Đề cương: Nghiên cứu khoa học về nền giáo dục toàn dân

Vietsciences- Hồ Ngọc Đại           19/12/2008

 

Những bài cùng tác giả

         Một Giải pháp cho một vấn đề có tầm cỡ quốc gia, phải là một thể thống nhất từ hai mặt:

         1. Mặt xã hội – chính trị là một Nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng, nẩy sinh từ cuộc sống thực.

         2. Mặt nghiệp vụ thể hiện thành một Giải pháp nghiệp vụ để thực thi bằng được nhiệm vụ nói trên.

         Ngày nay, một nhiệm vụ xã hội – chính trị phải bắt đầu từ một ý tưởng, phản ánh nhu cầu thực có của Cuộc sống thực, mà Nhà nước (thông qua các chính khách) cảm nhận được. Sau đó, triển khai ý tưởng ấy thành nhiệm vụ và thực thi là việc của chuyên gia.

Stalin mời các nhà khoa học đến, trao nhiệm vụ làm bom nguyên tử.

Các nhà vật lý hạt nhân đã làm ra bom nguyên tử.

         Giải pháp nghiệp vụ hình thành dưới hình thức Bản thiết kế. Giá trị của Giải pháp phụ thuộc vào Bản thiết kế, do đó, tuỳ thuộc vào năng lực của Người thiết kế, tên được đặt cho Sản phẩm: Tháp Eiffel, Máy bay T.U…

         Người thiết kế (ví dụ, Eiffel hay Tupolev) tên tượng trưng cho một Tổ chức khoa học – công nghệ làm ra một sản phẩm đặc trưng (ngọn tháp hay máy bay).

         Nếu nhiệm vụ xã hội – chính trị là xây dựng Nền giáo dục toàn dân cho cả 100% dân cư, cho cả Trẻ em lẫn Người lớn, đảm bảo cho Nền giáo dục phát triển bền vững, là cốt lõi vững chắc và đáng tin cậy đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước, thì để thực thi nhiệm vụ ấy, cần phải có một Tổ chức khoa học – công nghệ cấp quốc gia, gọi ước lệ là một Viện nghiên cứu khoa học – thiết kế công nghệ thực thi. Nhận lấy việc thực thi một nhiệm vụ xã hội – chính trị tầm cỡ quốc gia như nhận lấy một sứ mệnh trước đất nước, mà trực tiếp là trước chính khách, đại diện cho Nhà nước, Viện phải làm một chuỗi liên hoàn các việc thiết kế – thi công mẫu – xác lập và ổn định công nghệ – chuyển giao.

         Nếu mọi việc buộc phải bắt đầu từ đầu thì làm theo trật tự:

1.Xác định nhiệm vụ xã hội – chính trị của nền giáo dục toàn dân vì sự phát triển bền vững của đất nước.

2.Thành lập một Tổ chức để triển khai nhiệm vụ trên.

3.Xem xét, điều chỉnh, bổ sung… tiến đến một Giải pháp tổng thể với một Hệ thống việc làmlộ trình triển khai có thời hạn cụ thể.

 *    *

*

I. Tên gọi

 

II. Sứ mệnh

         Tài nguyên quý giá nhất mà có khả năng tái sinh và phát triển là Người, Trẻ em và Người lớn.

         Trẻ em đang trưởng thành và phát triển. Quá trình trưởng thành cần năng lượng vật chất lấy từ môi trường tự nhiên. Quá trình phát triển chỉ có thể có được bằng giáo dục và tự giáo dục.

         Người lớn là người lao động sản xuất. Trong nền văn minh hiện đại, công nghệ sản xuất biến động từng ngày, ngay lập tức tác động đến môi trường tự nhiên, đến đời sống xã hội, buộc Người lớn hiện đại phải thường xuyên cập nhật những vấn đề vừa nẩy sinh còn nóng hổi về môi trường và xã hội, về kinh tế và chính trị, về khoa học và công nghệ, về văn hoá và giáo dục…

         Là thành phần hữu cơ của Cuộc sống hiện đại, nền giáo dục cũng phải hiện đại hoá bản thân mình:

         Về xã hội – chính trị, nền giáo dục hiện đại dành cho cả 100% dân cư, cả Trẻ em và Người lớn, trở thành nền giáo dục toàn dân, với hai thể chế “cứng”:

Trẻ em đến Trường phổ thông.

Người lớn đến các Trung tâm học tập cộng đồng / các Cơ sở giáo dục ngoài giờ làm việc / ở ngay tại nhà.

Về nghiệp vụ sư phạm, dù với Trẻ em hay với Người lớn, nền giáo dục toàn dân phải có sự bảo đảm đáng tin cậy cho lợi ích cơ bản của Người học: Ai cũng được học, học gì được nấy, học đâu được đấy. Vì lợi ích cơ bản của mình được bảo đảm, nên Trẻ em mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui và đi học là hạnh phúc. Vì lợi ích cơ bản của mình được bảo đảm, hễ được học thì học được, nên Người lớn có động lực theo học, hôm nay học còn mong chờ ngày mai.

Với Trẻ em hay với Người lớn, với cả 100% dân cư hiện đại, nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải vượt qua may rủi, không trông cậy vào kinh nghiệm cục bộ, mà phải tận dụng cơ sở vật chất hiện đại, các phương tiện truyền thông hiện đại… để tổ chức và kiểm soát quá trình, theo hướng công nghệ hoá quá trình giáo dục.

Trong nền văn minh hiện đại, mọi sự bắt đầu từ Nghiên cứu khoa học theo Hướng đi và Cách làm xác định, nhằm tìm giải pháp cho nền giáo dục toàn dân (cho Trẻ em và cho Người lớn):

Hướng đi – Hiện đại hoá nền giáo dục hiện có cho Trẻ em – giáo dục phổ thông và cho Người lớn – giáo dục thường xuyên.

Cách làm – Công nghệ hoá quá trình giáo dục đảm bảo sản phẩm làm ra là tất yếu, có giá trị thực tế và có sức hấp dẫn.

Cho đến nay, rất tiếc, ở nước ta chưa một Viện nghiên cứu khoa học nào thực thi được nhiệm vụ lịch sử (sứ mệnh) đó. Tuy nhiên, dù chỉ mới nói lên sứ mệnh ấy, thì cũng chứng tỏ được rằng trong thực tiễn cuộc sống, nhiệm vụ ấy đã chín muồi, và cũng đã có những điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ ấy.

Sau khi xác định được Hướng đi và Cách làm của mình, còn phải xác định tường minh Đối tượng nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu (để thiết kế và thi công) là nền giáo dục toàn dân, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XXI. Đây là nền giáo dục sinh ra từ một hoàn cảnh lịch sử chưa hề có của một đất nước đang hiện đại hoá và công nghiệp hoá với nền kinh tế thị trường, với nền dân chủ xã hội… Hoàn cảnh lịch sử này làm nẩy sinh nhiều vấn đề mới trực tiếp tác động lên cuộc sống của toàn dân như môi trường, đô thị, khu công nghiệp, rác thải, ô nhiễm… và quan trọng hơn là nhân lực, người lao động sản xuất hiện đại, người bảo vệ môi trường và tài nguyên…

Với giải pháp giáo dục cho nền giáo dục toàn dân, Cách hiểu “giáo dục” như xưa nay thì chỉ là hiểu theo nghĩa hẹp, tức là một phần của Giải pháp. Giáo dục hiện đại là giáo dục toàn dân, là sự nghiệp của toàn dân, cho toàn dân và vì toàn dân, do đó, Giải pháp giáo dục phải vượt ra mọi ranh giới cổ truyền và phải tiếp cận trực tiếp với những cái mới vừa xuất hiện…

         Để thẩm định Lẽ sống và Sức sống của một Viện nghiên cứu khoa học không có gì đáng tin cậy bằng sản phẩm đặc trưng của Viện: Ngày nay, bất cứ sản phẩm nào đã gọi là sản phẩm đều có giá trị ở ngay tại chính nó, đều được hưởng “dân chủ” trên thị trường, không phân biệt “nguồn gốc xuất thân” và “nơi sinh sống”. Lấy sản phẩm làm căn cứ, chúng ta mới có thể vượt ra khỏi những định kiến lâu đời, ví dụ, quốc doanh hay tư doanh, trong nước hay ngoài nước… Do đó, một khi Viện nghiên cứu khoa học được “định nghĩa” bằng sản phẩm của mình thì nó sẽ độc lập với mọi ràng buộc “hành chính” và vùng lãnh thổ, trở thành một thực thể tự chủ và tự quyết định.

 

III. Chức năng

         Chức năng cơ bản nhất của Viện là đưa ra Giải pháp nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ xã hội – chính trị nói trên.

         Một Viện nghiên cứu hiện đại phải vừa nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng mà trên thực tiễn là thực hiện bước chuyển trực tiếp từ khoa học sang công nghệ.

Một Viện nghiên cứu hiện đại phải tiến hành đồng bộ: Nghiên cứu - Đào tạo và Bồi dưỡng – Chuyển giao. Để làm được các việc này, Viện cần triển khai Hợp tác quốc tế – Liên kết với các tổ chức và các dịch vụ có liên quan – Thu hút nhân lực nhân tài… cho từng Việc cụ thể, có thời hạn…

Viện nghiên cứu buộc phải quan hệ với nhiều ngành, nhiều tổ chức đoàn thể… cùng nhau nhằm một mục tiêu chung: Vì sự phát triển bền vững của đất nước:

Giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Khoa học vì sự phát triển bền vững.

Bảo vệ tài nguyên – môi trường vì sự phát triển bền vững.

Các công tác đoàn thể – xã hội vì sự phát triển bền vững.

Vân vân

Tóm lại, chức năng cơ bản nhất của Viện là đưa ra Giải pháp nghiệp vụ cho nền giáo dục toàn dân, một nền giáo dục hiện đại, tự mình phát triển bền vững và làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 

IV. Phương hướng tổ chức và hoạt động

1. Phương hướng chung:

a. Một Tổ chức được “định nghĩa” bằng sản phẩm do nó làm ra, gọi là Sản phẩm đặc trưng. Mỗi sản phẩm này được coi như mọi sản phẩm lao động nói chung, có giá trị và giá trị sử dụng của mình.

Sản phẩm đặc trưng của viện là Sản phẩm giáo dục, thể hiện ở người học (Trẻ em và Người lớn).

Viện có thể làm ra các sản phẩm khác tạo ra nguồn thu tài chính trực tiếp.

b. Về nguyên tắc, phải lấy giá trị của sản phẩm để tính giá trị của Tổ chức làm ra nó (dưới hình thức công trình). Công trình của viện phải có giá trị thực sự, có giá trị sử dụng đích thực, thì mới thực sự tạo ra sự phát triển bền vững của giáo dục, đích thị là nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước.

Lấy giá trị của sản phẩm làm căn cứ, để tính lương cá nhân và mọi chi phí làm ra sản phẩm (theo hướng: tính theo lao động).

c. Về tổ chức – nhân sự sẽ theo nguyên tắc, chọn Người cho việc (có việc mới tìm người và chọn người có trình độ chuyên nghiệp cao hơn), cần đến đâu làm đến đấy.

2. Cơ cấu tổ chức của Viện

Phương thức nghiên cứu cơ bản của Viện là Nghiên cứu khoa học theo phương thức thực nghiệm, dù Nghiên cứu trên Đối tượng nào (Trẻ em hay Người lớn). Phương thức này buộc các công trình nghiên cứu phải liên hệ mật thiết với thực tiễn cuộc sống, trước hết phải được kiểm soát bằng những cứ liệu thu được từ mô hình đang xác lập bằng thực nghiệm trên số ít. Phương thức này đảm bảo an toàn cho triển khai rộng (chuyển giao), ví dụ: Ai được học thì học được, học gì được nấy, học đâu được đấy. Phương thức này cũng đảm bảo uy tín khoa học cho Viện.

Trước mắt, Viện có ba Bộ phận:

- Bộ phận nghiên cứu 

- Bộ phận phục vụ nghiên cứu – Văn phòng,

- Bộ phận làm dịch vụ, tài chính.

1. Các Phòng thuộc bộ phận nghiên cứu.

Phòng nghiên cứu là một thể thống nhất giữa hai thành phần: Phòng nghiên cứu và Trường (cơ sở) thực nghiệm, thể hiện mối liên hệ hữu cơ giữa Thiết kế và Thi công mẫu, cùng nhau xác lập mô hình.

1.Phòng tiểu học

2.Phòng trung học

3.Phòng giáo dục cộng đồng

4.Phòng giáo dục môi trường

5.Phòng đào tạo và bồi dưỡng

Ngoài các tổ chức “cứng” và ổn định này, trong quá trình nghiên cứu và do nhu cầu thực tế, có thể có thêm những tổ chức mới, có định kỳ, như các Dự án, các Công trình theo đơn đặt hàng, các Dịch vụ cụ thể… cũng có thể có: Phòng nghiên cứu Trẻ em và Nhà trường, Phòng nghiên cứu Thanh niên và Nghề nghiệp, Phòng công tác Phụ huynh học sinh và Công luận…

2. Các Trung tâm

- Trung tâm nguồn lực quốc gia về giáo dục môi trường (đã có).

- Trung tâm truyền thông – thư viện.

- Trung tâm tư vấn giáo dục.

3. Các tổ chức khác :

- Hội đồng khoa học.

- Các Hội đồng tư vấn.

- Các tổ chức Đảng và đoàn thể.

Chức năng cơ bản của Viện được phân ra hai Nhánh tương đối độc lập, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau:

Cho Trẻ em : Giáo dục phổ thông thế kỷ XXI.

Cho Người lớn: Giáo dục thường xuyên, thông qua các cơ sở học tập cộng đồng, thông qua các tổ chức đoàn thể – xã hội. Tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mỗi Nhánh đều triển khai theo một Hệ thống Việc làm: Nghiên cứu khoa học – Thiết kế công nghệ– Thi công mẫu (thực nghiệm) và ổn định công nghệ – Xác lập mô hình – Chuyển giao.

Theo cách nhìn hành chính, Viện có các chức năng cụ thể như:

1.Nghiên cứu cơ bản

2.Nghiên cứu ứng dụng

3.Đào tạo và bồi dưỡng chuyên gia (thạc sĩ, tiến sĩ) và chuyên viên có trình độ chuyên môn sâu cho các việc: Nghiên cứu – Thiết kế - Đào tạo – Quản lý – Trực tiếp thực thi (ví dụ, giáo viên đứng lớp).

4.Hợp tác và Liên kết với các Tổ chức trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho ba chức năng trên.

         Trung tâm Công nghệ giáo dục trong suốt 30 năm qua đã kiên trì (Hướng đi) Hiện đại hoá nền giáo dục, bằng (Cách làm) Công nghệ hoá quá trình giáo dục.

         Những thành tựu lý thuyết và công nghệ thực thi ngày càng đáng tin cậy. Từ năm 1985, Trung tâm đã bắt đầu chuyển giao Công nghệ giáo dục về địa phương, đã có đến 43 tỉnh / thành tiếp nhận, cho hàng triệu học sinh cùng với hàng chục ngàn giáo viên được huấn luyện thực thi Công nghệ giáo dục. Vốn có cơ sở vững chắc ở tận trường học như thế, nên từ năm 1995, Trung tâm có thể triển khai Dự án giáo dục môi trường đến tận trường học, ở cả 64 tỉnh / thành. Trong 8 năm triển khai Dự án giáo dục môi trường, vì hiệu quả thực tiễn có giá trị quốc gia và quốc tế, Trung tâm lại càng có uy tín với địa phương và với các Bộ, Ngành ở Trung ương. Tại một cuộc họp ba bên, Phó đại diện của UNDP đánh giá đây là Dự án quốc tế mẫu mực nhất về hiệu quả thu được và minh bạch về tài chính. Nhờ những thành tựu 8 năm làm Giáo dục môi trường trong trường phổ thông, Trung tâm được Chính phủ chọn làm thành viên của Uỷ ban quốc gia về thập kỷ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (2005-2014).

         Trong cả hai lĩnh vực giáo dục và giáo dục môi trường, Hướng đi và Cách làm được kiểm nghiệm trong 30 năm qua về nghiên cứu khoa học, thiết kế công nghệ làm mẫu, hình thành mô hình, và đã từng chuyển giao về địa phương, là cơ sở lý thuyết và thực tiễn đảm bảo Trung tâm sẽ hoàn thành sứ mệnh mới, không những chỉ ở trường phổ thông hay các Trung tâm học tập cộng đồng, không những cho giáo dục vốn có mà cả cho giáo dục môi trường, không những có tính quốc gia mà có cả tính quốc tế… Những nhân tố tích cực ấy cho thấy nước ta có đủ năng lực triển khai trong thực tiễn giáo dục “thập kỷ vì sự phát triển bền vững” do Liên hiệp quốc đề xướng, mà Trung tâm đã có sẵn Dự án (đã thành văn bản) chỉ chờ đầu tư triển khai.

         Trung tâm có một cơ sở vật chất khang trang, xây dựng trên 20.000m2 đất, có sổ đỏ đích danh. Trung tâm có uy tín tập hợp Cộng tác viên – Chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực có liên quan. Trung tâm có Trường Quốc tế (Liên doanh), sau 11 năm hoạt động đã ổn định và bắt đầu có lãi. Với cơ sở vật chất đã có, với khả năng huy động chuyên gia – cộng tác viên, Trung tâm có khả năng tiếp nhận thêm đầu tư cho các nhiệm vụ mới, nhằm phát triển thành một Viện nghiên cứu tầm cỡ quốc gia.

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồ Ngọc Đại