Ghi chép một chuyến đi : Vấn đề giáo dục

Vietsciences- Nguyễn Văn           09/09/2008



Ở nước ta, giáo dục là một “never ending story” – một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Đã có rất nhiều ý kiến chung quanh việc cải cách hệ thống giáo dục sao cho có hiệu quả hơn, nhưng hết cải cách này đến đổi mới nọ, giáo dục vẫn còn là một vấn đề nổi cộm, một vấn đề mà bất cứ ai cũng có ý kiến. Nhiều đổi mới tích cực đã được thực hiện, nhưng tiêu cực vẫn còn tồn tại ...

Trong chiều hướng nâng cao dân trí, Nhà nước đã có nhiều biện pháp thực tế nhằm mở rộng trường lớp và tăng cường lực lượng giáo viên. Chẳng hạn như ở làng tôi, nay đã có 3 trường trung học và 5 trường tiểu học (10 năm về trước, chỉ có 2 trường tiểu học và không có trường trung học). Tuy thiếu thốn thầy cô phụ trách, nhưng Nhà nước có chính sách khuyến khích các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp về quê giảng dạy, như cho vay mua xe, mua nhà (hay bố trí nhà ở cho thầy cô), tăng lương bổng, v.v… Cần nói thêm là lương một giáo viên trung bình bây giờ khoảng 1 triệu đồng, tăng gần gấp 2 so với trước đây. Ngành sư phạm đang dần dần trở thành một ngành học hấp dẫn đối với sinh viên.

Nhưng nói chung, cơ sở vật chất trường lớp ở thôn quê vẫn còn cực kì nghèo nàn. Trường mới xây rất sơ sài, phần lớn là lợp lá dừa nước và cột kèo làm từ tre trúc. Có trường tiểu học thậm chí không có vách, nhìn qua y chang như là những lớp học vào thời thế kỉ 18, 19. Ở vài trường trung học, nạn học chay vẫn còn, tức là học mà không có sách giáo khoa, không có thí nghiệm. Vì thế, không ai ngạc nhiên thấy chất lượng giáo dục ở miền quê chưa được cao và không thể nào sánh nổi với các trường ở thành phố.

Đối với học sinh trung học, nạn học thêm vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Một đứa cháu tôi năm nay sắp thi tốt nghiệp trung học và thi vào đại học cho biết nó phải học thêm hàng tuần ở trường với một chi phí khoảng 50 ngàn / tuần. Tuy nhiên để luyện thi vào đại học, nó còn phải lên Thành phố Hồ Chí Minh hay Cần Thơ để theo học những lớp luyện thi do các trường đại học tổ chức với giá tối thiểu là 1 triệu đồng một khóa (kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng). Đó là một số tiền không nhỏ, nếu đối chứng với thu nhập trung bình 20 ngàn mỗi ngày của người dân. Đối với phần lớn nông dân, đó là một số tiền ngoài tầm tay, và do đó con em họ không có cơ hội theo đuổi việc học hành đến nơi đến chốn dù có nguyện vọng.
Trong thời gian ở trong nước, tôi tình cờ tìm được một số thông tin thống kê thú vị về tình hình thi cử ở trong nước. Trong cuốn “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Tiến sĩ Dương Thiệu Tống so sánh kết quả tuyển sinh giữa năm 2002 và 2003 như sau:

Kết quả tuyển sinh 2002 và 2003

  Năm 2002 Năm 2003
Số thí sinh 823.402 874.402
Điểm trung bình 8.39 8.27
Độ lệch chuẩn 5.20 5.50
Trung vị 7.0 7.0
Tỉ lệ điểm dưới 15/30 86.6% 86%

Nguồn: Dương Thiệu Tống, “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003.


Qua bảng thống kê trên, chúng ta thấy điểm trung bình của học sinh thi tuyển vào đại học ở nước ta còn rất thấp, chỉ khoảng 8.3 đến 8.4 trên 30. Khoảng 87% thí sinh có điểm thi dưới 15! Đó là một tình trạng rất đáng quan tâm. Thực ra, cách tính điểm trung bình trên đây không phản ánh chính xác thực trạng của điểm thi, bởi vì phân phối điểm thi giữa các học sinh không phải là một phân phối hình chuông (Gaussian distribution, có giá trị trung bình nằm ngay chính giữa), mà là một hình như quả núi, tức là phần lớn học sinh có điểm thi nghiêng về phía bên trái (điểm thấp) và rất ít học sinh có điểm cao (phía phải). Do đó, điểm trung vị (median) có lẽ thấp hơn điểm trung bình. Biểu đồ phân bố điểm thi trong năm 2002 cũng chẳng khác gì biều đồ của năm 1974, tức phần lớn học sinh thời đó vẫn có điểm thấp. Nói tóm lại, điểm thi tuyển đại học trong vòng 30 năm qua chẳng có thay đổi gì đáng kể.

So sánh tỉ lệ trúng tuyển đại học và cao đẳng cũng cho ra một số kết quả khá bất ngờ. Tính trung bình toàn quốc, tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học và cao đẳng là 13% (năm 2002). Nhưng có sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh thành. Sau đây là danh sách tỉnh thành thuộc vào hàng “top ten” (số liệu năm 2002).


Kết quả tuyển sinh 2002

 

Tỉnh / thành phố Tỉ lệ trúng tuyển (%) Xếp hạng
Lâm Đồng

Bà Rịa– Vũng Tàu

Đồng Nai

Long An

Bình Dương

Gia Lai

Ninh Thuận

Kontum

Kiên Giang

TP Hồ Chí Minh

26.9 1

22.4 2

21.0 3

19.6 4

19.2 5

19.1 6

19.0 7

18.9 8

18.6 9

18.5 10

Nguồn: Dương Thiệu Tống, “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003.


Tất nhiên, những số liệu chỉ cho ta biết khuynh hướng, chứ không phản ánh trung thực khả năng của học giữa các tỉnh thành, bởi vì học sinh các tỉnh xa và miền núi được thêm điểm thi.

Vài góp ý

Một vấn đề mà giới giáo dục trong nước đang nêu lên để thảo luận là có nên bỏ hẳn kì thi tuyển sinh đại học. Nhân đây tôi muốn đóng góp một số ý chung quanh vấn đề khá nóng này như sau:

Không cần phải nói ra chắc ai cũng biết rằng tổ chức thi cử là một việc làm tốn kém, chẳng những làm hao tổn tiền bạc của nhà nước và nhân dân, mà còn có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lí của học sinh. Phấn đấu để giảm thi cử là một định hướng mà các nước Tây phương đã và đang thực hiện. Ngày nay, ở các nước như Anh, Úc vả Mĩ, học sinh chỉ thi tốt nghiệp trung học (tức thi tốt nghiệp tú tài) chứ không phải thi vào đại học. Các trường đại học chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học để tuyển sinh. Học sinh phải đạt được một số điểm nhất định để được chấp nhận theo học một ngành học nào đó. Phương cách tổ chức này được đánh giá có hiệu quả cao qua việc tiết kiệm ngân sách nhà nước và sức lực của học sinh có thể dành để tập trung vào học đại học và sau đại học.
Do đó, trên nguyên tắc, tôi ủng hộ việc xóa bỏ cuộc thi tuyển đại học, với điều kiện việc tổ chức thi tú tài nên nghiêm chỉnh hơn, và kết quả cuộc thi tú tài phản ảnh được khả năng thực của học sinh.

Hiện nay, nhìn qua những đề thi và câu hỏi trong kì thi tốt nghiệp tú tài, tôi có cảm tưởng đó là những kì thi đố, chứ không phải để kiểm tra năng lực và trình dộ của học sinh trong suốt 6 năm trung học. Chẳng hạn như đề thi toán chỉ bao gồm vỏn vẹn 6 câu hỏi, và hầu hết các nội dung các câu hỏi này tập trung vào chương trình lớp 12, chứ không phải cho toàn bộ chương trình trung học. Một số câu hỏi còn mang tính hóc búa, thiếu tính thực tế, thậm chí đi ra ngoài chương trình học. Cách soạn đề thi như thế tạo cơ hội cho thói quen học tủ và không hẳn phản ánh khả năng thực của người học sinh.

Ai cũng biết trong thực tế học sinh khác nhau về năng khiếu giữa các môn học. Có em giỏi về toán nhưng kém về sinh học; có em khá về hóa học nhưng không có năng khiếu về toán. Ngay cả trong một môn, như môn toán chẳng hạn, có em khá về lí thuyết nhưng kém về việc ứng dụng, nhưng có có em giỏi trong việc ứng dụng toán mà kém các chủ đề mang tính lí thuyết, và cũng có em giỏi cả hai mặt lí thuyết và ứng dụng. Và, khả năng của các em, dù lí thuyết hay ứng dụng, cần phải được ghi nhận qua việc thi cử. Vì thế, một đề thi lí tưởng cần phải phản ảnh những thực tế này.

Theo phân tích của Giáo sư Dương Thiệu Tống (trong cuốn sách Vài suy nghĩ về giáo dục, Nhà xuất bản Trẻ, 2003) mà trong đó ông cho thấy mức độ tương quan giữa điểm thi tú tài và điểm thi trong lúc theo học đại học cực kì thấp. Chẳng hạn như trong môn toán, phân tích trên 1280 học sinh cho thấy hệ số tương quan giữa điểm lớp 12 và điểm thi tuyển sinh đại học là 0.17; giữa điểm lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0.09; và giữa điểm thi tuyển sinh đại học và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0.19. Nói cách khác, điểm học lớp 12 không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học. Nói cụ thể hơn, các học sinh có điểm thấp khi học lớp 12 có thể có điểm cao khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học; ngược lại phần đông các học sinh có điểm cao khi học lớp 12 không phải là những sinh viên có điểm cao khi học đại học.

Có nhiều cách diễn dịch con số thống kê này, nhưng trong những diễn dịch đó, có thể (a) điểm thi tú tài không phân biệt được khả năng của người sinh viên lúc theo học đại học; hoặc (b) đề thi tú tài không ăn khớp với nhu cầu khoa bảng ở bậc đại học; hoặc (c) hoặc số phần của sinh viên, kiểu như “học tài thi phận.” Tôi không tin ở số phần, nhưng với thực tế vừa trình bày trên, tôi thiên về (a) và (b), tức là hệ thống thi cử hiện nay không phản ánh trung thực trình độ và tiềm năng của học sinh. Nói cụ thể hơn, điểm thi tú tài (và thi tuyển vào đại học) hiện nay không thể dùng làm chuẩn để tuyển chọn sinh viên. Do đó, tôi có hai đề nghị cụ thể:

Thứ nhất, soạn lại chương trình giáo khoa bậc trung học sao cho đáp ứng được sự khác biệt về khả năng của các học sinh. Chẳng hạn như chương trình toán cần phải được thiết kế lại với 3 bậc. Bậc 1 dành cho các em có khả năng trung bình về toán, những học sinh có thể xử lí các vấn đề toán căn bản (như đại số, phương trình bậc hai, tích phân và xác suất cơ bản …); bậc 2 dành cho các em có khả năng trên trung bình (như ứng dụng lí thuyết tích phân vào các vấn đề vật lí); và bậc 3 dành cho các em chuyên toán, những học sinh có ý định học các ngành đòi hỏi khả năng toán cao cấp. Cách soạn chương trình học này chẳng những tạo cơ hội cho người học sinh thực hiện tiềm năng thích hợp của mình, mà còn chuẩn bị cho người học sinh một ngành học đại học mà các em thấy hợp với năng khiếu của mình.

Thứ hai là soạn một đề thi với 30 hay 40 câu hỏi nhằm kiểm tra tất cả những khía cạnh chính của chương trình học. (Thật là khó tưởng tượng nổi cả chương trình trung học có thể tóm gọn trong 6 câu hỏi!) Chẳng hạn như trong môn toán, ngoài những câu kiểm tra trình độ căn bản về đại số và phương trình / bất phương trình (trình độ lớp 9 hay lớp 10), cần phải có những câu hỏi về lí thuyết và ứng dụng của lượng giác, đạo hàm, tích phân, và xác suất. Phương thức soạn đề thi như đề nghị có thể phản ảnh chính xác hơn tiềm năng và khả năng của người học sinh.

Nói tóm lại, tôi đồng ý và ủng hộ việc xóa bỏ kì thi tuyển sinh đại học, song trước khi xóa bỏ, chúng ta cần phải cải cách và chấn chỉnh lại chương trình trung học và hệ thống thi cử hiện nay sao cho phản ảnh trung thực hơn khả năng và tiềm năng của học sinh. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ chẳng những tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn giảm những căng thẳng [không cần thiết] cho học sinh.

 

http://www.chuyenluan.net/2004/200404/0404_27.htm

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Văn