Về một mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học

Vietsciences-Nguyễn Minh Thọ      24/03/2007
 

Những bài cùng tác giả

      Khi phải bàn về những vấn đề của giáo dục ở Việt Nam hiện nay, chắc không ít người sẽ kêu lên: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!…”. Vâng, khổ lắm, song vì sự hệ trọng của nền giáo dục với tương lai dân tộc, không thể không tham gia vài ý kiến, nên tôi xin được thêm một lần tản mạn về một vấn đề không nhỏ: nghiên cứu khoa học (NCKH). Các nhà giáo dục đều nhận rõ rằng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, một trong những việc phải làm ngay là nâng cao chất lượng NCKH. Làm thế nào để NCKH tại VN có chất lượng, được đồng nghiệp trên thế giới biết đến?

      Ông Đào Văn Lượng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cũng là một giáo sư khoa Công nghệ hóa học trường Đại học Bách khoa TPHCM, trong một tổng kết về hoạt động NCKH, trước khi mãn nhiệm kỳ, đã viết: “Một trong những trăn trở chính là khả năng và cơ chế tập hợp lực lượng khoa học, khơi nguồn chất xám… loay hoay mãi mà chưa làm được tốt hơn. Tôi cũng nhiều lần tự hỏi vì sao nhà khoa học của ta được “ném” vào guồng máy của các nước tiên tiến thì chạy khá tốt, nhưng cùng với những con người ấy, làm việc trong guồng máy của ta thì lại có những hạn chế” (Tuổi Trẻ, 25/06/2006). Có dịp cùng hướng dẫn vài nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ tại trường Bách Khoa trong mấy năm qua, tôi hoàn toàn chia sẻ trăn trở này của ông.

      Cũng như mọi ngành khác, hoạt động NCKH cần hội đủ vài điều kiện: phương tiện thiết bị, ngân sách, nhân lực, cơ chế tổ chức, v.v… Hãy xét nhanh về các điều kiện này:

      i) Phương tiện - thiết bị:

Hiện nay rất nhiều phòng thí nghiệm ở các viện nghiên cứu hay đại học quốc gia… được trang bị nhiều máy móc, thiết bị khá hiện đại. Chẳng hạn, cùng với phát triển nhanh của ngành công nghệ thông tin, nhiều nhóm hiện có những giàn máy tính điện tử không thua kém gì các nhóm tương tự ở Đông Nam Á hay Âu châu (Đông Âu). Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, có được thiết bị tốt không phải là việc khó. Có tiền, có ngân sách là mua được ngay (trừ khi bị cấm vận). Việc còn lại là các thiết bị tối tân này được sử dụng ra sao cho việc NCKH, điều này tùy thuộc vào bản lãnh, kiến thức và việc tổ chức, quản lý.  

     ii) Ngân sách:

Hiện nay ngân sách nhà nước VN được chính phủ dành cho ngành giáo dục nói chung, và NCKH nói riêng, là không nhỏ so với  tổng thu nhập quốc dân (GDP). Một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước nhận được nhiều tỉ đồng trong một vài năm, con số mà nhiều nhóm nghiên cứu ở Tây Âu mong ước! Vấn đề là ngân sách này đã và đang được sử dụng như thế nào cho mục đích NCKH? Tôi biết một đồng nghiệp xin được 3 tỉ đồng VN để xây dựng một giàn máy tính điện tử rất mạnh, song cơ quan không có nguồn kinh phí trả cho lương cho nghiên cứu sinh (NCS) nên ít có người sử dụng, cuối cùng giàn máy hầu như bỏ không, và một vài năm sau xuống cấp… Nhiều lãng phí như thế có thể được kể ra.

       Một điều bất cập là các chương trình nghiên cứu ở VN không có khoản ngân sách dùng để trả học bổng (lương) cho sinh viên, nghiên cứu sinh (SV-NCS) và cộng tác viên.  Học viên thạc sĩ ít khi nhận được thù lao, NCS phải làm một việc gì khác để sống. Trong khi đó những chương trình nghiên cứu liên bang của Bỉ dành ít nhất 60% ngân sách để trả lương cho cộng tác viên, học bổng cho sinh viên. Việc SV-NCS không có đồng lương đầy đủ, ổn định bằng ngân sách của trường, hay của giáo sư hướng dẫn, làm họ không toàn tâm, toàn ý hoạt động khoa học. NCKH là một hoạt động tư duy sáng tạo, đòi hỏi một sự tập trung cao nhất để có được khám phá dẫn đến những công trình khoa học. Theo tôi, cần có quy định rõ ràng về việc trả thù lao cho SV-NCS, chứ không phải tùy vào sự tử tế (và tùy tiện) của các chủ nhiệm đề tài.

     iii) Nhân lực:

Như trong một đội quân ra trận, có tướng và có quân, việc một SV hay NCS VN làm được việc trong một phòng thí nghiệm ở nước ngoài song lại không được việc ở trong nước, cho thấy rằng cái “loay hoay” nói trên không phải vì SV-NCS VN, tức là quân trong NCKH, thiếu khả năng. Do đào tạo thiếu cập nhật ở bậc đại học, bị khá nhiều lỗ hổng trong kiến thức cơ bản, sinh viên VN thường gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ đầu khi ra học ở nước ngoài. Song đa số đều có thể tiếp thu kiến thức mới, lấp lỗ hổng và sau khi được hướng dẫn, bắt đầu nghiên cứu độc lập sau một thời gian ngắn. Tóm lại, có thể nói trong NCKH ở VN, quân không tệ, song tướng không giỏi!

     Về điểm này, ông Đào văn Lượng có viết: “…chúng ta chưa có những “thủ lĩnh” tầm cỡ… Tôi nghĩ ở VN hay TPHCM, để tìm kiếm những thủ lĩnh này rất khó khăn” (TT, 25/06/2006). Có lẽ NCKH VN hiện nay đang thiếu trầm trọng những con chim đầu đàn đủ sức bay cao, bay xa, và nhất là biết dẫn đàn bay về hướng nào!.

      iv) cơ chế tổ chức:

Trong hoàn cảnh nhân lực trên, một giải pháp được đưa ra (từ lâu) là đưa SV-NCS đi học tập ở các nước khoa học tiên tiến. Chẳng hạn, chính phủ đưa ra “chương trình 322” dài hạn nhằm đưa nhiều SV-NCS ra nước ngoài học tập bằng ngân sách nhà nước VN. Trong quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều chương trình học bổng của các nước tiên tiến được lập ra dành cho SV-NCS VN. Song như đã nói ở trên, không ít người thành công xuất sắc luận án tiến sĩ ở nước ngoài, khi về VN, vào lại guồng máy cũ, vẫn không, hay chưa, mang lại hiệu quả mong muốn.

      Sau mười năm, hàng loạt tiến sĩ được đào tạo và về nước, song vẫn thiếu vắng những con chim đầu đàn trong NCKH! Các chương trình hợp tác khoa học, đồng hướng dẫn NCS với các đại học Tây Âu (co-tuteur, co-promoter, sandwich doctoral programs) được đưa ra, rất hợp lý trên lý thuyết, song trên thực tế, việc hợp tác vẫn còn tiến triển theo một chiều. Trong thời gian ở VN của chương trình học tập, các SV-NCS thường không thực hiện được nhiều, vì thường phải lo chạy hàng trăm việc, có tên và không tên, cho cơ quan; họ ít có thì giờ tập trung cho việc nghiên cứu. Các giáo sư hướng dẫn VN thường đóng vai trò khá khiêm tốn trước đồng nghiệp của mình. Các đề tài nghiên cứu thường do các đồng nghiệp bên ngoài đề nghị. Tôi sợ rằng trên thực tế, mục tiêu của “chương trình 322” nhằm đào tạo tiến sĩ theo nhu cầu đất nước theo hướng này khó mà thực hiện được. Trong năm 2006, với nguồn nhân lực và đầu tư không nhỏ của nhà nước, ngành hóa học của cả nước chỉ công bố được không quá vài mươi công trình trên các tạp chí quốc tế. Con số khiêm tốn này chỉ bằng kết quả của một nhóm trung bình ở Âu, Mỹ. Đó là số lượng, còn chất lượng của các bài báo này là một vấn đề khác.

         Nói cho cùng, NCKH cũng khó có thể vượt qua hoàn cảnh và trình độ phát triển chung của đất nước. Đây là kết quả của một giai đoạn lịch sử vừa qua, và còn là của những chính sách giáo dục và đào tạo liên tục không phù hợp với phát triển kinh tế và văn hóa. Để thật sự vươn lên đạt được sự phát triển trong NCKH, thiết nghĩ cần thực hiện ngay những giải pháp đột phá, vượt khuôn khổ (non-conventional).

         Trong năm qua, ở trường đại học này, viện nghiên cứu kia, đã thấy bắt đầu có vài giáo sư, chuyên gia VN ở nước ngoài được mời về giữ những trách nhiệm như chủ nhiệm bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu…. Dù những người này vẫn phải hoạt động trong một khuôn khổ có sẵn, đây là một bước phát triển đáng khích lệ, kết quả cần được để ý.

       Gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tiến thêm một bước mới khi đề nghị lãnh đạo thành phố thực hiện một cách tổ chức khác: TP thành lập một viện nghiên cứu hoàn toàn mới, do một nhóm giáo sư, chuyên gia người VN ở nước ngoài, thật sự là những con chim đầu đàn trên thế giới, thiết kế sơ đồ tổ chức, đề nghị nội dung nghiên cứu, và tổ chức thực hiện. Người viện trưởng, viện phó, người hướng dẫn… cũng như đa số thành viên hội đồng khoa học có thể là người nước ngoài. Thành phố cung cấp phương tiện và ngân sách, song cho phép viện này có được quyền tổ chức nhân sự và quản lý ngân sách theo quan điểm của mình (trong khuôn khổ pháp luật hiện hành). Ví dụ như để có thể thu hút được nhiều nhân tài trong ngành, viện có thể đưa ra một chế độ tiền lương và khen thưởng riêng, đảm bảo đời sống cho các nhà nghiên cứu để họ không phải lo tìm cách kiếm ăn bên ngoài.

.        Viện mới này không thay thế các cơ quan đang tồn tại, song điều quan trọng là khi triển khai NCKH, viện có thể tập hợp các nhóm nghiên cứu hiện có ở thành phố (trong cùng một ngành song thường chẳng thể hợp tác với nhau) để cùng hoạt động, với mục đích giúp đào tạo nhân lực, hỗ trợ kiến thức, và hướng đề tài NCKH theo chiều hướng quốc tế. Các nhóm ở các cơ quan khác nhau đều có thể tham gia và sử dụng trang thiết bị của viện. Họ sẽ thực hiện những đề tài chung, có ngân sách chung đề họ thuờng xuyên gặp gỡ, giới thiệu kết quả và thảo luận. Và các cơ quan chủ quản có cơ chế để dành cho họ thời gian nhiều nhất cho việc nghiên cứu. Viện này có thể tìm được nguồn ngân sách trong nước như các chương trình nghiên cứu, các đề tài NCKH cấp tỉnh, thành phố, Bộ, Nhà nước, … hoặc cũng có thể nhận những đề tài nghiên cứu quốc tế hay từ các công ty. Viện sẽ là nơi dành cho những ai có khả năng và đam mê hoạt động khoa học, tạo điều kiện thật sự cho họ làm NCKH mà không phải lo việc cơm áo. Điều đáng mừng là sau nhiều cân nhắc, chính quyền thành phố đã chấp nhận mô hình tổ chức này. Hy vọng mô hình này sớm được triển khai và thành công.

        Song một mô hình khác, có thể xem là “thoáng” hơn, đang được triển khai thí điểm ở… Trung Quốc (TQ)! Theo tôi nghĩ, đây cũng là một mô hình rất thực tiễn và khả thi.

        Giống như những công ty quốc tế lớn mở chi nhánh ở nước đang phát triển, các phòng thí nghiệm của ĐH Mỹ cũng bắt đầu mở những chi nhánh của họ ở các trường ĐH TQ. Tức là họ đến mở một phòng thí nghiệm tại một đại học TQ, và coi đó là một vệ tinh, một bộ phận của phòng thí nghiệm chính ở Mỹ. Người giáo sư Mỹ là người đứng đầu phòng thí nghiệm ở TQ, điều hành thực hiện chương trình nghiên cứu của họ, song các trường ĐH TQ đầu tư cơ sở hạ tầng,  ngân sách cho thiết bị và nhân sự. Người chủ nhiệm có toàn quyền triển khai chương trình nghiên cứu của mình, song phải chọn nhân viên, NCS từ ĐH TQ. Các công trình nghiên cứu được công bố với tên của hai trường. Theo tôi biết, các đồng nghiệp người Mỹ không đòi hỏi gì nhiều, họ làm việc ở Mỹ và TQ, song chủ yếu hưởng lương ở Mỹ; và ĐH TQ chịu toàn bộ chi phí cho họ như đi lại, ăn ở, bảo hiểm sức khỏe... trong thời gian họ làm việc ở TQ.

        Đối với các giáo sư, chuyên gia nổi tiếng, các trường ĐH Trung Quốc đã/đang phải bỏ hàng triệu đô la để thu hút họ đến TQ, giúp xây dựng một ngành khoa học. Họ hiểu rằng, xây dựng được một phòng thí nghiệm hiện đại có tên tuổi, được hướng dẫn bởi một con chim đầu đàn, và nhất là việc dần dần xây dựng môi trường, cách tổ chức và tinh thần NCKH như ở Âu-Mỹ, thì mô hình này là cách đầu tư “rẻ” cho chất xám, và như ta hay nói, là một cách “đi tắt đón đầu”… Tùy bản lãnh học hỏi tiếp thu, phía TQ đào tạo được tại chỗ nhiều hơn những con người có tri thức và biết cách làm NCKH!.

         Như vậy, trong mô hình này, thông số chính là có được nguồn đầu tư ban đầu, và tìm được những chuyên gia “chim đầu đàn” sẵn sàng về/đến làm việc ở VN, dù họ là người Việt sống ở nước ngoài, hay người nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình này có thể áp dụng được ở VN chưa?. Lại một vấn đề tổ chức và cơ chế!

Leuven, Bỉ, ngày 6 tháng 3, 2007.

Nguyễn Minh Thọ

Giáo sư Hóa học, Đại học Leuven, Bỉ

Đã đăng lên báo Tuổi Trẻ

© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Minh Thọ