Học vị tiến sĩ và học hàm ở các đại học Úc và Mĩ

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn     13/04/2007
 

Những bài cùng tác giả

Phần 1

Ngược dòng lịch sử
Hệ thống bằng cấp đại học
Hệ thống bằng cấp bậc cao đẳng và đại học
Hệ thống bằng cấp bậc sau đại học
- Graduate Diploma
- Master – thạc sĩ
- Doctorate – tiến sĩ
- Tiến sĩ và Bác sĩ
- Post-doctorate – “Hậu tiến sĩ”

Phần 2
Hệ thống học hàm
Học hàm “kết hợp”
Học vị và học hàm danh dự
Vài chức vụ trong các hội đoàn chuyên môn
Vài nhận xét chung
Ghi chú

* Bài góp ý của tác giả Nguyễn Xuân Thiện

- Phần 1


          Đối với sinh viên và giới khoa bảng, bằng cấp đại học hay học vị vừa là cứu cánh vừa là phương tiện.  Là sinh viên đang miệt mài trong các trường đại học hay cao đẳng, mục tiêu và cũng là ước mơ thực tế nhất là được tốt nghiệp, được cấp mảnh giấy có ghi tên mình kèm theo một cụm từ phản ánh tầm cỡ học lực mà mình mới hoàn tất.  Vì thế, bằng cấp là một phần thưởng cho sự học tập, một bằng chứng về khả năng chuyên môn. 

 
 
          Bằng cấp, đặc biệt là ở bậc đại học, rất phức tạp và ... phong phú.  Chỉ riêng ở Mĩ, các đại học Mĩ hàng năm cấp hơn 3000 loại bằng cấp khác nhau!  Hàng năm, Mĩ cấp khoảng 1,14 triệu học vị cử nhân, 420 ngàn thạc sĩ và 18 ngàn tiến sĩ.  Với một số lượng bằng cấp khổng lồ và đa dạng như thế, chẳng trách nhiều người trong chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn về tên gọi của chúng.  Cộng thêm vào đó là những quảng cáo của nhiều người trên các phương tiện đại chúng báo chí Việt ngữ, hoặc vô tình hoặc cố ý, làm cho học vị tiến sĩ chẳng khác gì một loại học vị vàng thau lẫn lộn. 

 
Bài viết này sẽ trình bày một cách khái quát hệ thống bằng cấp và chức vụ khoa bảng ở một vài nước Tây phương mà người viết đã có kinh nghiệm làm việc thực tế hay có tìm hiểu, với hi vọng là sẽ làm, hay góp phần làm, sáng tỏ được vài thắc mắc thầm kín mà tôi tin là nhiều sinh viên và học sinh đã và đang có.  Cố nhiên, vì tôi được đào tạo hay làm việc khoa học trong hệ thống giáo dục Úc và Mĩ, những bằng cấp của các nước này sẽ được bàn kĩ hơn những bằng cấp ở các nước khác.  Qua bài viết này, tôi hi vọng bạn đọc sẽ bổ sung thêm hệ thống bằng cấp ở các nước Âu châu cho hoàn chỉnh và đầy đủ hơn.

 

 
Ngược dòng lịch sử

 
  
     Có thể nói phần lớn hệ thống tổ chức giáo dục đại học và hệ thống học vị đại học trên thế giới ngày nay được hình thành theo mô hình giáo dục đại học của bốn nước Đức, Pháp, Anh, và Mĩ.  Các nước này có ảnh hưởng lớn đến nền giáo dục hiện đại ở các nước khác trên thế giới, kể cả Việt Nam, hoặc qua các chính phủ thuộc địa, chinh phục bằng quân sự và kinh tế, hoặc qua truyền giáo.
 
          Học vị tiến sĩ xuất phát từ hai trường Đại học Paris ở Pháp (thành lập vào năm 1170) và Đại học Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158), lúc đó hai trung tâm giáo dục hàng đầu ở Âu châu.  Theo bộ luật La Mã (Roman Law), vào thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là Magistrates (tạm dịch là Thầy).  Vào thời kì này, người được nhận vào làm công việc phụ giảng được gọi là Bachalari.  Vào cuối thế kỷ 13, Đại học Paris thay đổi học vị này thành Baccalauréat.  Lúc bấy giờ, học vị Baccalaureate hay Bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã (i) thi đỗ một khóa thi do các các Thầy đặt ra; và (ii) đã hoàn tất một chương trình học 4 năm về ngữ pháp (grammar), tu từ học (rhetoric) và lôgíc học.  Sau khi hoàn tất văn bằng Bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình Master hay Doctor.  Và sau khi đã xong chương trình học Master hay Doctor (khoảng 8 năm học), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors (1).  Thành viên của tổ chức này cũng là một "chứng chỉ" được hành nghề giảng dạy đại học.

 
    Lúc bấy giờ, những chức danh như Master, Doctor Professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: hành nghề dạy học.  Vào thế kỷ 13, những người dạy học tại Trường Đại học Bologna, lúc đó là trung tâm về luật pháp ở Âu châu, được gọi là Doctor.  Trong khi đó, ở Đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là Master.  Do đó, các nhà khoa bảng thuộc các bộ môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là Master of Arts (M.A), trong khi các đồng nghiệp của họ trong các bộ môn triết lí, thần học, y học, và luật được gọi là Doctor of Philosophy (Ph.D).   
 
          Vào cùng thời, Anh quốc thành lập hai đại học Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge (thành lập vào khoảng 1209).  Tuy mô phỏng theo hệ thống tổ chức của đại học Paris, hai trường này xem học vị Doctor cao hơn Master. 

 
   Ở Mĩ, Đại học Harvard được thành lập vào năm 1636, với cơ cấu tổ chức được mô phỏng hoàn toàn theo hệ thống đại học ở Anh và Đức.  Lúc đó, văn bằng Baccalaureate là văn bằng duy nhất được cấp cho sinh viên tốt nghiệp.  Sau đó vài năm, văn bằng Bachelor of Arts (B.A) được cấp cho những sinh viên đã hoàn tất 4 năm học và qua một kì thi tốt nghiệp.  Năm 1851, Đại học Harvard cho mở thêm chương trình học Bachelor of Science (B.S).  Một năm sau đó (1852), Đại học Yale cho ra đời chương trình học 3 năm dẫn đến học vị Bachelor of Philosophy (B. Phil).

 
   Đầu thế k 19, bốn sinh viên của Mĩ là Edward Everett, George Ticknor, George Bancroft và Joseph Green Cogswell được cử sang học tại trường Đại học Gottingen (Đức), và sau khi trở về Mĩ họ trở thành giáo sư tại Đại học Harvard.  Bốn người này đã có nhiều ảnh hưởng lớn trong việc hình thành một hệ thống giáo dục sau đại học tại Mĩ (và Everett sau này được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Harvard).  Năm 1853, Đại học Michigan ra đời, với cơ cấu tổ chức theo mô hình của Đức, đã quyết định đưa vào chương trình Master of Arts (M.A).  Sau đó 7 năm, Đại học Yale (thành lập năm 1701) bắt đầu cấp học vị Doctor of Philosophy.  Nhưng hệ thống sau đại học thực sự mang tính “Mĩ” chỉ khởi đầu khi hai Đại học John Hopkins (thành lập vào năm 1876) và Chicago (thành lập vào năm 1890), với chủ trương chỉ dạy chương trình sau đại học.  
 
          Ngày nay, ở nước ta sau một thời gian thảo luận, học vị Ph.D được dịch là tiến sĩ và học vị Masters là thạc sĩ.  Tuy cách dịch này đôi khi cũng gây ra tranh cãi và nhầm lẫn, nhưng theo thời gian, có lẽ nhiều người đã chấp nhận với cách gọi hai học vị đó.

 
Hệ thống bằng cấp đại học

 
          Nói một cách khái quát, sau 5 năm ở bậc tiểu học và 7 năm ở bậc trung học, học sinh có khả năng hay thích theo đuổi tiếp sự nghiệp học hành có thể ghi danh hay thi vào các trường cao đẳng hay đại học để học thêm.  Dù có sự khác biệt về quy mô, tổ chức, quy định, và tiêu chuẩn giữa các quốc gia, nhưng nói chung hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học có thể chia làm ba hình thức chính mà tôi tạm đặt tên là: cao đẳng, đại học, và sau đại học.  
 
          Ở bậc "cao đẳng" (có khi được dịch là đại học cộng đồng) gồm các trường và cơ sở có chương trình huấn luyện thực tiễn, nhắm vào mục đích đào tạo thợ hay cán sự có tay nghề cao, hay chuyên viên kĩ thuật lành nghề.  Các chương trình này thường kéo dài trong vòng 2 tới 3 năm.  Chương trình dạy học ở các trường này đã bị nhiều nhà giáo dục chỉ trích gay gắt là quá thực tế và thiếu tiêu chuẩn khoa bảng.  Tuy vậy, các trường này cũng được sự ủng hộ của nhiều người vì nó đem lại cơ hội cho những học sinh không đủ điều kiện hay khả năng hay theo đuổi các chương trình ở bậc đại học.  Hệ thống giáo dục cao đẳng của Mĩ đã được một số nước như Úc, Gia Nã Đại, Nhật và Phi Luật Tân mô phỏng theo.  Ở Mĩ, các trường đảm nhận các chương trình huấn luyện hệ cao đẳng thường được gọi là "Community College" (hay còn được gọi là "Junior College") (2), và ở Úc, các trường này thường được gọi là "Technical College".  
 
          Cao hơn hệ cao đẳng là hệ thống giáo dục đại học (Undergraduate university education) nhằm mục tiêu đào tạo các chuyên viên có trình độ lí thuyết căn bản tương đối cao trong mọi lĩnh vực như  công nghệ - kĩ thuật, y khoa, kinh tế, luật, nghệ thật, v.v.  Tùy theo môn học, để theo học các chương trình này, học sinh thường phải tiêu ra từ 3 đến 6 năm.  
 
          Sau cùng là chương trình giáo dục sau đại học nhắm vào mục tiêu đào tạo những nhà khoa học và kĩ thuật có trình độ chuyên môn vừa chuyên sâu vừa cao, và những giáo sư, những nhà nghiên cứu tương lai cho các trường đại học hay cơ sở nghiên cứu.  Trong các chương trình sau đại học này, học sinh phải vừa học tập, vừa nghiên cứu từ  2 năm đến 10 năm, tùy theo ngành nghề chuyên môn.  
 
          Ở đây cũng cần đề cập đến vấn đề tên gọi của các trung tâm đào tạo.  Phần đông các trung tâm huấn luyện bậc đại học và sau đại học thường có tên University (đại học).  Tuy nhiên, một số trường danh tiếng, do truyền thống và di sản lịch sử để lại, vẫn duy trì những tên gọi cũ như College (chẳng hạn như Darmouth College, Mĩ), Institute (như Massachusetts Institute of Technology, Mĩ), hay thậm chí School (như London School of Economics, Anh).   
 
          Vấn đề tên gọi trở nên khá rắc rối khi chữ  College được dùng để gọi một phân khoa trong đại học và thậm chí một trường trung học.  Thật vậy, trong một số (không nhỏ) các trường đại học ở Mĩ, Anh và Úc, một số phân khoa được gọi là College (thay vì Faculty).  Các trường đại học lớn và lâu đời như Oxford và Cambridge (Anh) có nhiều trường Colleges như là những phân khoa chuyên môn trong hệ thống tổ chức nội bộ.  Ở Anh, một số trường tuy đào tạo chương trình đại học, nhưng không có quyền cấp bằng, được gọi là "University College" (2).  
 
          Ở Anh và Úc, một số trường trung học tư thục (như Eton và Winchester) cũng có tên là College!  Điều này đã gây ra một hiểu lầm sự khác biệt giữa College là một trường trung học và College là một trường đại học trên mặt báo gần đây ở trong nước (3).  
 
          Càng phức tạp hơn, khi chữ College còn dùng để chỉ một số hội đoàn chuyên môn (phần lớn là y khoa), như College of Surgeons, College of Radiologists, College of Physicians, v.v...  Tuy các hội đoàn này không chính thức cấp văn bằng, nhưng là những tổ chức đào tạo và chứng nhận trình độ kĩ năng nghề nghiệp.  Những đoàn thể này hoàn toàn độc lập với các trường đại học, nhưng thí sinh muốn trở thành thành viên của các trường này đều phải trải qua một kì thi tuyển rất khó khăn và có tính cạnh tranh rất cao.

 Hệ thống bằng cấp bậc cao đẳng và đại học


          Ở mỗi bậc cao đẳng, đại học và sau đại học, có nhiều bằng cấp khác nhau được cấp cho các học sinh tốt nghiệp hay đã đạt được một số tiêu chuẩn được đề ra trong một số ngành nghề.  Ở hệ thống cao đẳng ("Community College"), sau hai năm học và đủ điểm tốt nghiệp, học sinh được cấp văn bằng Associate (4), như Associate in Arts, Associate in Applied Science, Associate in Business Adminstration, v.v...

 
Ở hệ thống đại học, văn bằng Bachelor (tức Cử nhân) thường được cấp cho học sinh sau khi đã hoàn tất chương trình học.  Hai bằng Bachelor of Arts (B.A.) và Bachelor of Science (B.S. ở Mĩ hay B.Sc. ở Anh và Úc) vẫn là hai bằng cấp thông dụng nhất (5).  Ngoài hai văn bằng chung này ra, còn có nhiều văn bằng với những tên rất cụ thể như Bachelor of Engineering (Cử nhân Kĩ thuật), Bachelor of Architecture (Cử nhân Kiến trúc), Bachelor of Medicine (Cử nhân Y khoa), Bachelor of Nursing (Cử nhân Điều dưỡng), Bachelor of Economics (Cử nhân Kinh tế), Bachelor of Jurisprudence (Cử nhân Luật học), v.v…  Ngày nay, với đà tiến bộ về khoa học và kĩ thuật trong thời gian gần đây, đã có hơn 600 loại bằng cử nhân trong các môn học khác nhau được cấp bởi các trường đại học ở Mĩ!

 
 

 
Hệ thống bằng cấp bậc sau đại học

 
 

Ở hệ thống cao đẳng và đại học, hệ thống văn bằng khá đơn giản, nhưng ở bậc hậu đại học thì hệ thống văn bằng rất phức tạp và có sự khác nhau giữa các quốc gia, không những về tên gọi, danh xưng, mà còn ở tiêu chuẩn và phương cách đào tạo.

 
•          Graduate Diploma

 
 
          Đây là một loại văn bằng chỉ phổ biến ở các đại học Anh và Úc hay một số nước còn chịu ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Anh.  Như tên gọi của văn bằng ám chỉ (Diploma có gốc Hy Lạp, Diplous, có nghĩa là "gấp đôi"), Graduate Diploma (6) là một văn bằng học thêm.  Thực vậy, Graduate Diploma thường dành cho (i) những người muốn theo học các môn học mà không cùng môn học ở bậc cử nhân mà họ đã có (chẳng hạn như sinh viên đã có bằng cử nhân về toán, nhưng muốn theo học hậu đại học nghành quản lí); và (ii) những người không đủ khả năng hay điều kiện học bậc Master.  Thời gian học Graduate Diploma thường từ 1 tới 2 năm.  Sinh viên không cần làm luận án tốt nghiệp.  Ngày nay, với sự cạnh tranh giữa các trường đại học càng ngày càng gay gắt, số lượng sinh viên theo học Graduate Diploma ít đi dần, vì phần đông họ tìm cách học chương trình Master.  Thật ra, khoảng phân nửa các môn học của chương trình Graduate Diploma là nằm trong chương trình học Master.

 
•          Master – thạc sĩ

 
 
          Danh từ Master  có gốc từ tiếng Anh cổ, Maegester; và chữ này tự nó được vay mượn từ tiếng Pháp cổ, Maistre,  có nghĩa là Thầy.  Cũng như ở bậc cử nhân, hai văn bằng Master of Science (M.Sc. hay M.S.) và Master of Arts (M.A.) là hai văn bằng thông dụng nhất ở bậc hậu đại học.  Tuy nhiên cũng có những văn bằng chuyên môn cho các ngành chuyên môn khác như kinh tế (Master of Economics), luật (Master of Law), kĩ thuật (Master of Engineering), v.v...  Riêng tại Mĩ, có khoảng 500 văn bằng Masters khác nhau!  Theo thống kê ở Mĩ, vào đầu thế kỷ 20, các trường đại học Mĩ đã cấp 1015 văn bằng master; cho đến năm 1960, con số này tăng lên khoảng 141 ngàn, và đến năm 1998, khoảng 420 ngàn.   
 
          Chương trình học Master, cũng giống như chương trình Graduate Diploma, là nhằm vào mục tiêu đào tạo những chuyên viên kĩ thuật cho các cơ quan chính phủ và công ti kĩ nghệ.  Sau khi tốt nghiệp, những người này phải có một khả năng chuyên môn vừa sâu, vừa vững vàng, có thể đáp ứng cho nhu cầu thực tế của một cơ quan hay công ti.  Chương trình Master thường dành cho những sinh viên đã có bằng cử nhân cùng nghành.  Tuy nhiên, tùy theo trường hợp cá nhân và kinh nghiệm, các sinh viên cũng có thể theo học các nghành chuyên môn khác với văn bằng căn bản cử nhân mà họ đã có.   Ngày nay, sinh viên trong các nghành khoa học thuần túy cũng có thể được nhận vào học bên các nghành kinh tế hay xã hội học.   Chương trình Master thường kéo dài từ 1 tới 2 năm.  Nhưng cũng có trường dạy M.B.A. (Master of Business Administration) trong vòng 1 năm, với một chương trình học rất nặng và đòi hỏi sinh viên phải học ngày học đêm.

 
•          Doctorate – tiến sĩ

 
 
          Chương trình học Doctorate (7) là nhằm mục đích đào tạo những nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientists), những chuyên viên nghiên cứu cao cấp cho các công ti kĩ nghệ và các cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ.  Những người này đóng vai trò then chốt cho nền khoa học của một nước và là nguồn cung cấp nhân lực giảng dạy cho các trường đại học.  Thời gian học (thật ra nghiên cứu thì đúng hơn) thông thường từ 3 tới 6 năm.  Trong thời gian nghiên cứu, sinh viên phải công bố ít nhất là 3 bài báo khoa học trên các tạp chí có peer-review (tức hệ thống bình duyệt) để có thể viết và bảo vệ luận án.  Luận án thường được 3 giáo sư hay nhà khoa học có uy tín (trong đó ít nhất là 1 người phải từ nước ngoài) duyệt xét và phê chuẩn.  Thời gian duyệt xét luận án có thể từ 6 tháng tới 1 năm.

 
Nói chung ở các nước Tây phương như Mĩ, Canada, Úc, và Anh quốc, văn bằng tiến sĩ là văn bằng cao nhất trong hệ thống giáo dục hậu đại học.  Tuy nhiên, có vài khác biệt về tên gọi các văn bằng doctorate này giữa các nước, và nếu không để ý, sẽ gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

 
Ở các nước như Anh và Úc, có ba dạng tiến sĩ riêng biệt: Ph.D  cho tất cả các nghành (kể cả y khoa), M.D (Doctor of Medicine) dành riêng cho y khoa, và D.Sc (Doctor of Science) cho tất cả các ngành khoa học.  Ở các nước này, học vị D.Sc, trên lí thuyết, được xem cao hơn học vị Ph.D và M.D, vì một trong những điều kiện được theo học D.Sc là thí sinh phải có học vị Ph.D hay M.D ít nhất là 10 năm và đã có đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế.   
 
          Không nên nhầm lẫn giữa văn bằng D.Sc của Úc/Anh và của Mĩ.  Ở Mĩ, văn bằng cao nhất là Ph.D hay tương đương.  Những văn bằng tương đương Ph.D ở Mĩ thường gặp là D.Sc (còn được viết tắt là Sc.D), Ed.D. (Doctor of Education, Tiến sĩ Giáo dục), Dr.P.H (Doctor of Public Health, Tiến sĩ Y tế Công cộng), Dr.Eng (Doctor of Engineering, Tiến sĩ Kĩ thuật).  Một số trường, chẳng hạn như Trường Đại học Harvard, học vị doctorate của nghành Y tế Công cộng (Public Health) là D.Sc., trong khi đó ở các trường khác lại gọi là Dr.P.H hay Ph.D.  Tương tự, ở Trường Đại học Boston, những học sinh tốt nghiệp doctorate ngành sư phạm được gọi là Ed.D., nhưng phần lớn ở các trường khác thì lại được gọi là Ph.D.  Văn bằng Ph.D. cũng được cấp cho các học sinh trong các ngành kĩ thuật, nhưng có trường ở Mĩ lại gọi là Dr.Eng!  Vì thế văn bằng D.Sc của Mĩ không tương đương với bằng D.Sc của Úc hay Anh Quốc.

 
•          Tiến sĩ và Bác sĩ

  
Tiếng Việt ta phân biệt Tiến sĩ và Bác sĩ; nhưng trong tiếng Anh, những người có học vị Ph.D, D.Sc và M.D đều được gọi là Doctor.  Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa văn bằng M.D của Úc/Anh và M.D của Mĩ.  Không giống như ở Mĩ, nơi mà y khoa được dạy như một chương trình sau đại học ("Graduate study", tức sau khi sinh viên đã xong chương trình Cử nhân); ở Úc và Anh, các sinh viên học y khoa được tuyển thẳng từ các trường trung học, và do đó, chương trình y khoa được xem là bậc đại học ("Undergraduate"), mặc dù thời gian huấn luyện tương đương.  Trong khi các sinh viên y khoa ở Mĩ ra trường với văn bằng M.D (Doctor of Medicine, Tiến sĩ Y khoa), các đồng nghiệp của họ ở Úc tốt nghiệp với hai bằng cử nhân M.B và B.S (Bachelor of Medicine và Bachelor of Surgery, Cử nhân Y khoa và Cử nhân Giải phẫu).  Cần được nói thêm là mặc dù văn bằng là cử nhân, nhưng danh xưng của họ là Doctor (Bác sĩ).  
 
          Ở Úc, các bác sĩ đã có văn bằng M.B và B.S có thể ghi danh theo học tiếp chương trình Ph.D hay M.D.  Chương trình Ph.D có mục đích đào tạo các bác sĩ thành những nhà khoa học chuyên nghiệp, có khả năng nghiên cứu độc lập.  Chương trình M.D có mục đích đào tạo các bác sĩ thành những chuyên gia lâm sàng (clinical science) hơn là khoa học cơ bản (basic science).  Chương trình học M.D thông thường là 2 cho tới 3 năm (ngắn hạn hơn thời gian học Ph.D khoảng một hoặc hai năm).  Do đó, văn bằng M.D của Úc và Anh không có cùng nghĩa với văn bằng M.D của Mĩ.

 
•          Post-doctorate – “Hậu tiến sĩ”

 
 
          Khi học sinh hoàn tất chương trình tiến sĩ, thí sinh còn phải trải qua một giai đoạn “thực tập” thông thường kéo dài khoảng 1 tới 5 năm.  Người nghiên cứu trong giai đoạn này thường được gọi là “Post-doctoral fellow” (tạm dịch là “nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ”).  Thực ra, trong giai đoạn này, thí sinh không được cấp văn bằng gì cả, vì đây là giai đoạn mà nghiên cứu sinh phải làm việc dưới sự hướng dẫn của một giáo sư kinh nghiệm, và qua đó dần dần tự mình phát triển một chương trình nghiên cứu của riêng mình.  Đây cũng là thời gian mà nghiên cứu sinh có cơ hội để “trưởng thành” một nhà nghiên cứu độc lập.  Vì thế, “Postdoctoral fellow” không phải là một văn bằng, và không nên hiểu như là một “tiến sĩ cao cấp” (8).

Phần 2

 
Hệ thống học hàm

 
 
          Học vị là những văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục cho sinh viên sau khi đã hoàn tất một chương trình học.  Học hàm là những chức vụ khoa bảng hoặc do các trường đại học đề bạt hoặc do chính phủ trao tặng cho những người giảng dạy hay nghiên cứu khoa học.  Nói đến “Học hàm” ở đây là nói đến chức giáo sư (Professor), phó giáo sư (Associate Professor), giáo sư dự khuyết (Assistant Professor), giảng sư (Lecturer và Senior Lecturer), và các chức danh trong các viện nghiên cứu khoa học như Fellow, Senior Fellow, Principal Fellow Scientist.   
 
          Trong các trường đại học Tây phương, người ta phân biệt ba cấp nhân viên giảng dạy mà tôi tạm gọi [theo chức năng và trình độ] là: tập sự, trung cấp, và cao cấp.  Ở bậc tập sự gồm các chức vụ như Teaching Assistant, Tutor. Proctor, v.v...  Những nhân viên này có trách nhiệm làm phụ giảng, chấm bài thi, giám thị trong phòng thí nghiệm, v.v…

 
  
Ở bậc trung cấp gồm những nhân viên khoa bảng mang học hàm như Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre Assistant (Pháp) và Assistant Professor (Mĩ) (9).  Những nhân viên này là những người đang ở bước đầu trong nấc thang sự nghiệp khoa bảng, có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy sinh viên và làm nghiên cứu hoặc độc lập, hoặc dưới sự chỉ đạo của các giáo sư thâm niên. 

 
Trên trung cấp một bậc là những nhân viên khoa bảng mang học hàm Reader, Fellow hay Senior Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre de Conférence (Pháp) và Associate Professor (Úc và Mĩ) (10).  Những người này là những nhà khoa bảng đang ở trong thời kỳ "quá độ" để chuẩn bị được đề bạt lên một chức vụ khoa bảng cao nhất trong hệ thống học hàm đại học.  Trong đại đa số, họ cũng là những nhà nghiên cứu độc lập và có ít nhiều uy tín trong chuyên môn.

 
Sau cùng là các chức danh khoa bảng cao cấp nhất như Professor (ở Mĩ, Anh, và Úc, Pháp) hay Senior Fellow (Anh và Úc) (11).  Họ là những nhà khoa bảng kinh nghiệm lâu năm và quá trình nghiên cứu có uy tín trên trường quốc tế.  
 
          Tiêu chuẩn để được đề bạt vào các chức vụ này thường dựa vào ba cống hiến chính: nghiên cứu, giảng dạy, và phục vụ cộng đồng.  Về nghiên cứu, mức độ cống hiến cho kiến thức nhân loại được "đo lường" bằng số lượng và chất lượng các bằng sáng chế (patents) hay các bài báo khoa học (papers) được công bố trong các tạp chí khoa học chuyên môn (12).  Tùy theo trường đại học, một Assistant Professor phải có ít nhất là 5 bài báo khoa học; một Associate Professor thường phải có tối thiểu là 30 bài báo khoa học; và một Professor phải có tối thiểu là 50 (thường là 100) bài báo khoa học.
 

 
Học hàm “kết hợp”

 
 
          Ngoài các học hàm được phong hay đề bạt một cách nghiêm chỉnh dựa trên thành thích hoạt động khoa học và giảng dạy, trong một số ngành như y khoa, kinh tế, và kĩ thuật, một số học hàm được trao tặng dựa vào sự quan hệ của người được trao và trường đại học.  Trong các bệnh viện, một số bác sĩ chuyên khoa cao cấp, tuy không làm nghiên cứu khoa học và chưa từng công bố công trình khoa học nào, có thể được bổ nhiệm chức vụ Lecturer, Assistant Professor, Associate Professor hay thậm chí Professor trong các trường Y.  Tương tự, một số chuyên viên nghiên cứu khoa học trong các công ti kĩ nghệ, tuy không giảng dạy, nhưng cũng được trao tặng các chức vụ khoa bảng trên. 

 
Những “nhà khoa bảng” này không được trường đại học trả lương, và không phải là nhân viên chính thức của trường.  Nhưng khi họ công bố các bài báo khoa học thì trường có quyền kể những bài báo đó như tài sản tri thức của nhà trường!  Tuy nhiên, bù lại, họ được phép dùng những danh xưng khoa bảng của trường trong các văn bản liên quan đến hoạt động khoa học.  Những học hàm này thường có chữ “Conjoint” hay “Adjunct” phía trước danh xưng “Professor” hay “Associate Professor” để phân biệt với những học hàm “thật”.  Việc dùng những danh xưng này, trên lí thuyết, thường được các trường đại học kiểm tra rất gắt gao; nhưng trong thực tế, nhiều người được trao những học hàm này thường lờ đi! 

 
Học vị và học hàm danh dự

   

Hầu như tất cả các trường đại học ở các nước Tây phương đều có những kế hoạch để biểu dương tên tuổi và danh tiếng của trường mình đến với thế giới bên ngoài.  Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học thường dùng chính sách cấp học vị và học hàm danh dự cho những nhân vật quan trọng trong cộng đồng.  Những học vị và học hàm danh dự được trao tặng thường là những văn bằng và chức vụ cao nhất trong đại học: “Tiến sĩ” (Honorary Doctor) hay “Giáo sư” (Honorary Professor).  Người được trao tặng không nhất thiết phải là cựu sinh viên hay cựu nhân viên của trường, cũng không cần phải có quá trình học vấn nào, mà có thể là một nhà hoạt động chính trị, nhà hoạt động xã hội, một nghệ sĩ, nhà báo, công chức … có tiếng tăm.  Ở Úc, cựu Thủ tướng Paul J. Keating, người có trình độ học vấn cấp phổ thông trung học, sau khi rời chính trường, được Trường Đại học New South Wales trao tặng học hàm “Honorary Professor”, để ghi nhận đóng góp của ông trong nỗ lực đem tên tuổi nước Úc vào thị trường kinh tế Á châu.

 
Những học vị và học hàm danh dự, vì thế, có tính ngoại giao, “hữu nghị”, hơn là những chứng chỉ khoa bảng.  Do đó, trong thực tế, phần đông những người Tây phương được trao học vị và học hàm danh dự ít khi nào dùng nó như là một thành tích hoạt động khoa bảng hay trình độ học vấn; tuy nhiên, một số đồng hương người Việt lại hay thích ký tên mình kèm theo những danh xưng danh dự nơi công cộng.

 
Ngoài các học hàm "hữu nghị" này, nhiều trường đại học còn phong chức "Emeritus Professor" (cựu giáo sư) cho các giáo sư đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn gắn bó với trường đại học.  Danh hiệu này thường được trao tặng cho các giáo sư có đóng góp lớn cho khoa học, cho trường và đã làm việc tại trường trong một thời gian dài.

 
Vài chức vụ trong các hội đoàn chuyên môn

 
 
          Một số ngành nghề chuyên môn như y khoa và kĩ thuật thường được tổ chức khá chặt chẽ, mà trong đó trình độ chuyên môn và đẳng cấp thâm niên được phân chia tương đối rõ ràng.  Theo cơ cấu tổ chức này, những người hành nghề phải là hội viên của một hiệp hội chuyên ngành.  Hiệp hội này có chức năng đề ra những tiêu chuẩn và qui tắc hành nghề, kiểm tra trình độ chuyên môn của hội viên, và quản lí nhân sự trong tổ chức.  Theo định kì, thường là hàng năm, các hiệp hội chuyên môn này tổ chức một kì thi tuyển để kết nạp hội viên.  Chẳng hạn như ở Úc và Anh, các bác sĩ muốn hành nghề chuyên khoa, ngoài việc thực tập một thời gian (khoảng 5 năm), còn phải qua một kì thi tuyển vào một hội đoàn chuyên môn như "Royal College of Surgeons" (dành cho các bác sĩ giải phẫu), "Royal College of Radiologists" (dành cho các bác sĩ chuyên khoa quang tuyến học), v.v...  Sau khi thi đỗ, thí sinh sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.  Những chứng chỉ này thường có chữ "Fellow" phía trước, như "Fellow of the Royal College of Surgeons" hay (FRCS).  Tuy mang danh hiệu Fellow, nhưng cấp bậc thì không tương đương với các chức danh khoa bảng trong các viện nghiên cứu.  Giới kĩ sư ở Mĩ cũng có những hiệp hội tương tự như trong ngành y khoa, nhưng cách thức thu nạp hội viên và tên gọi của họ khác ngành y khoa.   
 
          Tuy nhiên, trong các ngành nghề khác, có rất nhiều hiệp hội chuyên môn hoạt động một cách bán thương mại, và hình thức tổ chức không chặt chẽ như trong ngành y khoa và kĩ thuật.  Phần đông những hiệp hội này mở cửa đón nhận tất cả các hội viên, không phân biệt trình độ học vấn và khả năng chuyên môn, ngay cả sinh viên cũng có thể gia nhập, và không phải qua một kì thi tuyển nào.  Hội viên phải đóng hội phí mỗi năm.  Hội viên thường được gọi là "Member", thay vì "Fellow" như các hiệp hội nghiêm túc.  Do đó, là hội viên của những hội này không có nghĩa là một bằng chứng về khả năng chuyên môn hay thành tích hoạt động khoa học.  
 
          Ngoài các hiệp hội chuyên môn, còn có những hội đoàn bách khoa, mà trong đó thành viên là tất cả các nhà khoa học hoạt động trong mọi lĩnh vực khác nhau.  Những hiệp hội này thường có tên "Academy", chẳng hạn như "The National Academy of Sciences of the United States of America" (tức Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ).  Không giống như Liên Xô cũ (nơi mà Viện Hàn Lâm Khoa Học Moscow là một trung tâm nghiên cứu), ở các nước Tây phương như Mĩ, Anh và Úc, viện hàn lâm không phải là một viện nghiên cứu, cũng không phải là tập hợp các viện nghiên cứu, mà là một đoàn thể hay tổ chức tư nhân bất vụ lợi, có chức năng chính là: (i) cố vấn cho chính phủ các chính sách liên quan tới khoa học và kĩ thuật; và (ii) giáo dục và cổ động quần chúng về khoa học và vai trò của khoa học trong xã hội. 

 
Đối với phần đông quần chúng, cụm từ  "viện hàn lâm" đồng nghĩa với nơi tập trung của những bộ óc siêu việt, những con người thông thái nhất của một quốc gia.  Nhưng trong thực tế ở các nước có nền khoa học tiến bộ cao như Mĩ thì điều này chỉ đúng một phần, vì như nói trên, Viện Hàn lâm Khoa học chỉ là một đoàn thể, là một cơ quan đại diện [có thể là cao nhất] cho các nhà khoa học.  Hội viên của hàn lâm viện thường do đồng nghiệp tiến cử và bình bầu.  Do đó, có nhiều nhà khoa học có thực tài, nhưng không được tiến cử, nên không bao giờ là thành viên của hàn lâm viện!  Trong số khoảng 350 nhà khoa học và xã hội Mĩ đoạt giải Nobel, chỉ có 170 người là thành viên của Viện này.  Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kì có khoảng 1900 thành viên; trong đó có khoảng 300 là người mang quốc tịch và ở nước ngoài [Mĩ].  Theo tiêu chuẩn chung, họ phải là những nhà khoa học ưu tú trong lĩnh vực chuyên môn, nhưng do tính cách bình bầu, nên nó cũng lộ ra vài vấn đề liên quan đến việc thiên vị và bè phái.  Đã có nhiều người cho rằng Viện này là một câu lạc bộ kín ("close club"), nơi mà chỉ có các nhà khoa học quen biết với nhau qua giao thiệp xã giao, hơn là một cơ quan đại diện chân chính cho các nhà khoa học.  Điểm qua danh sách của 1900 thành viên thuộc Viện này, người ta có thể tìm thấy tên của nhiều nhà khoa học thường hay xuất hiện trên các hệ thống truyền thông đại chúng hay có nhiều hoạt động xã hội và chính trị như Albert Einstein, James Watson, v.v.  Thành ra, nhiều nhà khoa học lớn, những người tự coi họ là làm khoa học loại "thứ thiệt", những người không thích hư danh hay ồn ào trên các hệ thống truyền thông, thì không thích có mặt trong Viện này.  Nhà vật lí học lừng danh Richard Feynman, cũng như nhiều nhà khoa học danh tiếng khác, không phải là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kì.  Chưa có một khoa học Việt Nam hay gốc Việt nào có chân trong Viện Hàn lâm Quốc gia Khoa học Hoa Kì.

 
Vài nhận xét chung

 
 
          Người không quen với hệ thống khoa bảng và bằng cấp có thể sẽ thấy chóng mặt với những tên gọi những học vị và học hàm trên đây, và sẽ đặt câu hỏi là người được cấp những văn bằng này phải đạt những tiêu chuẩn gì.  Thực ra, đứng trên bình diện quốc gia, không có tiêu chuẩn nhất quán giữa các trường đại học trong việc cấp những văn bằng này.  Mỗi trường đại học có những tiêu chuẩn riêng.  Có khi mỗi thí sinh cũng được xét theo từng trường hợp riêng biệt.  Có sinh viên ra trường tiến sĩ chỉ trong vòng sau 3 hay thậm chí 2 năm theo học, nhưng cũng có sinh viên phải miệt mài cả tám năm để lấy mảnh bằng Tiến sĩ.  Cũng có những trường hợp hiếm hoi khi sinh viên theo học chương trình Tiến sĩ, nhưng khi ra trường chỉ được thẩm định và cấp bằng Cao học.  Lại có người nghiên cứu cả mười năm, nhưng chẳng viết được luận án gì!

 
Đôi khi, tự những học vị Ph.D, M.S, B.S nó bao hàm một nội dung rộng đến mức ... chẳng có nghĩa gì cụ thể.  Trên lí thuyết, văn bằng Ph.D là học vị cao nhất ở Mĩ và Úc; tuy nhiên, cũng có nhiều "loại" Ph.D với nhiều chất lượng khác nhau.  Có nhiều người có văn bằng Ph.D, nhưng độ hiểu sâu và kiến thức chưa chắc đã hơn một người có học vị Cử nhân, thậm chí Tú tài, thời Pháp thuộc ở Việt Nam. 

 
Ngoài ra, ở Mĩ còn có tệ nạn "nhà máy văn bằng" (diploma mills) hoạt động hoặc dưới hình thức dạy học hàm thụ, hoặc qua hệ thống dạy học từ xa với sự trợ giúp của máy vi tính và mạng internet.  Phần lớn những trường này thực chất chỉ là những văn phòng nhỏ tại nhà, thậm chí chỉ là nhà để xe hay nhà bếp, nhưng họ lại tự gắn cho họ những cái tên "lập lờ đánh lận con đen" (mà nếu công chúng không để ý kĩ có thể lẫn lộn với những trường danh tiếng của Mĩ) như "Harbard University", "Universitas Harvardiana", "Atlanta Southern University", v.v.  Mục đích duy nhất của các sơ sở thương mại này là bán bằng cấp với giá từ 3000 tới 5000 đô-la Mĩ.  Có "trường" còn bán tới 500 bằng tiến sĩ hàng tháng!  Do đó, một học vị, nếu không "đi kèm" với một trường đại học nghiêm chỉnh được công nhận, cũng có thể không có giá trị khoa bảng gì. 

 
Tiêu chuẩn và phẩm chất học hàm thường mang tính địa phương; tức là cũng có sự khác nhau giữa các thời điểm, giữa các nước, và thậm chí giữa các trường đại học trong cùng một nước.  Một vị Professor ở Mĩ có thể chỉ được xem tương đương với một Associate Professor ở Pháp hay Anh, và ngược lại.  Tương tự, một Assistant Professor ở một trường danh tiếng tại Mĩ có thể trở thành Professor ở Nhật, Hồng Kông hay Singapore.

 
Thời điểm cũng là một yếu tố quan trọng.  Vài mươi năm trước đây, ở các nước như Anh, Úc, Pháp, Đức và Nga, mỗi Ban chuyên môn (Department) trong một trường đại học chỉ có một người duy nhất mang học hàm "Professor", những người còn lại chỉ là "Associate Professor" hay "Lecturer".  Những vị người mang hàm "Professor" thời đó được phép dùng danh hiệu này suốt đời, dù họ chuyển từ trường đại học này sang trường đại học khác.  Học hàm "Professor", do đó, cực kì cao quí ở các nước này trong thời gian trước đây.  Nhưng ở một góc độ khác, có thể nói vấn-đề-một-Professor này cũng là nguyên nhân làm cho nhiều nhà khoa bảng ở các nước trên chuyển sang Mĩ nghiên cứu và giảng dạy, vì ở Mĩ, một Ban có thể có nhiều (thậm chí hàng trăm) người mang hàm "Professor".  Các nhà khoa bảng trẻ ở Mĩ không phải chờ đến lúc lục tuần để được phong hàm "Professor"!  Tuy nhiên, để chống lại dòng "chảy chất sám" này, ngày nay, ở các nước như Anh, Đức và Úc, học hàm "Professor" đã được "Mĩ hoá", và mỗi Ban có thể có nhiều người mang học hàm "Professor".  Các nhà khoa bảng trẻ do đó có cơ hội mang học hàm này hơn trước. 

 
Vì học hàm "Professor" bị Mĩ hóa, ngày nay, có quá nhiều Professor và phân biệt ai giỏi, ai dở là một việc làm cực kì khó khăn vì trong nhiều trường hợp, học hàm này không còn phản ảnh trung thực khả năng chuyên môn của nhà khoa bảng nữa.  Thực vậy, nhiều giáo sư ở các trường đại học lớn ở Mĩ và Úc cũng có thể "dốt" (huống hồ chi là học trò Ph.D!)  Ngược lại, cũng có vô số người không có học hàm "Giáo sư" nhưng lại cực kì giỏi.  Cũng có nhiều nhà khoa bảng có hàng trăm bài báo khoa học và trên phương diện chuyên môn, còn danh tiếng hơn nhiều Professors khác, nhưng họ chỉ giữ chức Assistant Professor, thậm chí không có học hàm nào!  Thành ra, trong hoạt động khoa học, bằng cấp và danh xưng là những điều không được đặt nặng.  Thực ra, đối với phần lớn các nhà khoa học chân chính, những học hàm và danh xưng hoàn toàn vô nghĩa, ngoài việc gây ấn tượng và "lấy le" với những người dân thường hay những nhà chính trị thiếu hiểu biết về hoạt động khoa học.  
 
          Xuất phát từ truyền thống lâu đời, người Việt Nam ta trọng giới khoa bảng và những người có bằng cấp cao.  Nhưng sự trọng bằng cấp của số đông dân chúng đã sinh ra tệ nạn khệnh khạng bằng cấp trong giới có học hay có chút chữ nghĩa.  Ngày nay, chỉ cần mở một tờ báo Việt, người ta sẽ phải chóng mặt về những bằng cấp và danh xưng của các vị cử nhân, luật sư, kĩ sư, tiến sĩ, giáo sư, này nọ.  Cố nhiên, một số bằng cấp và học hàm này là thật, do chính đương sự đạt được trong quá trình học tập và nghiên cứu, nhưng cũng có một số không ít là những bằng cấp được chuyển ngữ một cách bịp bợm, nhằm lòe đồng hương, hay thậm chí một số học vị và học hàm "dỏm".  Thực vậy, có lẽ do nhu cầu kinh tế hay môt lí do nào đó, người có bằng cấp, do vô tình hay cố ý, cũng đã đôi khi lạm dụng bằng cấp của mình và danh xưng.  Nhiều trường hợp, người ta quảng cáo là "Giáo sư" một đại học nào đó, nhưng lại cố tình lờ đi thực chất học hàm đó chỉ là một chức "Conjoint" hay danh dự.  Có trường hợp người ta quảng cáo là "Fellow" của một đoàn thể chuyên môn về giải phẫu, nhưng trên thực tế họ chỉ là "Member"! 

 
Cuối cùng, một điều khá phổ biến trong những người có bằng cấp là họ thường hay nghĩ rằng học vị và học hàm của họ là ưu việt hơn bằng cấp của người khác, trường đại học hay cao đẳng và các giáo sư mà họ theo học là danh tiếng hơn, tốt hơn, giỏi hơn, v.v... những nơi khác và giáo sư khác.  Điều này không những chỉ thấy ở giữa cá nhân, mà còn giữa các quốc gia.  Dù không nói ra cụ thể, nhưng chất lượng bằng cấp thường được đánh giá một cách chung chung dựa vào nền khoa học kĩ thuật của một nước hơn là dựa vào khả năng của người có bằng cấp.  Chính vì thế mà những nước đã phát triển như Mĩ, Anh, Úc, Pháp, v.v… không chịu công nhận bằng cấp từ các nước nghèo hơn như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v… Lí do không công nhận bằng cấp nước ngoài thường được núp dưới danh nghĩa “tiêu chuẩn”, tức là theo họ, những chuyên viên được đào tạo trong các nước đang phát triển có tiêu chuẩn thấp hay không đạt tiêu chuẩn mà họ đưa ra. 

 

 
Thật là khôi hài và ấu trĩ nếu người Úc cho rằng kĩ sư của họ tài giỏi hơn kĩ sư người Đức, hay bác sĩ của họ được đào tạo kĩ hơn các bác sĩ người Mĩ hay Pháp, hay các nhà toán học của Úc khá hơn các nhà toán học Việt Nam hay Ấn Độ.  Ấy thế mà đó là những nguyên nhân mà họ đưa ra để không chịu công nhận bằng cấp của các nước ngoài Úc!  Nhưng xét cho cùng, ngoài một vài lí do chính đáng, sự không-công-nhận bằng cấp nước ngoài cũng là một cách phô trương thanh thế của họ, những nước giàu có, và bảo vệ thị trường lao động cho sinh viên người bản xứ, chứ chẳng liên quan gì đến tiêu chuẩn và phẩm chất đào tạo.


Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau giồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội.  Bằng cấp và chức vụ khoa bảng không phải dùng để đo những kết quả trên, mà chỉ là những phân chia đẳng cấp khoa bảng rất tương đối.  Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như tiến sĩ, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học, và tự nó không nói lên được khả năng chuyên môn của nhà khoa học.  Tương tự, một học hàm cao nhất như giáo sư cũng không phản ánh chính xác được mức độ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại.  Người trí thức chân chính chỉ nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.

 

 
Ghi chú:

 
 
[1]  Thực ra, Universitas of Doctors chỉ là một hiệp hội (Guild) của những "Thầy".  Theo tiếng Latin, chữ Doctorem cũng có nghĩa là "Thầy".  
  
 
[2]  Tuy nhiên, trong những năm gần đây các trường này đều trở thành đại học chính thức.  Chẳng hạn như trường "University College of Bristol" tuy thành lập từ năm 1876, nhưng mãi đến năm 1909 mới được công nhận là "The University of Bristol"!  
  
 
[3]  Ở Việt Nam còn xảy ra một sự ngộ nhận hết sức "tai hại" trên báo chí về một em học sinh người Việt Nam, 17 tuổi, đỗ đầu ở một trường trung học tư thục ở Anh; nhưng có lẽ vì nhầm lẫn trường "college" mà em theo học là "đại học", nên nhà báo đã vội viết bài ca ngợi em là một "thần đồng tốt nghiệp đại học năm 17 tuổi"!  
  
 
[4]  Tôi không biết tiếng Việt ta có danh từ nào để dịch văn bằng "Associate".  Có người đề nghị dùng "Chứng chỉ" để dịch chữ này; tuy nhiên "Chứng chỉ" có lẽ chính xác hơn với "Certificate".  Tôi đề nghị dùng cụm từ "Cử nhân dự khuyết" cho văn bằng "Associate".  
  
 
[5]  Hai văn bằng Bachelor of Science (B.Sc. hay B.S.) và Bachelor of Arts (B.A.) thường được dịch là "Cử nhân Khoa học" và "Cử nhân Văn chương".  Tuy nhiên, hai văn bằng này rất bao quát.  Một sinh viên theo học môn Tâm lí học (Psychology) có thể tốt nghiệp với văn bằng B.A. nếu bộ môn này chịu sự quản lí của phân khoa Văn chương (Faculty of Arts), hoặc B.Sc. nếu bộ môn Tâm lí học chịu sự quản lí của phân khoa Khoa học (Faculty of Science). 
 
[6]  Dựa vào tính cách đào tạo và chương trình học, tôi đề nghị dùng cụm từ "Cao học dự khuyết" cho văn bằng "Graduate Diploma".  
  
