọng hơn bao giờ hết, người ta kìm kẹp nhau không cho vào đảng. Khi có ai đó được bầu bán cất nhắc, dù là đúng năng lực cũng bị nói xấu, thư nặc danh đủ điều. Vì không có tiêu chuẩn khách quan, mà tiêu chuẩn phụ là quan trọng nên người ta sử dụng nó tối đa.

Suy cho cùng muốn đánh thức tâm huyết nghiên cứu khoa học ở Việt nam việc đầu tiên là phải có tiêu chuẩn khách quan rõ ràng (công bố quốc tế), và tiêu chuẩn bầu bán cho những vị trí lãnh đạo dù là nhỏ như khoa phòng cũng nên nghiêng về công bố quốc tế hơn là những tiêu chuẩn về tu dưỡng đạo đức, đảng viên, vì họ là những người làm khoa học thì họ phải là những nhà khoa học giỏi, có định hướng nghiên cứu tốt để tránh lãng phí tiền của nhà nước vào những đề tài kém chất lượng, vô bổ. Nếu khoán 115 , đơn vị khoa học nào nhận mình là tổ chức khoa học có bao cấp kinh phí của nhà nước thì đầu ra phải là công bố quốc tế. Cần có cải cách hành chính, có những nơi cấp kinh phí cho những nhà nghiên cứu như quĩ NAFOSTED để họ không phải phụ thuộc vào sự phân bổ của người đứng đầu của họ dù chỉ là trưởng đơn vị.


1. http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/1790.svvn

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Minh Châu