Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng    12/06/2008

 

Những bài cùng tác giả


Ngày 7-7-2006 Báo Tuổi trẻ đã đăng bức thư thứ hai của Bộ trưởng kiêm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Nội dung như sau:

Tôi rất hoan nghênh và cảm ơn báo Tuổi Trẻ mở mục Diễn đàn ý kiến bạn đọc góp ý cho ngành giáo dục. Do điều kiện đăng tải trên mặt báo có hạn, đề nghị báo Tuổi Trẻ tập hợp đầy đủ các ý kiến và gửi cho tôi. Lãnh đạo và các cơ quan của Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ và xử lý các ý kiến đó. Tôi sẽ lần lượt trả lời các ý kiến đó, bắt đầu vào cuối tháng 7-2006.
Tôi cũng mong muốn diễn đàn này, có thể tạm gọi là “Vì sự phát triển mới của nền giáo dục quốc gia, vì đất nước VN hưng thịnh trong thế kỷ 21” sẽ đón nhận thêm hai luồng ý kiến:
- Ý kiến của các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp về việc chúng ta nên tự đổi mới, chấn chỉnh và khẳng định vị trí của ngành mình, trường mình và chính mình như thế nào?
- Ý kiến của các vị phụ huynh, các nhà doanh nghiệp, các em học sinh, sinh viên trong và ngoài nước thấy mình có thể làm gì và cần phải làm gì để góp phần chấn hưng mạnh mẽ nền giáo dục quốc gia.
Chân thành cảm ơn báo Tuổi Trẻ và các bạn đọc, các thầy cô giáo, các vị phụ huynh, các doanh nhân, các em học sinh, sinh viên, kiều bào và tất cả những ai đã dành tâm trí và nhiệt huyết cho việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân


Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng rất nhiều bạn đọc thuộc các tầng lớp khác nhau đã gửi ý kiến đến báo đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tôi quan tâm đến các ý kiến mà tôi cho là rất xác đáng sau đây:

Chị tôi kể lẽ ra cháu đã phải ở lại lớp từ năm lớp một nhưng cô giáo thương tình nên cho lên lớp hai. Cô giáo dạy lớp hai biết cháu học yếu và không đủ khả năng lên lớp nhưng vẫn cố gắng tìm cách sắp xếp để cháu được học lớp ba... và cứ thế cháu tôi được lên lớp năm. Trước khi cháu lên lớp sáu, hiểu rõ sức học của con mình, anh chị tôi đã gặp thầy giáo xin cho cháu được ở lại lớp, thế nhưng thầy từ chối. Thầy nói: “Kết quả em đã gửi lên trên rồi, anh chị cứ cho cháu lên lớp sáu đi. Biết đâu qua khỏi cái tuổi ấy cháu sẽ học tốt lên. Em đã gặp nhiều trường hợp như vậy rồi. Hơn nữa cả lớp ai cũng được lên lớp sáu, bắt cháu học lại lớp năm thì tội cho cháu lắm!” (Phạm Tuấn Anh).

Hậu quả của việc này do ai? Bệnh thành tích hay sự quản lý quan liêu và thiếu trách nhiệm của không ít các Nhà trường?

"Tại tp HCM để giành một suất mua đơn dự tuyển vào Trường THCS Bình Tây (P.1, Q.6), nhiều phụ huynh tại các phường 1, 2, 3, 4 (Q.6) đã có mặt tại trường từ 20g ngày 6-6, mặc dù theo thông báo của trường đúng 9g30 sáng 7-6 mới chính thức bán đơn dự tuyển. Anh Hà Triệu D., một trong những phụ huynh có mặt từ 20g tối 6-6, kể: "Biết trước là sẽ có cảnh chen lấn nên tôi đã cẩn thận tới trường ngồi đợi từ 20g tối qua. Lúc đó đã có khoảng 30 phụ huynh chầu chực và tự xếp số thứ tự cho nhau. Tôi đợi tới 12g đêm thì vợ ra thay, rồi tới sáng tôi lại ra trực để vợ đi làm. Số thứ tự của tôi là 25, điểm tốt nghiệp của con tôi là 19,25, thế mà tới sáng nay vẫn không mua được đơn dự tuyển cho con".

Vào lớp 6 mà xếp hàng cho con từ nửa đêm thì không hiểu là lỗi từ đâu. Thiếu lớp học? Chất lượng các trường chênh lệch nhau? Tổ chức không khoa học? Hay vì lý do gì nữa?

Vừa qua Bộ GD&ĐT quyết định sửa đáp án câu 29 đề thi Vật lý mã đề 128 từ phương án B sang phương án B , nhưng qua báo Thanh niên số ra ngày 9-6 một số nhà khoa học lại cho rằng có tới 3 đáp án đúng (!). Thật khó hiểu: Lỗi tại Chương trình hay Sách giáo khoa? Lỗi của người ra đề hay của người duyệt đề? Ta không tham khảo gì các đề thi của nước ngoài về những môn không có gì đặc thù Việt Nam như Toán, Lý, Hóa, Sinh phải chăng vì Chương trình và sách giáo khoa của ta chẳng giống ai?

Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo để ngay trong năm học tới sẽ giảm tải Chương trình và Sách giáo khoa (!). Tiếp theo là rà soát lại Chương trình và Sách giáo khoa qua việc tiếp thu ý kiến của đợt trưng cầu ý kiến rất “ngắn hạn” vừa qua. Trong bài viết gần đây GS Chu Hảo đặt câu hỏi là nên Cải cách triệt để hay tiếp tục “đổi mới”? Lý do là vì Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2002 đã được Chính phủ phê duyệt đang thực hiện chưa được đánh giá cho nên đừng soạn thảo vội chiến lược mới, là vì nên tạm dừng các dự án thiếu hiệu quả và đừng mở thêm dự án mới, là vì chưa kiểm tra tài chính công cho Giáo dục trong 10-15 năm gần đây và là vì chưa có các biện pháp đột phá trong quản lý giáo dục.

Về phần mình, tôi chỉ có hai kiến nghị rất chân thành với Bộ trưởng::

Một là, mạnh dạn giao cho các Hội Khoa học chuyên ngành soạn thảo Chương trình mới sao cho không chênh lệch nhiều so với thế giới mà vẫn phù hợp với hoàn cảnh nước ta, sau đó trưng cầu rộng rãi ý kiến của các thày cô giáo và các nhà quản lý giáo dục.

Hai là, kiến nghị sửa Luật Giáo dục để tương lai sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh về Sách giáo khoa của các nhà xuất bản, các nhóm tác giả (trên cơ sở một Chương trình chuẩn có thể sử dụng lâu dài). Vài năm tới có thể thay Chương trình nhưng vẫn dùng bộ sách giáo khoa mới thay đổi ( với sự hướng dẫn của thầy cô giáo). Chỉ thi theo nội dung Chương trình chứ không nhất thiết phụ thuộc vào sách giáo khoa. Đến thời gian thích hợp mới dùng các bộ sách giáo khoa mới , nhưng chỉ cho học sinh mượn chứ không bắt phải mua (trừ trường hợp bị mất hay làm hư hỏng).
 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng