Học phí giáo dục: một câu hỏi cuối cùng

Vietsciences- Vũ Quang Việt          16/09/2008

 

Những bài cùng tác giả

Đề án học phí mới đã được Chính phủ thông qua, đang chờ trình Bộ Chính trị quyết định. Nếu được đồng ý, học phí mới sẽ áp dụng từ học kỳ 2 năm nay hoặc đầu năm học 2009-2010.” Bài phỏng vấn Bộ trưởng giáo dục trên báo Tiền Phong (8/9/2008) vào đầu một câu như thế về một vấn đề đã tốn rất nhiều giấy mực của rất nhiều người trong nhiều năm qua.

Ba công khai áp dụng cho trường tư

Và để làm việc này là một vài lời hứa “ba công khai”: thứ nhất công khai “việc sử dụng nguồn học phí”, thứ hai “công khai các điều kiện để thực hiện đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đảm bảo đào tạo”, và thứ ba “công khai chất lượng đào tạo.” Lại còn thêm một lời hứa nữa để thực hiện ba công khải trên cũng cần nhắc đến, đó là: “ Sẽ xây dựng một trang web đưa công khai toàn bộ thông tin của các trường lên để cung cấp thông tin cho người dân, người học có thể tham khảo, chọn trường.

Bộ trưởng còn kèm theo một câu giải thích khá cặn kẽ nữa: “Theo luật và các quy định liên quan khác, các trường dân lập, trường tư thục bắt buộc phải thực hiện chế độ công khai tài chính. Không thể để người học đóng tiền trường thu mà không biết sử dụng như thế nào.” Vâng, tất nhiên là thế, các trường dân lập, tư thục thì cũng là doanh nghiệp tư nhân, do đó công khai tài chính là điều hiển nhiên không cần bàn cãi, chỉ có điều hình như nó chưa bao giờ được thực hiện và cũng có rất nhiều khả năng là nó không bao giờ được thực hiện, nếu cứ nhìn kinh nghiệm thực hiện công khai tài chính của doanh nghiệp hiện nay.

Nhưng lạ là tại sao Bộ giáo dục lại đòi quyết định học phí trường tư, khi chúng hoạt động trên cơ chế thị trường, dựa vào nguyên tắc “tiền trao cháo múc”, dù rằng vẫn có vai trò kiểm tra chất lượng của nhà nước nhằm bảo đảm là thị trường cho dân “ăn cháo” chứ không phải “cháo pha thuốc chuột”. Đã chấp nhận kinh tế thị trường thì hãy để trường tự quyết định phí, và dân tự chọn trường cho con em mình với thông tin minh bạch, còn Bộ thì hãy làm nhiệm vụ của chính mình là bảo đảm thông tin minh bạch, kiểm tra chất lượng và thực hiện nhiệm vụ mà luật pháp hoặc tự mình giao, dù là đối với trường công hay trường tư. Tình hình đang rộ lên việc các trường tiểu học công “đòi” phụ huynh “tự nguyện” đóng thêm phí trường tự đặt ra thông qua “Hội phụ huynh” 500 ngàn một học sinh nhưng không thấy Bộ làm nhiệm vụ. (Trên VietnamNet ngày 8.9.2008, ông Đỗ Quang Lập, hiệu trưởng trường tiểu học công lập Cát Linh ở Hà Nội khẳng định: "Tiền thu theo quy định của Nhà nước không thay đổi, nhưng các khoản thu tự nguyện thì sẽ thay đổi".) Những khoản không thay đổi theo qui định từ năm ngoái mà Bộ qui định mà theo ông Lập học sinh phải đóng là tiền xây dựng trường 40.000đ/1 năm; học 2 buổi không bán trú là 50.000đ/tháng; hỗ trợ tiểu học 10.000đ/tháng… Và lại còn thêm các khoản đóng góp khác như tiền bảo hiểm y tế tăng từ 90.000đ lên 120.000đ/năm, tiền nước uống dự kiến từ 7.000đ lên 8.000đ/tháng. Những đóng góp do Bộ qui định này là vi phạm Hiến pháp theo đó giáo dục tiểu học miễn phí. Đó là chưa kể tiền ăn trưa khi trẻ em phải ở lại buổi trưa và tất nhiên tiền sách vở. Nếu thế thì làm sao tin được những lời hứa của Bộ?)

 

Có ba công khai cho trường công không? Và ai là nơi quyết định học phí?

 

Vấn đề công khai tài chính của trường công mới là tốn rất nhiều giấy mực nhưng chưa thấy Bộ trưởng bàn đến. Ông chỉ bàn đến tăng học phí, không bàn đến “ba công khai” cho trường công. Trường công và trường tư chỉ khác nhau về mục đích chứ về mặt bảo đảm tài chính minh bạch và kiểm tra chất lượng như một doanh nghiệp thì chúng không khác gì nhau.

Thôi! cứ coi như ông quên nói ba công khai đối với trường công trong bài phỏng vấn trên đi thì điều đáng ngạc nhiên chính là câu mở đầu của bài báo: đề án tăng học phí “đang chờ trình Bộ Chính trị quyết định.”

Đi từ qui định trong điều khoản 4 của Hiến pháp Việt Nam là Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước đến việc cho là Bộ chính trị phải quyết định học phí của trường công là một lập luận rất khó thuyết phục.

Tài chính cho trường công chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, cũng do chính nhân dân đóng góp (qua thuế hoặc qua việc bán đi tài sản chung của đất nước như than đá, dầu thô chẳng hạn), nhằm thực hiện quyền đi học cho mọi trẻ em ở trình độ tối thiểu, và tăng thêm sự bình đẳng, xóa đi những bất bình đẳng do chúng không có lợi thế sinh ra từ gia đình khá giả hoặc không được tự nhiên ưu đãi.

Thiết tưởng ở một nước được coi là “do dân và vì dân”, “dân nói, dân bàn, dân kiểm tra” thì quyết định học phí ở trường công lập là do cơ quan dân cử quyết định, chứ sao lại cần quyết định của Bộ Chính trị Đảng? Bộ Chính trị Đảng quyết định những vấn đề trong phạm vi liên quan đến Đảng và được Đại hội Đảng hay BCH Trung ương giao cho, kể cả cử Đảng viên ra tranh cử các chức vụ trong chính quyền, qua đó mà lãnh đạo chính quyền, chứ sao lại quyết định giùm chính quyền.

Vấn đề đặt ra ở trên ít nhất phải dựa vào nguyên tắc về quyền lực của nhà nước mà Hiến pháp đề ra. Nếu không nó chỉ là thủ thuật chính trị khá lắt léo. Tại sao BCT phải quyết định thì câu trả lời sẽ như sau: Ồ, rồi thì vấn đề cũng sẽ đem ra Quốc hội bàn để quyết định chứ. Nhưng “dzậy mà không phải dzậy”. Ai cũng biết một thực tế đã và có thể cũng sẽ xảy ra: Đảng viên cấp dưới, theo Điều lệ Đảng, phải chấp hành quyết định của cấp trên. Mà đảng viên chiếm đến 92% thành viên Quốc hội. Vì thế mới nói việc đưa ra BCT quyết định là một thủ thuật chính trị lắt léo.

Tôi viết ra vài lời bình luận và một câu hỏi vì tôi thấy Bộ giáo dục cần sự công khai minh bạch về hiện trạng và chiến lược phát triển giáo dục, làm cơ sở cho xã hội tiến tới đồng thuận về vấn đề có liên quan đến đời sống hiện tại và vận mạng tương lai của con em họ. Những điều này xã hội vẫn đang chờ đợi. Xin nói rõ, tôi không phải là người chống tăng học phí đối với thành phần học sinh không thuộc diện mà Hiến pháp hay Luật giáo dục viết là “miễn phí”, “cưỡng bách”, “cấp phổ cập”. Dĩ nhiên tôi cho rằng khi đất nước giầu lên thì diện giáo dục phổ thông cưỡng bách, miễn phí hoặc học phí thấp sẽ ngày càng mở rộng thêm, ngay cả chi phí cho giáo dục ngoài cấp phổ thông cũng thế. Tôi cũng không chống sự hiện diện của trường tư, tức là loại trường “thu đủ bù chi”, khác hẳn với trường công có mục đích rõ rệt là xây dựng một đội ngũ ưu tú cho xã hội, trên cơ sở tăng cường bình đẳng điều kiện cho những người không có lợi thế ban đầu trong xã hội. Vì thế, tôi cho rằng nên phân biệt rõ trường công và trường tư, mỗi loại trường có mục đích khác nhau, không thể áp dụng nguyên tắc “thu đủ bù chi” ở trường công. Và tôi hy vọng Bộ giáo dục thực hiện được một chức trách quan trọng: đòi hỏi sự minh bạch về tài chính và chất lượng như Bộ trưởng hứa hẹn.

 

8.9.2008

Vũ Quang Việt

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Vũ Quang Việt