Đại học đẳng cấp quốc tế: "Bao giờ mới chín?"

VietnamNet

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng bình luận về việc đổi mới giáo dục ĐH trong đề án của Bộ GD - ĐT vừa được báo giới nhắc đến nhiều trong tuần qua. Với ông Dũng, nâng cấp một trường có sẵn thành ĐH đẳng cấp quốc tế cũng giống như việc bác nông dân học tiến sĩ.

Soạn: AM 569052 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trường Đại học Harvard (Mỹ).

Nâng cấp không có nghĩa là cản trở xây mới

- Anh nghĩ thế nào trước việc đề án đổi mới đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) vừa "tung" ra thì dư luận cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đã "hứng" lấy để bàn luận?

- Nói nhiều là đúng thôi, vì việc này quá hệ trọng. Ngoài ra, hệ trọng thì hệ trọng thật, nhưng "ánh sáng ở cuối đường hầm" thì vẫn chưa thấy.

Trong nền kinh tế tri thức, giáo dục đại học (GDĐH) là nền tảng của mọi thành công. Và hệ thống này của thế giới đã được cải cách một cách căn bản để cung cấp đủ tri thức và nhân lực cho nền kinh tế mới. Trong lúc đó, hệ thống GDĐH của chúng ta về cơ bản vẫn đang vận hành theo hệ chuẩn cũ. Thế kỷ XX đọng lại trong hệ thống này vẫn chưa chịu ra đi. Sản phẩm của GDĐH ở ta như thế nào thì... ai cũng biết. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra, rằng sinh viên tốt nghiệp ĐH thiếu đến 60% kiến thức cần thiết tại thời điểm ra trường, chưa tính đến kiến thức ĐỦ. Mà như vậy thì chúng ta sẽ "đi tắt, đón đầu" thiên hạ bằng cách nào?

"Khó thống nhất là đổi mới thế nào bởi quá nhiều người biết một tí về giáo dục"

Trao đổi với Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà về "một công việc hệ trọng, ảnh hưởng tới tương lai của 10, 15 năm sau".

- Nhưng việc đổi mới như thế nào, bắt đầu từ đâu lại gây ra quá nhiều tranh luận? Người bảo nên tập trung để xây thêm nhiều trường ĐH cộng đồng, kẻ muốn đầu tư nâng cấp chất lượng của các trường hiện tại? Lại có yêu cầu phải xây trường ĐH chất lượng cao, cạnh tranh được với thế giới một cách cấp bách?

Chúng ta thường rất dễ đồng ý với nhau khi những lợi ích cụ thể còn chưa bị động chạm. Đổi mới GDĐH cũng vậy. Ngoài ra, đổi mới GDĐH là việc khó. Ai cũng có cảm giác là mình biết một cái gì đấy về giáo dục và cũng thích có ý kiến. Điều này càng làm cho công việc khó khăn hơn.

Thực ra, khi lợi ích khác nhau, nhu cầu khác nhau và quan điểm cũng khác nhau, thì chúng ta phải cần đến những công cụ ban hành quyết định hiện đại hơn, tối ưu hơn. Tình trạng tê liệt về khả năng ban hành quyết định không khéo còn tối tệ hơn cả những quyết định kém chất lượng.

Việc tập trung xây thêm các trường ĐH cộng đồng và nâng cao chất lượng của các trường hiện tại không nhất thiết phải cản trở việc xây dựng một trường ĐH chất lượng quốc tế. Có ở nước nào trên thế giới mà tất cả các trường đều có chất lượng như nhau đâu? Và số trường đủ đẳng cấp quốc tế bao giờ cũng không nhiều trong mỗi nước. Vấn đề là, chúng ta chẳng có được một trường nào như vậy cả.

Dư luận đều thấy nhu cầu cấp thiết phải nâng cấp chất lượng của hệ thống những trường đang có sẵn. Với tiềm lực về tri thức, công nghệ cũng như tài chính chưa cao mà đầu tư dàn trải theo kiểu "rải mành mành" thì không thể thành công. Tham vọng nâng cả hệ thống cùng lúc không biết sẽ mất bao nhiêu thế hệ.

Nâng cấp trường có sẵn cũng giống như bác nông dân học tiến sĩ

Dù là sự lựa chọn khó khăn, nhưng vẫn cần những "điểm" đột phá đạt chất lượng quốc tế, cung cấp những "sản phẩm" ngang bằng với thế giới.

- Có ý kiến cho rằng nên "nâng cấp, cải tổ" một hay vài trường có sẵn thay vì xây mới?

- Nâng cấp một vài trường có sẵn thì cũng giống như nâng cấp một anh nông dân thành anh tiến sỹ, có thể làm được nhưng khó khăn vô cùng.

- Trong đề án đổi mới giáo dục cũng có ý tưởng sẽ đầu tư cho 14 trường trọng điểm ở ba miền thành trường tốp trên?

- Nâng được thì tốt quá! Nhưng vấn đề là nâng bằng cách nào? Đầu tư tài chính không nhiều khi chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Trường lớp có thể khang trang hơn, phòng thí nghiệm tốt hơn, nhưng quá trình dạy và học thì có thể vẫn không khác. Cũng giống như mua sắm những phần cứng mới chỉ để chạy một phần mềm đã cũ, đầu tư vào cơ sở vật chất có khi chẳng mang lại lợi ích gì nhiều.

Bộ GD-ĐT có chịu bỏ quyền "ra lệnh" để chỉ giữ quyền giám sát không? Ngược lại, các trường đã sẵn sàng "ra ở riêng" chưa, hay vẫn muốn dựa vào "bố mẹ"? Rồi làm sao tuyển được người tài về những trường đó, khi nhu cầu thì có thể có, nhưng ghế lại không còn?

- Vậy còn quan điểm "không nhất thiết phải bây giờ, có thể vài năm nữa, khi thời cơ chín hơn, nguồn lực đủ hơn" ta mới xây dựng trường chất lượng quốc tế?

- Chúng ta cứ "xanh" mãi như thế này thì bao giờ thời cơ mới chín? Ngoài ra, thiên hạ đâu có chịu đứng yên để chờ ta. Muốn khỏi "tụt hậu" thì đang chạy đã là chậm, thế mà chúng ta lại chỉ thảo luận về chuyện lấy đà thôi thì sẽ ra sao?

- Có thể hiểu ý của anh là nên bắt đầu ngay việc xây mới một trường hàng đầu. Ngoài yêu cầu về tài chính ra, sẽ cần những điều kiện gì?

- Đây là việc không nên chần chừ. Với nguồn tài chính còn ít ỏi, chúng ta khó có thể nâng cấp cả hệ thống giáo dục lên chuẩn quốc tế, nhưng tập trung cho 1 trường thì sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nguồn tài chính ở mức quốc tế chưa chắc đảm bảo chất lượng ở chuẩn quốc tế. Hai yếu tố then chốt là tri thức và công nghệ quản trị trường đại học phẩm cấp quốc tế thì chúng ta đều thiếu trầm trọng. Chờ đến khi chúng ta có được hai thứ này chắc còn lâu hơn chờ đến khi chúng ta có đủ tiền. Có cách gì để được chuyển giao tri thức và công nghệ thì mới có thể đi tắt đón đầu ở đây được.

Nhập khẩu?

- Nghĩa là, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ của nước ngoài? Các trường ĐH hàng đầu của thế giới như Havard, MIT... đang sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng ĐH hàng đầu. Ta có nên nhờ họ giúp không?

- Tôi cho rằng đây là một cơ hội rất tốt. Ta đã có thể nhập công nghệ máy tính, nhập công nghệ làm đồ hộp, là nước hoa quả thì tại sao lại không nhập khẩu thứ công nghệ có thể làm ra công nghệ? Hơn nữa, thứ công nghệ này lại đang được cung cấp miễn phí?

Ai cũng biết Havard, MIT... là những trường đứng hàng đầu thế giới. Hơn nữa, chính Thủ tướng đã chính thức nêu vấn đề này trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ vừa qua.

