Giải pháp phát triển giáo dục Lớp Một thế kỷ XXI

Vietsciences- Hồ Ngọc Đại           15/12/2008

 

Những bài cùng tác giả

Nền giáo dục thế kỷ XXI cần ổn định để tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của chính mình, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước.

Nền giáo dục ổn định sớm ngày nào mừng ngày ấy. Nền giáo dục càng ổn định sớm thì càng có cơ hội phát triển sớm và có cơ hội sớm nhất đem lại lợi ích cơ bản cho mỗi em học sinh, cho từng gia đình, cho toàn xã hội.

Mọi chuyên nên bắt đầu từ lớp Một và chỉ cần bắt đầu từ một môn Tiếng Việt lớp Một.

Giải pháp nghiệp vụ cho việc này đã sẵn sàng, và sẵn sàng ở độ an toàn cao nhất, đảm bảo thành công đến 99%, miễn là có chủ trương của Nhà nước, rồi sau đó có sự hợp đồng giữa các Bộ phận thực thi:

- Sự chỉ đạo của Bộ, các cơ quan chức năng

- Sự thực thi của Trung tâm Công nghệ giáo dục

- Sự hưởng ứng của Địa phương tiếp nhận.

Nên bắt đầu triển khai diện hẹp, trong hoàn cảnh hoàn toàn kiểm soát được tình hình, đảm bảo việc thực thi phải an toàn tuyệt đối. Nhanh nhưng không vội.

1. Định hướng lý thuyết

Năm 1987, tại Hội nghị toàn quốc các Giám đốc Sở, ở Vũng Tàu, tôi đưa ra khẩu hiệu

Lớp Một – Cấp Một

Linh hồn của khẩu hiệu ấy là coi trọng lớp Một như một cấp học, là sự mở đầu cho mọi sự mở đầu, mà sự thành bại của nó có sức mạnh quyết định đối với toàn bộ Cuộc đời mỗi cá nhân học sinh hiện đại.

Nay, năm 2008, tôi nhắc lại khẩu hiệu ấy, với sự bảo lãnh của những cứ liệu khoa học vững chắc và đáng tin cậy về Trẻ em hiện đại.

Thế giới “phát hiện” ra Trẻ em hiện đại từ những năm 50-60 thế kỷ trước. Còn ở Việt Nam, trong 30 năm liên tục, chúng tôi thu được nhiều cứ liệu khá ngỡ ngàng và khó tin đối với người không chuyên nghiệp. Ví dụ:

trường Thực nghiệm:

Lớp Một: Học 1 năm, đọc thông viết thạo, nắm chắc luật chính tả, không thể tái mù.

Còn ngỡ ngàng và khó tin hơn những cứ liệu về Môn Toán:

Lớp Một: Dãy số tự nhiên trong các Hệ đếm.

Phép toán đại số

Sự thành công ở lớp Một có hai giá trị cơ bản, đặc trưng cho giáo dục hiện đại.

Một, ngày nay cả 100% trẻ em đều đi học. Ngày tựu trường là một sự kiện trọng đại của “ba họ” nhà em. Rồi cả “ba họ” cùng khấp khởi theo rõi việc học của em ở trường.

Hai, sự thành công ngay từ lớp Một tạo ra cho em Niềm tin, xoá bỏ mọi mặc cảm, tạo ra một nền tảng tâm lý an toàn, cho toàn bộ quá trình học tập. Chỉ sau một năm học, em đã đọc thông viết thạo, cái cũng đọc được, nghe gì cũng viết được. Thành tựu ấy nhanh chóng trở thành Phương tiện như một phép lạ, để học tất cả những gì còn lại.

Đi học là hạnh phúc!

Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui.

Nếu năm 1978 (năm khai giảng đầu tiên trường Thực nghiệm) còn là khẩu hiệu, thì đến năm 2008 thì đã là “chuyện tự nhiên”, tự nhiên như hít thở không khí.

Một Lớp Một phải vững chắc, như nền móng vững chắc có thể xây lên ngôi nhà hiện đại với bất cứ tầm cỡ nào.

Lớp Một, điểm xuất phát của toàn bộ quá trình phát triển đời người, ví như điểm xuất phát của mũi tên bắn ra, xác định hướng đi và lộ trình của toàn bộ hành trình tiếp theo. Sẽ là tối ưu, nếu hành trình ấy diễn ra tự nhiên, theo lôgic nội tại của nó.

Một tiến trình phát triển tự nhiên trong giáo dục phải có “cốt lõi vật chất” là cái (quen gọi là nội dung chương trình) và quan trọng hơn, được đảm bảo bởi cách làm ra cái đó (quen gọi là phương pháp). Do đó, việc chọn đúng cái và tìm được cách là vấn đề cốt tuỷ của Nghiệp vụ sư phạm hiện đại.

Trẻ em hiện đại sinh ra có đến 99,9% số gen giống nhau, thì không còn là câu chuyện về “bộ não” nữa. Thành bại của giáo dục do Nghiệp vụ sư phạm quyết định.

Không đâu bằng Cấp Một, đặc biệt, không đâu bằng lớp Một, ở đó Nghiệp vụ sư phạm thuần khiết nhất, đậm đặc nhất, có sức mạnh quyết định nhất. Hy vọng nó sẽ là tối ưu, nếu tổ chức và kiểm soát được quá trình nhận thức, sự phát triển lý trí, tư duy: May sao, Tâm lý học trẻ em và sư phạm nửa sau thế kỷ XX phát hiện ra “bước nhảy sinh mệnh” từ lứa tuổi 6-12 theo hướng chủ đạo là phát triển tư duy, từ tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa (ở nhà) sang tư duy khoa học (ở trường). Sự thành bài của Lớp Một tuy là có có tính “nhân tạo” nhưng lại có tính “định mệnh” đối với toàn bộ quá trình phát triển về sau đối với mỗi cá nhân. Còn về mặt xã hội, hằng năm, lớp Một trực tiếp tác động đến 2 triệu học sinh + 4 triệu cha mẹ + hàng triệu ông bà nội ngoại, chú bác cô dì cậu mợ + hàng triệu anh em ruột thịt, họ hàng + …

Trong mấy chục năm nay, nền giáo dục phải thụ động đối phó với những diễn biến do cuộc sống thực đặt ra.

Nay, việc cần làm đối với giáo dục là ổn định, tạo đà phát triển. Nếu ổn định từ đầu, phát triển từ đầu, từ lớp Một thì chỉ trong vòng 3-5 năm là đủ sức tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của giáo dục, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Xử lý thực tiễn

Trong nền văn minh hiện đại, xử lý thực tiễn có hiệu quả nhất, đáng tin cậy nhất là Giải pháp nghiệp vụ có tính chuyên nghiệp sâu.

Giải pháp nghiệp vụ cho nền giáo dục hiện nay nếu bắt đầu từ việc ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững thì nên bắt đầu từ Tiểu học; trong Tiểu học, nên bắt đầu từ lớp Một; với lớp Một, nên bắt đầu từ việc học Tiếng Việt.

1. Nhiệm vụ bất khả kháng.

Tất cả học sinh lớp Một, dù sinh sống ở bất cứ vùng đất nào của Tổ quốc, dù biết tiếng Kinh hay chưa, trước hết phải đọc thông viết thạo, không thể tái mù.

Nhiệm vụ ấy là khả thi, nếu triển khai bằng Công nghệ giáo dục.

1. Năm học đầu tiên, ngay trong năm học, không dưới 90% học sinh bình thường đạt yêu cầu, nhưng sau hè, cả 100% đều có thể lên lớp Hai (nghỉ hè học sinh không quên, mà còn khá lên).

2. Năm học thứ hai, ngay trong năm học năm học, không dưới 95% đạt yêu cầu.

3. Năm thứ ba và từ đó trở đi, các cô giáo đã kịp làm thành thạo Công nghệ giáo dục, thì tất cả học sinh bình thường học gì được nấy, học đâu được đấy.

2. Nhiệm vụ phân hoá học sinh, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân học sinh phát triển hết cỡ.

Nhiệm vụ ấy là khả thi. Yêu cầu không thể tái mù là tối thiểu và bắt buộc đối với cả 100% học sinh. Còn yêu cầu đọc thông viết thạo thì có thể tạo ra sự phân hoá lớn trong lớp, từ yêu cầu tối thiểu đến yêu cầu tối đa. Ví dụ,

. Có em 1 phút đọc 60 chữ, có em 1 phút chỉ đọc được 20 chữ (nhưng phải học được bất cứ chữ nào).

. Có em viết chính tả mỗi phút 5-10 chữ, có em chỉ viết được 1-2 chữ (nhưng chữ nào cũng phải viết được).

Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải làm sao cho mỗi em có thể phát triển tối đa, không ai cản trở ai, cũng không bị ai cản trở. Công nghệ giáo dục xử lý việc này theo mối quan hệ Đồng loạt / Cá thể. Yêu cầu tối thiểu bắt buộc là Đồng loạt cho cả 100% học sinh. Với từng em, ai có sức đến đâu thì đi đến đó, Cá thể hoá triệt để.

Cách xử lý thực tiễn :

- Bản thiết kế chung cho cả lớp (Đồng loạt).

- Từng em tự mình thi công, tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình (Cá thể).

Cơ sở: Bản thiết kế là một Hệ thống thao tác, mà Thao tác nào cũng đơn giản, chuẩn xác, nên ai làm cũng được, ai làm cũng như ai.

Các trình độ phân hoá có thể sắp xếp theo thứ tự:

1. Làm được. Bất cứ học sinh nào, cả 100% đều phải làm được. Điều quan trọng nhất, cơ bản nhất, bản chất nhất, là giáo viên phải xét xem em có thực hiện được bước nhảy từ bên này không biết sang bên kia làm được (bước nhảy từ không sang ).

2. Làm đúng. Đó là chứng cứ em đã “nhảy sang được”, tức là em đã có. Câu chuyện tiếp theo sẽ nhẹ nhàng hơn, từ có ít đến có nhiều hơn.

3. Làm đẹp. Từ sản phẩm làm đúng, em làm cho tinh xảo hơn.

Trong thực tiễn sư phạm, nếu làm đúng theo thiết kế, thì ngay lần đầu tiên:

- 100% học sinh làm được.

- 80% học sinh làm đúng.

- 50% học sinh làm đẹp.

4. Làm nhanh. Tuỳ việc mà khuyến khích. Cứ để tự nhiên, thời gian sẽ tạo ra sự phân hoá. Thầy giáo nên để cho em làm mọi việc một cách tự nhiên, bình thường, không nên thúc ép phải cố gắng.

Trong 4 mức độ phân hoá thì yêu cầu nghiêm ngặt nhất là buộc mỗi em phải làm được. Muốn vậy, ngay từ lần đầu tiên em buộc phải làm tất cả các thao tác, nếu không bỏ qua thao tác nào thì thế nào em cũng làm được. Chẳng may không thể làm được ngay lần đầu thì em làm lại, làm cho bằng được. Gì thì gì, trước hết phải làm được đã!

3. Sách giáo khoa – Sách bài tập

Tất cả những gì mấu chốt nhất đã nói ở hai mục trên, rút cục, phải thành “máu thịt” của Sách giáo khoa và Sách bài tập.

Sách giáo khoa có tính tối thiểu, bắt buộc – chủ yếu có tính Đồng loạt.

Sách bài tập – nhằm Phân hoá, Cá thể hoá quá trình giáo dục, cho các bậc cao dần lên, đến tối đa.

. Có thể tách rời ra hai quyển, hoặc

. Có thể tách ra hai phần trong một quyển : trang chẵn – trang lẻ.

Sách giáo khoa biểu hiện sự sống và sức sống của những nguyên tắc cơ bản (Phát triển – Chuẩn mực – Tối thiểu) dùng để thiết kế.

Nguyên tắc chuẩn mực: Tiếng Việt lớp Một thiết kế trên cơ sở cấu trúc ngữ âm của tiếng, mà giới ngôn ngữ học đã tổng kết (năm 1977- Đoàn Thiện Thuật).

Nguyên tắc phát triển. Tiếng Việt lớp Một thiết kế theo tiến trình từ đơn giản đến phức tạp.

- Tiếng nguyên khối

- Tiếng có 3 bộ phận :

Phần đầu – Phần vần – Thanh

- Tiếng có 5 thành phần :

Thanh - Âm đầu - Âm đệm - Âm chính - Âm cuối.

Mỗi trang Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một chỉ có những gì đã cóvừa mới có.

Nguyên tắc tối thiểu. Mỗi trang sách đều có một cái mới, lần đầu tiên đến với em, dưới hình thức một – hai ví dụ làm mẫu. Những ví dụ này nên gần với đời sống hằng ngày, như các con vật, đồ vật, kèm theo tiếng nói thỏ thẻ, thân yêu.

Sách giáo khoa phải là hình thái trực quan, cụ thể của một Đối tượng lĩnh hội. Đối tượng càng thuần khiết thì hiệu quả lĩnh hội càng cao. Đối tượng của môn học Tiếng Việt là cấu trúc ngữ âm của tiếng, nó sẽ thuần khiết nhất, nếu nó ở trong một “chân không” về Nghĩa. Thế nên, chính Trẻ em các dân tộc không biết tiếng Kinh thì mới có được “điều kiện lý tưởng” để có được “Đối tượng thuần khiết” về cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt.

Chữ Việt là chữ ghi âm cho nên tự nhiên nhất là đặt tên chữ theo âm. a, bờ, cờ, chờ… và “đánh vần” theo âm: bờ – a – ba.

Hiện nay, trên Đài truyền hình, người thì gọi b là “bê”, người thì gọi là “bi”, ít ai gọi là “bờ”, nhưng “r” thì gọi là “rờ”, “g” thì gọi là “gờ”: o – rờ – gờ (org).

4. Huấn luyện giáo viên

Tất cả giáo viên hiện đang đứng lớp đều có thể thực thi Công nghệ giáo dục, với yêu cầu tối thiểu, bắt buộc đối với lần đầu tiên: làm được. Tất cả giáo viên bình thường đều có thể làm được theo Bản thiết kế. Kinh nghiệm của Trung tâm Công nghệ giáo dục tập huấn giáo viên trong hơn 20 năm qua đã khẳng định điều đó. Bản thân việc tập huấn này nay cũng đã trở thành Công nghệ. Chỉ cần 3-5 ngày cho một học kỳ.

Đối với những giáo viên lần đầu tiếp nhận Công nghệ giáo dục, cần yêu cầu nghiêm ngặt là phải làm theo thiết kế (dù thiết kế chưa hoàn hảo), âu cũng là cách chọn cái ít tồi tệ hơn. Giáo viên đứng lớp làm theo Thiết kế giống như ca sĩ hát theo Bản nhạc của nhạc sĩ. Có thể ai đó hát chưa hay lắm, nhưng hát đúng, người ta nghe đúng bản nhạc ấy. Khoan vội khuyến khích sáng tạo! Qua một vài năm, giáo viên sẽ tự mình loại bỏ những thao tác thừa, nhưng vẫn đảm bảo cho tiến trình diễn ra tự nhiên, chắc chắn.

Như vậy, giáo viên đứng lớp cũng nên đi theo trật tự tự nhiên: làm được – làm đúng – làm đẹp – làm nhanh. Năm đầu, hơi vất vả. Năm sau, nhẹ nhàng hơn. Năm thứ ba thì đã có nghề và từ đó, sẽ hành nghề nhẹ nhàng mà hiệu quả cao hơn nhiều.

5. Triển khai

n định giáo dục sớm được ngày nào mừng ngày ấy, không chờ đợi, không cầu toàn. Học sinh được hưởng thành tựu Công nghệ giáo dục sớm ngày nào, mừng ngày ấy. Thành tựu Công nghệ giáo dục là thành tựu của hơn 50 năm nghiên cứu cơ bản về lý thuyết và thực tiễn của Tâm lý học giáo dục trên thế giới và đã vào Việt Nam 30 năm nay. Nếu còn ngờ ngợ đối với nhiều chuyện khác, thì với môn Tiếng Việt lớp Một, tất cả đều đã quá hiển nhiên, không còn mảy may rủi ro, đạt đến độ an toàn, thậm chí tin cậy đến 99%. Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm “Đưa Công nghệ giáo dục về địa phương”, năm 1995, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói tại Diễn đàn: Chỉ thành công một môn Tiếng Việt lớp Một không thôi cũng đã rất xứng đáng là Trung tâm Công nghệ giáo dục.

1. Ngay năm học 2008-2009 đã có thể triển khai trên cả ba vùng khó khăn nhất: Tây Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ (Ba Tây).

Với Tây Bắc. Mở rộng ở tỉnh Lao Cai. Mở lại ở các tỉnh đã có, theo diện hẹp, ở một số ít trường : Sơn La – Thái Nguyên.

Với Tây Nguyên. Mở lại ở Đắc Lắc – Kon tum.

Với Tây Nam Bộ. Mở lại ở Kiên Giang – An Giang - Đồng Tháp – Vĩnh Long – Tiền Giang – Long An.

2. Ngay năm học 2008-2009 đã có thể triển khai Phương án phát triển tối ưu về môn Tiếng Việt lớp Một cho các Thành phố đã từng mở rộng, thường là mở rộng đến 80%-100%, như Hải Phòng – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Các điều kiện để triển khai:

Điều kiện chủ quan của Trung tâm Công nghệ giáo dục:

- Sách: đã có

- Huấn luyện: đã có cán bộ và đã quen việc.

- Thời gian : chỉ cần 2 tháng trước năm học. Thậm chí Cuối tháng Tám vẫn còn có thể tập huấn cho Năm học 2008-2009.

Điều kiện khách quan:

- ở Bộ: Vụ Tiểu học vào cuộc.

- ở địa phương: Nếu có chủ trương rõ ràng, nhiều Địa phương sẽ hưởng ứng nhiệt liệt. Họ đã có sẵn cán bộ và kinh nghiệm. Sau mấy năm, dẫu ít nhiều đã quen với Chương trình hiện hành, nhưng nếu tính đến lợi ích lâu dài sau này thì họ có thể quay trở về với Công nghệ giáo dục. Dù nói ra thành lời hay không. trong hoàn cảnh hiện nay, ai cũng tin rằng duy nhất phương án Công nghệ giáo dục là có thể triệt để thực hiện được mục tiêu: Tất cả trẻ em 6-7 tuổi đều đọc thông viết thạo và không bao giờ tái mù, dù em sinh sống ở bất cứ vùng miền nào của Tổ quốc.

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồ Ngọc Đại