Học phí cũng cần được “cởi trói”

Vietsciences

 

Đổi mới giáo dục

 

Theo ý kiến của GS Hoàng Tuỵ: “Đời sống người dân đang còn bao chuyện bất an như tai nạn giao thông luôn rình rập, thực phẩm thiếu an toàn, y tế lắm sự cố, vật giá leo thang hàng ngày, dịch bệnh lợn gà phát triển... Nếu chính lúc này lại tăng học phí, lấy cớ Nhà nước không đủ tiền lo cho giáo dục, thì quả tình không ổn, lòng dân thêm bất an”.

 

Còn theo tính toán của TS Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên hợp quốc, nếu mức học phí là 200.000 đồng/tháng, tính sơ bộ theo thu nhập của những người dân thì đối với TPHCM có khả năng 270 ngàn sinh viên học sinh sẽ bỏ học và có thêm 270 ngàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu suy rộng ra cho cả vùng Đồng Nam Bộ, thì sẽ có khoảng 60% học sinh có khả năng bỏ học... (Tăng học phí: Bao nhiêu HS TPHCM bỏ học?, Vietnamnet, 14/7/2007).

 

Nhưng, ngoài những lập luận, những tính toán rất sắc bén và rất chi tiết của các nhà khoa học - giáo dục thì trong thực tế còn tồn tại một sự thật khác về học phí.

 

Những sự thật khác về học phí

 

Như tâm sự của ông bố Tôi cùng vợ hạ quyết tâm bằng mọi giá phải cho các con được học hành chu đáo. Chi phí ăn học cho các con ngày một tăng. Mỗi tháng phải chu cấp 1,2 triệu đồng cho mỗi đứa. Cuộc sống của gia đình lại càng thêm khó khăn, vất vả gấp bội. Nguy cơ các cháu phải bỏ học ngày một cận kề. Chính lúc này, vợ chồng tôi lại càng quyết tâm, nhất định phải đi đến đích. Mọi chi phí trong gia đình đều phải tằn tiện, giảm bớt để dành cho con”.

 

Nếu như theo tính toán của TS Vũ Quang Việt, thu nhập chung của một người dân nông thôn vào thời điểm năm 2006 là 514 nghìn đồng/ tháng, thì có lẽ sẽ không thể cắt nghĩa được một người bán bánh mì trong suốt 20 năm như vậy lại có đủ tiền nuôi 5 người con vào ĐH với chu cấp cho mỗi con mỗi tháng đến 1,2 triệu đồng/ tháng?

 

Còn bà Nguyễn Thị Đích thôn Thạch Bồ, xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) một mình nuôi cả 5 người con ăn học, toàn bộ chi phí ăn học của 5 người con đều trông vào nghề nông cộng thêm công việc kiếm củi, nuôi heo... Dù vậy, 2 người con của bà đã tốt nghiệp ĐH, trong đó có người còn tốt nghiệp tới 2 trường ĐH, 2 người con tốt nghiệp Trung cấp và một người con tốt nghiệp THCS và tất cả đều có công ăn việc làm ổn định...

 

Tại thôn Nà Kèng, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, một mình bà Nguyễn Thị Thu đã nuôi 4 người con học ĐH tại Hà Nội khi năm 2004, ông Nông Văn Kim chồng bà bị tai nạn qua đời. Hai vợ chồng bà chỉ là giáo viên.

 

Và còn rất nhiều, rất nhiều những ông bố bà mẹ mà bố làm xe ôm, mẹ bán rau, bố xe thồ, mẹ bán hàng rong, bố bán bánh mì, mẹ làm ruộng, bố, mẹ nhặt rác... nuôi “thành công” 4, 5 người con học ĐH. Ở vùng sơn cùng thuỷ tận hay giữa thành thị đều có những phụ huynh như vậy.

 

Sẽ khó để giải thích một cách thật chính xác rằng bằng cách nào mà họ đã kiếm được tiền nuôi con khi tổng thu nhập hàng năm của họ luôn mức thấp nhất trong xã hội?

 

Đã đến lúc nên ra khỏi vòng bế tắc

 

Chuyện kể tại một làng nhỏ ven biển của huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Trong một gia đình người bố nghiện hút, “công việc” chính là bán lẻ heroin, người mẹ là “gái bán hoa”. Rồi người bố lĩnh án 20 tháng tù còn người mẹ thì nay đây mai đó khắp cùng làng cuối xóm với “công việc” của mình bỏ mặc hai đứa con mà đứa bé chưa đầy 3 tuổi, đứa lớn năm nay vào lớp 1 cho... nhà trường.

 

Cô giáo lớp mẫu giáo của đứa nhỏ kể: “Hàng tháng ròng rã chẳng chịu đóng học phí cho con, nhưng chúng tôi cũng không thể đẩy đứa bé ra đường. Chúng tôi cũng nói với mẹ bé: Không chịu đóng học phí thì nếu con người ta nằm trên giường, con chị phải nằm dưới đất! Và mẹ đứa bé... kệ! Doạ thế thôi chứ chúng tôi không bao giờ cư xử như vậy!”

Cũng về câu chuyện học phí, trong một lễ khai giảng tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kể một câu chuyện: “Cách đây mấy tháng tôi có thăm một số trường ở Bắc Giang, trong đó có một trường mầm non, ở vùng đồng bào dân tộc. Đời sống của đồng bào còn rất khó khăn. Học mầm non thì phải đóng hai khoản tiền là tiền ăn và tiền học. Có gia đình rất nghèo, chỉ cố gắng đóng được tiền ăn cho con, nhưng không đóng được tiền học. Khi nhà trường nhắc nhở, thì gia đình đã mang một con chó của nhà để nộp cho thầy cô ở trường!”

Và cũng còn biết bao những câu chuyện kể đến rơi nước mắt vì học phí chưa được kể? Nhưng phải chăng cứ tăng học phí là sẽ càng tăng cơ hội không được đến trường của những người nghèo? Hai câu chuyện kể trên có lẽ đã là những ví dụ khá sinh động cho câu hỏi này.

 

Bởi, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và học phí là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự đặc biệt nhạy cảm đó.

 

Trong nhiều năm qua, việc tăng học phí đã được nâng lên đặt xuống rất nhiều lần nhưng chưa lần nào có thể ra mắt bình yên. Sẽ thật không công bằng cho ngành giáo dục khi dư luận luôn trách rằng tại sao Ngân sách dành cho ngành năm nào cũng tăng mà vẫn nhất định “đòi” tăng học phí?

 

Nhưng, nếu “tính toán” một cách thật sòng phẳng thì từ năm 1945 đến năm 1995, ngành giáo dục mới phổ cập được tiểu học và đã ngốn vào đó không biết bao nhiêu tiền của. Hiện nay, ngành lại tiếp tục phấn đấu phổ cập tiếp THCS vào năm 2010. Phổ cập 2 bậc học này có ý nghĩa xã hội rất lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn với ngân sách lên tới 50,9% so với tổng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục.

 

Nếu đặt mục tiêu phổ cập THPT thì cũng cần đầu tư vào đây khoảng 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục, như vậy, 70% ngân sách giáo dục đã dành cho bậc học phổ thông thì không còn tiền để làm những việc khác như đầu tư cho giáo dục mầm non, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục đại học.

 

Cùng đó, cũng đã có không ít tiền đổ vào cho công việc xây dựng trường, lớp. 5 năm qua triển khai xóa trường học tranh tre nứa lá, kiên cố hóa trường lớp đạt 90% kế hoạch đặt ra, nhưng khi kiểm điểm lại vào năm 2007 thì số nhà cần kiên cố hóa lại gấp đôi so với 6 năm trước ngân sách nhà nước chi cho giáo dục...

 

Nếu như chúng ta luôn luẩn quẩn trong vòng bế tắc: Nước nghèo nên ngân sách cho giáo dục ít, người dân thu nhập thấp nên phải chấp nhận khả năng đóng học phí thấp. Học phí thấp thì chi cho đào tạo ít, kinh phí xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên cùng thấp theo kéo theo nguồn nhân lực hiệu quả không cao, nguồn nhân lực chất lượng không cao thì làm sao kéo được nền kinh tế phát triển?

 

Nền kinh tế không phát triển thì làm sao đất nước có thể giàu lên được? Và lẽ nào chúng ta lại đành chấp chận cảnh nghèo sẽ lại hoàn nghèo chỉ vì sợ tăng học phí? 

 

Mai Minh

 

          http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org