- Giả sử ta nhờ các trường hàng đầu của Mỹ giúp, thì còn những thách thức gì mà Việt Nam phải xác định và vượt qua?

Nếu không có sự chuẩn bị về hệ chuẩn tư duy thì họ có giúp ta cũng khó tiếp thu, cũng giống như không phải ai được tặng máy tính cũng sử dụng được. Vậy thì, thách thức đầu tiên của ta là phải hiểu và làm chủ được công nghệ xây dựng trung tâm đào tạo phẩm cấp quốc tế.

Bước tiếp theo, sẽ cần một cam kết chính trị rất lớn, vì một trường ĐH như thế sẽ là thách thức lớn với cả hệ thống đang tồn tại, vì sẽ làm khác - có khi phủ nhận - những chuẩn mực mà cả hệ thống của chúng ta đang theo. Rất may mắn là ý tưởng thành lập trường được bắt đầu từ chính Thủ tướng Phan Văn Khải.

Sau khi đã có cam kết chính trị thì sẽ cần những người đứng đầu trường hiểu và vận hành được "công nghệ" này. Từ nguyên tắc quản trị đến khả năng thu hút người tài (cho họ tự do sáng tạo và có chế độ đãi ngộ tốt), quyền tự do về học thuật đều phải được bảo đảm. Cũng rất cần có các giải pháp rất sáng tạo để huy động tài chính, vì không thể chỉ phụ thuộc vào nhà nước, hay dựa vào nguồn học phí thu từ sinh viên được.

Một yếu tố quan trọng nữa là những công nghệ, phương thức, công cụ để có thể gắn kết với những thành tựu mới nhất của thế giới. Sự gắn kết này sẽ được đảm bảo thông qua hệ thống các giảng viên uy tín thế giới của trường, đặc biệt là các Giáo sư thỉnh giảng (visiting professor). Cũng phải để các giảng viên của trường được quyền quyết định họ sẽ dạy cái gì, dạy như thế nào, vì họ là những người đi đầu, nắm được mọi sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Và, chúng ta sẽ dễ gắn kết được với thế giới ngay, nếu đỡ đầu cho ta đã là những trường hàng đầu của thế giới.

Giáo sư ngoại? Tiền nào của nấy

- Anh có nói đến việc mời các Giáo sư hàng đầu sang dạy. Nhưng sẽ cần số tiền rất lớn, sức ta có kham nổi không?

- Ở đời này tiền nào của ấy thôi. Bạn bao giờ cũng trả tiền cho thứ bạn mua. Vấn đề là sản phẩm mà trường tạo ra cũng sẽ rất có giá.

Ngoài ra sẽ cần sự gắn kết của trường với giới kinh doanh. Đầu ra của trường này phải là "đầu vào" mà các DN săn lùng. Rất may là các DN của ta (đặc biệt là ở TPHCM) đã biết cách trọng dụng và đãi ngộ người tài. Chưa kể các DN nước ngoài nữa. Cũng sẽ tốt hơn nếu trường được thành lập DN để marketing và kinh doanh chính những sản phẩm, những phát minh của mình, như thế cũng tạo ra nguồn lực tài chính cho trường.

Nhiều người Việt đang thành đạt ở các nơi, thậm chí trong Việt Nam, có thể tập hợp họ lại để cống hiến tài sức cho một trường như thế.

- Có người cho rằng, nên gộp các trung tâm nghiên cứu về các trường đại học. Anh có tán thành ý tưởng này không?

- Về mặt chủ trương thì nghe có lý, nhưng thực ra mọi chuyện sẽ không đơn giản. Việc cấy ghép cơ thể lạ vào với nhau thì sẽ khó tránh khỏi phản ứng thải loại. Sẽ tốt hơn nếu tới đây, các trường chất lượng sẽ tự thành lập trung tâm nghiên cứu. Còn muốn "cấy" các trung tâm sẵn có vào các trường cũng sẵn thì cũng cần phải có những phân tích, "xét nghiệm" rất kỹ về mặt "lâm sàng".

  • Khánh Linh (thực hiện)