Giáo dục và đào tạo "đẳng cấp quốc tế" ở Thành phố Hồ chí Minh

Vietsciences-Hồng Lê Thọ        27/12/2007

 

Những bài cùng tác giả

Giáo dục và đào tạo "đẳng cấp quốc tế" ở Thành phố Hồ chí Minh  

Việc xây dựng và cải tổ đại học đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Cụm từ “đẳng cấp quốc tế” thường được sử dụng như mốt thời thượng. Thử hỏi đại học có “đẳng cấp quốc tế” là gì?  Liệu thành phố Hồ chí Minh có thể trở thành đầu tàu trong việc nâng cao trình độ đại học của cả nước trong thời kỳ hội nhập và là địa chỉ tin câỵ trong việc đào tạo công nhân kỹ thuật kịp với đà phát triển hiện nay.

Cái gọi là “international level” (niveau international) đó dựa trên những tiêu chuẩn nào thì hầu như không thể tìm thấy. Cho dù lật tư liệu của những đại học tầm cỡ trên thế giới như Harvard, MIT, Yale, Stanford (Mỹ), Ecole Polytechnique (bách khoa), đại học Paris (Pháp), hay đại học “đế quốc” ngày xưa (imperial university) của Nhật như Tokyo, Kyoto…cũng chẳng tìm ra được một định nghĩa hay sự tự xưng là “đẳng cấp”như chúng ta vẫn quen gọi.

 

Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của phát triển

 

 Có thể nói rằng chưa có một đại học nào trên thế giới tự cho mình có “đẳng cấp quốc tế” (loại trừ một số trường dỏm, quảng cáo mang tính lòe bịp trong kinh doanh ở Mỹ), điều mà chúng ta khát khao có được một đại học, trường cao đẳng có trình độ tầm cỡ là một kỳ vọng có thể hiểu được. Nhưng sự tự xưng nầy sẽ trở nên lố bịch đối với những ai biết tự trọng, đánh lừa cả mình lẫn học sinh, chứ không thể nào “khoe mẽ” với các vị thức giả nước ngoài.

Dạo một vòng để tìm hiểu tại sao các trường nổi tiếng trên thế giới có nhiều sinh viên đến học đến thế (ở trong cũng như ngoài nước), từ đó chúng ta có thể rút ra cho mình bài học để góp phần xây dựng trường ở Việt nam đạt cấp độ mà ai cũng phải thừa nhận sự có mặt của nó trong làng đào tạo-nghiên cứu-học thuật của thế giới. Mặt khác cũng nên xem xét nhu cầu của xã hội Việt Nam hiện nay trong việc hoàn chỉnh và phát triển các loại trường Cao đẳng. Phải chăng, nên được ưu tiên trong việc cải tạo mạng lưới giáo dục thay vì chạy theo xu hướng “đỉnh cao” không có thật. Cần có một mạng lưới hoàn chỉnh từ thấp đến cao, từ trường dạy nghề cho các em tốt nghiệp trung học cơ sở, trường cao đẳng (kỹ thuật, nghiệp vụ) cho học sinh tốt nghiệp phổ thông, rồi cấp đại học cho người muốn có trình độ cao hơn có thể đi vào nghiên cứu chuyên sâu sau khi ra trường.

Nhiệm vụ chủ yếu của đại học khác với cao đẳng là gì và có thể liên thông như thế nào?

Có thể nói vắn tắt là Cao đẳng là nơi đào tạo chuyên viên, kỹ thuật viên chuyên về ứng dụng cụ thể, không có chức năng nghiên cứu. Nói khác đi là trường dạy nghề cho lớp sinh viên không muốn kéo dài việc học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nhưng khi các em ra trường cao đẳng, muốn học thêm thì khả năng thi vào đaị học để tiếp tục vẫn không bị hạn chế. Tay nghề ở trường cao đẳng (2-3 năm) có thể mang cấp độ quốc tế khi nội dung giảng dạy và giáo trình lẫn việc thực tập của các em (ở trường cũng như nhà máy, cơ sở nào đó) đáp ứng được nhu cầu của xã hội, có trang thiết bị đầy đủ, hiện đại.

