Giáo dục - Hiện trạng và kiến nghị

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng       31/12/2007
 
Những bài cùng tác giả

            Hiện nay số người đi học ở nước ta là hết sức lớn. Năm 2006 là 22 988 347 người, chiếm tỷ lệ 27,32% dân số cả nước. Trong số này có 3 147 252 cháu Mầm non (Nhà trẻ, Mẫu giáo), 7 028 400 HS Tiểu học, 6 152 000 HS Trung học cơ sở, 3 075 200 HS Trung học phổ thông, 1 522 000HS học nghề, 515 670 HS Trung cấp chuyên nghiệp 366 942 sinh viên Cao đẳng, 1 136 904 sinh viên Đại học, 38 461 học viên Cao học (lấy bằng Thạc sĩ) và 4 518 nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Tỷ lệ ngoài công lập ở bậc Mầm non là 57,27%, ở bậc Tiểu học là 0,54%, ở bậc THCS là1,41%, ở bậc THPT là 30,60%, ở bậc Học nghề là 0%, ở bậc TCCN là 18,22%, ở bậc Cao đẳng là 9,89%, ở bậc Đại học là 13,82%, ở bậc Sau đại học là 0%. Đây là một thành công rất lớn của nền giáo dục nước ta. Ngày 25 tháng 12 năm 2001 Quốc hội Khóa X đã thông qua Luật Giáo dục với mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu phổ cập Tiểu học và nhiều tỉnh , thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành mục tiêu phổ cập THCS. Tỷ lệ công lập ở bậc Tiểu học là rất cao (99,46%), ở bậc THCS cũng rất cao (98,59%).

Đáng tiếc là ở bậc Mầm non tỷ lệ công lập còn thấp (42,73%). Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bào dân tộc ít người (thường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa). Các cháu không có điều kiện học ở các lớp Nhà trẻ, Mẫu giáo cho nên hầu hết không biết tiếng Việt. Khi đưa chúng vào lớp 1 thì cô giáo và học sinh không hiểu ngôn ngữ của nhau và dạy chữ làm sao được.Việc có tới 6 049 trường học Mầm non ngoài công lập đã đáp ứng được nhu cầu của con em các gia đình ở thành thị, nhất là các trường có chất lượng cao. Mục tiêu sắp tới là Nhà nước phải lo dạy chữ cho các cháu từ 5 tuổi trở lên. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành giáo dục nhưng không thể không thực hiện.

 Việc mở ra nhiều trường THPT ngoài công lập đã đáp ứng được nguyện vọng của những học sinh thuộc cả hai nhóm (nhóm học khá muốn học ở các trường chất lượng cao và nhóm học yếu không được tuyển vào các trường công lập).

Cuộc vận động Hai không nhằm lập lại trật tự trong thi cử để đánh giá đúng trình độ của từng HS được cả xã hội hoan nghênh, và thực tế đã được cả ngành thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên lại cho thấy hai vấn đề rất đáng băn khoăn. Một là, vì sao trong cả một thời gian dài các trường để học sinh cấp III chỉ chú tâm học 3 môn dự định sẽ thi vào Cao đẳng , Đại học mà bỏ qua không học gì đến các môn khác? Thầy cô giáo vì thương học sinh nên làm ngơ cho HS quay cóp trong kỳ thi tốt nghiệp. Hai là, trên 4 vạn HS không qua được kỳ thi thứ nhất là con số quá lớn, trong các năm tới sẽ không có kỳ thi thứ hai sau hè nếu con số trượt vẫn cao như  vậy thì làm sao? Học lại thì không có chỗ, đi học nghề hay học TCCN cũng không được, ra đời thì biết xin việc ở đâu khi tuổi đời còn quá nhỏ?

Ở đây có vấn đề về Chương trình giáo dục ở bậc phổ thông. Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để xây dựng lại cả một hệ thống chương trình . Đi kèm theo đó là cuốn chiếu xuất bản hàng loạt các bộ sách giáo khoa mới. Không ít tâm trí, công sức của nhiều thầy cô giáo và các nhà khoa học tài giỏi đã tham gia vào công việc lớn lao này. Bây giờ đặt lại vấn đề xem xét lại nội dung chương trình quả là quá khó. Tuy nhiên khó mấy cũng phải nhìn thẳng vào sự thật. Đó là một chương trình quá nặng nhưng lại thấp. Câu chuyện có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật. Chúng ta đã bắt HS học quá nhiều môn với nội dung cần phải nhớ quá nhiều, kể cả các nội dung không đáng nhớ (nhất là trong thời đại phổ cập Internet như hiện nay). Tôi đã sưu tập chương trình Sinh học ở bậc phổ thông rất nhiều nước và rất buồn khi thấy chúng ta tự đặt ra một chương trình không giống ai. Ở nhiều nước phát triển tại cấp II HS học rất nhẹ trong môn học Khoa học về Trái đất và Sự sống.Lên cấp III nội dung môn Sinh học cũng khác với chúng ta. Một số nước học theo tinh thần tích hợp các đặc tính sống của sinh giới (như dinh dưỡng, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết…) không chia ra từng nhóm thực vật, động vật, người và vi sinh vật như ở ta. Như vậy là có điều kiện đi sâu vào cơ chế của từng chức phận mà không cần biết đến các đặc điểm của từng nhóm sinh vật. Một số nước khác (kể cả nước rất nghèo như Nêpan) cấp II (10 năm) coi như đã hoàn thành phần kiến thức cơ sở. Cấp III chỉ có 2 năm (lớp 11 và 12) nhưng chia ra từng phân ban, mỗi phân ban chỉ học có 4 môn và vì vậy có điều kiện học rất sâu. Đó là các phân ban Quản trị-kinh doanh, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên. Trong phân ban Khoa học tự nhiên lại chia ra Ban Sinh học (chỉ học Sinh , Tóan, Hóa và Tin học) và Ban Vật lý (thay Sinh học bằng Vật lý). Vì có điều kiện học khá sâu nên không cần học thêm dạy thêm vẫn đủ khả năng vào các trường Cao đẳng, Đại học hoặc đi du học. Ở đây còn cần tham khảo hệ thống đào tạo nhân tài bằng cách cho một số trường dạy bằng tiếng Anh từ cấp I. Số đông các em học hệ này được học tiếp Đại học và Sau đại học trong và ngoài nước.

Vấn đề chất lượng Đại học cũng là một khó khăn rất lớn trong quá trình phát triển. Hiện nay (thống kê năm 2006) chúng ta có đến 183 trường Cao đẳng (90,71% là công lập) và 139 trường Đại học (78,42% là công lập). Sắp tới sẽ tiếp tục có thêm các trường Cao đẳng và Đại học mới nữa. Đó là một cố gắng rất lớn nhằm đáp ứng lại đối với lòng hiếu học của đông đảo HS và sự mong mỏi của các phụ huynh HS. Tuy nhiên do phát triển quá nhanh nên lực lượng giảng viên Cao đẳng , Đại học vừa thiếu hụt về số lượng, vừa chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Trong tổng số 53 518 giảng viên ở hai bậc học này chỉ có 5 882 Tiến sĩ (trong đó có 463 GS và 2 467PGS) và 18 272 Thạc sĩ. Điều đó chứng tỏ còn có tới 89,01% giảng viên Cao đẳng , Đại học chưa có trình độ Tiến sĩ - một trình độ được coi là bắt buộc đối với giảng viên Cao đẳng , Đại học ở nhiều nước khác. Đáng chú ý là còn có tới 29364 giảng viên chỉ có trình độ Đại học đang phải đứng lớp, đó là tình trạng được coi là cơm chấm cơm, một tình trạng không thể tiếp tục tồn tại. Bộ GD&ĐT đã có một kế hoạch khả thi để đào tạo 20 000TS, đó là một chuyện rất khó nhưng hết sức cần thiết để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy CĐ, ĐH. Muốn làm được điều này một mặt cần bố trí để gửi đi đào tạo ở nước ngoài khoảng 50%, mặt khác cần đầu tư để nâng cao đủ tầm về điều kiện thí nghiệm, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo TS trong nước. Vấn đề giáo trình giảng dạy ở bậc CĐ, ĐH là chuyện có tính rất thời sự. Tôi hoan nghênh quyết định của Bộ GD&ĐT là nếu môn học nào không có giáo trình sẽ không được giảng dạy, có lẽ nên bổ sung thêm là giáo trình nào sau 10 năm không được bổ sung, sửa đổi thì cũng sẽ không được giảng dạy. Nên khuyến khích đưa tất cả các giáo trình lên mạng (với hình ảnh màu) để cho SV tham khảo miễn phí.

Vấn đề bức xúc nhất còn đang tồn tại là giáo viên các cấp không đủ sống bằng đồng lương (nếu không dạy thêm) và khá nhiều HS, SV khó có điều kiện tiếp tục theo học nếu tăng học phí quá mức có thể chấp nhận. Cần phải nêu rõ là Nhà nước đã dành ưu tiên khá nhiều kinh phí cho ngành GD. Năm 2006 nguồn đầu tư tài chính cho GD lên đến 63 568 tỷ đồng, trong đó có 54 798 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm 5,6% GDP). Hiện nay chỉ mới có 46,99 % thanh thiếu niên trong lứa tuổi 15-17 tuổi có điều kiện học chương trình THPT và 20,88% thanh niên trong lứa tuổi 20-24 có điều kiện học tiếp CĐ,ĐH. Chính vì vậy mà trong lực lượng lao động hiện chỉ mới có được 5,71% có trình độ CĐ,ĐH và 4,75% có trình độ TCCN. Hiện nay còn 70% trẻ em ở các bậc học Nhà trẻ, Mẫu giáo ,THCS và THPT không được miễn giảm học phí, tỷ lệ này ở các trường Dạy nghề là 79%, ở các trường TCCN và CĐ và ĐH là 77%. Tính chung cả nước như vậy còn tới 926.4369 thanh thiếu niên, nhi đồng phải đóng học phí mới được đi học. Mức học phí công lập bình quân 1 năm (2006) ở Nhà trẻ là 540 nghìn đ., Mẫu giáo là 450 nghìn đ., THCS là 135 nghìn đ., THPT là 243 nghìn đ., Dạy nghề là 600/700 nghìn đ., TCCN là 1 triệu đ., Đại học là 1,8 triệu đ., đào tạo Thạc sĩ là 2 triệu đ., đào tạo Tiến sĩ là 2,5 triệu đ. Nếu học ĐH 4 năm cần đóng 3,2 triệu đ., làm Thạc sĩ trong 2 năm cần 4 triệu đ, làm TS trong 3 năm cần 7,5 triệu đ. Như vậy là ngay khi chưa thực hiện việc tăng học phí thì nhiều gia đình đã không đủ điều kiện lo cho con cái tiếp tục học lên cao hơn. Nhưng nếu không có đóng góp thêm của nhân dân thì cũng khó có thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Vấn đề là việc tăng học phí chỉ nên dành để nâng cao chất lượng đào tạo (nhất là điều kiện thực hành, nghiên cứu) chứ không phải dùng để cải thiện đời sống cho thầy cô giáo. Thầy cô giáo công lập đã có lương, có phụ cấp đứng lớp, tuy vẫn chưa đủ sống như mọi cán bộ khác nhưng không thể thu nhận thêm từ học phí. Việc Nhà nước cho SV vay tiền để theo học ĐH là rất hợp lý nhưng dễ gì sau khi ra trường đã tìm được ngay công việc đúng ngành nghề đào tạo và lương khởi điểm đâu có đủ sống, vậy lấy gì để hoàn lại số tiền đã vay để học ĐH?

Tôi cho rằng không nên coi vào Đại học là con đường tiến thủ duy nhất của thanh niên. Tôi thấy ở Vương quốc Bỉ, nơi có bình quân thu nhập cao tới 33 000 USD nhưng rất đông thanh niên chọn con đường học nghề thay cho con đường học ĐH hay Sau ĐH. Tại một nước nghèo như Nêpan thì chuyện rẽ ngang càng đông hơn. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ của ta đang rất phổ biến. Chúng ta cần đào tạo nhiều công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và có thể có lương bổng không thua kém gì cử nhân, kỹ sư , sau này khi có điều kiện vẫn có thể học tại chức để có trình độ ĐH. Phụ huynh HS và bản thân HS phải liệu cơm gắp mắm , coi mọi ngành nghề trong xã hội đều quý và đều cho thu nhập khá nếu như mình có tay nghề cao. Các cụ thường bảo nhất nghệ tinh nhất thân vinh cơ mà. Việc cấp bằng ĐH và sau ĐH phải đúng với giá trị của tấm bằng. Các Công ty tư nhân đã làm rất đúng khi phỏng vấn trước khi tiếp nhận cán bộ. Các cơ quan nhà nước cũng cần kiểm tra năng lực thật của mỗi cán bộ trước khi tiếp nhận và sau thời gian thử việc. Có như vậy thì việc học giả hay bằng giả sẽ không còn có đất để tồn tại. Giống như hầu hết các nước khác rất nhiều các trường Đại học tư thục -nơi có nhiều GS cao niên giảng dạy, nơi có các phòng thí nghiệm được trang bị tốt- phải là các trường ĐH có chất lượng cao và sinh viên ra trường được rất nhiều doanh nghiệp chào đón. Tôi rất khâm phục khi thấy có một nhà doanh nghiệp trong nước đã bỏ ra 200 triệu USD (3200 tỷ đ) để xây dựng ĐH Hà Hoa Tiên ở Hà Nam và sẵn lòng nhận nuôi ăn học đến tận khi có bằng Tiến sĩ đối với các HS nghèo nhưng học giỏi. Những mô hình như vậy cần được coi là những điểm sáng cần phát huy.    

Hiền tài là nguyên khí quốc gia- ngày xưa cha ông ta đã xác định như vậy. Nhân dân ta lại có truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo. Cần nhìn thẳng vào sự thật về các tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và cần phát huy mạnh mẽ các thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây để tìm mọi cách sớm chấn hưng lại nền giáo dục đúng như mong muốn của mọi gia đình dân chúng trong cả nước.

© http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Lân Dũng