Khi các bộ trưởng được thông hiểu sáng suốt |
Vietsciences- Nguyễn Đức Hiệp 03/12/2007 |
Dưới đây là bài tiểu luận của Hans Wigell, cố vấn đặc biệt về khoa học của chính phủ Thụy Điển, đăng trên tạp chí Nature (Vol 449, 11 October 2007), tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới. Bài này nói về quá trình và sự kiện các bộ trưởng đã tiếp cận về khoa học để đưa ra chính sách thỏa đáng và đột phá có lợi cho Thụy Điển. Bài viết cho thấy sự quan trọng của các cố vấn giỏi với các thông tin và chính sách có tầm nhìn xa và thức thời giúp chính phủ quản lý một đất nước tiến bộ. Và một chính phủ dễ tiếp cận, biết dùng người, có đầu óc học hỏi mở rộng, không tùy thuộc vào các quan chức ở các bộ, là một chính phủ sáng suốt và thành công trong việc quản lý một quốc gia.
Làm tăng sự phấn khởi và chuyển thông tin khoa học đến đến các thành phần trong chính phủ có thể mang đến những kết quả đáng ngạc nhiên và hài lòng
Hans Wigzell
Năm 1999, tôi được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt về khoa học cho thủ tướng và chính phủ Thụy Điển, một vị trí mà đến nay tôi vẫn còn giữ. May mắn là vì không có sự chỉ đạo ràng buộc nên phần lớn là tôi phải tự mình phải tìm ra chiến lược riêng để hổ trợ cho sự điều hành của chính phủ.
Mục đích của tôi là giáo dục và kích thích các thành phần trong chính phủ làm họ phấn khởi về khoa học. Rất nhiều chương trình khác nhau tôi đã mang đến và đề ra, kể cả tổ chức các buổi họp các bộ trưởng với các nhà khoa học đã lãnh giải Nobel và các nhà khoa học giỏi nhất của Thụy Điển, các hội thảo ẩn dật (retreats) cho thủ tướng và Bộ trưởng giáo dục với 10 nhà nghiên cứu chọn sẵn cho mỗi lần hội thảo. Qua những phương thức như vậy, tôi đã phát biểu trình bày hơn 100 tiếng đồng hồ về giáo dục khoa học có chất lượng cao cho thủ tướng từ năm 1999 đến 2006 và chia sẻ với các thành phần trong chính phủ kiến thức cá nhân của tôi về một vài nhà khoa học giỏi nhất của Thụy Điển và các giai thoại về khoa học để cho họ có thể kể lại khi cần.
Trong thời gian làm cố vấn đặc biệt, tôi đã học ra rằng chính trị mỗi ngày thường dựa nhiều vào sự tình cờ. Sự có mặt ngay lúc đó của một cố vấn đặc biệt khoa học được tin tưởng là rất cần thiết để giúp các nhà chính trị quyết định sự việc. Thí dụ như khi tin về sự sinh sản vô tính của con cừu Dolly được thông báo trên hệ thống truyền thông, tôi nhận được điện thoại của Bộ trưởng bộ giáo dục Thuỵ Điển rất giao động về tin trên khi nói chuyện với tôi. Ông bộ trưởng bày tỏ sự kinh hoàng của ông ta và rất muốn hành động thật nhanh để ngăn cấm những hoạt động hay nghiên cứu liên quan đến phát triển vô tính ở con người (human cloning). Tôi hỏi ông bộ trưởng là ông đã có bao giờ gặp người vô tính nào chưa (cloned people). Ông đã trả lời chắc nịch là "chắc chắn là chưa bao giờ". Khi tôi giải thích cho ông ta là anh em sinh đôi từ hợp tử đơn (monozygotic twins) cũng là sinh vật vô tính (clones), ông ta mới lắng động trở lại; và sau đó không có sự tuyên bố hấp tấp và không đạo luật nào ban hành.
Điều có ý nghĩa đặc biệt cho Thụy Điển là Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố ngày 9 tháng 8 2001 là chỉ các công trình trên các dòng tế bào mầm phôi (embryonic stem cell lines) hiện có là sẽ nhận được tiền tài trợ từ quỹ liên bang mà thôi. Viện Y tế quốc gia (National Institute of Health) giúp chính phủ Mỹ qua sự thông báo là hiện có hơn 60 dòng tế bào mầm (stem cell lines) có thể có được và được cung ứng để dùng trên thế giới. Trong hơn 60 dòng tế bào mầm này thì khoảng chừng một phần ba là nằm ở các phòng thí nghiệm Thụy Điển - một phần bởi vì Thụy Điển đã là nước tiên phong phát triển kỹ thuật gây giống trong ống nghiệm (in vitro). Giới truyền thông Thụy Điển rất phấn khởi: đây là một dịp để Thụy Điển phát sinh nghiên cứu y khoa có ích lợi to lớn cho đất nước và nhân loại.
Thủ tướng Thụy Điển hỏi các bộ trưởng và thành viên trong chính phủ ông là họ có biết dòng tế bào mầm thật sự là cái gì không. Một người nghĩ là đó là các tế bào phát triển theo một đường thẳng, một người khác diễn tả đó là một nhúm tế bào và một người thứ ba nói là nó giống như cây giáng sinh với các ngọn và nhánh bị cắt đầu. Vì thế thủ tướng đã nhờ tôi cho một thuyết trình 20 phút cho chính phủ về tế bào mầm con người trong một buổi họp nội các vào ngày thứ năm. Buổi thuyết trình đã tạo ra một náo động với sự thảo luận sôi nổi và kích thích với nhiều câu hỏi đặt ra. Tôi rời buổi họp nội các một tiếng rưỡi sau đó thay vì chỉ 20 phút đã định.
Các sự kiện, biến cố nối tiếp xảy ra sau đó gần như là không tưởng (surreal). Bộ trưởng bộ quốc phòng đáp máy bay về phía bắc và trong buổi nói chuyện của ông với giới quân sự đã nói thêm về tế bào mầm và triển vọng trong bài phát biểu của ông. Hai tuần sau, Bộ trưởng kỹ nghệ gấp rút đến gặp tôi và nói cho tôi biết là điểm cao của một buổi họp mà bình thường là không có biến cố gì là quan trọng đáng nói ở Brussels của các thành viên cộng đồng Âu châu. Ông cho biết là một bộ trưởng của một nước đã nghiêng người về phía ông trong buổi ăn trưa và khoe rằng nước của ông ấy hiện có hai dòng tế bào mầm con người, ông bộ trưởng Thụy Điển đã hãnh diện hăng hái đáp lại "chúng tôi có 21 dòng !".
Tuần lễ sau buổi họp nội các vào ngày thứ năm hôm đó, nhật báo đứng đầu của Thụy Điển đã dành một trang đăng một tranh luận trong đó bộ trưởng bộ giáo dục và bộ trưởng y tế phối hợp đề nghị một bộ luật dễ dãi về nghiên cứu tế bào mầm ở Thụy Điển. Sau cùng điều này dẫn tới ở đất nước chúng tôi (Thụy Điển) có một đạo luật phóng khoáng nhất trên thế giới về nghiên cứu tế bào mầm.
Sự trộn lẫn các phương thức, phát triển thêm từ nhiệm vụ ban đầu của tôi là làm phấn khởi hào hứng và cung cấp thông tin cho các bộ trưởng trong chính phủ về khoa học, cho đến nay đã đi qua nhiều khúc quanh mà trước đây không ai dự đoán được.
Chính phủ Thụy Điển, trong lúc là chủ nhiệm Liên hiệp Âu châu (European Union) năm 2001, đã có một buổi họp quan trọng ở Uppsala với các bộ trưởng nghiên cứu khoa học trong Liên hiệp Âu châu. Dự kiến và được đồng ý trong buổi họp là sẽ có một buổi trình diễn văn hóa. Tôi đã từng đóng vai diễn viên trong Nhà hát của Thành phố Stockholm từ năm 1989 và đã diễn - cùng với 3 nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Thụy Điển - trong một vở kịch nói về các sự ngộ nhận về sinh học phân tử. Vì thế chính phủ Thụy Điển đã nhờ tôi dựng lại một bản mới của vở kịch trên, với sự tham dự của tất cả các bộ trưởng trong nội các.
Chính phủ Thụy Điển vì thế đã, qua nhiều đường lối khác nhau, được gây hứng khởi đẩy mạnh khuyến khích sự thành lập Hội đồng nghiên cứu Âu châu (European Research Council). Chính phủ đã tiếp tục hỗ trợ đề nghị này rất nhiệt tình cho đến khi được sự đồng ý sau cùng của Liên hiệp Âu châu.
Thật là thú vị khi nghĩ là chính tổng thống Mỹ George W. Bush đã tình cờ hỗ trợ cho sự thành lập một bộ luật tiến bộ nhất hiện nay về nghiên cứu tế bào mầm con người và giúp tạo nên sự thành lập Hội đồng nghiên cứu Âu châu (ERC). Nhưng đó lại là vấn đề thuộc về chính trị cho các bạn.
(Hans Wigzell hiện nay là cố vấn chiến lược cho viện Karolinska Institute, 17177 Stockholm, Sweden, và là Giáo sư trợ giáo (Adjunct Professor) ở Đại học Ehime University, Japan và Đại học University of Baltimore, USA)
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org Nguyễn Đức Hiệp
|