Để tăng chất lượng đào tạo đại học ở VN

Vietsciences-Trần Văn Thọ        10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Từ lâu nhiều người đã thấy chất lượng giáo dục đại học ở VN xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết triệt để vấn đề nầy, chúng ta cần có một cuộc đổi mới toàn diện, và cũng cần thời giờ và nhiều ngân sách hơn. Tuy nhiên cũng có những mặt chỉ cần thay đổi cơ chế trên quy mô nhỏ là có thể giải quyết trong thời gian ngắn và không cần nhiều ngân sách, Những đề nghị tôi sẽ nêu dưới đây nằm trong trường hợp nầy.

Để tăng chất lượng đào tạo ở đại học, có 2 việc có thể làm ngay được. Một là đưa yếu tố cạnh tranh vào hoạt động giảng dạy của giáo viên (từ giáo viên ở đây bao gồm tất cả cán bộ giảng dạy, kể cả giáo sư, phó giáo sư, giảng viên,... ), hai là phân bố lại nguồn nhân lực của xã hội để tăng chất lượng đội ngũ giáo viên.

1. Tạo ra cơ chế cạnh tranh trong việc giảng dạy:

Cạnh tranh là động lực của phát triển. Trong học đường cũng vậy. Giáo dục đại học ở VN hầu như thiếu hẳn tính chất nầy. Ở mỗi khoa, các khoá học được chia thành các lớp (tuỳ theo lãnh vực chuyên môn hẹp trong một khoa) và sinh viên mỗi lớp học các môn giống nhau với cùng các giáo viên như nhau. Nói dễ hiểu hơn, việc tổ chức như vậy không khác gì ở bậc tiểu học, trung học. Sinh viên không được chọn lựa môn học, không được chọn thầy để học. Do vậy, đại học không tạo cơ chế cho giáo viên luôn luôn phấn đấu, cố gắng để dạy tốt hơn, và đào thải những giáo viên thiếu trách nhiệm nghề nghiệp, những giáo viên không có khả năng cải tiến năng lực chuyên môn và năng khiếu giảng dạy.

Tôi đề nghị cải thiện ngay cơ chế hiện tại, đưa nguyên lý cạnnh tranh vào việc giảng dạy. Chẳng hạn sinh viên cần 100 đơn vị học trình để tốt nghiệp thì đại học cung cấp số môn học tương đương với độ 150 đơn vị học trình để sinh viên chọn lựa. Những môn học liên tiếp trong 2 hoặc 3 năm có quá ít sinh viên theo học sẽ bị loại bỏ, thay bằng môn học khác hoặc giáo viên khác. Được biết là hiện nay sinh viên VN phải học một chương trình khá nặng (theo một phân tích nọ thì số đơn vị học trình của đại học VN nhiều gấp rưỡi ở các nước khác), nặng về số lượng mà kém về chất lượng. Do đó việc cải cách như tôi đề nghị sẽ thực hiện được dễ dàng, không tốn thêm ngân sách.

 

2. Phân bổ lại nguồn lực để tăng chất lượng giáo viên:

Để tăng chất lượng giáo dục ở đại học phải có nhiều giáo viên giỏi chuyên môn và có tâm huyết với ngành giáo dục. Làm sao để đại học thu hút được nhân tài? Ở đây chỉ nói những biện pháp phân bổ lại nguồn lực của xã hội, những biện pháp có thể làm ngay và ít đòi hỏi tăng nhiều ngân sách. Tôi có 3 đề nghị sau:

Thứ nhất, kết hợp nghiên cứu với giảng dạy. Hiện nay ở VN có hai hệ thống hoạt động song song: các viện nghiên cứu và các đại học. Tôi đã có dịp đề nghị từng bước sáp nhập phần lớn các viện nghiên cứu vào trong các đại học nhưng việc nầy vcần thời gian. Việc có thể làm ngay là tạo cơ chế giao lưu mật thiết giữa hai hệ thống để những người nghiên cứu giỏi có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc giảng dạy ở đại học. Dĩ nhiên hiện nay đã có sự giao lưu nầy (nhiều cán bộ nghiên cứu ở các viện có giờ dạy ở các đại học) nhưng nhìn chung chưa có hiệu quả. Các cán bộ nghiên cứu được mời đến đại học phần lớn tập trung dạy 5-6 tiết trong ngày, dạy xong là đi về ngay. Vì 5-6 tiết quá dài nên c trường hợp trên thực tế chỉ dạy 4-5 tiết và, có người cho tôi biết kinh nghiệm cá nhân của họ, vì phải dạy một lần nhiều giờ quá nên không chuẩn bị đủ nội dung, thầy mệt mỏi và trò nói chuyện riêng nên họ phải đem sách ra đọc cho sinh viên chép. Tình trạng nầy đưa đến sự thiếu nghiêm túc trong việc giảng dạy, gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều mặt khác.

Tôi đề nghị là nên tạo sự giao lưu chặt chẽ hơn, chẳng hạn cán bộ nghiên cứu ở các viện có thể tạm chuyển sang biên chế ở đại học 1-2 năm và trong thời gian đó làm việc ở đại học là chính. Ngược lại, những giáo viên ở đại học, nhất là những giáo viên trẻ, cũng được tạm chuyển sang biên chế ở các viện nghiên cứu, trau dồi chuyên môn trước khi trở về đại học.

Thứ hai, cơ hội du học (bằng ngân sách nhà nước hay bằng học bổng cấp ở nước ngoài) để lấy các bằng cấp cao (như tiến sĩ chẳng hạn) trước mắt nênưu tiên cho giáo viên dạy đại học hoặc những nghiên cứu sinh có hoài bão đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Các cơ hội du học ở nước ta hiện nay có khuynh hướng trải rộng sang nhiều lãnh vực, có lãnh vực mà cán bộ không cần bằng cấp cao (như quản lý ở các cơ quan nhà nước) nhưng vẫn được tạo điều kiện đi du học. Sau khi về nước họ lại không dùng đến kiến thức khoa học đã hấp thu ở nước ngoài. Đây là một phí phạm lớn về nguồn nhân lực. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và nếu thấy nguy cơ của chất lượng đào tạo đại học hiện nay, chính phủ cần quan tâm phân bổ các cơ hội du học đến những giáo viên hiện tại và tương lai.

Thứ ba, cần cải cách phương pháp tuyển chọn giáo viên đại học. Theo chỗ nhận xét của tôi, các đại học công lập hiện nay có khuynh hướng tự đào tạo giáo viên lấy từ những người vừa mới tốt nghiệp. Việc nầy cũng cần thiết nhưng không nên có nhiều. Khi thiếu giáo viên, các đại học nên công khai chiêu mộ để thu hút những người có khả năng (như những người được nói đến ở điểm thứ hai). Tránh trường hợp sinh viên mới tốt nghiệp mà đã có tư cách giảng dạy hay trợ giảng. Họ phải phấn đấu vào làm việc ở các viện nghiên cứu, sau đó tham gia ứng cử vào biên chế giảng dạy.

Bài đăng ở Thời báo kinh tế Saigon, 11/3/2004

(Nhân Dân điện tử đăng lại ngày 13/3/2004)

Xin mời đọc Trang Trần Văn Thọ

http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org