 
[7]  "Doctorate" là một danh từ chung dùng để chỉ học vị "Tiến sĩ".  Chữ “Tiến sĩ” có lẽ được xuất phát từ chữ Hán mà tiếng Anh phiên âm là “Chin-shih” (và tiếng Anh dịch là “Doctor”).  Hình như văn bằng này được cấp lần đầu tiên vào năm 1313 (dưới triều đại nhà Tống); vào năm này, một cuộc thi tuyển đặt dưới sự chủ tọa của vua được tổ chức.  Qua kết quả của kỳ thi này, có 300 thí sinh được cấp danh hiệu Chin-shih; trong số này, có 75 người gốc Mông Cổ, 75 người quê quán ở miền Nam Trung Quốc, 75 người quê quán ở miền Bắc Trung Quốc, và 75 người có quốc tịch ngoại quốc.  
  
[8]  Trong một bài báo gần đây ở trong nước, một nhà giáo dục đề nghị dùng cụm từ "Tiến sĩ cao cấp" để gọi các thí sinh này!  
  
[9]  Trong các đại học Anh và Úc, không có chức vụ Assistant Professor, và những chức vụ như Lecturer và Senior Lecturer được xem là tương đương hay cao hơn với Assistant Professor của Mĩ.  Tuy được gọi là "Assistant Professor", nhưng những giáo sư này không phải là phụ tá (assistant) cho các giáo sư cao hơn, mà là một giáo sư hoàn toàn độc lập.  Vì thế, các học hàm ở bậc này có lẽ nên dịch sang tiếng Việt là "Giảng sư".  
  
[10]  Trong một vài trường đại học theo hệ thống của Anh Quốc, học hàm "Reader" được xem là tương đương với "Associate Professor".  Ở trong nước, Associate Professor được dịch là "Phó Giáo sư".   
 
[11]  Học hàm "Professor" thường được dịch là "Giáo sư".  Đây là một học hàm cao nhất trong đại học.  Tuy nhiên, cũng có trường đại học ở Mĩ phong học hàm "University Professor" (thường được xem là cao hơn cả "Professor") cho các giáo sư có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc và có đóng góp lớn cho trường.  
  
[12]  Các bài báo này thường phải qua một giai đoạn "kiểm duyệt" tương đối gắt gao (thường từ 6 tháng đến một năm) trước khi được chấp nhận cho xuất bản.  Người kiểm duyệt thường là đồng nghiệp làm cùng ngành, nhưng đương sự (người có bài báo được duyệt xét) không biết họ là ai.  Các tạp chí có chất lượng cao chỉ nhận công bố khoảng 1 tới 20% các bài báo khoa học được gửi tới tòa soạn.  Vì thế, nhá khoa học nào có nhiều công trình được công bố trên các tờ tạp chí có uy tín thường để nể trọng trong ngành nghề của mình, và có cơ hội được thăng tiến trong nấc thang khoa bảng

 
Nguồn http://nguyenvantuan.chuyenluan.net

 

 Bài góp ý của tác giả Nguyễn Xuân Thiện

 
Người Việt Nam thường gọi "doctor" là "bác sĩ" để chỉ thầy thuốc, hoặc "tiến sĩ" để chỉ một học vị cao nhất ở đại học. "Bác sĩ" là một nghề nghiệp, trong khi đó "tiến sĩ" là một học vị. Trong tiếng Anh cũng vậy, câu nói "I am a doctor" có ý nghĩa hoàn toàn khác với "I have a doctor's degree".
 
 
Ở Mỹ chữ "Ph.D." (viết tắt của “Doctor of Philosophy”), có nghĩa tương đương với chữ "tiến sĩ" của Việt Nam, là học vị cao nhất ở đại học. Một vài tiêu chuẩn tối thiểu của nó là phải có công trình nghiên cứu mang tính cách học thuật, có tính cách độc sáng (originality), thể hiện dưới hình thức một luận án trước khi đưọc cấp học vị này. Loại "doctor" này ở Mỹ gọi là "academic doctorate degree" để phân biệt với các loại "doctor" trong "doctor of medicine", "doctor of pharmacy" v.v... thuộc nhóm "first professional degree" ("học vị chuyên nghiệp cấp một").
 
Nói một cách chi tiết hơn, "first professional degree" ở Mỹ chủ yếu gồm có:
- Doctor of Audiology (Au.D.)
- Doctor of Chiropractic ( D.C.)
- Doctor of Dental Surgery (D.D.S.), Doctor of Dental Medicine (D.M.D)
- Doctor of Medicine (M.D.)
- Doctor of Occupational Therapy (D.O.T.)
- Doctor of Optometry (O.D.)
- Doctor of Osteopathic Medicine (D.O.)
- Pharmacy Doctor (Pharm.D.)
- Doctor of Physical Therapy (D.P.T.)
- Doctor of Podiatric Medicine (D.P.M.)
- Doctor of Veterinary Medicine (D.V.M.)
- Juris Doctor (J.D.)
 
Đăc điểm của loại "doctor" trong "first professional degree" là:
- phần lớn liên hệ đến nghề y và một cái bên luật
- không đào tạo trực tiếp ngay sau cấp trung học (như ở nhiều nước khác), mà là phải học qua từ 2 đến 4 năm (ngành gì cũng được ) ở đại học. Sau đó học 3, 4 năm (thông thường là 4 năm) ở trường chuyên nghiệp (professional school)
- không cần có luận án có tính cách nghiên cứu độc sáng để được cấp "doctor".
 
Hiểu như vậy những chữ "doctor of medicine", "pharmacy doctor" ở Mỹ nên dịch là "y sư", "dược sư" thì đúng hơn dịch là "tiến sĩ y khoa", "tiến sĩ dược khoa".
Ở đây chữ "doctor" nên hiểu theo nghĩa của tiếng Latin, nghĩa là "thầy" (tiếng Hán gọi là "sư", như trong chữ "giáo sư"). Ở Việt Nam ngày xưa người ta cũng quen dùng chữ thầy”, tỷ dụ “thầy giáo”, “thầy thuốc”, "thầy kiện" để chỉ những người làm trong một số nghề mà người ta kính trọng.
 
         
Nhân tiện để tham khảo xin đưa thêm thí dụ về trường hợp ngành y Nhật.
Ở Nhật, người ta vào thẳng trường y sau khi học xong trung học. Sau 6 năm thì được tốt nghiệp với văn bằng cử nhân y khoa (igakushi) do các đại học cấp. Tuy vậy, để có tư cách hành nghề bác sĩ (license) thì phải qua kỳ thi của nhà nước, gọi là "kokka ishi shiken" (thi bằng “y sư quốc gia”). Muốn có học vị tiến sĩ y khoa thì lại khác: phải tiếp tục nghiên cứu thêm 4 năm nữa ở đại học.   
Ở Nhật, người ta phân biệt rất rõ chữ "bác sĩ" (ishi) - một loại nghề nghiệp, với chữ "tiến sĩ" (hakase) - một loại học vị-, chứ không dùng chung một chữ ”doctor” như ở nhiều nước khác.

Xin mời đọc Trang Nguyễn Văn Tuấn

http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org