Mỹ: 200.000 bằng giả mỗi năm

Vietsciences-Thanh Tuấn               15/01/2010

 

Những bài cùng đề tài

TT - Do cạnh tranh tìm việc ngày càng khốc liệt, nhiều người Mỹ tìm cách làm đẹp hồ sơ xin việc bằng cách mua bằng giả. Một số chuyên gia ước tính số bằng giả bán ra tại Mỹ có thể lên tới 200.000 bằng/năm.

GS George Gollin đang giúp các cơ quan mật vụ Mỹ điều tra ngành công nghiệp bằng giả

 

Một ngày tháng 8-2002, giáo sư vật lý George Gollin đang làm việc tại văn phòng thì nhận được thư quảng cáo bán bằng đại học. Thấy loại thư này liên tục xuất hiện, ông quyết định gọi số điện thoại trên đó để hỏi lại tin tức. Không có người trả lời, ông để lại tin nhắn và vài ngày sau nhận được điện thoại từ một người đàn ông. Người này gạ bán nhiều loại bằng khác nhau của một trường đại học tên Parkwood.

Đại học “nhái”

GS Gollin, người có bằng Đại học Harvard và lấy bằng tiến sĩ tại Princeton, vô cùng ngạc nhiên khi người đàn ông này hào hứng kể rằng chỉ với 4.400 USD có thể mua bằng tiến sĩ về quản lý hệ thống. Tò mò, GS Gollin quyết định tìm hiểu trên trang web ĐH Parkwood theo quảng cáo.

Thoạt nhìn, nó giống như trang web của rất nhiều đại học khác với đường dẫn tới các trang thông tin hỗ trợ sinh viên, chương trình học và các khoa. Nhưng ông Gollin nhanh chóng phát hiện chương trình học của Parkwood được sao chép toàn bộ từ trang web của ĐH Central Florida. Ông cũng phát hiện một loạt tên trường giả và những cái tên này xuất hiện trên vô số sơ yếu lý lịch của những người trong ngành giáo dục, kinh doanh và các ngành nghề khác.

Cảnh sát sau đó đã phát hiện hàng trăm tấm bằng khống và con dấu của hơn 20 cơ sở đào tạo khác nhau tại văn phòng của Dixie Radock ở Post Falls, bang Idaho. Cảnh sát ước tính công ty này đã bán số bằng trị giá khoảng 7 triệu USD cho khoảng 9.600 khách hàng tại 131 quốc gia.

 

Một bằng giả mang tên ĐH Saint Regis - Ảnh: Wired Magazine

 

Học một tuần có bằng thạc sĩ

Theo GS Gollin, việc thành lập các công ty bán bằng giả rất đơn giản: chỉ cần tạo một website giống trang web của một ĐH thật. Trang web có luôn cả phần cho phép khách hàng trả tiền trên mạng và địa điểm cho phía tuyển người tới kiểm tra liệu có phải bằng thật hay không. Để tăng độ tin cậy cho bằng giả, một số công ty bán bằng dựa vào “kinh nghiệm thực tế” của người mua hoặc tổ chức một số khóa học ngắn. Thay vì học 1-2 năm cho một bằng thạc sĩ, các khóa học này chỉ kéo dài cỡ một tuần.

Cũng có một số người bị lừa khi tin mình có bằng hợp pháp, nhưng theo ông Gollin, phần lớn người mua bằng đều biết đó là bằng giả. “Thông thường bằng giả dễ đem lại lợi thế cho những người đang muốn thăng chức hoặc muốn tìm việc ở công ty muốn người làm có bằng cấp”, GS Gollin giải thích.

Theo Wired.com, các công ty bán bằng giả của Mỹ bán xấp xỉ 200.000 bằng giả mỗi năm khắp toàn cầu. Trong số này khoảng 1/3 là bằng tiến sĩ trở lên và trung bình người mua phải trả khoảng 1.000 USD/ bằng. GS Gollin còn phát hiện cả công ty bán bằng tiến sĩ cho các dược sĩ với giá 10.000 USD/bằng.

Khách hàng thuộc mọi tầng lớp: nhân viên Bộ Quốc phòng, NASA, nhân viên cứu hỏa... Tất cả đều dùng bằng giả để làm đẹp hồ sơ thăng chức hoặc tăng lương. Nhưng sẽ đáng sợ hơn khi kẻ dùng bằng giả vào làm việc ở những cơ sở nhạy cảm. GS Gollin có bằng chứng về một người Mỹ mua bằng cử nhân kỹ sư hạt nhân và hiện đang làm trong phòng điều khiển của một nhà máy điện hạt nhân.

 

Đề phòng bằng giả không khó

Theo ông Gollin, có một số cách đề phòng bằng giả. Phổ biến nhất là công ty tuyển người có thể liên lạc trực tiếp với trường đại học để xem trường có cấp bằng cho người tên đó hay không. Ngoài ra, nếu có bằng sau đại học, thường người học sẽ phải viết luận văn và công ty tuyển người có thể đòi hỏi đọc qua luận văn đó. Nếu họ không cung cấp được thông tin người hướng dẫn luận văn, đó là lúc có thể đặt dấu hỏi về tính chân thực của tấm bằng họ nộp.

 

THANH TUẤN
(Theo CNN, Wired Magazine)

 

           http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org