Dạy thêm, học thêm thực trạng và giải pháp

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn         12/05/2007
 

Những bài cùng tác giả


Để khắc phục việc học thêm dạy thêm tràn lan, dự thảo quy chế dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến rông rãi của xã hội là cách làm hợp lòng dân. Với kinh nghiệm của công dân và của một người thầy giáo, tôi xin mạnh dạn chia sẻ một vài suy nghĩ mong muốn đóng góp vào việc cùng làm lành mạnh hoá môi trường giáo dục.


Thực tiễn của vấn đề


So với các nước, chương trình giáo dục của chúng ta quá nặng (khoảng từ 1 đến 3 năm). Ngôn ngữ và cách trình bầy trừu tượng, xa cuộc sống, khó học và cũng khó dạy. Gia đình là một kênh giáo dục quan trọng, nhưng không ít phụ huynh, là kỹ sư, bác sỹ, tiến sỹ cũng bó tay trong việc tham gia giảng dạy cho con mình theo chương trình đó. Khiến việc gửi con đi học thêm trở thành lẽ tự nhiên. Người lớn làm việc 8 tiếng/ngày, một tuần có 5 ngày làm việc, còn HS của chúng ta lại học từ (10 - 12) tiếng /ngày, và không có ngày nghỉ?


Theo số liệu điều tra của Trung tâm nghiên cứu cộng đồng, Tổng cục thống kê và Tổ chức Cứu trợ nhi đồng Anh công bố, số tiền chi cho học thêm ước tính khoảng 300 triệu USD/năm. Chi phí trung bình cho một HS ở thành phố, thị xã là 425.000 đ/năm (tương đương 27 USD/năm), nông thôn và miền núi là 100.000 đ/năm (khỏang 6 USD/năm) ( Báo Tuổi trẻ TPHCM 16-12-2004).


Các kỳ kiểm tra, như thi cuối cấp và chuyển cấp, kể cả thi ĐH&CĐ là kỳ thi quốc gia đúng Luật. Các kỳ thi khác là không đúng luật, do các cấp quản lý sáng tác ra nở rộ và thu lệ phí, như các kỳ thi vào trường chuyên lớp chọn, kiểm tra thí điểm HS phân Ban trong toàn quốc, thi vượt rào (khi còn đại học đại cương), kiểm tra giữa học kỳ từ phổ thông đến đại học là hoàn toàn sai Luật, gây nhiều rắc rối cho dạy và học, xã hội. Việc kiểm tra giữa học kỳ ở bậc ĐH gần đây cũng lạ, không ít người đã từng công tác ở các nước tiên tiến, cũng hiểu việc kiểm tra này ở đâu ra? Chuyển từ triết lý giáo dục của dân , do dân và vì dân sang giáo dục là hàng hoá và buông lỏng quản lý Nhà nước, và nên mặt trái của cơ chế thị trường len lỏi vào giáo dục ngày một tinh vi.


Không ít GV ngoài dạy thêm ở trường, còn dạy thêm ở nhà. Dạy ở trường thì thù lao phần nhiều thuộc về những cán bộ quản lý. Giáo viên thì được trả theo sĩ số, ban giám hiệu thì được trả theo tổng số, còn cấp trên cũng được hưởng phần trăm. Tại một trường Tiểu học ở Hà Nội trên 500 HS, GV nhận thêm trung bình một khoảng 800.000đ/tháng, còn lãnh đạo là 4.000.000 đ/tháng - từ dạy thêm. Tại THCS ở tp. Hồ Chí Minh 997HS, GV nhận 200.000 đ/ tháng cho 10 tiết dạy, còn lãnh đạo nhận đến chục triệu đồng / tháng. (Lao Động 21-10-2005)


Về dạy thêm và học thêm


Cách đây 13 năm, trào lưu dạy thêm bùng phát như một đại dịch. Trước tình hình đó, Thủ tường Chính phủ đã ra quy định số 242/Ttg ký ngày 24/5/1993 về việc dạy thêm ngoài giờ của GV đối với các trường công lập. Tiếp thu quy định này, ngày 13/9/1993, Bộ GD-ĐT và Bộ tài chính đã ban hành thông tư liên Bộ hướng dẫn về việc dạy thêm.

Tuy nhiên, do bất cập về nhận thức, lạc hậu về quản lý nên quy định về dạy thêm học thêm đã không phát huy tác dụng. Quy chế dạy thêm, học thêm của Bộ lần này, điểm mới là nghiêm cấm việc dạy thêm ở bậc tiểu học, nhưng với thực tế như đã nói trên thì liệu có ổn cho cả phụ huynh và học sinh? Việc cấm đoán chỉ nên coi là giải pháp tình thế, chứ không giải quyết được gốc của vấn đề.


Giải pháp

Vấn đề phải chăng là ở chỗ: Phải thiết kế lại chương trình giáo dục chuẩn cho các cấp học, bậc học. Sau đó viết lại SGK theo chương trình chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện nước ta. Tiếp đó là tăng lương cho đội ngũ GV để đảm bảo cho họ giữ được sự trong sáng của nghề cùng với danh dự từ an tâm về tài chính gia đình. Bãi bỏ tất cả các kỳ thi mà Luật GD không cho phép, trả lại việc đánh giá thi cử cho thầy cô và nhà trường. Chấn chỉnh lại bộ máy quản lý từ địa phương đến TƯ, bằng việc giảm một nửa biên chế hành chính, giảm họp hành và chấm dứt cải cách triền miên.

