Kiến nghị xóa độc quyền xuất bản sách giáo khoa

Vietsciences-Nam Quốc         12/05/2007
 

Kết luận thanh tra Nhà xuất bản Giáo dục : Càng độc quyền càng lãi, càng lãi giá sách càng… cao!

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình vừa ký kết luận thanh tra Nhà Xuất bản Giáo dục (NXB GD), qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xóa độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK) trong năm 2007-2008.

 

Lãi 345,8 tỷ đồng...

NXB GD hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Công ty mẹ có 10 đơn vị và có 13 công ty con hạch toán độc lập. Từ năm 2002 đến 30-6-2006, NXB GD đã phát hành số sách kỷ lục với 891 triệu bản.

Trong đó, sách giáo dục chiếm phần lớn với 821,8 triệu bản, các loại sách khác chỉ chiếm 69,1 triệu bản. Nhìn vào kết quả tài chính từ năm 2002 đến nay, có thể thấy đây là doanh nghiệp có khoản lãi rất lớn.

Doanh thu bình quân của NXB này đạt từ 800 đến 900 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trước thuế có năm đạt tới 93,8 tỷ đồng và đạt tổng lợi nhuận 345,8 tỷ đồng kể từ năm 2002 đến tháng 6-2006. Lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn này cũng không tồi chút nào với 236,9 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thực ra, số lãi trên không phải do lãnh đạo NXB “tài giỏi” gì mà chủ yếu do được độc quyền in, phát hành SGK. Theo đó, từ năm 1997 đến năm 2002, Ban Vật giá Chính phủ là cơ quan định giá bán lẻ SGK thống nhất trong cả nước. Từ năm 2002 đến nay, NXB GD được định giá (sau khi Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT phê duyệt). Từ năm 2002 đến nay, giá bán SGK vẫn được giữ ổn định và áp dụng thống nhất trong cả nước.
 

Khai tăng chi phí hàng trăm tỷ đồng
 

Theo kết luận thanh tra, giá bán SGK được xây dựng từ năm 2002 trên cơ sở giá thành kế hoạch và lợi nhuận định mức theo phương án ổn định giá bán từ năm 2002 đến 2010. Căn cứ số liệu báo cáo của NXB GD về một số nội dung chi phí bao gồm khấu hao tài sản cố định, chi phí hoạt động tài chính, nhuận bút, phim ruột và phim bìa từ năm 2002-2005 cho thấy: các chi phí này có giá thành kế hoạch cao hơn chi phí thực tế 25,478 tỷ đồng/năm, bằng 3,2% doanh thu. Như vậy, có thể thấy trong 5 năm qua, chi phí đưa vào giá thành đã cao hơn chi phí thực tế hàng trăm tỷ đồng.

Theo giải trình của NXB GD thì đơn vị này xây dựng giá bán SGK ổn định trong 10 năm. Vì vậy giá bán sách đã bao gồm cả các chi phí phát sinh, sẽ tăng trong những năm tới như giá giấy tăng (khoảng 5-7%/năm), các chi phí về tiền lương, tiền điện, xăng dầu cũng tăng khoảng 5-8%/năm.

Thêm nữa, NXB GD còn dự báo trong giai đoạn 2007-2012, số lượng SGK phát hành sẽ giảm khoảng 40% làm cho giá thành đơn vị sản phẩm tăng,... Do vậy, khi xây dựng giá đã tính đến các yếu tố trên nhằm đảm bảo giữ giá ổn định trong giai đoạn dài! Như vậy, có thể thấy phụ huynh học sinh đã phải chi mua SGK với giá cao hơn nhiều so với thực tế.

Qua kiểm tra công tác theo dõi chi tiết giá thành cho thấy: đơn vị hạch toán đầy đủ chi phí trong giá thành nhưng chưa hạch toán giá thành đầy đủ cho từng đầu sách. Do vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý tài chính về giá thành sản phẩm và khó khăn cho công tác kiểm tra, phân tích đánh giá giữa giá thành thực tế và giá bán. Thanh tra Chính phủ yêu cầu NXB GD chấn chỉnh công tác quản lý giá thành để đáp ứng yêu cầu quản lý theo quy định của nhà nước.

Chi phí phát hành cao hơn hẳn khu vực

Vẫn theo kết luận thanh tra, phụ huynh học sinh còn phải “cõng” những chi phí hết sức vô lý khác, điển hình là chi phí chiết khấu giá thành SGK (chi phí phát hành): Chiết khấu bình quân trên cả nước là 24%/giá bìa. Theo báo cáo của Vụ pháp chế, Bộ GD-ĐT và NXB GD thì tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung của cả khu vực khoảng 4%!

NXB GD là đơn vị duy nhất được nhà nước giao xuất bản SGK, do vậy công tác xuất bản SGK đang là độc quyền. Qua thanh tra cho thấy, việc độc quyền SGK có hạn chế là: do độc quyền xuất bản SGK nên không có sự cạnh tranh để giảm giá bán, không tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giữa các nhóm tác giả biên soạn; không có sự lựa chọn một số bộ SGK tối ưu để đáp ứng tốt nhất công tác giảng dạy và học tập.

Vì thế, Thanh tra CP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT “nghiên cứu hoàn thiện cơ chế xóa độc quyền xuất bản SGK”. Trong trường hợp giữ nguyên cơ chế cũ thì Bộ GD-ĐT chỉ đạo NXB GD giảm giá bán SGK, cần thiết có thể xây dựng giá cho từng năm học. 

NAM QUỐC

SGGP: ngày 06/04/2007

  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org