Việc đào tạo nguồn nhân lực ở mức cao đẳng, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển cực kì nhanh, tăng tốc như Việt Nam hiện nay là cần thiết. Vì vậy, việc động viên, khuyến khích học nghề có trình độ cao đẳng như đề cập ở trên là việc làm vô cùng khẩn yếu nếu không nói là cần phải được ưu tiên trong chính sách phát triển giáo dục thay vì đầu tư dàn trải khắp nước, mỗi tỉnh đều có một đại học một cách vô lý, gấp rút đào tạo hàng chục nghìn Tiến sĩ “ngắn ngày” trong khi chưa có cơ sở nghiên cứu học thuật đầy đủ.

Bởi sau 2 - 3 năm đào tạo, chúng ta sẽ có được một lực lượng chuyên viên kỹ thuật lành nghề đông đảo cho xã hội đang thiếu hụt trầm trọng. Trong khi giáo dục ở cấp đại học đòi hỏi 4,5 năm mới “sinh” ra được một lứa mà chất lượng là những bài học lý thuyết trên sách vở.

 

Từ kinh nghiệm của Nhật bản

Như chúng ta đã biết, từ những ngày đầu của cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản rất chú trọng đến việc xây dựng trường Cao đẳng (kỹ thuật) khắp nơi với một tốc độ khủng khiếp. Từ năm 1893 kể từ lúc bộ luật về việc hoàn chỉnh trường đào tạo nghề ra đời, chỉ trong vòng 5 năm, Nhật Bản đã lập trên 5.500 trường khắp nước, phủ kín các lĩnh vực. Tuỳ theo thế mạnh kinh tế của từng địa phương mà xây dựng trường cao đẳng kỹ thuật phù hợp, hầu kịp bắt nhịp với cuộc cách mạng kỹ nghệ vào cuối thế kỷ 19. Chính phủ Nhật Bản xem đó là quốc sách ưu tiên nhằm phát triển nguồn nhân lực phong phú ở nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp nhanh chóng. (đây là một kinh nghiệm vô cùng quí báu,chúng tôi sẽ trở lại trong bài viết khác).

Sang thế kỷ 20, vào những năm 1950, sau thế chiến thứ hai, một số trường cao đẳng được chọn lọc chuyến thành đại học khi nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở cấp độ cao hơn ngày càng lớn do nên kinh tế phát triển đòi hỏi (chứ không phải ngay từ đầu Nhật Bản đã phát triển giáo dục một cách dàn trải đâu đâu cũng có đại học như chúng ta hiện nay). Hơn thế nữa việc đào tạo nguồn nhân lực phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của phát triển xã hội, không thể có quá nhiều kĩ sư, cử nhân ra trường thất nghiệp rồi phải quay lại học nghề hay đổi hướng đi học ngành khác để tìm việc làm thật trớ trêu hoặc có quá nhiều bằng cấp đại học cùng một lúc mà không cái nào “tinh” cả.

Tâm lý xã hội cho thấy người Việt Nam chúng ta còn xem trọng chức “Thầy”, người quản lý, văn phòng (white collar) hơn là cấp “Thợ”, người công nhân (blue collar). Vì vậy, việc chạy theo bằng cấp một cách phi lý hay xem trọng mảnh bằng quá ư nặng nề là nguyên nhân đưa đến việc chạy bằng, chạy theo hư danh ảo tưởng chỉ có tác dụng trang trí, thậm chí lừa gạt người khác. Và kết quả là bằng giả tràn lan, học vị không có công trình nghiên cứu, ban phát xem như một đặc ân là hiện tượng đã tồn tại rất sâu trong xã hội chúng ta, không kể căn bệnh chạy theo thành tích trong đào tạo, đầu vào ào ạt nhận theo chỉ tiêu, đầu ra thì “sống chết mặc bây”.

 

Thế nào là đẳng cấp thế giới

Sỡ dĩ các trường đại học trên thế giới được ca ngợi, xem là có trình độ cao là vì những lí do sau đây:

1) Lực lượng giảng dạy và nghiên cứu là những người có uy tín trong học thuật, bản thân những người nầy có những công trình khoa học hàng đầu (topics), đang được giới học thuật trong ngành chú ý hay trích dẫn, tham khảo để nối tiếp. Bên cạnh những nhà nghiên cứu nầy là một bộ máy sinh viên-thầy giáo cùng hợp tác (working team) và họ có những phòng nghiên cứu riêng trong đại học cùng đứng tên chung đề tài trong khi hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Có nhiều vị giáo sư đạt giải thưởng về học thuật trong và ngoài nước, tạo ra được mũi nhọn cho đại học mình như trường hợp MIT, Harvard (Mỹ), Oxford (Anh) hay Kyoto (nhật)…

  2) Sinh viên ra trường đều được đánh giá cao với luận văn tốt nghiệp có giá trị khoa học thật sự và hầu hết tìm được việc làm ở những Viện Nghiên cứu chuyên ngành, Đai học, Nhà máy, Cơ quan khoa học… có thể tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu chuyên môn hay thi thố tài năng của mình.   3) Đại học có đủ bộ máy quản lý nhân sự, khoa học lẫn tài chính nhằm tổ chức giảng dạy và nghiên cứu học thuật hoàn chỉnh, là nơi đào tạo nhân tài cho xã hội đáng tin cậy.

Quả không ngoa khi những sinh viên tốt nghiệp đại học Harvard, MIT đều được trọng vọng. Tại Pháp, những “cửa lớn” (grande porte—các công ty hàng đầu) luôn giành giựt sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, ngay khi chưa bước chân ra khỏi Ecole Polytechnique (đại học bách khoa) hay Teidai (đại học đế quốc) ở Nhật hoặc Princeton, Harvard (Mỹ), họ có một tương lai vô cùng hứa hẹn, trở thành nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quán lý cao cấp hay lãnh đạo bộ máy nhà nước…

Như vậy, ngoài đầu ra đắt giá của “sản phẩm” đào tạo, một trong những tiêu chí đánh giá một đại học có tầm cỡ hay không khi nhìn vào C.V (Curriculum Vitae-lý lịch) về học thuật của thành phần giảng dạy và những công trình nghiên cứu của của đại học đó chứ không phải sự đánh giá chủ quan, mang tính “tự xưng”, xem mình là đẳng cấp quốc tế (mà không ai có thể thẩm định theo một tiêu chí nào cả). Nếu đưa những người từng giảng dạy ở nước ngoài, có công trình nghiên cứu đi nữa, thì những người nầy cũng chỉ có thể tham gia với tư cách tư vấn (hoặc cố vấn), chứ nói gì đến chính sách đối xử với giới trí thức trong cũng như ngoài nước còn quá nhiều bất cập,nhiều người không có được cuộc sống đàng hoàng, phải “dạy thêm”,”làm thêm”để mưu sinh làm gì có thì giờ tập trung vào nghiên cứu học thuật  Harvard

       Mặt khác, hiện tượng “tre già măng mọc” là bình thường như trong mọi lĩnh vực. Ở nước ngoài không có trường hợp mang chức danh “giáo sư” khi người đó không ngồi trên bục giảng như ở nước ta, một loại học hàm không còn được xưng hô khi vị “giáo sư”nầy đã về hưu. Nếu có là một danh xưng mang tính danh dự để tri ân và tôn vinh những đóng góp của người “thầy” mà thôi như trường hợp ở Nhật bản phong tặng là “Giáo sư danh dự” đối với người có công … Hơn thế nữa, chất lượng giáo dục ở Đại học không chỉ dừng lại ở nội dung học tập của sinh viên mà còn tuỳ thuộc vào khả năng đóng góp vào nhu cầu của xã hội như thế nào của thầy và trò ở đại học, trong đó nghiên cứu khoa học là một chức năng không thể thiếu.

Không thể có một đại học “đẳng cấp”quốc tế mà các vị giáo sư chẳng có công trình khoa học (đang nghiên cứu) mặc dù từng có học vị rất cao (?!) chỉ đứng giảng theo lối từ chương, lật sách đọc bài sáo mòn từ năm nầy sang năm khác hay ngược lại duy trì phương pháp đào tạo “ếch cõng nhái”!

 

Yêu cầu của hội nhập

Chúng ta đã hội nhập vào cộng đồng thế giới, là thành viên của các tổ chức quốc tế. Vì vậy phải chăng sự “tự xưng” theo kiểu thổi phồng, “nói lấy được” sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ? Thành phố Hồ chí Minh với vị trí thuận lợi trong giao lưu và quan hệ quốc tế, nơi có những cơ sở vật chất tương đối thuận lợi,  nhân lực cho đại học và cao đẳng được đào tạo từ nhiều từ nhiều nguồn trong cũng như ngoài nước vì vậy xây dựng một đại học có tầm khu vực không phải là việc làm không tưởng. Đã có nhiều kiều bào trí thức về nứơc tham gia giảng dạy ngắn cũng như dài hạn, trong đó có một số anh chị em tự nguyện hồi hương từ nhiều năm qua và hiện có mặt trong bộ máy giảng dạy của đại học bách khoa, tổng hợp, sư phạm… Gần đây, một số giáo sư là kiều bào đang giảng dạy tại các đại học nổi tiếng ở các nước (Mỹ, Pháp, Nhật…) cũng đã đề xuất đề án xây dựng một đại học “hiện đại”… tuy nhiên những nồ lực đó còn dừng lại ở mức tham khảo, chưa được quan tâm đánh giá để tích cực đưa vào việc cải tổ đại học ở nước ta cũng như việc huy động nguồn chất xám vẫn còn ở mức cá nhân, chưa thành một chính sách tích cực, trong đó chế độ  đối xử trong sinh hoạt và giảng dạy còn nhiều bất cập, không thể đưa kiêu bào trí thức trở về tham gia từng phần, góp phần nâng cao trình độ trong nước như mong muốn...

Ở một số đại học dân lập ở thành phố, các trường cũng đã bắt đầu đưa chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy nhưng chủ yếu là ngôn ngữ, chưa có việc kết hợp đào tạo ở các ngành khoa học tự nhiên và công nghiệp, dù vậy sự liên thông giữa đại học trong nước và nước ngoài là một bước tích cực để nâng cao trình độ của sinh viên nhưng cũng còn ở bước thử nghiệm vì chi phí học tập ở nước ngoài vào các năm cuối của học trình còn quá cao so với mức thu nhập của người dân. Chính phủ Pháp cũng đã có chương trình hỗ trợ, liên kết giữa đại học trong nước với những đại học của Pháp, tổ chức giảng dạy tại Việt nam và tu nghiệp tại Pháp (cũng như Australia hay một vài đại học ở Hoa kỳ). Bước đi nầy đều ở mức xuất phát, tập trung ở một số ngành đặc thù như du lịch, khách sạn, công nghệ thông tin… hi vọng sẽ phát huy tác dụng trong những năm tới.

Phải chăng chính phủ nên ban hành một chính sách thực thi cụ thể hơn nữa triển khai nội dung Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã ban hành cách đây hơn 3 năm và Bộ Giáo dục và đào tạo nên “khoán” cho đại học việc tiếp thu giáo sư thỉnh giảng nước ngoài( kiều bào trí thức),  thực hiện việc hợp tác giảng dạy theo  một cơ chế mở, chi trả theo mức lương độc lập trên cơ sở tự cân đối hay huy động tài trợ của nước ngoài hay xí nghiệp trong nước.Với cách làm nầy, từng bước thành phố Hồ chí Minh sớm có những chuyên ngành (bộ môn) và khả năng nghiên cứu mang tầm quốc tế từ đó có thể nhân rộng và phổ cập cho các ngành khác trong đại học và toàn diện cho cả nước. Tiềm lực của thành phố rất lớn trong phát triển kinh tế, công nghiệp và dịch vụ, đó cũng là tiền đề cho những quyết sách “thông thoáng” tích cực tài trợ và huy động tài chính của xí nghiệp (được khấu trừ thuế) cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân tài ngay tại trong nước, tiết giảm chi phí cử cán bộ ra nước ngoài tu nghiệp, hay để lấy học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ như chủ trương hiện nay.

 

Không chỉ nguồn nhân lực có học vấn cao

 

Tốc độ và công việc công nghiệp hóa hiện đại hóa đang đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào, trong đó cán bộ trung cấp kỹ thuật lại càng thiếu hụt một cách trầm trọng. Hiện nay con số công nhân có tay nghề  chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu vì vậy việc tập trung đào tào lớp công nhân có kỹ thuật vô cùng khẩn thiết,vì vậy vấn đề nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở dạy nghề, cao đẳng kỹ thuật và trung học chuyên nghiệp…là một vấn đề cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu và nó không đòi hỏi thời gian đào tạo dài hơi như đại học hay trên đại học.Vì vậy, việc giáo dục phổ thông và tổ chức dạy nghề là hai vấn đề phát triển song song, trong đó vấn đề đào tạo cán bộ kỹ thuật trung-cao cấp vô cùng khẩn yếu, đáp ứng tức thời cho sự nghiệp công nghiệp hóa của nước ta, mà thành phố Hồ chí Minh phải là địa chỉ đào tạo đáng tin cậy, có qui mô tương xứng với yêu cầu và thực tế của cuộc sống với những thuận lợi sẵn có, đồng thời tích cực mở rộng phân hiệu dạy nghề trong cùng hệ thống ra những địa phương đang triển khai xây dựng các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tại chỗ, với sự hổ trợ cúa trung ương cũng như chính quyền địa phương, tránh việc dạy nghề tùy tiện, được chăng hay chớ , chỉ mang mục đích kinh doanh trục lợi.

Để khuyến khích việc học và dạy nghề, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có chính sách cấp “học bổng” hay “cho vay” để các cháu tốt nghiệp trung học cơ sở có thể chuyển sang học nghề hay trung cấp kỹ thuật. Tốt hơn nữa khi chủ trương nầy biến thành một quyết sách của chính phủ cho cả nước thì chỉ 3-5 năm, nước ta sẽ  nhanh chóng xóa được nạn thiếu hụt công nhân kĩ thuật đồng thời có thể xuất khẩu lao động có tay nghề thay vì xuất khẩu “thô” (lao động giản đơn) như hiện nay.

Chưa bao giờ nước ta có đầy đủ điều kiện để phát triển sau khi gia nhập WTO và bình thường hóa toàn diện quan hệ các nước trong đó kim ngạch mậu dịch với Hoa Kỳ tăng nhanh chóng, đạt trên 8 tỷ đô la trong năm 2006. Từ khi tổ chức thành công hội nghị APEC (Diễn dàn Kinh tế Châu á-Thái bình dương) vào tháng 11/2006, đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, dự kiến xấp xỉ 12 tỷ đô la trong năm 2007 vì vậy việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao  có trình độ quốc tế và trung học chuyên nghiệp, kỹ thuật giỏi là hai bàn cân, đòn bẫy đưa đất nước tăng trưởng, thêm sức cạnh tranh thay vì hát mãi bài ca “lao động dồi dào và rẻ” trong khi kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Chính lực lượng công nhân có tay nghề và lương không cao (so sánh với các nước trong khu vực ASEAN) là chiến lược cạnh tranh hiệu quả nhất, một trong những  yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn chúng ta cần nhanh chóng phát triển nền kinh tế một cách ổn định và vững chắc.Việc nâng cao tay nghề, tri thức chuyên môn, nâng cao hàm lượng chất xám trong lao động sáng tạo tự nó mang sức cạnh tranh toàn cầu trong thị trường quốc tế của thời đại hội nhập và hợp tác đa phương.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