Gần đây nhóm các nhà giáo và nhà khoa học qua Hội Liên hiệp KH-KT Việt Nam, Hà Nội đã khẳng định: chương trình và SGK theo cách làm tập trung, sẽ được hoàn thành sớm để sang năm thay đồng loạt từ lớp 1 đến lớp 12. Thực tiễn ba lần đổi mới chương trình và thay SGK vào các năm (1945, 1955, 1975) đã khẳng định cách làm này thành công, mặc dù đất nước còn chiến tranh,và không hề có dự án vay nào. Giáo dục ổn định vì thay đổi mang tính kế thừa, SGK sử dụng hàng chục năm, mà không lạc hậu. Tại sao? Dạy ở trong nhà trường là kiến thức cơ bản. Toàn bộ cuộc cách mạng khoa học của thế kỷ XX , cũng chỉ cần dạy cho người học 4 chữ lượng tử tương đối để hiểu được bản chất khoa học những thay đổi như vũ bão trong công nghệ, quá trình toàn cầu hoá hiện nay ! Hai lần sau vào (1981, 2002) do cách nghĩ cách làm cắt khúc, cuốn chiếu, thay đần - vừa chạy vừa xếp hàng nên phần nọ móc nối với phần kia chằng chịt vào nhau, có nguồn gốc từ văn hoá làng xã, phân tán và cát cứ. Mọi so sánh có thể khập khiễng, xin chọn một ví dụ, để rõ bản chất vấn đề: Một ngôi nhà 12 tầng (tương ứng với 12 lớp), khi quét vôi (tương tự như SGK được thay kiểu cuốn chiếu ở đầu ba cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 ) được tiến hành theo ba tng 1, tng 6 và tầng 10 từ thấp lên cao theo từng năm. Không nói mọi người cũng hình dung được, nước vôi ở tầng trên dò dỉ xuống, thì chả bao giờ chúng ta quét xong ngôi nhà ! Chính vì vậy, từ 1981 đến nay chưa người nào có trách nhiệm trả lời được trước Quốc hội và cử tri cả nước Bao giờ mới có CT-SGK chuẩn để ổn định giáo dục phổ thông.

Việc tăng lương cho GV liệu có khả thi? Xin lưu ý, tỷ lệ đóng góp của dân và Nhà nước cho giáo dục nước ta hiện nay là 50/50, vào hàng cao nhất thế giới. Chưa kể tiền vay nước ngoài trung bình 100 triệu USD/ năm, kể từ 1993 đến nay. Đầu tư của Nhà nước cho Giáo dục - đào tạo năm 2006 khoảng 3,5 tỷ USD. Nhưng lương của GV, và cán bộ trong toàn ngành chưa đến 1tỷ USD, nếu trung bình lương cho cán bộ bình quân 100 USD/tháng/người. Việc tăng gấp hai lần mức lương cho cán bộ và GV, để họ chuyên tâm với nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, không mất thời gian với công việc dạy thêm, theo dự kiến của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hoàn toàn khả thi.

Hà Nội ngày 13-1-2007.

Báo Phụ Nữ Thu Đô , Số 4 (841) ngảy 21-1-2007

 

Tài liệu tham khảo

 

Không thể tước đi quyền hành nghề của giáo viên tiểu học!

1.Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học”. Trong bốn ngày qua, từ thời điểm Bộ GD-ĐT ban hành chính thức Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm (DTHT), có rất nhiều ý kiến của giáo viên và phụ huynh phản đối quy định này của bộ.

Trước đó, từ 23-11-2006 đến hết tháng 1-2007, hàng ngàn ý kiến đã nhiệt tình tham gia đóng góp cho dự thảo quy định DTHT của Bộ GD-ĐT, hầu hết đều có chung tiếng nói: Không thể cấm giáo viên dạy thêm bởi đây là quyền tự do hành nghề của công dân. Giáo viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở trường học, họ có quyền dạy thêm hay không dạy thêm vì cuộc sống của họ.

Pháp luật không thể tước đi quyền hành nghề mà họ được đào tạo hợp pháp. Rất tiếc các ý kiến này đã không được Bộ GD-ĐT xem xét. Và người ta có quyền nghi ngờ về tính khả thi của quy định này, vì thực tế cho thấy một quy định phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mới tồn tại lâu dài, còn chỉ mang tính hành chánh thì nhanh chóng bị đào thải.

Tại điều 2 của quy định này có ghi rõ: “Không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”. Thiết nghĩ, chỉ cần như vậy là đủ. Vì hành vi ép buộc học thêm dù ở cấp học nào cũng là điều không thể chấp nhận chứ không riêng cấp tiểu học.

2. Tại điều 3 có quy định: “Đối với các trường dạy học 2 buổi trong một ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức DTHT cho học sinh”. Quy định này được mọi người hoan nghênh. Vấn đề là việc quản lý, kiểm tra cần phải làm triệt để, không thể có “châm chước” như trước đây và hiện nay.

Ngoài các trường hợp nêu cụ thể nói trên, quy định DTHT không đề cập thêm các trường hợp bị cấm nào liên quan đến bậc học phổ thông. Ngoài ra, quy định có ghi rõ: Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp khi được UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định miễn giấy phép. Như vậy có thể hiểu muốn DTHT phải có giấy phép của các cấp quản lý là UBND tỉnh, TP (đối với cấp THPT) và quận, huyện (cấp THCS).

Nhưng dù có quy định chặt chẽ đến mấy mà các cấp quản lý lỏng lẻo thì cũng không có tác dụng. Hiện nay, rất nhiều trường tổ chức “tăng tiết” đồng loạt, học sinh bị ép học thêm dưới danh nghĩa “tự nguyện” mà ngành giáo dục không thể không biết. Liệu việc dạy thêm này có bị chấm dứt sau khi quy định DTHT của bộ có hiệu lực? Đó cũng là điều mọi người kỳ vọng vào quy định này.

Báo Phụ Nữ Thủ Đô, số 4 (841) ngày 21/01/2007

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn