Hai chuyện bức xúc lớn ở Việt Nam

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng          25/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Trả lời báo Văn Nghệ Trẻ

PV: Với tư cách là người thầy, nhà khoa học, gắn bó với ngành giáo dục, G.S có tin rằng những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục sẽ được hoá giải ?


Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Đúng là chúng ta đang có những chuyện bức xúc lớn về giáo dục, cả về chất lượng và số lượng. Chúng ta đang đứng trước một vận hội mới, đó là việc gia nhập WTO- giống như gia nhập một cái chợ toàn cầu với những luật chơi chung, dựa trên thực lực của mỗi nước. Mình có thể bay lên, bứt lên với những cơ hội chưa từng có nhưng cũng có thể thua ngay trên sân nhà về nhiều chuyện. Trong khi chúng ta xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị rất thấp thì người ta bằng công nghệ cao, chế biến sản phẩm thô của mình thành những mặt hàng tinh chế có lãi rất lớn. Là đại biểu Quốc hội ở Tây Nguyên tôi biết rất rõ điều này. Mỹ hay Thụy Sĩ có một tí cà phê nào đâu, nhưng cà phê mang thương hiệu của họ nổi tiếng khắp thế giới. Tôi có thể kể ra không biết bao ví dụ tương tự như thế . Tôi có dịp đến thăm một số Công ty dược phẩm tư nhân ở Nhật Bản, tôi rất ngạc nhiên vì đều quá to. đấy họ tuyển chọn các vi sinh vật từ thiên nhiên không phải bằng tay mà bằng robot, từ các nguồn gen mới người ta tiến hành tạo ra các chủng mang gen tái tổ hợp để tạo ra những dược phẩm mới hết sức đắt tiền. Tôi hỏi : Thế thì Công ty các ông mỗi năm thu lãi đến hàng triệu USD à?. Họ cười và trả lời ngay: Hàng tỷ USD chứ! Đáng buồn là nguyên liệu để sản xuất cho mọi ngành Công nghệ sinh học lại chính là những nông sản phẩm mà chúng ta đang rất dư thừa. Khi đến Đức thăm nhà máy của hãng Roche, tôi phải leo lên đến tầng thứ năm mới nhìn thấy (qua hai lớp kính) nóc của cái nồi lên men to khủng khiếp. Họ đang nuôi cấy các tế bào động vật mang gen tái tổ hợp để sản xuất ra các protein hết sức đắt tiền dùng để chẩn đoán bệnh hay để chữa bệnh. Vì tế bào động vật phát triển chậm hơn vi sinh vật rất nhiều cho nên phải nuôi cấy dài ngày. Chính vì vậy toàn phân xưởng phải tuyệt đối vô khuẩn. Nhìn xuống thấy mọi kỹ sư đang vận hành được trang bị như các nhà du hành vũ trụ, để đảm bảo ngay hơi thở cũng phải qua lọc khuẩn. Nói thế để thấy ngày nay, không riêng gì ngành Công nghệ sinh học mà tôi am hiểu, các ngành khoa học khác như Công nghệ thông tin, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ tự động hóa...muốn có nhiều lợi nhuận đều phải dựa trên các phát minh khoa học. Mà mọi nền khoa học của mỗi nước đều dựa trên mặt bằng Giáo dục của nước ấy. Trí tuệ của cả đội ngũ khoa học đều dựa trên học vấn của các thế hệ kế tiếp nhau. Khoa học phát triển quyết định cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, ngược lại muốn có nền khoa học phát triển giáo dục phải đào tạo ra được thật nhiều nhân tài, nhiều công nhân có tay nghề cao. Khoa học và Giáo dục là hai chìa khóa để phát triển sản xuất và nâng cao GDP cho toàn xã hội.Tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi đưa ra quyết tâm đào tạo hai vạn tiến sĩ. Mặc dù điều đó làm nhiều người nghi ngờ, nhưng không có hai vạn tiến sĩ thì lấy ai đào tạo thạc sĩ và ai sẽ dạy ở bậc Đại học. Các trường Đại học, Cao đẳng đang được mở ra tưng bừng khắp nơi. Đó là điều đáng mừng, nhưng lấy đâu ra giảng viên? Chẳng lẽ kéo dài tình trạng cơm chấm cơm mãi hay sao ? Trong hoàn cảnh nước ta có trên 80% giáo sư đã nghỉ hưu và sắp tiếp tục nghỉ hưu hết trong vài năm tới thì việc đào tạo một đội ngũ kế cận là hết sức cần thiết. Bộ trưởng cũng đã chính thức đề nghị với Chính phủ kéo dài thời gian làm việc của các giáo sư ,các tiến sĩ. Về việc này tôi chưa đồng ý, đến tuổi nghỉ thì phải nghỉ để có biên chế dành cho cán bộ trẻ. Cần đến ai thì Nhà trường sẽ mời lại theo chế độ hợp đồng. Ai có đủ sức khoẻ và còn có thể cống hiến tốt thì sẽ được mời tiếp tục làm việc cùng các bạn trẻ. Tôi mới đi thăm 5 trường đại học ở Mỹ, và tôi muốn kể đến một trường thấp nhất trong số này. Đó là Trường Đại học Utah. Nó được xếp hạng thứ 120 trong số 3500 trường Đại học ở Mỹ. Vậy mà trong trường có tới 47 Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học. Thăm trường cứ có cảm giác như thăm một thành phố khoa học. ở đấy có nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập. Nhiều em tỏ ý học xong sẽ ở lại làm việc tại đây vì lo rằng về nước không có chỗ để tiếp tục phát huy được các kiến thức đã học. lại các em sẽ được trả lương rất cao. Nhưng tôi biết, con người đâu chỉ cần tiền, họ còn muốn được sống và cống hiến cho quê hương, muốn được ở với bố mẹ, anh chị em mình nữa chứ. Vì vậy chúng ta cần củng cố các phòng thí nghiệm, có như vậy mới thu hút được các trí thức trẻ đang được đào tạo rất nhiều tại các nước phát triển. Và các Phòng thí nghiệm trọng điểm, các Viện, các Trung tâm nghiên cứu nên đặt trong các trường Đại học như thông lệ trên thế giới. Chúng ta sẽ tranh thủ được sinh viên các lớp trên và đông đảo đội ngũ giảng viên Đại học tham gia nghiên cứu khoa học. Thầy và trò không nghiên cứu khoa học không chỉ là một lãng phí lớn mà còn không tạo được kỹ năng cụ thể cho sinh viên. Ra trường không tìm đươc việc làm cũng chính là do không có tay nghề cụ thể gì cả. Thầy không giải quyết nổi được các vấn để của thực tế thì làm sao bắt sinh viên giải quyết nổi? Trong khí đó các nhà khoa học ở các Viện , các Trung tâm khoa học chỉ nghiên cứu mà không tham gia giảng dạy thì là quá lãng phí! Nhìn ra thế giới hầu như các thành tựu lớn về khoa học đều xuất phát từ các trường đại học danh tiếng.
Có thể khẳng định, nhìn chung thế hệ trẻ hôm nay rất thông minh lại có số niên học chẳng khác gì học sinh nước ngoài. Nhưng tại sao chúng ta cứ lúng túng mãi trong chuyện chất lượng giáo dục phổ thông? Điểm mấu chốt theo tôi là vì chúng ta chưa có một Chương trình giảng dạy ổn định và đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập thế giới. Một nền giáo dục khá hoàn thiện như ở Hoa Kỳ mà gần đây cũng đang nhận thấy có sự yếu kém và cho rằng chưa phù hợp với kỹ năng của Thế kỷ 21.  Chính quyền của tổng thống Bush đã ban hành luật Không trẻ nào để bị tụt hậu (NCLB- No Child Lelt Behind) và ủy ban mới về Kỹ năng của lực lượng lao động Hoa Kỳ (NCSAW -New Commission on the Skills of the American Workforce) cho bằng nước  Mỹ đang thiếu một nền giáo dục cho thế kỷ 21 và có nguy cơ làm cho toàn bộ thế hệ trẻ sẽ không sử dụng được  trong nền  kinh tế toàn cầu (xin xem bài của tác giả Lê Tự Hỷ, Kiến thức ngày nay, số 599). Nhiều người đã quan tâm đến Chương trình Tú tài quốc tế (IBP, International Baccalaureate Program) do Tổ chức Tú tài Quốc tế (IBO) đưa ra tại Thụy Sĩ từ năm 1968. Trong gần 40 năm qua chương trình IBP đã được thực hiện ở 90 quốc gia, riêng ở Hoa Kỳ hiện nay đã có 682 trường (cả công lẫn tư) đang dạy theo chương  trình này. Khi nộp đơn vào các trường Đại học văn bằng Tú tài quốc tế này được đánh giá cao hơn các văn bằng khác. Theo tôi can cớ gì chúng ta không dạy được theo các chương  trình đang được đánh giá cao trên thế giới và có sửa đổi cho phù hợp ( nhất là với các môn Khoa học xã hội). Học thấp hơn đã là vô lý , mà học nặng hơn lại càng cực kỳ vô lý. Tôi không đồng ý quan điểm cho rằng Chương  trình giáo dục phổ thông hiện nay đã đạt chuẩn và có thể ổn định trong 15 năm. Các Hội khoa học chuyên ngành đều nhận thấy cần thay đổi để phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế và với khả năng tiếp thu của học sinh. Khi đã có Chương  trình chuẩn đạt yêu cầu rồi (có sự đồng thuận cao của các Hội khoa học chuyên ngành và có lẽ cũng cần thiết phải thông qua Quốc hội) thì chuyện xã hội hóa Sách giáo khoa mới có thể thực hiện được. Tất nhiên muốn làm được việc này lại cần sửa lại chuyện chưa hợp lý trong Luật giáo dục, đó là việc quy định chỉ có một bộ  sách giáo khoa. Nhà nước đâu cần bỏ tiền làm sách giáo khoa, đó hoàn toàn là chuyện của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản. Thi cử theo Chương trình Quốc gia vì vậy sách nào được mua nhiều đều do độc giả tự đánh giá và quyết định. Sẽ không có chuyện loạn sách giáo khoa đâu . Như các nhà văn viết tiểu thuyết, hằng năm có rất nhiều đầu sách ra đời nhưng có phải cuốn nào ra cũng đều được mọi người tìm mua đâu? Tại sao chúng ta không lo loạn... thuốc đánh răng ? Có biết bao nhiêu hãng thuốc đánh răng khác nhau và loại nào tốt thì người ta sẽ mua. Và người ta phải dùng thử rồi mới biết loại nào tốt để mua.
Sau khi đã có một đội ngũ Giáo sư dạy đại học tốt, sinh viên sư phạm giỏi thì phải tiêu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên. Chúng ta rất tốn tiền và kém hiệu quả trong việc cứ đến hè là bắt đại diện giáo viên đi tập huấn. Tôi rất thích mô hình của Trung Quốc. Họ mạnh dạn chọn ra những người dạy giỏi từng lớp, từng môn để giảng những bài mẫu và in thành đĩa VCD bán rộng rãi trong các hiệu sách. Ai dốt đến mấy mà xem đi xem lại các bài giảng này thì cũng có thể dạy gần được như thế. Làm sao nâng cao được trình độ giáo viên chỉ trong vài tuần tập huấn ?
Về các giáo trình ở bậc Đại học tôi thấy tốt nhất là nên đưa lên mạng. Tôi cùng các bạn trẻ ở chỗ tôi vừa thử đưa 500 trang lên mạng
http://vietsciences.free.fr  và sẽ đưa tiếp 500 trang nữa. Khi đưa lên mạng các tác giả buộc phải viết cho tốt. Vì không chỉ những người trong nước đọc mà là cả thế giới nhìn vào. Họ sẽ cười vào mũi nếu viết dở, nhưng thế lại là chuyện hay. Cái gì sai thì dễ dàng sửa lại ngay, cái gì mới thì dễ dàng bổ sung thêm vào. Còn in một cuốn sách mà nhiều cái sai quá thì đúng là chỉ mong cháy thư viện để khỏi bị chết ngượng (!). Sách trên mạng tha hồ có ảnh màu đẹp đẽ, rõ ràng. Nếu in sách giáo khoa Đại học trong nước mà có nhiều ảnh màu như thế thì sẽ rất đắt, sinh viên mua sao nổi?
Không phải chuỵên thi tú tài không nghiêm túc lâu nay chỉ xảy ra ở Hà Tây mà là chuyện phổ biến khắp cả nước. Lâu nay các em học sinh chúng ta không phải là quá dốt, là không học nổi. Nguyên nhân là do các em chỉ chúi mũi học ba môn sẽ thi vào Đại học. Ai cũng chỉ muốn vào Đại học vì không vào Đại học thì không biết sẽ đi đâu, làm gì. Thầy cô giáo thấy nếu để cho học sinh bỏ giấy trắng các môn khác thì sẽ trượt tốt nghiệp. Mà không có mảnh bằng này thì đi xin việc gì cũng không xong. Thế là vì thương tình mà làm ngơ cho các em quay cóp đủ kiểu. Sau mỗi buổi thi sân trường trắng xoá các phao nhỏ xíu như ruột mèo. Đây là chuyện của cả xã hội. Nay ta đột ngột thi nghiêm túc, đương nhiên đó là chuyện cần thiết, nhưng tôi rất lo chuyện phanh gấp đổ xe. Tôi hỏi nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Bào, một người bạn dạy rất lâu năm ở bậc phổ thông: Nếu thi thật nghiêm túc thì kỳ tốt nghiệp phổ thông năm nay sẽ đỗ được bao nhiêu phần trăm? Nghĩ một lúc rồi bạn tôi trả lời: 15 %!. Tôi giật mình, tôi nghĩ rằng ít ra cũng đỗ được 50-60 %. Thế cũng đã là cái sốc lớn lắm của xã hội rồi. Có lẽ để cứu nguy cho tình hình này Bộ GD&ĐT có sáng kiến cho ra kỳ thi lần hai sau 3 tháng hè. Tôi hiểu đó là một giải pháp tình thế nhưng khá vô lý. Không thể nào sau 12 năm học dốt nay ôn có chưa đầy ba tháng lại hết dốt. Tôi rất băn khoăn, khuyên không làm như vậy thì tôi không dám, bởi để xã hội bị sốc thì rất gay, mà tổ chức thi lần hai thì tôi cũng thấy rất vô lý. Giải pháp tình thế này không thể tiếp tục thực hiện tiếp trong các năm tới. Phải giải quyêt tận gốc câu chuyện Trò ngồi nhầm lớp, Thầy dạy nhầm chỗ đang còn rất phổ biến! Chấn hưng sự nghiệp giáo dục phải là quyết tâm của cả nước và phải kiên trì thực hiện trong 5-10 năm thì mới có hy vọng làm được.


PV: Là người sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, nhưng G.S lại rất gắn bó với nông dân, thậm chí rất nhiều nông dân giàu có lên được vì nhờ G.S tư vấn. Thưa GS, khi gia nhập WTO, chúng ta cần làm gì để nông dân bớt rủi ro?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hiện nay 75% lực lượng lao động là nông dân, 80% cư dân đang sống ở nông thôn. Nếu không quan tâm đến vấn đề Tam nông thì chúng ta không thể thực hiện được quyết tâm đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng không làm được điều này thì sẽ bị lạc hậu quá xa so với thế giới. Vì thế phải tìm mọi cách để làm được . Vĩnh Phúc là tỉnh đã hạ quyết tâm vượt trước mục tiêu của cả nước 5 năm (năm 2015) , nhưng còn nhiều tỉnh khác thì xem ra còn rất khó khăn. Phải có một chiến lược mới , đó là tích tụ ruộng đất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, chuyển bớt nhiều nông dân sang các bộ phận công nghiệp và dịch vụ. Trên 1ha giao trồng không nên xem là phải thu đựơc bao nhiêu thóc mà là thu được bao nhiêu tiền, nhất là bao nhiêu USD? Khi đã đảm bảo an toàn lương thực rồi thì đất nông nghiệp phải trở thành nơi làm ra hàng hóa xuất khẩu hay nguyên liệu để phát triển Công nghệ sinh học. Tôi rất ngạc nhiên khi chúng ta đang biến dần những đất đai màu mỡ, đất xôi ruộng mật dọc các quốc lộ lớn thành các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tôi nghĩ rằng phải dừng ngay lại việc xâm lấn vào vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long . Phải mở đường đến các vùng đất bạc màu , đất đá ong hóa, đất cát khô hạn...để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trước đây họ cũng là một tỉnh rất nghèo , nhưng họ đã có chiến lược biến thành một tỉnh giàu có bằng cách bỏ hết mọi loại cây, con truyền thống, chỉ tập trung đầu tư vào ba sản phẩm đắt tiền. Đó là thuốc lá, dược liệu và hoa. Khẩu hiệu của Vân Nam là sẽ vượt qua Hà Lan về hoa. Họ nói tại sao chúng tôi lại chịu thua? Đất chúng tôi rộng hơn, khí hậu đa dạng hơn, nhân công rẻ hơn, đủ tiền mua công nghệ, lại có tới 11 sân bay. Có thể bây giờ tôi chưa bằng nhưng rồi tôi sẽ bằng và sau đó sẽ vượt.
Trong khi thực hiện việc cải cách nông nghiệp một cách căn cơ thì cần giúp người nông dân sớm tự thoát nghèo bằng các kinh nghiệm cụ thể mà chúng tôi thường giới thiệu trên báo Nông nghiệp và trên TV hàng ngày. Phải làm cho nông dân bỏ thói quen ỷ lại vào sự cứu trợ của Nhà nước mà phải chịu khó đi tìm các mô hình tiên tiến, các tấm gương vượt khó để có thể làm giàu ngay trên mảnh đất nhỏ bé của mình. Các Ngân hàng người nghèo sẵn sàng cho vay vốn để thực hiện các sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chỉ cần không lười, không ngại khó, ngại khổ, không bảo thủ và chịu khó xem TV, nghe đài, đọc báo để tìm kiếm các bài học thực tiễn thì tôi tin rằng không gia đình nông dân nào không có thể vượt qua đói nghèo. Với vùng Tây Nguyên thì rất cần có một chính sách đặc biệt của Nhà nước. Làm sao hạn chế di cư tự do, hạn chế đốt rừng, phá nương làm rẫy, hạn chế việc quản lý lỏng lẻo và kinh doanh thua lỗ của một số nông lâm trường, trao đất rừng cho các cộng đồng dân cư và hướng dẫn cho họ khai thác đúng luật, đúng kỹ thuật để có thể sống được nhờ rừng và tiến tới giàu có được nhờ rừng.

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng