Những bài
cùng tác giả
Năm 2006 là năm đầu tiên áp dụng phương thức quản lý
mới của Bộ KHCN đối với các Nghiên cứu cơ bản
(NCCB), trong tiến trình hướng tới việc thiết lập
Quỹ NCCB theo kinh nghiệm đã được thử thách của các
nền khoa học tiên tiến. Các đề tài của năm đã được
chọn lựa, kinh phí đã được phân phát. Từ góc độ của
một nhà khoa học làm công tác nghiên cứu (lĩnh vực
Cơ học) ở Việt nam, tôi xin được phát biểu một số ý
kiến trình bầy thành ba phần: Phần I đưa ra một số
kiến nghị cụ thể về quản lý và tiêu chí đánh giá đối
với các đề tài NCCB lĩnh vực Cơ học và KHTN nói
chung. Phần II bàn về tranh cãi giữa nghiên cứu cơ
bản và ứng dụng ở VN. Phần III đề cập tới các chuẩn
mực trong khoa học - cơ sở cho thi đua và phát triển
lành mạnh ở VN.
I. Nâng
cao chất lượng nghiên cứu Cơ bản
Có một
yếu tố mới tích cực trong việc xét duyệt đề tài NCCB
năm nay: Số đề tài được tăng lên, một số TS ở tuổi
4x, kể cả mới bảo vệ luận án TS, đã được phép tách
ra để đứng chủ trì đề tài độc lập. Điều đó khuyến
khích sự chủ động, ý thức trách nhiệm của cá nhân
các cán bộ nghiên cứu. Cái cách truyền thống cũ là
tập hợp đông người dưới bóng một cây đa cây đề làm
công tác lãnh đạo quản lý gây tâm lý dựa dẫm nhau kể
từ lãnh đạo tới các thành viên và cào bằng gây bất
mãn cho những thành viên không phải là lãnh đạo. Một
nền khoa học lành mạnh sẽ cần có đa số các chủ trì
đề tài ở độ tuổi 3x và 4x - vì đó mới là tuổi sung
sức nhất của người làm khoa học. Việc liên kết các
nhóm nhỏ với nhau để làm một số vấn đề cần hợp tác
liên ngành liên nhóm cần hình thành tự nhiên theo
yêu cầu của thực tế chứ không phải áp đặt hành
chính.
Mặc dù nhấn mạnh từ đầu là ưu tiên các đề tài NCCB
đạt trình độ cao có công bố kết quả trên các tạp chí
quốc tế, thực tế phân bổ kinh phí cho các đề tài
(theo quan sát cụ thể tại Viện Cơ học) cho thấy
không có bất kỳ động thái tích cực nào theo hướng
này. Ngược lại, một số cá nhân và đề tài chưa hề có
thành tích công bố quốc tế và dễ hiểu là ít có triển
vọng như vậy trong tương lai đã được tăng vọt kinh
phí, trong khi đó một số đã có thành tích và triển
vọng thì chỉ được xếp ở mức kinh phí tối thiểu. Số
cán bộ tâm huyết có ý thức phấn đấu công bố quốc tế
hiện còn ít, họ ở thế thiểu số và dễ dàng bị bỏ qua.
Tôi mới có dịp dự một hội nghị khoa học chuyên ngành
hẹp. Một số chủ trì đề tài làm vài báo cáo. Do số
báo cáo quá nhiều mà thời gian hạn hẹp, hội nghị
phải chia làm nhiều tiểu ban - do đó mọi người ít có
điều kiện nghe và góy ý cho nhau vì không thể chạy
nổi giữa các tiểu ban trong thời gian họp. Nhiều báo
cáo chất lượng chuyên môn rất thấp, sao chép từ sách
và tài liệu sẵn có, hoặc làm một số tính toán như
bài tập cho sinh viên. Tôi biết một số TS tuổi 4x đã
có điều kiện thực tập ở nước ngoài, đã có một số
công bố quốc tế và tự tin có thể phát triển tiếp -
ít nhưng làm được. Tôi vẫn luôn động viên họ giữ
vững bản lĩnh, rằng một bài báo đàng hoàng đáng giá
hơn cả tá báo cáo hình thức kia. Tuy nhiên tôi e
rằng với cách quản lý NCCB niện nay, họ sẵn lòng
chạy theo số lượng báo cáo để đóng quyển dầy nộp
tổng kết đề tài. Nếu không tập chung vào nghiên cứu
nghiêm túc, rồi sang tuổi 5x họ sẽ buông xuôi luôn.
Nội dung đề tài nghiên cứu phải là các bài báo khoa
học đã được phản biện khách quan bởi các chuyên gia
hàng đầu không nêu danh trong lĩnh vực tương ứng.
Các báo cáo khoa học, kể cả ở các hội nghị khoa học
quốc tế - tiêu chuẩn đều rất dễ dãi, chỉ mang tính
bổ xung phụ trợ mà thôi. Hội nghị là diễn đàn để các
nhà khoa học làm quen, trao đổi thông tin và tìm cơ
hội cộng tác là chính, nội dung báo cáo thường là
tổng hợp từ các bài báo đã có của họ, không phải là
nghiên cứu mới. Gây ấn tượng hơn cả cho tôi tại hội
nghị nói trên là một TS trẻ tuổi 3x từ ĐHBK HN mới
từ Hàn quốc trở về với một nhiệt tình khoa học hiếm
thấy được trong số đông các nhà Cơ học VN hiện nay.
Cậu ấy rất hứng khởi với không khí làm việc và tiêu
chuẩn khoa học rõ ràng bên Hàn quốc, tự hào về các
bài báo đã được công bố có phần đóng góp xứng đáng
của mình, nhưng tỏ ra thất vọng về môi trường làm
việc không khoa học và đầy khuất tất ở VN, và đang
nhằm tìm đường ra nước ngoài làm việc. Hiện đang có
những sinh viên, NCS VN ở tuổi 2x và 3x đang học tập
và làm việc rất thành công ở Mỹ, châu Âu, Australia,
Hàn quốc,... theo phong cách và tiêu chuẩn hiện đại.
Nếu trở về VN họ sẽ đem về nguồn sinh khí mới cho
khoa học nước nhà, nhưng họ sẽ dễ dàng bị làm nản
chí bởi sự vô cảm và bất cần của các chức sắc khoa
học trong nước.
Kinh phí đề tài phải tương ứng với kết quả khoa học
công bố (dựa theo đề cương đăng ký và kết quả đã có
của chủ trì và các thành viên đề tài 5 năm gần đây
nhất), bất kể số người ghi tên là bao nhiêu đi nữa
và chủ trì đề tài đã và đang giữ chức vụ nào. Các
chủ trì là các quan chức dễ dàng điền tên những
người dưới quyền cho dài danh sách, nhiều cán bộ có
tên trong nhiều đề tài với các chủ trì khác nhau.
Cần có tiêu chí để tính điểm đề tài theo
kết quả nhận được, giảm dần từ bài báo quốc
tế tới bài báo trong nước và báo cáo hội nghị.
.
Quốc tế người ta không tính điểm báo cáo hội nghị,
nhưng ở ta tạm thời chiếu cố vì nội dung nhiều đề
tài ở ta chủ yếu là (một số thậm chí chỉ gồm) các
báo cáo hội nghị. Tuy nhiên cũng nên đặt một giới
hạn trên nên số điểm hội nghị: nó không được vượt
quá 1/2 tổng số điểm của đề tài. Cần hạn chế cái
thói làm ít báo cáo nhiều, làm giả báo cáo thật. Dư
luận gần đây đã đề cập tới vấn đề là ta vượt Thái
lan nhiều lần về số TS, cán bộ nghiên cứu, và đặc
biệt là số công trình khoa học (chủ yếu là ở các
tuyển tập báo cáo hội nghị và ấn phẩm trong nước)
nhưng lại thua họ nhiều lần ở số bài báo khoa học
công bố tạp chí quốc tế ! Các tác giả tham gia nhiều
đề tài khác nhau (khi đăng ký và làm báo cáo tổng
kết phải có mở ngoặc tham gia bao nhiêu đề tài) thì
điểm công trình tương ứng phải chia cho số đề tài đã
đăng ký, không dược tính nhiều lần và gây sai số cho
tổng kết của các nhà quản lý. ở ta hiện nay chưa nên
thưởng điểm cho đào tạo Ths,TS trong NCCB, khi con
số các TS hình thức này dang tăng ồ ạt với chất
lượng thấp và đang là một yếu tố tiêu cực cho sự
tiến lên về chất của khoa học nước nhà. Thực ra việc
đào tạo này, nếu có và nghiêm túc, là có lợi cho chủ
trì vì tạo ra các bài báo khoa học đóng góp thêm
điểm cho đề tài, trong khi các NCS ở ta được tài trợ
bởi quỹ riêng của bộ GDĐT và lương bổng của cơ quan
chủ quản, không phụ thuộc vào đề tài NCCB. Bộ cũng
không nên quá băn khoăn nếu điểm đề tài NCCB của một
số chủ trì danh tiếng có thể không cao, vì họ thường
còn có các đề tài còn lớn hơn như đề tài cấp Nhà
nước, cấp Bộ, cấp cơ sở, và các hợp đồng,... Họ
không phải là siêu nhân để làm nhiều thứ vừa tốt vừa
nghiêm túc như nhau. Điểm của đề tài phải là tiêu
chuẩn chính để chia kinh phí đề tài. Nếu các nhà
quản lý của Bộ thử tính điểm các đề tài qua đề cương
và thành tích 5 năm qua, so sánh với kinh phí đã và
đang được cấp thì sẽ thấy ngay những phi lý và yếu
kém của công tác quản lý.
Số đề tài có công bố trên các tạp chí quốc tế ngành
Cơ học còn ít, và có tăng kinh phí cho các đề tài đó
- thậm chí lên gấp đôi so với mức bình quân chung
cũng ít ảnh hưởng tới quỹ chung. Thiếu nghiên cứu
đạt chuẩn mực quốc tế là điểm yếu kém nhất của NCKH
ở VN mà dư luận nói đến nhiều trong thời gian qua,
và thay đổi tình trạng đó đang được Bộ KHCN dặt là
ưu tiên chính trong chính sách NCCB trong thời gian
tới. Nhưng thực sự Bộ đã đưa ra được giải pháp gì
mới? Tôi có kiến nghị cụ thể: trước mắt giành 10%
quỹ NCCB ngành Cơ học hằng năm để khuyến khích các
nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế - số tiền đó được
chia đều cho số bài báo được công bố trên các tạp
chí quốc tế trong năm (dễ dàng kiểm tra qua
Internet). Các bài báo đăng muộn cuối năm chưa kịp
xét sẽ được chuyển sang xét cho năm sau. Chưa xét
đến các bài báo mới gửi đăng, hoặc thậm chí đã được
nhận đăng nhưng còn chưa in ra. Các bài báo đăng
chung với các tác giả nước ngoài cũng được xem xét
nếu dưới tiêu đề bài báo có ghi địa chỉ VN của tác
giả VN (cũng kiểm tra được qua Internet). Biết rằng
các tạp chí quốc tế chất lượng cũng có khác nhau,
tuy nhiên trước mắt với ngành Cơ học điều đó chưa
cần tính đến vì số công bố quốc tế còn ít, chỉ cần
đòi hỏi tạp chí có tên trong danh mục lựa chọn của
ISI (Institute for Scientific Information, Website:
http://www.isinet.com
.
Các báo cáo hội nghị quốc tế không được xét thưởng
theo lý do đã nói ở trên. Các ngành khác cũng cần có
các chính sách khuyến khích tương ứng tuỳ theo tình
hình phát triển và các yêu cầu của ngành mình. Tôi
tin rằng đề xuất này sẽ tạo ra một cú hích kinh tế
và động đến tự ái của các khoa học gia chưa tới cái
tuổi buông xuôi và đang phân vân lựa chọn giữa
nghiên cứu nghiêm túc và dễ dãi theo phong trào. Nó
cũng tạo nên một mục tiêu phấn đấu rõ ràng cho các
nhà khoa học trẻ và sức hút với các TS trẻ mới tữ
nước ngoài trở về để họ duy trì động năng quán tính
quý giá đang có được. Một điểm rất tiến bộ của luật
khoa học công nghệ VN là cho phép mọi cá nhân hay tổ
chức trong và ngoài các cơ quan nhà nước được phép
đăng ký chủ trì các đề tài NCCB và được cấp kinh phí
với điều kiện phải có kết quả giao nộp tương ứng.
Trong tương lai không xa khi khoa học VN thực sự hội
nhập với chuẩn mực quốc tế (hội nhập không có nghĩa
là đã đuổi kịp các nền khoa học tiên tiến, mà là như
Thái lan chẳng hạn; ta vẫn nói kinh tế VN đang hội
nhập kinh tế thế giới với việc gia nhập WTO), các
kết quả NCCB chủ yếu sẽ phải là các công bố quốc tế.
Việc theo dõi và đánh giá các đề tài theo các tiêu
chí đã nói ở trên là một công việc không đơn giản
cần nhiều sức lực và kỹ năng chuyên môn. Vụ KHXH &
TN cần được bổ xung biên chế cần thiết để đảm đương
được nhiệm vụ. Các chuyên viên cần dược tạo điều
kiện tới các cơ quan tương ứng của Mỹ, Hàn quốc,
TQ... học hỏi thêm về các chuẩn mực khoa học, kinh
nghiệm và kỹ năng quản lý. Nếu trước mắt chưa có
ngay được nguồn nhân lực cần thiết, có thể trích
tiền từ quỹ NCCB để thuê cán bộ thực hiện từng công
đoạn kiểm tra, thống kê, tổng hợp. Nên trở lại với
phương thức Bộ đã từng làm là quản lý các đề tài qua
máy tính, và hơn nữa là đưa lên website các thông
tin công khai về kinh phí, đề cương và kết quả chi
tiết của các đề tài. Bộ nên mạnh dạn mời tới tham
vấn, thậm chí tham gia trực tiếp vào quá trình đánh
giá, các nhà khoa học có tâm huyết và thành tích
nghiên cứu đang công tác tại các Viện, các trường
ĐH, bất kể tuổi tác, chức vụ của họ, kể cả các TS
trẻ xuất sắc mới từ các nền KH tiên tiến trở về.
Cũng nên thay đổi danh sách đó thường xuyên để khách
quan và tránh hình thành một nhóm quyền lợi - đặc
biệt là các chức sắc KH thường dùng vị thế của mình
để gây ảnh hưởng.
Đánh giá các đề tài và phân bổ kinh phí là nhiệm vụ
trọng tâm của Bộ KH&CN. Bộ đang nắm trong tay một
đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ có thể làm thay đổi đường
hướng phát triển của khoa học nước nhà. Không làm
được điều đó, các nhà quản lý sẽ phải chia phần
trách nhiệm trước nhân dân cùng với các nhà khoa học
chuyên môn về sự yếu kém của khoa học VN hiện nay.
II. Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng
So với các NCCB thì các đề tài cấp Nhà nước và cấp
Bộ với định hướng ứng dụng ngốn số tiền ngân sách
lớn hơn nhiều, nhưng hiệu quả thấp, nhiều đề tài làm
xong chỉ để xếp tủ, và hiện vẫn chưa có tiêu chí
đánh giá và quản lý các đề tài này một cách thực sự
khoa học!
Một số chức sắc khoa học trong nước thường có định
kiến là các nghiên cứu công bố trong các bài báo
đăng trên các tạp chí khoa học và được cấp ít tiền
là NCCB, lý thuyết, còn các nghiên cứu có dính đến
số liệu hiện trường, hoặc nhắm tới một địa chỉ cụ
thể ở VN làm đối tượng, phải tiến hành các đo đạc
hoăc tính toán số trên máy tính, được cấp nhiều kinh
phí và kết quả được nghiệm thu bởi một hội đồng chức
sắc là các nghiên cứu ứng dụng. Đó là cách nghĩ cảm
tính quá đơn giản. Một số nhà khoa học có danh cũng
tìm cách lảng tránh việc công bố các bài báo trên
các tạp chí khoa học vì phải đối đầu với các phản
biện khuyết danh am hiểu chuyên môn vốn rất gai góc,
và cho rằng đó là công việc của thời làm NCS và thực
tập sinh cao cấp ở nước ngoài khi họ được các nhà
khoa học đàn anh hướng dẫn. Họ làm các đề tài ứng
dụng kinh phí lớn, và chỉ phải chịu phản biện một
lần khi kết thúc đề tài bởi một hội đồng nghiệm thu
gồm các chức sắc trong nước rõ mặt rõ tên nể nang
nhau. Họ cũng đăng ký chủ trì và lý luận rằng các
NCCB của họ cũng vì phục vụ ứng dụng nên không cần
phải đăng dưới dạng bài báo trên tạp chí chuyên môn
mà chỉ cần là các báo cáo khoa học ! - đó là những
ngụy biện tai hại.
Một phần các công bố trên các tạp chí quốc tế là các
nghiên cứu thuần túy lý thuyết, nhưng đa số là các
nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng, sử dụng mô phỏng
số, và cả về công nghệ (tuy có những chi tiết được
giữ kín chỉ giới thiệu hình thức không đi cụ thể).
Đã là các nghiên cứu khoa học dù là ứng dụng đều
phải có cái mới và được công bố dưới dạng bài báo
khoa học, hay là bằng phát minh, sáng chế. áp dụng
công nghệ sẵn có, sử dụng chương trình mẫu đã có và
lắp vào các số liệu cụ thể để tính là việc của các
hãng sản xuất và các KS thực hành hoặc cùng lắm là
của các hợp đồng với SX, không phải là các nghiên
cứu khoa học. Có những nghiên cứu ứng dụng dẫn ngay
tới kết quả áp dụng trên thực tế, hoặc dẫn đến các
bằng phát minh, sáng chế, nhưng số khác phát triển
từng bước và hoàn thiện dần (nhưng phải chứa đựng
các kết quả được công bố dưới dạng các bài báo). Bởi
vậy nó mới cần hỗ trợ dưới dạng các đề tài nghiên
cứu, còn nếu có ngay hiệu quả kinh tế thì các hãng
sẽ đầu tư trực tiếp, không cần đến chính phủ hỗ trợ
qua đề tài. Một số nhà "nghiên cứu ứng dụng" của
chúng ta thường biện luận: tôi làm nghiên cứu ứng
dụng phục vụ trực tiếp nhu cầu quốc kế dân sinh nên
không có trách nhiệm phải công bố các bài báo - vốn
là phần việc của anh lý thuyết. Nếu anh ta chỉ áp
dụng các công nghệ, chương trinh sẵn có nhưng mang
tới các kết quả thấy đựoc cho thực tế qua các hợp
đồng kinh tế tuân theo các quy luật của kinh tế thị
trường, thì đó là điều cũng đáng hoan nghênh và
khuyến khích. Nhưng nếu vẫn cách thức đó anh ta đăng
ký như đề tài nghiên cứu khoa học (nghĩa là được
kinh phí bao cấp) chỉ để đóng quyển nộp báo cáo tổng
kết đè tài - thì đó là điều không thể chấp nhận
được, nhưng thật đáng buồn, vẫn là hiện thực phổ
biến trong nghiên cứu khoa học ở VN hiện nay. Thực
tế trên thế giới thì các nhà lý thuyết thường làm
việc đơn lẻ hoặc nhóm nhỏ, trong khi các nhà ứng
dụng và thực nghiệm làm thành các nhóm lớn hơn có sự
hỗ trợ của nhiều thành viên để làm các phần việc
khác nhau. Thực tế cũng cho thấy rằng, thường thì
các nhà nghiên cứu ứng dụng và cả thực nghiệm có số
công bố trên các tạp chí khoa học thậm chí nhiều hơn
hẳn so với các nhà nghiên cứu lý thuyết ! - ngược
hẳn so với thiên kiến của một số người ở VN. ở VN
các đề tài ứng dụng cấp Nhà nước và cấp Bộ có thể
bao gồm nhiều công đoạn hướng tới giải quyết trọn
vẹn một vấn đề thực tế náo đó. Có những công đoạn
đơn giản nhưng phải có các công đoạn có hàm lượng
khoa học cần được công bố dưới dạng các bài báo trên
các tạp chí khoa học trong hay ngoài nước được phản
biện nghiêm túc và khách quan bởi các chuyên gia
giỏi giữ kín danh tính. Một đề tài không đem đến
hiệu quả ứng dụng thấy được, không có các công bố
khoa học tương xứng mà chỉ để xếp tủ, dù đã được
thông qua bởi một hội đồng chức sắc nể nang nhau ở
mức giỏi hay xuất sắc đi nữa, là một đề tài hỏng,
lãng phí. Các đề tài ứng dụng chưa đem đến kết quả
ngay, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lưu hồ sơ
theo rõi để rút kinh nghiệm quản lý và cung cấp cho
bất cứ ai quan tâm vào bất cứ thời gian nào - dù để
sử dụng, học hỏi, hay để kiểm tra, phê phán ! Các
chủ trì đề tài đã nghiệm thu tiếp tục thông báo cho
cơ quan chủ quản đề tài cũ các phát triển tiếp theo
nếu có. Nếu đến thời điểm nào đó sau này từ các
nghiên cứu ban đầu đó dẫn đến các hiệu quả ứng dụng
thật sự thì đóng góp của đề tài và các cá nhân tham
gia cần được ghi nhận và tôn vinh. Ngược lại, thì
việc xét các đề tài tiếp sau của các cá nhân này cần
được xem xét nghiêm ngặt hơn. Tóm lại các đề tài ứng
dụng cấp Nhà nước và cấp Bộ không chỉ cần kiểm soát
chặt chẽ hơn về hiệu quả ứng dụng theo thời gian, mà
còn cần phải nâng cấp để tuân theo các chuẩn mực như
NCCB là có được những bài báo khoa học nghiêm túc
hay bằng phát minh sáng chế, cho xứng với số tiền
lớn đã bỏ ra.
Một thực
tế là các lĩnh vực Toán học và Vật lý ở VN đã đạt
được tới các chuẩn mực cao hơn các ngành khác trong
nghiên cứu khoa học. Họ cứ
đóng góp sánh ngang, thậm chí vượt trội các
nước bạn
ĐNA
về các công bố quốc tế. Ông tổng thư ký Quỹ Humboldt
(CHLB Đức) một lần đã hỏi tôi về cái khác biệt của
VN so với các nước khác là phần lớn số người VN được
học bổng Humboldt là các nhà toán học, và ngỏ ý rằng
họ sẽ chiếu cố hơn khi xem xét ứng viên các ngành
khác của VN, gồm cả kỹ thuật, kinh tế và KHXH [Học
bổng Humboldt là học bổng nghiên cứu sau TS có uy
tín bậc nhất trên thế giới, mọi ứng viên dưới 40
tuổi thuộc mọi ngành trên thế giới đều đăng ký xin
trực tiếp không cần thông qua các cơ quan chính phủ,
và tiêu chuẩn xét là dựa trên các kết quả khoa học
đã công bố tương ứng với tuổi ứng viên (tuổi càng
cao yêu cầu cũng sẽ cao hơn)]. Lý do một phần là vào
các thập niên trước, khoa học Toán-Lý đã thu hút
những tài năng trẻ xuất sắc nhất của VN - chính sách
được cổ vũ bởi cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Những
thành công khoa học của những nhà tiên phong như các
GS Hoàng Tụy và Nguyễn Văn Hiệu đã tạo niềm tin,
hứng khởi và chuẩn mực để các thế hệ tiếp sau phấn
đấu vươn lên. Đặc biệt GS Hoàng Tụy là tấm gương
sáng của một nhà khoa học thực thụ, ông không chỉ
duy trì phong độ nghiên cứu khoa học ở trình độ cao
trong suốt thời gian làm việc - không bị đứt gánh
giữa đường, mặc dù cũng đã từng đảm nhiệm các cương
vị lãnh đạo, mà còn luôn đi đầu cổ vũ thế hệ trẻ và
các đồng nghiệp phấn đấu công bố quốc tế. Có ý kiến
cho rằng các lĩnh vực Toán-Lý có thiên hướng lý
thuyết nên cần viết các bài báo khoa học, còn các
lĩnh vực khác thiên ứng dụng hơn thì nhằm mục tiêu
chính là phục vụ quốc kế dân sinh, khỏi cần viết bài
và viết khó hơn. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên,
thiên kiến đó hoàn toàn sai lệch. Thái lan, tuy chỉ
nhiều nhất là ngang tầm chúng ta trong nghiên cứu
Toán-Lý, vẫn vượt chúng ta nhiều lần về các công bố
khoa học quốc tế, chính nhờ các kết quả khoa học đã
công bố của họ trên các lĩnh vực nghiên cứu ứng
dụng. Không phải là lực lượng nghiên cứu Toán-Lý của
chúng ta đông đảo hơn các ngành khác (so sánh phân
bố về số lượng, không nói về chất lượng, theo tôi là
không có gì bất bình thường), ngược lại, lực lượng
làm nghiên cứu khoa học ở các ngành ứng dụng của
chúng ta là đông đảo còn hơn Thái lan, qua các thống
kê. Cũng không phải là các ngành Toán-Lý có được
những ưu ái, mà chính các ngành được nói là gần ứng
dụng hơn đã nhận được nhiều đề tài nghiên cứu ứng
dụng các cấp với kinh phí lớn. Vậy đâu là lý do yếu
kém của các nghiên cứu ứng dụng của chúng ta. Tôi
không tin là các nhà khoa học của chúng ta không có
khả năng, mà phần nhiều do những nguyên nhân chủ
quan, chính sách điều hành quản lý, và văn hóa làm
khoa học nghiệp dư xuất phát từ thời kỳ bao cấp khó
khăn vần đang ngự trị ở nhiều nơi. Phải nhận rằng
các ngành Kỹ thuật đã có những đóng góp nhất định
cho quốc kế dân sinh, nhưng nhìn chung mới là ở
trình độ thấp. Các nước Đông Âu đã đào tạo giúp
chúng ta một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học
trên mọi lĩnh vực, nhiều người trong số họ có học vị
cao và chiếm giữ các vị trí đầu ngành của khoa học
nước nhà. Trở về nước, đối mặt với những khó khăn
gay gắt cả về kiếm sống lẫn kinh phí, điều kiện,
thiết bị nghiên cứu, họ nhằm vào các mục tiêu ngắn
hạn, làm các dịch vụ sơ đẳng phục vụ sản xuất và có
lợi ích kinh tế trực tiếp cho bản thân, tạm gác các
nghiên cứu chiều sâu vốn đòi hỏi cập nhập thông tin
thường xuyên và những lỗ lực lớn, và lâu rồi thì
quên luôn nó đi, tạo luôn thành một nếp làm việc áp
cho các cấp dưới và cả thế hệ tiếp sau. Cũng phải
nhận rằng cùng thời gian đó một số nhà toán học xuất
sắc đã tìm được đường sang cộng tác bên phương Tây
vừa tiếp tục nâng cao khả năng khoa học, có được lợi
ích kinh tế, và cũng là nguồn động viên và mở đường
cho thế hệ trẻ hơn xung quanh họ phấn đáu noi theo.
Giờ đây các điều kiện làm nghiên cứu và cuộc sống đã
tốt hơn trước rất nhiều nhờ những thành công của cải
cách kinh tế (chứ không phải do khoa học dẫn dắt).
Nhiều đồng nghiệp trẻ trong ngành Cơ học và ở các
lĩnh vực khác, nhất là những người mới đi thực tập
từ nuớc ngoài trở về tự tin rằng họ có thể phấn đấu
thực hiện các nghiên cứu khoa học chuẩn quốc tế, nếu
có được chính sách khuyến khích và một môi trường
khoa học lành mạnh xung quanh. Nhưng họ sẽ đi theo
xu hướng nào khi thói quen làm việc cũ vẫn đang ngự
trị, xét duyệt các đề tài vẫn bởi những con người cũ
với phương cách cũ. Các nhà quản lý cần có các quyết
sách mạnh bạo độc lập hơn (thoát khỏi ảnh hưởng của
số chuyên gia đầu ngành đã lạc hậu dù thời xa xưa họ
có oanh liệt đến mấy), theo sát các chuẩn mực quốc
tế đẫ được xác lập, mạnh dạn hơn trong tham vấn các
nhà khoa học trẻ đang làm việc hướng tới các chuẩn
mực cao. Tất nhiên cá nhân một nhà khoa học trẻ đã
có kết quả khẳng định ở tầm quốc tế cũng có thể có
những ý kiến hơi cực đoan, nhưng khi tham vấn số
đông những người như họ, tôi tin chúng ta sẽ có các
giải pháp đúng đáp ứng các yêu cầu của khoa học hiện
đại. Cải cách sẽ không dễ dàng bởi sự cản trở của số
đông bảo thủ, một số còn nắm các chức vị có ảnh
hưởng. Tôi cho rằng Bộ KHCN nên mời các chuyên gia
nước ngoài sang tham vấn giúp đánh giá trực tiếp các
đề tài khoa học, ít nhất là làm mẫu chuẩn trong một
thời gian. Trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay từ
lối tư duy bao cấp lạc hậu sang phương cách làm việc
khoa học tiên tiến, tôi cho là điều đó thậm chí còn
quan trọng hơn là việc mời các chuyên gia sang giúp
chuyên môn ở các ngành cụ thể.
III.
Khoa học ở VN chưa theo kịp với trào lưu hội nhập.
Thiếu
tiêu chí, chuẩn mực khoa học trong đánh giá công tác
nghiên cứu, đào tạo là một yếu điểm chính của khoa
học VN hiện nay. Các đồng nghiệp bên Viện Vật lý
đang phấn đấu mỗi luận án TS phải có ít nhất một bài
báo đăng tạp chí quốc tế (ở Hàn quốc yêu cầu ít nhất
là 2 và thậm chí Philippine cũng đòi hỏi ít nhất 1
bài báo đăng trên tạp chí Quốc tế có trong danh sách
của ISI). Nếu điều đó đạt được sẽ là một chuẩn mực
tốt cho các ngành khác noi theo và hạn chế số TS
đang tăng ồ ạt hiện nay, đặc biệt từ những nơi trũng
nhất về chuẩn mực khoa học. Tiêu chuẩn đó cũng giúp
cho các NCS thay vì chạy theo các quan chức khoa học
cho dễ bảo vệ luận án, dù các vị này thường bận công
tác quản lý ít giúp được gì cho chuyên môn, mà tìm
đến những ai đang làm việc nghiên cứu hiệu quả, kể
cả các TS trẻ mới từ nước ngoài trở về. Tiêu chuẩn
GS (hay NCVCC) của chúng ta vào loại phức tạp nhất
thế giới: phải có 20 điểm công trình (nhiều hơn là
thừa?), phải là PGS được 6 năm, phải có NCS đã bảo
vệ TS, phải dậy đủ số giờ quy định, phải viết một
quyển sách, phải ..., bất kể chất lượng những thứ đó
ra sao. Chúng ta định xây dựng lâu đài khoa học với
những viên gạch đúc mẫu cùng một khuôn bề ngoài
trông giống y sì như nhau, nhưng viên đặc viên rỗng
như thế chăng? Phải chăng những nếp nghĩ của thời
bao cấp đã ăn sâu bén rễ trong xã hội chúng ta? Cái
mà chúng ta cần là một tiêu chuẩn đơn giản nhưng
hiệu quả để chọn ra những đầu tầu khoa học thật sự
ngay ở độ tuổi sung sức nhất của họ chứ không phải
khi họ đã qua tuổi xế chiều không còn là đầu tầu
khoa học thật sự nữa mà chỉ còn là những tượng đài.
Một GS ở ĐH Sydney (Australia) có đưa tôi coi lý
lịch khoa học 3 ứng viên (mỗi người đều có chừng sáu
bẩy chục công trình) tranh vị trí GS mà ông ấy phải
tham gia hội đồng chọn, và chỉ ngay vào 1 ứng viên,
nói rằng các nghiên cứu của ông này mạnh hơn - thật
đơn giản! Tôi có biết một GS trẻ ở ĐH Princeton (Mỹ)
- một chuyên gia về độ bền của các vật liệu điện
nhiều lớp kích cỡ từ cm tới nano, cầm đầu một nhóm
nghiên cứu thuộc loại đông nhất của Khoa Cơ làm đủ
các việc từ thử nghiệm tới mô hình hóa và tính toán
số, thiết kế. Ông ấy tốt nghiệp ĐH ở Bắc kinh, làm
TS ở Harvard, qua một năm học bổng nghiên cứu
Humboldt ở Đức, trở lại Mỹ ông ta thăng tiến trong
vòng 5 năm từ giảng viên trẻ (assistant professor)
tới GS (full professor) ở ĐH California ở Santa
Barbara; sau đó ở độ tuổi 35 ông chuyển đến nhận
chức GS ở ĐH Princeton - trường ĐH danh tiếng thường
xuyên đứng đầu bảng xếp hạng các ĐH ở Mỹ. Gần đây
tôi có đọc trên tờ Science một câu chuyện đại thể:
Một TS trẻ tài năng từ TQ qua học bổng Humboldt 2
năm, rồi thêm 1 năm thực tập ở Nhật, ở tuổi ngoài 30
đã trở về lập tức được nhận chức GS ở một Viện Vật
lý thuộc Viện hàm lâm khoa học TQ, theo chương trình
trải thảm đỏ mời về nước các nhân tài trẻ của họ.
Tiếc rằng sau 3 năm thử thách, một Hội đồng khoa học
đã bỏ phiếu 8/11 chấm dứt hợp đồng với anh này, vì
qua thời gian đó anh ta không có được một bài báo
quốc tế nào, chỉ có 2 bài báo khoa học đăng tạp chí
TQ và một quyển sách viết tổng kết các kết quả
nghiên cứu của anh ta ở nước ngoài - không tương
xứng với vị trí anh ta đang đảm nhiệm, cũng như
những thành công anh ta đã từng có trong thời gian
trước. Sau đó anh ta cũng xin được vị trí ít tầm cỡ
hơn là GS ở ĐHSP Bắc kinh.... Quyết tâm vươn tới
chuẩn mực khoa học cao và cạnh tranh khoa học ở TQ
cải cách đã mạnh mẽ, trong nhiều trường hợp, không
kém gì ở Mỹ, và cả ở 2 nơi cánh cửa luôn mở với các
nhân tài trẻ, còn chúng ta thí sao? Họ thì trẻ còn
chúng ta thì già, họ đơn giản còn chúng ta phức tạp:
phải chăng họ kém chuẩn mực hơn chúng ta? Không chỉ
trong nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn chính trong
việc xét TS, GS phải là các công bố trên các tạp chí
quốc tế. Nếu chưa đưa ra được yêu cầu bắt buộc, với
lý do trình độ chung của chúng ta còn kém, thì các
thành tích công bố quốc tế của các cá nhân xuất sắc
(dù họ có thể còn trẻ, và không phải là lãnh đạo)
cần được ưu tiên để giảm nhẹ đi các tiêu chuẩn hình
thức khác mà trong tình hình cụ thể VN vốn chỉ có
lợi cho những người lớn tuổi có thâm niên và đảm
nhiệm các vị trí lãnh đạo. Nếu không làm được như
vậy, chúng ta đã tự tách mình ra khỏi phần còn lại
của thế giới, và các danh vị TS và GS của chúng ta
sẽ vẫn là thứ đồ hàng mã. Không kể tới các huân huy
chương lao động vì nặng về các yếu tố chính trị, các
giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh và Quốc gia có hoàn
toàn dựa trên các tiêu chuẩn khoa học giống như các
giải thưởng khoa học Quốc tế hay không? Cấp bậc lãnh
đạo của ứng viên có phải là yếu tố quyết định khi
xét thưởng? Nếu yếu tố chính trị quá lớn, những
người chuyên tâm làm khoa học đơn giản sẽ không quan
tâm đến giải thưởng mà coi đó là cuộc đấu giữa các
chức sắc. Thậm chí việc xét giải thưởng công nghệ
VIFOTEC , một số giải thưởng gây ngạc nhiên cho giới
chuyên môn. ở đây lại nổi lên vấn đề về tiêu chí đối
với một công nghệ, khả năng bao quát và đánh giá của
ban xét duyệt.
ở các nền khoa học lành mạnh, lãnh đạo các cơ quan
khoa học không cứ phải là một trong số các chuyên
gia đầu ngành, nhưng phải là nhà quản lý giỏi, biết
cách thu hút người tài, tạo điều kiện môi trường
thuận lợi tối đa cho các thành viên làm việc và phấn
đấu vươn lên, vì chính tài năng và các kết quả
nghiên cứu của họ đem đến uy tín và sự thịnh vượng
cho cơ quan khoa học đó trong sự cạnh tranh thi đua
với các cơ quan khoa học khác. Các nhà lãnh đạo giỏi
biết cách nhẫn nại và rộng lượng với những nhân tài
có cá tính gai góc. Luật của họ cũng rất nghiêm để
chống lại bất kỳ các biểu hiện bề trên, phân biệt
đối xử, ngáng trở công việc của người khác. Một bạn
đồng nghiệp giảng dậy ĐH ở Mỹ kể với tôi rằng, anh
ta đã đưa các kết quả khoa học mới công bố của mình
ra trình với Trưởng khoa, và yêu cầu được thăng tiến
trước hạn (bằng không thì anh ta có thể sẽ xin
chuyển đi nơi khác) và anh ta đã nhận được cái mà
anh ta muốn. Một GS đại học ở Đức gửi hồ sơ thi và
giành được vị trí GS ở một đại học khác, nhưng là
nhằm gây sức ép với ban lãnh đạo của đại học cũ đáp
ứng một số yêu cầu của ông ấy. Ông áy đã thành công
và ở lại, còn ứng cử viên số 2 ở đại học kia đã
giành được vị trí GS ở đó cũng chính là GS chủ nhà
của tôi trong 1 chuyến công tác tại Đức.
Vì thiếu chuẩn mực nghiêm túc đành giá con người
cũng như cơ quan khoa học, lãnh đạo một số cơ quan
khoa học ở ta tự cho mình là nhà khoa học đầu ngành,
tìm cách ngăn trở hay phớt lờ những tài năng mà họ
không ưa hoặc cho có khả năng đe dọa vị trí và uy
thế của họ, vơ vét cá nhân, đề cao và phân phát bổng
lộc nhà nước cho những kẻ tài mọn nhưng gần gũi với
họ, vì thực tế họ không chịu bất kỳ sức ép nào về
thành tích khoa học (thật sự) của cơ quan. Thành
tích ảo ở ta xây dựng quá dễ nếu chịu chơi trò chơi
quyền lực, vì các chuẩn mực thấp kém và không rõ
ràng. Thật giả tồn tại song song, nên thật khó để
các bạn trẻ noi gương và tới làm việc thật với một
chuyên gia giỏi có lương tâm nghề nghiệp, trong khi
ở số đông các nhóm bên cạnh họ làm giả hay nửa thật
nửa giả vừa nhàn nhã nhưng tiền lại rủng rỉnh hơn mà
lại còn được đề cao nữa nếu cùng gu với lãnh đạo !
Không có một tiêu chí mặt bằng nghiêm túc trong khoa
học theo tiêu chuẩn quốc tế đã được thử thách (một
kiểu chuẩn mực kinh tế thị trường của khoa học), sẽ
không thể có sự phát triển lành mạnh của khoa học
VN. Một đồng nghiệp trong cơ quan đã lúng túng khi
có một nhà khoa học trong nhóm chuyên gia Pháp sang
thăm hợp tác giúp VN phát triển khoa học công nghệ,
có nhằm vào một GS đầu ngành của chúng ta và hỏi cậu
ấy: Ông ấy nói nhiều thứ nhưng thực sự ông ấy mạnh
nhất trong lĩnh vực chuyên môn nào? Tôi đã thử cố
gắng tìm tên ông ấy qua Internet nhưng không thấy.
Quả thật nếu kiểm tra qua các website khoa học trên
Internet thì nhiều GS của chúng ta không có tên,
trong khi lại có tên những nhà khoa học khác, một
khi họ có công bố quốc tế. Thật khó giải thích cho
các nhà khoa học quốc tế cái đặc biệt của khoa học
VN (mà những cái đặc biệt thì có nhiều): Các nhà
lãnh đạo khoa học của chúng ta đều là các đại biểu
ưu tú trong thế hệ của họ, được đào tạo tốt ở nuớc
ngoài, và ở trong số những người VN đầu tiên đạt tới
học vị cao nhất, nhưng khi trở về nước họ đảm nhiệm
trọng trách lãnh đạo, nhiều người chủ trì các đề tài
lớn ứng dụng, nên không còn thời gian và ý chí dể
phấn đấu nâng cao khả năng chuyên môn, công bố quôc
tế - những việc vốn rất gai góc mà lợi ích trực tiếp
thì không thấy ngay. Liệu vị GS đầu ngành nọ của
chúng ta, người luôn hô hào đề cao nghiên cứu ứng
dụng tại các hội nghị về NCCB có dám nói với vị GS
người Pháp kia rằng nghiên cứu ứng dụng không gắn
với công bố bài báo khoa học? vì ông người Pháp kia
chính là một nhà khoa học ứng dụng. Phải chăng đó là
khiếm khuyết văn hoá của nền khoa học mới hình thành
của chúng ta. Văn miếu Quốc tử giám mới chỉ tôn vinh
học hành đỗ đạt cao (để sau đó ra làm quan, hưởng
vinh hoa phú quý). Một nền khoa học yếu kém như của
chúng ta thật khó có thể sản sinh ra các thiên tài
khoa học xuất chúng. Liệu chúng ta có quá tự mãn hay
không khi thường gọi các nhà lãnh đạo khoa học của
mình là các VS. Đối với đa số người dân, cái chức
danh này tỏ ra khó hiểu và mơ hồ (tuy ngày xưa ở ta
cũng có cái gì đó nghe na ná như thế, như hàn lâm
học sĩ chẳng hạn), vì nó còn chưa được nhà nước
thông qua. Đối với số đông các nhà khoa học làm
chuyên môn ở trong nước, nó cũng không có tác dụng
là tấm gương để họ phấn đấu vươn tới. Đối với quốc
tế chúng ta cũng chẳng gây được ấn tượng với họ:
Riêng ở LX có truyền thống gọi các đỉnh cao khoa học
của họ là các VS, nhưng với đa số các nền khoa học
khác, dù nhiều nơi cũng có Viện hàn lâm, họ chỉ nhăc
tới chức danh này trong tiểu sử chi tiết của một nhà
khoa học, còn bình thường chỉ dùng các chức danh
chức vị thông dụng như GS và TS. Các VS của chúng ta
cũng hiểu rằng họ không thể sánh được với các VS của
người anh LX về đóng góp nghiên cứu khoa học, mà chỉ
có thể ở chức vị lãnh đạo khoa học tương ứng giữa 2
nhà nước. Vậy thì chức danh này là nhằm gây uy thế
hướng tới các nhà hoạch định chính sách quốc gia
trong chính phủ? Phải chăng các chính trị gia của
chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh bởi điều đó?
Thiếu tiêu chí chuẩn mực khoa học nghiêm túc, thiếu
thi đua lành mạnh, ôm khư khư lối mòn, không chịu
thay đổi là các cản trở chính đối với sự phát triển
của khoa học VN hiện nay. Chúng ta chưa có được một
văn hoá làm khoa học thật sự. Do vậy việc thành lập
Viện hàn lâm khoa học VN, hay chọn lựa 200 nhà khoa
học đầu đàn để trả mức lương 1000 $/tháng, bởi các
chức sắc khoa học của chúng ta, theo các cách truyền
thống của chúng ta, có thể sẽ tạo ra các sản phẩm
không giống những gì chúng ta đã thấy ở các nền khoa
học khác mà chúng ta muốn noi theo (trong khi những
vấn đề cơ bản hơn như việc thiết lập các tiêu chí
chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế để giúp đánh giá
công việc những cá nhân đó thì còn chưa làm). Kế
hoạch thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN tuy
có nhiều ý kiến băn khoăn và trái chiều, nhưng tôi
nhìn thấy ở đây một yếu tố tích cực quan trọng: Sự
tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia của các
ĐH quốc tế danh giá vào tiến trình sẽ dậy chúng ta
cách áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong giảng dậy,
nghiên cứu, điều hành, và là tấm gương cho cả cái hệ
thống cồng kềnh ì ạch của chúng ta cải cách thay
đổi. Tự thân chúng ta xem chừng còn lâu mới làm được
điều đó.
Chúng ta đi sau có thuận lợi học hỏi kinh nghiệm đã
được thử thách về công tác tổ chức, đào tạo, nghiên
cứu của các nền khoa học Âu, Mỹ, úc, Hàn quốc,
Singapore, TQ,... Nhưng nhìn thấy là một chuyện còn
làm được lại là một chuyện khác - hết khó khăn này
đến khó khăn kia và tốt nhất là đứng yên, lợi ích cá
nhân được bảo toàn. Hãy nhìn sang TQ - một nước
giống chúng ta về thể chế chính trị, văn hoá, bước
đường phát triển. Họ mới là người sáng tạo ra phương
thức kinh tế thị trường XHCN mà chúng ta cũng đang
học tập phát triển thành công. Nhưng tiếc rằng trong
khoa học tình hình chưa được như vậy. Nền khoa học
TQ đã có những cải cách phát triển vượt bậc và khác
xa cái mà chúng ta đang có hiện nay. Biên chế các cơ
quan khoa học của TQ được co lại, tính cạnh tranh
cao với các tiêu chí chuẩn mực tiến theo tiêu chuẩn
quốc tế. ở ta biên chế vẫn nặng nề bởi tàn dư của
quản lý bao cấp, các công chức khoa học không được
tuyển lựa và sàng lọc thường xuyên theo các chuẩn
mực nghiêm túc, lương bổng thấp. Tôi vẫn nghe thấy
lời bình từ đâu đó rằng ở các cơ quan khoa học VN
chỉ 30% là có làm việc. Chế độ lương bổng của các
cán bộ khoa học TQ là thích đáng: chẳng hạn một KS
Viện nghiên cứu lương khoảng 8 triệu đ VN (kinh phí
đề tài nghiên cứu khoa học chủ yếu để phục vụ các
yêu cầu nghiên cứu chứ không phải giúp phụ thêm thu
nhập như ở ta). ở ta cứ coi có thu nhập bình quân
bằng nửa TQ thì lương một nghiên cứu viên tương tự
phải là 4 triệu. Trên thực tế chỉ được hơn 1 triệu,
nhưng bằng các cách lòng vòng, kể cả qua các đề tài
và nghề tay trái (sử dụng thời gian cơ quan!), anh
ta cũng có thể kiếm được tổng cộng 3- 4 triệu. Cái
dở ở đây là anh ta không tập chung được vào nhiệm vụ
chuyên môn chính của mình, và các kiểu thu nhập lòng
vòng có lợi cho các cấp trung gian của hệ thống quan
liêu và dẫn tới chênh lệch thu nhập không lành mạnh
(người chủ trì các đề tài lớn, nhất là cấp Nhà nước,
Bộ, các chức sắc và một số kẻ biết quan hệ có thể
thu nhập lớn so với mặt bằng chung và so với cống
hiến thực sự của họ). Quản lý tài chính không sát
thực với thực tế dẫn tới thực tế là các nhà khoa học
từ người làm thật tới người làm giả thường phải khai
dối để hợp lý hoá các chứng từ. Một giảng viên ĐH lẽ
ra phải tập trung nghiên cứu vừa đóng góp cho phát
triển khoa học công nghệ vừa nâng cao trình độ để
liên tục cập nhập giảng dậy tốt hơn, thì tìm cách
tăng tiết dậy, dậy thêm dân lập, hàm thụ, kể cả dậy
phổ thông và luyện thi đại học. Ai đó có thể khen đó
là sự năng động đáp ứng các đòi hỏi của kinh tế thị
trường, tôi thì cho đó là một điều tai hại cho khoa
học đỉnh cao của nước nhà. Giáo dục phổ thông của
chúng ta dù bị chê bai nhiều vẫn khá hơn giáo dục ĐH
(theo so sánh với chuẩn quốc tế), kém hơn nữa là đào
tạo Ths, TS, và kém nhất là đỉnh chóp của hệ thống
gồm các GS và chức sắc khoa học. Vây hãy có chính
sách thích hợp để anh giảng viên kia tập trung vào
cái ĐH mà anh ta đang giảng dậy - vốn là khâu yếu
hơn. ở TQ và các nền khoa học lành mạnh khác, anh
giảng viên đó có thể mất chỗ ở ĐH vì không có hoặc
ít các công trình nghiên cứu công bố đạt chuẩn mực
quy định (vì anh ta đã mất hết thời gian vào việc
dậy thêm kiếm tiền). Chúng ta phải theo gương các
nước trên thế giới, hạn chế số giờ dậy của các giảng
viên ĐH và nâng cao đòi hỏi về các kết quả nghiên
cứu - giúp phát triển khoa học công nghệ đồng thời
cũng giúp nâng cao chất lượng giảng dậy. Hãy nhớ tới
khẩu hiệu ở các ĐH Mỹ: công bố (bài báo KH) hay là
chết. Hãy kéo lực lượng nghiên cứu đông đảo từ các
Viện thuộc các Bộ tham gia giảng dậy và yêu cầu họ
duy trì nâng cao kiến thức cơ bản, nâng cao chuẩn
mực nghiên cứu, để trong khi giải quyết các vấn đề
công nghệ cụ thể, phải đưa ra được các kết quả có
chất lượng dưới dạng các bài báo khoa học. Viện
KH&CN VN phải trở thành đầu tầu về các nghiên cứu có
chiều sâu và công nghệ mũi nhọn theo gương các cơ
quan tương ứng của TQ và Hàn quốc.
Rõ ràng khoa học chúng ta đang tụt hậu so với tiến
trình hội nhập. Người công nhân may mặc, da giầy,
người nông dân trồng cà phê có thể năm nay thu nhập
khá, năm sau thấp hơn, thậm chí mất việc vì các quy
luật cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường.
Các công chức khoa học của chúng ta hưởng lương bao
cấp làm việc cứ như chơi, tận dụng chức vị và mọi
yếu kém của cơ chế để tăng thu nhập (trong khi những
người công nhân nông dân kia đang trông đợi chúng ta
giúp làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, và
chính họ là những người đóng ngân sách để trả lương
và cung cấp các đề tài cho chúng ta). Vai trò của
khoa học VN đối với nền kinh tế trong giai đoạn quá
độ hiện nay chưa thể so sánh được về tầm quan trọng
với sự năng động của giới doanh nhân kết hợp với sự
hoạch định chính sách sáng suốt của các chính trị
gia trong việc thiết lập một nền kinh tế thị trường
phát triển thật sự năng động và vững chắc. Chúng ta
mới chủ yếu tiếp nhận các công nghệ hiện đại sẵn có
với vốn đầu tư nước ngoài cùng cách thức quản lý
chuẩn mực quốc tế, và tiếp nhận phần công vịệc có
phần thấp cấp hơn trong phân chia lao động quốc tế.
Sự yếu kém của khoa học có thể còn ít nhận thấy.
Trong tương lai không xa khi kinh tế phát triển hơn,
với yêu cầu nâng cao tính cạnh tranh và vị thế quốc
gia, vai trò của khoa học sẽ ngày càng trở nên cấp
bách. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ ngay từ
bây giờ, khoa học VN sẽ không có cơ hội trở thành
động lực cho sự phát triển kinh tế mà vần chỉ là bộ
phận ăn theo và đóng vai trò tỉa tót, phụ trợ mà
thôi, còn VN sẽ mãi là sân sau và một trong số các
xưởng gia công của thế giới. Đóng góp cho khoa học
thế giới cũng giúp khẳng định vị thế quốc gia và tự
hào dân tộc. Người Hàn quốc đã tự hào biết bao khi
những đột phá khoa học trong nghiên cứu tế bào gốc
của họ đã làm cả thế giới kính nể. Tiếc rằng sau đó
đã phát hiện ra nhà khoa học nọ do muốn đốt cháy
giai đoạn đã ngụy tạo phát minh. Tuy nhiên cũng phải
thấy rằng họ đang tiến gần tới trình độ tiên tiến
nhất của thế giới. Chúng ta vẫn đòi hỏi nhà nước
phải tăng kinh phí cho khoa học. Thực tế thì kinh
phí vẫn tăng hàng năm. Nhà nước không thể chi nhiều
hơn số tiền mà nền kinh tế hiện tại cho phép. Đồng
tiền của dân không phải để chúng ta chia phần nửa
theo kiểu bao cấp XHCN là cào bằng, nửa theo kiểu
phong kiến là ưu ái một số cá nhân và nhóm người nào
đó có vị thế - không tương xứng với đóng góp khoa
học của họ. Nó phải được phân phối hiệu quả theo
cách để thúc đẩy phát triển khoa học theo những
chuẩn mực nghiêm túc và thi đua cạnh tranh lành
mạnh. Khoa học có những đặc thù riêng so với sự vận
động của nền kinh tế vốn được quyết định bởi các quy
luật của thị trường: có những vấn đề có thể được
giải quyết ngay để đáp ứng nhu cầu thực tế cấp bách,
có vấn đề cần có những đầu tư nghiên cứu dài hơi
hơn, nó cần có sự cân đối hài hoà từ các nghiên cứu
sâu sắc và bao quát tới việc mổ xẻ những vấn đề rất
cụ thể của thực tiễn, và khoa học luôn chứa đựng
những bất ngờ có tính đột phá. Bởi vậy các quốc gia
tiên tiến đều coi trọng và tài trợ những kinh phí
bao cấp cho khoa học. Nhưng không vì thế mà hoạt
động khoa học thoát khỏi các chuẩn mực nghiêm ngặt
và cạnh tranh thi đua lành mạnh - vốn luôn là động
lực phát triển của tất cả các lĩnh vực hoạt động của
đời sống xã hội. Thật bi hài là thành tích xây dựng
lực lượng khoa học thời bao cấp XHCN của chúng ta
lại đang là một nhân tố gây ỳ cho sự phát triển tiếp
theo của khoa học. Liệu chúng ta có dám mạnh dạn cải
cách? Cụ thể hơn nữa là chúng ta có học được cách
cải cách khoa học của người TQ, như chúng ta đã làm
được trong lĩnh vực kinh tế? Có cần thiết phải mời,
thuê chuyên gia nước ngoài giúp chúng ta quản lý và
giám định các hoạt động khoa học, như trong kinh tế?
Một số bạn đồng nghiệp trong và ngoài Viện Cơ học
muốn tôi, từ vị thế của một người làm nghiên cứu KH,
phát biểu gì đó đóng góp cho sự nghiệp chung. Nói ra
không chỉ có thể làm mất lòng một số chức sắc KH, mà
còn động chạm tới nhiều đồng nghiệp vốn đã quen với
nếp sống và cách làm việc cũ. Tuy vậy tôi thấy rằng
đã đến lúc cần phải gửi bức thư ngỏ này trình bầy
những băn khoăn của mình, lần đầu tiên được sắp xếp
lại và viết ra, với hy vọng có thêm một ý kiến đóng
góp có ích cho xã hội.
Hà nội, ngày 16 tháng 9 năm 2006
|