Độc quyền in sách còn tệ hơn cả sự dốt nát

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn         12/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa có công thư gửi Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng nêu những vấn đề bất cập trong in ấn xuất bản sách giáo khoa (SGK)  tại NXB Giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ sự độc quyền xuất bản SGK.

Liên quan đến vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, giảng viên Trường đại học Quốc gia Hà Nội, người có nhiều năm tìm hiểu sự việc này.

Bội thực sách phổ thông, thiếu sách đại học

*Thưa ông, Chính phủ đã quyết định thanh tra những nội dung liên quan đến sự độc quyền trong việc xuất bản SGK của NXB Giáo dục. Ông đón nhận tin này thế nào?

- Tôi không bất ngờ vì đã chờ đợi từ lâu. Làm gì có đất nước nào như chúng ta năm nào cũng thay SGK. Ý nghĩa một quyển SGK rất quan trọng, điều mà ngay từ thời các ông Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười... đã rất được coi trọng. Nếu như áp dụng theo điều 36 của Hiến pháp, trách nhiệm này của việc thay sách này không chỉ thuộc về ông bộ trưởng nữa.

* Vậy theo ông thay sách liên tục vừa qua phải chăng là sự lãng phí?

- Năm nào cũng thay đổi có rất nhiều cái hại. Đó là tạo một nền giáo dục không ổn định và bất bình thường. Với các nước khác, ngay cả Mỹ, SGK được miễn phí cho học sinh nhưng vẫn phải sử dụng được nhiều năm. Có thể tính ra mỗi một quyển sách NXB này in cũng phải lãi tới cả triệu đôla, trong khi với con cái các hộ nông dân một bộ sách tương đương với 1 tạ thóc. Vậy mà học xong 1 năm lại không dùng được. Một thực tế đang tồn tại là SGK phổ thông thì bội thực, trong khi sách đại học thì không có.

* Vậy theo ông những bất cập nào trong việc in SGK cần làm rõ, thưa giáo sư?

- Đã năm kỳ Đại hội Đảng rồi mà ta chưa làm được việc này. Không có bất kỳ người có trách nhiệm nào trả lời trước Quốc hội rằng "bao giờ có thể làm xong chương trình SGK để ổn định giáo dục?". Đó là một nghịch lý khi mà SGK là tài liệu mang tính pháp lý để giảng dạy và học tập. Tôi còn nhớ vào những năm 1920, Hồ Chủ tịch cũng từng nói rằng việc độc quyền ấn hành sách có thể coi là sự tồi tệ hơn cả sự dốt nát. Bởi vì thời đó thực dân Pháp không cho bất cứ người dân bản địa nào thò tay vào SGK của họ. Ngay cả Trung Quốc, nếu bất cứ quyển sách nào mang vào Trung Quốc cũng bị kiểm tra, thậm chí không cho phép giảng dạy ngay trên lãnh thổ của họ.

Siêu lợi nhuận đi đâu?

* Theo quan điểm của giáo sư, sự độc quyền và hay thay đổi SGK như vậy  liên hệ thế nào đến những nội dung mà đoàn thanh tra phải quan tâm?

- Từ năm 2002 đến năm 2007, nhà nước có chi cho việc đổi mới chương trình và thay đổi sách ở bậc phổ thông là 2 tỉ đôla. Doanh số NXB Giáo dục là 100 triệu đôla/năm thu thêm của nhân dân, chưa kể rất nhiều dự án đầu tư của nhà nước nữa. Vậy lãi của NXB này là bao nhiêu? Chỉ xin dẫn lãi một cuốn sách NXB này cũng thu được 1 triệu đôla. Cụ thể: Giá bìa của cuốn SGK môn Ngữ văn lớp 1 năm 2003 tập 1 là 9.000 đồng/cuốn. Có khoảng 1,7 triệu học sinh vào lớp 1. Vậy tổng thu của NXB Giáo dục ước tính khoảng 15,3 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí biên soạn, in ấn, phát hành khoảng 1,3 tỷ còn lại lãi phải đến 14 tỷ đồng. Rồi trung bình mỗi năm NXB Giáo dục in mới khoảng 2.500 đầu SGK nữa. Tính riêng trong năm 2006 có hơn một triệu học sinh vào lớp 10, mỗi em phải bỏ ra khoảng 160.000 đồng/bộ sách, chưa kể sách tham khảo. Như vậy người dân cả nước sẽ bỏ ra khoảng 150 tỷ đồng để mua sách lớp 10. Vậy lợi nhuận của NXB được phân chia như thế nào? Trong khi đó ở các nước giàu có như  Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp học sinh được mượn sách miễn phí bởi vòng đời SGK chuẩn của họ được sử dụng ít nhất là 10 năm, thậm chí lâu hơn! Theo tôi, đó là cơ sở để bắt đầu xác minh.

Mặt khác, sự thiệt hại về mặt giáo dục lại càng lớn hơn. Sách sai về học thuật so với mặt bằng chung của thế giới. Sự thay đổi giáo trình giảng dạy liên tục khiến thầy cô giáo cũng không thể hiểu rõ ràng giáo trình thì làm sao có thể dạy học sinh cho tốt được. Ví dụ, cả thế giới sử dụng bảng chữ cái bắt đầu là chữ A, còn ở ta lại từ chữ E nghĩa là sao? Trên thế giới lớp 1 chỉ học từ 1 đến 20. Còn ở ta đã học đến 100 thì làm sao có thể nhồi nhét được hết vào đầu học sinh được?
Theo Điều 29 Luật giáo dục 2005, Bộ GD&ĐT là cơ quan duyệt SGK để sử dụng chính thức trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia. Tuy nhiên theo GS Hãn, với lý lẽ đảm bảo tính chuẩn mực của SGK, từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT giao việc xuất bản cho đơn vị trực thuộc là NXB Giáo dục. Sau khi in xong, NXB sẽ giao sách cho công ty sách, thiết bị trường học các tỉnh, thành. Chính đặc quyền này sẽ đưa NXB Giáo dục lên hàng "đại gia" với doanh thu khổng lồ. Năm 2005, doanh thu của đơn vị này gần 870 tỷ đồng, chiếm quá nửa doanh thu của 47 NXB khác, lãi hàng chục tỷ đồng. SGK tiếp tục thay đổi xoành xoạch và người dân mua sách với giá cao hơn chi phí thực tế.

Cũng theo GS Hãn, để trung bình mỗi học sinh có 1 bộ sách mới thì NXB Giáo dục phải in khoảng 340 triệu bản nhưng năm nào NXB cũng in 1 nửa số sách đó. Họ chỉ cần thay vài trang trong chương trình sách, năm nay bài tập ở trong trang 5, năm sau chỉnh sửa sang trang 7 thế là lại in sách mới. "Có học sinh nói với tôi rằng "Bài tập thầy giao ở trang 5 nhưng sách của em lại ở trang 8". Ở xa không thấy chứ tôi làm giáo dục thấy rõ sự bất cập này lắm. Đây là hành vi gian dối trong giáo dục để nhằm trục lợi" - GS Hãn kết luận.

Ảnh hưởng đến cả dân tộc

*Để NXB Giáo dục hoạt động mấy chục năm, bây giờ mới tiến hành thanh tra. Phải chăng thời gian trước đây không ai quan tâm đến những việc ông nói?

- Đã có người từng nói rằng NXB Giáo dục chính là "con cóc vàng" của Bộ  GD&ĐT. Trong khi NXB chỉ là công cụ in ấn của quốc gia nhưng giao về điều chỉnh học thuật. Chi phí in ấn, phát hành, nhuận bút thế nào... Đó là câu hỏi mà thanh tra cần trả lời, bởi theo tôi sự lãnh phí đó tác động xấu đến đời sống người dân. Hơn thế, nó không đơn giản là sự lãng phí đến kinh tế mà  sự bất cẩn này ảnh hưởng đến cả một dân tộc, bởi trình độ giữa ta và các nước chênh rất xa!

* Ở Đại hội X vừa qua, giáo sư đã tự ứng cử vào Ban chấp hành TƯ Đảng. Giáo sư sẽ làm gì nếu trúng cử?

- Việc đầu tiên tôi làm là ổn định chương trình SGK. Năm nay nhà nước cho ngành giáo dục 3,5 tỷ đôla, chưa kể tiền đóng góp của nhân dân. Rồi hàng chục dự án vay nước ngoài cũng gần 100 tỷ đôla/năm. Chỉ khi nào ổn định được nền giáo dục thì ta mới tránh được thất thoát lãng phí liên quan đến SGK.

* Xin cảm ơn ông!

10/2006 Theo báo Pháp Luật TP.HCM

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn