Đề án giáo dục 70 ngàn tỷ đồng thiếu cơ sở khoa học

Vietsciences- Nguyễn Kế Hào             14/06/2011

 

Những bài cùng đề tài

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào là một trong những nhà khoa học đầu tiên được mời đóng góp ý kiến vào Đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015" trị giá 70.000 tỷ đồng. Ông cũng chính là người mà 10 năm trước đây đã xin từ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học để phản đối việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lúc đó.

Chia sẻ quan điểm với PV Báo CAND, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào khẳng định: Đề án này có quá nhiều điểm chưa được, cũng không thể thuyết phục được dư luận vì có những việc cơ bản để làm tiền đề thì chưa thấy bàn đến. Ví dụ: Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, quan điểm triết lý giáo dục chuẩn kiến thức kỹ năng chưa có, hệ thống giáo dục thế nào, phổ thông 11 hay 12 năm, tiểu học 5 năm hay 6 năm, có những môn học gì? Nói cách khác, nó là "nửa vời" ở khúc giữa, chơi vơi. Tôi không coi nó như một Đề án tầm cỡ trọng điểm quốc gia, mà chỉ coi như một bản nháp, bản thảo. Chắc Bộ GD&ĐT sẽ khó chấp nhận, lại càng không thể trình lên Chính phủ, Quốc hội được.

PV: Đề án này có khiến ông nhớ lại sự kiện của 10 năm trước khi Bộ GD&ĐT cũng trình ra một Đề án đổi mới giáo dục tương tự?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Dù không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng tôi vẫn lấy làm tiếc vì những kiến nghị của tôi lúc đó đã không được chấp nhận. Cũng xin nói thêm rằng, không phải đến khi Bộ GD&ĐT chọn chương trình tiểu học (CTTH) 2000 để triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, tôi mới can ngăn. Trong suốt 6 năm từ 1995-2001, chúng tôi đã đề nghị nhiều ý kiến tại các cuộc họp, có những ý kiến được xây dựng thành văn bản và tờ trình về CTTH 2000 gửi tới lãnh đạo bộ, nhưng tất cả những ý kiến đóng góp của chúng tôi đều bị bỏ qua và cũng không có thông tin phản hồi. Tôi đã chỉ ra tất cả những bất cập của CTTH 2000 mà Bộ quyết định chọn làm chương trình áp dụng cho toàn quốc như: chưa có những công trình nghiên cứu khoa học về những vấn đề mà cuộc đổi mới chương trình và SGK lần này phải giải quyết để tạo sự phát triển mới…

PV: Đề án chủ yếu xoay quanh chuyện thiết kế chương trình, viết sách, thay sách, nhưng lại có một hạng mục "nâng cấp, sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất tạo môi trường giáo dục phù hợp yêu cầu…" và hạng mục này sẽ tốn tới 35 ngàn tỷ. Ông có thấy điều gì đó khiên cưỡng và có cần thiết có hạng mục này trong Đề án hay không?

 

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào.
 

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Đưa ra vấn đề gì cũng phải có luận cứ, ví dụ 35 ngàn tỷ sẽ xây bao nhiêu trường, bao nhiêu tiền cho mỗi trường. Nhưng thực tế chúng ta đã, đang xoá trường học tranh tre nứa lá bằng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ rồi, nên tôi thấy không cần thiết. Trong Đề án còn đề cập tới khoản tiền vài ngàn tỷ để mua thiết bị giáo dục mới, nhưng thực tế hiện nay thiết bị vẫn đang đắp chiếu, hỏng hóc, lãng phí kinh khủng. Nếu lại lặp lại một trào lưu mua sắm thiết bị dạy học mới, tôi e là học sinh, giáo viên chẳng được lợi ích bao nhiêu, mà tiền Nhà nước bị lãng phí nghiêm trọng.

PV: Theo ông, việc viết sách, thiết kế lại chương trình ở thời điểm này có vội vã không vì chúng ta vừa mới hoàn thành việc thay sách được ít thời gian? Một bộ sách cần có "tuổi thọ" bao nhiêu năm?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Ít nhất phải 10 năm mới tính đến chuyện thiết kế lại chương trình. Nhưng nói thật là ở nhiều nước tiên tiến, có khi mấy chục năm họ mới tổ chức viết lại sách vì sách của họ rất cơ bản, lại có tính liên thông bền vững giữa các cấp học. Theo tôi, thay vì việc viết lại, in lại sách thì nên sửa chữa, hiệu đính lại một số nội dung bằng những tờ in bổ sung. Nhiều nhà khoa học của Việt Nam chỉ học phổ thông 9 năm, đại học học 2 năm với một bộ sách từ thời chiến tranh và họ đã trở thành nhà khoa học đầu ngành đấy thôi.

PV: Trong nhiều bài viết của mình, ông luôn kêu gọi phải "giảm tải" chương trình. Vậy việc "giảm tải" nên được thực hiện như thế nào?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Chúng ta quá tải vì cái gì cũng muốn dạy, ôm đồm, môn nào nội dung cũng nặng, học trò phải học suốt ngày. Đơn giản là lược bớt những nội dung không cần thiết đi, vì hiện nay nhiều cái học trò học mà không để làm gì.

PV: Tại hội thảo góp ý về Đề án nói trên, ông đã bày tỏ quan điểm của mình như thế nào?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Riêng về chương trình và SGK, tôi kiến nghị cần làm theo trình tự sau: trước tiên phải xác định triết lý, quan điểm cơ bản về giáo dục, rồi xây dựng hệ thống giáo dục mới: phổ thông 11 năm hay 12 năm, THPT theo phương án phân ban hay phân hoá. Sau nữa, là xây dựng mục tiêu giáo dục cả phổ thông và từng cấp học, lớp học, kế hoạch dạy học: 1 buổi hay 2 buổi/ngày, có những môn học gì, những hoạt động nào; đồng thời phải xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, yêu cầu tối thiểu về các hoạt động giáo dục. Việc sau cùng là biên soạn SGK và tài liệu dạy học, các mẫu về thiết bị thí nghiệm và đồ dùng dạy học.

PV: Vậy để "đổi mới căn bản và toàn diện" giáo dục sau năm 2015, theo ông ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì?

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào: Ngoài việc phải giảm tải ở các lớp học, cấp học phổ thông như tôi đã nói ở trên thì cần phải tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về công cuộc đổi mới giáo dục 10 năm qua. Bên cạnh đó phải đổi mới cơ bản hệ thống sư phạm đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, mỗi giáo viên phải dạy chắc chắn, dạy tốt một môn học hoặc một số môn mà mình phụ trách, có khả năng nghiên cứu khoa học và tự học ở trình độ nhất định. Đây là việc cần làm ngay vì "sư phạm đi trước một bước"…Cùng với những việc này đồng thời phải tiến hành những việc chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, như vậy mới tạo được sự đồng thuận của xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Thu Phương (thực hiện)

http://ca.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoi/tintucsukien/2011/6/179837.cand

 

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org